Chất liệu và quy trình tạo tác tượng phật

Trong nghệ thuật tạo tác tượng phật, chất liệu là một vấn đề vô cùng quan trọng quyết định việc tạo hình nên một pho tượng như thế nào. Tùy theo từng chất liệu khác nhau mà người thợ điêu khắc dân gian có những phương cách và kỹ thuật riêng ở đó thể hiện ra trình độ, kinh nghiệm của từng người. Tuy nhiên ở mỗi chất liệu này đều có những nguyên tắc tạo hình  chung để dù cho là nghệ nhân hay thợ bắt đầu vào làm nghề đều phải tuân thủ. Ngoài ra việc tạo tác tượng Phật theo quan niệm của người Việt là một công việc đầy chất đặc thù phục vụ cho đời sống tâm linh, do đó từ chất liệu cho đến việc tạo hình cũng hết sức đặc biệt. Nó phản ánh một cách đậm nét quan niệm của người Việt về yếu tố thiêng. Có thể thấy rằng trong một ngôi chùa Việt vào TK 18, một điện Phật hoàn thiện chứa đựng một số lượng khổng lồ các tác phẩm điêu khắc. Các pho tượng này thường được tạo tác qua nhiều giai đoạn khác nhau và bằng nhiều chất liệu đa dạng Tuy nhiên với tượng Phật, người Việt chủ yếu dùng bốn chất liệu cơ bản là gỗ, đất, đá, đồng để tạo tác. Tùy theo thể loại, kích thước của pho tượng mà người ta lựa chọn chất liệu gì. Ngoài ra việc chọn chất liệu còn dựa trên quan niệm về vị thế của pho tượng đó như thế nào trong chùa. Nếu các tượng chiếm vị trí quan trọng sẽ được tạo tác bằng những chất liệu quý và bền vững hơn như đá, đồng, thì thường sẽ được đắp bằng đất. Tuy nhiên phổ thông nhất vẫn là gỗ. Tượng gỗ chiếm 2/3 số lượng trong các ngôi chùa Việt.  Gỗ có đặc tính ôn hòa, dễ tạc khắc, tạo hình nên việc chọn chất liệu gỗ rất phổ biến. Chất liệu đá, đồng ngoài yếu tố bền vững,  theo quan niệm của người Việt,  chúng còn là chất liệu có tính đặc thù để thu hút vào trong nó linh khí của trời đất. Do vậy nếu có được pho tượng đá, đồng trong ngôi chùa,  cũng là hình thức giúp hội tụ linh khí thiêng liêng. Nếu không có tượng đá, đồng thì sau khi tạo tượng gỗ, việc yểm tâm, hô thần nhập tượng bằng thất bảo (vàng, bạc, xà cừ, mã não, ngọc trai, hổ phách, san hô) chính là nghi thức thiêng hóa cho pho tượng thờ.

tuong phat 1

tuong phat 2

Để tạo tác tượng Phật,  người ta sẽ phân loại các điêu khắc trong chùa Việt theo hình tướng của pho tượng, từ đó mới tạc khắc theo chất liệu nào, kỹ thuật gì. Các thể loại tượng trong chùa Việt có thế được phân loại thành sáu loại gồm: tượng Phật, tượng Bồ tát, tượng Hộ pháp Kim Cương,  tượng La Hán - Tổ Truyền đăng, tượng Vương  / Quan, tượng Mẫu.

1. Tượng Phật: Thường có hình thái chung thể hiện dạng tóc xoắn ốc với nhục khẩu (nhục kháo) nhô cao. Do đó dân gian còn gọi là tượng "Bụt ốc" hay " Phật ốc". Chỉ duy có ba tượng là không có tóc dạng xoắn ốc là tượng Tuyết Sơn (thời tu khổ hạnh, chưa thành đạo), tượng Thích Ca sơ sinh (còn gọi là tượng đản sinh) và tượng Di Lặc - Phật tương lai. Ba tượng này thường là để đầu trần. Tượng Phật thường được tạc kèm với đài sen và bệ tượng. Riêng Di Lặc và Tuyết Sơn có thể có đài sen hoặc không. Ở một số trường hợp đặc biệt tượng Phật cũng không tạc tóc bụt ốc. Nếu tạc tượng dưới hình thức Hóa Thân Phật, thì các pho tượng có thể có hình tướng khác. Ví dụ như tượng Thích Ca Niêm Hoa chùa Liên Phái (Hà Nội) đội mũ Bảo Quan, tượng chùa Kiên Lao (Nam Đinhh) Phật tạc đầu trần dưới hình tướng ông sư.

2. Tượng Bồ tát: Quả vị thứ hai sau Phật. Các tượng Bồ tát thường đội mũ Thiên Quan hoặc tạc dạng tóc búi, đội khăn. Các tượng Quan Âm đều xếp vào hàng Bồ tát. Tượng Bồ tát cũng được tọa lạc trên đài sen và bệ tượng.

