Các thành phần của một hình ảnh (Phần 1)
Chỉ ngoại trừ ở những tác phẩm trừu tượng, còn tất cả hình ảnh có nhiệm vụ chủ yếu là dùng để trình bày hoặc diễn đạt thực tế một cách ít nhiều trung thành, nhờ vào những hình, khối, nét lấy ra từ những gì nhìn thấy trên đời này. Những vật thể đó là những con người đang hoạt động hoặc bất động, các loài vật, mọi mặt của thiên nhiên, kiến trúc. v.v… nhưng không phải chúng đều có nhiệm vụ cuốn hút cái nhìn. Một vài trong số những thứ đó lại làm cho mắt ta bị cuốn hút và bị giữ lại lâu hơn so với những thứ khác, đôi khi làm cho ta thật sự bị quyến rũ. Vậy thì cần phải kiểm tra kỹ xem cái gì đã được đưa vào khuôn hình của hình ảnh, để cho những yếu tố gây rối loạn (những giai thoại, những cảnh đẹp hữu tình v.v…) lại không nắm độc quyền gây chú ý để làm lãng quên chủ đề chính. Điều đó thường sẽ dẫn dắt người họa sĩ đến nhiệm vụ phải phân chia thứ hạng các yếu tố khác nhau tùy theo vai trò mà chúng nắm giữ trong bố cục và hiệu quả chính xác mà chúng ta phải tạo ra được.
* Theo trật tự giảm dần của sự quan tâm:
– Khuôn mặt người (ảnh phản chiếu của chính chúng ta) hình như luôn thu hút mắt người xem, do đó làm giảm bớt sự chú ý tới tất cả các yếu tố khác trong tranh, mà lại càng quyến rũ hơn nữa nếu nhân vật được nhìn từ phía trước mặt (hoặc ba phần tư) và sự hiện diện của người này được khẳng định ở tiền cảnh của bức tranh. Hơn nữa, một khuôn mặt người được thể hiện trong chuyển động bao giờ cũng được chú ý hơn so với khuôn mặt bất động.
Khuôn mặt cuốn hút sự chú ý hơn toàn thân trừ khi toàn thân được trông thấy toàn bộ và kèm theo động tác. Đáng chú ý trong khuôn mặt trước hết là đôi mắt rồi đến miệng, trừ khi các nét khác trên mặt không gì lạ thường. Một bức “Chân dung biếm họa” chắc chắn sẽ gây tác dụng ngược lại với nguyên tắc trên bằng cách phóng đại một trong những nét phụ của mặt như vẽ đôi tai quá to hoặc mũi dài ngoằng, buộc người ta phải chú ý hơn cả mắt và mồm.
– Các loài vật, đặc biệt là các vật nuôi trong nhà như chó, mèo, ngựa cũng có những điểm rất đáng chú ý nhưng không thể nào bằng được với mặt người. Bởi vậy, trong một bức tranh có một người dắt chó hay dắt ngựa thì bao giờ người cũng là nhân vật chính, trừ khi con chó hay con ngựa được đặt gần như trên cùng một diện với người.
Nhưng nếu một người được nhìn từ xa và một con vật lại ở tiền cảnh thì con vật sẽ được chú ý một cách thích thú hơn.
– Những yếu tố động như sóng, mây, nước chảy, phương tiện vận chuyển hàng ngày do con người sử dụng (ô tô, tàu thủy) mặc dù bất động vẫn có tác dụng cuốn hút ta phải nhìn, tuy đứng sau hàng các yếu tố sống nhưng lại đứng hàng trước những hình vô tri, và đó là vấn đề cần phải lưu ý.
– Những hình ảnh vô tri (ở thế ổn định) như đồ vật, đồ đạc, rau cỏ, cây cối, núi non, kiến trúc, v.v…, là những yếu tố mà ta ít để mắt đến vì chúng yếu thế khi phải cạnh tranh với các yếu tố động hoặc nói cho có lý hơn, là so với các yếu tố sống.
Trái lại, nếu một yếu tố thường là ổn định và bất động lại được trông thấy đang “chuyển động” (như một cái cây lay chuyển trong gió mạnh, một núi đá có con dốc xuôi xuống) sẽ gợi cho mắt ta thấy chúng là yếu tố động một cách tự nhiên.
