Tranh in độc bản
1. Khái niệm tranh in độc bản:
In độc bản là phương pháp in đồ họa chỉ cho ra một tranh in duy nhất. Có ý kiến cho rằng, in độc bản là loại tranh lai ghép hay pha tạp đầy tranh cãi. Nó không phải là tranh in, cũng không phải là hội họa, mà là một sự kết hợp của cả haii. Điều này chưa thật chính xác bởi tranh in độc bản mang ý nghĩa là tranh in ngay trong tên gọi của nó ở bất kỳ ngôn ngữ nào. Song, nói đó là sự kết hợp của hội họa và đồ họa in ấn thì không hoàn toàn sai. Trong các cách thể hiện tranh in độc bản có kỹ thuật bôi, vẽ màu lên bề mặt khuôn in đúng theo nguyên tắc hội họa và tranh in ra từ đó có hiệu quả thẩm mỹ của hội họa. Tuy nhiên, khi đã in ra giấy thì hình ảnh in kiểu đó lại thuộc phạm vi đồ họa in ấn.
Koichi Yamamoto - Họa sỹ tranh in độc bản nổi tiếng đang sáng tác tại xưởng
Để hiểu rõ hơn về tên gọi và thể loại của tranh in độc bản, chúng ta sẽ tìm hiểu một số diễn giải như sau. Theo tập Thuật ngữ tranh in do Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Canada xuất bản năm 1991, “tranh in độc bản là hình ảnh in độc nhất không thể in lại được lần thứ hai. Kỹ thuật phổ biết nhất để thể hiện tranh in độc bản là bôi, vẽ hình bằng màu ướt hay mực lên tấm kính hay kim loại rồi in ra giấy trước khi chúng bị khô”i. Các tác giả cuốn The Printmaking Bible dẫn từ một số từ điển như sau: “Từ điển Di sản Hoa kỳ (2004) giải thích tranh in độc bản là bản in duy nhất (unique) được thực hiện bởi việc ấn, nén mạnh mặt giấy lên bề mặt đã được phủ màu hay mực in. Từ điển Thuật ngữ Tranh in (2002) định nghĩa tranh in độc bản là bản in độc nhất (single) từ một bề mặt in mà bề mặt đó không thể sử dụng lại được”. Những định nghĩa vừa nêu đều khẳng định tranh in độc bản thuộc lĩnh vực nghệ thuật in ấn và nhấn mạnh tính “độc bản” như thuộc tính kỹ thuật của thể loại tranh này để phân biệt nó với các thể loại tranh in còn lại mang tính nhân bản (in được nhiều bản) hay đa bản (có nhiều bản). Qua những diễn giải trên chúng ta hiểu rằng in độc bản là phương pháp sáng tạo tranh in chỉ cho ra một bản in độc nhất bằng cách vẽ, vạch, lau chùi… màu hay mực in trên mặt phẳng không thấm nước như kính, mica, kim loại rồi in ra giấy. Tuy nhiên, do ngày nay đã có nhiều ứng dụng kỹ thuật, vật liệu tạo bản và in ấn khác nhau trong sáng tác tranh in độc bản, nên chúng ta có thể diễn giải một cách bao quát hơn: phương pháp in độc bản bao hàm các kỹ thuật xử lý hình ảnh bằng các chất liệu màu ướt, mực in trên những bề mặt phẳng không thấm nước và chỉ có thể in ra một tranh in duy nhất trên giấy hay vải, nilon. Tác phẩm tranh in được thực hiện bằng phương pháp này gọi là “tranh in độc bản”. Như vậy, tranh in độc bản là loại tranh chỉ có một bản duy nhất được in từ một bề mặt không thấm nước như kính, kim loại, nhựa... đã được bôi, vẽ bằng màu ướt hay mực in.
Lê Thánh Thư, Trên cánh đồng 1, 2004, 40 x 40cm, kỹ thuật monotype
Quá trình xác lập thuật ngữ “in độc bản” và phân loại hai kỹ thuật monoprint và monotype.
