TH tranh in Monotype theo PP bổ sung
1. Phương pháp chế bản bổ sung:
Trong chế bản tranh in độc bản có 2 phương pháp chủ đạo là phương pháp chế bản bổ sung – thêm màu dần và phương pháp chế bản loại trừ - bớt màu dần. Trong thực tế, các phương pháp chế bản trên còn được gọi với các tên khác như: chế bản dương bản (positive method), chế bản âm bản (negative method); chế bản trên nền trắng (white method), chế bản trên nền đen (black maner). Các cách gọi khác nhau như vậy được sử dụng ở nhiều quốc gia khác nhau, bởi nhiều nghệ sỹ khác nhau, và đều phổ biến ở mức độ như nhau. Chúng chỉ là cách gọi khác nhau về một công việc mà thôi.
Về bản chất, phương pháp chế bản bổ sung là cách tạo hình xuôi chiều, thông thường bằng cách đưa thêm dần màu sắc, đường nét lên một bề mặt sạch, chưa có dấu vết nào của bản in (gọi khái quát là nền trắng). Ở đây chúng tôi xác định và sử dụng cách gọi trên là để tạo cặp đôi thống nhất với cách gọi phương pháp chế bản loại trừ - cách tạo hình ngược chiều từ một nền màu đậm có trước (gọi theo nghĩa bóng là nền đen). Đặc biệt, về mặt thuật ngữ, cách gọi “phương pháp chế bản bổ sung” ở đây chỉ áp dụng cho chế bản in bằng mực in gốc dầu trong thực hành tranh in độc bản dạng monotype, không áp dụng cho chế bản in mở rộng như collagraph, carborundum, in độc bản màu nước – những kỹ thuật, phương pháp cũng phát triển bản in từ một bề mặt còn sạch, còn “trắng”. Lý do là bởi vì các kỹ thuật kia đã có cách gọi riêng theo tính đặc thù của chất liệu chế bản.
Phương pháp chế bản bổ sung gồm các kỹ thuật tạo hình cơ bản và không phức tạp. Phương pháp chế bản này hoàn toàn giống như vẽ màu lên giấy hay vải toan. Người vẽ chỉ cần đưa màu / mực in dần dần lên bề mặt bản in bằng các cách khác nhau như: vẽ, bôi, lăn ru lô, vẩy, nhỏ giọt… cho đến khi hoàn chỉnh bố cục theo ý muốn và in ra giấy hay vải tùy theo nhu cầu biểu hiện. Tuy nhiên, cần lưu ý về độ dày của màu đưa lên bản in phải vừa đủ để đảm bảo khi in ra hình không bị mờ do lượng màu ít hay bị biến dạng, bị chảy loang không theo ý muốn do nhiều màu quá. Với kỹ thuật này, hầu hết lượng mực trên bề mặt bản in sẽ được chuyển sang nền in là giấy hay vải, chính vì vậy các hình ảnh không thể in được lần thứ hai mà có chất lượng đảm bảo. Mỗi lượt in chỉ tạo được một tranh duy nhất mà thôi. Chính vì các kỹ thuật đưa màu lên nền bản in tương tự như đưa màu lên các bề mặt phẳng khác, nên tranh in độc bản được thể hiện bằng phương pháp này thường có vẻ đẹp trung thực của các nét vẽ, các mảng màu loang hay các hình in dương bản. Nhìn tổng thể thì toàn bộ bức tranh mang đậm tính trực họa với vẻ đẹp thông quang trong trẻo của màu mực in trên giấy rất đặc trưng. Phương pháp chế bản bổ sung được áp dụng trong in độc bản monotype là chính.
