Hình thức tạo hình của đồ chơi gỗ

Do bản chất đặc thù loại hình, thế giới đồ chơi là một sự pha trộn của nghệ thuật, khoa học, công nghệ. Từ những sản phẩm của nghệ thuật thiết kế, đồ chơi gỗ mang giá trị thẩm mỹ vào đời sống đồng thời có thể phát triển tương tác đến người chơi, giúp người ta nhận ra những lợi ích thiết yếu liên quan đến chơi, tạo ra giá trị vui tươi cho nhiều đối tượng, và nó có thể cung cấp cho họ các cơ hội để chơi bằng nhiều hình thức đa dạng. 

Theo Giáo trình nghệ thuật tạo hình của Đặng Thị Bích Ngân và Đặng Duy Lẫm, ngôn ngữ tạo hình là công cụ, phương tiện xây dựng hình tượng thẩm mỹ thị giác, phản ánh cuộc sống, truyền tải tư tưởng, tình cảm, cảm xúc của người sáng tác. Công cụ, phương tiện đó là: điểm, nét, hình, mảng, khối, màu sắc, bố cục.

Đồ chơi gỗ nằm trong nghệ thuật miêu tả nên nó liên quan, một mặt với hội họa và đồ họa thiết kế, mặt khác với biến thể của nó như là tạo khối, tạo hình (điêu khắc). Tính độc đáo của đồ chơi là sự kết hợp giữa miêu tả hai chiều của mỹ thuật với tất cả các hình thức miêu tả ba chiều của các thành tố khối lượng - tạo hình.

Vấn đề tạo hình gồm hai phương diện của hành động sáng tạo: Một là phương diện tạo hình: việc dựng hình theo hai hoặc ba chiều cho một vật liệu nào đó (vẽ màu, uốn nắn, trạm khắc đục đẽo khối...). Hai là phương diện diễn đạt: việc khám phá bên trong và thông qua quá trình dựng hình, những hình thể của các ý tưởng và cảm xúc có trong tâm thức. Hình thức được tạo ra ấy là một sự bộc bạch hiện thân cho nhận thức về hiện thực của người nghệ sĩ khi người ấy trải nghiệm cuộc sống trong tâm thức riêng của mình. Nó đại diện cho mô thức tạo hình để nhận biết sự sống và thế giới, cũng quan trọng như mô thức ngôn ngữ. 

1. Biểu đạt về hình trong đồ chơi gỗ: Trên thực tế, đồ chơi gỗ có tính tạo hình với tư cách một tổ chức hình gồm không gian, nhịp điệu và tiết tấu; và thể hiện tâm lí, tâm thức của chủ thể sáng tạo. Ngôn ngữ tạo hình đồ chơi gỗ được thể hiện qua:

Hình dáng (form, shape) của đồ chơi gỗ là nhân tố quyết định chất lượng thẩm mỹ của nó, là hình thức chung của một tác phẩm bao gồm cả hiện hữu vật chất và cái hình tổng thể không gian ba chiều. 

Những hình dáng - thành tố của một tổ hợp thị giác - ở đây là kiến tạo một chùm hiệu ứng tâm lí thẩm mỹ tương ứng tạo nên một kết cấu nội tại của các biểu hiện (màu, sáng, tối, đen, trắng, hình, nét, khối, mật độ, chuyển động) kiến tạo một trạng thái tư duy, tình cảm nào đó không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ thông thường. Nếu không có kết cấu bên trong này thì các thành phần màu, nét, hình thuần túy,... sẽ vỡ vụn và rời rạc vô hồn, thô thiển như được trang trí tùy tiện thực dụng tầm thường.

Đối với đồ chơi dân gian và đồ chơi cung đình là những đồ chơi gỗ có ở Việt Nam từ truyền thống và tồn tại đến nay, chủ yếu là đồ chơi gỗ được chế tác thủ công và bán thủ công, có tính tự phát nên cách tạo hình tự nhiên mang tính chất ngẫu nhiên, người chế tác dựa trên hình thù cụ thế của vật liệu gỗ mà tùy theo dáng hình để làm ra món đồ chơi. Lấy ví dụ là cách tạo hình cho đồ chơi gỗ một cách tự nhiên dựa trên thế nhánh cây thuận lợi làm nên Ná bắn, màu gỗ thô mộc và xử lí bề mặt đơn giản, không sơn phủ khiến ná bắn trông mộc mạc, có sự hấp dẫn riêng; đồ chơi Súng gỗ ngày nay cũng có cách tạo hình tự phát dựa trên cấu trúc hình cơ bản của súng thật, chúng được làm bằng chất liệu là que gỗ xử lí công nghiệp theo quy chuẩn hình dáng và kích thước cố định, người chơi tự tạo theo trí nhớ hoặc trí tưởng tượng theo mẫu một cây súng thật (Hình 18).

go 1

Hình 18. Súng gỗ và Ná bắn

Thậm chí, có những giai đoạn, trẻ em Việt không có đồ chơi, và phải chơi các trò chơi với dụng cụ chơi trong đó dụng cụ chơi là sử dụng bất cứ đồ vật nào phù hợp, đem vào trò chơi để chơi, thay thế cho đồ chơi như cách trẻ em đã từng chơi ô ăn quan bằng cách vẽ phấn trên mặt sân và lấy sỏi làm quân cờ, hay trẻ em chơi banh đũa là dùng dụng cụ nhà bếp (các đôi đũa bếp) cùng một trái banh nhỏ ghép lại thành đồ chơi tự chế (Hình 19).

