Chất liệu tạo tượng và quy trình kỹ thuật (Phần 2)

Quy trình sơn thếp tượng Phật:

Việc sơn thếp tượng có những nguyên tắc chung cho cả tượng gỗ, đất, đồng và đá (nếu có). Để có thể sơn thếp một pho tượng đẹp thì sau khâu cuối cùng của tượng gỗ và đất là công đoạn hom tượng được làm như nhau.

Chất để hom là hỗn hợp đất phù sa mịn trộn sơn sống được quết đều lên khắp tượng cho khít các vết ghép ở tượng gỗ, vết rạn ở tượng đất. Đối với tượng đất phải để thật khô rồi quết sơn sống lên pho tượng thật nhiều lớp để các lớp sơn hom này có thể ngấm sâu hơn, gia cố lại toàn bộ pho tượng. Sau đó ủ tượng cho khô sơn ở mỗi lớp quết. Ở tượng gỗ có thể có them quy trình hom bó, tức là có thêm lớp vải xô mỏng lót dưới lớp hom. Khi những lớp hom bó này đã khô, người ta bắt đầu công đoạn tạo hình lại, chỉnh sửa một số chỗ sao cho pho tượng biểu thị đầy đủ tinh thần mà họ mong muốn. Nhiều khi lớp hom này rất mỏng và gần như chỉ them vào, hoặc sửa đi những lỗi của chạm khắc ở tượng gỗ, hoặc chưa tinh ở tượng đất. Hom tượng là một công đoạn quan trọng, nếu làm không cẩn thận sau vài chục năm tượng sẽ bị bong tróc những mảng lớn. Nếu tượng gỗ ít ghép, chạm đẹp, thì các nghê nhân chỉ dùng giấy ráp đánh nhẵn.

tuong phat 1

Công đoạn hom tượng để chuẩn bị sơn thếp

Trước khi thếp, tượng được phủ một lớp sơn then gọi là lớp sơn thí. Lớp này được phủ kỹ vài lần để chúng ngấm sâu vào lớp đất hom cũng như có tác dụng gắn chặt lớp đất hom, vải vào gỗ, hoặc ngấm sâu vào đất và tránh cho các pho tượng bị ngấm nước, tăng độ bền của gỗ, đất là tránh sự xâm hại của thiên nhiên cũng như côn trùng. Lớp này người ta gọi là sơn lót. Sau đó lại ủ tượng, rồi dúng đá mịn hoặc giấy ráp đánh lại nhiều lần cho bề mặt thếp nhẵn phẳng, tỉa tót các chi tiết cho kỹ để khi thếp tượng đạt được hiệu quả nhất định. Nếu các nghệ nhân càng tạo ra độ nhẵn phẳng bao nhiêu, thì càng dễ dàng cho việc thếp cũng như tạo độ phát quang của vàng bạc trên tượng.

Để thếp, người ta phủ đều lên tượng mộc lớp cánh gián mỏng. Thậm chí để lớp cánh gián này thật mỏng, sau khi quét bằng bút thép, người ta đã lấy giấy bản thấm bớt đi một phần, sau đó mới dán vàng bạc lên khiến các lá vàng bạc được phẳng căng. Tùy kinh nghiệm của từng thợ sơn thếp. Cũng có nơi, sau khi quét lớp sơn này, họ đem ủ để lớp cánh gián ngấm bớt vào tượng và khô một phần. Việc thếp này cũng phải hết sức khéo léo để sao cho khi đặt những quì vàng bạc lên trên thân tượng đều nhau tăm tắp và không có vết kẻ vuông của những mảnh quì. Khi thếp cũng tránh đặt chồng đè quá nhiều các lớp bạc vàng gây tốn kém. Đặc biệt với chất liệu vàng càng phải cẩn thận, đặt tượng ở chỗ kín gió khiến cho những vụn vàng không rơi mất. Các lá vàng bạc bao giờ cũng được dán theo lối vẩy cá, tức đặt so le nhau từng lớp khiến cho việc phủ kín bề mặt nhanh chóng. Sau khi đặt các lá vàng bạc lên, người ta dùng một cái bút mềm hoặc cây bút phất để dàn đều mặt vàng bạc lên chỗ thếp.

