Minh họa sách tạo tượng và tượng Phật trong chùa Việt

Có thể nói minh họa sách là một trong những phần khá quan trọng các sách tạo tác tượng Phật. Nếu công thức được diễn giải bằng lời, ít nhiều khó hiểu trừu tượng, thì hình vẽ sẽ giúp phân tích kỹ hơn, đơn giản hơn cho việc tạo tác tượng Phật. Trong bài này chỉ chú trọng đến các bức tranh minh họa Phật giáo để nói về việc điêu khắc tượng Phật thì thấy rằng có hai loại tranh minh họa. Một là minh họa tỷ lệ tượng, hai là minh họa hình ảnh tượng Phật.

Loại minh họa tỷ lệ thường được kẻ ô, phân tích đặc điểm tỷ lệ, quy vào hình học các đường hướng chân dung hay các đường nét chính yếu để từ đó có thể gióng ra các đường nét khác tạo nên sự cân đối khi tạc hay họa tượng.

Minh họa hình ảnh tượng Phật là loại tranh chiếm đa số trong các sách tạo tượng. Các tranh này chủ yếu dùng cho những thợ tạc tượng tham khảo về mặt hình ảnh. Khi họ đã nắm được lý thuyết về tỷ lệ, thông qua việc tham khảo các tranh ảnh này việc xử lý các vấn đề về trang phục, thế dáng của hình mẫu cũng đơn giản hơn nhiều.

tuong 1

Bản vẽ tượng Văn Xương Đế Quân trong sách Tạo tượng Lượng Đạc Đồ Dạng

tuong 2

Bản vẽ minh họa tượng Văn Giáp Thần Quân, sách Tạo tượng Lượng Đạc Đồ Dạng

tuong 3

Bản vẽ minh họa tượng Chu Y, sách Tạo tượng Lượng Đạc Đồ Dạng

tuong 4

Minh họa tượng Thái Tử Vi Đà, sách Tạo tượng Lượng Đạc Đồ Dạng

tuong 5

Minh họa Phụ Tam Giới Đồ, sách Tạo tượng Lượng Đạc Đồ Dạng

tuong 6

Minh họa cảnh giới Cực Lạc Quốc, sách Tạo tượng Lượng Đạc Đồ Dạng

1. Loại tranh minh họa về tỷ lệ: Gồm 4 bức

- Tỷ lệ diện mặt Như Lai và Bồ Tát

- Tỷ lệ diện mặt Phật Mẫu và Minh Vương

- Tỷ lệ Tượng Thích Ca ngồi thiền

- Tỷ lệ tượng Thích Ca đứng

tuong 7

Minh họa tỷ lệ khuôn mặt tượng Như Lai và Bồ Tát, sách Tạo tượng Lượng Đạc Đồ Dạng

tuong 8

Minh họa tỷ lệ khuôn mặt Phật Mẫu và Minh Vương, sách Tạo tượng Lượng Đạc Đồ Dạng

tuong 9

Minh họa tỷ lệ Tượng Thích Ca ngồi thiền, tay kết Xúc địa ấn, sách Tạo tượng Lượng Đạc Đồ Dạng

tuong 10a

Minh họa tỷ lệ tượng Thích Ca đứng, sách Tạo tượng Lượng Đạc Đồ Dạng

Các bức tranh này cũng có thể xem là mẫu hình cơ bản nhất để tạo tượng. Bức thứ nhất, thứ hai là sự mô phỏng cách tạo tác chân dung tượng Phật. Bức tượng có thần, hồn hay không cũng là nhờ vào các chi tiết này. Hai bức tiếp theo có thể xem là các mẫu điển hình cho loại tượng đứng và tượng ngồi.

