Tranh in độc bản đồ nét

tranh in 1

Paul Gauguin, Hai phụ nữ Tahiti hái quả, 1900

1. Khái quát về tranh in độc bản đồ nét:

“Tranh in độc bản đồ nét” là cách tác giả muốn chuyển thuật ngữ tiếng Anh “Trace monotype” sang tiếng Việt. Trong đó “trace” có nghĩa đen là đi theo dấu vết, tạo dấu vết, đồ lại, sao lại, phác họa, đồ hình lại. Liên quan đến nghệ thuật tạo hình, từ này bao hàm ý nghĩa: đồ lại, đồ hình, sao lại, họa lại bằng cách đặt lên chính bản một tờ giấy trong hay không trong và vẽ lại các hình ảnh từ chính bản. Như vậy, về căn bản từ “trace” ám chỉ việc nhân bản hình ảnh từ chính bản bằng cách đồ lại. Mà chúng ta đều biết, các dụng cụ có khả năng đồ lại hình ảnh một cách chính xác, trung thực chỉ có thể là các loại bút chì, bút bi hay các loại bút có đầu tương đối nhọn và cứng, chứ không thể là bút lông hay các vật dụng khác có tính chất sắc nhọn gây hư hại giấy. Khi đã sử dụng các loại bút có đầu nhọn và cứng để đồ lại hình thì cũng chính là cách tạo ra các đường nét hay điểm, chấm giàu tính đồ họa. Quá trình đồ lại bằng đường nét để tạo ra “đời sống” mới của hình ảnh từ chính bản là quá trình sáng tác một tác phảm tạo hình bằng ngôn ngữ đồ họa thông qua lực ấn nhất định. Nó là quá trình mang bản chất của in ấn. Do đó, từ tính chất kỹ thuật này, người viết tạm thời dịch nghĩa cụm từ “trace monotype” là “in độc bản đồ nét” (trace: đồ nét, monotype: in độc bản). “In độc bản đồ nét được thực hiện bằng cách đặt một tờ giấy than (hay một tờ giấy có tính chất tương tự) giữa hai tờ giấy sạch; đường nét được vẽ ở tờ giấy bên trên được chuyển sang tờ giấy bên dưới qua lớp bột than (hay màu bột – color pigment). Từ những diễn giải trên về bản chất kỹ thuật in đồ nét, có thể thấy tranh in độc bản đồ nét được thể hiện bằng hai cách. Cách thứ nhất là đồ lại một hình có sẵn (chính bản). Cách thứ hai là vẽ trực tiếp lên một tờ giấy để hình nét in hẳn lên một tờ giấy khác. Cả hai cách đều cần đến lớp giấy trung gian có phủ một loại màu hay cần một lớp màu mỏng trên mặt phẳng bản in.

Trong lịch sử tranh in, các nghiên cứu ở nước ngoài đều xác định người đầu tiên vận dụng kỹ thuật in đồ nét để sáng tác tác phẩm nghệ thuật tạo hình là danh họa Paul Gauguin là người đã đưa một kỹ thuật can hình (chuyển hình) đơn giản thành một phương tiện biểu hiện nghệ thuật và điều này làm nên giá trị sáng tạo của ông trong lịch sử tranh in. Gauguin sáng tác khá nhiều tranh in độc bản đồ nét khi ông ở Tahiti và trở thành nhân vật thứ 4 có đóng góp về sáng tạo kỹ thuật tranh in độc bản, sau Hercules Seghers, Giovani Castiglione, William Blake.

Vào thập niên cuối thế kỷ 19, khi Paul Gauguin đến các đảo Tahiti và Marques, trong điều kiện rất hạn chế, không có máy in và các dụng cụ, vật chất chuyên nghiệp, ông đã thử nghiệm tranh in độc bản và tranh khắc gỗ. Từ những thử nghiệm in bản gỗ bằng tay và nguyên tắc kỹ thuật đồ hình lại, ông đã lấy một tờ giấy rồi dùng rulo lăn phủ mực in hay sơn dầu lên, sau đó đặt tờ giấy trắng lên lớp màu đó và vẽ nét bằng bút chì các loại hay mẩu gỗ nhọn. Lực vẽ làm cho màu ở nền đế hằn vào mặt dưới của giấy theo các đường nét ông vẽ, còn các sắc độ của nền hình được tạo bởi việc dùng ngón tay, bàn tay xoa hay ấn nhẹ lên tờ giấy.

