Chất liệu tạo tượng và quy trình kỹ thuật (Phần 1)

1. Chất liệu gỗ: Đây là chất liệu phổ thông nhất cho việc tạo tác cho các tượng Phật trong các ngôi chùa Việt. Xét về đặc tính, gỗ có tính chất ôn hòa và bền hơn nhiều so với chất liệu đất. Nghề tạo tác tượng gỗ thường gắn liền với nghề sơn. Chất liệu sơn được chiết xuất từ thiên nhiên này góp phần làm bền các vật dụng đã được người Việt biết đến từ trước công nguyên. Tuy nhiên, với khí hậu nóng ẩm mưa nhiều ở miền Bắc, sau hàng trăm năm những pho tượng bằng gỗ vẫn mối mọt hoặc ruỗng lòng, tiêu tâm. Chính điều này đã dẫn đến các pho tượng Phật bằng gỗ hiện nay còn lưu giữ niên đại sớm nhất khoảng TK 16 - 17.

Loại gỗ được dân gian ưa dùng nhất để tạo tượng là gỗ mít, loại cây được trồng khá phổ biến ở nông thôn xưa. Gỗ mít có đặc tính là đa thớ nên vừa dễ đục đẽo lại vừa bền, ít bị nứt sau khi gia cố. Nó cũng là loại gỗ ưa sơn, khác với các loại gỗ từ thiết (đinh, lim, sến, táu) khi sơn thếp dễ bị bong. Do đó phần lớn những tác phẩm làm bằng gỗ tứ thiết kể trên thì khi ngươi ta đục chạm xong, thường để mộc, không cần sơn thếp. Tuy nhiên,  để có được tác phẩm đẹp, người nghệ nhân cũng phải chọn được những xúc gỗ vừa với ý đồ tạo tác,  để sao cho các tác phẩm ra đời có ít nhất các mối hàn. Riêng với gỗ mít, người ta có thể tận dụng mọi xúc gỗ, cắt ghép hay đục đẽo ... sau đó sơn thếp thì các mối ghép đó đều được khéo léo giấu đi.

Quy trình chạm khắc một tác phẩm tượng Phật thường bắt đầu từ công đoạn chọn gỗ. Các cây mít già được đốn rồi đem phơi khiến nó được chuyển từ vật liệu tươi sang vật liệu khô. Khi chất gỗ đã ổn định, người thợ bắt đầu sơ chế gỗ trước khi tạo tác. Gỗ phải bóc đi toàn bộ dác gỗ - nguyên nhân khiến cho tượng bị mối mọt, mục ruỗng qua thời gian. Lõi gỗ sẽ là nguyên liệu chính để tạc tượng. Việc tạo tượng thường có hai cách, một là tạo ngay khi gỗ còn tươi,  hai để gỗ khô kiệt rồi mới đục chạm. Nếu tạc khi gỗ tươi, người thợ tạc có thể dễ dàng pha cắt, đục đẽo. Sau khi định dạng tương đối cho pho tượng,  lúc đấy họ mới phơi. Việc phơi này cũng chỉ là phơi trong bóng râm để gỗ co ngót từ từ, nếu phơi nắng quá thì gỗ sẽ bị phá từ trong phá ra sinh nứt tượng. Trong quá trình đục, phơi, nếu tượng bị nứt hoặc gặp những mắt gỗ trong ruột bị xé lòng, thì người thợ sẽ khắc phục bằng keo trộn với mùn cưa chít vào những chỗ nứt.

tuong phat 1

Cách thức tạc tượng lấy diện làm chuẩn và ghép gỗ để tạc tượng chi tiết

Để bắt đầu với một pho tượng gỗ, công đoạn đo đạc phác họa tượng là công đoạn khó nhất. Công đoạn này chủ yếu do các thợ cả làm.

Nếu thân gỗ đã tương đối vừa với kích cỡ tượng, người thợ khắc chỉ việc đẽo bỏ đi phần thừa, nếu tượng quá lớn, hoặc gỗ quá nhỏ, các nghệ nhân có kinh nghiệm phải tính đến việc cắt ghép. Các mối ghép phải liền thành khối, phải tránh phần trung tâm pho tượng như ngực, mặt của tác phẩm bị nứt xé. Để làm được điều này, người thợ cần có kinh nghiệm trong việc xoay lựa gỗ. Các sức gôc ghép cũng hết sức lưu ý về vị trí, tỷ lệ để sau khi đục xong, các phần này phải có kết cấu vững chắc với phần thân tượng. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của các nghệ nhân, gỗ khô kiệt vẫn là chất liệu tốt nhất, mặc dù gỗ khô đục chạm sẽ không mềm như các thân gỗ còn tươi.

