Nguyên tắc và tạo hình chi tiết tượng Phật (Phần 1)

Nguyên tắc về tương quan:

Việc tạo tác tượng trong một điện Phật nói chung thường có những nguyên tắc nhất định. Không phải tùy tiện muốn làm lớn hay nhỏ, mà người thợ phải tính đến sự tương quan lẫn nhau giữa các pho và tầm quan trọng của tượng đó trong điện Phật để có được một kích thước nhất định. Thường thì một điện Phật chùa Việt được làm trong rất nhiều năm, thậm chí nhiều thế kỷ, nhưng vẫn thống nhất bởi sự tương quan trên. Bên cạnh đó, ở các giai đoạn lịch sử, người ta lại có sự chú trọng riêng biệt vào những bộ tượng khác nhau. Thời Mạc TK16 tượng Tam Thế, Quan Âm được chú trọng. Thời Lê – Trịnh TK 17-18 tượng Quan Âm chú trọng hơn. Các tượng này thường có kích thước lớn. Việc tượng tạc lớn, nhỏ đôi khi còn phụ thuộc vào tông phái mà sư tăng hưng công tạo tượng. Điển hình như phái Tào Động, Liên Hoa, thì tượng Thích Ca Niêm Hoa sẽ dược tạc lớn đặt ở vị trí trung tâm, Phái Tịnh Độ tông thì tượng  A di đà, Quan Âm được đề cao. Đối với các tượng đặt trong bộ như A di đà Tam Tôn hay Hoa Nghiêm Tam Thánh: tượng A di đà có Quan Âm và Thế Chi đi kèm, tượng Thích Ca Niêm Hoa có Annan và Ca Diếp, Quan Âm / Di Lặc có Văn Thù và Phổ Hiển hoặc hai tượng Thị Nữ, thì các tượng hai bên sẽ được tạc với kích thước nhỏ hơn hẳn, để tôn vị trí trung tâm của pho tượng chính. Do vậy nên các tượng tọa lạc hai bên pho tượng chính thì cho dù là tượng đứng hay tượng ngồi, kích thước chiều cao bằng hoặc thấp hơn pho tượng trung tâm tạc theo dáng ngồi ở giữa. Tượng trung tâm còn có thể được tạc thêm bệ tượng phía dưới đài sen để khi bài trí pho này có một vị thế trang trọng nhất. Có lẽ, cách thức bài trí điêu khắc này đã trở thành một tâm thức chung của người Việt. Cách thể hiện này còn được nhìn thấy trong các tranh thờ dân gian, các nhân vật chính, quan trọng chiếm vị thế trung tâm đều được tạc hoặc vẽ lớn.

Từ sự tương quan trong điện Phật, người thợ sẽ xác định kích thước của các pho tượng phải tạc. Tuy nhiên, ở những ban thờ có tính chất độc lập thì kích thước tượng có thể tùy theo người đặt làm, nhưng thông thường những pho đặt ở khám thờ, hoặc đặt ở ban riêng này cũng không mấy khi được phép lớn quá so với những pho tượng ở trung tâm. Các tượng thờ độc lập thường có thêm bục bệ được chạm khắc cầu kỳ, khiến cho pho tượng khi bày ở ban thờ riêng được trang nghiêm tôn kính. Đặc biệt là các tượng Quan Âm. Nếu tượng này thuộc bộ Di Đà Tam Tồn được chạm khá nhỏ, còn tượng Quan Âm có tính độc lập như tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn thì được chạm lớn. Tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn nếu đặt thành một ban thờ riêng bên trái hoặc bên phải điện Phật cũng được chạm lớn, nhưng nếu đặt ở ban chính giữa điện Phật trước cả Thích Ca sơ sinh hoặc trước A di đà, thì tùy vị trí mà được làm với kích thước phù hợp để không che lấp những pho tượng đặt sau nó. Ngoài ra, việc xác định kích thước lớn, nhỏ cho các pho tượng này là rất quan trọng. Nó quyết định đến việc chạm khắc trang trí kỹ hoặc sơ đối với từng pha.

