Nguồn gốc và quá trình phát triển của tranh in phẳng

1. Nguồn gốc tranh in phẳng: Các phương pháp in nổi và in lõm được trình bày trên đây đều có nguồn gốc kỹ thuật từ các ngành nghề thủ công hay có xuất phát mang tính dân gian, do vậy có phần thiếu tính cụ thể. Riêng in phẳng lại có khởi đầu khác hẳn. Phương pháp in phẳng là phát minh khoa học rõ ràng, do một cá nhân cụ thể tìm ra. Phát minh đó được cấp bằng công nhận bởi chính quyền đương thời. Chính vì vậy, có thể nói nguồn gốc của in phẳng không có diễn biến như ở các phương pháp đã nêu trên.

Tranh in phẳng được thực hiện bởi phương pháp in phẳng từ bản in bằng đá vôi hay các chất liệu phát sinh được phát triển về sau như đã trình bày ở phần trước. Phương pháp in phẳng được khởi đầu bằng kĩ thuật in đá do diễn viên, nhà viết kịch nghiệp dư người Đức - Alois Senefender tìm ra vào năm 1796.

Theo những gì chính cha đẻ của công nghệ in này viết trong cuốn Vollstandiges Lehrbuch der Steindruckerei xuất bản năm 18181  thì phương pháp in phẳng được phát hiện ngoài dự kiến nghiên cứu, là kết quả từ quá trình tìm tòi với không ít thất bại của một người mang ý tưởng tạo ra phương tiện in ấn dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn so với công nghệ in văn bản bằng kĩ thuật khắc gỗ và in chữ rời đã có từ trước. Alois Senefelder, người phát minh ra phương pháp in đá đã sống và làm việc ở Munich, Đức với tư cách là một diễn viên và nhà viết kịch nghiệp dư. Sau một lần cạn kiệt tài chính vì chi phí in kịch bản ông đã quyết định tự tìm ra cách in ấn nhanh và rẻ hơn in gỗ hay in chữ rời bằng kim loại (in tipo) đang phổ biến khi ấy và cũng là tìm cách để kiếm thu nhập cho gia đình sau khi cha ông qua đời năm 1791 để lại mẹ ông và tám anh em. Quá trình Alois Senefelder đi tìm phương pháp in vừa nhanh vừa rẻ tiền được bắt đầu khi ông phải bỏ  ra nhiều ngày để heo dõi quá trình in kịch bản của mình trrong một xưởng in. Lúc ấy ông nhận ra rằng không khó để học được cách in sách. Từ đó ý tưởng sở hữu một xưởng in nhỏ của riêng mình, vừa phục vụ bản thân vừa có thể kiếm tiền đã hình thành trong ông. Đầu tiên ông lên kế hoạch chế tác con chữ rời bằng phương pháp ăn mòn thép rồi gắn lên bảng in gỗ để in. Ông thất bại với ý tưởng này vì không có kĩ năng cần thiết. Ông tiếp tục ý định của mình với việc tập viết chữ ngược trên giấy rồi để viết chữ bản đồng bằng màng chắn vecni chống axit ăn mòn như trong phương pháp chế in bản lõm. Vì ông chưa làm chủ chất vecni này và việc viết trên mặt đồng nhẵn bóng không phải dễ như viết trên giấy, nên những bản in có nhiều lỗi. Để sửa các lỗi đó ông đã dùng những hiểu biết về hóa học khi còn là sinh viên để chế ra loại mựa riêng từ cồn rượu và sáp ong. Lúc đầu mực đó đem lại hiệu quả không cao do tỷ lệ pha chưa đúng, nhưng nó đã mở ra hướng đi tiếp cho Senefelder. Việc sáng chế ra mực viết này hoàn toàn do ông dựa trên bản chất của màng chắn chống axit ăn mòn trong chế bản kim loại và những kiến thức về hóa học mà ông được học trong nhà trường. Loại mực đó do ông chế tạo chưa từng tồn tại trước đó, nó là hỗn hợp của sáp ong, xà phòng từ mỡ động vật đun chảy rồi trộn với muội đèn và ngâm ủ trong nước mưa. Ông sáng chế ra mực viết này vào năm 1796. Lúc đầu ông dùng mực đó viết lên bản đồng để chế bản in kịch bản của mình. Tuy nhiên đồng làm cho ông mất nhiều công sức bởi viết chữ một cách sắc nét lên bề mặt nhẵn bóng của nó là không dễ, hơn nữa lại phải viết ngược. Tuy chế bản được nhưng khi ông in bản đồng theo phương pháp in nổi - dùng rulo lăn mực rồi đặt giấy in, thì kết quả làm ông thất vọng vì chữ và nền không được phân biệt rõ. Sau đó ông thử làm trên kẽm vì nghĩ rằng nó ít bóng hơn đồng. Song, thứ kẽm ông kiếm được cũng không đáp ứng mong muốn của ông bởi trong thành phần của nó có nhiều chì - kim loại phản ứng không tốt với loại mực viết. Sau nhiều lần thất vọng với phương pháp in nổi từ bản in bằng đồng và kẽm, ông chuyển sang dùng bản đá vôi mà ông đang sử dụng để dàn mực in và cũng là vật liệu rẻ tiền, dễ kiếm hơn ở địa phương nới ông sống. Khi dùng đá vôi ông thấy rằng bề mặt đá cho phép ông viết dễ dàng hơn bởi nó hút mực. Sau khi viết ông cũng dùng axit nitric để ăn mòn phần nền trống với mục đích tạo bản in nổi một cách nhanh hơn kim loại và rẻ hơn gỗ (do mất nhiều công để khắc chữ). Tuy nhiên sự chênh lệch cao thấp giữa phần viết mực và phần đá để trống không được tạo lập như ông nghĩ, chỉ bằng khoảng 1/10 độ dày của quân bài và bản đá không thể in được theo phương pháp in nổi. Thế nhưng khi rửa bản đá bằng xà phòng và nước, ông đã phát hiện những chữ viết thì còn mực, nền đá thì sạch và ngay lập tức ông đã hiểu ra nguyên nhân nằm ở sự đối nhau giữa mực dầu và nước. Khi bản đá còn ướt thì ông lăn rulo mực in lên và in ra được những nét chữ rõ ràng như ông mong đợi. Từ thời điểm đó ông đã dồn hết tâm sức vào phát triển phương pháp in này, kể cả việc sáng chế ra máy in riêng cho nó.