Lịch sử cho thấy những gì mà ngày nay chúng ta gọi là in độc bản (như một kỹ thuật tạo hình) hay tranh in độc bản (như một phương tiện nghệ thuật) đã xuất hiện và tồn tại từ thời của danh họa Hà Lan Rembrandt (1606 – 1669). Những cách gọi khác nhau về đối tượng mà ngày nay gọi là in độc bản đã nối tiếp nhau xuất hiện sau các tên tuổi như: Adam Bartsch (với thuật ngữ “giả tranh khắc kẽm sắc độ” – imitated aquatint, khoảng 1827), Edgar Degas và Paul Gauguin gọi là “hình vẽ in” (printed drawing), còn các họa sỹ Ấn tượng gọi là “hội họa in” (painterly print) vào khoảng thập niên 1880 – 1890 xuất hiện tên gọi “tranh đơn sắc” (monotone, monochrome), và cũng vào khoảng những năm 1880 các họa sỹ trong nhóm của Frank Duveneck hoạt động ở Florence và Venice gọi là “Bachertype” (tranh in bacher) bởi vì những tranh đó được in bởi Otto Bacher trên máy in rập của ông. Họa sỹ minh họa người Mỹ William Chandlee gọi những tranh in từ mặt kính của ông với cái tên “vitreograph” – có nghĩa là tranh in kính, kiểu như tranh in đá là tên gọi tranh in từ bản đá vậy.
Vào khoảng năm 1960, Henry Rasmusen – người Mỹ, tác giả cuốn sách quan trọng đầu tiên về tranh in độc bản, viết rằng khi đó có một số họa sỹ đề xuất sử dụng thuật ngữ monoprint để phân biệt với phương pháp in thương mại có tên gọi là in monotype. Sau đó vào năm 1975 David Kiehl, một giám tuyển người Mỹ về nghệ thuật tranh in cho rằng có sự phân biệt giữa monotype và monoprint. Theo ông Kiehl, monoprint là hình ảnh in độc nhất từ một nền in đã được chế bản bằng cách khắc hoặc ăn mòn. Tiếp đó, Jane Farmer – giám tuyển độc lập cho triển lãm tranh in độc bản vào năm 1978 cũng đã xác lập sự khác biệt giữa hai kỹ thuật trên trong bài viết cho vựng tập tác phẩm triển lãm. Bà phân biệt monoprint là bản in duy nhất mà ở đó có chứa cả hình ảnh có thể được in nhiều lần từ nền in định sẵn và cả phần hình ảnh từ nền in không định sẵn. Còn bà cho rằng monotype là bản in duy nhất từ nền in mà ở đó không có hình ảnh được định sẵn hay có khả năng in được nhiều lần.
Ruth Weisberg, Cánh cửa, 2012, 106 x 73cm, kỹ thuật monotype
Chính cách diễn giải của hai nhân vật trên sau này đã trở thành tiền đề cho những tranh luận về bản chất của phương pháp in độc bản. Thực chất hai từ monotype và monoprint được dùng để phân loại sâu hơn hai kỹ thuật thể hiện bản in tác phẩm tranh in độc bản. Giữa hai dạng kỹ thuật ấy có sự khác biệt nhất định. Song, việc giải thích sự khác biệt ấy lại cũng chưa hẳn giống nhau. Có ý kiến cho rằng, monotype là tranh in độc bản được thể hiện bằng quá trình kỹ thuật bao gồm nhiều lần in (nhắc đi nhắc lại) trên một khuôn khổ giấy để tạo hiệu quả cuối cùng cho tác phẩm, còn monoprint là tranh in độc bản được thể hiện chỉ với một lần ini. Dưới một quan điểm khác, monotype là kỹ thuật in tranh độc bản từ bề mặt khuôn in nguyên vẹn, không có nét khắc đã được chế bản sẵn. Nghĩa là tranh in độc bản được in từ một bề mặt hoàn toàn sạch sẽ được bôi, vẽ màu, mực in và không thể có bất kỳ chi tiết nào có thể in lại được lần sau thì trong tiếng Anh là monotype. Trong khi đó những tranh in độc bản được in với một hoặc nhiều hơn hình ảnh có sẵn (nét khắc, vật thể) mà chúng có thể lặp lại, in được ở tranh khác thì gọi là monoprintv. Cách giải thích thứ hai tương đồng với sự phân biệt của David Kiehl và Jane Farmer. Cách này được chấp nhận phổ biến hơn và giúp dễ nhận biết, phân loại kỹ thuật tranh in độc bản hơn. Thực tế thực hành cho thấy, với tranh in độc bản, việc in một lần duy nhất hay in nhiều lần để cho ra một tác phẩm hoàn chỉnh về thẩm mỹ thị giác và ý nghĩa nội dung không đóng bất kỳ vai trò nào. Chỉ có bề mặt in được làm như thế nào mới có giá trị đối với hiệu quả nghệ thuật cuối cùng và thể hiện được rõ nhất kỹ thuật tạo bản. Chính vì vậy nó được coi như thuật ngữ chuẩn mực để chỉ hai kỹ thuật của phương pháp in độc bản.
