Cách điệu trong nghệ thuật tạo hình

1. Cách điệu:

* Cách điệu: Cách điệu, tiếng Pháp là stylisation, có nghĩa là bằng cách biểu đạt đơn giản nhấn mạnh ý chính cần nêu, phát hiện yếu tố đẹp của đối tượng đó, và có thể đem nó dùng làm mô típ trang trí.

* Khái quát hóa: Khái quát hóa là cơ sở của nghệ thuật. Chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa quan trọng của nó.

Thoạt đầu, nó có thể sánh với luật xa gần, với bố cục, nhưng chẳng có môn nào cơ bản bằng nó.

Chúng ta nên nhớ rằng khái quát hóa không phải chỉ là lược bỏ những chi tiết của một hình vẽ hoặc là công việc dở dang mà nó là một công việc rất phức tạp, tinh vi, điêu luyện, đó là công việc tinh lọc để giữ lại những hình thiết yếu.

Điều đó không có nghĩa là một chủ đề chỉ có thể có một cách giải quyết khái quát hóa duy nhất như ta giải một bài toán. Nhiều cách giải quyết có thể thực hiện, song tất cả các cách giải quyết chỉ có một điểm chung là diễn tả cái cốt lõi của sự vật.

Vì mục đích phát hiện ra cái cốt lõi của sự vật, chúng ta phải phân tích đối tượng mà chúng ta vẽ hoặc chúng ta nặn. Mỗi người trong chúng ta có sự quan sát và suy nghĩ riêng của mình, có thể loại bỏ những chi tiết thừa, tạo hình khái quát theo ý mình.

Nếu chưa nghiên cứu kỹ chúng ta chưa nên vẽ vội. Công việc khái quát hóa đòi hỏi chúng ta phải có phương pháp. Chúng ta cần quan sát nhiều và có thể phải tốn rất nhiều giấy để tìm ra hình khái quát.

Làm thế nào để đi đến khái quát hóa? Không một việc sáng tạo nghệ thuật nào mà trước đó lại không phải làm công việc khái quát hóa. Bước đầu là công việc phân tích và tổng hợp. Muốn miêu tả một hình phải phát hiện ra những đường nét cơ bản, đặc trưng của đối tượng. Cái đẹp đòi hỏi phải như vậy.

Thoạt tiên, cần nghiên cứu đối tượng thật kỹ, phân tích những đường nét cấu trúc của đối tượng. Tiếp theo là mở rộng sự tìm hiểu tới những đối tượng cùng loại, so sánh với những đối tượng khác loại, để tổng hợp, chọn lọc, rút ra những nét đặc trưng có tính thông tin cao để nhận biết đối tượng.

Khái quát ở đây không có nghĩa bắt buộc chỉ dùng vài nét bút chì. Điều cần là những nét đó phải đúng. Đúng cũng không hẳn là y hệt đối tượng, mà là đặc trưng của đối tượng.

Trong hội họa cũng như trong điêu khắc, có rất nhiều tác phẩm chỉ mới là ký họa hoặc chứa đựng đầy đủ mà trong óc tác giả đã muốn thành sản phẩm “modern” có nghệ thuật cao.

Thật là lầm to! Khái quát là cách biểu đạt đi tới đỉnh cao, là sự thấu triệt đối tượng. Sự giản dị mà do vài đường nét tạo thành phải là kết quả của quá trình nghiên cứu, suy ngẫm. Trái lại, nếu sự giản dị không xuất phát từ sự dày công nghiên cứu thì chỉ là một sự bôi bác lười nhác. Ví dụ một vài hình: con công, tranh dân gian Việt Nam; con gà của Picasso; con rùa, trang trí của Việt Nam; con lợn, tranh dân gian Việt Nam

Để thành công trong cách điệu hóa nghệ thuật một chủ đề, người nghệ sỹ cần: Biết cách “nhìn”, biết cách diễn tả.

Học “nhìn” ở đây có nghĩa là học quan sát. Điều này không khó nhưng nếu không biết cách thì rất khó, thậm chí còn lúng túng hoặc bị sa lầy vào những chi tiết.

Chúng ta cần chọn những yếu tố điển hình nhất của đối tượng miêu tả, tức là những yếu tố nói lên rõ ràng nhất hình dáng tiêu biểu nhất, không cần những chi tiết phụ.

Còn về cách diễn tả, thể hiện, cần phải lấy những hình đơn gainr, kỷ hà hóa những cơ sở, bằng cách chọn những hình gần nhất với hình có thật của nó và không có những chi tiết thừa. Ví dụ hình con ốc sên. Không có gì có thể giản đơn hơn thế nữa. Ở đây, ta thấy hình thiết yếu nhất của con vật không phải là ngẫu nhiên mà đó là kết quả nghiên cứu hình dáng thật của nó: những đường tròn tượng trưng cho vỏ ốc, đường lượn cong tượng trưng cho thân ốc, đang vươn bò.

Khi sử dụng đường nét, hình dáng, sự đơn giản hóa đem lại hiệu quả rất cao.