Toàn bộ quá trình chế bản của phương pháp in đá bao gồm viết, vẽ trực tiếp trên đá, chế bản và kỹ thuật in ấn đã được ông hoàn thiện rồi công bố vào năm 1798. Đến ngày 3 tháng 9 năm 1799 phát minh ông được công nhận và tôn vinh bởi Vua Maximilian xứ Bavaria1. Chính vì quá trình trên nên đã có thể có những quan điểm khác nhau về thời điểm phát minh của Alois Senefelder. Hiện nay trên cả thế giới và ở Việt Nam có sự khác nhau trong một số tài liệu về thời gian phát minh kỹ thuật in đá, khi thì ghi là năm 1796, lúc lại là 1799.

So sánh với khắc gỗ (thuộc phương pháp in nổi) và khắc kim loại (thuộc phương pháp in lõm) ra đời thừ trước đó, in đá là dạng in phẳng, dựa trên nguyên tắc Đẩy nhau của chất có chứa dầu mỡ và nước. Trong đó chất chứa dầu mỡ là mực vẽ, sáp vẽ, còn bản in là đá vôi với thành phần canxi carbonat lên đến 96% được khai thác ở Solhofen thuộc vùng Bavaria của Đức, có độ ngậm nước tốt và thích hợp nhất cho kĩ thuật in này.

Đây là phương pháp in hoàn toàn mới kể từ khi in lõm được khai mở vào thế kỷ 15. Ban đầu Senefelder phát triển kỹ thuật in đá để in kịch bản sân khấu với mục tiêu hạ giá thành sao cho rẻ hơn các kỹ thuật in khác. Nhưng đồng thời ông đã nhận ra tiềm năng to lớn của in đá. Vào năm 1800 ông bắt đầu quảng bá phát minh của mình, kết hợp với các cộng sự  phát triển quy trình này ở các thành phố lớn của Châu Âu. Tuy nhiên, phải mất đến 20 năm kỹ thuật in đá này mới thực sự trở nên phổ biến và hữu hiệu, bởi một phần do cuộc chiến tranh mà Napoleon thực hiện, một phần do Senefelder thiếu kinh nghiệm tổ chức công việc, phần nữa xuất phát từ vô vàn những khó khăn về kỹ thuật, vật liệu không thể lường trước của quy trình thực hiện ở những địa phương khác nhau. Mặc dù Senefelder đã dành được bằng sáng chế ở cả Áo và Anh cho phát minh in đá, nhưng những hiểu biết về nó vẫn còn bị giới hạn trong phạm vi hẹp. Chỉ đến năm 1809, khi nhà xuất bản Bavaria cho ra đời cuốn sách “Bí quyết in litho” thì những ẩn số phức tạp của kỹ thuật in này mới được hé lộ và trở nên phổ biến, thúc đẩy cho việc mở hàng loạt các xưởng in ở khắp Châu Âu. Mặc dù vậy, in đá lúc đó vẫn không thể thay thế ngay in typo trong lĩnh vực in sách báo.