Kỹ thuật in độc bản đồ nét tiếp tục được phát triển qua các sáng tác của họa sỹ Paul Klee. Ông đã cho ra đời những bức tranh in độc bản đồ nét với nhiều màu sắc sinh động thu hút lòng người.

tranh in 2

Paul Gauguin. Thiếu phụ Tahiti và linh hồn quỷ, 1900, 56 x 45 cm

Sau này, kỹ thuật in độc bản đồ nét được nhiều họa sỹ ưa chuộng bởi tính gần gũi và tiện lợi về điều kiện sáng tác. Sáng tác tranh in độc bản bằng kỹ thuật này rất phù hợp cho những họa sỹ chuyên và không chuyên bị hạn chế về điều kiện sức khỏe và cơ sở vật chất. Từ giữa thế kỷ 20, tranh in độc bản đồ nét được phát triển rộng rãi ở cả Châu Âu và Mỹ rồi lan tỏa đến các nước trên thế giới.

Ở Việt Nam, kỹ thuật in độc bản đồ nét mới được xuất hiện và thực hành từ năm 2010. Kỹ thuật in độc bản đồ nét đem lại thẩm mỹ đường nét mềm xốp do các hạt màu hợp thành. Cho đến nay, qua quá trình phát triển và những tìm tòi của nhiều thế hệ họa sỹ trên thế giới, kỹ thuật này đáp ứng mọi khả năng và nhu cầu tạo hình đường nét, sắc độ cho các nội dung chủ đề khác nhau của nghệ thuật đồ họa. Người ta không chỉ dùng bút đầu nhọn các loại mà còn dùng cả móng tay, ngón tay và các vật dụng khác để tạo hình in, miễn là chúng không gây hư hại đến giấy in. Song, vì bản chất cốt lõi của kỹ thuật này là tạo hình đường nét thông qua hành động đồ lại hình ảnh, in hình ảnh thông qua bề mặt màu trung chuyển nên nó được tạm gọi là in độc bản đồ nét. Kỹ thuật này là cơ sở để đặt tên cho một dạng tranh in độc bản – Tranh in độc bản đồ nét.

tranh in 3

Nigel Plumb (Anh), Tòa nhà 2005, in độc bản đồ nét, 56 x 75 cm

2. Điều kiện thực hành tranh in độc bản đồ nét:

Điều kiện để thực hành sáng tác tranh in độc bản đồ nét khá đơn giản. Đối với kỹ thuật này, hình ảnh in được tạo bởi chính lực vẽ của người thực hiện nên không cần đến máy in hay không gian chuyên biệt. Vì vậy, đây là kỹ thuật thể hiện tranh in mang tính gần gũi, đại chúng, phù hợp mọi lứa tuổi và đối tượng. Các điều kiện cần thiết để thể hiện tranh in độc bản đồ nét bao gồm:

- Nền đế làm bản in, có thể dùng một trong các loại như: gỗ, giấy bìa, bề mặt kim loại, mica, da, phim nhựa.

- Mực in: mực in gốc dầu các loại, từ mực in chuyên dụng cho tranh in đến mực in offset, sơn dầu.

- Giấy in loại mềm, mỏng vừa phải (tránh sử dụng giấy dày và cứng).

- Rulo cao sau.

- Bay nghiền màu.

- Bàn kính hoặc tấm đá phẳng nhẵn, gạch men để pha và dàn mực in.

- Các dụng cụ để vẽ như bút chì, bút bi hay các loại có đầu nhọn nhưng không sắc làm từ gỗ, tre, nhựa, sừng…

- Cầu kê tay.

- Các vật dụng đảm bảo vệ sinh và chất tẩy rửa mực in như: găng tay, tạp dề, giẻ lau, dầu hỏa, dầu ăn…

tranh in 4

Tấm gỗ, mực in và các dụng cụ thực hanh in độc bản đồ nét

tranh in 5

Giấy in - Cầu kê tay để tránh tạo nhiều dấu vết ngoài ý muốn trên tranh in độc bản đồ nét

tranh in 6

Phác thảo cho thực hành tranh in độc bản đồ nét

3. Các bước thực hành tranh in độc bản đồ nét:

Để thực hiện một tranh in độc bản đồ nét thì trước hết cần có ý tưởng bố cục được thể hiện là một phác thảo vẽ tay hoặc ảnh do tác giả tự chụp, cũng có thể là bố cục được cắt ghép từ nhiều hình ảnh. Phác thảo cần được thể hiện đúng với khuôn khổ thực của bức tranh sẽ in ra và không lớn hơn khuôn khổ tấm chất liệu bản in.

Sau khi có phác thảo sẽ là quá trình thực hiện tranh in với các bước sau:

Bước 1: Lấy khuôn khổ giấy in theo kích thước được xác định. Lưu ý để giấy phẳng phiu ở nơi sạch sẽ.