2. Các kỹ thuật chế bản theo phương pháp bổ sung:
Nhìn chung, chế bản in độc bản theo phương pháp bổ sung chủ yếu sử dụng các kỹ thuật tạo hình trên mặt phẳng của đồ họa và hội họa như vẽ, bôi, quệt, vẩy, nhỏ giọt… Những hình ảnh, tín hiệu thị giác trên bề mặt bản in đều được tạo nên theo nguyên tắc vẽ và tẩy xóa thông thường. Đối với phương pháp chế bản bổ sung, bản in có thể được thể hiện theo các kỹ thuật sau đây:
a. Kỹ thuật vẽ: Chế bản in độc bản bằng kỹ thuật vẽ màu được họa sỹ người Anh William Blake thực hiện đầu tiên vào cuối thế kỷ 18. Ông dùng màu tempera để chế bản và in ra nhiều tác phẩm in độc bản nổi tiếng. Với những gì ông làm, ông trở thành người có công tạo ra kỹ thuật chế bản thứ 3 của phương pháp in độc bản, sau kỹ thuật của Serghers và Castiglione ở thế kỷ 17.
Trong kỹ thuật chế bản in độc bản theo phương pháp bổ sung có rất nhiều cách cụ thể khác nhau. Nhưng nhìn chung chúng đều phải được đảm bảo nguyên tắc đưa màu mực in dần dần lên bề mặt bản in. Các dụng cụ để đưa mực in lên bản in có thể là bút lông các loại, bông tăm, túm vải, miếng nhựa, bàn chải răng, thậm chí là ngón tay, bàn tay hay các bộ phận cơ thể v.v… hoặc bất kỳ thứ gì có tính chất mềm, không sắc nhọn, có thể chứa mực in và có thể sử dụng để tạo ra điểm, đường nét, mảng hình, sắc độ. Ở đây cũng cần hiểu từ “vẽ” một cách cởi mở theo nghĩa tạo được hình trên bề mặt phẳng của bản in bằng các thủ pháp kỹ thuật vẽ, phun, vẩy màu… Nghĩa là, bằng các dụng cụ và kỹ thuật phù hợp với ý tưởng tạo hình đưa mực in trực tiếp lên bề mặt bản in theo cách vẽ thông thường cho đến khi bố cục hoàn chỉnh và thỏa mãn người vẽ. Các dụng cụ vẽ và tính chất của mực in là những yếu tố tạo hiệu quả thị giác cho hình ảnh từ mềm mượt đến thô cứng, gai sắc; từ mờ ảo đến tương phản kịch tính…
Cách vẽ mực in trong chế bản theo phương pháp bổ sung
Cách dùng bút lông mềm với mực in có độ đặc vừa phải cũng là kỹ thuật thể hiện chế bản in gần gũi. Với cách này, chúng ta chỉ cần thực hiện công việc về hình giống như vẽ màu sơn dầu trên toan. Các màu được phủ dẫn cho kín các mảng hay cũng có thể vờn màu sáng tối. Ở cách chế bản này người vẽ cần lưu ý lượng mực phủ lên các mảng, nếu mực mỏng quá thì hình in ra sẽ không rõ hay thiếu độ no của màu. Nếu mực dày quá thì trong quá trình in mảng màu bị cán chảy không kiểm soát được và làm biến dạng hình vẽ, dẫn đến mất hình, hỏng bố cục. Khi bản in được tạo ra bằng kỹ thuật vẽ màu mực in vừa độ với các nét bút phóng khoáng, nhẹ nhàng thì sẽ tạo hiệu quả in tốt. Kỹ thuật này thường áp dụng cho các bố cục có hình ảnh cụ thể, được phân định tương đối mạch lạc trong sự hài hòa tổng thể.
Kỹ thuật chế bản bổ sung có kết hợp vẽ bằng ngón tay và bút lông
Bản in cũng có thể được tạo nên bởi cách vẽ bằng bút lông mềm vừa phải với lượng mực khá nhiều. Trường hợp bản in như ảnh trên cho chúng ta thấy rõ những vệt mực in gốc dầu sánh quyện được tạo ra từ những đường đi uốn lượn tự do của bút lông và ngón tay, chồng chéo nhiều lớp. Trong khi đó phần các hình vòng tròn lại là những quệt bút từ tốn, ngay ngắn hơn.