* Trật tự của các thành phần bố cục trong thực hành:
Chính vì được thực hiện theo bản năng mà sự nhìn có cách lựa chọn một bố cục giữa những yếu tố khác nhau, trong đó có những yếu tố được ưu tiên hơn. Và điều chủ yếu là ngay từ trong quan niệm về hình ảnh, ta đã có một ý tưởng chính xác về ảnh hưởng của những yếu tố khác nhau. Khi đó sự hiện diện của những yếu tố này sẽ tác động trở lại mắt nhìn. Sau đó sẽ còn phải sắp xếp và xác định thứ tự của chúng, ưu tiên một số yếu tố và làm giảm ảnh hưởng của những yếu tố khác, tùy theo ý muốn biểu hiện của ta cũng như cảm xúc mà ta muốn gợi lên. Tuy nhiên, cần phải tuân thủ những điều sau đây :
– Không nên nhầm lẫn chủ đề. Cần phải có ý định chắc chắn hoặc có những yếu tố để mọi người phải đặc biệt chú ý.
Trước hết, cần lưu ý không đưa vào khuôn hình của tranh một hay nhiều yếu tố gây nhiễu – thí dụ đưa một yếu tố sống vào để làm “đẹp” hoặc để bày biện một khoảng trống, như vậy sẽ lôi cuốn mắt người xem, làm sao lãng chủ đề chính.
– Cũng như vậy trong trường hợp một phong cảnh chủ yếu chỉ bố trí bằng những yếu tố bất động hoặc động (như cây cối). Nhưng nếu thêm vào đó một yếu tố sống – một nhân vật hoặc nhóm nhân vật – lại đặt họ ở tiền cảnh thì ý nghĩa của hình ảnh sẽ bị sửa đổi tận gốc. Nhân vật hoặc nhóm nhân vật này sẽ trở thành chủ đề chính của tranh, hoạt động trên nền phong cảnh được vẽ trên toan.
Để cho hình ảnh giữ nguyên là phong cảnh đúng kiểu hội họa, ta cần phải đảo ngược thứ tự của các thành phần bố cục, nghĩa là làm giảm bớt ảnh hưởng của những yếu tố sống bằng cách đặt chúng ở phía xa khuôn hình, sao cho chúng ít nhiều lẫn vào vô số những yếu tố bất động và chỉ đóng một vai trò rất thứ yếu.
* Xác định trật tự của các thành phần bố cục trong tranh:
A. Cần biết rằng một yếu tố sống, dù là bất động (ở đây là một phụ nữ trẻ) vẫn cuốn hút và bắt ta phải nhìn kỹ hơn một yếu tố động (xe ô tô). Rồi đến lượt yếu tố động đó lại cuốn hút hơn những yếu tố bất động (cây cối). Vậy làm thế nào để lôi cuốn sự chú ý đến chiếc xe ô tô (là yếu tố phụ trong trật tự hiệu quả) mà không phải loại bỏ yếu tố sống?
B. Giải pháp hợp lý nhất là đẩy yếu tố sống ra xa, trên bình diện còn xa hơn yếu tố động hoặc bất động mà người ta muốn làm cho nổi bật giá trị. Hơn nữa, thay vì tạo ra hai trọng tâm cạnh tranh với nhau, người ta có thể sắp đặt sao cho 2 yếu tố sẽ ít nhiều nhập vào nhau làm một mảng đến mức mà yếu tố kém hấp dẫn hơn (yếu tố động hoặc bất động) có thể lợi dụng sự gần gũi của nó với yếu tố sống, để thường xuyên hấp dẫn mắt nhìn. Ngược lại, vị trí mà yếu tố bất động chiếm giữ, nào có hệ trọng gì (cây được đặt ở tiền cảnh).
C. Người ta có thể sắp xếp để cho yếu tố sống vẫn bị lu mờ dù ở tiền cảnh. Thí dụ, có thể đặt yếu tố sống đó ra sát bên khung của tranh, nhìn từ sau lưng, dáng tương đối tĩnh và tốt nhất để họ ngược sáng hoặc chỉ là cái bóng. Ngay cả khi nhiều yếu tố sống được bố cục theo cách nói trên thì ta vẫn có xu hướng nhìn lướt qua. Vậy thì theo một cách hoàn toàn tự nhiên người xem sẽ có xu hướng bị hút về phía yếu tố thứ yếu, nhất là nếu nó được đặt như ở đây, trên một trong những điểm được lợi tự nhiên của tranh.
* Trường hợp một đồ vật vô tri:
Van Gogh (1853-1890) – “GHẾ TỰA VÀ CHIẾC TẨU”
A và B. về mặt nguyên tắc, khi chủ đề chính là một đồ vật vô tri (ở đây là một ghế tựa có bện rơm) người ta sẽ tránh đưa vào bố cục những yếu tố sống hoặc động bởi những yếu tố này sẽ cuốn hút mắt ta nhìn vào. Điều này là vô ích vì gây mất tập trung. Tuy nhiên, chẳng có cấm đoán nếu đặt một đồ vật cũng bất động trên ghế tựa – một miếng vải (A) hoặc một cái tẩu như trong tranh của Van Gogh: như vậy việc được coi như là chủ thể chính của cái ghế tựa sẽ bị giảm bớt. Ngược lại, cũng cùng vị trí, ta đặt một yếu tố “sống” thậm chí chỉ là hình bóng con người (một con búp bê chẳng hạn) sẽ làm đảo lộn thứ bậc trong tranh. Ghế tựa sẽ chỉ đơn giản là cái giá đỡ cho chủ thể chính búp bê (B).