tao hinh 1

Điện Phật, chùa Lam Cầu, Gia Lâm, Hà Nội

tao hinh 2

Bản vẽ tượng Quan Âm Hội Hạ, hiện vật Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Trong thể loại tượng Phật, Bồ tát, tượng khó tạc nhất là các tượng Quan Âm, đặc biệt là tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Tượng này có kết cấu phức tạp và trang trí cầu kỳ từ mũ cho đến hệ thống tay hai bên mình. Tiếp đến là các tượng như Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền. Các tượng này chạm khắc như tượng Quan Âm nhưng phần bệ ngồi có voi hoặc sư tử cõng. Tượng Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Tọa Sơn thì có phần đơn giản hơn. Các pho này hầu như không có quy chuẩn trong kinh sách nên khá tự do trong tạo tác. Tượng Tam Thế, hoặc A di đà do thế dáng thu vào một khối tĩnh nên việc tính toán tỷ lệ và chạm khắc cũng dễ hơn.

a. Tạo hình đầu mặt và mũ tượng:

Sau khi xác định được kích thước tổng thể của pho tượng, người thợ có thể xác định kích thước của đầu mặt của tượng. Đây cũng là chi tiết quan trọng nhất làm nên thần thái của pho tượng. Tượng có đẹp, có thanh thoát, có thần hay không đều phụ thuộc vào việc tạc gương mặt. Không chỉ vậy, thông qua tạo hình gương mặt người ta còn nhìn thấy ở đó lý tưởng thẩm mỹ của dân tộc. Bởi lẽ gương mặt Phật không phải là gương mặt của một con người cụ thể, mà chính là lý tưởng về nhân diện và sự toàn mỹ. Không chỉ thể, trên mỗi thể loại tượng, mỗi vị Thần/Phật gương mặt chính là sự biểu thị quan niệm về nhân sinh về thiện ác. Vậy nên từ nét khắc cho đến màu sơn đều có ý nghĩa biểu trưng cho chức năng tính cách của nhân vật đó.

- Tượng Phật là biểu tượng tối cao của lý tưởng thẩm mỹ về vẻ đẹp tinh thần mang tính siêu thoát. Các tượng Tam Thế, A di đà, Thích Ca thường có chung một cách tạo hình khuôn mặt. Đó là khuôn mặt cân phân khá vuông vắn dạng nam diện, đầu có nhục khấu nổi cao, tóc xoắn ốc. Mắt tượng khép hờ, nhìn xuống. Dái tai dài gần chạm vai. Ở một số tượng, người ta có thể chạm nụ sen trang sức cho thùy tai, khiến cho các tượng thể loại này dù rằng rất đơn giản nhưng vẫn sang quí. Cổ tượng được tạc cao ba ngấn dù là tượng Phật hay Bồ tát, đây được xem là những mặc định về các tướng quí của con người. Đồng thời đứng về mặt tạo hình, chiếc cổ cao ba ngấn giúp tôn được hết các vẻ đẹp mang tính lý tưởng của gương mặt.

tao hinh 3

Minh họa kiểu tạc tóc bụt ốc, tượng Tam Thế chùa Thầy

 