tuong phat 2

Nghệ nhân Nguyễn Đức Sáng làng Sơn Đồng đang thếp vàng
một số chi tiết tượng Đức Ông sau khi sơn tượng tại chùa Bụt Mọc, Đông Anh, Hà Nội

Xu hướng hiện nay, việc thếp tượng thường dùng lối phun nhũ, cũng tạo nên sự đều đặn, kinh phí thấp hơn nhiều so với việc thếp vàng bạc quì. Tuy nhiên chất tạo nhũ thường cho bề mặt ngoài của tượng khi mới thếp thì đẹp, nhưng sau một thời gian, tượng sẽ bị xuống màu. Còn thếp vàng bạc thật, càng về sau, màu tượng càng trong, trầm ấm. Việc thếp cũng tùy theo kinh phí mà làm dày hay mỏng. Thông thường người ta thếp từ hai lớp trở lên để các lớp vảy cá so le nhau khi chồng hai lớp khiến tượng có một tấm “áo đẹp” tránh có lỗ thủng trong quá trình dán vàng, bạc. Sau khi thếp xong, người ta lại tiếp tục ủ tượng cho lớp cánh gián nằm phía dưới khô từ năm đến bảy ngày. Lớp cuối cùng để hoàn thiện pho tượng là một lớp sơn quang bằng sơn cánh gián mỏng tang gọi là “toát tượng” làm cho mặt vàng, mặt bạc trầm lại. Lớp sơn cuối này giúp bảo vệ tượng bền màu hơn, tránh sự ô xy hóa của thời tiết lên mặt vàng, bạc vốn rất mỏng. Khi lớp toát này khô, cũng có nghĩa pho tượng đã được hoàn thành. Một số nơi để tạo cho mặt sơn bóng đẹp, người ta đã sử dụng tóc rối đánh nóng trên bề mặt tượng khiến cho các lớp sơn lên nước bóng trông rất đẹp. Sơn cánh gián dùng để toát sơn là loại sơn đánh kỹ, thời gian càng lâu thì lớp sơn này càng bóng, càng trong.

Sau khi thếp xong, một số tượng cần vẽ, người thợ lại tiếp tục vẽ để hoàn thiện. Đây là công đoạn cuối cùng trước khi hoàn thành pho tượng nên yêu cầu thợ có tay nghề cao.

Việc thếp tượng Phật, dân gian cũng có những quy cách riêng. Đa số những tượng Phật thì được thếp vàng bạc, còn các tượng hàng Bồ tát, hàng La hán, tượng tổ, tượng vương, tượng mẫu, là được sơn. Tuy nhiên để cho các tượng được sơn này đẹp, một số chi tiết tượng người ta vẫn sử dụng kỹ thuật thếp để tạo hình. Để tiện theo dõi các loại tượng nào được sơn hay thếp chúng tôi thiết lập một bảng sau:

tuong phat 5

Sự liệt kê này lấy tính phổ biến làm chính. Cũng có những ngoại lệ như khá nhiều tượng Quan Âm Tọa Sơn, Thị Kính được thếp, và cũng có nhiều tượng Di Lặc, Phổ Hiền, Văn Thù được sơn.

Quy cách trên cũng cho thấy phần nào các quan niệm về thứ bậc của tượng. Thông thường, những tượng hàng Phật được thếp như tượng Tam Thế, Thích Ca. A di đà là những pho tượng chính trong hệ thống tượng Phật được thếp vàng toàn bộ. Đài sen được sơn đỏ. Nếu trên những cánh sen này có chạm hoa văn, thì họ sẽ thếp rất vàng lên những hoa văn mũi lửa hoặc hình hoa cúc, hoa sen và viền cánh sen, còn toàn bộ cánh sen vẫn được sơn đỏ. Thông thường các đài sen được sơn màu son trai, khiến cho bệ tượng có một màu sáng tươi. Người ta cũng có thể sơn màu son thắm, tạo cảm giác trầm ấm và tôn những pho tượng mình vàng ở trên. Ngoài những tượng Thích Ca, A di đà, Tam thế được sơn thếp vàng toàn bộ, thì tượng Quan Âm tùy từng pho mà có những các sơn thếp khác nhau do quan niệm mà thành. Theo dân gian thì Quan Âm Bồ tát là các vị đã tu thành Phật nhưng nguyện ở lại giúp đời. Do đó dáng vẻ của họ vẫn là dáng vẻ của con người khoác áo Phật. Còn các vị cổ Phật là các đấng cao siêu nên mình vàng.

