Nguyên tắc và tạo hình tượng Phật (Phần 2)

d. Tạo hình tay, các thủ ấn và bảo pháp:

Tạo hình tay và các thủ ấn là một phần vô cùng quan trọng trong tạc tượng Phật giáo. Các thủ ấn này chính là thể hiện oai lực của các vị thần Phật trong giao tiếp tâm linh giữa con người và thế giới vô hình.

- Ấn Liên Hoa Hợp Chưởng: là cách kết ấn thường gặp nhất ở các chư Phật và Bồ tát. Ấn Liên Hoa được kết theo lối hai bàn tay chắp lại trước ngực, các ngón tay duỗi song song tạo thành hình nụ sen chưa nở.

- Ấn Tam Muội hay còn gọi là Ấn Thiền Định: là ấn phổ biến nhất ở các pho tượng A di đà, Quan Âm, Bồ tát, Tam Thế. Cách kết ấn này được biểu thị bằng cách hai bàn tay chồng khít lên nhau, hai ngón cái chạm nhau đặt trước bụng. Ấn quyết này có ý nghĩa là chế ngự ngọn lửa tam muội để tịnh tâm thiền đinh. Trong các điêu khắc Phật giáo khi đôi tay kết ấn Thiền định tạo thành một đường vòng cung kết lại trước bụng cũng khiến cho hình thái pho tượng được thu lại trong thế tĩnh lặng.

- Ấn xúc địa: là cách kết ấn với bàn tay trái úp xuống đặt trên đùi trái. Các ngón tay duỗi thẳng khép hờ thể hiện sự an định. Cũng có thể cách kết ấn này được biến thể bằng ngón trỏ chỉ xuống đất. Theo truyền thuyết Phật giáo khi đức Phật sắp đạt giác ngộ, quỷ vương và yêu nữ đến quấy phá, nhưng không làm người lay chuyển. Cử chỉ này tượng trưng cho sự kêu gọi sựlamf chứng của thổ thần. Ấn xúc địa thường kết hợp với bàn tay phải để ngửa trong lòng đùi.

- Ấn giáo hóa: là cách kết ấn mà ngón tay cái và ngón tay chỏ được chạm vào nhau. Hình vòng tròn tạo ra giữa hai ngón tay biểu thị cho sự viên mãn. Ấn này có ý nghĩa thuyết phục giáo hóa đạo pháp cho chúng sinh. Biến thể của ấn này là ngón cái có thể chạm với ngón giữa, để ngón chỏ chỉ thẳng lên phía trên như sự minh chứng về phật Pháp.

- Ấn Thuyết Pháp: là cách kết ấn mà hai tay đức Phật đưa lên ngang ngực cùng kết ấn giáo hóa. Hai bàn tay có thể cong lại các ngón tay như đang diễn tả về giáo nghĩa. Ấn này cũng được gọi là Ấn chuyển pháp luân.

- Ấn Vô Uý: đây là thủ ấn phổ biến nhất trong các điêu khắc Phật giáo. Ấn này có ý nghĩa là truyền cho con người lòng tự tin và dũng khí thoát khỏi sự sợ hãi nên gọi là vô uý. Ấn này được biểu thị khá đơn giản với bàn tay phải đưa ngang lên tầm vai cánh tay cong và bàn tay hướng ra ngoài. Các ngón tay khép lại. Đây là một cử chỉ bày tỏ thiện chí, đồng thời thể hiện sức mạnh tâm linh của Phật và Bồ tát có thể trấn an quỷ thần.

- Ấn Thí Nguyện: thường được biểu thị bằng lòng bàn tay trái ngửa ra hướng về phía trước. Các ngón tay cũng khép lại đều đặn. Động tác này biểu thị sự cứu độ chúng sinh toàn tâm toàn ý bằng lòng từ bi. Ấn này có thể phối hợp với ấn Vô Uý trong một số tượng Tam Thế. Trong tượng Quan Âm tay phải cầm bình cam lồ / hoa sen, tay trái kết ấn Thí Nguyện.

