Các loại hình NT của mỹ thuật sân khấu (Phần 2)
1. Đặc trưng mỹ thuật loại hình sân khấu chèo:
Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian lâu đời nhất của nước ta, trong quá trình hình thành và phát triển, không ảnh hưởng yếu tố ngoại lai. Nghệ thuật chèo được kết tinh trên cơ sở trò nhại, múa và hát, phổ biến ở đồng bằng miền Bắc nước ta, do những người nông dân trình diễn; đối tượng người xem cũng là tầng lớp bình dân. Và như chúng ta đã biết, chèo cũng là sân khấu tự sựu, tả thần, ước lệ cùng loại hình nghệ thuật sân khấu ca kịch. Nhưng nghệ thuật chèo mang nhiều tính chất dân gian, giàu chất thơ và thừa nhận những đặc tính của nguyên tắc ước lệ, cách điệu là quy luật để sáng tạo hình tượng nghệ thuật, mà mỹ thuật sân khấu chèo cũng nằm trong quy luật chung đó.
Xưa kia, sân khấu chèo truyền thống hầu như không có trang trí, bài trí. Nếu gọi là có thì đó là khung cảnh không gian rộng rãi của nơi diễn như sân đình, ngày hội… với những lá cờ ngũ sắc, với mái đình uốn cong, với cây nêu ngày tết vươn cao, và chính xác hơn chỉ là tấm chiếu to. Trên mặt đặt một hai hòm đồ để khi diễn sẽ thành bàn, thành nhang án, thành núi non hiểm trở, thành thành quách, tường cao…
Cho đến khi chèo lên sân khấu hộp với cái tên gọi là chèo văn minh, chèo cải lương, có “phông cảnh rực rỡ”, trang trí với phong cách “trích thực tả chân”, thì nhìn chung phong cách ước lệ tượng trưng đã bị đẩy ra khỏi sàn diễn. Tất cả những hiện tượng ấu trĩ ấy đã qua đi, khi có những nhận thức mới về đặc trưng nghệ thuật, về cấu trúc tự sự, về vai trò trung tâm của diễn viên chèo. Trong thuộc tính ước lệ tượng trưng, giải pháp không gian – một nguyên tắc cốt lõi, nguyên tắc cơ bản mang đậm một phong cách riêng của nó, chi phối toàn bộ hoạt động của sân khấu chèo, trong đó có phần mỹ thuật sân khấu.
Cũng các khuynh hướng thiết kế trang trí phổ biến, tạo không gian cho sân khấu như tả thực, tượng trưng, ước lệ, cấu trúc động, tĩnh… áp dụng vào hầu hết các thể loại, đề tài từ cổ tích dân gian, lịch sử, hiện đại… Song phải tùy theo nội dung, kết cấu kịch bản mà thiết kế trang trí, những vật dụng bày trên sân khấu mang được sự gắn kết hữu cơ với mọi thành phần làm nên tác phẩm – vở diễn. Đặc biệt là tạo cho diễn xuất phát triển và mỗi vở diễn lại có sự sáng tạo mang phong cách ngôn ngữ mỹ thuật ước lệ với nhiều bút pháp của hội họa như chạm khắc dân gian hoặc lối bố cục đường nét, màu sắc trong nghệ thuật tạo hình truyền thống hay hiện đại là những mảng mỹ thuật giàu tính trang trí với đường nét chau chuốt mềm mại, gần gũi với tranh Hàng Trống, hay những nét to khỏe, đơn giản của tranh Đông Hồ hay phong cách nhẹ nhàng trổ giấy tinh tế, hoặc trang trí đắp nổi, làm ta liên tưởng tới những bức phù điêu của nghệ thuật tạo hình cổ, cùng sự phân bố các mảng màu trang phục, gắn với môi trường thiên nhiên của hoa đào, hoa lý, mỡ gà, thanh thiên… để biểu hiện hài hòa giữa nội dung với hình thức, tạo nên một vẻ đẹp độc đáo, phù hợp với đặc trưng nghệ thuật chèo.
Mỹ thuật sân khấu chèo chỉ khi nào thẩm thấu được tính tự sự - ước lệ, thì tác phẩm thiết kế trang trí sân khấu ấy mới có giá trị mỹ thuật song hành với tác phẩm vì “sân khấu tự sự chỉ phát huy được hết tính năng của nó khi xử lý những biện pháp ước lệ”. Và những hình thức ước lệ chỉ “đắc địa” khi dựa trên cơ sở loại hình sân khấu “tự sự”.