Ở Việt Nam, vào những năm 1950 cũng đã xuất hiện cách in tranh thuộc về kỹ thuật monoprint. Đó là kỹ thuật in tranh từ bản khắc gỗ của họa sỹ Tú Duyên mà ông gọi là “thủ ấn họa”. Thuật ngữ in độc bản xuất hiện ở nước ta cùng với sự du nhập kỹ thuật này với danh nghĩa là phương tiện biểu hiện nghệ thuật, là một trong năm phương pháp căn bản của sáng tác tranh in vào năm 1994. Cho đến nay, thuật ngữ in độc bản và tranh in độc bản đã được chấp nhận và phổ biến rộng trên cả nước, mặc dù vẫn có ai đó gọi là tranh in kính hay tranh in mica, xuất phát từ nền in là các chất liệu này. Song, tranh in độc bản vẫn là thuật ngữ mang tính khoa học và thực tiễn trong việc biểu đạt bản chất phương pháp, kỹ thuật sáng tác tác phẩm hơn cả. Tên gọi này còn để phân biệt rõ thể loại này với các loại tranh in đa bản. Vì vậy, nó đã trở thành tên gọi chính thức cho một hình thức nghệ thuật tranh in ở Việt Nam – tranh in độc bản.
Tương tự như nghĩa của thuật ngữ “in độc bản” ở tiếng Việt, trong hầu hết các ngôn ngữ khác cũng chỉ có một từ hàm nghĩa “in ra một bản duy nhất” được sử dụng để chỉ loại tranh in này mà thôi, ví dụ monotype (tiếp Pháp), monotyp (tiếng Đức) hay монотипия (tiếng Nga), trong đó mono/моно – mang nghĩa đơn chiếc, duy nhất và type/typ/munuя đều mang nghĩa in ấn. Chỉ riêng trong hệ ngôn ngữ Anh mới có đến hai từ được sử dụng để chỉ về thể loại tranh in độc bản là “monotype” và “monoprint”. Tuy điều này đôi khi gây sự phức tạp trong tiếp cận và hiểu về nó như đã được trình bày ở trên. Nhưng đó lại là cách gọi để phân biệt sâu hơn hai kỹ thuật của tranh in độc bản mà chỉ ở hệ ngôn ngữ Anh mới có được.
Tuy nhiên, xét cho cùng, kỹ thuật chỉ là phương tiện thể hiện tác phẩm. Quan trọng là chúng ta hiểu được tranh in độc bản là gì. Vẻ đẹp tự thân và chất lượng nghệ thuật của tranh in độc bản mang tính mở - điều có thể dễ dàng tạo hứng thú cho họa sỹ và dẫn tới những cách tân nghệ thuật. Đó mới thực sự là điều cần quan tâm bởi nó chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn đối với nghệ thuật và xã hội.
Lê Huy Tiếp, Dưới đáy, 2003, 40 x 60cm, kỹ thuật monoprint
Chất liệu, nguyên lý kỹ thuật thể hiện và ngôn ngữ tạo hình của tranh in độc bản
Chất liệu tranh in độc bản vô cùng phong phú, có thể nói gần như không giới hạn. Nền in có thể là giấy, vải, nilong, vỏ cây, da động vật, gelatin… Mực in có thể sử dụng là các loại mực in gốc dầu như mực in offset, sơn dầu, guát, màu nước hay các loại màu được chiết xuất từ thế giới tự nhiên (thực vật, khoáng sản).
