Tranh in độc bản màu nước

1. Khái quát:

Tranh in độc bản màu nước là tranh in chỉ có một bản duy nhất được thể hiện bởi các dạng màu gốc nước. Trong thực hành tranh in độc bản màu nước trên thế giới người ta thưởng sử dụng không chỉ màu nước (aquarelle) mà cả các màu tự nhiên ở dạng nước chiết xuất từ thực vật, khoáng sản và các màu tan trong nước như guát, bột màu. Nhìn chung, từ "màu nước" ở đây chỉ các loại màu gốc nước và tan trong nước, tuy nhiên, trong thực tế thì màu aquarelle được sử dụng nhiều hơn cả. Cho đến nay, người viết chưa tiếp cận được tài liệu nào có thông tin chính xác về sự ra đời của tranh in độc bản màu nước. Còn những tài liệu liên quan đến lịch sử tranh in đã xuất bản ở Mỹ và Châu Âu đều phản ánh rằng, những tranh in độc bản bằng màu nước (aquarelle) sớm nhất cho đến nay được sáng tác vào khoảng năm 1893-1894 bi danh họa Paul Gauguin khi ông mới đến Tahiti. Nhưng nếu xét theo quan điểm màu nước là dạng màu tan trong nước, trong đó có guát và tempera, thì tranh in độc bản màu nước đã được William Blake thể hiện vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi xin đề cập chủ yếu đến tranh in độc bản bằng màu aquarelle, bởi nó cần những kỹ thuật riêng để chế bản.

Tranh in độc bản màu nước của Gauguin nhẹ nhàng, khoáng đạt và rất gần với những thực hành loại tranh in độc bản này trong những thập niên gần đây trên thế giới. Tuy nhiên, Gauguin sáng tác tranh in độc bản màu nước không nhiều và qua nhiều năm kỹ thuật này không được chú ý. Chỉ đến những năm 1990, khi phong trào sáng tác tranh in không độc hại phát triển thì kỹ thuật in độc bản màu nước được quan tâm hơn và được thử nghiệm trên nhiều phương diện khác nhau, từ chất liệu, kỹ thuật cho đến phương pháp thực hành. Đến nay, tranh in độc bản màu nước đã phát triển khá rộng, song thực tế vẫn còn khoảng cách đáng kể so với các loại tranh in độc bản khác. Ngoài màu nước sản xuất công nghiệp, nhiều họa sĩ trên khắp các châu lục đã sáng tác tranh in độc bản không độc hại qua việc sử dụng màu tự nhiên được chiết xuất từ thảo mộc, hoa quả và khoáng chất. Ở Mehico có họa sĩ dùng nước chanh, ở Thái Lan có họa sỹ dùng nước ép từ các loại hoa, củ, quả trong trang trại gia đình để chế bản in độc bản.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây đã xuất hiện tranh in độc bản bằng cà phê và tranh in độc bản bằng màu aquarelle. Kỹ thuật in độc bản màu nước đã được đưa vào giảng dạy tại Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ năm 2012 và được thực hành lẻ tẻ bởi một số cá nhân ở Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Nghệ thuật Huế.

doc ban mau nuoc 1

2. Điều kiện thực hành:

So với các kỹ thuật thể hiện tranh in độc bản khác, tranh in độc bản màu nước cần những điều kiện cơ sở vật chất khá đặc thù bên cạnh những điều kiện chung. Để thực hiện tranh in độc bản bằng màu nước cần có những nguyên vật liệu và trang thiết bị sau:

- Tấm kim loại mỏng hoặc mica, phim nhựa, kính dùng làm bản in

- Giấy ráp loại hạt nhỏ, giữa hoặc dao, kéo để chuẩn bị bản in

- Màu nước ở dạng tuýp, dạng khuôn nhựa, các màu tự nhiên, mực nước

- Gôm Arabic làm chất bám dính màu

- Bút lông vẽ màu nước với các cỡ khác nhau

- Bảng pha màu nước

- Miếng vải, mút, giấy báo cũ

- Ống đựng nước

- Máy sấy tóc

- Giấy in

- Bể hay khay nước ngâm giấy, hoặc bình xịt nước làm ẩm giấy

- Máy in hoặc các dụng cụ dùng để in tay: bàn xoa (baren), thìa, muỗng, rulo cao su, trục lăn bằng gỗ hay kim loại

