Cấu trúc và dáng điệu

Thân thể con người là sự hợp nhất các bộ phận được xác định bởi những phần khung xương chính trong cấu trúc của cơ thể, trong nhận thức của chúng ta, các bộ phận này vận hành và phối hợp với nhau nhịp nhàng như một tổng thể hoàn chỉnh. Việc vẽ hình dáng con người – người khỏa thân – do đó bộc lộ một số điểm đặc biệt. Chẳng hạn như, rất dễ phạm một trong hai điều: (i) khéo léo sử dụng các vết vẽ - những thứ không đủ sức bộc lộ những nhịp điệu trong cấu trúc toàn bộ và sự tương tác giữa các bộ phận, mặc dù bản thân chúng có thể rất gợi cảm và tạo nên sự thích thú; (ii) bắt đầu bị ám ảnh bởi các chi tiết, rồi làm cho toàn bộ hình vẽ chặt chẽ hơn, và vì thế, khiến cho sự phối hợp nhịp nhàng trong một tổng thể trở nên rời rạc.

Có lẽ những trở ngại phổ biến nhất thường gặp khi vẽ người khỏa thân là:

- Trong việc nắm bắt mối quan hệ giữa những hình khối của cơ thể (bên ngoài) với cấu trúc của bộ khung xương (bên trong), sao cho các bộ phận cùng với nhau trong hình vẽ truyền đạt được cảm quan về một tổng thể có cấu trúc, được tổ chức một cách hữu cơ và

- Trong việc thể hiện các cử động phức tạp của cơ thể như quay thân mình, tứ chi và đầu trong vòng xoay 3600, đồng thời vẫn duy trì được sự đáng tin tạo hình, đem lại sức sống cho hình ảnh, tạo nên sức thuyết phục cả về thẩm mỹ lẫn tổ chức hữu cơ.

Bất cứ một khóa học nhập môn nào về cách vẽ cơ thể con người cũng cần phải chú ý làm sao cho người vẽ nhận thức được những nguyên lý cấu trúc căn bản, trước khi bắt tay vào các bài vẽ thực hành với tất cả các chuyển động của cơ thể.

Một vài sơ đồ bằng hình vẽ dưới đây minh họa cho một phương pháp bắt đầu bài vẽ với người mẫu sống (vẽ hình dáng người). Hệ thống này dựa trên hai giả định:

- Có thể coi thân thể con người như là một loạt khối bầu dục đơn giản, với nhiều tỷ lệ khác nhau, phản ánh đúng thực tế giải phẫu cấu trúc cơ thể người; và

- Có thể trình bày gần như mọi động tác cơ thể trong bài vẽ nếu hiểu rõ phương pháp “lắp bản lề” mà qua đó mỗi hình khối có thể chuyển động độc lập.

dang dieu 1

Hình 6-1: Hệ thống giải phẫu cấu trúc đã được đơn giản hóa: Mặt trước

dang dieu 2

Hình 6-2: Hệ thống giải phẫu cấu trúc đã được đơn giản hóa: Mặt bên

dang dieu 3

Hình 6-3: Hệ thống giải phẫu cấu trúc đã được đơn giản hóa: Đang di chuyển

Hình 6-1 và 6-2 là những mô tả bằng sơ đồ hệ thống giải phẫu cơ thể người đã được đơn giản hóa như vậy, một hình được nhìn từ mặt trước, còn hình kia từ mặt bên. Ba khu vực chính của thân người được định rõ: mảng khối xương của khung chậu, lồng ngực và mảng khối bờ vai. Các chi, dưới dạng các cánh tay và cẳng chân, được đơn giản hóa bằng hai hình bầu dục thuôn dài tuân thủ tỷ lệ thông thường của môn giải phẫu cơ thể. Hãy đọc những lời chú thích trong mỗi sơ đồ, và cố gắng ghi nhớ những hình dạng thân thể cơ bản này. Điều quan trọng là chúng in sâu vào tâm trí bạn, tạo thành “vốn từ vựng” trong môn giải phẫu cơ thể của chúng ta. Những vết chấm lớn tương ứng với các vị trí then chốt của thân thể. Như bạn có thể thấy, xương sống là hệ thống nối bằng khớp mà đầu người và phần thân trên gắn vào để có thể thực hiện mọi động tác. Để vẽ được hình dáng người đang hoạt động – như chạy, nhảy, ngồi hay chỉ đang ngồi tựa – bạn hãy xoay bất cứ bộ phận nào trong cơ thể tại những điểm có bản lề / khớp nối này trong vòng xoay 3600 tưởng tượng trong không gian do nền vẽ cung cấp.