Tranh in độc bản được thể hiện dựa trên nguyên lý kỹ thuật in hình ở mức độ đơn giản nhất trực tiếp từ một bề mặt có phủ lớp màu thể chất dạng loãng hay sệt. Hình thức lấy một tờ giấy thấm lượng mực viết thừa trên trang viết hay dùng bàn tay lấm bùn đập lên một bề mặt nào đó chính là biểu hiện thực tế của nguyên lý kỹ thuật in độc bản. Trong sáng tác tranh in, việc đưa màu nước, guát hay mực in lên một bề mặt không thấm nước rồi in ra bằng tay hay bằng máy in nén là quá trình tạo ra bức tranh in độc bản. Điểm khác biệt của phương pháp in độc bản là từ bản in chỉ cho ra đời một tranh duy nhất, không có bản thứ hai hay hơn nữa như các phương pháp in khác.
Tranh in độc bản nằm ở giữa hội họa và đồ họa, vì vậy ngôn ngữ tạo hình của nó rất phong phú, đa dạng, từ những đường nét đồ họa đen trắng đơn giản đến các hình thể vờn khối kỹ lưỡng hay các phối hợp màu sắc nhiều lớp, nhiều sắc độ mà hội họa sở hữu. Sự hấp dẫn của tranh in độc bản nằm ở sự thông quang có một không hai của màu in trên giấy - điều làm nên chất lượng của các sắc độ sáng trong tranh rất khác so với việc vẽ cũng thứ màu đó trên giấy hay các loại tranh in khác. Ngoài ra, vẻ đẹp của thể loại tranh (phương tiện nghệ thuật) này còn được bộc lộ rõ trong tính tự do, ngẫu hững của đường nét, mảng màu cũng như sự tổng hòa các đặc tính của hội họa và đồ họa. Tranh in độc bản là kết quả tổng hợp của trò chơi ngẫu hứng màu sắc của mực in và giấy, qua đó tạo ra bề mặt in ấn của tranh hết sức độc đáo mà các phương tiện, kỹ thuật hội họa hay đồ họa khác không có được.
2. Nguồn gốc và sự phát triển của tranh in độc bản trên thế giới:
Tranh in độc bản đã trở thành một phần hữu cơ của nghệ thuật đồ họa từ nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thể xác định một cách chính xác nguồn gốc và thời điểm ra đời bức tranh in độc bản đầu tiên.
Tranh in độc bản đã trở thành một phần hữu cơ của nghệ thuật đồ họa từ nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thể xác định một cách chính xác nguồn gốc và thời điểm ra đời bức tranh in độc bản đầu tiên. Việc tồn tại những ý kiến mang tính giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của kỹ thuật in độc bản là bởi có nhiều hiện tượng sảy ra trong lịch sử mỹ thuật gắn với việc có thể in ra một hình ảnh duy nhất. Giả thuyết đầu tiên cho rằng in độc bản có thể đã vô tình xuất hiện trong khi các thợ in tranh thực hiện những phương án thử nghiệm lau mực cho bản in bằng phương pháp in lõm vào thế kỷ 15. Vào thế kỷ 16, một số họa sỹ đã thực hiện kỹ thuật in lại hình từ bản tranh in mới vừa in xong (khi mực in còn ướt) sang một tờ giấy khác hay ván in; hoặc không ít họa sỹ từng dùng giấy ấn vào bề mặt tranh sơn dầu để lấy đi lượng màu thừa - tất cả các hành động kiểu như vậy đều có tính chất in độc bản mà không hề được nhận thức hay tính toán trước. Xa hơn nữa, chúng ta có thể gắn nguồn gốc của phương pháp in độc bản với hiện tượng in dấu bàn tay con người trên vách hang động thời nguyên thủy hay các hành động in dấu vân tay điểm chỉ trên các văn tự từ thời cổ đại...