- Giàn phơi tranh

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các điều kiện trên đây chỉ là một ví dụ, trong các trường hợp cụ thể, một hay một sổ đối tượng ấy có thể thay đổi cho phù hợp thực tế và lựa chọn một cách sáng tạo nhất.

doc ban mau nuoc 2

Các chất liệu và dụng cụ dùng trong chế bản in độc bản màu nước

3. Các bước thực hành:

Cũng tương tự như đối với thực hành các thể loại tranh in nói chung, thực hành tranh in độc bản màu nước bao gồm các quá trình: phác thảo bố cục, chế bản và in ấn.

Bước 1: Phác thảo

Phác thảo cho tranh in độc bản màu nước có vai trò định hướng sáng tạo hình ảnh trong quá trình chế bản in. Vì vậy, làm phác thảo bố cục là công việc cần thiết và hữu ích. Giống như đối với thực hành các loại tranh in nói chung, phác thảo cho chế bản in độc bản bằng màu nước có thể được thực hiện bằng vẽ tay hoặc bằng ảnh chụp đã được xử lý về bố cục phù hợp để chuyển tải ý tưởng nội dung.

doc ban mau nuoc 3

Máy in, các dụng cụ in và giàn phơi tranh

Bước 2: Chế bản in

Chế bản in độc bản bằng màu nước và màu gốc nước có kỹ thuật đặc trưng riêng và không giống như chế bản in độc bản bằng màu gốc. Các điểm riêng của chế bản in độc bản màu nước xuất phát từ chính tính chất của chất liệu màu nước, nó không có độ bám dính tốt khi đưa lên các bể mặt không thấm nước thường được sử dụng làm bản in như kim loại, mica, phim nhựa. Do đó, đối với chế bản in độc bản màu nước cần thực hiện các khâu chuẩn bị bản in và tạo bản in như sau:

- Chuẩn bị bản in. Bản in dùng trong chế bản in độc bản bằng màu nước thường là tấm kim loại, mica loại mỏng hay phim nhựa. Tuy nhiên, trong thực tế các vật liệu không thấm nước ở dạng tấm mỏng vẫn được sử dụng như kính, cao su, thậm chí là gelatin đông lạnh trong khay. Một số trường hợp còn thử nghiệm chế bản trên lá cây có kích thước lớn. Song, về cơ bản, bản in kim loại và mica được dùng phổ biến hơn cả vì những ưu thế ở sự ổn định bể mặt, kích thước và dễ kiếm. Do vậy ở đây chỉ giới thiệu cách chuẩn bị bản in kim loại và mica, qua đó làm căn cứ để vận dụng vào việc chuẩn bị bản in các chất liệu khác một cách linh hoạt và phù hợp. Cụ thể như sau:

+ Cắt khuôn khổ chất liệu làm bản in theo kích thước của tranh tương ứng với phác thảo. Khuôn khổ của tranh có thể là những hình cơ bản, vuông thành sắc cạnh, nhưng cũng có thể là những hình tự do. Song dù thế nào đi nữa thì khuôn khổ của tranh phải có sự gắn kết và phục vụ việc làm rõ nội dung chủ để cần biểu đạt.

+ Sau khi có khuôn khổ bản in cần thiết, người thực hiện bóc màng bảo vệ (nếu có) và làm vát cạnh mép xung quanh và các góc. Việc làm vát cạnh mép có thể dùng giũa hay dao trổ, lưỡi kéo (đối với bản mica).

