Các thể loại cơ bản của tranh in

Quá trình phát triển của nghệ thuật tranh in luôn gắn với các bước tiến của khoa học, công nghệ vật liệu và in ấn. Đó chính là sự khác biệt của tranh in với các loại hình nghệ thuật thị giác hai chiều khác. Người họa sĩ tranh in không chỉ sáng tạo bằng khả năng tạo hình, tư duy thẩm mỹ, mà còn bằng sự tìm tòi, khám phá, làm chủ các phương pháp chế bản, in ấn và những chất liệu, kỹ thuật cần thiết. Cùng với thời gian, tranh in luôn được bổ sung các chất liệu, kỹ thuật và hình thức mới làm phong hiệu quả thị giác, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ thời đại. Vì vậy, người họa sỹ tranh in không chỉ là người sáng tạo hình thức và nội dung tác phẩm, mà còn là người sáng tạo ra chất liệu và kỹ thuật thể hiện để thực hiện nhiệm vụ và mục đích của mình.

Trong nghệ thuật tranh in, kỹ thuật chế bản, khắc ván in có nhiều và đa dạng. Sự đa dạng của các kỹ thuật chế bản có được nhờ sự phát triển phong phú các chất liệu sử dụng làm bản in: từ gỗ tự nhiên, đồng, kẽm, nhôm, cao su, thạch cao, nhựa tổng hợp, mica, gỗ nhân tạo, tấm phin mỏng, bìa giấy v.v… Cùng với sự phong phú về chất liệu, các kỹ thuật tiên tiến của nền công nghiệp in ấn cũng được áp dụng đẻ chế bản in như: phơi chụp cảm quang, chế bản điện tử hay kỹ thuật số…

Trong khi kỹ thuật, chất liệu chế bản in rất đa dạng, gần như không có hạn chế, thì các kỹ thuật in ấn lại chỉ theo một số phương pháp nhất định và được phân loại khá cụ thể. Các phương pháp đó là: in nổi, in lõm, in độc bản, in xuyên, in phẳng. Chính vì vậy, ngày nay, giới nghiên cứu và sáng tác tranh in đã quan tâm nhiều hơn đến các phương pháp in – nhân tố có ảnh hưởng quyết định cuối cùng đến việc tạo ra tác phẩm tranh in và hiệu quả thị giác của nó. Trên nền tảng nhận thức đó, phương pháp in đã trở thành yếu tố chính, là cơ sở khoa học và thực tiễn để phân loại, hay nói cách khác, là để xác định thể loại tranh in. Dựa theo các phương pháp in, Tranh in được chia thành các thể loại có tên gọi tương ứng. Nghệ thuật tranh in có các thể loại cơ bản như sau:

  • Tranh in nổi
  • Tranh in lõm
  • Tranh in độc bản
  • Tranh in phẳng
  • Tranh in xuyên

Khi bước đầu tiếp cận các phương pháp, kỹ thuật và chất liệu tranh in, người đọc cần chú ý nắm được bản chất, tính đặc thù và những yêu cầu cần thiết cho mỗi thể loại, chất liệu tranh in. Dưới đây là những nét khái quát về mối quan hệ giữa phương pháp in và hiệu quả thị giác của mỗi thể loại tranh in.

1. Tranh in nổi: In nổi là phương pháp in có từ rất sớm trong lịch sử kỹ thuật in ấn và nghệ thuật tranh in. Cách in này xuất hiện từ thời xa xưa ở nhiều nền văn minh cổ đại và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới, tiêu biểu là vùng Lưỡng Hà và Trung Quốc. Khi đó con người đã biết làm những khuôn in chữ hay hoa văn bằng đất. Về sau gỗ đã được sử dụng để làm những con triện in ký hiệu đặc quyền của ai đó lên các văn bản có giá trị hay in vải hoa.