Hercules Segher, Phong cảnh, kỹ thuật monoprint, 1625
Mặc dù chưa thể khẳng định chính xác nguồn gốc và sự ra đời của tác phẩm tranh in độc bản đúng nghĩa đầu tiên, chúng ta vẫn có thể phác lại những bước đi ban đầu, những thử nghiệm khai sinh ra phương pháp in độc đáo được gọi là in độc bản. Giới nghiên cứu nghệ thuật thường cho rằng lịch sử tranh in độc bản có thể xuất phát bằng những bức tranh in từ bản khắc kim loại vào thập niên 1620 - 1630 của họa sỹ phong cảnh người Hà Lan Hercules Pieterszoon Seghers (1589 - 1638). Cho đến nay chưa có bằng chứng về việc ông in tranh độc bản từ nền in nguyên vẹn (như kỹ thuật monotype). Ông sử dụng quá trình in để tạo ra nhiều bản in có giá trị duy nhất từ một bản khắc đồng chứ không phải nhiều bản in tương tự nhau như các họa sỹ tranh khắc kim loại khác vẫn làm. Trên bản khắc đồng họa sỹ bôi mực in với nhiều phương án màu khác nhau cho mỗi lượt in và không lau sạch mực theo cách thông thường trong kỹ thuật in lõm, mà để lại với độ dày mỏng khác nhau trên mặt bản khắc, sau đó in lên vải qua máy in trục lăn. Từ mỗi bản khắc ông chỉ in vài tranh và cố tình làm cho chúng không giống nhau về màu và sắc độ. Thử nghiệm in ấy của ông cho ra kết quả là những bản in hoàn toàn khác nhau về cảm nhận thị giác. Mỗi bản in là tranh in duy nhất, không hề có lặp lại về màu và bố cục đậm nhạt. Dựa vào diễn giải thuật ngữ “monoprint” như đã trình bày ở phần khái niệm (đăng trong số trước), chúng ta có thể thấy Hercules Seghers chính là người đầu tiên tạo ra tranh in độc bản bằng kỹ thuật monoprint mà ngày nay vẫn được sử dụng. Tranh in từ bản khắc kim loại theo kiểu ấy của Seghers thuộc về một trong những tìm tòi, thử nghiệm độc đáo và ấn tượng nhất trong lịch sử nghệ thuật tranh in. Ông không chỉ sử dụng nhiều phương án màu hay nhiều màu để in các tranh khác nhau từ một bản khắc kim loại trên giấy trắng, mà còn in trên giấy màu, vải màu và tăng giá trị độc bản cho tranh in bằng việc điểm thêm màu sau khi in. Từ 54 bản khắc đồng, Seghers tạo ra khoảng 183 tranh in độc bản. Tuy vậy, tranh in theo phương pháp này của Seghers vẫn thuộc dạng ít và hiếm. Danh họa Rembrandt sinh thời sở hữu một số tranh in độc bản của Seghers và chúng có ảnh hưởng nhất định đến nghệ thuật của ông. Vào khoảng thập niên 1650, bản thân danh họa Rembrandt (1606 - 1669) thường thử nghiệm các phương án khác nhau khi bôi mực và lau các bản khắc đồng của ông. Đôi khi ông dùng ngón tay, giẻ lau, bút lông cùn để lau mực ở một số điểm trên bản khắc nhằm tạo sắc độ và hiệu quả tạo hình êm xốp, mềm mại cần thiết mà các nét khắc không làm được, ví dụ như: mây, khói, sương mù… Ông còn tạo ra các vùng bóng tối và ánh sáng kịch tính nhờ vào mức độ lau lớp mực trên bản khắc ở mỗi lần in khác nhau. Bằng cách đó ông đã cho ra mỗi bản in là một kết quả riêng biệt, không lặp lại.
Edgar Degas, Phong cảnh, 25.4 x 34cm, kỹ thuật thêm màu, 1892
Cách lau mực in như trên của Rembrandt đã được họa sỹ người Ý Giovanni Benedetto Castiglione (1616 - 1670) tiếp cận và triệt để khai thác, tạo ra một phương pháp thể hiện tranh in của riêng mình. Một bộ phận khá lớn trong giới nghiên cứu mỹ thuật cho rằng Giovanni Benedetto Castiglione là họa sỹ đã sáng tạo ra bức tranh in độc bản bằng kỹ thuật monotype đúng nghĩa đầu tiên. Vào thế kỷ 17, hầu hết các họa sỹ Ý đều coi hình họa chỉ là bước phác họa, nghiên cứu mẫu thực để chuẩn bị cho các tác phẩm hội họa cỡ lớn và có ý nghĩa quan trọng. Nhưng Castiglione lại quan tâm đến hình họa như một phương tiện độc lập, có giá trị như một tác phẩm trọn vẹn, hoàn chỉnh. Chính vì vậy ông hướng đến tìm tòi, thử nghiệm tranh in độc bản dựa trên tiếp thu kinh nghiệm của họa sỹ đàn anh Rembrandt. Phương pháp thể hiện tranh in của ông sau được gọi là phương pháp lau màu hay tạo hình trên nền đen. Nghĩa là, sau khi phủ một lớp mỏng màu dầu hay mực in đen, đôi khi là mực