go 2

Hình 19. Chơi Ô ăn quan và Banh đũa

Những đôi đũa bếp này là dụng cụ chơi thay thế trong đồ chơi Gắp que (Pich-up sticks), có nguồn gốc lâu đời xuất xứ từ châu Âu, còn được gọi tên là Đồ chơi gỗ Mikado đặt tên theo thương hiệu Mikado Spiel (Đức). Tạo hình của Mikado hiện đại là những que gỗ nhỏ, mảnh, nhẹ được phủ sơn an toàn và trang trí màu sắc đặc trưng bằng sọc màu xanh đỏ trang nhã, các que đặt trong hộp gỗ nắp trượt gọn gàng, an toàn và thuận tiện. Trong khi đó, tạo hình đồ chơi Gắp que cổ điển ở đầu thế kỉ XVII là sự trau chuốt từng thanh gỗ nhỏ một cách tinh tế. Mỗi que gỗ (được làm bằng gỗ sồi) có kích thước tiêu chuẩn 170mm dài, dày 1mm, được mài nhẵn trơn mịn, trong đó bốn que ghi điểm chơi cao (Kuli, Samurai, Bonzen, Mandarin) được chạm khắc hoa văn hình học trên đầu que gỗ, trang trí sọc màu đỏ, vàng, lục, giác tương ứng với giá trị quy ước của chúng tạo sự nổi bật hấp dẫn thị giác (Hình 20,21).

go 3

Hình 20. Đồ chơi gắp que, thương hiệu Mikado Spiel

go 4

Hình 21. Đồ chơi gắp que (Mikado) đầu thế kỷ XVII, sở hữu của Eleonore Magdalene Landgravine of Hesse (1600-1624)
vợ của Công tước Ludwig Friedrich của Wurttemberg (Bein ở Silberhulle)

Các dụng cụ chơi tự chế đã được thay thế bằng các món đồ chơi gỗ với tạo hình gần gũi, thân thiện như bộ đồ chơi gỗ Ô ăn quan (nhãn hiệu SD, xuất xứ Việt Nam, Hình 22) là sản phẩm chất lượng, được nhiều lứa tuổi rất yêu thích. Tạo hình đồ chơi gỗ Ô ăn quan có hình thức đơn giản và thông minh trong cách xử lí gỗ để phù hợp phương thức chơi của đồ chơi. Món đồ chơi là khối gỗ dầy dặn để không bị xê dịch, phân từng ô bằng cách tạo hình các khối lõm láng mịn chơi cùng những viên gỗ nhỏ, nhẹ (loại gỗ cao su mềm, nhẹ) hình vuông để thuận tiện thao tác chơi thoải mái khi cầm nắm quân cờ. 

Tạo hình mới của đồ chơi gỗ dân gian như Trống bỏi cũng có nhiều sáng tạo, tạo hình đơn giản nhỏ nhắn của trống và que gỗ chỉ giữ lại nguyên tắc vật lí để tạo âm thanh từ cách quay thanh gỗ, và ý tưởng mới là tạo hình như con ong vo ve đã gây được hấp dẫn thú vị cho người chơi (Hình 23).

go 5

Hình 22. Bộ đồ chơi gỗ Ô quan Việt Nam, thương hiệu SD toys

go 6

Hình 23. Đồ chơi gỗ trống bỏi

Ngày nay, phần lớn mọi người vẫn nhầm lẫn tin rằng nghệ thuật tạo hình đồ chơi gỗ phải lí tưởng hóa thiên nhiên hoặc trung thành với vẻ ngoài tự nhiên của mọi vật. Tuy nhiên, đã có sự thay đổi nghệ thuật thị giác nhằm tạo sức thu hút rộng khắp và chính điều này đã tạo ra nghệ thuật đại chúng, là hiện tượng nghệ thuật đến được với tất cả mọi người. Điều quan trọng là chúng ta không còn chờ đợi một tác phẩm nghệ thuật nhất thiết phải cho thấy một phương diện nào đó của thế giới ngoại vật nữa. Chúng ta đã quen với việc coi tạo hình đồ chơi gỗ chỉ là sáng chế tạo hình thuần túy bằng những lời tuyên bố sử dụng ngôn ngữ/ thành ngữ tạo hình và thị giác nảy sinh, tương tác với những trạng thái tâm thức có ý nghĩa.

go 7

Hình 24. Các mẫu mã đồ chơi gỗ nhập khẩu khá đẹp và bắt mắt, như thú kéo xe dễ thương

Các biểu đạt tạo hình trong đồ chơi gỗ cũng liên quan mật thiết đến vật lí và toán học, đó là cơ sở toán học sử dụng sáng tạo trí tuệ của tâm trí con người chứ không phải một hệ thống tính toán phúc tạp. Ví như Chuồn chuồn gỗ của xưởng đồ chơi Lam Giang, Ninh Bình (Hình 26), dáng hình của chuồn chuồn gỗ gần như không thay đổi qua các thời kì lịch sử, vẫn là dáng hình thon dài, cuối đuôi được vuốt nhẹ cong hướng lên được gọi là winglet (đầu cánh) có vai trò giúp giảm bớt lực cản không khí đồng thời hỗ trợ tạo lực nâng cho chuồn chuồn, hai cánh chuồn chuồn luôn đối xứng qua trục thân để giữ thăng bằng (dựa trên nguyên tắc vật lí là sải cánh càng dài thì lực cản càng thấp), phía trước là đầu mũi tạo hình tam giác, có mũi nhọn dùng làm điểm tựa để dàng đậu lên nhiều vị trí khác nhau, nhờ vậy là tạo hình chuồn chuồn gỗ rất thanh lịch, duyên dáng, như e ấp bên làng quê Việt.