- Ấn Chuẩn Đề: đây là cách kết ấn hơi phức tạp với hai bàn tay chắp lại. Ngón út và ngón nhẫn kết lại với nhau, ngón giữa dựng thẳng đứng, hai ngón chỏ cong lại đặt lên đốt thứ nhất của ngón giữa, hai ngón tay cái song song với nhau. Ấn này được cho là có pháp lực vô biên để giáo hóa chúng sinh và diệt trừ khổ não.

tao hinh 1

tao hinh 2
Chi tiết Nâng Nhật Ma Ni Tượng Nhật Quang Bồ tát, chùa Bà Đá, Hà Nội

tao hinh 3
Chi tiết nâng bình nước Cam Lồ Tượng Quan Âm chùa Bà Đá, Hà Nội

Bên cạnh cách kết ấn thì các bảo pháp cũng được xem là những biểu tượng giáo hóa chúng sinh. Các bảo pháp này thường gặp trong tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Một số bảo pháp chủ yếu thường gặp là:

- Bảo tháp: là tháp báu, tượng trưng cho giáo lý của phật Pháp.

- Nhật / Nguyệt Ma Ni: là tấm gương hình tròn tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng. Gương Ma Ni là gương có thể soi chiếu mọi tâm thân của loài người, giúp con người tinh tấn trong đạo pháp.

- Bánh xe pháp luân: là một vành tròn có tám nan biểu thị cho bát chánh đạo – giáo lý thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử của phật Giáo.

- Vỏ ốc: là dấu vết tối cổ của Phật giáo ảnh hưởng Ấn giáo, chiếc vỏ ốc hay còn gọi là pháp loa, tù và dùng để hiệu triệu các tín đồ Phật tử. Do vậy nó cũng tượng trưng cho uy danh của Phật pháp.

- Bảo bình: là chiếc bình báu, chứa đựng nước cam lồ mang ý nghĩa giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ trầm luân. Nó cũng tượng trưng cho lòng bi nhẫn của Quan Âm. Bảo bình có thể đi cùng với hình tượng nhành dương liễu.

e. Tạo hình vành hào quang:

Ở các tượng Phật Việt, tạo hình phần hậu tượng hầu như ít được chú trọng bởi lẽ ngôi chùa Việt đặc biệt đông đảo. Do vậy nếu các tượng đều được tác phần hào quang phía sau thì sẽ che mất các tượng đặt lớp sau. Do đó chỉ có một số pho được tạc khắc hào quang. Mà thực tế, vành hào quang này không chỉ là hào quang mà nó chính là vành tay của tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Hình thức vành tay phía sau lưng tượng Quan Âm cũng chỉ sau TK 17 mới trở nên phổ biến, còn các tượng Quan Âm TK 16 hoàn toàn không có.

Vành hào quang – tay nhìn chung chỉ có một số dạng loại cơ bản gồm hình tròn và hình cung nhọn đầu. Chiếc vành này thường thì được làm rời hẳn a, giống như một chi tiết tạo nền của toàn bộ pho tượng. Như tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, chùa Bút Tháp sau khi ra đời vào TK 17 đã trở thành mẫu hình cho thể loại tượng này. Việc thiết kế vành tay / hào quang cũng có quy định riêng. Thông thường, kích thước đường kính của vành tròn này chỉ vượt ra ngoài độ vươn xa nhất của những lớp tay hai bên sườn của Quan Âm mỗi bên khoảng nửa đến một đầu. Hoặc cách tính đường kính của vành hào quang là bằng với chiều cao của thân tượng cộng với đài sen. Nếu tượng có tầng đầu (dạng Quan Âm thập nhất diện) thì sẽ bằng toàn bộ chiều cao của thân tượng đến hết đỉnh của tầng đầu. Như vậy kích thước này sẽ ôm trọn toàn bộ hình thể của pho tượng giống như một bố cục tam giác nội tiếp trong vành tròn. Đây là hình ảnh đẹp nhất để tạo ra sự viên mãn giữa hình thể bên trong và ngoài nếu nhìn pho tượng từ phía chính diện.