tuong phat 2

Xưởng tạc tượng gỗ, làng nghề Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội

Sau khi đã xác định được kích thước chiều cao tổng quát của pho tượng, các thợ cả phác họa tỷ lệ đầu của pho tượng. Đây cũng là tỷ lệ quyết định cho mọi kích thước được đo đạc trên pho tượng. Đầu tượng cũng là phần được tạc đầu tiên. Sau đó từ tỷ lệ đầu, người thợ lấy tâm của thân tượng làm cữ, các súc gỗ nguyên khối cũng được căn chỉnh từ trục chính giữa căn ra. Thường thì một cây gỗ to đến mấy cũng vẫn phải ghép mới bù đủ cho hình thể pho tượng. Nếu tiết diện gỗ lớn thì người thợ chỉ việc ghép hai bên chân xếp bằng. Nếu cây gỗ nhỏ thì trục đầu thân chân là gỗ liền, khối hai bên vai và phần xếp bằng là khối ghép thêm. Như vậy các mảnh ghép này thường là từ ba đến bốn khối mới đủ cho một pho tượng. Sở dĩ người ta lấy trục thân làm trục chính để ghép vào hai bên là để khi tạc, dung mạo tượng không bị toác bởi mối ghép. Phần vai, tay và chân xếp bằng có thể dùng các nếp áo che đi vết ghép, tượng sẽ đẹp kể cả khi là tượng chạm mộc không sơn thếp.

Thông thường các tượng Tam Thế, A di đà, Thích Ca thường tạc trong lối ngồi tọa thiền cân phân thì cách ghép khối gỗ là như trên. Các tượng Văn Thù Phổ Hiền cũng lấy trục như vậy nhưng ghép với thú cõng tượng nên phần chân được ghép riêng. Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn còn phải tính đến chiều kích cho các cánh tay vươn sang hai bên. Phần thân của tượng nhiều tay sẽ được làm gọn hơn, để khi ghép tay vào là vừa vặn.

Việc tạo hình với tượng gỗ khá linh hoạt. Người thợ điêu khắc sau khi có kích thước của đầu tượng, mới có thể tính cho các tỷ lệ khác như vai, chân xếp bằng, đài sen. Phần đầu và thân tượng sẽ được chạm trước với việc định dạng các khối lớn. Ví dụ khối của đầu, tóc, tấm che tóc, mũ thiên quan, các khối ngực, áo, nếp áo… theo hình thức phác mảng, phác họa. Sau khi chạm được các khối lớn ổn định tương đối về tỷ lệ, lúc đó người thợ điêu khắc mới bắt đầu công đoạn chuốt tinh cho pho tượng. Về các thế tay, thì những tay liền thân được tạc trước cùng trong khối của pho tượng. Còn các tay yêu cầu tỉ mỉ về kỹ thuật, thì được chạm rời hẳn ra. Sau đó người ta có thể ghép mộng vào pho tượng chính.

Ví dụ như ở tượng A di đà chỉ có một đôi tay kết ấn Tam Muội trong lòng đùi chạm liền thân, còn tượng Quan Âm nhiều tay còn có một đôi kết ấn Liên Hoa Hợp Chưởng hoặc Chuẩn Đề ấn trước ngực. Các đôi tay của Quan Âm sẽ được ghép rời từ ngoài, không liền khối. Ngoài ra đối với tượng Quan Âm nhiều tay, thì hệ thống tay hai bên mình cũng được chạm rời, sau khi pho tượng được chạm xong hết các bộ phận mới gắn tay vào để hoàn thiện. Đặc biệt là các pho tượng có cầm bảo pháp, thì người ta sẽ chọn lựa xem những bảo pháp, ấn quyết nào quan trọng để tạc với những pho ít tay. Nhưng tất đều phải tuân theo những quy định riêng.