go 8

Hình 25. Đồ chơi gỗ Streamliner Rally của Playsam, 1984. Nhiếp ảnh gia: Bruce White  

Con người cũng dựa trên kiến thức khoa học tự nhiên mà chế tác ra đồ chơi con cù con quay. Các đồ chơi Con cù, Con quay dân gian được tạo hình tự phát, được gọt giũa thô mộc, tập trung hình dáng trụ tròn có chóp nhọn để làm điểm tựa khi quay. Đến nay, tạo hình cho đồ chơi Con cù, Con quay hiện đại có dáng hình thanh nhã, đơn giản, nhịp điệu xòe tròn cao thấp rất đa dạng, có thể sơn màu trang trí hoặc để mộc trơn, mài mịn để lộ vân gỗ xoay quanh trục khiến chúng hấp dẫn với nét hiện đại pha chút cổ điển. Như đồ chơi Con quay của cửa hàng Miniwood Design, HN (Hình 27) sáng tạo nhiều hình dáng đơn giản và hấp dẫn để người chơi có nhiều lựa chọn. 

go 9

Hình 26. Chuồn chuồn gỗ

Nghệ thuật tạo hình đồ chơi gỗ áp dụng quy luật của sự đơn giản chính là trong tâm trí của chúng ta nhận thức mọi thứ ở dạng đơn giản nhất của nó, như các món đồ chơi gỗ hình Thú kéo xe dễ thương (Hình 24). Tạo hình đồ chơi gỗ bằng những hình khối cơ bản nhất toát lên sự quyến rũ và lôi cuốn đồng thời kích thích tâm hồn của người chơi cũng như khả năng thu hút ánh nhìn của sản phẩm nhờ xử lí chất liệu gỗ có bề mặt sáng và bóng. Có thể nói, sự tối giản là đỉnh cao trong nghệ thuật tạo hình đồ chơi gỗ (Hình 25). 

go 52

Hình 27. Đồ chơi con quay con cù

2. Biểu đạt về khối trong đồ chơi gỗ: “Khối” tạo nên hình, thể hiện mối tương quan giữa tỉ lệ với các kích thước của khối, quyết định sự cân đối, hài hòa của hình dáng sản phẩm. Khối bao gồm ba tương quan chủ yếu: sự chiếm chỗ trong không gian (thể tích); cảm xúc về tính chất vật lí của chất liệu; cảm giác về “hình” như là một sự trừu tượng hóa khối lên một bề mặt. Trong nghệ thuật tạo hình, sự vận động có thể hiểu từ ba mặt gắn bó với nhau, gồm "sự vận động của các yếu tố biểu đạt tạo hình của khối - nét - màu được tổ chức trong một không gian; mô tả, phản ánh, bộc lộ bản chất, sáng tạo và phát hiện ra các quy luật và biểu hiện của vận động của các đối tượng thị giác trong không gian nhìn; đại diện cho sự vận động của các trạng thái tâm hồn tình cảm và suy nghĩ của con người”. Sự thống nhất và các mặt đối lập ba tính chất trên của khối với tư cách một khái niệm thị giác là một phương tiện biểu đạt quan trọng của nghệ thuật tạo hình đồ chơi gỗ.

Nguyên lý của việc kiến tạo hình khối cho đồ chơi gỗ là căn cứ vào công năng, chức năng, tính năng kĩ thuật của hình khối để tạo dáng cho phù hợp thẩm mỹ thiết kế.

Khối trong đồ chơi gỗ cũng có khả năng tạo “hình” vì có tính định hướng như đường nét, ví như khối cầu thì tính vô hướng, khối chóp có tính định hướng, khối quả trứng có sức căng bên trong vì có nhiều hướng đối lập. Các liên hệ đa dạng đó về hình thể và kết cấu, khối và không gian đều được lần lượt kết tinh trong những cấu trúc vật chất với các thành phần vật liệu.

go 52

Hình 28. Cờ ốc, đồ chơi gỗ độc đáo của đồng bào Khmer

Hình khối của các quân cờ trong Cờ ốc, đồ chơi gỗ độc đáo của đồng bào Khmer, có sức tạo hình hấp dẫn. Từng quân cờ được đẽo thành khối hình uốn lượn hoặc được tiện thành dáng bầu có chóp cao, và khắc hoa văn tròn quanh trục, điều này khiến tạo hình của chúng trở nên đặc sắc, mang đặc trưng văn hóa hóa vùng miền. Chất gỗ mộc thẫm màu theo thời gian càng tạo nét cổ điển hấp dẫn (Hình 28).

