Các thành phần của một hình ảnh (Phần 2)
* Khuôn hình những nhân vật được nhìn từ sau lưng:
P. Janssens – “Người phụ nữ đọc sách”
Cho mãi tới thời kỳ gần đây nhất, các họa sĩ chỉ có thể diễn tả con người theo cách không gì khác hơn là với vai trò chủ đạo trong tranh (nhân vật luôn được thể hiện chính diện, 3 phần tư đằng trước hoặc nghiêng). Điều này đã thay đổi với các họa sĩ Hà Lan thế kỷ 17, những người đầu tiên đã dám thể hiện nhân vật rõ ràng được nhìn từ sau lưng. Vậy là trong một khung cảnh khuôn mặt không còn là điểm thu hút cái nhìn nữa, và những nhân vật lại dễ dàng hòa lẫn vào bối cảnh khi mà điều đó là cần thiết.
Trong lớp cảnh này của p. Janssens, cảnh được cắt nhìn từ phía sau lưng của nhân vật, thêm vào đó là sự bất động, biểu lộ khá rõ những ý định của nghệ sĩ chú ý hơn tới việc thể hiện bối cảnh êm đềm của nội thất Hà Lan, thanh bình, lặng lẽ, nhằm ca tụng vẻ trang trọng nơi ở của con người. Người phụ nữ này được xem trước hết như là một đồ gỗ giữa những đồ gỗ khác. Cô ta tham dự vào không gian chung, hơn là cô ta tạo ra nó. Ta cũng ghi nhận sự hiện diện của một tiền cảnh tương đối trống rỗng góp phần tạo nên vẻ tự nhiên hơn nữa cho khung cảnh (kiểu cắt cảnh này gần gũi một cách hiếm thấy với hội họa trước thời đại lớn của hội họa Hà Lan).
E. Degas (1834-1917) -“Thiếu phụ lau gáy nhìn từ sau lưng”
Người ta đã bình luận nhiều về thói quen của Degas khi đặt khuôn hình phía sau lưng người mẫu của ông hoặc để che giấu cái nhìn của họ … cho đến khi thấy dấu hiệu của một mối lo ngại vô căn cứ về giới tính phụ nữ ! Có lẽ đúng hơn là Degas, kẻ tìm kiếm không mệt mỏi cách đặt khuôn hình, từng hiểu trước cả những người khác rằng thứ bậc của các thành phần trong tranh quan trọng biết bao.
Là họa sĩ của động tác, thường chú ý tới cử động của nhân vật hơn là các biểu hiện của khuôn mặt, ông sử dụng mọi mưu mẹo ngắm nhìn mà vẫn che giấu được khuôn mặt của người mẫu để cho các cử chỉ và động tác được tôn vinh hơn.
Collants Well (Tất – vớ dài mỏng) – Ảnh quảng cáo của Lou Blitz
Tranh trên đây có đôi chút theo kiểu Degas mà các nhà quảng cáo ngày nay cố tình sắp đặt sao cho khuôn mặt cô gái – mà ta tưởng tượng là rất xinh – bị che khuất và do đó không làm lạc hướng chú ý tới sản phẩm được quảng cáo.
Hiroshige (1797 -1858) “Cảnh Mitsuke nhìn từ sông Tenryu”
Các họa sĩ Trung hoa và Nhật bản xưa cũng từng có thói quen đặt nhân vật của họ quay lưng lại với mục đích làm cho những nhân vật này hài hòa với phong cảnh chung. Sự biểu hiện của các nhân vật cũng như tình cảm của họ với vẻ dấu diếm khiến họ không chỉ đơn thuần là những mảng miếng của thiên nhiên mà đã hội nhập một cách hoàn hảo vào một thiên nhiên bao quanh rộng lớn hơn nữa.
Nhân đây, xin hãy chú ý tới sự đặc biệt giản dị của tổ hợp những đường định hướng của bức tranh khắc gỗ này: một đường ngang lớn, đối lập với một loạt đường xiên chéo, ít nhiều song song với nhau. Cũng hãy đồng thời quan sát cây sào tre dài trong tay đứa trẻ khiến mắt ta phải dõi theo bố cục từ thấp lên cao và ngược lại. Cuối cùng, xin chú ý vị trí của đường chân trời đặt trùng lên đường nhấn mạnh phía trên của khuôn hình, căn cứ vào quy tắc chia ba (một nguyên tắc cắt cảnh, tuy rằng tương đối hiếm ở các họa sĩ Nhật).
– Khi một hình người đang ở thế cạnh tranh với một con vật mà ta lại muốn gây chú ý tới con vật thì ta có thể đẩy người ra xa và kéo con vật lại cận cảnh. Nếu không, sẽ phải vận đến một vài tiểu xảo về khuôn hình (ví dụ: đặt người quay lưng lại trong khuôn hình).
– Trong một bức tĩnh vật hoặc trong một bức tranh mà chủ thể là các yếu tố bất động thì tốt nhất là loại bỏ tất cả các yếu tố sống và động.