Thông thường những thế dáng ấn quyết hay bảo pháp này được các sư thầy chỉ bảo cho các thợ làm, hoặc họ phải quan sát thật kỹ trong các sách để tạc cho chuẩn xác. Khi ghép cũng phải tạo ra một thế cân bằng tương thích, nếu không sẽ khiến pho tượng mất đi tính cân đối giữa hai phần. Các thế tay ôm, vươn hay đưa ra cũng cần phải tương ứng nhau. Ví dụ như đôi tay đỡ nhật quang, nguyệt quang buộc phải đăng đối. Những đôi tay cầm các bảo pháp khác có thể có ít nhiều tự do hơn. Khi đục tay, các nghệ nhân phải đục theo từng đôi một, để khi ghép dễ dàng hơn.

tuong phat 3

Nghệ nhân tạc chi tiết tay tượng Bồ tát, làng nghề Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội

Việc tạo mộng ghép các tay hai bên thân cho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn cũng khác với đa phần các mộng ghép của các phần khác của tượng. Mộng này chủ yếu là mộng tròn để khi ghép những chốt mộng này lại giúp cho nghệ nhân dễ dàng xoay, tạo thế dáng cân đối trong bố cục chung của pho tượng. Với số lượng tay càng nhiều, việc ghép càng khó. Các lớp tay này thường được chia làm 2 – 3 hàng lỗ mộng chạy dọc từ bờ vai đến hết phần thân. Nếu tượng càng nhiều tay thì bề dày của thân càng lớn hoặc các tay này phải có kích thước nhỏ đều để khi ghép vào tượng không ảnh hưởng đến tạo hình chung.

Việc tạc tượng thì tùy theo thể loại tượng để có những quy trình công đoạn riêng. Các tượng càng phức tạp thì người ta vừa chạm vừa ghép sao cho việc chạm đủ thì thôi. Tuy nhiên công thức chung là chia các phần của tượng ra để tạc, ví dụ: thân tượng, đài sen, bệ tượng, thú đội, các chi tiết phức tạp cần làm tỉ mỉ. Sau khi chạm hoàn thiện tất cả các chi tiết thì pho tượng mới được ghép lại. Việc ghép này có thể dung mộng, có thể dùng keo trộn mùn cưa, miễn sao pho tượng trở nên chắc chắn. Ngoài ra, nếu tượng phải vận chuyển, người ta còn tháo rời các chi tiết, sau đó đến địa điểm đặt để tượng mới lắp ráp cố định.

Việc tạc tượng gỗ, thường có hai loại, một là tượng mộc, tưc ssau khi chạm khắc xong để nguyên chất liệu gỗ, hai là tượng sơn thếp. Mỗi loại tượng đều có những yêu cầu khắt khe khác nhau. Với tượng Mộc thì gỗ đa số là nguyên khối, hạn chế việc cắt ghép. Ngày nay, thể loại tượng gỗ mộc có thêm sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại và các loại sơn bóng, sơn phủ, khiến cho việc giấu đi các mối cắt ghép kỹ càng hơn. Pho tượng sau khi đục xong sẽ phủ bóng sơn PU, những đoạn cắt ghép sẽ sử dụng bút để vẽ chi tiết giả vân gỗ, khiến cho pho tượng khi hoàn thiện vẫn như được tạc từ một khối gỗ nguyên. Tượng này thường thuộc về dòng mỹ nghệ. Còn các điêu khắc chùa thì chủ yếu vẫn ưa chuộng tượng sơn thếp. Tượng gỗ sơn thếp cho phép thợ có thể tận dụng các khối gỗ khác nhau, cắt ghép lại. Sau khi công đoạn đục hoàn thiện sẽ chuyển sang công đoạn sơn thếp và vẽ.

2. Chất liệu đất:

Chất liệu đất được sử dụng phổ biến với một số lượng lớn các tượng trong chùa Việt. Quy trình tạo tác tượng trong chùa Việt. Quy trình tạo tác tượng đất cũng có nhiều công đoạn phức tạp. Để tạo tác tượng đất, cũng như gỗ, công đoạn đầu tiên là phải xử lý đất. Đất làm tượng chủ yếu là đất sét và đất phù sa. Đất sét dùng trong công đoạn đắp tượng thô, còn đất phù sa sử dụng trong công đoạn tạo hình tinh xảo. Trước khi làm tượng, đất phải loại đi một số tạp chất và côn trùng ký sinh. Sau đó đất tinh luyện này sẽ được trộn với các loại phụ gia như: trấu, mùn cưa, giấy bản, mật mía. Các phụ gia này trước khi trộn vào đất cũng phải được chọn lọc kỹ để loại bỏ tạp chất gây sự phá hoại tượng từ bên trong. Giấy bản trước khi trộn với đất, được ngâm nát thành một hỗn hợp sệt rồi trộn với đất sa.

tuong phat 4

Tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện TK 18, chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh, chất liệu đắp đất