2. Quá trình phát triển của tranh in phẳng: Lúc đầu in đá được phát minh và phát triển với mục đích in thương mại - phục vụ in ấn kịch bản, sách nhạc, minh họa sách khoa học, chế tác bản đồ có tính phức tạp cao nhiều chi tiết... Tuy nhiên, ngay sau khi phát minh in đá được phổ biến, các họa sỹ đã nhận ra tiềm năng to lớn của nó cho việc sáng tác tranh in và thể hiện phiên bản tác phẩm hội họa.

Trong khoảng thời gian 1800 đến 1825 in đá cuốn hút nhiều họa sỹ tên tuổi, trong đó có Delacroix, Gericault, Goya. Họ đã cho ra đời những tác phẩm tranh in xuất sắc đánh dấu sự phát triển mới của nghệ thuật tranh in thế giới. Tiếp sau đó, Daumier Honore đã làm nên tên tuổi của mình bởi những tranh biếm họa được thực hiện bằng kỹ thuật in đá. Từ 1803 đến 1823 cũng đã có một số tác phẩm in đá thành công ở Pháp, Anh và Đức - các trung tâm in đá của thế giới lúc đó. Các tác phẩm in đá sớm nhất được sáng tác bởi các họa sỹ danh tiếng có thể kể đến như: “Chúa không ở đây, ngài đã phục sinh” (1801) của Benjamin West, ‘Bà Adelaide” (1806) của Duc de Montpensier. 

Ở Pháp, dấu ấn rõ nét về quá trình phát triển in đá là việc họa sỹ Godefroy Engelmann chuyển xưởng in của ông từ Mulhouse tới Paris vào năm 1816. Tại đó ông đã cùng một số đồng nghiệp tìm tòi cải tiến công nghệ trong khoảng một thập kỷ và đã làm cho nó trở nên hiệu quả hơn nhiều, đến mức người Đức phải sang Paris học lại. Kết quả là in đá đã thu hút sự quan tâm của nhiều thạc sĩ Pháp tên tuổi thời đó. Trong thập niên 1820 đã có những kiệt tác tranh in đá ra đời bởi các tên tuổi như Théodore Gériccault và Eugène Delacroix. Nhiều họa sỹ hàng đầu đã sử dụng phương pháp này để sáng tác, trong đó Franciso Goya cho ra đời tranh ‘Trận đấu bò trên sàn đấu chia đôi” (1828) tại  Bordeaux, Jean Auguste  Dominique Inges có “Thị nữ” (1825), Theodore Gericault sáng tác “Đóng móng ngựa” (1821), Rodolphe Bresdin, Jean-Francois Millet ở Pháo và Adonf Menzel ở Đức cũng tiếp tục thể hiện tác phẩm với kỹ thuật in đá.