+ Tiếp đến là công việc mang tính đặc thù của khâu chuẩn bị bản in độc bản màu nước: làm nhám bề mặt. Để làm nhám bề mặt chất liệu bản in chúng ta dùng giấy ráp loại có hạt nhỏ. Việc làm nhám bề mặt chất liệu bản in là rất cần thiết nhằm tạo độ bám dính tốt hơn cho màu nước khi đưa lên đó. Kỹ thuật đánh giấy ráp bề mặt bản in khá đơn giản. Trên bề mặt bản in, chúng ta dùng giấy ráp đánh nhám lần lượt theo các chiều ngang, dọc, chéo. Mỗi lượt tương ứng một chiều và đánh kín theo chiều này mới chuyển sang chiều khác. Với hệ thống các chiều đánh nhám như vậy, bản in sẽ có một bề mặt được tạo bởi mạng lưới các rãnh lõm nhẹ cắt nhau tương đối đều. Các rãnh đó tạo nên vô vàn các điểm chấm để bắt màu nước và khi mảng màu in ra có độ xốp đặc trưng của tranh in độc bản dạng này. Khi đã được làm nhám, bề mặt bản in có độ bóng kém đi, hay nói cách khác là bị mờ đi khá nhiều.

doc ban mau nuoc 4

Phác thảo bằng sự kết hợp ảnh và vẽ tay

doc ban mau nuoc 5

Phác thảo bằng chì

Sau khi hoàn thành việc làm nhám bề mặt, bản in cần được vệ sinh bằng cách dùng bút lông mềm quét sạch hoặc thổi mạnh các hạt bụi chất liệu và các loại bụi bẩn khác sinh ra và xuất hiện trong quá trình đánh giấy ráp. Trong quá trình đánh giấy ráp nên tránh hết sức việc để lại dấu vết có chứa chất dầu mỡ như vết bàn tay, ngón tay hay các loại mực in gốc dầu lên mặt bản in vì chúng sẽ ngăn cản màu nước bám vào. Do vậy, cần rửa sạch các loại dấu vết có chứa chất dầu mỡ nếu chẳng may xuất hiện trên bề mặt bản in sau khi đánh nhám. Để tránh tuyệt đối các dấu vết dầu mỡ trên bản in thì cần thực hiện quá trình chuẩn bị trong điều kiện sạch sẽ và người thực hiện nên đi găng tay vải.

doc ban mau nuoc 6

Bản in mica đã được bóc màng bảo vệ (a), làm vát cạnh mép (b), làm nhám bề mặt (c)

+ Trước khi chuyển sang bước tạo hình bằng màu nước trên bản in thì cần xoa một lớp mỏng gôm Arabic lên bề mặt đã đánh nhám. Để làm việc này, người thực hiện nhỏ những giọt gôm Arabic rồi dùng miếng vải sợi gai xoa đều thành một lớp rất mỏng khắp bề mặt bản in. Sau khi gôm khô thì tiến hành tạo hình chế bản. Gôm Arabic có tác dụng giúp màu nước bám trên bề mặt kim loại hay mica dễ dàng hơn và giúp người chế bản kiểm soát hình ảnh vẽ trên bản in tốt hơn.

Trong trường hợp không xoa lớp gôm Arabic thì có thể pha gôm với màu vẽ để có độ kiểm soát tốt hơn, nhất là khi thể hiện chi tiết hay hình ảnh mang tính chất hiện thực. Với điều kiện khí hậu nóng ẩm, nhất là vào mùa nồm như ở miền Bắc Việt Nam, thì cách pha gôm với màu nước sẽ hiệu quả hơn, bởi vì do thời tiết mà có thể lớp gôm quét lên bề mặt bản in rất lâu khô. Chính vì vậy, các họa sĩ, người mới học tranh in độc bản màu nước cần chú ý đặc điểm thời tiết này để xử lý bản in một cách tốt nhất.

doc ban mau nuoc 7

Xoa lớp gôm Arabic lên bề mặt đã đánh nhám của bản in

Chế bản in

Sau khi đã xử lý tốt bé mặt bản in, người thực hiện tiền hành chế bản bằng màu nước. Quá trình chế bản in bằng màu nước trên bề mặt kim loại hay mica hoàn toàn có tính tự do và có thể phát huy mọi khả năng tạo hình cũng như cảm hứng của họa sỹ. Song, vì tính chất của mỗi chất liệu bản in có khác nhau, nên cách thực hiện có đôi chút khác nhau ở khâu sử dụng phác thảo và chuyển hình từ phác thảo lên mặt bản in.