Hóa trang nhân vật tuồng truyền thống
Trang trí, trang phục vở chèo Trưng Trắc (đề tài lịch sử). Họa sỹ Phùng Huy Bình, Phạm Duy Tùng
Trang trí, trang phục, hóa trang phục vở chèo "Những người cùng phố" (chủ đề hiện đại).
Họa sỹ Bùi Vũ Minh
2. Đặc trưng mỹ thuật loại hình sân khấu tuồng:
Nghệ thuật tuồng là loại hình sân khấu truyền thống của Việt Nam, có lịch sử lâu đời và phát triển ở cả ba miền đất nước. Nhưng mang những quy chuẩn đồng bộ là ở thời nhà Nguyễn, khi nó phục vụ trong cung đình, một thời đã được coi là quốc kịch. Và nghệ thuật tuồng cũng là một bộ moon nghệ thuật sân khấu tổng hợp, có các yếu tố văn học, âm nhạc, mỹ thuật, múa.. tham gia.
Để phân biệt với các loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, kịch múa, kịch câm, opera v.v… loại hình nghệ thuật biểu diễn này được xếp vào kịch hát dân tộc (hoặc gọi là ca kịch dân tộc). Vì, cũng như ở nghệ thuật sân khấu chèo, cải lương…, tỷ lệ ca hát theo kiểu dân tộc ở đây chiếm phần đáng kể. Đồng thời hiện hữu cùng nhiều trình thức về diễn xuất, về múa hát v.v… Mỹ thuật sân khấu tuồng chịu sự chỉ đạo chung của nguyên tắc cơ bản của thể loại sân khấu ước lệ, tượng trưng, nhưng còn chịu sự chi phối của đặc thù loại hình sân khấu ca kịch – anh hùng ca. Do đó, mỹ thuật sân khấu cùng tất cả các thành phần cấu thành, đều phải giữ vững tính thống nhất trong khâu thể hiện. Mặt khác hoạt động nhịp nhàng cùng với các bộ phận nghệ thuật đồng hành, chịu ảnh hưởng của nhau và tác động lại nhau, mối quan hệ này là tất yếu. Tuy nhiên, tùy theo tình hình cụ thể từng đề tài, mà mức độ vận dụng có thể gia giảm nhiều, ít nhưng không thể khiên cưỡng, không thể đối lập, mà nó đúc lại thành một thể thống nhất trọn vẹn trong mỹ thuật sân khấu tuồng.
Hóa trang nhân vật tuồng truyền thống
Trang trí, trang phục, hóa trang vở tuồng Đào Tam Xuân (đề tài truyền thống). Họa sỹ Đường Tài
Trang trí, trang phục, hóa trang vở tuồng Má Tám (đề tài hiện đại). Họa sỹ Nguyên Hồng
Mỹ thuật sân khấu tuồng luôn luôn là một trong những đối tượng quan trọng thể hiện bản sắc sân khấu tuồng. Chính ở đây, người ta có thể phân biệt được, mặc dù cũng là sân khấu kịch hát dân tộc, nhưng tuồng khác chèo, tuồng khác cải lương… như thế nào. Vì, nhìn chung mỹ thuật sân khấu tuồng đã được quy cách hóa về chủng loại, mô hình nhân vật, về trang phụ, hóa trang, đạo cụ, cũng như hình khối, màu sắc, cách sử dụng mang tính tượng trưng cao, chặt chẽ hơn là ở những loại hình kịch hát dân tộc khác. Không những thế, chính các thành tố trong mỹ thuật sân khấu tuồng, có thể góp phần giúp cho người xem hiểu được không gian, thời gian chuyện kịch, giúp cho người xem hiểu được không gian, thời gian chuyện kịch, giúp cho người diễn khắc họa được hình thể nhân vật, tính cách nhân vật, số phận nhân vật,... theo phương thức trình diễn của mình. Đặc biệt là tính ước lệ, tượng trưng, cách điệu đậm đặc của các trình thức biểu hiện tả thần. Từ đó hình thành những mô hình cơ bản độc đáo, phối hợp nhịp nhàng với nhiều yếu tố khác nữa. Trong đó, phải kể đến cấu trúc kịch bản được xây dựng, mang rõ nét loại hình sân khấu của dòng kịch tự sự phương Đông; đồng thời vẫn khắc họa được cái riêng riêng biệt của tuồng mang một tiết tấu cường độ thẩm mỹ mạnh.