Nhìn chung kỹ thuật chế bản in thông qua việc vẽ hình bằng bút lông và mực in là những kỹ thuật vẽ màu cơ bản trong nghệ thuật tạo hình. Ở đây không có một công thức duy nhất và việc vẽ hình chế bản hoàn toàn không bị hạn chế, ngoại trừ cần phải tính toán lượng mực in cho đúng để không ảnh hưởng xấu đến hình khi in ra. Mức độ đậm nhạt của đường nét và mảng màu phụ thuộc chủ yếu vào lượng mực in vẽ trên bản mica hay kim loại và có phần bị chi phối bởi độ nén trong quá trình in.
Bên cạnh bút lông các loại, để thực hiện chế bản theo kỹ thuật vẽ hình lên bản in chúng ta có thể dùng ngón tay, thậm chí là các bộ phận khác của cơ thể người. Trong trường hợp này, ngón tay được sử dụng hoàn toàn giống như bút lông. Tuy nhiên vì ngón tay và bút lông có cấu tạo khác nhau nên vệt mực in đưa lên sẽ có tính chất không giống nhau. Trong mỗi ý đồ thể hiện cụ thể, có thể chỉ sử dụng ngón tay hoặc phối hợp với bút lông để tạo hình cho bản in độc bản.
Ngoài các công cụ vẽ thông dụng như đã nêu trên, để tạo bản in độc bản theo phương pháp chế bản bổ sung, có thể dùng các phương tiện khác như miếng nhựa hay miếng sừng động vật, cao su hoặc con lăn các loại, kể cả con lăn cao su và con lăn sợi tổng hợp dùng cho sơn tường. Dưới đây người viết sẽ giới thiệu một số kỹ thuật tạo hình bằng các dụng cụ này trong chế bản in monotype theo phương pháp bổ sung.
b. Kỹ thuật bôi, gạt tạo hình bằng các công cụ tự chế: Kỹ thuật tạo hình bằng miếng nhựa, gỗ, sừng hay cao su được không ít họa sỹ sử dụng nhằm xây dựng những bố cục mang tính biểu hiện hay biểu hiện trừu tương. Tương tự như các thao tác dùng bút lông, ngón tay hay túm vải để đưa mực in lên bản, người chế bản có thể sử dụng miếng nhựa hoặc sừng rồi lấy mực bôi gạt lên bề mặt tấm kim loại hay mica và tạo hình tùy theo ý đồ nghệ thuật và phong cách của mình. Người thực hiện hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn một hay tất cả các chất liệu trên rồi cắt thành những miếng hình có kích thước khác nhau hoặc tận dụng những mảnh có sẵn để tạo hình và bố cục trên bản in. Sở dĩ các chất liệu trên được sử dụng bởi chúng đều là những vật liệu không quá cứng và sắc để làm xước bề mặt bản in. Đối với miếng nhựa, gỗ hay sừng thì cần làm vát ở phần mép sẽ được sử dụng để tạo hình một cách chủ động. Sau khi đã có “dụng cụ tự tạo” ưng ý, người thực hiện chế bản dùng nó lấy một lượng mực in vừa đủ rồi gạt hay quệt lên bề mặt bản in theo ý đồ bố cục. Các sắc độ của mực in ở những đường gạt được sinh ra từ việc ấn mạnh hay nhẹ dụng cụ vẽ. Nếu ấn mạnh thì sẽ có sắc độ của đường nét hay hình mảng nhẹ và sáng, nếu ấn nhẹ tay thì sẽ cho ra các hình thể đậm và tối. Với hiệu quả đường nét và sắc độ hết sức tự nhiên và bất ngờ nên kỹ thuật này thường được khai thác để thể hiện những bố cục có tính chất chuyển động mạnh và có các lớp không gian chồng chéo nhau. Vì dụng cụ tạo hình có hạn chế nhất định nên cách này chủ yếu phù hợp với dạng bố cục theo xu hướng biểu hiện, biểu hiện trừu tượng. Những bố cục đòi hỏi tạo hình hình thể theo hướng hiện thực hay có mảng hình gọn gàng cụ thể thì không nên sử dụng kỹ thuật này một cách độc lập.