Đối với bản in bằng kim loại hay mica trắng đục, người thực hiện cần chuyển hình từ phác thảo lên bản in. Ở trường hợp này, cách chuyển hình giống như cách chuyển hình lên bản in nổi hay bản in lõm. Đó là các bước can hình phác thảo qua giấy can và chuyển hình sang bề mặt bản in với sự hỗ trợ của giấy than. Tiếp theo là dùng bút lông đưa màu nước lên từng vùng, từng mảng, rồi đi vào chi tiết hình theo phác thảo màu hay ý đồ tạo hình của tác giả. Màu nước dùng trong chế bản in độc bản nên có độ đặc phù hợp để nó dễ dàng được kiểm soát trên bề mặt không thấm nước. Không nên dùng màu quá loãng.

doc ban mau nuoc 8

Hình can qua giấy than và các mảng màu nước đang được vẽ lên bản kẽm offset

Đối với bản in bằng mica trong, công việc đơn giản hơn. Vì tính chất trong suốt của mica dạng này, nên người thực hiện chỉ cần đặt phác thảo hay bản photocopy lật trái của phác thảo (trong trường hợp cần thiết) bên dưới bản in rồi tiến hành vẽ hình bằng màu nước. Quá trình vẽ và việc sử dụng màu nước lên bản in mica trong tương tự như lên bản in kim loại hay mica trắng đục. Người vẽ cần lưu ý về quy tắc sử dụng màu nước, đặc biệt là trên bề mặt không thấm nước.

Màu vẽ phải có độ đặc hơn so với vẽ trên giấy và vẽ theo nguyên tắc màu sáng và tươi trước, màu tối và trầm sau. Kỹ thuật vẽ màu nước trên bản in có thể được vận dụng linh hoạt từ kỹ thuật ướt trên ướt, khô trên khô hay ướt trên khô. Trong khi vẽ tránh để bụi bẩn bám vào bản in. Sau khi đã có được một bố cục với màu sắc và hình thể ưng ý, bản in cần được để khô hoàn toàn một cách tự nhiên hay với sự hỗ trợ của máy sấy tóc. Nếu dùng máy sấy tóc để làm khô màu thì chỉ để máy ở chế độ nhiệt và thổi gió thấp nhất, khoảng cách giữa máy sấy và bản in từ 20 cm đến 25 cm.

doc ban mau nuoc 9

Quá trình chế bản trên tấm mica trong với phác thảo đặt ở dưới

Bước 3: In tranh

In tranh độc bản màu nước có điểm chung với in lõm nằm ở khâu làm ẩm giấy in. Đối với in tranh độc bản màu nước, giấy in phải được ủ hay phun ẩm đều.

Để hình ảnh bằng màu nước đã khô trên bản in có thể in được ra giấy, màu đó phài được "kích hoạt" trở về tính chất đặc thù của nó: màu ướt. Vì vậy giấy ẩm có vai trò làm ướt trở lại lớp màu nước đã khô để các màu sắc in được trên giấy. Nói cách khác, khi giấy ẩm tiếp xúc với lớp màu khô, nó làm màu ướt trở lại và chuyển lên mặt giấy in qua lực nén.