Dù rất hiếm, cũng từng có ngoại lệ trong quá khứ khi một vài họa sĩ đã liều lĩnh đưa vào tranh tĩnh vật một con vật sống hay một người (Rembrandt từng thử một lần). Nhưng những bố cục lẫn lộn này đã không thu được thành công như dự tính theo kiểu nghiệp dư này và dư âm của nó thành chuyện ngoài lề của các bậc thầy tĩnh vật.
Ngược lại, tấm da lột của một con vật chết, đương nhiên là bất động, sẽ bớt gây chú ý hơn nhiều và sẽ có thể dễ dàng bày xen lẫn cùng các yếu tố bất động khác. Ấy thế mà, một xác người chết lại luôn bắt người xem phải tập trung chú ý đến mức quên cả những người sống đang hiện diện quanh nó (cái chết thật là bí hiểm).
– Khi có nhiều yếu tố có thể tạo ra sự cạnh tranh lẫn nhau, nhất là khi chúng ở cùng một trạng thái mà ta không muốn hoặc ta không thể loại bỏ bớt, thì giải pháp đơn giản nhất là chỉnh lại kích thước của chúng, theo hiệu quả chiều sâu của luật xa gần. Một vài yếu tố sẽ được đẩy ra xa, trong khi những yếu tố khác được kéo lại gần. Nếu thiếu hiệu quả phối cảnh, như thường thấy ở hội họa hiện nay, thì nhu cầu sắp xếp thứ bậc của các yếu tố khác nhau trong bố cục thường được giải quyết theo một loại phối cảnh được gọi một cách đơn giản là “ám thị”. Kích thước của các yếu tố mà ta muốn làm nổi bật sẽ được tăng lên một cách cân đối, và của các yếu tố thứ yếu sẽ bị giảm bớt (cả hai loại yếu tố này đều được nhìn thấy trên cùng một bề mặt duy nhất).
Chúng ta biết rằng ánh mắt không bao giờ dừng lại quá lâu trên những đường viền của một hình ảnh, do đó, nếu muốn giảm giá trị của hình ảnh này ta có một giải pháp khác là đưa yếu tố gây nhiễu vào đường viền để giảm bớt ảnh hưởng của nó. Các yếu tố khác sẽ được đưa vào khung hình ở vị trí trung tâm hơn, nếu không thì cũng là một trong những điểm gây được sự chú ý một cách tự nhiên tới hình ảnh.
– Một nhân vật ở cận cảnh sẽ chẳng hề bắt mắt nếu ta chỉ nhìn thấy lưng hoặc ngược sáng, hoặc khi các nét mặt nhạt nhòa (như đứng trong bóng tối chẳng hạn).
– Một dáng người bất động, lại có đường viền đơn giản thì ngay cả khi nó được đặt ở cận cảnh cũng ít bắt mắt so với một dáng người đang chuyển động hoặc một dáng người bất động được thể hiện trong một tư thế khác thường hoặc đặc biệt khiêu khích đối với ánh mắt.
Cuối cùng, chúng ta sẽ thấy còn có thể làm tăng giảm giá trị của các yếu tố trong tranh bằng cách sử dụng màu sắc, độ mạnh, sắc thái sự tương phản của chúng.
* Làm nổi bật một yếu tố sống động giữa các yếu tố tương tự:
G.Tiepolo (1696 – 1770) – “Người bán thuốc rong”
Ở thế kỷ 18, khi mà các tác giả cổ điển vẫn chỉ quen vẽ nhân vật nhìn chính diện thì việc bố cục một đám đông chỉ thấy lưng là rất khó hình dung. Thế mà Tiepolo đã dám thử. Không phải với mục đích làm ngạc nhiên hay gây bàng hoàng cho những người cùng thời mà chỉ nhằm biểu đạt nỗi buồn một cách hiệu quả nhất. Bằng cách làm giảm sự quan trọng của người bán thuốc rong và đám đông xung quanh, họa sĩ đã giành sự ưu tiên cho đôi thanh niên, đó là hai người duy nhất được đưa vào khuôn hình chính diện và dường như để chỉ định khán giả phải nhìn vào đó. Hơn nữa, cặp thanh niên lại được đặt đúng vào điểm được lợi tự nhiên của hình ảnh, nơi mà ánh mắt ta luôn có xu hướng dừng lại. Tuy nhiên, một nhân vật khác cũng được nhìn chính diện (người bán hàng rong, bên phải) nhưng lại ở ngay cạnh bo của bức tranh, ở nơi mà theo nguyên tắc ánh mắt sẽ chỉ dừng lại chút ít. Như vậy, đôi thanh niên được ưu tiên so với người này.
Hiroshige (1797 – 1858) – “Fuchu”
Có vẻ rất giống tranh truyện, bức tranh khắc gỗ này của Hiroshige là một ví dụ rất ý nghĩa về việc khai thác cùng một lúc kỹ thuật vùng đối vùng (champ-contre-champ) trong một hình ảnh. Việc đưa người cưỡi ngựa chỉ được nhìn từ sau lưng vào khuôn hình đã cho phép tạo ra sự chú ý tới cô geisha trẻ đang đón anh ta vào trạm nghỉ. Còn người lính dắt ngựa tuy cũng được nhìn chính diện nhưng lại quá lệch trọng tâm nên không thể thu hút sự chú ý so với chủ thể, hơn nữa con ngựa lại che lấp anh ta một phần. Cũng cần lưu ý là ở phía sau, những người đi bộ chỉ nhìn thấy lưng nên không quá thu hút sự chú ý của khán giả.