Bức thứ nhất bao gồm hai gương mặt của tượng Phật Như Lai và tượng Bồ tát. Trên thực tế, đây cũng là hai khuôn mặt có tính đại diện cho hai thể loại tượng Phật và Bồ tát. Hai chân dung này được minh họa vào hai vòng tròn lớn cắt nhau. Vòng tròn phía trên là gương mặt của Phật Như Lai, phía dưới là gương mặt của Bồ tát. Về cơ bản, hai hình minh họa này có chung cách thức phân chia tỷ lệ như: mặt được chia làm ba phần: trán, mũi, cằm bằng nhau. Chân tóc, hai cạnh tai tạo thành một hình tam giác cân, mà đáy là đường ngang kẻ từ đầu mũi. Đường ngang qua nhân trung đến hai đầu tai và đỉnh của môi tạo thành một hình tam giác cân khác ngược lại, mà đáy là đường kẻ dưới chân mày. Một hình tam giác khác chạy dọc khuôn mặt mà hai cạnh hai bên của nó có đỉnh từ chân tóc đến cạnh mũi, khóe miệng và điểm ngấn của cằm, đáy của hình tam giác này trùng với cạnh phân chia cằm. Tỷ lệ gương mặt chia làm ba, cạnh này là đáy của đường chia thứ ba. Từ chân tóc đến đỉnh và đỉnh nhục kế là hai phần bằng nhau, kích thước nhỏ hơn khoảng cách trán, mũi và cằm. Gương mặt của Bồ tát có phần khác, nếu tượng Như Lai có gương mặt gần vuông thì Bồ tát có mặt hình trái xoan. Các tỷ lệ vẫn được chia ô như vậy, nhưng hai bên mặt gọn lại. Ở đây người ta có chú ý đến việc mô tả so sánh bằng các đường gióng giữa bề ngang của tượng với nhau để người thợ tạo tác dễ dàng phân biệt khi chạm khắc. Tượng Bồ tát có thêm phần trang trí mũ khá rườm rà hai bên tai và lên đến đỉnh đầu là một búi tóc hình tháp, phía trước có ký hiệu ba vòng tròn – ký hiệu của A di đà ngự trên mũ tượng. Đây là cách cụ thể hóa hình dung về các tỷ lệ phân chia.

Bức tranh tỷ lệ Phật Mẫu và Minh Vương cũng được kết cấu y hệt với bức tranh phân tỷ lệ trên. Cách phân tỷ lệ là chia ba phần cho gương mặt, tạo những đường chéo theo góc của hình tam giác và những đường gióng giữa hai thể loại tượng. Phật Mẫu ở đây chính là minh họa Phật Mẫu Tara trong Phật giáo Tây Tạng. Ngài Minh Vương với chiếc mũ gắn đầu lâu xung quanh cũng là dạng tượng ảnh hưởng từ Tây Tạng, không có trong Phật giáo Việt Nam.

Quan sát hai bức tranh này có thể thấy cách phân chia tỷ lệ tương mặt của tượng Phật có nguyên tắc chung, tuy nhiên cũng có dung sai, như tượng Phật Mẫu và tượng Bồ tát, có gương mặt thanh tú hơn, gương mặt trái xoan còn tượng Phật gương mặt đầy đặn vuông vắn hơn. Cách tạo hình mắt mũi miệng là như nhau, chỉ có tượng Minh Vương mắt trợn ngược, tướng dữ tợn là có cách tạo hình khác. Với việc kẻ các đường gióng tỷ lệ giữa các chi tiết nọ với chi tiết kia khiến cho người thợ tạc khắc có thể dễ dàng căn chỉnh thực hành.

Tranh Thích Ca ngồi thiền là minh họa phân chia chi tiết cho một tượng ngồi kiết già toàn phần, hai lòng bàn chân ngửa. Tay tái tượng ngửa lên đặt trong lòng đùi, tay phải đặt trên đầu gối phải theo thế Xúc Địa Ấn. Toàn bộ chiều cao của tượng được chia thành các ô, chiều dài của các ô đều được chú thích bên cạnh là bao nhiêu ngón. Ví dụ mặt 12 ngón, cổ 4 ngón, vai đến vú 12 ngón… Các ô theo chiều ngang cũng vậy. Toàn bộ hình có thêm hai hình tam giác lớn đối chiều nhau giống như cách phân chia ở mặt tượng để tọa nên đường sườn và đường eo của pho tượng. Một hình tam giác nhỏ hơn từ rốn đến đầu gối để tạo nên đường chéo của đùi xếp bằng.