Quá trình thực hành in tranh độc bản màu nước được thực hiện theo các công đoạn sau: Làm ẩm giấy. Làm ẩm giấy in có thể thực hiện theo 2 cách: với kích thước giấy lớn và độ dày của giấy lớn thì tốt nhất nên ngâm trong bể hay khay nước sạch; với kích thước giấy vừa và nhỏ thì có thể dùng miếng mút ướt để xoa hay bình xịt phun nước kín bề mặt giấy và để nước ngấm cho giấy ẩm đều. Tuy nhiên, ngâm giấy trong khay hay bể nước văn tốt hơn bởi giấy được ngấm nước đều và kỹ hơn. Sau khi giấy ngấm nước kỹ, vớt giấy khỏi khay (bể) ngâm và đặt một cách cần thận lên lớp giấy lót đã trải phẳng phiu trên bàn rồi dùng tấm vải sạch hay giấy bảo thấm hết phần nước đọng trên mặt giấy in. Giấy in cần ẩm chứ không cần sũng nước, bởi vậy phải thấm hết các vùng nước thừa, nếu không chúng sẽ làm màu loang quá mạnh và gây nhòe hình in ra.

doc ban mau nuoc 10

Giấy được làm ẩm và đặt trên bàn để thấm hút nước thừa

In tranh. Ngoài việc làm ẩm giấy, các bước còn lại được thực hiện tương tự như đối với quá trình in tranh khác, có thể in bằng máy hoặc bằng tay tùy từng trường hợp và điều kiện cụ thể. Nếu in bằng tay thì cần đặt lên trên giấy in một lớp phim mỏng và dùng các dụng cụ in tay như thìa gỗ, baren (bàn xoa), rulo cao su để nén. Nếu in bằng máy thì cần lấy độ nén phù hợp trước khi chính thức in và lưu ý không nên nén mạnh như đối với in lõm. Để quá trình in có hiệu quả tốt, dù in bằng cách nào, người thực hiện cũng cần làm bản dưỡng với các dầu cũ cho bản in và cho giấy in.

Trong trường hợp in bằng máy, người thực hiện cần đặt bản in rồi giấy in vào vị trí chính xác đã đánh dấu trên bản dưỡng được định vị ở giữa bàn máy in. Khi đặt giấy in phải đặt cho chính xác một đầu trước và dùng tay giữ chặt rồi mới hạ từ từ đầu kia của giấy in xuống. Giấy in phải được đặt phẳng phiu trên bản in. Tránh tuyệt đối đặt đi đặt lại giấy in. Trong trường hợp đặt đi đặt lại giấy in thì có thể tính mỗi lần đặt là một lần in. Do vậy hình in cuối cùng không thể chuẩn xác, bị nháy, lệch hoặc nhòe do giấy ẩm tác động nhiều lần vào màu đã khô. Sau khi kết thúc việc đặt giấy in, phủ tấm đệm và vận hành máy in một cách dúng kỹ thuật. Quả trình in tranh sẽ kết thúc bằng thao tác bóc tranh in khỏi bản in và phơi tranh. Khi bóc giấy in ra khỏi bản in cần chú ý làm nhẹ nhàng, từ từ và nên bắt đầu từ một góc giấy chứ không nên từ giữa cạnh tờ giấy.

doc ban mau nuoc 11

Các thao tác in tay thủ công

doc ban mau nuoc 17

Paul Gauguin. Phong cảnh Tahiti, 1894 in độc bản màu nước

doc ban mau nuoc 18

Phillip Bennet. Thực vật 2008, in độc bản màu nươcs

doc ban mau nuoc 12

Guy-Ben Ari. Những ứng cử viên tổng thống liên bang I, 2015. In độc bản màu nước

doc ban mau nuoc 13

Đặng Thị Bích Ngân. Biển mây, 2020, in độc bản màu nước

doc ban mau nuoc 14

Nguyễn Nghĩa Phương. Thành cổ, 2007, in độc bản bằng cà phê

doc ban mau nuoc 15

Shirley Moskowitz. Quả dưa hấu, 1998, in độc bản màu nước

doc ban mau nuoc 16

Nguyễn Thị Cẩm Nhung. Vũ điệu, 2013, in độc bản màu nước

- Nguồn: Theo sách Tranh in độc bản của PGS. TS Nguyễn Nghĩa Phương -

>>> Nguồn gốc và quá trình phát triển của tranh in nổi

>>> Tranh in độc bản và thủ ấn họa

>>> Các thể loại cơ bản của tranh in

0976984729