Các hình trừu tượng được tạo bởi kỹ thuật vẽ bằng miếng nhựa, gỗ trên bản in
c. Kỹ thuật tạo hình sử dụng con lăn cao su (rulo): Chế bản in độc bản theo phương pháp bổ sung còn có thể được thực hiện bằng kỹ thuật sử dụng con lăn. Trong nhiều giai đoạn và ở nhiều địa điểm khác nhau, họa sỹ sử dụng con lăn (rulo) cao su như một dụng cụ rất hữu hiệu để tạo hình khi chế bản tranh in monotype. Qua thực tế cho thấy, rulo rất phù hợp cho các xu thế biểu hiện tạo hình mang tính chất trừu tượng hay gợi hình, bán trừu tượng. Nếu biết vận dụng tốt các loại rulo với độ mềm, độ lớn phong phú và cách lấy mực đa dạng thì cũng có thể tạo ra sự dồi dào về thị giác cho bản in và tác phẩm in ra. Với kỹ thuật này, người thực hiện cần pha mực in để có được màu sắc hay độ đặc phù hợp ý đồ sáng tác. Sau đó dùng bay gạt một đường mực mỏng đều có bề rộng khoảng từ 3 đến 5 cm và dài hơn chiều dài rulo. Tiếp theo lấy loại rulo thích hợp ý tưởng tạo hình cụ thể dàn đều mực in trên mặt kính, mica, tấm đá hay kim loại rồi lăn lên bản in. Các độ đậm nhạt của đường nét, mảng hình có thể hình thành từ việc pha mực in loãng hay đặc, lăn rulo một hay nhiều lần trên cùng vị trí.
Trong kỹ thuật dùng rulo lăn mực in tạo hình, có thể lăn đồng thời các màu sắc khác nhau lên bề mặt bản in theo kiểu chồng lớp hoặc lăn chuyển màu tạo các sắc thái đậm nhạt cho hình hay nền trong tranh. Các loại rulo nhỏ cho phép tạo những đường hình phẳng đều hoặc “có khối”, chuyển độ. Nếu biết tận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, các loại rulo sẽ đem lại hiệu quả bề mặt rất lạ và độc đáo cho bố cục tranh in. Trong trường hợp này, đôi khi rulo có bề mặt cao su không nguyên vẹn lại có thể mang lại những lợi ích không ngờ trong chế bản tranh monotype. Khi dùng rulo nhỏ với lượng mực ít hoặc khô để chế bản hình ảnh in thì sẽ thu nhận được những hiệu quả hình mảng và không gian chồng lớp phong phú. Ví dụ bên dưới minh chứng về các lớp của những vệt màu do rulo tạo ra theo các cách khác nhau, khi thì mượt và căng như có khối, lúc lại có gì đó thô ráp, sần sùi hơn. Những hiệu quả đó có được là do họa sỹ biết khai thác, vận dụng mỗi loại rulo trong thực tế sáng tác.
Mực in được chuẩn bị cho chế bản in độc bản với kỹ thuật tạo hình bằng rulo
Nghệ sỹ Koichi Yamamoto đang thực hiện chế bản theo phương pháp bổ sung
bằng rulo cỡ lớn (trái) và tranh in của tác giả (phải)
Hình bên trên cho thấy nghệ sỹ Koichi Yamamoto đang dùng rulo cao su cỡ lớn lần những vệt màu chuyển sắc rất tinh tế và mượt mà lên bề mặt bản in mica trắng đục. Với cách này, các mảng màu sẽ được in ra cũng mềm mại, gợi không gian của tranh thủy mặc hay lớp màu vờn chuyển như trong tranh khắc gỗ Ukiyo-E. Hầu hết các tác phẩm in độc bản cỡ lớn của Koichi Yamamoto đều ra đời từ bản in được thực hiện chỉ với kỹ thuật thêm màu bằng rulo.