tranh doc ban 1

Phương pháp in nổi

Nguyên tắc đặc thù của phương pháp này là các phần tử in luôn nằm nổi cao hơn so với phần tử không được in (xem hình minh họa bên trên). Các phần tử in được phủ mực in, màu in bằng những công cụ khác nhau và được in lên giấy (hay một số vật liệu mềm như vải, da thú, nilon; song vì giấy là vật liệu nền in chủ yếu nên sau đây chúng tôi sẽ chỉ lấy giấy làm đại diện để tránh sự rườm rà trong quá trình đọc). Trong phương pháp in nổi có hai cách in hình. Cách thứ nhất là in lên giấy rồi ấn mạnh để in hình ra bề mặt giấy. Cách in này thường để in các khuôn in cỡ nhỏ hoặc cần lặp lại hình in trên một bề mặt rộng. Kỹ thuật in theo kiểu đóng dấu được áp dụng trong in tranh dân gian Đông Hồ (gọi là in úp ván) và trong in các chi tiết của một tranh in khố lớn. Cách thứ hai là in theo kỹ thuật rập: đặt giấy lên ván in và xoa, ấn hay nén mạnh mặt sau của nó đến khi in được những hình ảnh sắc nét từ khuôn in. ở kỹ thuật này, mặt có hình khắc của ván in hướng lên trên. Ở Việt Nam gọi là in ngửa ván. Đây cũng là cách in phổ biến, hầu hết các tranh in nổi của bao thế hệ họa sỹ trên thế giới và ở nước ta được in theo kỹ thuật này. Phương pháp in nổi thường áp dụng để in tranh từ ván khắc bằng các chất liệu như: gỗ, cao su, thạch cao, bìa giấy, nhựa tổng hợp, đôi khi là bản in kim loại. Ngoài ra, trong một số trường hợp, in nổi cũng được thực hiện với các chất liệu mang tính thử nghiệm như bê tông, các bề mặt vật thể có sẵn từ thế giới tự nhiên hay nhân tạo.

Ngôn ngữ thị giác, hiệu quả thẩm mỹ của hình ảnh mà phương pháp in nổi đem lại thường mang nhiều tính khúc triết, đơn giản, khỏe khoắn và hàm súc (nếu thực hiện theo kỹ thuật khắc truyền thống). Các tác phẩm đồ họa được sang tác bằng phương pháp in nổi được xếp chung vào thể loại gọi là Tranh in nổi. Tuy nhiên, ngày nay tranh in nổi cũng đã thay đổi, phát triển xa hơn trước nhiều và đạt được hiệu quả thẩm mỹ tinh tế, phong phú hơn nhờ những phát triển mới về kỹ thuật và thủ pháp chế bản, in ấn, đặc biệt là kỹ thuật khắc phá bản. Trong tiếng Anh, tranh in nổi được gọi là “Relief Print” (relief: nổi cao, print: tranh in).

2. Tranh in lõm: Phương pháp in lõm được tìm vào thế kỷ 15, muộn hơn nhiều so với phương pháp in nổi. Phương pháp này có nguyên lý in trái ngược với phương pháp in nổi.

tranh doc ban 2

Phương pháp in lõm

Nếu trong in nổi, các phần tử in nằm nổi cao hơn phần không cần in, thì trong in lõm các phần tử in lại nằm thấp hơn so với phần không cần in, trong những chấm, vạch nhỏ bé được khắc hay ăn mòn lõm sâu vào bề mặt bản in, nằm chìm sâu trong bản in. Chính vì vậy mà ngoài cách gọi in lõm, một số người Việt Nam gọi phương pháp này là in chìm. Bên cạnh đó, nếu in nổi được thực hiện chủ yếu trên bản in bằng gỗ, cao su, thạch cao, thì in lõm chủ yếu áp dụng với các bản in bằng kim loại, thường là đồng và kẽm, sau này có thêm nhôm, mica và bản in ghép dán (collagraph). Để đưa mực in vào những phần hình được khắc hay ăn mòn lõm sâu ở bề mặt bản kim lọa, các phần trũng hơn trên bản collagraph, người ta phải bôi mực in lên rồi lại dung vải và giấy lau đi lượng mực thừa bám trên bề mặt bản in sao cho mực in chỉ đọng lại ở các phần lõm hơn đã được chế bản. Đó là quá trình đòi hỏi sự nhạy bén và cảm giác tinh tế của người thực hiện để đem lại hiệu quả tốt nhất cho bức tranh sẽ in ra. Điểm khác biệt nổi bật của phương pháp in này là giấy in phải được ủ ẩm đều trước khi in và cần độ nén mạnh. Trong quá trình in, các trục lăn của máy in nén giấy ẩm xuống các phần lõm đã chứa mực in và phần lớn lượng mực in ở đó bám vào giấy để tạo điểm, nét, hình ảnh trên giấy. Cách in này trước kia chỉ áp dụng với tranh khắc kim loại. Ngày nay các họa sỹ đã phát triển cho cả việc in các bản khắc phim nhựa, mica, bản in ghép dán tổng hợp (collagraph) và một số chất liệu thử nghiệm khác. Những tranh in bằng phương pháp in lõm được phân thành thể loại riêng gọi là Tranh in lõm. Tranh in lõm thường có hiệu quả tạo hình mềm mại, uyển chuyển, tinh tế và sắc độ và tính điệu của nét. Trong tiếng Anh, phương pháp in lõm được gọi là “Intaglio”, còn tranh in lõm là “Intaglio Print”. Trong đó từ “intaglio” có nguồn gốc La Tinh và mang nghĩa là làm lõm sâu vào bề mặt nào đó, tuy nhiên nó chủ yếu được sử dụng để chỉ phương pháp và tranh in lõm.