tao hinh 4

Việc ghép tay nhỏ trên vành tay / hào quang – có ý nghĩa kép tượng trưng cho số lượng tay đầy đủ của Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, đồng thời có cách tạo hình như ánh sáng được toả ra từ thân thể Phật. Việc ghép tay phải được tính toán chuẩn xác. Vành tay / hào quang này thường được tạo tác độc lập so với pho tượng và để cách lưng tượng chừng 20 cm đến 40 cm tuỳ theo tỷ lệ của pho tượng đó là lớn hay nhỏ. Do vành tay nhỏ này đôi khi chỉ có tính chất tượng trưng cho 1000 tay và đồng thời là cách dân gian biểu thị đó là vành hào quang của Phật nên số lượng tay của những đôi tay này không hoàn toàn có tính chất thống nhất. Các vành dùng để ghép tay là những vòng tròn đồng tâm, trên các vành đó, người ta đục mộng cách nhau từ 5 cm đến 7 cm. Khoảng cách giữa cánh tay trên vành cũng hết sức linh hoạt. Tuỳ theo người nghệ nhân muốn tạc dày hay mỏng vành tay. Họ có thể ghép các tay này theo lối so le, hoặc thẳng hàng theo vành từ trong ra ngoài. Nếu ghép so le thì các lớp tay có cảm giác dày hơn. Nhưng nếu ghép thẳng thì khoảng cách giữa những cánh tay nhỏ này cũng phải gần nhau hơn, khiến cho vành tay đỡ thưa. Cách chạm khắc những tay nhỏ này thường thì chỉ tuân theo một dạng, thể tay khum như ấn thí nguyện và không có tay cầm bảo pháp. Ở một số tượng Quan Âm hiện đại, người ta có chạm thêm một số tay cầm bảo pháp, lấy theo mẫu hình Trung Hoa như pho tượng ở chùa Xa La, Hà Đông. Tuy nhiên, với các tay nhỏ này cũng có hai dạng chạm khác nhau: một loại, chỉ chạm đến cánh tay, một loại chạm cả khuỷu và cánh tay trên. Nếu chạm cả khuỷu tay như tượng chùa Huyền Kỳ và chùa Mễ Sở thì các lớp tay này đã tạo nên một độ dày nhất định đối với vành tay phía sau. Còn đối với chùa Bút Tháp thì các lớp tay nhỏ này được xếp mỏng hơn, nhưng lại được hình dung như những lớp tia sáng. Các tay nhỏ này, có tượng người ta có chạm thêm hình một con mắt trong lòng bàn tay, để tạo ra ý nghĩa kép vừa là nghìn tay cứu độ, nghìn mắt xét thấu và là nghìn ánh hào quang tỏa rạng. Tuy nhiên cũng có tượng không được chú ý đến chi tiết này nên không có.

Bên cạnh kiểu thức hình tròn của vành tay, còn một kiểu thức nữa là dạng hình vòng cung. Kiểu vòng cung nhọn đầu này thì không tạo thành nền cho pho tượng mà phía sau lưng tượng lại rỗng. Tuy nhiên cách thức ghép những tay nhỏ này lên các vành tay này chỉ tuân theo một kiểu là ghép xiên chéo để tạo thế vươn ra của các đôi tay. Nếu ở vành vòng cung thì người ta ghép kín cả vòng cung tay.

tao hinh 5

Tượng Quan Âm Nam Hải Thiên Thủ Thiên Nhãn Chùa Bút Tháp, TK 17 (1656), Thuận Thành, Bắc Ninh

Nhưng nếu ở vành tròn, thì những tay nhỏ này chỉ được ghép bắt đầu từ vành nhỏ nhất có đường kính từ 30 cm trở lên. Bán kính này cũng tùy theo tượng lớn hay tượng nhỏ, vì vòng tròn không ghép tay này thường bị thân tượng che khuất nếu nhìn từ phía đằng trước vào do đặc điểm của các pho tượng Quan Âm này thường chỉ có không gian quan sát ba chiều. Tượng vành cung có thể có thêm chiều thứ tư tức chạm thêm đôi tay phổ lễ phía đằng sau lưng tượng Phật. Mặc dầu vậy việc chạm khắc phía sau pho tượng cũng không được quan tâm nhiều như phía đằng trước.