Chúng ta hãy so sánh những hình vẽ quan sát trực tiếp thực tế như con rồng Komodo, con cò, con chuột… với những con rồng, con cò, con chuột Mickey… vẽ theo cách khái quát hóa, cách điệu hóa, kết quả tính chất trang trí nổi bật, thẩm mỹ cao.

Khoảng cách giữa hình thực tới hình được khái quát cách điệu hầu như không có giới hạn, tùy theo khả năng nắm bắt tinh thần sự vật của người sáng tác và tùy theo tài khéo léo xếp đặt trình bày của tác giả.

Cũng cùng một mô típ con rồng nhưng mỗi thời đại lại có một cách diễn đạt khác nhau.

Cũng là cách điệu hóa nhưng mỗi dân tộc lại có một lối khác nhau.

Không những thế, tùy theo chất liệu sử dụng, việc khái quát, cách điệu cũng khác nhau. Thể hiện trên mặt phẳng khác với thể hiện trên khối, trong không gian, thể hiện trên đường diềm, trên tranh, khác với thể hiện trong kiến trúc. Chúng ta dễ nhận ra đặc điểm đó qua các hình vẽ.

* Cách điệu hoa lá, chim muông, chữ, thú, vật:

- Phương pháp cách điệu hoa lá: Cách điệu hoa lá có nhiều phương pháp và còn tùy theo chất liệu, tùy theo khuôn khổ, hình dáng đồ vật mà người nghệ sỹ đưa hình hoa lá vào.

Cách điệu hoa lá vào đường diềm văn bia khác với cách điệu hoa lá trên áo, trên quạt…

Trước khi cách điệu ứng dụng vào trong từng môi trường, chúng ta cần làm bố cục cho đẹp mắt rồi hãy đi vào chi tiết. Tùy theo yêu cầu và ý nghĩa của đối tượng cần trang trí mà khai thác khía cạnh khác nhau của sự vật. Thí dụ cũng là cây có khi khai thác hình dáng của những lùm cây, có khi khai thác vẻ đẹp của lá cây, nhưng cũng có khi khai thác vẻ đẹp của cành cây, dây leo, màu sắc của đám lá. Cũng có khi thiết kế hình rồng ta lại dùng lá làm yếu tố tạo hình, miễn sao đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ.

- Cách điệu chim muông cầm thú: Cách điệu thể loại này khó hơn thể loại trên. Điều thứ nhất chúng ta cần nắm vững giải phẫu học động vật. Sau đó tùy theo từng yêu cầu và tùy theo chất liệu, khuôn khổ mà cách điệu.

Trong lúc cách điệu, chúng ta có thể biến dạng, thay đổi nhưng có điều cốt lõi là phải tôn được vẻ đẹp của con vật, tránh những sự nghịch mắt.

- Cách điệu chữ: Chúng tay hay gặp những chữ Hán cách điệu trong các kiến trúc đình đền, chùa, nhà cổ và dùng trong một số tập tục khác.

Nhiều khi do không biết phương pháp cách điệu chữ nên chúng ta không nhận biết được mặt chữ thật sự của nó, nên không hiểu nghĩa. Ngược lại, khi cần cách điệu chữ, hay nói cho đúng hơn, khi cần dòng chữ cách điệu thì ta lại làm không đúng, do đó chữ đó không có nghĩa gì.

Chữ Hán là loại chữ vẽ hình lấy ý, tượng hình, có chữ thể hiện cách hợp ý, có chữ dùng đồng âm hoặc kết hợp âm và nghĩa.

Đến loại chữ La tinh mà chúng ta đang dùng trong chữ quốc ngữ, việc cách điệu có phần nào đòi hỏi tinh tế hơn, làm sao để người đọc vẫn nhận ra mặt chữ, đó là điều quan trọng nhất.

Chúng ta hãy xem hình cách điệu của ba chữ cái A, B, C, theo dạng tròn xoáy… Chúng ta cũng chỉ nên dùng hạn chế trong một số trường hợp thật cần thiết mà thôi. Thí dụ: nhân viết tắt trên giấy viết thư, chữ đầu viết tắt trong các biểu tượng, chữ đầu trình bày trong sách…

- Cách điệu người: Vẽ cách điệu người, lại là một vấn đề thật khó. Tuy vậy, trong các di vật từ xưa để lại, trong nước cũng như các châu lục khác, chúng ta thấy không hiếm những hình người cách điệu trong đồ gốm, đồ đồng, tượng, phù điêu, kiến trúc, đền đài, miếu, tháp.

Chúng ta hãy xem một số hình người cách điệu trên trống đồng, hình người cách điệu của các dân tộc khác trên thế giới.

Ở đây, chúng ta gặp nhiều hiện tượng biểu đạt sự tín ngưỡng: người và chim, người và thú v.v…

Múa là một bộ môn mang tính tạo hình cao. Cách điệu trong múa, trong nghệ thuật tuồng, mặt nạ, nghệ thuật kịch câm rất cần thiết và rất điêu luyện: vừa cách điệu tĩnh lại vừa cách điệu động.