3. Tranh in phẳng: Phương pháp in phẳng được sáng tạo bởi nhà viết kịch nghiệp dư người xứ Bavaria, nước Đức, tên là Alois Senefender vào năm 1796. Đây là một trong những phát minh vĩ đại của loài người, tạo ra phương pháp in mới mang tính kinh tế và nghệ thuật rất cao, trở thành nền tảng của công nghệ in offset phổ biến và giữ vị trí hang đầu trong ngành in trên toàn thế giới cho đến hiện nay.

tranh doc ban 3

Phương pháp in phẳng

Phương pháp in phẳng chính là phương pháp in từ bản đá vôi do Senefender phát minh vào cuối thế kỷ 18 ở Đức, mà một số sách, từ điển xuất bản bằng tiếng Việt còn gọi là phương pháp in bằng, thuật in bằng. Phương pháp này xuất phát từ kỹ thuật in đá có tên gọi Lithography (Litho: đá, graphy: thuật in). Lúc đầu, kỹ thuật và phương pháp in đá được sang tạo để phục vụ ngành in, đặc biệt cho việc in ấn kịch bản sân khấu, bản nhạc, sách, báo, bản đồ, sơ đồ, họa đồ nghiên cứu khoa học.

Trong in đá, các phần tử in và phần tử không in đều nằm trên cùng một mặt phẳng đá, giữa chúng không có sự chênh lệch về độ nổi hay độ lõm. Khi in chúng được phân biệt với nhau bởi nguyên lý hóa chất của sự đối kháng giữa chất có dầu là mực in và nước bám trên mặt đá. Từ đây dẫn tới tên gọi “in phẳng”. In phẳng là tiếng Việt được dịch từ từ “Planography” trong tiếng Anh (trong đó: plano – phẳng, graphy – thuật in). Phương pháp này được áp dụng cho thực hành các sáng tác tranh in theo chất liệu, kỹ thuật in đá truyền thống (stone lithography) và các kỹ thuật phái sinh của nó trên các chất liệu mới phát triển như: bản kim loại (metal plate lithography), bản giấy (paper lithography), bản gỗ (wood plate lithography). Các kỹ thuật trên đều tuân thủ nguyên tắc của in đá – cốt lõi của phương pháp in phẳng. Theo đó, các phần tử in và không in đều nằm trên cùng một mặt phẳng và được phân biệt với nhau nhờ tính đối kháng của mực in, sáp vẽ và nước. Sau khi hình ảnh được vẽ và chế bản trên các bề mặt chất đến bước in ấn. Trong quá trình in, mực in được đưa lên bề mặt bản in đã được làm ẩm ướt đều khắp (bản in đã chứa nước), những điểm được vẽ sẽ bắt mực, những điểm còn lại ngậm nước và đẩy mực (không bắt mực) và chỉ những điểm bắt mực mới in ra giấy. Dựa vào tính chất phản ứng lý hóa này mà phương pháp in phẳng còn được gọi là phương pháp in hóa học. Các tranh in được thực hiện bằng phương pháp in phẳng trên mọi chất liệu như kể trên tạo nên một thể loại của nghệ thuật tranh in: Tranh in phẳng. Thể loại tranh in phẳng bao gồm tranh in đá và các chất liệu, kỹ thuật phái sinh từ in đá như in phẳng trên kim loại, in phẳng trên giấy, in phẳng trên gỗ mà trên thế giới tên gọi của chúng đều bắt đầu bằng từ lithography còn ở nước ta thường gọi là in đá, in thạch bản, in li tô bản nhôm, li tô bản giấy hay li tô bản gỗ. Lithography là cách gọi ngắn gọn, phổ biến được thống nhất bởi các họa sỹ tranh in và giới nghiên cứu, giới sưu tập nhằm để chỉ các dạng tranh in bằng phương pháp in phẳng. Tranh in phẳng có đặc điểm thẩm mỹ giàu chất hội họa: sắc độ dịch chuyển êm, mượt, dễ gợi cảm giác không gian, không khí cho bố cục; đường nét mềm xốp, linh hoạt, hàm chứa nhiều đặc tính sống động của vẽ trực họa. Trong tiếng Anh, thể loại Tranh in phẳng được gọi là “Planographic Print”.