Để đắp tượng đất, trước hết nghệ nhân phải dựng khung cốt cho tượng. Khung cốt này có thể là tre, nứa hoặc gỗ. Khung cốt dựng từ bệ dựng lên để tạo lõi tượng. Lạt tre, nứa được đan rọ tạo hình cơ bản. Sau đó họ dung vải để bọc sơ rồi đắp thô bằng đất trộn trấu hoặc đất trộn mùn cưa. Đợi cho hỗn hợp đất này se vừa đủ, thì tiếp tục trát lên một lớp đất trộn giấy bản và mật mía. Lúc này pho tượng đã được hình thành một cách tương đối, người ta đắp đến lớp đất tinh. Giữa các công đoạn đắp đất, yêu cầu kỹ thuật là không để đất bị quá khô khiến các lớp đắp không còn độ kết dính, sẽ bong vỡ. Công đoạn gọt đẽo được tiến hành khi đất khô ở một mức độ nhất định. Gọt đẽo được tiến hành song song với đắp thêm chi tiết. Lớp cuối cùng của tượng sẽ là lớp đất phù sa trộn sơn ta. Đây cũng là chất liệu mà họ dùng để kẹt vào các chi tiết ghép ở tượng gỗ. Sau đó tu chỉnh lại các chi tiết ghép ở tượng gỗ. Sau đó tu chỉnh lại các chi tiết trước khi sơn thếp.

Các tượng thường được đắp đất trong chùa là tượng Hộ Pháp: Khuyến Thiện, Trường Ác, Kim Cương, Đức Ông, đức Thánh Hiền, Thập Điện Diêm Vương. Tượng hàng Phật, Bồ Tát có tượng Quan Âm Tọa Sơn, Thị Kính, Tuyết Sơn. Các tượng này có thể kết hợp giữa chất liệu gỗ và đất.

Đối với các tượng lớn được làm theo bộ, trên trang phục của các nhân vật này, thường có những chi tiết giống nhau. Do đó, ở một số phường thợ chọn phương thức đổ khuôn vào các chi tiết, sau đó đắp lên tượng. Ví dụ tượng Hộ Pháp: Thiện, Ác hay các tượng Kim Cương, Tứ Trấn là các pho tượng mặc áo giáp. Các chi tiết áo giáp nếu chạm khắc từng tượng sẽ tốn rất nhiều công. Do đó họ làm khuôn lõm một số chi tiết như: vảy giáp, trang trí đai… sau đó dùng đất sa trộn giấy bản đổ khuôn mỏng dày tùy theo họa tiết. Khi tượng đất đã khá hoàn chỉnh về thế dáng, người ta bắt đầu cắt dán các chi tiết này lên sao cho thích hợp. Đối với các tượng La Hán mặc áo the có hoa văn tròn, đồng tiền, hoa cúc, cũng được làm như thế. Thậm chí ở những nếp gấp của áo, cũng được dán hoa văn theo lối cắt chồng, khiến trang phục của các pho tượng hết sức tự nhiên, đẹp đẽ. Kỹ thuật in rập này cũng có thể được áp dụng với các pho tượng gỗ kể trên, khi những chi tiết chạm là quá bé. Họ chạm trơn rồi dán hoa văn, bởi tượng gỗ và đất sau khi làm xong còn có công đoạn sơn thếp. Về các chi tiết “bay” tức là các chi tiết rời không gắn khối với pho tượng nhiều ví dụ như các dải áo, vật dụng, để tạo hình cho đẹp thì người thợ làm cốt cũng phải chắc chắn. Ngoài giấy bản ra, tượng đắp đất còn phải sử dụng đến các loại thừng và sợi đay để tạo nên độ liên kết giữa các thành phần thân tượng và các chi tiết được chạm rời khỏi tượng.

Đối với các tượng Quan Âm Tọa Sơn, Thị Kính, do không ngồi đài sen nên việc đắp tượng đất cũng khá dễ dàng. Đặc biệt là các tượng được đặt để trong các động Phật, thì có thể họ đắp động liền tượng. Tuy nhiên một số động Phật quá lớn thì người ta đắp tượng rồi đắp động, hoặc đắp động xong thì đặt tượng gỗ vào trong. Đối với các tượng Văn Thù, Phổ Hiền đắp đất, người ta làm tượng thú trước, sau đó mới tạo hình tượng Bồ tát ở trên. Tượng Hộ Pháp cưỡi sư tử thì làm đồng thời cả thú lẫn tượng.