Tương tự như hai tranh trên minh họa tranh Phật đứng cũng được chia ô. Tranh được kẻ thành 17 đường ngang tương ứng với 10 diện và một bệ sen bằng một diện. So với hai bức tranh trên thì bức này không chú thích cụ thể mỗi khoảng bao nhiêu diện, bao nhiêu ngón, nhưng nếu đã nắm được công thức tỷ lệ ghi chép ở nội dung viết của sách thì việc xem hình có thể hình dung tổng thể dễ dàng. Như vậy, với những bản minh họa như thế, người thợ khắc có thể hình dung rất cụ thể công việc tạc tượng như thế nào.

2. Loại tranh minh họa hình ảnh:

Loại tranh minh họa hinh ảnh là loại chiếm đa số trong các sách tạo tượng. Tuy nhiên, ở đây chỉ chọn ra ba bức điển hình: (1) Thích Ca khoác áo cà sa, (2) Quan Âm Chuẩn Đề Nhị Thập Tứ Tý (tức Quan Âm 24 tay) và (3) Quan Âm Chuẩn Đề 18 tay. Các bức này hoàn toàn không có những đường kẻ ô chú thích tỷ lệ mà chỉ có hình vẽ kiểu dáng.

Bức Thích Ca khoác áo cà sa: là một bức tranh khắc hình ảnh Thích Ca ngồi thiền theo thế kiết già toàn phần trên tòa sen. Hai lòng bàn chân ngửa đặt trên lòng đùi, một tay úp đặt trên đầu gối trái theo thể xúc địa ấn. Tranh vẽ Phật khoác áo trùm hai vai nhưng lệch về một bên hở ngực phải. Trên đầu Phật có hai vành hào quang, sau lưng cũng có hai vành hào quang lớn – nhỏ đồng tâm. Đài sen gồm hai tầng cánh, ngửa và úp. Bức tranh này có thể xem là một mẫu thức điển hình. Mặc dầu so với các thể loại tượng Việt, chưa tượng Thích Ca nào khi tạc lại có thêm vành hào quang phía sau lưng tượng.

tuong 11

Minh họa tượng Thích Ca khoác áo cà sa, sách Phật Tượng Lượng Đạc Kinh

Ngoài các tượng mẫu hình Thích Ca ngồi thiền có thể xem là đại diện tiêu biểu cho các dạng thức tượng như Tam Thế, A di đà (tất nhiên với mỗi loại tượng đều có những quy cách riêng, nhưng về đại thể hình thức thế ngồi là khá giống nhau) thì tượng Bồ tát cũng là một mảng tượng quan trọng. Trong số những mảng tượng Bồ tát, thì tượng Quan Thế Âm Bồ tát là loại hình tượng chiếm đa số trong hệ thống tượng ở chùa Việt. Do đó, ở đây chúng tôi sẽ hướng sự chú ý sâu sắc hơn đến hai bức tranh minh họa Quan Âm Chuẩn Đề 24 tay và 18 tay kể trên. Hai bức in đi in lại trong hầu hết các sách. Cả phần công thức tạo tác lẫn phần minh họa chỉ nhằm đến các tượng Quan Âm nhiều dòng tay như thế mà không thấy có những ghi chép về các hình tượng Quan Âm khác như Quan Âm Tọa Sơn hay Quan Âm Tống Tử.