Ngựa gỗ bập bênh là sản phẩm đồ chơi gỗ tiêu biểu mang tính lâu đời gắn liền với tuổi thơ của chúng ta, tạo kí ức tuổi thơ đặc biệt với nhiều kỉ niệm kì diệu. Đồ chơi ngựa gỗ bập bênh nhãn hiệu IQToys (Việt Nam) là sản phẩm phổ biến được yêu thích. Sản phẩm được tạo hình chú ngựa, có thể bập bênh được xây dựng trên một khung bằng gỗ chắc chắn, mài nhẵn bóng mịn không gây hại cho người chơi; sử dụng nguyên liệu gỗ, có thể trang trí hoa văn, màu sắc hay kết hợp vật liệu vải mềm lên thân ngựa, phần tay cầm nhỏ, dễ dàng cầm nắm. Một sản phẩm độc đáo khác là Ngựa gỗ bập bênh của nhãn hàng Nhật Minh (Vigsmart.com) có hình khối khỏe, cách điệu vạt mảng hình chú ngựa theo xu hướng tạo hình vuông vức mang âm hưởng của tạo hình dân gian, màu vàng nghệ và cam đỏ, trang trí họa tiết phối xanh, vàng, đỏ với viền nét đen tạo cảm giác rất gần gũi với văn hóa Việt (Hình 29,30).  

go 11

Hình 30. Ngựa gỗ bập bênh của nhãn hàng Nhật Minh

go 12

Hình 31. Ngựa gỗ bập bênh Hoàng Gia

Ngựa gỗ bập bênh Hoàng Gia của thương hiệu đồ chơi Ngọc Long (HN) được chế tác tạo hình dựa trên sự kết hợp giữa phong cách cổ điển và hiện đại, là sản phẩm được sản xuất bằng gỗ tự nhiên cao cấp nguyên khối, gia công sắc sảo; chỉ phủ lớp sơn bảo vệ trong suốt làm nổi bật lên vân gỗ như hoa văn độc đáo, các góc các cạnh được bo tròn, được chau chuốt mềm mại tránh sự va chạm gây tổn thương, gia công kĩ lưỡng nên có độ an toàn cao. Đồ chơi được lấy cảm hứng tạo hình từ phong cách nghệ thuật phương Tây cổ điển, phần ngồi có giá đỡ và tay vịn, các trụ đỡ được tiện theo trục tạo các đường nét mềm mại có phần tinh tế, sáng tạo hài hòa với phần chân đế cong (để đu đưa bập bênh). Phần đầu ngựa chế tác theo phong cách tả thực kết hợp xu hướng tạo hình khối đơn giản, hiện đại làm chúng trở thành vật trang trí độc đáo trong ngôi nhà, làm cho ngôi nhà trở lên sang trọng hơn. Một Ngựa gỗ bập bênh khác của đồ chơi Ngọc Long (HN) được thiết kế đẹp mắt, mô phỏng hình chú ngựa xinh xắn với tạo hình theo phong cách tả thực, hình khối chắc khỏe mà vẫn nhịp nhàng uốn lượn chi tiết của đuôi, bờm, tai, bắp chân, móng,… rất duyên dáng, phần tay cầm và chỗ để chân có khoảng cách hợp lí (Hình 31).

go 13

Hình 32. Ngựa gỗ bập bênh của Công ty Đồ chơi Kinh Bắc, Quận Hoàng Mai

Đồ chơi Ngựa gỗ bập bênh của công ty đồ chơi Kinh Bắc (HN) có kiểu dáng được tạo hình ngộ nghĩnh đáng yêu, mô phỏng những chú ngựa xinh xắn, màu gỗ thông vàng nhạt có nhấn trang trí màu đỏ rất thu hút. Phần đế chân ngựa được tạo hình hình bán nguyệt để dễ dàng đu đưa mô phỏng giống như ngựa đang chạy, phần sau có vành đai và lưng ghế giúp bảo vệ khi ngồi. Điều này tạo ra một không gian chơi nằm gói gọn trong tạo hình tồng thể của đồ chơi ngựa gỗ. Cách tạo hình khối dùng không gian này như một yếu tố hình ảnh và tạo hình mới trong số những yếu tố thị giác khác, cho nó cùng một tầm quan trọng như của nét, hình và màu, như một phương tiện cơ bản để cấu trúc một tác phẩm thị giác (Hình 32).

go 14

Hình 33. Ngựa bập bênh của nhãn hiệu Kendotoy (Việt Nam)

Đồ chơi Ngựa gỗ bập bênh của nhãn hiệu Kendotoy (Việt Nam) có tạo hình khối không gian sáng tạo. Bởi nghệ thuật tạo hình đồ chơi gỗ có loại hình không gian khối là không gian bao bọc lấy khối và không gian len lỏi vào bên ngoài vào trong lòng khối. Trong đồ chơi gỗ, khối chính là không gian nằm bên trong cơ thể vật chất của sản phẩm (Hình 33).

go 15

Hình 34. Ngựa bập bênh của thương hiệu Hape

Đối với các cấu trúc khối- không gian mở, dễ dàng thấy được sự cân bằng vật lí của nó. Đối với các cấu trúc khối - không gian kín thì rắc rối hơn. Đây chính sự tiếp biến trong thẩm mỹ với đời sống của các khối không gian. Ví như Ngựa gỗ bập bênh của thương hiệu Hape là một chú ngựa gỗ hoàn toàn cân bằng, là một đồ chơi cổ điển giúp thúc đẩy trí tưởng tượng, phát triển cân bằng và kĩ năng phối hợp cơ bản của người chơi. Hape thành lập vào năm 1986 bởi người sáng lập và CEO Peter Handstein ở Đức, là thương hiệu đi đầu trong việc thiết kế và sản xuất đồ chơi trẻ em và trẻ em bằng gỗ chất lượng cao làm từ vật liệu bền vững, được người tiêu dùng Việt Nam yêu thích (Hình 34). 