Một đặc điểm đáng lưu ý với tượng đắp đất là thường người thợ phải làm tại chỗ - vị trí đặt để pho tượng là cố định không thể di dời. Tuy nhiên cũng có một số thể loại tượng đắp đất nhưng cốt gỗ thì có thể di chuyển được. Một số ngôi chùa có số lượng tượng đất rất lớn như chùa Mía – Sơn Tây, chùa Nôm – Hưng Yên. Một số chùa có các động giả sơn rất đẹp như chùa Láng – Hà Nội, chùa Thổ Hà – Bắc Giang. Tượng đất ở những ngôi chùa này cho thấy kỹ thuật đắp tượng đất của người Việt đã đạt đến trình độ tuyệt mỹ.

Sau khi đắp tượng đất, tạc tượng gỗ xong, thì công đoạn cuối cùng là sơn thếp tượng. Tượng đất thường được sơn, tượng gỗ hay được thếp. Tất nhiên hai kỹ thuật này linh hoạt mà không cố định với bất cứ chất liệu nào.

tuong phat 5

Động Phật TK 19, chùa Thổ Hà, Bắc Giang

tuong phat 6

Quan Âm Tọa Sơn, chùa Diên Phúc, Hoài Đức, Hà Nội

3. Chất liệu đá:

Ngoài chất liệu gỗ, đất thì đá cũng là những chất liệu khá phổ biến cho việc tạc, khắc tượng Phật. Tuy nhiên trong các ngôi chùa cổ Việt Nam người ta  thấy có rất ít các pho tượng đá. Một vài pho tượng đá còn lại cho đến ngày nay như pho tượng A di đà chùa Phật Tích, chùa Ngô Xá, chùa Hoàng Kim, ba pho Tam Thế chùa Ngọc Khám. Chất liệu đá người ta thấy nhiều hơn trong các điêu khắc lăng mộ ngoài trời. Trong Phật giáo người ta chủ yếu sử dụng đá để xây tháp, làm bệ đặt để tượng như các bệ đá hoa sen thời Trần và thời Mạc. Tượng đá thời Lý – Trần có thể chiếm số lượng phong phú, nhưng sang các thời sau thưa dần. Thời Mạc số lượng tượng Phật bằng đá cũng rất ít ỏi. Chủ yếu là một số tượng vua như Mạc Đăng Dung, tượng hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, tượng Quan Âm Tọa Sơn ở chùa Hòa Liễu, Đại Trà, Trà Phương… Một vài bộ tượng Tam Thế ở một vài ngôi chùa tại Hải Phòng cũng rất đơn giản. Pho tượng đá ở chùa Đậu là tượng Quan Âm Lục Chi, là pho tượng có niên đại cuối TK 16.  Các pho tượng đá khác hiện lưu ở bảo tàng lịch sử. Việc hiếm các pho tượng đá trong điêu khắc tượng Phật có những lý do riêng. Tượng thời Lý – Trần phần lớn bị tiêu hủy vào thời Minh thuộc (TK 14). Các giai đoạn sau, chất liệu gỗ, đất đã thay thế hoàn toàn. Tượng gỗ trong kiến trúc gỗ, tạo nên cảm giác thân thiện. Tượng đá thời Lý – Trần rất thích ứng với các kiến trúc tháp đá, gạch. Các tượng đá còn lại có niên đại Mạc hoặc muộn hơn và chủ yếu có kích thước rất nhỏ. Các giai đoạn sau Lý – Trần, nếu tạo các tượng đá xong, người ta cũng lại sơn thếp lên pho tượng chứ không để nguyên chất đá. Do vậy nếu nhìn hình thái bên ngoài thì nhiều pho tượng đá cũng giống như các pho tượng gỗ - đất.