4. Tranh in xuyên: Lịch sử cho thấy kỹ thuật in xuyên đã xuất hiện sớm nhất trong các phương pháp in hiện có. Tuy nhiên, những ứng dụng của nó cho sáng tác tranh nghệ thuật thì lại được triển khai rất muộn, có thể nói là sau cùng so với các phương pháp in còn lại, vào đầu thế kỷ 20. Những phát hiện khảo cổ học chứng minh rằng, thuật in xuyên đã được người tiền sử ở Indonesia, Argentina áp dụng để in hình những bàn tay con người lên vách đá hang động, nơi trú ngụ của họ vào khoảng 30.000 đến 40.000 trước Công nguyên. Trung Quốc, Nhật Bản được coi là những nước đầu tiên sử dụng phương pháp in xuyên với khung lưới đan dệt từ tóc người hay lông đuôi ngựa để thực hiện in hoa văn trên vải (làm vải hoa để may trang phục cho giới quan chức và nhà giàu) vào khoảng thế kỷ 5 trước Công nguyên.

tranh doc ban 4

Phương pháp in xuyên

Thuật ngữ, khái niệm “in xuyên” ám chỉ các phương pháp in hình ảnh với kỹ thuật làm cho màu in “đi xuyên qua” (bằng cách phun, gạt hay quét màu) một khuôn in được lấy từ thế giới tự nhiên (hoa, lá cây) hay khuôn in được trổ thủng trên mặt giấy, da thú, vỏ cây mỏng, bìa cứng, hoặc khung lưới được đan dệt bởi các loại sợi tơ dai và đanh (xem hình minh họa). Phương pháp in này được dùng chủ yếu trong công nghệ in lưới (silkscreen printing, serigraphy). Với kỹ thuật in lưới, người ta có thể dùng khuôn trổ bằng giấy nến đặt áp sát màng lưới để tạo bản in hoặc dùng chất keo tự nhiên (trước kia) hay chất keo bắt sáng (hiện nay) để làm màng chắn. Theo phương pháp, kỹ thuật in này, các phần tử in chính là phần mà màng lưới không bị bịt lại, ở đó mực in được đẩy xuyên qua, còn ở những chỗ màng lưới bị bịt (ngăn) lại bởi khuôn trổ hay màng chắn mực không thể lọt qua. Ngoài kỹ thuật in lưới, còn có kỹ thuật trổ màng, trổ khuôn (giấy, bìa, da, kim loại mỏng) gọi là pô-soa (phiên âm theo từ “pochoir” trong tiếng Pháp). Trong kỹ thuật trổ khuôn chỉ cần dùng dao hay kéo tạo các khoảng thủng trên bề mặt chất liệu theo đúng hình mảng cần in ra. Sau đó đặt khuôn trổ lên giấy in hay các bề mặt cần in khác như: vải, nilon, kính, kim loại … rồi dùng các dụng cụ phù hợp để gạt, đẩy mực đi xuyên qua phần trổ thủng cho nó bám vào bề mặt cần in hình. Các đường nét, mảng hình được in bằng phương pháp in xuyên chủ yếu có độ phẳng và mịn tương đối như nhau do lượng mực in được gạt chui qua khuôn in một cách dàn đều. Song, cảm nhận thị giác từ các hình ảnh in bằng phương pháp in xuyên lại khá phong phú, tùy thuộc vào phương pháp tạo hình và kỹ thuật chế bản. Nếu khuôn in được chế bản bằng kỹ thuật phơi chụp phim ảnh t-ram thì sẽ cho hình ảnh in tương đương với ảnh chụp. Còn khi khuôn in được chế bản qua phơi chụp những bản phim vẽ tay hay khuôn trổ bằng giấy nến với các hình ảnh, đường nét đồ họa thì sẽ cho ra hình in với những mảng phẳng sắc cạnh, khỏe, mạch lạc, giàu tính trang trí. Các tác phẩm đồ họa độc lập được sáng tác thông qua phương pháp in xuyên gọi là Tranh in xuyên và chúng được xếp chung vào thể loại cùng tên.

