Các nghi thức Phật giáo trong tạc tượng

Có thể thấy việc tạo tác nên một pho tượng trong các ngôi chùa Việt là rất công phu trên nhiều khía cạnh khác nhau về mặt kỹ thuật và tỷ lệ. Nhưng pho tượng sẽ chỉ là pho tượng nếu chỉ tạc khắc, đúc, đắp một cách thông thường. Để tạo tác nên một pho tượng Phật và trao cho pho tượng đó một sứ mệnh tâm linh, thì trước và sau khi tạc khắc tượng Phật, người ta thường tiến hành một số nghi lễ. Thông thường nhất có hai nghi lễ cho việc tạo tượng. Nghi lễ đầu tiên là “Phạt mộc”, “Phục mộc” hay còn gọi là nghi lễ tẩy trần trước khi làm tượng. Nghi lễ thứ hai là Yểm tâm và Hô thần nhập tượng hay còn gọi là Khai quang điểm nhãn.

Theo các sách về tạc tượng, thì trước khi chuẩn bị tiến hanh việc làm tượng, các sư tăng phải đặt đàn cúng lễ để xin ảnh vị của người, bởi lẽ tượng Phật không phải ai muốn cũng có thể tạc khắc. Trong các kinh tạc tượng có nói rất rõ về những người được tạc tượng. Tiếp đến là thực thi nghi lễ “Phạt mộc”. Phạt mộc hiểu nôm na là đặt nhát rìu đầu tiên để tiến hành tạo tác. Các tăng sư thường xem ngày tốt giờ tốt để tiến hành. Nghi lễ này khá đơn giản, các tăng sư tụng kinh, trì chú Đại Bi, rẩy nước tẩy trần vào khúc gỗ, đá để chuẩn bị cho việc tạo tác. Trên nguyên liệu thô đó, một số tăng sư có thể dán lên đó các bùa chú hoặc câu chú “Om Ma Ni Bát Mi Hum”. Nghi lễ này có thể diễn ra tại chùa, cũng có thể diễn ra tại xưởng mộc của làng nghề và kết thúc lễ người thợ đặt một nhát đục lên cây gỗ là xong. Việc tạo tác tượng diễn ra ngay sau đó, cũng có thể tùy vào sự sắp xếp của người thợ mà làm. Nghi lễ Phạt mộc này nếu là dựng chùa, làm tượng thì được làm cùng lúc, không phân biệt tạo tượng làm riêng, dựng chùa làm riêng. Ngày nay công đoạn này đôi khi cũng được tối giản. Các sư tăng thỉnh tượng ở các làng nghề thường để cho thợ đục xong, chuyên chở đến chùa mới làm lễ tẩy uế tẩy trần.

tuong 1

Phủ khăn đỏ va dán lá bùa phía ngoài để chuảna bị cho lễ hô thần nhập tượng

tuong 2

Phủ khăn chuẩn bị cho lễ hô thần nhập tượng

Nghi lễ thứ hai quan trọng hơn để kết thúc việc tạo tác cũng như hoàn thiện pho tượng về mặt tâm linh, đó là lễ Yểm tâm. Bất cứ pho tượng nào cũng phải qua nghi lễ này mới chính thức được thờ cúng. Cho dù đó là tượng Phật, tượng Chư thần hay Tượng mẫu. Các nghi thức này được tiến hành gần giống nhau. Nghi thức này được gọi bằng nhiều cách gọi khác nhau như: lễ Yểm tâm, Khai quang điểm nhãn, Hô thần nhập tượng (miền Bắc) và lễ An vị tượng Phật (miền Nam). Mục đích của nghi lễ này chỉ đơn giản là biến pho tượng vốn là một thứ vật chất cụ thể gỗ đá, tức chỉ mang phần xác trở thành một bức tượng có linh thần để thờ cúng.

tuong 3

Các lá bùa dùng trong lễ hô thần nhập tượng

tuong 4

Lá bùa được tết lại để yểm tâm tượng Phật

Để chuẩn bị cho việc yểm tâm, các pho tượng, chủ yếu là tượng gỗ, bao giờ phía đằng sau lưng cũng được đục một ô vuông nhỏ có kích thước khoảng 3 – 4cm. Đồ thất bảo bao gồm: vàng, bạc, xà cừ, ngọc trai, mã não, hổ phách, san hô.