tao hinh 4a

Minh họa mũ Thiên quan, tượng Quan Âm chùa Hội Hạ

- Tượng Bồ Tát trong chùa Việt thường tạc mặt thanh tú, kiểu nữ diện. Nó thể hiện ra tâm thức người Việt về các Bồ tát, Quan Âm là các Phật bà, do vậy nên khi tạc tượng thường tạc theo dạng nữ diện, nên mặt nhỏ hơn các tượng Tam Thế, Thích Ca, Di Đà. Chi tiết đặc biệt nhất để phân biệt với các dạng tượng này là hệ thống các mũ miện. Có rất nhiều kiểu mũ, cách vấn khăn, búi tóc ở tượng hàng Bồ tát. Thông dụng nhất là dạng mũ Thiên Quan: có một vành liền phía trước trán. Trên vành mũ này thường chạm tượng A di đà – trong quan niệm Phật giáo thì Quan Âm vốn được sinh ra từ ánh sáng tinh thần của đức A di đà. Người nguyện ở lại đời để đem lòng từ bi cứu khổ cứu nạn cho nhân gian. Do vậy, trên các mũ miện của người mang hình tượng này. Nếu có nhân dạng cụ thể của A di đà trước mũ, thì cũng có biểu tượng của ngài là ba vầng sáng, điển hình là tượng Quan Âm chùa Hội Hạ. Đằng sau vành mũ Thiên Quan là búi tóc nổi cao và một tấm che tóc phía trước tạo thành một đường cong hất lên. Búi tóc có thể chẽ đôi với một nút buộc duyên dáng. Ngoài mũ Thiên Quan thì mũ Bảo quan cũng là chiếc vương miệng được ưa chuộng trong chạm khắc tượng Bồ tát, Quan Âm. Chiếc mũ này được cham khắc cầu kỳ với nhiều nụ sen nổi khối cùng với các hạt ngọc chạy vòng quanh. Phần đỉnh đầu vẫn có một tấm che tóc với búi tóc lớn ở phía sau. Một số tượng còn tạc thêm trâm cài. Tóc phía trước trán các tượng này thường được tạo hình sáu mũi xuôi về hai bên, một lọn tóc vắt qua tai chạy xuống vai chia thành ba lọn nhỏ chạm liền trên áo tượng rất mềm mại. Các lọn tóc này có khi được kết hoa năm cánh, ăn nhập cùng với thùy tai gắn đôi bông sen dài gần chạm vai. Có thể nói trong số các tượng thì tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Quan Âm Chuẩn Đề… là những tượng có cách phục sức mũ cầu kỳ nhất. Hầu như không có một quy chuẩn chung giống nhau cho những chiếc mũ được tạc khắc, nên trên cơ sở cơ bản của hai kiểu trên mà tùy từng nơi thêm hay bớt các chi tiết. Chiếc mũ cầu kỳ này cũng phản ánh truyền thuyết và xuất thân quyền quý của Quan Âm – Bồ tát. Đối với các tượng Quan Âm Tọa Sơn, Quan Âm Thị Kính, là những vị Phật có truyền thuyết gắn liền với dân gian, thì đề cao vẻ dân dã. Tượng thường không đội mũ Thiên Quan / Bảo Quan mà vấn khăn, búi tóc. Hai búi tóc nhỏ búi cao phía trước trán được thắt bằng một cái dây, các múi tóc vẫn chia như các tượng Bồ tát khác. Trên các múi tóc và búi tóc này có thể chạm thêm hình hoa cúc. Phía trên là một chiếc khăn chùm đầu, khăn này có thể rủ xuống vai phía sau lưng.

- Tượng Kim Cương, Hộ Pháp: Đây là những vị hộ Pháp bảo về giáo lý của nhà Phật, nên được hình dung là những võ tướng. Do đó cách tạo hình cũng phải thể hiện ra uy lực. Gương mặt thường có cằm vuông – tướng võ tướng, dữ tợn. Các tượng Kim Cương, chùa Tây Phương bộc lộ một thần thái tính cách qua từng pho khác nhau. Tùy tướng mạo mà quy định màu sơn cho gương mặt của các pho tượng này. Tướng dữ thì sơn màu hồng sẫm đến màu đỏ, tướng hiền thì sơn màu sáng. Sự vuông vắn của khuôn mặt tượng Kim Cương / Hộ Pháp còn được tạo bởi vành mũ Kim Khôi che kín hai bên tai. Đây là hình thức mũ giáp của võ phục triều đình. Đỉnh mũ Kim Khôi có thể là quả hồ lô. Từ mũ kim Khôi có hai giải vải chạm bong ra phía ngoài và chạm xuống vai áo giáp. Hải giải vải bồng lên này khiến cho pho tượng như có uy lực, oai phong. Hình thức trang trí đó kết hợp với hệ thống các tầng mây dưới chân tượng làm cho pho tượng được hình dung là vị tướng nhà trời xuất hiện để bảo vệ Phật pháp.

- Tượng Di Lặc có khuôn mặt lớn và nụ cười sảng khoái viên mãn.

tao hinh 5

Minh họa mũ Kim Khôi tượng Kim Cương chùa Tây Phương

- Tượng Tuyết Sơn: có gương mặt đau khổ, suy ngẫm, má hóp, mắt sâu.