3. Tượng La Hán - Tổ Truyền Đăng: Quả vị thứ ba sau Phật, là tượng các vị hòa thượng đầu trần. Do số lượng các vị đạt đến quả vị La Hán khá đông, nên các tích của các vị La Hán cũng khá khó nhớ. Còn những Truyền Đăng là những nhân vật nổi tiếng đứng đầu các tông phái Phật giáo có thần tích và hành trạng cụ thể. Do đó ngoài hình tướng đầu trần, các chi tiết phụ theo thần tích của các vị cũng rất quan trọng như các con vật các pháp khí được tạc cùng, để tạo nên sự phân biệt khác nhau. Tượng này thường chỉ có bệ ngồi.

4. Tượng Hộ Pháp, Kim Cương: Là tượng các vị có thân hình to lớn, dữ tợn với trang phục áo giáp và các pháp khí cầm trong tay. Tượng này không có bệ nhưng có đế thường là thú cưỡi, hoặc đế là tạo hình mây ngũ sắc, tạc liền với tượng.

tuong phat 3

5. Tượng Vương Quan: Là các tượng như Ngọc Hoàng thượng đế, Đế Thiên, Đế Thích, Nam Tào Bắc Đẩu hay Thập Điện Diêm Vương thường mặc áo thụ lĩnh có bổ tử trước ngực. Đầu đội mũ Bình Thiên tay cầm thẻ bài. Tượng Đức Ông, đức Thánh Hiền cũng được xếp vào thể loại này. Cách thức tạc tượng tương đối giống nhau, chỉ khác nhau ở trang phục và mũ. Các tượng một số vị còn được tạc thêm ngai ngồi như tượng Ngọc Hoàng, Thập Điện Diêm Vương có ngai với tay ngai chạm rồng. Tượng Nam Tào, Bắc Đẩu chỉ ngồi bệ dạng bục. Tượng Quan trong tín ngưỡng thờ Mẫu cũng được tạo tác giống cách những pho tượng này.

6. Tượng Mẫu: Có kiểu dạng khá riêng nhưng thường có cách tạc giống với tượng Quan Âm Bồ tát, tuy nhiên trang phục, trang sức, các kiểu búi tóc, vấn khăn và màu sắc của áo, hài là khác biệt theo quy tắc của tín ngưỡng thờ Mẫu và cũng khác với tượng Quan Âm Bồ Tát là không có đài sen. Tượng có bục bệ vuông.

Với sự phân loại trên, dân gian đã đặt ra các quy cách chất liệu riêng cho từng thể loại. Tượng Phật, Bồ tát tức các tượng được xem là tượng chính của ngôi chùa đặt ở Tam bảo thường được làm bằng chất liệu gỗ, đá, đồng. Trong số các tượng này thì tượng Thích Ca sơ sinh / Cửu Long hay được đúc bằng đồng nhất. Tượng Tam Thế thời Lý Trần phổ biến được làm bằng đá. Tượng sau thời Mạc đa số được làm bằng gỗ. Trong số các tượng ở ban Tam bảo, khó nhất và đa dạng nhất là tượng Quan Âm. Tượng này chủ yếu được làm bằng gỗ, ít khi được tạc bằng đá. Cũng có một số tượng Quan Âm bằng đá, nhưng nếu là Quan Âm nhiều tay thì số tay này hạn chế chỉ từ hai đến sáu tay, các tay này cũng thu vào mình chứ không vươn ra hai bên. Các tượng Quan Âm đặt ngoài trời phía trước khuôn viên chùa tạc bằng đá, chủ yếu được làm trong thời gian gần đây, ngoài các yếu tố kể trên thì do chất liệu này có khả năng chịu được mưa nắng nên phù hợp với vị trí chức năng của pho tượng.

Đối với các tượng có kích thước quá lớn, hoặc quá nhiều chi tiết phụ, thường được lựa chọn chất liệu đất như: Hộ Pháp, Kim Cương, Thập Điện Diêm Vương, tượng La Hán. Nhưng cũng có những pho hàng Phật, Bồ tát được đắp đất như Quan Âm Tọa Sơn, Quan Âm Thị Kính… Đa phần các tượng này là tượng được bày ở ban hai bên tiền đường, hành lang, hậu điện. Các tượng này nhiều chùa có, nhiều chùa không có, còn hệ thống tượng Phật thuộc dạng tượng chính kể trên thì không chùa nào là không có. Các tượng đắp đất này còn có đặc tính là cố định với vị trí chúng được đặt để. Các tượng như Quan Âm Thị Kính, Tọa Sơn còn gắn liền với động Phật nên cũng được làm chung một chất liệu cho thống nhất. Tuy nhiên người ta cũng có thể đặt tượng gỗ trong động giả sơn. Điều này cho thấy tính chất linh hoạt trong việc tạo tượng.