in phang 1

Theodor Gericault, Đóng móng ngựa, 1821, in đá

in phang 2

Edvard Munch, Đôi tình nhân, 1899, in đá

Vào khoảng năm 1835 kĩ thuật in màu từ bản đá được hoàn thiện, qua đó mở rộng khả năng tạo hình cho nó. Đến giữu thế kỉ 19, tuy in đá không còn hấp dẫn như thời kì đầu, nhưng việc sử dụng in thạch bản lại ngày càng được ưa chuộng trong in ấn sách báo, ấn phẩm thương mại, trong đó đa phần là các bản in tranh biếm họa của Honore Daumier được in trên các tờ báo. Năm 1862, nhà xuất bản Cadart khởi xướng một cuộc đầu tư cho các nghệ sĩ sáng tác tranh in đá, bao gồm một số bản in của Manet, nhưng không thành công. Sự phục hồi của nghệ thuật in đá diễn ra trong những năm 1870, đặc biệt là tại Pháp với các nghệ sĩ như Odilon Redon, Henri Fantin - Latour và Degas. Người ta cũng bắt đầu ý thức và đặt ra luật lệ nghiêm ngặt với số lượng bản in tranh được kiểm soát và vì vậy, các bản in trở nên có giá trị hơn. Các tác giả trên là những người đưa in đá lên tầm cao mới. Chính vì vậy, đến giai đoạn những thập niên 1870-1890 tranh in đá lại được chú ý trở lại và phát triển mạnh hơn với kỹ thuật in nhiều màu. Trong thập niên 1890 in màu thạch bản trở nên phổ biến và tinh tế hơn. In đá cũng trở nên nổi tiếng với các tranh in màu của Toulouse - Lautrec ở Pháp, Kathe Kollwitz ở Đức. Sau đó nhiều họa sĩ của các trường phái Ấn tượng, Hậu ấn tượng rồi Biểu hiện đã phát triển in đá thành một phương tiện nghệ thuật độc lập đầy hấp dẫn và hiệu quả.

in phang 3

Toulouse – Lautrec, Jane Avrill, 1893, in đá màu

in phang 4

Marc Chagall, Câu chuyện của Exomus Moses, 1966, in đá màu

Cuối thế kỷ 19 in đá đã lan sang Mỹ và có được những phát triển mới ở đó qua các tác phẩm của Kent Rockwell, George Bellows, Thomas Hart Benton. Ở Mehico tranh in đá được biết tới với các sáng tác của Diego Rivera.

Sang thế kỷ 20, một nhóm các nghệ sỹ, bao gồm cả George Braque, Alecsander Calder, Marc Chagall, Jean Dubufy, Fernand Léger, Henri Matisse, Joan Miró và Pablo Picasso đã tiếp tục khám phá các hình thức nghệ thuật mới của in đá nhờ vào xưởng in giấy dán tường của gia đình Mourlot thành lập từ năm 1852. Tại đây, một số nghệ sỹ của thế kỷ 20 được mời đến để khám phá sự hấp dẫn của tranh in. Mourlot khuyến khích các họa sỹ làm việc trực tiếp trên đá in-li-tô để tạo ra tác phẩm nghệ thuật, sau được các thợ in bậc cao thể hiện. Điều này đã thúc đẩy rất nhiều cho các sáng tác của các họa sỹ tài năng.

Sau chiến tranh Thế giới lần thứ 2, in đá đã trở thành phương tiện phổ biến trong sáng tác tranh in trên khắp các châu lục. Cùng những bước tiến mạnh mẽ của ngành in trong mấy thập kỷ gần đây, nguyên lý kỹ thuật in phẳng đã được phát triển trên các chất liệu, công nghệ mới như trên kim loại, polymer,… và kỹ thuật chế bản phơi chụp cảm quang photolithographay – những công nghệ có thể cho ra hình ảnh in vô cùng tinh vi và những bức tranh in khổ lớn. Ngoài ra, những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, các họa sỹ trên thế giới còn áp dụng bản giấy, bản gỗ để thực hiện sáng tác tranh in phẳng dựa trên cơ sở nền tảng nguyên lý kỹ thuật in đá truyền thống.

Sự bổ sung nhiều yếu tố mới mẻ về chất liệu, kỹ thuật chế bản, làm cho thể loại tranh in này ngày càng trở nên hấp dẫn. Ở nhiều nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á tranh in phẳng thu hút đông đảo họa sỹ sáng tác tác phẩm với các chất liệu và kỹ thuật ngày một đa dạng và phong phú. Cho đến nay, tranh in phẳng nói chung có một sức sống mạnh mẽ và bứt phá, với số lượng tranh được sáng tác rất lớn.

Với chức năng là phương tiện in ấn hàng loạt hiệu quả và rẻ tiền, từ giữa thế kỷ 19 in đá cũng theo chân các nhà truyền giáo châu Âu đến các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc (qua Macao), Iran… hay châu Mỹ La tinh. Ở đó họ xây dựng những xưởng in đã có quy mô và tiêu chuẩn như ở châu Âu, đưa các thợ in giỏi đến để thực hiện công việc in sách tôn giáo, sách giới thiệu danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán và sau là đào tạo thợ in bản xứ.