tuong 12

Minh họa tượng Quan Âm nhị Thập Tứ Tý (Quan Âm 24 tay), sách Tạo Tượng Lượng Đạc Kinh

tuong 13

Minh họa Quan Âm Chuẩn Đề, sách Tạo Tượng Lượng Đạc Đồ Dạng

Tranh “Quan Thế Âm Bồ Tát Nhị Thập Tứ Tý Tượng” tức Quan Âm 24 tay, hoặc “Chuẩn Đề diệc dĩ thử vi thức” tức tượng Chuẩn Đề cũng lấy thức này để tạo tượng. Hình tượng này có ba tay liền thân, hai tay trên cugnf cầm một bát nước tịnh thủy và một nhành dương liễu trong tư thế Phổ Độ chúng sinh. Đôi tay giữa chắp lại theo lối Liên Hoa Hợp Chưởng ấn. Còn đôi tay dưới cùng đặt trên đùi, một bên cầm cuốn sách, một bên cầm cây bạch phất. Mười tám tay còn lại được tỏa đều sang hai bên, mỗi tay đều cầm các phác bảo khác nhau, thậm chí không đối xứng sang hai bên, mà tùy theo từng thế tay khác nhau mà đặt những pháp bảo gì. Dựa trên hình ảnh, thì có thể kể ra một số các pháp bảo như sau: Lớp tay bên phải tượng từ trên xuống dưới: chày kim cang, nhật mani, cây đinh ba, cây hái, rìu, cành cây, vòng lắc và một vật không rõ là pháp khí gì. Lớp tay bên trái từ trên xuống dưới: hoa sen, quạt vả, cây cung, bánh xe pháp luân, sợi dây, con ốc, bình nước, cái chuông. Đầu Quan Âm đội một chiếc mũ khá cầu kỳ có hình hoa sen và mặt trời phía trên. Tóc được rẽ thành ba múi trên trán và cuộn thành từng lọn với những chiếc vòng rủ xuống hai bên vai. Từ các tay liền thân của Quan Âm, vắt rủ xuống những dải vải khá mềm mại. Những dải vải này ăn nhịp với những nếp vải trên áo của Quan Âm. Theo nguyên tắc tạo tượng Quan Âm Chuẩn Đề, là tượng có kết ấn Chuẩn Đề ở đôi tay giữa, nhưng ở minh họa này, hoàn toàn không bắt gặp lối kết ấn này, mà thay vào đó là đặc trưng khác của vị Quan Âm Chuẩn Đề đó là con mắt thứ ba ở giữa trán./

Tranh thứ hai chỉ có trong sách Tạo Tượng Lượng Đạc Đồ Dạng có tên là “Chuẩn Đề nghi quĩ”, mô tả Quan Âm Chuẩn Đề có 18 tay, tất cả các tay cũng đều cầm bảo pháp giống như hình minh họa kể trên. Nhưng ở minh họa này, Quan Âm Chuẩn Đề chỉ có hai đôi tay chính liền thân, đôi trên kết ấn Chuẩn Đề, còn đôi tay dưới, một tay cầm cuốn kinh, còn tay kia cầm vật gì không rõ, nhưng có thể chỉ là tay kết ấn thông thường. Lớp tay bên phải theo thứ từ từ trên xuống cầm các bảo pháp sau: thanh kiếm, vòng dây, gương mani, rìu, mũi tên, chày kim cang và một tay đưa lên ngang ngực cầm vật gì không rõ. Lớp tay bên trái theo thứ tự từ trên xuống: hoa sen, cam lồ, nút kết, bánh xe pháp luân, tù và ốc, và một vật không rõ. Ngoài ra bên cạnh của hình vẽ này, người ta còn có riêng các minh họa chi tiết về bốn thế kết ấn quan trọng là: Chuẩn Đề ấn, Tam Muội ấn, Kim Cang Quyền ấn, và Hường Kiết ấn. Có lẽ những minh họa rời này người làm sách muốn chú trọng vào các thế ấn mà các nghệ nhân không được phép làm sai khác. Còn đối với các vật dụng cầm trên các tay khác có thể không quan trọng lắm, vì bản thân hình vẽ cũng không thật rõ ràng. Lý do không quan trọng lắm này còn được nhận thấy bằng việc so sánh hai bức tranh minh họa được xem là chuẩn mực để các thợ điêu khắc dựa vào đó mà làm tượng, thì các bảo vật, hay thế tay này hoàn toàn được thay đổi vị trí một cách khá tùy tiện.