Trong các ngôi chùa Việt, tính phổ biến của các điêu khắc tượng thờ là như vậy, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp ngoại lệ. Ví dụ như: tượng Tam Thế, tượng A di đà với kích thước khổng lồ ở chùa Bà Đá, chùa Hưng Ký (Hà Nội), TK 19 không phải được tạc bằng gỗ mà đắp bằng đất, lõi gạch đá sau được phủ sơn vẫn đạt được vẻ đẹp tinh tế; tượng Hộ Pháp, chùa Diên Phúc (Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội), chùa Diệu Đế (Bạch Đằng, Huế), chùa Tây Phương (Hà Tây cũ) có kích thước nhỏ vừa phải so với các tượng Hộ Pháp nói chung nên được tạc bằng gỗ. Như vậy yếu tố chính phụ đề cập đến ở trên cũng chỉ là một quan niệm có tính tương đối. Việc lựa chọn chất liệu tạo hình sẽ phụ thuộc vào thực tế pho tượng đó như thế nào để sử dụng chất liệu cho phù hợp.

Trong lịch sử nghệ thuật Phật giáo, chất liệu tạo tác tượng Phật cũng có tính điển hình ở một số giai đoạn khác nhau. Thời Lý tượng thường được chạm khắc đá với khuôn khổ và kích thước lớn. Thời Trần chất liệu đồng được ưa chuộng. Giai đoạn này Phạt giáo được xem là quốc giáo, nên dựng chùa tạo tượng thường do triều đình bỏ tiền ra hưng công.

tuong phat 4

Do đó chất liệu sử dụng cũng là chất liệu bền vững. Tượng đá chiếm ưu thế kỹ thuật chế tác đá đạt đến đỉnh cao nên tượng Phật rất chau chuốt, tỉ mỉ. Từ sau thời Mạc, với sự thay đổi của hình thức kiến trúc ngôi chùa Việt, truyền thống tượng đá vẫn tiếp tục nhưng điêu khắc gỗ bắt đầu phát triển mạnh hơn. Kỹ thuật chạm khắc gỗ và sơn thếp tượng Phật cũng đạt đến đỉnh cao ở TK 17 – 18. Một số bộ tượng Tam Thế vẫn dùng đá làm chất liệu nhưng tính trau chuốt tỉ mỉ lại không bằng các pho tượng gỗ đương thời. Ba pho Tam Thế bằng đá chùa Ngọc Khám thể hiện trình độ điêu khắc tuyệt mỹ nhưng so với tượng A di đà ở chùa Phật Tích vẫn thua xa cả về tỷ lệ lẫn hình thức trang trí.

Ngoài ra, điều kiện kinh tế vật chất là một yếu tố quan trọng quyết định đến chất liệu tạo tượng. Trong lịch sử phong kiến Việt, khi vua, chúa bỏ tiền ra hưng công chùa chiền thì diện mạo của ngôi chùa cũng khác hẳn. Ví dụ như Bút Tháp do bà Trịnh Thị Ngọc Trúc hưng công; chùa Mía do bà Nguyễn Thị Ngọc Giao / Deo; chùa Kim Liên, Tây Phương có sự hậu thuẫn của các chúa Trịnh; chùa Láng do bà Trịnh Thị Ngọc hưng công. Vai trò của bà hoàng trong việc xây dựng các chùa Việt là rất lớn qua hầu hết các thời kỳ. Khi có sự đầu tư lớn về tiền bạc vật chất, thì từ kiến trúc cho đến điêu khắc các ngôi chùa đó đồng bộ và đẹp đẽ khang trang. Chất liệu tốt, bền vững, kích thước tượng lớn, tương hợp với không gian cảnh quan. Còn chùa làng, chùa dân, thì cũng lại phụ thuộc vào làng đó giàu nghèo, thịnh suy ở từng giai đoạn mà ngôi chùa đó được trùng hưng. Ngoài chất liệu, việc tạo tượng cũng còn phụ thuộc vào làng nghề và tay thợ. Rất nhiều chùa, số lượng đất chiếm đến 2/3 tượng trong chùa như: chùa Mía, chùa Nôm, chùa Xuân Lũng… Nhưng cũng có những ngôi chùa 2/3 tượng là tượng gỗ như chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương, chùa Kim Liên… Tuy vậy, đất hay gỗ, nếu tay nghề thợ giỏi vẫn tạo nên những tác phẩm để đời.

tuong phat 5

Để tiện theo dõi chất liệu tạo tác của các tượng trong hệ thống tượng thờ chùa Việt nói chung, chúng tôi thiết lập một bảng sau đây:

tuong phat 6

Ngoài ra với sự phát triển của tôn giáo tín ngưỡng hiện đại ngày nay, bên cạnh hệ thống tượng cổ trên ban Tam bảo, tiền đường, hậu điện, hành lang, chùa Việt còn có thêm hệ thống tượng vườn, được bài trí trong khuôn viên chùa. Các tượng vườn này chủ yếu là tượng Bạch Y Quan Âm, Cam Lồ Quan Âm và quần thể tượng kể về ngày đản sinh của đức Phật. Nhóm điêu khắc này chủ yếu được làm bằng các chất liệu hiện đại như thạch cao hay composite.

>>> Tượng Phật trong các ngôi chùa Việt (Phần 1)

>>> Quy trình thực hiện vẽ đầu tượng (Phần 1)

>>> Trang trí mỹ thuật đình chùa Hà Nội

0976984729