Bước 2: Chuẩn bị mực in. Lấy mực in từ hộp hay từ tuýp lên bàn kính, nghiền đều và sau đó dùng rulo dàn thành lớp mỏng.

Bước 3: Lấy mực bằng rulo và lăn phủ kín đều bề mặt bản in. Đối với nền in độc bản đồ nét thì bản gỗ MDF là phương án phù hợp hơn cả. Ở bước này rất cần chú ý đến kỹ thuật lăn mực in. Cần lăn sao cho mực dàn mỏng đều khắp bề mặt bản gỗ. Để mực được dàn đều trên mặt gỗ thì cần bắt đầu lăn mực từ giữa bản gỗ ra 4 phía trước rồi sau đó lăn kín. Điều quan trọng cần thực hiện là lăn một lớp mực thật mỏng để khi đặt giấy lên mực không bám vào giấy nếu chưa có lực nén và khi đồ hình thì đường nét ở tranh in sẽ gọn, có độ xốp mềm và trong không bị bết mực. Để kiểm tra mức độ phù hợp của lượng mực phủ trên bản gỗ, sau khi lăn phủ xong, lấy ngón tay sờ lên lớp mực mà không bị dính nhiều là đảm bảo yêu cầu. Nếu sử dụng các nền đế bản in bằng chất liệu không thấm nước như mica, kính, da thì cần phủ ít mực hơn và phải dùng cầu kê tay để tránh những dấu vết in không cần thiết.

tranh in 7

Bước 4: In tranh. Đặt giấy in một cách cẩn thận, ngay ngắn lên bề mặt bản in đã phủ mực. Để đảm bảo sự cân đối khi đặt giấy in thì cần làm các dấu cữ cho bản in và giấy in trước khi thực hiện các thao tác lăn mực và in đồ nét. Sau đó đặt giấy in và phác thảo đúng vị trí: giấy in áp sát mặt bản in có mực, phác thảo đặt bên trên giấy in và cố định chúng để đảm bảo tính chính xác của hình in trong quá trình thực hiện tác phẩm. Tiếp theo là quá trình đồ nét theo hệ thống đường nét và đậm nhạt đã được thể hiện ở phác thảo. Trong quá trình thể hiện có thể ngẫu hứng thêm bớt đường nét, hình ảnh, sắc độ để đạt được chất lượng bố cục và sức biểu cảm tốt nhất của tác phẩm in ra. Khi thể hiện các chi tiết nhỏ cần dùng cầu kê tay, còn khi thể hiện các đường nét, mảng hình lớn thì nên phát huy cảm hứng và điều khiển lực nén để đem lại sự phong phú, sinh động của hình in. Trong quá trình thể hiện tác phẩm, người thực hiện có thể lật giấy in lên nhiều lần để kiểm tra nét đã đồ.

Khi cần thể hiện bố cục nhiều màu thì phải chuẩn bị nhiều bản in, mỗi bản tương ứng cho một màu và luân chuyển giấy in cùng phác thảo (đã được cố định hay làm dấu cữ với nhau) từ bản màu này sang bản màu khác cho đến khi kết thúc. Thứ tự các màu không tuân theo bất kỳ nguyên tắc nào, tùy thuộc hoàn toàn vào ý đồ, sự chủ động hay ngẫu hứng của họa sỹ.

tranh in 8

Quá trình in độc bản đồ nét một màu - Người thực hiện: Nguyễn Mỹ Ngọc

tranh in 9

Paul Gauguin, Les Amants, 1902 (Bản gốc bằng chì và tranh in độc bản đồ nét)

tranh in 10

Paul Gauguin, Thiếu phụ và linh hồn quỷ, 1900 (Ảnh gốc và tranh in độc bản đồ nét)

tranh in 11

Paul Gauguin, Mộng mị, 1899 – 1900, in độc bản đồ nét

tranh in 12

Heidi Garriott, Cơ thể, 2012, in độc bản đồ nét

tranh in 13

tranh in 14

Paul Klee, Khung cảnh Hoffmanesque (trên) và Xiếc (dưới), 1921, in độc bản đồ nét – màu nước

tranh in 15

Phạm Thu Hiền, Bán thân, 2013, in độc bản đồ nét

- Nguồn: Theo sách Tranh in độc bản của PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương -

>>> Tranh in độc bản màu nước

>>> Nguồn gốc và quá trình phát triển của tranh in phẳng

>>> Thực hành tranh in Monotype theo phương pháp bổ sung

0976984729