So sánh phần minh họa và phần viết trong kinh văn thì thấy rằng, đây cũng chỉ là thuần túy là minh họa mà thôi. Bởi dường như từ thế tay cho đến số lượng tay cho đến hình tượng Quan Âm ngồi, trong khi phần diễn giải tỷ lệ tượng, cách tạo tượng lại là Quan Âm đứng với đầy đủ số tay là 1000. Trong số 1000 tay được nhắc đến bao gồm 8 tay pháp thân, 40 tay báo thân và 952 hóa thân, còn hình minh họa chỉ là hai bức một bức 24 tay, một bức 18 tay, không thấy chú thích cụ thể. Thứ nữa, phần kinh văn moo tả, còn rất cụ thể và chi tiết các tầng đầu của Quan Âm, sắc thái, tướng mạo của các tầng cùng ý nghĩa của chúng, nhưng phần minh họa sách lại không có. Chưa kể đến các thế tay và thứ tự các tay cầm bảo pháp đối sánh giữa phần kinh văn và phần minh họa cũng ít nhiều sai khác. Như vậy, có thể phần minh họa sách thiếu, hoặc người ta chỉ đưa ra làm ví dụ khái lược mà thôi.

Trở lại với minh họa thứ hai, khác với minh họa đầu là chỉ vẽ hết phần đài sen, thì ở hình này còn vẽ cả phần cuống hoa sen được mọc lên trong biển Nam Hải cùng những minh họa sóng nước. Hai bên cuống hoa có hai con rồng được vẽ nổi trên mặt nước. Hình thức của đôi rồng này cũng khác nhau, có thể là một âm, một dương, và trông khá dữ tợn với sừng và mũi sư tử. Miệng rồng há rộng, lưỡi cuộn lại, đuôi nghểnh lên. Rồng có bốn chân, mỗi chân đều có bốn móng xèo ra kiểu dạng rồng bắt đầu từ thời Minh thịnh hành. Nhìn chung đôi rồng này ít tính thuần Việt, cho dù mẫu thức là được học tập từ nghệ thuật phương Bắc.

tuong 14

Minh họa các thế kết ấn: Từ trên xuống dưới từ trái qua phải: Chuẩn Đề ấn, Tam Muội ấn, Hướng Kiết ấn, Kim Cang, Quyền ấn, sách Phật Thuyết Tạo Tượng Lượng Đạc Kinh

Bức minh họa tạo tượng này có lẽ không chỉ đơn giản là bức tranh hướng dẫn người ta cách thức tạo một tác phẩm điêu khắc Quan Âm, mà có thể xem như một bức tranh hoàn thiện với cách thức bố cục lấp các khoảng trống. Xung quanh các lớp tay và phần đầu Quan Âm, thợ vẽ đã tạo nên các nét song song như mô tả ánh hào quang được phát ra từ vị Phật này. Không gian ở hai góc có vẽ hai thiên thần bay, các nhân vật này thường được gọi là phi thiên theo tên gọi Trung Hoa. Thể theo cách thức trình bày bức tranh, thì những nhân vật này hoàn toàn là nhân vật phụ, không liên quan gì đến việc tạo tượng Quan Âm. Ta cũng chưa gặp một bức tranh Quan Âm hoặc tượng Việt có dạng thức vành tay lớn xuất hiện phía sau lưng tượng Phật và trên vòng ngoài của vành tay hào quang đó có xuất hiện các nhân vật phi thiên này, như trong các điêu khắc Quan Âm của Trung Quốc.

Với những gì được nhìn thấy trong các minh họa kể trên thì rất có thể bức tranh thứ hai này là bức tranh được một người thợ vẽ, in khắc kinh vẽ lại từ một cuốn sách của Trung Quốc, nhưng cũng đã cải biến đi phần nào theo cách hiểu của họ.