Ngày nay người ta không nhất thiết phải tuân thủ đầy đủ các vật phẩm kể trên mà có thể dùng các vật phẩm khác nhau có yếu tố linh như đồng, đá, vàng, bạc… thậm chí các vị thuốc bắc cũng được đưa vào. Tâm tượng quan trọng nhất là một tờ giấy bản viết tên hiệu của vị thần Phật theo Diên Quang Tam Muội Nghi Quĩ. Tờ giấy này sẽ được tết lại thành hình người.

tuong 5

Thất bảo được gói trong bát quái để yểm tâm tượng

tuong 6

Đồ thất bảo dùng trong lễ hô thần nhập tượng gồm vàng, bạc, xà cừ, ngọc trai, mã não, hổ phách, san hô

Tất cả các thứ trên sẽ được gói lại trong một tờ giấy in hình bát quái hoặc vải để đưa vào tâm tượng đóng nắp, kẹt sơn. Việc yểm tâm này đôi khi được chính các thợ điêu khắc làm, sơn thếp tượng không tì vết rồi mới chuyển tượng đến vị trí đặt để pho tượng cho lễ Khai quang điểm nhãn hay Hô thần nhập tượng. Tượng sau khi được yểm tâm sẽ được phủ vải đỏ và dán bùa lên trên. Sau đó các sư tăng làm lễ cung thỉnh các vị thần linh. Việc Hô thần nhập tượng có thể đợi đến buổi tối, hoặc tốt nhất là đêm khoảng 23h đêm được xem là thời điểm linh để hô thần. Các sư tăng dùng cái thủ xích (cây thước hộp) đập mạnh xuống bàn và hô tên vị thần / Phật ba lần nhập tượng. Cuối cùng tấm khăn vải đỏ sẽ được hạ xuống để làm lễ Khai quang an vị và kết thúc buổi lễ. Khi các thầy làm lễ Khai quang sẽ đọc Chú Đại Bi. Chú này áp dụng cho tất cả mọi loại tượng, không phân biệt là tượng gì. Đối với tượng đá thường chỉ làm lễ một dục, rảy nước. Tượng đồng thì trong lễ đúc tượng người ta có thể trì chú và thả khuyên vàng vào trong nguyên liệu đúc. Ngày nay thì bên cạnh việc làm lễ an vị tượng Phật, các sư thầy đồng thời có thể thuyết giảng về ý nghĩa của lễ an vị tượng Phật.

Như vậy, việc tạo tác tượng Phật không chỉ đơn thuần là kỹ thuật, tỷ lệ tạo tác, mà đối với điêu khắc Phật giáo Việt Nam, vai trò của các thợ khắc vô cùng quan trọng. Từ công thức, tỷ lệ chung, các nghệ nhân này đã ứng biến một cách linh hoạt trong việc tạo hình. Việc tạo hình tượng Phật còn được quy định bởi yếu tố không gian. Do đó để tạo được một pho tượng đẹp còn cần đến con mắt tinh tế của người thợ, để sao cho pho tượng khi gắn kết với không gian đó, tượng có thể bộc lộ được hết vẻ đẹp của nó.

tuong 7

Đồ chuẩn bị để ban tài phát lộc cho người tham dự buổi Hô Thần nhập tượng. Trong đó có tờ tiền được gấp thành hình con thuyền bát nhã và các loại ngũ cốc

Bên cạnh các chuẩn tắc nghệ thuật, thì “dĩ tâm định vi cốt tượng” có thể xem là nhân tố tạo nên cốt cách tượng Phật của người Việt. Trong tượng Phật không chỉ ẩn chứa các lý tưởng cao siêu, diệu pháp, mà còn ẩn chứa ở đó sự gần gũi thân cận. Đặc biệt là các chân dung của các vị Phật Việt, người ta cảm thấy như đó là gương mặt ta đã gặp đâu đây trong đời thường.

tuong 8

Hốc yểm tâm tượng Phật

- Theo Trang Thanh Hiền -

>>> Minh hoạ sách tạo tượng và tượng Phật

>>> Chuẩn tắc và tỷ lệ trong tạo tượng

>>> Tượng Phật trong các ngôi chùa Việt (Phần 1)

0976984729