Cuối cùng, vành cung hay vành tròn của những đôi tay phía sau lưng này là tuy rất lớn nhưng nó lại được ghép rời với phần lớn pho tượng. Nó có thể là một thành phần rời đặt sau lưng tượng như tượng chùa Huyền Kỳ hay chùa Mễ Sở. Nó cũng được ghép với chân đế của pho tượng bằng một thanh gỗ nối phía sau, dường như không ảnh hưởng gì đến lối cách tạo tác của bệ tượng, hay tính chịu lực của bệ.

Ngoài tượng Quan Âm có vành hào quang – tay phía đằng sau, thì một số điêu khắc cổ của người Việt cũng có dạng thức hào quang phía sau lưng. Điển hình là ba pho  tượng Tam Thế chùa Bút Tháp. Rất có thể vào TK 17, với vai trò của hai nhà sư Trung Quốc sang Việt Nam trụ trì tại chùa này Chuyết Chuyết và Minh Hành, đã đem theo những mẫu hình tượng Phật Trung Quốc sang cho những người thợ Việt. Vành hào quang có dạng hình thuyền hơi khum khum, trên đỉnh còn được tạc con chim Kinari hai đầu. Phía ngoài cùng của thiết kế này có hình lửa. Đây là mẫu hình ít gặp trong các điêu khắc cổ của người Việt, duy nhất tìm thấy ở tượng chùa Bút Tháp. Kiểu thức này có tính tương đồng với hậu cảnh tượng Phật có dạng lá đề hoặc ngọn lửa rất phổ biến trong nghệ thuật Phật giáo đời Đường. Phần trọng tâm của vành hào quang là một hình tròn lớn thếp vàng ngay phía sau gáy của pho tượng. Các lớp bên ngoài chạm hoa lá.

f. Tạo hình bệ tượng:

Bệ tượng Phật là một phần không thể thiếu trong các điêu khắc Phật giáo. Bệ tượng không chỉ là tạc nên chỗ ngồi của chư Phật, làm nên sự tôn quý, mà còn biểu thị ra vô số những ý nghĩa khác nhau. Thông thường thì có 7 loại bệ gồm:

1. Bệ tượng chỉ có đài sen – dành cho mọi loại tượng Phật, Bồ tát.

2. Bệ tượng có thú đội đài sen (sư tử, voi, rồng, quỷ): chỉ có ở một số tượng như Quan Âm, Bồ tát. Thú cõng không đội đài sen cũng được xếp vào loại này có tượng Văn Thù Phổ Hiền và tượng hộ pháp Thiện Ác.

3. Bệ tượng tổng hợp gồm cả đài sen, thú đội và chân đế hình vuông / chữ nhật hoặc hình lục giác hoặc cắt vát cạnh thành bát giác.

4. Bệ không có đài sen mà chỉ là bục ngồi – dành cho tượng A La Hán – tổ truyền đăng.

5. Bệ tượng là ngai – dành cho tượng vua, vương, quan.

6. Bệ tượng chỉ là bục vuông / chữ nhật chạm hoa văn, có thể có giật cấp hoặc không có giật cấp.

7. Bệ tượng là đắp động giả sơn hoặc tạo hình mây ngũ sắc ở tượng gắn liền với động và một số tượng Kim Cương (loại bệ này phổ biến hơn với tạo hình chất liệu đất).