3. Minh họa sách và hệ thống tượng Phật ở Việt Nam:

Trước tiên là các bức minh họa cụ thể về tỷ lệ tạo tác. Các bức tranh này, ngoại trừ tỷ lệ mẫu mực thể hiện guonwg mặt Thích Ca, dường như rất ít có sự khác biệt giữa điêu khắc Trung Quốc và Việt Nam. Thông thường việc tạo tác chân dung tượng Phật, mặc dù bao giờ người thợ cũng tuân theo các chuẩn tắc sách vở, nhưng hình mẫu chân dung hầu như gần gũi với nhân chủng bản địa. Do vậy, việc so sánh chân dung tượng Phật được minh họa trong sách và chân dung các pho tượng Phật trong các chùa Việt có phần sai khác. Nếu lấy sách làm chuẩn thì chỉ duy nhất có pho A di đà chùa Phật Tích có lối tạc khắc tương tự. Tuy nhiên pho A di đà chùa Phật Tích lại là trường hợp hy hữu trong đá số các tượng Phật Việt khi nét nhân chủng Ấn Độ sắc sảo có phần đậm đặc hơn so với đặc tính hiền hòa tròn trịa trong các khối ở đa phần các chân dung tượng Phật khác.

Chân dung Bồ tát cũng vậy, dường như không chỉ khác trên cách thể hiện nét mặt, mà kể cả lối phục trang vương miện. Hầu như không có tượng Bồ tát nào đội vương miện kiểu dạng như vậy. Mũ Bồ Tát, Quan Âm của người Việt mang những yếu tố riêng biệt hoàn toàn. Loại dạng thông thường nhất là mũ Thiên Quan với dạng thức vành rộng ôm lấy vòng đầu, phía sau có tấm che tóc với hai búi tóc nhỏ phía đằng sau. Các lọn tóc của Quan Âm được vắt nhẹ qua tai và buông nhẹ xuống vai và lưng. Trong khi đó, thức mũ của gương mặt đại diện cho Bồ Tá ở đây chỉ có một hình thức là dạng mũ hình tháp. Xét đến các bức tranh minh họa khác về tượng Quan Âm, Bồ Tát về trang sức tóc, cũng thấy rằng các minh họa sách này khác xa với nghệ thuật điêu khắc Phật giáo hiện tồn trong các ngôi chùa Việt.

tuong 15

Minh họa tượng Pháp Lôi, chùa Tướng. Tượng eo khá thon, tuân thủ hình mẫu tạo tác từ TK 11,
mặc dầu được tạo tác vào TK17. Tượng tác trần vai, nhân tướng nam, nhưng gương mặt phúc hậu tướng nữ

Đối với những bức minh họa hình ảnh có thể đưa ra các nhận xét sau: về thể thức chung của cả tượng Phật và Bồ Tát dường như là khá tương đồng, nhưng tiểu tiết lại có nhiều khác biệt.

Các minh họa tượng Thích Ca, Như Lai có thể xem như mẫu hình cho các thể loại tượng Tam Thế, A di đà, Thích Ca. Điểm khác biệt là thế ngồi kiết già toàn phần ở các tượng Tam Thế, A di đà ở Việt Nam ít gặp hơn. Tượng Việt ưa thích lối Bán kiết già, hoặc giả khi tạo tác, người ta thường tạc chân tượng giấu trong nếp áo. Xét về kiểu dạng trang phục, không riêng về bức tranh Thích Ca khoác áo cà sa, mà cả những bức tranh khác, thì loại hình trang phục này gần như rất ít thấy trong mô tả tượng pháp Phật giáo Việt Nam. Các tượng cổ miền Bắc của Việt Nam ưa thích lối trang phục cân xứng hai bên hơn là lối trang phục mặc lệch về một bên. Kể cả pho tượng A di đà chùa Phật Tích, nhìn về thế dáng chung cốt lõi của pho tượng giống như minh họa tạo tượng Thích Ca ngồi thiền, nhưng hai vai có vân kiên cân xứng. Các tượng Phật miền Bắc ít khi tạc tượng hở ngực. Nút áo ở chân ngwcj và dây anh lạc là hình thức rất phổ biến cho các tượng Phật Việt Nam từ tượng Tam Thế cho đến A di đà, Thích Ca.