Bây giờ quay sáng Hình 6-3 ở đây bạn nhận thấy những hình khối cơ bản của thân thể đang vận động mà ở H6-1 và H6-2 thì chúng tương đối tĩnh. Lưu ý đến tư thế nghiêng, chệch ra khỏi cả phương đứng lẫn phương ngang, xảy ra mỗi khi một bộ phận cơ thể xoay đi xoay lại quanh một hay nhiều điểm tựa. Ngoài ra, cũng lưu ý rằng phần mảng khối xương chậu chính là nơi toàn bộ cơ thể tựa lên: là vùng trung tâm cơ bản nhất của trọng lực (cơ thể). Nó luôn cố định, và là điểm tựa cho mọi chuyển động lên cao xuống thấp của cơ thể.

Một vấn đề quan trọng khác được minh họa ở H6-3 đó chính là vẫn đề vẽ thu lại theo luật xa gần. Vì cơ thể cử động quanh vòng xoay 3600 trong không gian, cho nên tùy theo các vị trí quan sát, hình dạng của các phần thân mình và tứ chi cũng sẽ thay đổi. Do vậy, những bộ phận đã được đơn giản hóa thành hình bầu dục cũng cần phải thay đổi theo, nếu như chúng ta muốn vẽ được một thân thể có sức thuyết phục tại bất cứ vị trí nào có thể tưởng tượng ra được. Thí dụ: phần bắp đùi, nếu được quan sát ở tư thế người đang đứng, thì có hình khối bầu dục kéo dài, vì khi được bố trí theo bề mặt thẳng đứng như vậy, với sự duỗi dài lộ rõ, ta nhìn thấy nó trọn vẹn từ trên xuống dưới. Nhưng nếu phần đầu gối được nâng lên, độ dài này mất đi, và chúng ta tự khắc nhận thấy phần bắp đùi là một hình khối đặc, hình bầu dục ngắn lại, gần như tròn. Có sự thay đổi về đặc điểm của hình bầu dục như thế là vì phần bắp đùi ấy không còn chiếm một bề amwtj phẳng theo trục thẳng đứng nữa, mà chiếm khoảng không gian theo chiều sâu. Ngay khi một chi nào đó thâm nhập vào không gian ba chiều – điều xảy ra khi nó không còn được bố trí hoàn toàn theo phương thẳng đứng hoặc nằm ngang nữa – thì hình thể bầu dục của nó phải được vẽ thu lại. Mức độ vẽ thu ngắn lại ra sao tùy thuộc vào góc độ thâm nhập vào không gian. Nếu dáng người đối diện trực tiếp với chúng ta mà phần đầu gối tiến lại gần (vì nhấc chân lên), thì hình khối bắp đùi hoàn toàn kết đặc lại, và ta nhận thấy nó là một mảng khối hình tròn ở chính diện; tuy nhiên, nếu ta di chuyển sang bên cạnh, cốt để quan sát bắp đùi ở vị trí mới – từ một góc 450 – thì khối bầu dục ban đầu sẽ thiên về hình trái xoan hơn nữa, có thể là hình trung gian của một khối xúc xích và một khối tròn.

