Mỹ thuật sân khấu thời Trung – Cận đại (Phần 1)
1. Mỹ thuật sân khấu giai đoạn nhà Đinh (968 – 980)
Vào nửa sau thế kỷ III trước công nguyên, Thục Phán, một thủ lĩnh người Âu Việt từ miền trên đã tràn xuống đánh chiếm nước Văn Lang, thống nhất hai lãnh thổ, dựng nên nước Âu Lạc, dời đô từ miền núi xuống đồng bằng. Thời kỳ này đồ sắt phát triển, đất nước Âu Lạc bị triệu đà xâm lược, với ba lần bị phong kiến phương Bắc đánh chiếm. Trong hoàn cảnh có lúc bị đô hộ, nhân dân ta một mặt đấu tranh với kẻ xâm lược, mặt khác về văn hóa nghệ thuật vẫn giữ được tính chất dân tộc. Đây cũng là cơ sở để duy trì và phát huy bản sắc văn hiến Việt Nam ở các thời tự chủ.
Sau chiến thắng oanh liệt của trận Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương, đóng đô ở Hoa Lư, thiết lập một vương triều phong kiến độc lập. Nhưng khi Ngô Quyền mất, các thế lực phong kiến địa phương nổi dậy, đất nước đi vào loạn mười hai sứ quân. Một trong mười hai sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh là người đã nêu cao ngọn cờ thống nhất quốc gia, được quần thần tôn làm Đại thắng minh hoàng đế. Kinh đô đóng ở Hoa Lư, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Dưới triều nhà Đinh, chế độ Trung ương tập quyền được tiếp tục xây dựng và củng cố.
Giai đoạn nhà Ngô – Đinh, Phật giáo thịnh hành chi phối nhiều mặt trong đời sống xã hội, tuy bên cạnh còn có Nho giáo, Đạo giáo. Văn hóa dân tộc được phát triển. Các sư tăng và giới tri thức vừa am hiểu Phật giáo, vừa am hiểu Đạo giáo, Nho giáo. Nhiều thiền sư, quốc sư đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước như: Thiền sư Ngô Chân Lưu (Khuông Việt), Thiền sư Đỗ Pháp Thuận, Thiền sư Vạn Hạnh. Những sinh hoạt nghệ thuật như lễ hội, vui chơi, ca múa cũng phát triển. Hội mùa trai gái gặp gỡ hát đối đáp giao duyên… biểu hiện của đời sống xã hội có nề nếp, tập quán, phong tục, lễ nghi riêng.
Từ vua quan đến dân chúng đều yêu nghệ thuật. Tương truyền: Vua Đinh Tiên Hoàng đã dựng trò Xương Cuồng, biểu diễn thành một đoạn tạp kỹ - xiếc, dựa từ truyền thuyết thần Linh Lang Quân trừ Mộc Tinh.
Nghệ thuật dân gian biểu diễn ngoài trời. Tranh phỏng dựng – theo Lĩnh Nam chính quái (Tư liệu của Bảo tàng viện Sân khấu)
Đã có những hình thức múa hát đeo mặt nạ. Trong dân gian có một nghệ sỹ múa hát nổi tiếng được vua Đinh phong chức “Ưu bà”. Đó là : “Bà Huyền nữ Phạm Thị Trân, sinh năm 926, người Hồng Châu phong tư mỹ lệ, giỏi về ca hát, múa và làm trò, nổi tiếng trong đám hý phường. Khoảng năm Thái Bình (970 – 980), quan cai hạt đưa tiến vào cung, bà được phong chức Ưu bà chuyên dạy (múa hát) trong quân ngũ”. Thời gian này, vua Đinh đang xây dựng đội quân Thập đạo để động viên tinh thần các quân sĩ ngày đêm rèn luyện võ nghệ, sẵn sàng chiến đấu chống giặc, họ cũng cần có những giờ phút thư giãn giải trí, vì vậy bà Phạm Thị Trân đã trở thành Ưu bà chuyên dạy biểu diễn nghệ thuật trong quân đội. Ngoài ra, bà cùng nhiều nghệ nhân dân gian khác, không những dạy quân sĩ hát, múa, gảy đàn, đánh trống… mà còn tổng hợp các bộ môn đó đưa lên sân khấu biểu diễn những tích truyện đơn giản, rút ra từ những sinh hoạt thường ngày. Đã có sự chuyên nghiệp hóa về tổ chức thành các nhóm, đoàn đi biểu diễn lưu động như xiếc hoặc hát ở đám hiếu… hay lập đền hát cố định.