Về thức tượng bụng thon có lẽ cũng chỉ tìm thấy trên một vài tượng thời Lỳ và kéo dài đến một số tượng Tam Thế thời Mạc. Như vậy, đến niên đại TK 18 – 19 mà các sách này được sao chép tàng bản thì các chuẩn tắc này cũng không còn tuân thủ nữa. Bắt đầu từ TK 17, thức tượng nở bụng được ưa thích bởi sự vững chãi của nó. Ngoại trừ một số tượng Phật Mẫu Tứ Pháp ở Bắc Ninh (chùa Dâu, chùa Tướng, chùa Dàn) vẫn tuân thủ theo dạng thức bụng thon, là những tượng được tạc lại theo hình mẫu cũ, phong cách cũ. Như vậy kết luận đầu tiên là về cơ bản các minh họa này không phải hình mẫu của tượng Phật Việt Nam. Nhưng người Việt dựa vào đây để làm tượng Phật Việt trên phương diện dựa vào các nguyên tắc chung.

Đối với các minh họa Bồ tát, Quan Âm, bên cạnh những vấn đề phân tích kể trên qua hai bức tranh Quan Âm nhiều tay, ta còn thấy nổi lên rất nhiều vấn đề khác. Đặc biệt là thế tay biểu thị ra trong các tượng. Dường như trong dòng tượng Quan Âm cổ không có pho tượng nào có đôi tay giữa theo thế thí nguyện / phổ độ chúng sinh bằng nhành dương liễu và bát nước tịnh thủy. Thế Chuẩn Đề và thế Liên Hoa Hợp Chưởng ấn vẫn là hai loại ấn phổ biến nhất cho các đôi tay giữa chắp lại trước ngực. Trên khsia cạnh tạo hình, các đôi tay chắp này giúp kết lại cho pho tượng một bố cục chặt chẽ, thành một khối đặc ở giữa và tạo điều kiện cho những đôi tay tỏa đều ra từ hai bên mình Quan Âm sự bay bổng. Tức những nghệ nhân dân gian phải tuân theo nguyên tắc tĩnh động để tạo tượng. Cho dù là tượng đó có một hay ba đôi tay liền thân, thì những tay liền thân này được tạc theo thế tĩnh. Nếu những đôi tay giữa này không chắp lại mà cũng theo thế bung ra rời rạc như những đôi tay hai bên, thì con mắt tạo hình bị xô lệch, mất đi dáng tĩnh tại chung cho các pho tượng.

Về các loại bảo pháp được vẽ trong minh họa và cách tạc khắc trên các điêu khắc, thì đa phần không giống nhau. Tất nhiên những bảo pahps này như trên đã nhận định là không nhất thiết phải tuân thủ chặt chẽ các quy cách đặt ra, mà có thể tùy tiện thay đổi, miễn là thể hiện được đầy đủ các án pháp, cũng như có sự hiện diện của những thế ấn quan trọng đối với hình tượng cứu khổ cứu nạn nhân gian. Như ở bức tranh thứ hai người ta đã phải chú ra riêng bốn loại ấn quyết nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng và tính chính xác trong điêu khắc, mặc dầu trong phần văn giải, đã có mô tả cụ thể.