go 16

Hình 35. Ngựa bập bênh của thương hiệu WinWintoys

Đồ chơi gỗ có sự biểu đạt nghệ thuật tạo hình độc đáo còn bởi tính chất năng động của nó. Đó là những món đồ chơi gỗ dựa trên sự kết hợp uyển chuyển giữa các bộ phận, hoặc bằng khớp nối, hoặc bằng cách lắp ráp. Đặc điểm này của đồ chơi gỗ đòi hỏi công việc tạo hình cần phải nghĩ tới hiệu quả thẩm mỹ của hình tượng vận động, bởi chính sự vận động tạo nên sự thay đổ hình dạng của hình tượng đó. Xem xét đồ chơi Ngựa gỗ bập bênh của nhãn hiệu WinWintoys (Việt Nam), mẫu ngựa xếp bập bênh này được tạo hình độc đáo, sáng tạo và vô cùng tiện lợi cho người dùng. Dù ở trong bất kì không gian mở nào cũng có thể vận hành dễ dàng đồ chơi gỗ này. Tạo hình có thể cho phép gấp gọn đồ chơi khi không sử dụng hoặc cần phải di chuyển đi xa trong các chuyến đi chơi dài ngày sẽ là yếu tố rất thuận tiện cho người chơi (Hình 35).

go 17

Hình 36. Đồ chơi quả phết

Cảm xúc thẩm mỹ về một sản phẩm đồ chơi gỗ được tạo nên bởi vẻ đẹp của cấu trúc hình khối và vẻ đẹp của vật liệu, chất liệu tạo nên hình khối đó. Bởi vậy, trong sáng tạo đồ chơi gỗ, cần khai thác vẻ đẹp tự thân của vật liệu gỗ mới, công nghệ, kĩ thuật xử lí chất liệu gỗ mới, cùng phối hợp để tạo nên những hình khối đặc sắc cho sản phẩm.

3. Biểu đạt về màu sắc trong đồ chơi gỗ: Màu sắc là một hiện tượng phong phú luôn biến đổi trong các tương quan của chúng dưới tác động của các nguồn sáng khác nhau: vật lí học nhận biết nó như là dải ánh sáng có tần số và biên độ sáng khác nhau; hóa học coi nó là sản phẩm của những chất màu nhất định; quang học coi nó là biểu hiện của phổ ánh sáng; nghề in coi việc in màu là kĩ thuật hiện đại có các cách chồng màu để có màu gần với sự thật. Vận dụng màu sắc đem đến hòa sắc chung, sự hấp dẫn, có lực hút thị giác giúp tạo hình sản phẩm hài hòa theo cấu trúc và chức năng của đồ chơi gỗ. Sự hài hòa của màu là khái niệm để thỏa mãn con mắt một cách tốt nhất, khiến cho mắt không bị mệt mỏi, khó chịu. Nếu khối và hình có thể nhận biết được nhờ xúc giác thì màu là thuần túy thị giác. Màu có khả năng làm biến đổi hình và tự bản thân màu sắc tạo thành các yếu tố của một ngôn ngữ biểu hiện cảm xúc.

go 18

Hình 37. Đồ chơi gỗ Liewood

Ngay từ xưa, đồ chơi gỗ truyền thống đã có sự biểu đạt về màu sắc sinh động. Ví dụ như những Quả phết trong trò Đánh phết, được đẽo tròn bằng gỗ, được phủ một lớp sơn màu đỏ có ý nghĩa tượng trưng cho mặt trời (có nguồn gốc từ tục thờ mặt trời và sự tích về Hai Bà Trưng) nhằm cầu mong điều tốt đẹp trong hội làng ngày xuân (Hình 36). Tạo hình đồ chơi gỗ đã dùng sức mạnh của màu sắc để tượng trưng cho các ý tưởng, điều đó trở thành một công cụ mang lại sự trù phú cho các ẩn dụ và làm cho đồ chơi hấp dẫn hơn trong nội dung và ý nghĩa. 

Điều này cho thấy yếu tố năng lượng màu phụ thuộc vào tần số của bước sóng với tần số càng cao, năng lượng càng lớn. Năng lượng suy giảm theo tỉ lệ thuận với tần số những màu có bước sóng dài hơn thì năng lượng hoặc bức xạ của nó sẽ tương đối ít hơn, nhờ đó giúp giải thích tại sao chúng ta dùng những từ như “rung động” hoặc “phập phồng” để mô tả nhiều cảm xúc về màu. Do đó, màu có sức mạnh tâm lí. Tác động tâm lí của màu còn phụ thuộc vào mỗi cảnh và tình huống tâm lí, nó không tách khỏi tình trạng tâm lí cụ thể của người cảm thụ màu. Sự hài hòa của màu có ý nghĩa là các yếu tố đó phải được sử dụng thế nào đó để thỏa mãn thị giác một cách tốt nhất, không làm mệt mỏi, khó chịu. Đồ chơi gỗ được sơn nhiều màu sắc rực rỡ sẽ có tác động đến thị giác và tâm lí người chơi, gây hứng thú và lôi cuốn vào việc chơi nhiều; đồ chơi gỗ được sơn màu sắc trang nhã, thanh lịch lại tạo tâm lí chơi ổn định, có khả năng giúp người chơi điều trị tinh thần qua cảm quan thị giác của màu (Hình 37). 