Với sự phong phú của thể loại bệ tượng kể trên cho thấy chức năng cũng như vị thế của các pho tượng được thể hiện ra trong việc tạo hình bệ tượng. Chỉ tượng Phật mới được ngự đài sen, còn các thể loại khác thì không ngự đài sen mà có các hình thức khác cho phù hợp. Ngoài ra bệ vuông / chữ nhật / lục giác / bát giác, giật cấp cũng có quy định riêng cho các loại tượng và mang những trường ý nghĩa riêng biệt. Bệ tượng Tam Thế thường chỉ có đế giật cấp biểu tượng tu di bệ, còn bệ tượng Quan Âm Nam Hải có thêm rồng hay quỷ đội đài sen, bệ tượng Văn Thù, Phổ Hiền có tượng voi và sư tử cõng đài sen, hoặc cõng trực tiếp các vị Bồ tát là mô tả theo truyền thuyết. Cũng có trường hợp một số bệ tượng đặc biệt như bệ tượng Tam Thế chùa Lâm So (Hà Tây cũ), bệ có tượng sư tử đỡ đài sen. Phía dưới của các bệ tượng này vẫn là đế giật cấp như thông lệ.

- Dạng bệ chỉ có đài sen: Việc tạo hình đài sen khá đơn giản. Thông thường nhất là dạng đóng quây gỗ thành dạng hình tròn hoặc hình ô van. Tùy theo chân đế của pho tượng mà kích thước đài sen bệ ngồi này được tạo tác như thế nào. Kích thước của đài sen bao giờ cũng lớn hơn tiết diện ngồi phần lớn nhất của pho tượng khoảng nửa diện. Tượng đứng thì lấy tiết diện ngang vai cộng với nửa diện đến một diện. Phần chạm cánh sen và đài sen phía trong phải vừa khít với đế ngồi của pho tượng. Ngoài ra, ở một số tượng cổ, cầu kỳ, người ta tạo ra sự gắn kết giữa phần bệ sen và pho tượng bằng cách tạc một số những nếp áo buông xuống một số cánh sen ở hai bên. Đài sen thường được chạm từ ba lớp cánh trở lên. Lớp cánh chính giữa bao giờ cũng lớn nhất, lớp trên, dưới nhỏ hơn, chạm so le. Trên các cánh sen tùy từng thời kỳ mà được trang trí các dạng hoa văn khác nhau. Phổ biến là hoa văn lưỡi lửa, văn xoắn tay mướp điệp theo hình cánh sen cuộn vào giữa, kèm theo là chạm nổi hạt trân châu chính giữa. Các trang trí trên cánh sen cũng rất đa dạng, khiến cho lớp cánh có thể ít, nhưng với sự trang trí cầu kỳ làm cho đài sen trở nên dày. Lớp cánh dưới cùng sẽ là lớp cánh sen úp, lớp này cũng được chạm hai tầng, tầng trên to, tầng dưới xen kẽ vào các lớp cánh đó nên nhỏ hơn. Phần đài sen phía trong nơi ngồi của chư Phật được chạm cao hơn chút và có khắc những tua của nhị sen bên cạnh. Một số đài sen tạo thành những hạt nổi trên bề mặt.

tao hinh 5a

Bản vẽ chi tiết bệ sen tượng Tam Thế TK 17, chùa Thầy, Thạch Thất, Hà Nội

tao hinh 6

Bản vẽ bệ tượng Phật có sư tử đội đài sen chùa Thầy, TK 12

tao hinh 7

Bản vẽ sư tử đội đài sen tượng Tam Thế, chùa Lâm So, TK 16

- Dạng bệ có thú đội đài sen: Thú đội đài sen có bốn dạng chính: rồng, quỷ, sư tử, voi. Nguyên tắc chung của hình thức thú đội đài sen này là tạo một trục gỗ lớn ăn mộng vào khoảng rỗng giữa đài sen. Nếu bệ tượng có phần chân đế phía dưới thì trục này sẽ ăn sâu xuống tận phần chân bệ, tạo lực đỡ vững chắc cho toàn khối tượng trên. Rồng và quỷ thường xuất hiện trong các tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Quan Âm Nam Hải.