C. Để giữ được cả hai yếu tố mà lại khôi phục được vai trò chính của ghế tựa, cần giảm bớt vai trò của yếu tố “sống” (búp bê), thí dụ bằng cách đặt nó ở phía sau, bên dưới tranh.
* Thứ bậc của các thành phần trong tranh phong cảnh:
A. Làm thế nào tạo ra giá trị cho yếu tố bất động của một tranh phong cảnh (ở đây là cái cây) trong khi nó phải cạnh tranh với các yếu tố sống hoặc yếu tố chuyển động có vị trí cao hơn trong bảng sắp hạng thứ bậc quan trọng trong tranh? Như ở đây chẳng hạn, cái mà chúng ta muốn cho nó lôi cuốn được sự chú ý là cái cây. Vậy mà những đám mây (yếu tố di động, không cố định) cũng hấp dẫn chẳng kém gì.
B. Giải pháp tốt nhất cho cái cây là di chuyển khuôn hình đến mức bầu trời và những đám mây không thể tràn ngập tranh và không quá “nặng ký” nữa so với cái cây.
C. Thêm vào một thứ tiền cảnh miễn là đó cũng là một yếu tố bất động và tương đối trung tính không thay đổi độ nhạy cảm trong thứ bậc quan trọng của các thành phần: cái cây sẽ vẫn luôn được coi như đại diện cho chủ đề trọng yếu.
D. Ngược lại, nếu như có bất kỳ một yếu tố sống nào lại xuất hiện ở tiền cảnh (ở đây là con thỏ) dù là bất động và chỉ thấy lưng thì nó sẽ cuốn hút rất mạnh sự chú ý vào đó – còn hơn cả những đám mây – gây thiệt hại cho yếu tố bất động (cái cây) mà ta đang muốn ưu tiên sự chú ý.
* Nhân vật sống động và phong cảnh bất động:
A. Giá trị của bản thân con người, khi chính nó hiện diện, mạnh mẽ đến mức ta không thể đưa nó vào tranh phong cảnh mà lại không làm đảo lộn thứ bậc của các thành phần được quan tâm trong tranh; huống chi là khi sinh vật đó lại đang hoạt động. Thí dụ, cối xay gió là đối tượng chính mà ta muốn lôi kéo sự chú ý thì ở đây rõ ràng bị giảm giá trị bởi sự hiện diện của ba đứa trẻ chơi bóng ở tiền cảnh. Không gì ngăn nổi cái nhìn hướng về phía chúng.
B. Việc đẩy ra xa những đứa trẻ vẫn còn đang hoạt động tiếp tục duy trì một sự nhập nhằng co kéo nước đôi. Sự giằng co giữa hai trọng tâm của tranh làm ta khó mà phân biệt cái gì quan trọng hơn trong mắt của nghệ sĩ : Cảnh sinh hoạt (trò chơi trẻ con) hay phong cảnh (cối xay).
C. Để cho phong cảnh thắng thế, cần phải đặt bọn trẻ trong một tư thế bất động, quay lưng lại sao cho mặt mũi chúng không “bắt mắt” ta.
Jacob Van Ruysdael
Ví dụ, ta hãy xem Jacob van Ruysdael đã giảm bớt tới mức thấp nhất tầm quan trọng của các nhân vật mà ông ta đã đưa vào phong cảnh này khi đặt họ xoay lưng lại. Như vậy thì không nghi ngờ gì nữa, cối xay Wijk -bij – Duurstede có thể là “nhân vật” mà họa sĩ mời chúng ta khám phá trước tiên.
Từ quan điểm chặt chẽ về bố cục của bức phong cảnh đẹp này, hãy lưu ý tới khuôn hình đặt đường chân trời trên một đường nhấn mạnh tự nhiên theo hướng nằm ngang của hình (gần như vậy) bằng cách áp dụng quy tắc chia ba. Cối xay, chủ thể chính của bức tranh, được đặt trên một trong những đường nhấn mạnh dọc của khuôn hình, và cũng được đặt như vậy trên một đường nhấn mạnh dọc nhưng ở thế đối trọng một cách kín đáo hơn là hai cột buồm.
Cũng cần ghi nhận rằng Ruysdael, trong khi tạo nên một thứ ánh sáng định hướng được sinh ra bởi một bầu trời dông bão, đã rót ánh sáng lập trung vào cối xay gió, và như vậy đã làm cho cối xay nổi bật vẻ rực rỡ huy hoàng.
>>> Hình chuyển động