3. Đặc trưng mỹ thuật loại hình sân khấu cải lương:
Nghệ thuật cải lương manh nha từ những dò diễn xưởng dân gian và đơn cả tài tử vào đầu thế kỷ XX, rồi tiếp thu nghệ thuật hát bội, nghệ thuật nghà chùa, dân ca Nam Bộ và dân ca Huế, để tiến lên trở thành bộ môn nghệ thuật độc đáo của vùng đất phương Nam. Bài ca Dạ cổ hoài lang của nhạc sỹ Cao Văn Lầu, là nền tảng đánh dấu của nghệ thuật ca nhạc cải lương đi vào chuyên nghiệp. Từ bài Dạ cổ hoài lang chuyển sang bài vọng cổ. Nghệ thuật ca nhạc cải lương đã phát triển thêm bài ca, bản nhạc khác, phục vụ cho nội dung của hàng trăm kịch bản mới sáng tác với đủ loại đề tài.
Cải lương ra đời và phát triển mạnh ở miền Nam, sau đó tiến ra miền Trung và miền Bắc. Tính từ ngày ra đời (thuở manh nha) đến nay, đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, đã gần 100 năm. Gần 100 năm phát triển lúc thăng, lúc trầm cho đến hôm nay, cải lương vẫn tồn tại trên hai đầu đất nước, vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân ta. Cũng có thể nói, văn hóa phương Nam – đó là cải lương – nghệ thuật dễ đi vào lòng người.
Đặc trưng của sân khấu cải lương là loại hình ca kịch dân tộc, lời ca biểu đạt tình cảm, giàu chất trữ tình và chất lãng mạn. Âm nhạc đậm chất tài tử, bay bổng thoáng nhẹ, văn học giàu chất thơ, chất nhạc. Những tố chất này là nét chủ yếu của nghệ thuật tạo hình sân khấu cải lương. Đường nét mềm mại trong cấu trúc và đặc tính mở của nó, cho phép họa sỹ tùy theo chủ đề thực của từng vở diễn mà có thể biểu đạt bằng tính ước lệ hay phong cách tả thực theo chất hội họa truyền thống. Hoặc bố cục mảng khối hiện đại chứ không nên áp đặt khiên cưỡng hình thức trang trí đồ sộ, cho rằng cải lương thời nay phải “hoành tráng”. Hoặc lấy sự “sang trọng” mang tính chất thời thượng và cho đó mới là “hiện đại”, thì e rằng sẽ đi ngược lại với những đặc trưng của thể loại ca kịch.
Những quy trình, quy phạm mỹ học của sân khấu cải lương không đóng khung như sân khấu chèo, tuồng nên nó dễ đón nhận sự giao lưu và chịu ảnh hưởng mỹ thuật của các bộ môn nghệ thuật khác. Đặc tính này mở ra cho người làm mỹ thuật sân khấu thỏa chí sáng tạo, biểu hiện nhiều phương thức khác nhau. Song cũng chính đặc tính này, làm cho một bộ phận họa sỹ sân khấu lại lầm tưởng sự “dễ dãi” của sân khấu cải lương, lạm dụng nó, tùy tiện trong khâu trang trí, trang phục, hóa trang, đạo cụ, ánh sáng… dẫn tới sự thiếu tinhst hẩm mỹ dân tộc, phá vỡ truyền thống, làm lu mở bản sắc cải lương.
Để sân khấu cải lương phát huy ưu thế năng động với sức trẻ của loại hình nghệ thuật luôn mang được vẻ đẹp truyên thống dân tộc và hiện đại của cải lương ngày hôm nay, các họa sỹ cần có sự nhận định thống nhất trong phong cách, mang tính khoa học về mỹ thuật sân khấu của thể loại ca kịch dân tộc này.
Hóa trang nhân vật tuồng truyền thống
Trang trí, trang phục, hóa trang vở cải lương Pháo hiệu màu xanh (đề tài truyền thống). Họa sỹ Lương Đống
Hóa trang nhân vật cải lương
>>> Các loại hình của MT sân khấu (Phần 1)
>>> Mỹ thuật sân khấu thời cổ đại
>>> Thiết kế ánh sáng sân khấu