go 19

Hình 38. Đồ chơi gỗ Candywood

Vấn đề của quan hệ giữa màu và hình cho thấy khía cạnh khác về màu sắc có tác động một cách phức tạp, tinh vi, rất nhanh nhạy vào tâm lí và gây ra xúc cảm, gây liên tưởng, xây dựng tình cảm con người mạnh mẽ. Ví dụ như màu đỏ phù hợp với dáng hình gì là tốt nhất, với hình vuông hay hình tam giác, hay hình tròn. Nghiên cứu cho thấy màu đỏ có khuynh hướng hội tụ sắc nét, nên hình vuông có thể phù hợp nhất với màu đỏ. Màu lam là màu có chất không gian khó hội tụ sắc nét, nên hình tròn có thể là hình phù hợp tốt nhất. Đồ chơi gỗ khối xây dựng Cầu vồng (Rainbow) của thương hiệu Candywood đã khai thác hiệu quả ứng dụng của quan hệ hình và màu như thế (Hình 38).

go 20

Hình 39. Đồ chơi gỗ rau củ quả có màu sắc sinh động

Đồ chơi gỗ về chủ đề rau củ quả là ứng dụng màu sắc thiên nhiên vào tạo hình cách điệu, ví như một hình gần như tròn có màu đỏ hay màu vàng, ta nghĩ đến trái/quả nào đó hoặc nghĩ tới mặt trời mặt trăng, ứng dụng trong đồ chơi gỗ chủ đề rau củ quả là phù hợp (Hình 39). Hầu hết các sản phẩm đồ chơi gỗ Việt Nam hiện nay được được đầu tư sản xuất tốt với sự tham gia của nghệ thuật tạo hình hiện đại, màu sắc tươi sáng, ví dụ như bộ đồ chơi gỗ thuyền bồm chẳng hạn (Hình 40). 

go 21

Hình 40. Bộ đồ chơi gỗ thuyền buồm Việt Nam, thương hiệu WinWinToy

go 22

Nguyên lý tạo hình của màu sắc là lực hút thị giác, có khả năng gom nhóm hoặc tách nhóm theo chức năng của sản phẩm được thiết kế. Đó là sự ứng dụng theo quy luật tự nhiên khi mắt người có khả năng tách biệt đâu là chủ thể (chính), đâu là phần nền (phụ). Ví dụ đồ chơi gỗ Cubetto đã vận dụng màu sắc để phân nhóm các chi tiết với chức năng như nút điều khiển đặt trên bảng viết mã. Lúc này, màu sắc giúp người chơi biểu tượng hóa các nhóm chi tiết để giải câu đố, là cách vừa học, vừa chơi (Hình 42). Hay như đồ chơi gỗ Cờ carô, nhãn hàng Maztermind (TP.HCM) vận dụng màu sắc trong cách thức chơi để phân chia quân cờ xanh - đỏ, giúp người chơi được thuận tiện (Hình 43).

go 23

Hình 41. Đồ chơi gỗ xếp / ráp hình theo mẫu

go 24

Hình 42. Cubetto là một robot bằng gỗ được thiết kế để dạy trẻ mới biết cách viết mã

Bên cạnh màu sắc sinh động, in hình ảnh hoa hoa văn hấp dẫn luôn kích thích sự vui thích của người chơi. Sự sáng tạo tạo hình đồ chơi gỗ cần duy trì sự cân bằng cũng như đầy đủ các màu sắc, màu sắc và hình ảnh. Đồ chơi gỗ xếp/ ráp hình theo mẫu với màu sắc nổi bật cùng chất liệu được xử lí “mượt mà” là điểm cộng cho các dòng sản phẩm này. Màu và sắc độ đen trắng cũng có khả năng định hướng gây cảm giác về chuyển động. Khi xếp các dải màu hoặc các vòng tròn màu theo một gam màu, một hệ các sắc độ hoặc có sự đối lập về nóng - lạnh, xa - gần, nặng - nhẹ cũng như cách chia tỉ lệ có hiệu quả định hướng tạo hình đồ chơi gỗ (Hình 41, 44).

go 25

Hình 43. Đồ chơi gỗ cờ ca-rô từ nhãn hàng Maztermind, nhà sản xuất Việt Nam

go 26

Hình 44. Đồ chơi xếp hình, gỗ rút gỗ, ráp chữ

Với đồ chơi gỗ dễ dàng thông qua việc đàm thoại về màu sắc và cách chọn màu, để giúp người chơi nâng cao mỹ cảm như bộ đồ chơi gỗ của nhãn hàng Robotime (DIY- 3D Puzzle Kingdom, Build and Paint) cho phép người chơi tự tô màu và tự do sáng tạo. Xưởng De L'archi - Giấc mơ đồ chơi Việt cũng đã chọn hướng này để xây dựng thương hiệu Đồ chơi gỗ Việt, với cách thức tạo hình đơn giản, để gỗ mộc và người chơi được tương tác và đàm thoại về màu sắc. Thực tế người chơi rất thích với các trải nghiệm thú vị như thế này (Hình 45, 46, 47).

go 27

Hình 45: Robotime (DIY - 3D Puzzle Kingdom, Build and Pait)
cho phép người chơi tự tô màu và thoải mái sáng tạo

go 28

Hình 46. Người chơi rất thích với các trải nghiệm thú vị qua việc đàm thoại
về màu sắc và cách chọn màu với đồ chơi gỗ

go 29

Hình 47. Xây dựng thương hiệu đồ chơi gỗ Việt,
người chơi được tương tác và đàm thoại về màu sắc

Những bộ đồ chơi gỗ đầy màu sắc như trên được thiết kế phù hợp trên quan điểm của Mỹ thuật học, màu sắc nào cũng phát huy hết bức xạ năng lượng của nó, và gây cảm xúc thị giác riêng của nó. Thực tế là không thể có một quy luật tuyệt đối nào về màu sắc trong từng sản phẩm tạo hình thiết kế cụ thể. Sự phối hợp của màu sắc với các yếu tố khác nhau lại tạo ra hiệu quả thẩm mỹ và chức năng biểu tượng khác nhau trong mỗi sản phẩm.