Hình tượng thú được chạm cũng hết sức linh hoạt. Đầu rồng, quỷ ở tượng Quan Âm được chạm thẳng vào trục gỗ kể trên. Ở một số tượng Quan Âm lớn phần kết cấu này thụt vào so với tỷ lệ khá lớn của pho tượng ở trên nên người ta chạm tay đỡ của rồng / quỷ như kiềng ba chân cho phần đội cả đài sen và tượng. Cũng có tượng, ngoài thế đỡ này còn được gia cố bằng các điểm đỡ phụ khác như pho tượng của Hội Hạ, Pho Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn này có: hai tay quỷ chính, hai đầu rồng nhỏ và hai đuôi rồng nhỏ đỡ bệ tượng.

Riêng với tượng sư tử và tượng voi ở tượng Văn Thù, Phổ Hiền có khác so với tượng rồng và quỷ đội tượng, hai con vật này cõng Bồ tát trên lưng, nên chiều kích của hai con vật này thường chờm ra khỏi đài sen, đa số các tượng chạm ngồi trực tiếp lên lưng con vật. Tượng thú thì được chạm khá tự do. Đối với thể loại này, ít khi có bệ phía dưới, thường chỉ là bục nhỏ. Khi chạm khắc người ta cũng chạm riêng con thú và tượng Phật xong ghép lại. Đa số tượng thú không chiếm vị thế quá quan trọng nên khi nhìn vào các tượng ngồi thiền tọa hoặc ngồi vắt chân chữ ngũ, các nếp áo được chạm chảy tràn của xuống mặt bục, đôi khi hình con thú chỉ ló đầu và đuôi ở hai bên. Hình tượng sen ở thể loại bệ tượng này có khi chỉ được chạm thành bông nhỏ đỡ chân các vị Bồ tát.

tao hinh 8

Bản vẽ rồng đội đài sen tượng Quan Âm Nam Hải Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Bút Tháp, TK 17

Trường hợp đặc biệt bộ tượng thú đội đài sen là bộ tượng Tam Thế chùa Lâm So. Sư tử tọa lạc trên bệ tứ giác, trên mình cõng đài sen. Đây cũng là chiếc bệ đẹp nhất hiện ta còn được biết đến với phong cách niên đại Mạc.

tao hinh 9

Bản vẽ quỷ đội đài sen, tượng Quan Âm Nam Hải Thiên Thủ Thiên Nhãn, chùa Tam Sơn, TK 19.

tao hinh 10

Bệ tượng Tam Thế chùa Bút Tháp và một số chi tiết trang trí, TK 17
Các bệ tượng này có thêm hình tượng lực sĩ đỡ bốn góc kệ, cũng giống như hình tượng Garuda
ở bệ tượng Quan Âm chùa Hội, đây là biểu tượng sùng kinh Phật pháp vô biên

- Dạng bệ có thêm chân đế hình vuông chữ nhật hoặc hình lục giác, bát giác: Việc có thêm chân đế này của các pho tượng không chỉ đơn giản là tạo nên chỗ đặt để của pho tượng, mà nó còn mang ý nghĩa và biểu tượng của Phật giáo. Chiếc bệ này còn được gọi là bệ tu di. Biểu tượng của núi tu di trong đạo Phật. Theo vũ trụ quan Phật giáo thì núi Tu di là ngọn núi thiêng có năm đỉnh tọa lạc ở trung tâm của thế giới. Hình dáng ngọn núi này khá đặc biệt đỉnh và đáy thì phình lớn, còn ở giữa thì thắt lại. Núi Tu Di cũng được mô tả là một đài sen nhô lên trên mặt biển Hương Hải Thủy. Do đó bệ tượng được làm dạng hình khối hộp vuông có giật cấp, thắt lại ở giữa cũng là cách mô tả biểu tượng núi Tu di. Chư Phật tọa lạc trên đài sen đặt trên toàn bộ bệ đế này chính là biểu tượng Phật ngự ở trung tâm vũ trụ đó. Bệ hình bát giác cũng không nằm ngoài ý nghĩa của núi Tu di với tám biển, tám núi lấy Tu di làm trung tâm. Riêng bệ lục giác thì có ý nghĩa khác một chút là tượng trưng cho lục đạo luân hồi, mà chư Phật, chư Bồ tát chiếm vị trí trung tâm – tức thoát khỏi luân hồi sinh tử và tiếp tục giúp chúng sinh vượt bờ mê đến bến giác.