Phổ biến có hai cách sơn thếp tượng Quan Âm, Tượng Quan Âm dòng kiinh sách như Chuẩn Đề, Nam Hải, Thiên Thủ Thiên Nhãn và đa số các tượng Quan Âm dòng nhiều tay khác, thì vừa sơn vừa thếp. Tượng Quan Âm dòng dân gian như Tọa Sơn, Thị Kính thì đa phần chỉ sơn, không thếp. Nếu tượng này có thếp thì thếp chìm – thếp lót xong phủ màu lên, qua thời gian, lớp bạc ở dưới tao cho màu sơn được trong và ánh đẹp.

Các tượng Quan Âm, trong bộ A di đà Tam Tôn, người ta thường thếp áo vàng, nhưng mặt và cánh tay được sơn màu da với hàm ý là những vị này đã thành Phật nhưng tình nguyện ở lại giúp đời, mà trực tiếp giúp đức Phật A di đá hóa độ chúng sinh. Hơn nữa, việc đặt hai pho tượng này cạnh đức A di đà cũng khiến người ta phân định được tầm quan trọng cũng như vị tnhees chính phụ của các pho tượng.

Đối với tượng Quan Âm đặt ở vị trí độc lập như Chuẩn Đề, Nam Hải, Thiên Thủ Thiên Nhãn, thì quy cách sơn thếp lại được thực hiện theo một cách khác. Người ta đã thếp vàng mặt và những cánh tay. Kể cả lớp tay lớn ơ rhai bên sườn lẫn các cánh tay nhỏ ở vành tròn phía sau. Còn các lớp xiêm y của bà thì được sơn thếp tùy chỗ mà có những cách làm khác nhau. Nhưng để tạo nên màu nâu sáng, người ta sẽ thếp một lớp bạc ở lớp trong cùng của chiếc áo, sau đó sơn một màu son trai rồi cuối cùng là phủ lớp cánh gián nâu trong ra ngoài cùng. Khi sơn ta càng lâu thời gian, nó sẽ càng trở nên trong suốt khiến lớp bạc thếp của chiếc áo Quan Âm không bị xỉn mà có màu nâu ánh bạc. Những thếp áo hoặc giữa những lớp áo, người ta tạo nên sự phân biệt bởi những lớp son đỏ hoặc then đen, tạo thành những đường viền mảnh mai, tinh tế. Cách sơn thếp những tà áo làm cho pho tượng Quan Âm giản dị như một người phụ nữ thôn quê, nhưng cũng rất sang trọng quý phái. Tính chất tương phản giữa tà áo và sắc vàng trên khuôn mặt và những cánh tay cũng mang hàm nghĩa vị Phật này tuy đã thành Phật nhưng lại khoác áo thường dân, gần với dân để cứu độ chúng sinh trong những lúc nguy cấp. Tương tự như vậy, vành mũ thiên quan hay tấm che trên tóc của tượng Quan Âm cũng được sơn, mà không thếp, chỉ một số những hoa văn trên vành mũ là được thếp lối dắt vàng, để làm nổi bật lên nét đẹp tinh tế. Tuy nhiên cũng tùy theo tương quan và con mắt của người thợ và sơn hay thếp ở các chi tiết này. Như vậy, đối với tượng Quan Âm cho dù khoác áo Phật và hiện thân là người bình dân, hay khoác áo bình dân trong nhân dạng Phật, thì đều có chung ý nghĩa nhằm cứu độ dân gian.