* Các chủ thể sống động trong sự cạnh tranh:
B.Morisot (1841 – 1895) – “Chiếc nôi”
Khi hai yếu tố sống động đang cạnh tranh lẫn nhau mà người ta muốn tăng sự chú ý cho một yếu tố trong khi không muốn giảm bớt yếu tố kia thì việc đưa vào khuôn hình phần lưng của yếu tố kém quan trọng không phải lúc nào cũng thực hiện được và cũng không như mong muốn. Như vậy sẽ cần phải giảm bớt sự quan trọng của 1 trong 2 yếu tố bằng một mẹo gián tiếp, ở đây, tấm màn mỏng (voan) của chiếc nôi đã làm mờ đi đôi chút khuôn mặt của em bé đang ngủ, làm tăng sự chú ý vào cái nhìn và sự biểu cảm của người mẹ.
Nhưng người ta cũng có thể thay đổi bằng cách sử dụng khung hình. Ví dụ, coi như đứa bé được người đàn bà bế trên tay lại là chủ thể mà chúng ta muốn nhấn mạnh (hình A), đơn giản chỉ cân làm lệch tâm vị trí của nhân vật thứ yếu (người mẹ), xén bớt hình ảnh, giảm bớt các mục liêu để nhìn và để tập trung tất cả sự chú ý vào đứa bé (hình B).
Quảng cáo: “Thức ăn cho chú chó trung thành”
Một con chó tự nhiên đẹp như vậy đó!
Minh họa cuốn “Đi săn ở xứ Sologne” của Patrick Arlet
Một ví dụ có ý nghĩa nữa ở đây là chúng ta thấy sự xuất hiện của người đi săn chỉ được gợi lên bằng một hình ảnh mồi trong khung hình. Như vậy chú chó đối tượng chính của hình ảnh quảng cáo này được tăng giá trị một cách hoàn hảo và đóng vai chủ thể hết sức rõ ràng.
* Che lấp chủ thể sống:
Vụ thu hoạch bia (quảng cáo)
Bia, ngũ cốc và nước tinh khiết, làm giảm cơ khát
Vì biết rằng sự hiện diện của nhân vật luôn cuốn hút người xem nên các nhà nhiếp ảnh quảng cáo thường sử dụng cách sắp xếp sao cho chủ thể sống bị che lấp để không gây tranh chấp ảnh hưởng với sản phẩm mà người ta muốn đặt lên trước. Đó là do những sản phẩm này thường là các loại có thuộc tính “trơ ì” (ở đây là một ôm cỏ houblon) hết sức kém hấp dẫn ánh mắt chẳng thể nào cạnh tranh với những yếu tố động hay chủ thể sống.
* Sự biểu cảm và động tác:
E. Degas (1834 – 1917) – “Những cô thợ giặt ủi”
Cho dù 2 người đàn bà ở đây được thể hiện trên cùng một dàn cảnh nhưng mỗi người lại bắt mắt theo một lý do khác nhau. Ở bên trái, cử chỉ của người đàn bà rõ ràng là phụ thuộc vào biểu hiện của mặt (ngáp). Ngược lại, ở bên phải, đầu của cô thợ ủi cúi xuống tới mức khó mà thấy được mặt (do một mảng màu xuất hiện đúng lúc như xóa đi các đường nét) nên chẳng thể nào đóng vai trò hấp dẫn được. Ánh mắt của người xem sẽ chỉ dừng lại ở cử động duy nhất của đôi tay đang ấn xuống chiếc bàn ủi.
Sự cụ thể hóa đến ngạc nhiên của 2 trạng thái đan xen nhau đã đưa tới cho họa sĩ một cặp nhân vật đối lập. Nếu muốn tạo sự chú ý tới cử chỉ (hoạt động) thì cần phải thể hiện một cách khác hoặc xóa hẳn khuôn mặt. Còn nếu muốn nhấn mạnh nét mặt và biểu cảm của nó thì sẽ làm giảm sự chú ý tới hành động.
Hãy lưu ý tới tài sử dụng nguyên tắc chia ba trong một tác phẩm dường như dựa trên các yếu tố động. Bên phải, cô thợ ủi được đặt chuẩn xác vào một trong những đường nhấn mạnh dọc của hình ảnh và cử động của bàn tay nhấn xuống bàn ủi được đặt đúng vào một trong những điểm được lợi của hình ảnh. Phía dưới, một đường xiên suốt như khép lại bố cục. giúp ngăn chặn sự trượt dài tai hại (theo động tác) của ánh mắt ra ngoài tranh.
>>> Các thành phần của một hình ảnh (Phần 1)
>>> HK không gian - Hình đa hướng