tao hinh 11

Bản vẽ quỷ đội sen, chi tiết bệ tượng Qan Âm Nam Hải Thiên Thủ Thiên Nhãn TK 16 chùa Hội Hạ, Tam Dương Vĩnh Phúc

Nếu nói về nguồn gốc của chiếc bệ Tu di này có lẽ xuất phát điểm từ bệ tượng trong Hindu giáo. Sau này, Phật giáo đã mượn hình ảnh biểu tượng này để diễn tả các giáo lý và triết học tôn giáo về thế giới. Các bệ tượng có biểu tượng Tu di này được tìm thấy sớm nhất khoảng TK4-5 trong các pho tượng Phật thời Gupta ở Ấn Độ.

Trở lại với việc tạo tác các bệ dạng này: Đây là bệ có tính chất chịu lực, do vậy việc đóng bệ cũng hết sức kiên cố bằng các thanh gỗ lớn. Mặt ngoài của bệ thường được chạm khắc trang trí đẹp mắt. Các chạm khắc này cũng là các biểu tượng trong nghệ thuật Phật giáo như: hoa sen, hoa cúc, bát bửu. Đặc biệt ở đoạn thắt của bệ tượng người ta cũng có thể chia thành các ô để chạm các đồ án tứ linh, tứ quý, cá hoá long, lân hý cầu, long mã… Một số bệ tượng đặc biệt như bệ tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Hội Hạ còn có thêm Garuda chạm sáu góc. Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Bút Tháp chạm tượng bốn ông phỗng ghé vai đội bệ (chi tiết này hiện nay đã bị mất). Theo các nhà nghiên cứu thì hình tượng này tượng trưng cho những nhân vật ở bể khổ trầm luân. Như vậy, trong việc tạo tác tượng Phật ở Việt Nam, bệ Tu di chỉ là một hình thái, nó đã được cộng nhập vào đấy các hình thức biểu tượng khác.

Nếu tổng hợp các hình thái bệ tượng phức tạp gồm đài sen, thú đội, bệ giật cấp, thì hình thái sơ khởi của biểu tượng Tu di vẫn được tôn trọng. Khúc giữa của bệ tượng là đoạn thắt lại. Điểm thắt này có thể là hình tượng thú, mà cũng có thể là đoạn giật cấp của bệ.

Trong hệ thống điêu khắc chùa Việt, di sản mỹ thuật thời Trần và thời Mạc còn để lại một hệ thống các bệ đá hoa sen. Bệ đá này hiện chưa có sự thống nhất giữa các nhà nghiên cứu là nhang án hay bệ tượng Phật. Theo tôi, từ những nghiên cứu kể trên thì hình thức bệ đá này chính là bệ tượng theo lối bệ Tu di. Bệ Tu di có dạng vuông – hình chữ nhật với nút thắt giữa, bốn góc có tượng Garuda hoàn toàn đồng nhất với kiểu tạc bệ tượng gỗ sau này. Chỉ khác về quy mô, kích thước. Bệ tượng gỗ thường là bệ đơn, còn bệ đá này hoàn toàn có thể là bệ dành cho bộ tượng Tam Thế nên có kích thước khá dài. Xét về tỷ lệ cũng như hình thức bài trí, thì chiếc bệ đá này là rất phù hợp với ngôi chùa Việt trước TK 16.

tao hinh 11a

Bệ đá hoa sen chùa Bối Khê, Hoài Đức, Hà Nội

Về tỷ lệ của bệ tượng và phần thân tượng cũng được tính toán sao cho hợp lý. Thông thường chiều cao của bệ tượng kể cả đài sen, quỷ đội, bệ tứ / lục giác sẽ cao xấp xỉ bằng với chiều cao của pho tượng. Nếu chỉ có bệ sen thì chiều cao của bệ sen bằng khoảng ¼ chiều cao của tượng. Có thêm rồng, quỷ đội thì chiều cao sẽ là 1/3 chiều cao tượng.