Nghệ thuật biểu diễn đã trở thành một nghề, những người xuất sắc được vinh danh, suy tôn là Tổ nghề: Phạm Thị Trân, Đào Văn Só, Đặng Hồng Lân và để tri ân, hàng năm định ngày 12/8 (âm lịch) là ngày giỗ Tổ ngành Sân khấu.
2. Mỹ thuật sân khấu giai đoạn nhà Tiền Lê (980 – 1009):
Đinh Tiên Hoàng mất, thập đạo Tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua, lập ra nhà Tiền Lê, lấy hiệu là Lê Đại Hành. Nhận sự giao phó trách nhiệm vào buổi đầu dựng nước vừa củng cố để giữ nền độc lập tự chủ từ thời nhà Đinh để lại, vừa phải đối phó với giặc ngoại xâm, giữ hòa hiếu, bảo vệ đời sống thái bình cho muôn dân.
Các diễn xướng trong nghi lễ, các trò chơi mang yếu tố sân khấu khá phổ biến. Vua chúa cũng rất thích văn nghệ, nuôi nhiều “ưu nhân” (hề) làm trò vui. Nhiều nghệ nhân dân gian nổi danh chuyên phục vụ trong cung đình như: hề Liêu Thư Tâm, con hát Tiêu Thị…
3. Mỹ thuật sân khấu giai đoạn nhà Lý (1009 – 1225):
Lý Công Uẩn lên ngôi, Kinh đô từ Hoa Lư dời về thành Đại La và gọi là Thăng Long. Năm 1504, đặt tên nước là Đại Việt. Sau những đêm dài tăm tối, nước Đại Việt vươn mình trong ánh sáng rực rỡ của một quốc gia phong kiến độc lập với quy mô xây dựng toàn diện, đây là cơ sở vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước và dân tộc. Giai đoạn này Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống xã hội, in rõ dấu ấn trong mọi lĩnh vực văn hóa, tập quán, tín ngưỡng dân gian. Các hình thức diễn xướng: hát ả đào, múa hát kể chuyện có điệu bộ, các nghi lễ có kết hợp diễn xướng, các trò đua thuyền, múa rối nước… phát triển rực rỡ đậm tính dân tộc. Các hình thức nghệ thuật đã được ghi nhân ở những phù điêu bằng đá còn lại, như dàn nhạc trên hòn kê chân cột chùa Phật Tích (Hà Bắc). Vua Lý Thái Tông cho xây Vạn Tuế Sơn ở Long Trì (1028), trong đó có các nhân tố tiền mỹ thuật sân khấu, với 5 ngọn núi, ở giữa có bức tranh: Tiên Trường Thọ, tả hạc trắng; trên núi có thần long cuộn khúc, cờ quạt trưng bày. Sai linh nhi thổi sáo, thổi kèn, ca múa (Việt Sử lược). Văn bia Sùng Thiện Diên Linh dựng năm 1211 (ở Hà Nam), cũng mô tả những cảnh múa nhạc.
Còn các sinh hoạt sân khấu, có thể nhắc đến tiết mục sân khấu hoàn chỉnh, có chuyện kịch nhân vật cụ thể, có mâu thuẫn nảy sinh, với nội dung đả kích thái sư Đỗ An Thuận (1182) thời đó. Chuyện châm biếm quan Thái sư Đỗ An Thuận (là em Đỗ Thái Hậu, bà này là mẹ Lý Cao Tông), bằng hình thức nghệ thuật. Các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật trong cung đình cũng như ngoài dân gian đã đạt đến trình độ cao. Đặc biệt có danh xưng đào, kép với sự quy định cụ thể: chỉ con hát mới được gọi là quản giáp (khi ấy có con hát là Đào Thị giỏi nghề hát, thường được thưởng, người bấy giờ hâm mộ tiếng của Đào Thị, nên phàm con hát đều gọi là Đào Nương. Xây dựng tổ chức Thượng Lâm đệ tử để phục vụ các lễ tiết triều đình, gồm các nghệ sỹ tài giỏi được phong chức Thượng chế, chức quản giáp để trông coi các nhóm ca múa, linh nhân trông coi về âm nhạc….