in màu nâu đậm, trên bề mặt tấm đồng sạch và còn nguyên vẹn, ông dùng que gỗ nhỏ nhọn đầu, mẩu vải vẽ những nét trắng để tạo hình ảnh cần thiết. Các mảng sắc độ khác nhau được ông tạo bằng cách dùng bút lông cùn, ngón tay, giẻ lau lấy đi lượng màu phù hợp. Sau khi thỏa mãn về bố cục, bản đồng được cho chạy qua máy in nén để tạo bức tranh in. Độ nén mạnh của máy in làm cho lượng màu trên bản đồng được chuyển hầu hết lên giấy in, phần màu còn lại quá mỏng không đủ để in bản thứ hai. Như vậy, từ bản in, họa sỹ chỉ cho ra được một tranh in duy nhất, độc nhất mà thôi. Tuy vậy, loại tranh in này của ông lúc đó mới chỉ được đặt tên là “hội họa in” (printed painting). Còn thuật ngữ tranh in độc bản, như đã nói ở phần trước của bài viết, sau đó rất lâu mới xuất hiện. Kỹ thuật tạo bản in của Castiglione chính là một trong các cách thể hiện tranh in độc bản monotype mà ngày nay chúng ta vẫn đang sử dụng. Như vậy, ông là người đầu tiên thực hành và tạo ra bức tranh in độc bản đúng nghĩa. Đến nay chúng ta biết tới khoảng 22 bức tranh in độc bản của Castiglione. Tuy nhiên, phương pháp in độc bản của ông không được các họa sỹ lớn thời đó chú ý và không lâu sau bị chìm lấp trong sự nở rộ của các kỹ thuật in đa bản của tranh khắc kim loại, in đá và khắc gỗ thớt - những kỹ thuật có nhiều khả năng diễn tả khối sáng tối của hình thể.
Koichi Yamamoto, Bố cục, 60 x 200cm, kỹ thuật thêm màu, 2011
Như vậy, theo những ghi nhận mang tính lịch sử trên đây, cả Hercules Seghers và Benedetto Castiglione đều là những người đã khai sinh ra nghệ thuật tranh in độc bản. Kỹ thuật in của Seghers sau này được gọi là monoprint, còn của Castiglione được xác định là monotype. Hai phương pháp tạo bản in như trên vẫn được các họa sỹ ngày nay khai thác, phát triển và được khẳng định là hai kỹ thuật thể hiện một thể loại tranh in - tranh in độc bản. Mặc dù được cho là phương pháp sáng tạo nghệ thuật mới và độc đáo, phương pháp của Castiglione vẫn không thể được phổ biến và chấp nhận rộng rãi bởi những lý do về quan niệm và sự khó khăn trong kiểm soát chất lượng in. Không lâu sau Castiglione, kỹ thuật in độc bản bị chìm vào quên lãng trong khoảng 150 năm.
Trước khi tranh in độc bản trở nên phổ biến, vào cuối thế kỷ 18, họa sỹ người Anh William Blake (1757-1827) đã làm sống lại và đưa phương pháp, kỹ thuật in độc bản monotype trở thành phương tiện sáng tác hoàn toàn độc lập. Ông trở thành một trong những họa sỹ quan trọng đi đầu chuyên sáng tác bằng kỹ thuật monotype. Blake đã sáng tác khá nhiều tranh và minh họa bằng kỹ thuật in độc bản với các chất liệu của riêng mình. Không sử dụng mực in gốc dầu hay sơn dầu như các họa sỹ Hà Lan và Ý ở thế kỷ 17, William Blacke dùng tempera (dạng màu bột nghiền với lòng trứng) vẽ trên bìa cứng và tạo hình, tạo chất cũng như chất lượng nghệ thuật cho bố cục rồi sau đó in ra giấy bằng tay. William Blake là nhà thơ, họa sỹ Anh. Sinh thời ông sống vô cùng nghèo khó và chết trong im lặng. Tuy nhiên, ngày nay William Blake được công nhận là một trong những nhân vật vĩ đại của văn học và nghệ thuật nước Anh, một trong những cá nhân đầu tiên và vĩ đại nhất của dòng văn học, nghệ thuật Lãng mạn Châu Âu, họa sỹ độc đáo và có nhiều ảnh hưởng trong thời đại của ông. Từ khoảng thập niên cuối của thế kỷ 18 cho đến đầu thế kỷ 19, Blake đã tự làm minh họa thơ, văn của mình bằng các tranh in độc bản hết sức độc đáo về bố cục và tính biểu cảm. Những minh họa được ông trực tiếp in lên các trang viết của mình. Còn tranh in sáng tác độc lập được ông thể hiện bằng tempera trên bìa cứng, loại sử dụng làm bìa sách. Vì dùng màu tempera và kỹ thuật in bằng tay nên màu trong tranh in độc bản của William Blake luôn dày hơn so với các tranh in bằng mực in của các tác giả trước ông. Sau khi in, ông thường dùng màu nước hoặc mực viết để hoàn thiện tác phẩm, cách mà sau này được nhiều họa sỹ nối tiếp.