- Tượng La Hán: theo nhân dạng người thường, nên có tùy nghi để tạc khắc.

- Tượng Vương, Quan: các tượng này có nhân diện như tượng Hộ Pháp, Kim Cương nhưng thường dáng mặt gọn gàng hơn. Tượng này đa số có tướng hiền, ít tướng dữ. Do tượng đội mũ Bình Thiên – tương vương, đội mũ Cánh chuồn – tượng quan nên lộ tai. Tai tượng không dài như tượng Phật và Bồ tát nhưng thùy tai vẫn dày thể hiện tướng phúc hậu. Riêng tượng Đức Ông có nhân diện quắc thước hơn, mắt mở lớn, diện mặt sơn đỏ / hồng  sẫm đầu đội mũ cánh chuồn. Tượng thánh Hiền / thánh Tăng, khuôn mặt hiền từ hơn, diện mặt sơn trắng, đầu đội mũ thất Phật.

- Tượng Mẫu: tùy theo tạc Mẫu nào thì sẽ có những hình thức mũ miện tương ứng. Về gương mặt thì giống với cách tạo tượng Bồ tát. Các tượng Thượng Thiên, Thoải, Thượng Ngàn có thể được chạm mũ như mũ Quan Âm hoặc hình thức vương miện.

Trong các ngôi chùa Việt ngoài các điêu khắc tượng mẫu kể trên còn có các tượng Mẫu gắn liền với vùng miền địa phương đó như bà Mẹ Lúa, bà Tây Năng… Nên từ hình thái dáng vẻ đến mũ tượng đều được tạc theo thần tích thần phả của các bà.

tao hinh 6

Tượng nguyên phi Ý Lan, chùa Bút Tháp, Bắc Ninh

tao hinh 7

Bà Tây Năng, chùa Vĩnh Phúc, Hoài Đức, Hà Nội

b. Tạo hình áo tượng và trang sức:

Trong các điêu khắc chùa Việt, hệ thống trang phục của các vị thần / Phật có thể xem là một bảo tàng sống về cách phục sức của dân tộc Việt qua các thời kỳ giai đoạn lịch sử khác nhau. Nó đồng thời cũng thể hiện ra các quan niệm về cái đẹp và sự sang quý.

Tượng Phật thường có hai loại áo choàng. Áo phủ kín hai vai và áo chỉ vắt sang một bên. Đa số tượng Tam Thế được tạc có áo phủ kín hai vai, khoảng nhở giữa ngực có tượng chạm khối ngực, có tượng chạm dây anh lạc hoặc chữ vạn. Tượng Thích Ca mẫu tượng cổ của miền Bắc thì tạc giống với tượng Tam Thế. Đây là hình thức mẫu áo của Phật giáo Đại Thừa. Còn hình thức mẫu áo theo Phật giáo Nguyên Thủy sẽ khoác áo hở một bên vai. Cũng có thể loại tượng vạt áo chéo qua ngực nhưng vai phải sẽ vắt hờ một tà áo, khiến cho hình thức tạo hình có phần cân đối. Tùy theo từng thời kỳ, giai đoạn mà trang phục này được thay đổi. Ví dụ như tượng A di đà chùa Phật Tích có thêm cả vân kiên hình lá sen phủ vai. Mẫu hình này khá phổ biến đến TK 17. Tượng hiện đại thì phong phú hơn. Kể cả áo khoác một bên vai hình dáng tạo hình cũng khác nhau. Nút thắt đôi khi buộc phần eo phải của tượng. Nhiều tượng các nếp gấp áo phủ kín hai vai trùng võng trước ngực tượng. Các tượng này thường không tạc dây anh lạc.