5. Biểu đạt về bố cục trong đồ chơi gỗ: Bố cục trong đồ chơi gỗ được tạo hình trong một không gian - không gian đó chính là một hiện thực luôn hiện diện trong trải nghiệm thị giác của chúng ta về thế giới. Không gian không phải là phần trống chung quanh vật thể; nó là một vật liệu tự thân, một phần cấu trúc của vật thể, nó bao hàm cả chức năng truyền đạt một khối, tương tự như các vật liệu rắn khác.

Chức năng tạo hình của không gian thể hiện rất rõ trong đồ chơi gỗ. Hình thể và kết cấu, khối và không gian, mang những biểu hiện hết sức đa dạng trong các sản phẩm đồ chơi gỗ khác nhau. Việc tạo hình thể tưởng như khá tự do của đồ chơi gỗ cũng chỉ thành công nếu chứa trong nó những hiểu biết về ngôn ngữ tạo hình này. Những sản phẩm đồ chơi gỗ có cấu trúc khối - không gian mở, mà cái đẹp là ở tính biểu hiện của hình thể ở sự “cởi mở” và chức năng về kết cấu cấu trúc. Những sản phẩm đồ chơi gỗ có cấu trúc khối - không gian đóng với các vỏ bọc cách kín kết cấu thì cái đẹp thể hiện theo hướng ngược lại. Bởi vậy, những sản phẩm đồ chơi gỗ có cấu trúc vừa mở vừa đóng sẽ ngày càng phổ biến hơn.

Một đồ chơi gỗ có bố cục thành công phải rõ ràng, khúc chiết về cấu trúc, hợp lí về tổ chức không gian và đáp ứng được tính công năng trong một tổng thể thống nhất, hài hòa. Bố cục của đồ chơi gỗ là các yếu tố hình thức được sắp xếp dựa trên những nguyên lí tạo hình như chính phụ, điểm nhấn, sự cân bằng, tương phản, nhịp điệu, tỉ lệ, hài hòa-thống nhất, tĩnh - động, thời gian - không gian. 

Trước hết, mỗi sản phẩm đồ chơi gỗ là một chỉnh thể thống nhất của nhiều bộ phận hình thể, trong đó, yêu cầu về tính đồng bộ trong sự đa dạng ở ngôn ngữ tạo hình, sự thống nhất ở phong cách tạo hình, sự toàn vẹn, hài hòa giữa cái chung và cái riêng trong sản phẩm đồ chơi gỗ được đề cao. Tính nhất quán của các hiển thị sẽ dẫn đến độ chính xác cao trong nhận diện về ý nghĩa, ngữ nghĩa của chúng. Ví như tạo hình đồ chơi gỗ Dụng cụ nhà bếp, theo cách tư duy từng khối hình đồng dạng (module) đã cách điệu thành các yếu tố hình chữ nhật và do đó tạo hình đồ vật rất trừu tượng, nó tạo thành mô hình chơi. Cách sử dụng màu sắc kết hợp với chất liệu trong bộ đồ chơi này cũng tạo nên những hiệu quả thị giác nhất định. Đó là việc sử dụng các khối hình từ gỗ cao su tự nhiên được phủ màu sơn an toàn, nhấn màu đỏ nổi bật trên tổng thể màu trắng, phối cùng màu vàng nhạt của gỗ mộc đã tác động tới thị giác người chơi một cách mạnh mẽ (Hình 48).

go 30

Hình 48. Đồ chơi gỗ nhà bếp

Bố cục tạo hình trong đồ chơi gỗ chính là đảm bảo nguyên tắc đồng bộ (similarity) được áp dụng để giúp chúng ta dễ dàng nắm bắt một ý tưởng hay nội dung có liên quan với nhau. Khi não bộ vẫn tạo ra một sợi dây vô hình để kết nối các vật thể đồng dạng đó lại với nhau theo nhiều kiểu đồng bộ khác nhau, bằng hình khối, kích cỡ, hay màu sắc. Mặc dù khác nhau về kết cấu và màu sắc, nhưng thực tế là chúng giống như một hình đối xứng đã hợp nhất chúng. Đối với các sản phẩm đồ chơi gỗ có sự tương tác từ người dùng, nguyên tắc đồng bộ được áp dụng khi cần mối tương quan sâu sắc giữa những thành phần trong thiết kế (bao gồm tính vật lí hay ý tưởng/ concept). Đồ chơi gỗ Dụng cụ kĩ sư là một ví dụ (Hình 49).

go 31

Hình 49. Đồ chơi gỗ dụng cụ kỹ sư

Tiếp theo, việc xây dựng bố cục đồ chơi gỗ hài hòa dựa trên quy luật về sự cân bằng thị giác trong đó, sản phẩm đồ chơi gỗ tạo thành một tổng thể hợp lí cả ở nội dung, ý nghĩa bên trong và sự biểu cảm của hình thức bên ngoài (Hình 50). 