Bạn có thể thấy tác dụng của lối vẽ thu lại này trong H.6-3: bàn chân và đoạn cẳng dưới chân phải, rõ ràng đang cử động lùi lại phía sau trong không gian. Có được hiệu quả này không chỉ nhờ bố trí bàn chân ở vị trí cao hơn trên trang giấy, và do đó, có vẻ như ở xa hơn về phía sau, mà còn bằng cách vẽ thu ngắn lại hình bầu dục của đoạn cẳng dưới chân phải. Phần cẳng chân ở đây có hình thù thiên về hình trái xoan hơn, được bố trí theo hướng xiên chéo, và vì vậy, rõ ràng “ăn vào” không gian theo chiều sâu. Ngoài ra, cần lưu ý rằng khi đặt bàn chân nằm trên một mặt phẳng xiên chéo và vẽ thu lại “đặc điểm hình tam giác” thông thường của nó, thì sẽ làm tăng thêm ảo giác về động tác của cơ thể trong ba chiều không gian. Tương tự, nhờ việc sử dụng kỹ thuật này, cánh tay phải ở H.6-3 thúc về phía sau trong không gian, trong khi cánh tay trái tiến ra phía trước, ăn vào chiều sâu theo cùng một góc độ.

dang dieu 4

Hình 6-4: Những khu vực có mảng khối theo giải phẫu cấu trúc đã dược giản lược thành những hình thể ký họa nhanh. Bốn điểm chính trong hệ thống khớp nối và cử động là: A – cổ và phần trên của cột sống; B – khung chậu và thân mình; C – xương đùi tạo thành khối cầu và ổ khớp với khung chậu; và D – đầu gối

Bây giờ, chuyển sang H.6-4, trong đó những khu vực giải phẫu cấu trúc cơ bản được đơn giản hóa hơn nữa, trở thành các hình khối bầu dục tinh giản hơn; mảng khối lồng ngực và bờ vai kết hợp thành một hình dạng khái lược để việc ký họa nhanh trở nên dễ dàng hơn. Phần khung chậu trở thành một hình tròn; sự gối lên nhau giữa nó và phần thân trên (đã được hợp nhất) tạo thành khoang bụng nằm dưới xương mỏ ác hay xương ức. Tóm lại, việc “thu xếp ngăn nắp” cơ thể theo cách này sẽ giúp bạn lắp ghép hình dáng người đang vận động được dễ dàng hơn – cung cấp cho bạn một hệ thống khảo sát cơ thể người như một tổng thể hữu cơ, đồng thời giúp bạn nắm bắt được đặc tính dễ điều khiển trong không gian của nó. Vẽ hình dáng người thông qua những cấu trúc bầu dục hoặc tựa bầu dục như vậy cho phép bạn vượt qua được hai trở ngại cơ bản đã nêu trước đây, tức là: duy trì được tính thống nhất trong cấu trúc cơ thể, và diễn tả được những cử động tinh tế của nó.

dang dieu 5

Hình 6-5: John Piper. Raphael: Vụ thảm sát người vô tội, 1951.

Mực và màu nước

Hãy nghiên cứu bức Raphael: Cuộc thảm sát những người vô tội của John Piper (H.6-5) rồi tự bạn xác định xem họa sỹ này đã vận dụng giải phẫu cấu trúc cơ thể những hình khối đã được giản lược như thế nào. Dĩ nhiên, việc tách riêng các bộ phận – như chúng ta đã áp dụng hết sức giản lược – đã không được thực hiện ở đây. Nhưng các hình dáng người được lắp ghép với nhau qua sự áp dụng biểu cảm và khéo léo những hình khối bầu dục lại tương tự với những nguyên lý chúng ta đang thảo luận. Câu “cảm giác táo bạo bỏ qua những chi tiết vô tích sự…” của Rodin hoàn toàn thích hợp với bức vẽ bằng mực và màu nước của Piper.

>>> Hình dạng trong hội họa (Phần 1)

>>> Các hình dạng đặc biệt

>>> Cấu trúc các hình thể

0976984729