Về kiểu trang sức dây anh lạc. Theo các nhà nghiên cứu cho rằng bên cạnh lối phục sức mặc tăng bào giản dị của đức Phật tượng trưng cho việc không tham luyến trần thế thoát ly cõi tục vào cõi Niết Bàn. Nhưng đối lập với trang phục đó khá nhiều tượng cổ có chạm chuỗi anh lạc trước ngực Phật có hình thái là chuỗi trân châu với những nụ tròn và kết hoa. Đây là một trang sức quý báu thể hiện nguồn gốc của đức Phật trước khi giác ngộ là một thái tử, thời điểm này ngài còn là một Bồ tát, nên khi thành Phật vẫn mang chuỗi anh lạc. Tuy nhiên dây anh lạc không chỉ được tạc cho các tượng Thích Ca mà còn được hiện diện trên các pho tượng Phật khác như Tam Thế, Di Đà. Do vậy ý nghĩa trên chỉ là một trong số trường nghĩa về biểu tượng này. Ngoài ra câu chuyện về Bồ tát Vô Tận Ý cúng giàng chư Phật chuỗi anh lạc để thể hiện đức tin, cũng xác nhận ý nghĩa của lối trang sức này. Trên thực tế, chuỗi dây cũng thể hiện sự tôn kính của người đời sau dành cho các đức Phật ở thế giới Cực Lạc – miền đất mà châu báu không kể xiết nên việc đeo trang sức là hư phàm.

tao hinh 8

Chạm khắc dây anh lạc tượng Tam Thế, chùa Ngọc Khảm

tao hinh 9

Chạm khắc dây anh lạc tượng Tam Thế, chùa Ngọc Khảm

- Tượng Bồ tát / Quan Âm: trang phục các tượng này thường tạc với hình thức áo choàng dài Thiên Y, các nếp áo chảy xuống mềm mại ở tay, ở cổ. Phía trong có lớp áo thanh y. Hai vạt áo choàng được kết lại ở bụng tạo thành một nút xoáy. Phía trong nút áo này là chiếc cạp váy chạm nút kết hoa sen. Đây là lối phục sức xưa. Các nếp áo ở tượng đứng thì có thể tạc bay bay về hai bên, còn tượng ngồi thì thường chảy tràn xuống phần đài sen làm cho tạo hình pho tượng trở nên mềm mại, nữ tính. Ở một số pho tượng Quan Âm niên đại sớm tay áo của tượng thường tạo thành hình dạng cánh cung. Các tượng TK 17 đến TK 18 hình thức cánh tay áo hình cánh cung được thay thế bằng ống tay ôm gọn và các giải áo vắt qua tay mềm mại. Về trang sức dây anh lạc, có thể được chạm phía trong trên lớp áo thanh y, nhưng cũng có thể chạm phía ngoài phủ lên toàn bộ vai tượng. Các tượng Quan Âm Tọa Sơn, Quan Âm Thị Kính thì được tạc kiểu áo giao lĩnh màu nâu giản dị, không có trang sức.

tao hinh 10

Áo Thiên Y với hai chiếc tay áo hình cánh cung, điển hình cho phong cách TK 16

tao hinh 11

Bản vẽ tượng Quan Âm Tống Tử, TK 18, chùa Mía, Sơn Tây, Hà Nội

- Tượng Vương, Quan: thường được tạc áo có bổ tử trước ngực. Trên bổ tử thường chạm lân, dù là tượng Ngọc Hoàng thượng đế. Tay tượng chắp lại cầm thẻ bài và có khăn phủ. Hai ống tay áo thường rủ xuống mềm mại hai bên đùi. Thắt lưng có cân đai và giải Tế Tất vát hai bên phủ trùm xuống gần bệ. Nếp quần chùng xuống để lộ ra mũi hài. Tượng này cũng tùy theo giai đoạn mà có cách phục sức khác nhau.

tao hinh 12

Minh họa chi tiết Hộ Tâm giáp (phần giáp che trước bụng và ngực) tượng Kim Cương chùa Tây Phương)

tao hinh 13

Minh họa chi tiết Hà bảng giáp (phần thắt lưng và tấm che trước bộ hạ) tượng Kim Cương chùa Tây Phương

- Tượng Hộ Pháp, Kim Cương: Trang phục võ tướng, các hoa văn trên trang phục này vô cùng phức tạp. Các dạng văn như văn hình vảy cá, văn hình triện, văn hình mây, tùy theo từng tượng mà được tạc khắc. Một điểm đáng lưu ý ở các tượng này là hình tượng hổ phù được chạm ở nhiều vị trí trên trang phục như thắt lưng, đầu vai khuỷu tay, ống quần. Các văn hình lôi xoáy cũng được chạm khắc trên hầu hết các trang phục.