Ngoài ra, so với hệ thống tượng pháp Quan Âm người ta cũng rất ít gặp một số bảo pháp như kiếm dài, hay giáo cán dài, cán giáo còn chạm xuống tận đùi. Hình ảnh này đôi khi cũng bắt gặp trong các tượng Quan Âm nhị thập tứ tý niên đại muộn khoảng cuối TK 19 đầu TK 290, ở các chùa miền Trung hoặc Nam với sự ảnh hưởng của văn hóa của cộng đồng người Hoa, hoặc trong các ngôi chùa của người Hoa.

tuong 16

Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, chùa Giác Lâm, TP HCM, TK 18

Cách thức những dải áo chạm bong kệnh vắt qua tay chắp trước ngực chảy xuôi xuống đùi và đài sen cũng chỉ xuất hiện ở các tượng cuối TK 18. Còn các tượng có niên đại sớm hơn thì dường như mọi nếp áo và hình thức tạo hình đều được quy vào khối như Quan Âm chùa Hội Hạ, chùa Phẩm, hay chùa Thượng Trưng. Điểm đặc biệt nhất ở cả hai bức vẽ tượng Quan Âm trong các sách tạo tượng là tranh nào cũng có một con mắt thứ ba nằm dọc trên trán. So với đa phần các tượng Quan Âm Chuẩn Đề dòng nhiều tay ở miền Bắc Việt Nam, thì đa phần không thấy một pho Chuẩn Đề nào được tạc khắc kiểu này. Tượng Chuẩn Đề được phân biệt nhờ vào cách thức kết ấn đặc biệt của đôi tay giữa. Tuy nhiên ta lại bắ gặp một pho tượng như thế ở chùa Giác Lâm, TP. Hồ Chí Minh, lại có dạng thức ý chang với con mắt thứ ba. Pho tượng này có niên đại khá muộn khoảng cuối TK 19. Ngôi chùa Giác Lâm này cũng là ngôi chùa theo dòng Bắc Tông khác xa với các dạng thức chùa miền Nam. Hình thức Quan Âm này là hình thức đã chịu ảnh hưởng khá đậm nét nghệ thuật tạo tác tượng Trung Hoa.

Tuy nhiên vấn đề con mắt thứ ba của pho tượng này và minh họa tạc tượng, lại gợi đến một vấn đề khác. Đó là mối liên hệ với Ấn Độ giáo và thần Shiva, vị thần tối linh duy nhất có một con mắt trước trán. Theo truyền thuyết, con mắt này con Shiva là con mắt lửa khi nhìn vào thần ái tình Karma đã thiêu cháy vị thần này thành tro bụi. Nó có ý nghĩa diệt dục trừ ái. Phải chăng khi tiếp nhận hình tượng này từ Ấn Độ giáo, ý nghĩa này vẫn không bị mất đi và nó hoàn toàn phù hợp với con đường tu đạo của Phật giáo nhằm giải thoát nhân gian khỏi bể khổ trầm luân. Trong Đạo giáo con mắt thứ ba này còn xuất hiện ở hình tượng của Đẩu Mẫu (nữ thần cai quản các sổ sinh và sổ tử) cho phép ngày đêm nhìn thấy tất cả những gì xảy ra trong thế giới. Như vậy rất có thể đã có một sự trao đổi nào đó trong tiểu tượng học hình tượng và ý nghĩa giữa Ấn Độ giáo, Đạo giáo và Phật giáo.

tuong 17

Minh họa tượng Minh Vương, tượng dòng Mật Tông Tây Tạng, sách Phật Thuyết Tạo Tượng Lượng Đạc Đồ Dạng

tuong 18

Minh họa tượng Đa La Bồ tát, tượng dòng Mật Tông Tây Tạng, sách Phật Thuyết Tạo Tượng Lượng Đạc Đồ Dạng

tuong 19

Minh họa tượng Phật mẫu Tara, tượng dòng Mật Tông Tây Tạng, sách Tạo Tượng Lượng Đạc Đồ Dạng

tuong 20

Minh họa tượng Bồ Tát Tara xanh. Tranh khắc Tây Tạng TK 19. Hình này tương tự như minh họa Đa La Bồ Tát

>>> Chất liệu và quy trình tạo tác tượng Phật

>>> Nguyên tắc và tạo hình tượng Phật (Phần 1)

>>> Chuẩn tắc và tỷ lệ tạo tượng

0976984729