Kỹ thuật tạo hình theo phương pháp bổ sung bằng rulo là rất phong phú, tùy vào nhu cầu biểu hiện thị giác mà họa sỹ có thể dùng rulo to hay nhỏ, cứng hay mềm, nhẵn mịn hay bị biến dạng ở bề mặt cao su và cách pha mực in loãng hay đặc, sánh mượt hay khô để chế bản in.
d. Kỹ thuật đổ mực loang: Mực in hay sơn dầu có thể được pha loãng với các chất phụ gia như dầu ăn, dầu hỏa, turpentine... rồi đổ, vẩy lên bề mặt bản in. Kỹ thuật này thường cho ra hiệu quả bất ngờ và hết sức thú vị bởi độ tinh tế, các biểu đạt thị giác bề mặt mảng hình.. mà cách vẽ hay lặn rulo không thể tạo ra.
Hiệu quả của mảng màu mực in được thực hiện bởi kỹ thuật đổ mực loang
e. Kỹ thuật kết hợp: Kỹ thuật kết hợp là cách kết hợp, phối hợp tất cả các kỹ thuật đã mô tả ở trên để thực hiện phương pháp chế bản bổ sung. Việc kết hợp có thể từ 2 hoặc hơn trong số các kỹ thuật. Trên thực tế, mỗi cá nhân nghệ sỹ có thể vận dụng cách này hay cách khác để thể hiện chế bản in độc bản monotype tùy thuộc vào ý tưởng tạo hình hay cảm hứng sáng tác trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, đối với người học hay mới tiếp cận phương pháp chế bản này thì nên chú ý một số điểm liên quan đến thứ tự thực hiện các kỹ thuật và liều lượng mực in của các lớp hình. Thông thường, để thực hiện chế bản in với sự kết hợp nhiều kỹ thuật tạo hình theo phương pháp bổ sung thì nên tiến hành các kỹ thuật tạo lớp mực mỏng trước (đổ mực loang) sau đó mới đến các kỹ thuật cần độ mực dày hơn (lăn rulo), vẽ bằng tay, bút lông... Điều này sẽ tạo ra sự chủ động cao hơn cho người thực hiện trong việc kiểm soát hay phát triển hình mảng, màu sắc, độ đậm nhạt ở mỗi lần bổ sung kỹ thuật. Thực hiện các bước theo trình tự như vậy cũng chính là sự tuân thủ nguyên tắc cơ bản trong phương pháp chế bản và in ấn chính yếu trong thực hành đồ họa nói chung. Đó là quy trình thể hiện từ sáng đến đậm, từ lớp màu mỏng đến dày hơn. Ví dụ, khi kết hợp kỹ thuật rulo và vẽ bằng bút lông, chúng ta dùng rulo to lần đều một lớp mực vừa phải lên bề mặt bản in. Sau đó dùng bút lông vẽ lớp mới với lượng mực dày vừa đủ rồi đem in. Quá trình này tạo nên hiệu quả các lớp màu kết hợp với nhau khá thú vị trên bức tranh in ra, trong đó xung quanh lớp mực sau sẽ có đường viền trắng nhỏ, như tạo độ nổi cho hình (xem tranh của Koichi, trang 90). Đặc biệt là các lớp hình do 2 kỹ thuật tạo ra đó có thể được nhắc lại bởi một rulo sạch, nhân đôi hình ảnh để tạo hiệu quả thú vị cho bố cục (trong trường hợp này, hình ban đầu chỉ nên chiếm một góc nhỏ hay tối đa không chiếm quá nửa khuôn hình bố cục).
Với sự kết hợp các kỹ thuật tạo hình chế bản như trên, chúng ta có thể in nhiều lần, mỗi lần sử dụng một kỹ thuật, để tạo ra bức tranh in độc bản theo phương pháp bổ sung.