- Cách điệu trong tranh, trong điêu khắc và trong kiến trúc: Đã nói đến nghệ thuật hội họa, nghệ thuật điêu khắc hay nghệ thuật kiến trúc không thể không đề cao vai trò của công việc cách điệu. Hay nói cho đúng hơn là trên cơ sở cái thế giới tự nhiên thứ hai, cái thế giới tự nhiên thứ hai phải có “hồn” hơn cái thế giới tự nhiên thứ nhất. Công việc đó chỉ có người nghệ sỹ mới làm được.

Người nghệ sỹ phải quan sát tinh tường, phải hiểu biết rõ ràng, cảm xúc mạnh mẽ, có trí tưởng tượng cao, nắm bắt được cái “thần” của sự vật, để đưa lên mặt tranh, lên chất liệu đất, đá, gỗ hoặc trừu tượng hóa cao để đưa vào không gian tạo thành những công trình kiến trúc đặc sắc, nâng cao thẩm mỹ môi trường rộng lớn, một thiên nhiên thứ hai hình thành, người ta thường ví nó như vậy.

Ngày nay, khoa học kỹ thuật tiến bộ rất nhanh, những hình ảnh chụp được không những rõ ràng lại còn có màu sắc phong phú. Không vì thế mà nó có thể thay thế được những tác phẩm nghệ thuật đích thực.

Điều cốt lõi của những tác phẩm nghệ thuật là dựa vào những hình tượng trong thiên nhiên, người nghệ sỹ nhào nặn, khái quát, chắt lọc, hư cấu, cường điệu, biến thể… để gửi vào tác phẩm của mình sáng tác ra một “tiếng nói” đặc biệt, cho người xem một cảm xúc tinh tế, một tư duy thẩm mỹ.

Nói tóm lại, cách điệu là thủ pháp tối ưu trong nghệ thuật tạo hình, bên cạnh những thủ pháp khác như hình họa, giải phẫu, phối cảnh, bố cục, màu sắc… nhưng nó cũng lại là hiệu quả của thủ pháp này. Nắm vững hình họa, giải phẫu, bố cục, màu sắc nhưng chúng ta lại thiếu khả năng khái quát, không phát hiện ra hoặc không khai thác được vẻ đẹp riêng thì cũng khó tạo ra được cái đẹp.

Nhờ có sự tổng hợp, sự khái quát, chúng ta mới có thể đi đến việc cá tính hóa những đặc điểm vật lý, đặc điểm tâm sinh lý v.v… mà những đặc điểm này sẵn có trong tự nhiên và chỉ có cấu trúc của từng loại đối tượng mới có.

Ở đây, chúng ta cũng cần nói thêm cách điệu hóa không có nghĩa là biếm họa hóa.

Biếm họa là kết quả của công việc cường điệu với mục đích giễu cợt, khôi hài. Những nét được cường điệu quá quắt cũng có mục đích thẩm mỹ, nhưng chủ yếu là khai thác khía cạnh đặc điểm gây cười của đối tượng.

Khi vẽ chân dung, cách điệu được sử dụng phân biệt giữa người này với người khác ở từng sự khác nhau nhỏ về hình thể và sự khác nhau về tâm lý, về nghề nghiệp, tập quán, về sự biểu cảm nội tâm v.v… Có kiến thức giải phẫu, làm chủ tuyệt đối đường nét, màu sắc… người nghệ sỹ có thể “chơi” vài nét thành bức chân dung cách điệu đầy cá tính, biểu cảm. Thoạt xem chúng ta tưởng như dễ, chúng ta đừng vội bắt chước.

Những cái đơn giản này dễ làm cho chúng ta lầm tưởng là dễ làm. Mỗi nét ở đây là một nét thật cần thiết, đã qua thấu kính tổng hợp, phân tích, chọn lọc của người sáng tạo.

Công việc cách điệu đòi hỏi mỗi con người chúng ta phải kiên trì nghiên cứu tìm tòi và nhạy bén phát hiện những yếu tố đẹp của đối tượng.

2. Hình vẽ:

cach dieu 1

cach dieu 2

cach dieu 3

cach dieu 4

cach dieu 5

cach dieu 6

cach dieu 7

cach dieu 8

cach dieu 9

cach dieu 10

cach dieu 11

cach dieu 12

cach dieu 13

cach dieu 14

cach dieu 15

cach dieu 16

cach dieu 17

cach dieu 18

cach dieu 19

cach dieu 20

cach dieu 21

cach dieu 22

cach dieu 23

cach dieu 24

cach dieu 25

cach dieu 26

cach dieu 27

cach dieu 28

cach dieu 29

cach dieu 30

cach dieu 31

cach dieu 32

cach dieu 33

cach dieu 34

cach dieu 35

cach dieu 36

cach dieu 37

cach dieu 38

cach dieu 39

- Nguyễn Thủy Tuân -