Cùng chung con đường mà phương pháp in phẳng đi đến các quốc gia, lãnh thổ ngoài châu Âu, người Pháp cũng đã đưa in đá vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 với mục đích ban đầu là phục vụ in ấn thương mại. Sau khi trường Mỹ thuật Gia Định được thành lập năm 1913, in đá được đưa vào giảng dạy với vị trí là một trong ba bộ môn đào tạo chính. Năm 1914, xưởng in đá và in kẽm được thành lập ở Sài Gòn để phục vụ cho việc in bản đồ canh tác và đô thị. Tuy mục đích chính của việc đưa in đá vào Việt Nam là in thương mại, song vào thời kỳ đầu thế kỷ 20 đã xuất hiện một số tranh in đá rất có chất lượng về nghệ thuật và kỹ thuật do các sinh viên trường Mỹ thuật Gia Định thực hiện. Điều đó phản ánh kiến thức, kỹ năng và điều kiện trang thiết bị cho in đá lúc đó là rất chuẩn mực. Trong thời kỳ Việt Nam là thuộc địa của Pháp, in đá được sử dụng phổ biến trong các nhà in ở cả Nam Kỳ và Bắc Kỳ, dùng chủ yếu trong in bao bì, nhãn hiệu hàng hóa, in quảng cáo và hình minh họa, tiêu đề bài trên các báo.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, in đá đã phát huy vai trò là phương tiện đắc lực trong công tác tuyên truyền cổ động bằng hình ảnh, in tài liệu, truyền đơn, báo chí… phục vụ cho công tác sản xuất và chiến đấu của toàn dân tộc.

Từ năm 1954 đến 1974 in đá đã trải qua thời kỳ khó khăn. Ở giai đoạn này, đối với nhiều họa sỹ Việt Nam, in đá là một chất liệu khá xa lạ và ít được nói đến. Những người biết về nó thì cho rằng kỹ thuật in đá trong suốt mấy chục năm cũng không có gì mới. Chính vì vậy in đá gần như bị quên lãng trong thực hành sáng tác đồ họa, mặc dù nó vẫn được sử dụng trong công nghiệp in. Phải đến đầu thập niên 1970 tranh in đá mới lại được các họa sỹ Việt Nam thực hành. Họ là những họa sỹ tốt nghiệp đại học mỹ thuật ở nước ngoài như Nguyễn Văn Tuyên, Đường Ngọc Cảnh. Năm 1974 họa sỹ Nguyễn Văn Tuyên, giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay), từng học đồ họa ở Đức, đã khởi xướng việc đưa in đá vào công tác đào tạo của nhà trường thông qua Xưởng thực nghiệm Đồ họa.

in phang 5

Lê Huy Tiếp, Quả trứng, 2011, in phẳng trên bản kim loại

Đến thập niên 2000, in phẳng (in litho) Việt Nam đã có những bước chuyển mới với một số tác phẩm do họa sỹ Việt Nam thực hiện ở nước ngoài có chất lượng tốt. Bên cạnh chất liệu đá truyền thống, ở nước ta có thêm chất liệu kim loại để làm bản in litho. Kỹ thuật vẽ trên bản in phẳng được khai thác đầy đủ như: vẽ sáp thô, vẽ sáp nước, cạo màng hoặc phơi chụp hình ảnh.

Nhờ có sự tìm tòi của các họa sỹ trong nước và quá trình giao lưu với các nghệ sỹ nước ngoài, ở Việt Nam đã có thêm các kỹ thuật in phẳng trên bản kim loại, trên gỗ và trên giấy bên cạnh in đá truyền thống. Các sáng tác in litho ngày càng nhiều và chuyên nghiệp hơn về nghệ thuật, kỹ thuật in; mới về cái nhìn, về cách tạo hình mang dấu ấn thời đại và phản ánh sự có mặt khá đầy đủ của các kỹ thuật chế bản hiện hành.

- Nguồn: Theo sách Tranh in Độc bản của PGS. TS. Nguyễn Nghĩa Phương -

>>> Nguồn gốc và quá trình phát triển của tranh in xuyên 

>>> Nguồn gốc và quá trình phát triển của tranh in lõm

>>> Nguồn gốc và quá trình của tranh in nổi

0976984729