Giai đoạn này, ca múa nhạc là hình thức nghệ thuật phổ biến. Hình thành giáo phường, những phường hát, phường nhạc có kép hát chuyên nghiệp: Sái Ất, Đào Nương, Nguyễn Thức, Vũ Cao… Nhiều chùa tháp được xây dựng, khi hoàn thành thường tổ chức những lễ như: mở hội khánh thành chùa Quảng Nghiêm Tư Thánh, Cung Thúy Hoa… Năm 1035, vua Lý thành lập một đoàn cung nữ gồm 100 người để phục vụ lễ khánh tiết trong nội cung. Năm 1123, vua cho dựng nhà Vũ Đình thôi luân và chế ra xe có bánh đẩy… vũ nữ ca đứng trên múa hát dâng rượu. Dựng đài Quảng Chiếu.
Không thể không kể đến hình thức sân khấu khác (ngoài trời) như cảnh đua thuyền ở thời Lý. Rõ ràng đây là những hoạt động mang tính trò diễn, mà trong đó không thể thiếu yếu tố mỹ thuật, với không gian thiên nhiên hoành tráng, sinh động.
Bìa Sùng Thiện Diên Linh
Dàn nhạc công, khắc ở chân cột đá chùa Phật Tích
4. Mỹ thuật sân khấu giai đoạn nhà Trần:
Triều Lý suy vong, triều Trần nối tiếp (1225 – 1400). Đất nước Đại Việt thời Trần, với ý chí sắt đá tự lập tự cường của triều đình và của toàn dân, xây dựng trên nền tảng truyền thống dân tộc, trên những chiến công ba lần chống xâm lược Nguyên – Mông, đã phát triển mạnh mẽ nhiều mặt, trong đó có văn hóa nghệ thuật. Phật giáo hưng thịnh, trí thức nho học phát triển. Nhiều thiền sư đã góp phần củng cố và phát triển đất nước như các thiền sư: Đa Bảo, Huyền Quang, Viên Thông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Điều Ngự Giác Hoàng… là những đại thụ thi ca đời Trần.
Trần Nhân Tông là vị Tổ sư đầu tiên, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (thiền phái duy nhất mang hệ tư tưởng Việt Nam), với tinh thần nhập thể và tư tưởng cư trần lạc đạo được phát huy nên đời sống chính trị xã hội thời này rất điển hình về lòng nhân ái, đoàn kết, hòa bình của lịch sử dân tộc. Sự hòa đồng lạc quan cùng tình yêu non sông đất nước là một trong những biểu hiện hoạt động về văn hóa, nghệ thuật.
Nhạc công trên cốn – chùa Thái Lạc
Vũ nữ múa lụa, mảng gạch ốp trang trí (TK XIII, đầu TK XIV), chùa Báo Ân, Hà Nội
Ngoài dân gian, các loại hình ca hát, nghệ thuật, múa rối… phát triển. Các danh xưng được hình thành: ca nhi nam là Giáp (sau gọi là kép), ca nhi nữ là Đào. Đã có người chuyên trách dạy làm đạo cụ (đồ mộc, đồ mả, vũ khí). Nhiều nghi lễ Phật giáo cũng như các buổi yến tiệc lớn chiêu đãi sứ giả của triều đình được diễn ra trong đó có múa hát, diễn trò là những hình thức sinh hoạt sân khấu sơ khai. Nghệ thuật sân khấu được đánh dấu bằng vở Tây Vương Mẫu dâng bàn đào. Các vai có những danh hiệu: quan nhân (vai kép), châu từ (vai tướng, đán nương vài đào và sửu nô (hay câu nô – vai hề)… “gồm 12 người, trang phục toàn bằng gấm vóc đánh trống, thổi sáo, gảy đàn, vỗ tay nhộn nhịp kẻ ra, người vào thay đổi nhau diễn trò, dễ cảm động lòng người, diễn buồn làm người xem buồn, diễn vui làm người xem vui”.
Như vậy, những sinh hoạt nghệ thuật mang yếu tố sân khấu (nói chung), đã manh nha trên đất nước ta mà không thể theieus thành phần mỹ thuật trong đó và còn được nhà vua quan tâm treo giải cho thi thố trò diễn. Ở thời điểm này, vai trò của Lý Nguyên Cát, một nghệ nhân Trung Quốc được ta sử dụng cũng có những ảnh hưởng nhất định trong mối quan hệ giao lưu tất yếu về sân khấu nói chung từ trước và về sau.
>>> Mỹ thuật sân khấu thời cổ đại
>>> Thiết kế ánh sáng sân khấu