Tượng Hộ Pháp, Kim Cương, La Hán, Quan Âm Tọa Sơn, Thị Kính là các tượng gắn liền với đời sống nhân gian thường chỉ sơn không thếp. Dân gian gọi là tô tượng hay còn gọi là lối sơn này phấn diện, tức ám chỉ khuôn mặt và các cánh tay được sơn màu da. Tùy theo từng loại tượng mà có lối sơn thếp khác nhau. Y phục của các tượng Quan Âm được sơn thếp giống với cách làm các tượng Chuẩn Đề, Thiên Thủ Thiên Nhãn và Nam Hải kể trên. Nhưng mặt và cánh tay của họ được sơn màu phấn hồng.

tuong phat 3

Tượng Vi Đà Thái Tử TK19, chùa Kim Liên, Hà Nội

Các tượng Hộ Pháp, Kim Cương, việc sơn thường sử dụng những màu ngũ hành, trên trang phục của võ tướng. Màu chủ đạo của các trang phục này là màu xanh lục. Các tượng La Hán, thường sơn áo nâu hoặc xanh ghi. Tượng Quan Âm Thị Kính, Tọa Sơn được hình dung như những người phụ nữ thôn quê giản dị. Đối với những tượng đắp đất, người ta sơn cả động núi tạo nên sự thống nhất với pho tượng. Cách sơn thếp y phục loại hình tượng dân gian này cũng rất tự do tùy theo con mắt của người thợ. Các màu được tạo ở đây khá trầm ấm tạo cảm giác sinh động và gần gũi với cuộc sống đời thường.

Về màu sắc trong nghệ thuật sơn thếp tượng Phật cổ thường có mấy màu như sau: trắng gà, đỏ son, chu sa, lục chàm và lam, bên cạnh đó có thêm các màu khác của vàng bạc quì. Về màu trắng ngà dùng để sơn mặt và tay có ba loại vật liệu: đắt nhất là ngà voi mài ra lấy bột trộn với sơn điều hoặc sơn cánh gián, thông thường hơn là bột sò điệp ốc, loại này thường xỉn màu, loại trung bình là bạc xay trộn cánh gián. Nếu muốn mặt có sắc hồng, người ta có thể thêm vào ít chu sa hoặc son. Màu lam, lục chàm, lấy từ đá tự nhiên mài ra thành bột trộn với sơn cánh gián hoặc sơn điều. Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, những màu tự nhiên này xưa kia một số được nhập từ Trung Quốc gọi là màu Thanh Hoa. Màu được đóng thành từng thỏi về cũng phải mài thành bột rồi trộn với sơn. Thường thì các lớp màu này là lớp sơn cuối, nên sơn mỏng để có thể giữ nguyên được sắc.

Ngày nay các tượng Quan Âm được phục chế, trùng tu hay sơn thếp lại, thường làm sai khác đi các chuẩn tắc này. Họ đã thếp vàng toàn bộ, thậm chí thếp vàng cả đài sen, khiến cho tượng hoàn toàn mất đi những điểm nhấn đẹp của việc tạo tác. Đây là một lối làm thiếu hiểu biết, thậm chí, họ cũng đánh đồng các thứ bạc của các pho tượng trên thượng điện. Một Phật điện mới được sơn thếp dường như không có một màu nào khác ngoài màu vàng chói.

tuong phat 4

Tượng Quan Âm Tống Tử TK 19, chùa Kim Liên, Hồ Tây, Hà Nội

Bên cạnh đó, ngoài việc dùng nhũ trong sơn thếp tượng, người ta còn dung sơn công nghiệp, sơn tổng hợp để sơn thếp các thể loại tượng Phật tùy theo giá thành. Đặc biệt là màu hồng phấn da mặt ở các làng nghề sơn lại chủ yếu là sơn công nghiệp, cho nên các tượng phục chế hoặc tượng mới đều rất bóng. Việc tô mặt, mắt mày, môi cho các tượng Quan Âm cũng vậy, họ ít sử dụng sơn ta như: then, son thắm mà sử dụng màu pha sẵn nên trông các khuôn mặt ít có thần. Khi tượng cũ, chất sơn công nghiệp bị xỉn, bạc màu rất xấu. Trong khi các tượng cổ dung bằng các vật liệu tự nhiên tạo nên cảm giác trầm ấm.

>>> Chất liệu tạo tượng và quy trình kỹ thuật (Phần 1)

>>> Quy trình vẽ đầu tượng (Phần 2)

>>> Vì sao hội họa Đông - Tây lại sử dụng màu vàng kim để vẽ tranh Thần Phật?

0976984729