go 32

Hình 50. Đồ chơi gỗ cân bằng

Sự biểu đạt tiếp theo về bố cục tạo hình đồ chơi gỗ là sự khép kín thống nhất trong nhất thể (closure), bởi khi một vật thể có hình dạng không toàn diện hay không kín, mắt người ta có xu hướng hoàn thành nốt phần còn lại và lấp đầy khoảng trống, bằng cách tưởng tượng các đường nét, màu sắc hoặc hoa văn. Chúng ta coi các phần tử thuộc cùng một nhóm nếu chúng là một phần của một hình khép kín. Bố cục tốt thể hiện qua tính liên tục trong các khối hình dáng của đồ chơi gỗ được tạo nên bởi sự kết nối ảo dựa trên những liên tưởng và kinh nghiệm thị giác tồn tại trong vô thức sẽ tạo cho chúng một cảm giác về sự chuyển động liên tục, khiến các các phân đoạn của chúng dường như được liên kết thành một hình thống nhất. Đó cũng là cách chơi sáng tạo khi chơi với đồ chơi gỗ Xe lửa, đồ chơi gỗ Luồn dây hoặc Ráp hình (puzzle) (Hình 41, 51).

go 33

Hình 51. Đồ chơi gỗ xe lửa và luồn dây

go 34

Hình 52. Đồ chơi gỗ xếp chồng các con thú

Đồng thời, bố cục tạo hình đồ chơi gỗ cũng sử dụng nguyên tắc tập trung (common fate) để tái lập các khối đồ chơi có mối quan hệ mật thiết nếu chúng cùng hướng về một hướng nhất định. Khi các yếu tố hình thể, nhờ cách sắp xếp và hướng của các hình tạo cảm giác di chuyển cùng nhau theo cùng một hướng, chúng ta sẽ thấy chúng như một phần của một nhóm duy nhất. Mắt chúng ta bị thu hút về phía các hình đang chuyển động cùng nhau và nguyên tắc này đặc biệt quan trọng đối với đồ chơi gỗ, như đồ chơi gỗ Xếp chồng các con thú (Hình 52)

go 35

Hình 52. Đồ chơi gỗ khối gỗ cân bằng

Đối xứng hóa là một trong những phương tiện bố cục thường hay dùng để đem lại sự cân bằng. Dĩ nhiên giờ đây, khái niệm đối xứng đã được mở rộng hơn nó không còn chỉ giới hạn ở dạng đối xứng “nhìn thấy được”, mang tính cân bằng vật lý thông thường, mà còn ở dạng thức cao hơn, trừu tượng hơn: đối xứng giả, cân bằng bất đối xứng hay còn gọi là cân bằng động - tạo nên cảm giác về sự cân bằng, đối xứng nhờ những thành phần, yếu tố không giống nhau, lặp lại nhau qua trục đối xứng. Trước một hình thể như thế, tính hài hòa sẽ được mở ra dần dần đem lại cho người chơi sự khám phá mới. Đây cũng là tiêu chí khi chơi với đồ chơi gỗ mang tính sáng tạo. Đó cũng là lí do mà đồ chơi gỗ Khối cân bằng được nhiều người chơi yêu thích. Nhiều xưởng đồ chơi gỗ Việt cũng chọn món đồ chơi khối cân bằng này để sản xuất, tận dụng gỗ tái chế và màu nhuộm tự nhiên tạo sự độc đáo (Hình 53).

go 36

Hình 53. Modulon, Jo Modulon 1984 Kurt Naef Golden Ratio Maths Art Original Box Rae 

Bên cạnh đó, các yếu tố tỉ lệ của những kích thước và không gian trong bộ đồ chơi gỗ phải được kiểm soát chặt chẽ nhờ mối quan hệ giữa tính chất đồng nhất và tỉ lệ: đó là tỉ lệ tuyến tính. Một trong những ví dụ tốt minh họa cho yếu tố này được thể hiện ở sản phẩm đồ chơi gỗ Jo Niemeyer Modulon (Hình 54) của công ty Thụy Sĩ Kurt Naef (Kurt Naef Golden Ratio Maths Art Original Box Rare). Món đồ chơi này bao gồm một khối lập phương được chia thành 16 mảnh theo “tỉ lệ vàng”. Nguyên tắc tạo hình của đồ chơi này là 16 mảnh gỗ có 7 kích thước khác nhau, song những kích thước này được tạo ra bởi một mối quan hệ tỉ lệ nhất định giữa các khối ngắn và khối dài hơn nó. Chúng được sắp xếp theo nhiều cách phù hợp tùy trí tưởng tượng của người chơi mà vẫn giữ được mọi thành phần hình ăn khớp với nhau một cách hài hòa.  Nguyên tắc này đã được các kiến trúc sư và nghệ sĩ áp dụng từ thế kỉ XV. Nghệ thuật tạo hình đồ chơi gỗ trong trường hợp này được xây dựng trên một mô thức toán học, một công thức tổ chức các tỉ lệ đường nét và mảng miếng rất tinh tế để tạo một bố cục hài hòa, thống nhất và ăn khớp nhau giữ các thành phần.  

go 37

Hình 55. Một số đồ chơi gỗ Việt Nam

- Nguồn: Theo Luận án Tiến sỹ Nghệ thuật của Phạm Như Linh -

>>> Diện trong cơ sở tạo hình

>>> Ngôn ngữ tạo hình trong kiến trúc (Phần 1)

Tags:

0976984729