Kevin Fletcher, Nhà hàng xóm đang sửa, 50 x 38cm, kỹ thuật lau màu, 2009
Sau William Blake và những thành công của ông, phương pháp in độc bản lại một lần nữa bị rơi vào quên lãng. Chỉ đến cuối thập niên 1860, cùng với sự hồi sinh của tranh khắc kim loại, mối quan tâm đến các thử nghiệm lau màu trên mặt phẳng cứng không thấm nước mới được sống lại khi các họa sỹ ấn tượng trẻ tuổi ở Pháp bị cuốn hút bởi khả năng sáng tạo tác phẩm tạo hình do mực in và quá trình in đem lại. Lúc đầu những thử nghiệm in độc bản có vẻ chịu ảnh hưởng từ thẩm mỹ ảnh chụp thời sơ khai: phối hợp các hình ảnh đen trắng và sự tương phản giữa chúng. Kể từ đó tranh in độc bản được biết tới rộng rãi hơn và khẳng định mình với tư cách là một phương tiện tạo hình độc lập. Nhiều họa sỹ của Trường phái Ấn tượng nói riêng và các họa sỹ Paris nói chung đã ít nhiều sáng tác tranh bằng phương pháp in độc bản monotype mà khi đó chúng được gọi là “hội họa in” (painterly print).
Vào thời kỳ hồi sinh của tranh khắc kim loại ở cuối thế kỷ 19, họa sỹ Ludovic Napoleon Lepic (1839 - 1889) đã sử dụng phương pháp in tranh mà ông gọi là “l’eau-forte mobile” (tạm dịch là tranh khắc kim loại phương án hay linh hoạt). Ông dùng một vài bản khắc kim loại về phong cảnh để in ra khoảng 85 tranh có các phương án sắc độ khác nhau, từ hết sức kịch tính cho đến nhẹ nhàng, êm đềm bằng cách lau mực ít hay nhiều các thành phần bố cục trên bản khắc. Cùng với kết quả đó, ông tuyên bố về bản quyền của mình đối với phương pháp in “tranh khắc kim loại phương án”, cách mà sẽ đưa lao động nghệ thuật tới một vùng đất mới, hứa hẹn sẽ phá bỏ dạng thực hành thông thường và sẽ mang lại kết quả của sự tự do bởi mực in và giẻ lau đem lại. Dạng tranh in này của ông thuộc về loại in độc bản monoprint mà Seghers đã làm từ thế kỷ 17 ở Hà Lan. Tuy nhiên, bản khắc của ông rất khác bản khắc của Seghers, nét khắc của ông hết sức ít và điều đó đem lại nhiều khả năng tạo sắc độ trên bề mặt bằng kỹ thuật lau màu. Từ kinh nghiệm và lời kêu gọi của Lepic, nhiều họa sỹ trẻ của Hội họa Ấn tượng Pháp đã thử nghiệm, sáng tác tranh in độc bản. Không ít họa sỹ đã vẽ, lăn màu in lên kính, thậm chí lên sàn nhà và dùng thìa, bàn tay chà, xoa, đập để in ra trên giấy những bố cục tự do, khóang đạt từ “sự kết hợp của màu và giẻ lau”.
Theo N.N.P
(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số 10/2013)
>>> Tranh in độc bản và Thủ ấn họa
>>> Đồ họa tranh in
>>> Lịch sử nghệ thuật tranh in