- Bệ không có đài sen mà chỉ là bục ngồi: Dành cho tượng A La Hán – tổ truyền đăng. Bệ này thường được đóng đơn giản phù hợp với chiều cao của pho tượng ngồi và hình thức pho tượng ngồi phía trên phần nhiều theo thế ngồi Hiền Tọa hai chân song song hay thế ngồi vắt chân chữ ngũ.

tao hinh 12

Bản vẽ bệ tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm, Quế Võ, Bắc Ninh TK 15

- Bệ tượng là ngai: Dành cho tượng vua, vương, quan. Bệ tượng dạng này thường có một bệ vuông phía dưới và bục nhỏ bên trên. Tay ngai và lưng ngai tạo thành một đường vòng cung vòng ra phía sau lưng tượng. Nôm na là người thợ tạo ra một cái ngai và đặt pho tượng ngự lên đó.

- Bệ tượng chỉ là bục vuông / chữ nhật: Chạm hoa văn, có thể có giật cấp có thể không có giật cấp. Bệ này là hình thức để đơn giản nhất.

tao hinh 13

Quỷ đội đài sen tượng Quan Âm, chùa Mía

tao hinh 14

Quỷ đội đài sen tượng Quan Âm, chùa Đào Xuyên

tao hinh 15

Trang trí bệ tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, chùa Bút Tháp

- Bệ tượng giả sơn: Bệ bằng gỗ hay bằng đất đều có hình thái chung là tạo các nét chạm giống như tạc núi, nhiều bệ được tạo hình mây. Một số bệ cũng lại mô tả hình tượng núi tu di với hình thắt giữa. Điển hình là pho tượng Quan Âm Tọa Sơn chùa Bút Tháp.

Như vậy đối với mỗi thể loại tượng, chất lượng tạo tượng khác nhau, dân gian đều có những quy trình làm khác nhau. Dẫu vậy, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra rằng sự khác biệt đó vẫn tạo nên sự hòa hợp trong một điện Phật. Giữa những kỹ thuật khác nhau như vậy vẫn có những nguyên tắc chung. Tượng gỗ và tượng đất giống nhau về nguyên tắc tạo tác cắt ghép. Tượng đồng và tượng đất giống nhau công đoạn đắp tạo hình. Tượng gỗ và tượng đất lại giống nhau về quy trình sơn thếp. Nhưng điều quan trọng nhất trong nghệ thuật tạo tác tượng Phật khiến cho tất cả các pho tượng dù tạo hình bằng chất liệu gì đi nữa mà vẫn thống nhất đó chính là tỷ lệ tạc khắc tượng Phật và mẫu hình tạo tác. Các mẫu hình tạo tác không chỉ là nguyên tắc để tạo hình mà còn mang ý nghĩa cũng như triết lý nhân sinh, triết lý Phật giáo trong mỗi hình tượng. Ở đó gắn liền với quan niệm về tính thiêng liêng, về niềm tôn kính và mỹ cảm về một thế giới tinh thần an lạc. Về tỷ lệ tạo tượng xưa đến nay vẫn được lưu giữ trong các sách cổ và truyền miệng trong dân gian. Nó chiếm một vị thế quan trọng của nghệ thuật tạo tác, thậm chí được xem là “bi kíp” của nghề.

>>> Nguyên tắc và tạo hình tượng Phật (Phần 1)

>>> Chất liệu và quy trình tạo tác tượng Phật

>>> Tượng Phật trong các ngôi chùa Việt (Phần 1)

0976984729