3. Các bước chế bản in theo phương pháp bổ sung:
Chế bản in độc bản theo cách bổ sung màu mực dần dần trên nền trắng là một quá trình tạo hình đơn giản và thú vị. Nhưng để có được hiệu quả chắc chắn người thực hiện cũng cần tuân thủ các bước một cách khoa học. Người thực hiện có thể vận dụng nhiều cách đưa màu lên bản in như vẽ, bôi, lăn ru lô như vừa nêu trên một cách độc lập hay kết hợp tùy vào nhu cầu và kinh nghiệm tạo hình. Song, dù có thực hiện theo cách nào thì về cơ bản chúng đều cần tuân thủ những nguyên tắc chung của phương pháp chế bản in monotype theo phương pháp bổ sung. Trong khuôn khổ nhất định của mình, cuốn sách này không thể trình bày hết các bước của mỗi kỹ thuật đưa màu lên bản in. Mặt khác, do các kỹ thuật đều tuân thủ theo một nguyên tắc chung, nên dưới đây chúng tôi sẽ chỉ tập trung giới thiệu các bước thực hiện chế bản cốt yếu nhất - kỹ thuật vẽ. Đây là kỹ thuật mang tính nền tảng của phương pháp chế bản bổ sung và lấy đó làm cơ sở cho việc thực hiện chế bản bằng các kỹ thuật khác thuộc phương pháp này.
Bước 1: Phác thảo
Nhìn chung, in độc bản là phương pháp in chứa đựng nhiều yếu tố ngẫu hứng. Nói cách khác, chế bản in độc bản là sự khám phá liên tục, phát huy khả năng sáng tác ngẫu hứng, khả năng xử lý linh hoạt, thông minh và tức thời các yếu tố tạo hình nảy sinh từ bên trong và đến từ những tác động bên ngoài chủ thể họa sỹ trong quá trình sáng tác. Chính vì vậy, trên thực tế nhiều nghệ sỹ bỏ qua bước phác thảo trong quá trình sáng tác hoặc chỉ thực hiện phác thảo đơn giản với những đường nét lớn định hướng cấu trúc chính của bố cục. Song, ở mức độ mới tiếp cận phương pháp in độc bản, người thực hiện cần chuẩn bị cho mình một phác thảo ở mức độ kỹ hơn. Như đã trình bày ở phần trước, phác thảo để phục vụ chế bản in độc bản có thể ở dạng nét đơn giản, ở dạng màu hay có gốc là ảnh chụp (có thể để nguyên gốc hoặc chuyển về ngôn ngữ đồ họa qua các phần mềm vi tính chuyên biệt).
Bước 2: Chế bản
Khi có phác thảo, họa sĩ có thể tiến hành chế bản một cách tuần tự theo các bước vẽ màu từ sáng đến đậm, từ tươi đến trầm, từ mỏng đến dày. Tùy vào chất liệu làm bản in mà người thực hiện lựa chọn cách sử dụng phác thảo phù hợp cho mục đích chế bản in. Trong các chất liệu làm bản in độc bản có kim loại, nhựa, mica trắng, mica trong, thậm chí cả gạch men, bề mặt phiến đá, kính. Song nhìn chung các chất liệu đó đều thuộc hai nhóm: nhóm có tính chất xuyên thấu và nhóm không xuyên thấu. Đối với bản in thuộc nhóm xuyên thấu, trong suốt như kính và mica trong thì chúng ta chỉ cần đặt phác thảo bên dưới bản in rồi sau đó tiến hành chế bản hoặc dùng bút dạ dầu đổ lại các nét của phác thảo rồi lật trái mặt bản in và tiến hành chế bản (trường hợp này cho tranh in ra xuôi
Trong trường hợp sử dụng chất liệu kính hay mica trong, người thực hiện cần chú ý đặt phác thảo bên dưới bản in một cách chính xác để khuôn khổ phác thảo và khuôn khổ bản in trùng khớp nhau rồi cố định chủng với nhau bằng băng dính. Còn đối với chất liệu bản in thuộc nhóm không có tính chất xuyên thấu thì có thể chuyển phác thảo lên bề mặt bản in bằng giấy than theo cách thông thường hay dựa vào phác thảo để phác những hình nét ban đầu rồi sau đó bổ sung dẫn dẫn các lớp màu, hoàn thiện hình bằng bút lông và các công cụ vẽ khác.
- Nguồn: Theo Sách Tranh in Độc bản của PGS. TS Nguyễn Nghĩa Phương
>>> TH tranh in Monotype theo PP loại trừ
>>> Nguồn gốc và quá trình phát triển của tranh in xuyên