c. Tạo hình thế ngồi:

Tạo hình thế ngồi tượng Phật – Bồ tát cũng như các điêu khắc trong chùa Việt vô cùng đa dạng. Nếu việc tạc khắc các chi tiết mẫu hình đã đề cập đến ở trên người ta phải quan tâm đến từng thể loại tượng, thì phần thế ngồi, có thể tổng kết lại một số dạng thế ngồi cơ bản sau. Các thế ngồi này cũng có thể đặc trưng cho từng thể loại nhưng cũng có sự linh hoạt nhất định.

Thế ngồi phổ biến nhất là ngồi xếp bằng. Có bốn loại xếp bằng: Kiết già toàn phần gồm hai thế: lộ cả hai bàn chân hoặc nếp áo phủ kín chân, bán kiết già cũng có hai thế: lộ bàn chân trái hoặc lộ bàn chân phải. Chi tiết khác nhau này chỉ là cách tạc, còn trong đạo Phật thì đây là thế ngồi thiền giúp cho việc tâm thân có thể tĩnh nhất để tu luyện. Các thế ngồi này thường phổ biến với các tượng Tam Thế, Thích Ca. Các tượng Bồ tát, Quan Âm thì tùy tượng mà được tạc ngồi theo lối nào. Thông thường nhất với các tượng Quan Âm, nếu tạc ngồi xếp bằng thường tạc tư thế không lộ chân – tức nếp áo phủ kín. Tượng bán kiết già lộ bàn chân phải cũng rất phổ biến trong các điêu khắc tượng Phật Việt.

tao hinh 14

Tượng Tứ Bồ Tát, chùa Mía, TK 18.  Tượng ngồi theo thế kiết già toàn phần

Thế ngồi ngai / bục cũng phong phú về hình thức. Có hai dạng phổ biến là dạng hiền tọa hai chân song song và hai chân có một chân chống. Thế ngồi hai chân song song thường chạm mũi chân hướng chéo góc, tạo cảm giác trang nghiêm.

tao hinh 15

Tượng Tứ Trụ Thiên Vương chùa Mía TK 18, tượng đắp đất tư thế ngồi hiền tọa hai chân song song dáng ngồi bục, ngai

Còn lối chân co chân chống cũng lại chia làm hai loại. Một loại chân khoanh vào thân mình, chân kia chống, một loại chân buông thõng xuống thoải mái và chân chống cao trên bục bệ. Chân chống cũng có nhiều dáng vẻ khác nhau. Chân chống thẳng thì tay thường đặt trên nhẹ trên đầu gối. Chân chống gác chéo, bàn chân vát một góc. Các tượng Phật, Bồ tát thường chân trần, các tượng La Hán cũng chạm chân trần nhưng có chiếc hài tạc rời trong đặt trong khối giả sơn hoặc gắn vào bục bệ. Một số tượng Quan Âm hiện đại có chạm thêm bông sen mãn khai lót dưới chân các ngài.

Ngoài ra còn một thể loại chân vắt chữ ngũ cũng khá phổ biến. Kiểu thông dụng nhất là bàn chân phải gác lên đầu gối chân trái. Kiểu vắt chân này đôi khi cũng giấu đi bàn chân bằng các nếp áo phủ kín. Ở một số tượng có biến thể nhất định cho thế chân này như đầu gối nâng cao hơn chút và bàn chân hơi buông thõng xuống phía dưới. Cách tạc này tạo cho các tượng tư thế thoải mái nhất có thể.

Như vậy quy định về thế chân có thể có quy định chung, nhưng tùy theo từng thợ tạc khắc mà các thế chân đó được tạo hình như thế nào cho thích hợp với từng pho tượng.

>>> Chất liệu và quy trình tạo tác tượng Phật

>>> Tượng Phật trong các ngôi chùa Việt (Phần 1)

>>> Các biểu tượng trong nghệ thuật

0976984729