5. Tranh in độc bản: In độc bản là phương pháp in chỉ cho ra một tranh in duy nhất từ một khuôn in được chuẩn bị trước, không có bản in thứ hai. Đây là điểm khác biệt quan trọng giữa in độc bản và các phương pháp in đa bản đã nêu ở bên trên. Trong sáng tác tranh in độc bản, chất liệu sử dụng làm bản in thường là một tấm kim loại, hay kính, mica, gỗ, thậm chí là bìa giấy… và nhiều chất khác mà các họa sỹ đã thử nghiệm gần đây như: keo gelatin, giấy nhôm, vỏ cây. Kỹ thuật chế bản in độc bản phổ biến nhất là đưa màu lên bề mặt của một trong các chất liệu trên bằng các dụng cụ, phương tiện có thể như bút lông, ru lô, ngón tay, túm vải, miếng bông … và sau đó in ra giấy trước khi nó bị khô. Ngoài ra còn có các kỹ thuật khác như: lăn phủ kín bề mặt bản in một lớp màu mực sau đó lấy áng dần để tạo hình bằng các công cụ phù hợp (que gỗ, giẻ lau, ngón tay…) rồi in ra giấy bằng tay hoặc máy in; đưa màu mực lên các vật thể, hình mẫu có sẵn hay được chuẩn bị trước rồi bố cục chúng với nhau trên một mặt phẳng mỏng, sau đó in ra.

tranh doc ban 5

Phương pháp in độc bản

Kỹ thuật in độc bản có thể xuất hiện từ thời kỳ nghệ thuật hang động và ở những trường hợp khác, chủ yếu thể hiện ở việc in màu từ một bề mặt này trực tiếp sang một bề mặt khác như đạp bàn tay dính màu lên vách đá, dùng mảnh giấy phẳng thấm một giọt mực trên tờ giấy khác hay trên gỗ, đá… Tuy nhiên, cho đến nay chưa có xác định cụ thể về thời điểm xuất hiện kỹ thuật này. Phương pháp, kỹ thuật in độc bản sử dụng để sáng tác tranh in chỉ được khai mở ở châu Âu vào nửa đầu thế kỷ 17 ở cả Hà Lan và Ý. Tuy nhiên tên gọi “in độc bản” mới được xác lập và phổ biến từ khoảng giữa thập niên 1970 bởi các nhà giám tuyển tranh in người Mỹ. Trước đó nó được gọi là hội họa in vì kỹ thuật chế bản giống như kỹ thuật vẽ sơn dầu. Chính vì vậy phương pháp in này khá phù hợp cho các sáng tác ngẫu hứng và cho ra tác phẩm tranh in mang thẩm mỹ giao thoa giữa hội họa và đồ họa. So với các phương pháp in còn lại, đây là phương pháp in duy nhất mà sự ra đời của nó không gắn với công năng in ấn ứng dụng. Ngay từ đầu, in độc bản đã là phương tiện để sáng tác tác phẩm nghệ thuật. Các tranh in được sáng tác bằng phương pháp này được xếp vào thể loại gọi là Tranh in độc bản.

>>> Đồ họa Tranh in

>>> Lịch sử nghệ thuật tranh in

>>> Vẻ đẹp trầm mặc của tranh xé giấy

0976984729