tuong phat 7

Tượng A di đà, chùa Phật Tích, Bắc Ninh

Ngoài ra, một hạn chế của chất liệu đá so với các chất liệu đất và gỗ ở trên là khó ghép giữa các phần của tượng. Tượng Phật Tam Thế, hoặc A di đà là các tượng nguyên khối, sẽ dễ hơn cho việc chạm khắc. Nhưng các tượng Quan Âm, điển hình là các tượng Quan Âm dòng nhiều tay, việc ghép các chi tiết tay, bệ vô cùng phức tạp. Tượng đá muốn ghép thì phải dùng chốt mộng và dựa trên trọng lực phần trên đằn xuống phần dưới. Có thể thấy điển hình là pho tượng A di đà chùa Phật Tích. Mỗi phần của tượng là một khối đá khác nhau gồm: tượng + bệ sen + đôi lân ngậm ngọc + bệ tu di phía dưới. Khi ghép với nhau thì tạo ra các chốt mộng và dựa trên trọng lực để pho tượng có được độ vững chắc. Các khối được chạm khắc này chủ yếu là khối tĩnh, nên kết cấu bằng lực chồng đè, còn đối với khối động như các tay hai bên mình của tượng Quan Âm, rất khó để ghép. Tác phẩm nhiều tay nhất trong các tượng Quan Âm bằng đá tìm thấy trong quá khứ nhiều nhất cũng chỉ có sáu tay ở tượng Quan Âm Lục Chi chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội). Tượng này các tay đều được làm liền khối.

Về nguyên tắc tạo tượng đá cũng tương tự như tượng gỗ. Trên một khối đá lớn, người thợ cả sẽ phác họa các tỉ lệ tượng trước khi tạc khắc. Sau đó theo các phác họa, sẽ đục phá để tạo ra các khối đầu, thân, tay. Khi đã có hình hài gần với pho tượng tạo tác, người thợ bắt đầu với việc tạo tinh, khắc nét. Thường đối với tượng đá, thì phải chạm trong một khối đá liền, hạn chế việc cắt ghép. Tuy nhiên nếu những pho tượng quá lớn, các khối đá không đáp ứng được thì người ta vẫn phải ghép. Qui tắc ghép của tượng đá khác hoàn toàn với tượng gỗ. Tượng gỗ thường lấy tâm tượng làm trục để ghép thì tượng đá lại ghép theo khối ngang. Đây là nguyên tắc để bảo đảm cho kết cấu tượng không bị bửa theo thời gian. Mối ghép thường sử dụng bột đá pha với keo để hàn, sau đó đánh bóng và xóa đi vết ghép ở công đoạn cuối cùng.

tuong phat 8

Quan Âm Lục Chi, hiện vật Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tượng đá cũng như tượng gỗ, khi tạc người ta cũng chia ra các bộ phận để tạc như: thân tượng, đài sen, bệ tượng. Các bộ phận này sau khi hoàn thiện sẽ được ghép lại với nhau theo mộng. Ngày nay, điêu khắc đá truyền thống được hỗ trợ với các phương tiện hiện đại như máy cưa, máy cắt, cẩu,… khiến cho việc tạo hình tượng lớn cũng đơn giản hơn, tiết kiệm sức người. Ngoài đá khối người ta còn sử dụng đá đúc để tạo tượng. Người ta cũng có thể sử dụng kỹ thuật CNC để tạo hình với những chi tiết cần tinh. Tuy nhiên việc tạo tượng bằng tay thợ vẫn mang lại sự sống động cho pho tượng. Với sự hỗ trợ của máy móc, hiện nay người thợ có thể tạc tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn bằng đá mà việc ghép các đôi tay hai bên mình tượng áp dụng kỹ thuật như với tượng gỗ.

Công đoạn cuối cùng của điêu khắc đá là đánh và phủ bóng. Hiện nay người thợ đá chủ yếu sử dụng máy mài thô, mài tinh để đánh nhẵn. Sau đó tượng sẽ được phủ một lớp sơn PU ra ngoài như đối với tượng gỗ hang mộc. Nước sơn PU trong suốt này giúp bảo vệ đá cũng như làm sang chất liệu khiến đá nổi vân, nổi màu.

5. Chất liệu đồng:

Hiện nay, các tượng Phật cổ bằng đồng trong các chùa Việt còn khá ít. Nếu có, thì đa phần có niên đại khá muộn khoảng TK 18-19 chủ yếu là tượng Thích Ca sơ sinh / Cửu Long. Qui trình đúc đồng gồm nhiều khâu tương đối phức tạp.

Khâu đầu tiên là làm tượng khuôn mẫu bằng đất. Tượng này tạc giống qui trình làm tượng đất. Hiện nay người ta có thể đổ bằng thạch cao. Tượng càng chi tiết sắc nét thì càng tốt. Sau khi có tượng mẫu, người thợ đúc đồng sẽ sử dụng sáp nến để đắp lên mẫu ấy. Tiếp đến là làm khuôn đúc. Khuôn đúc tượng thường là khuôn liền hay còn gọi là “khuôn một”. Khuôn một được làm bằng đất, có pha them bột than chấu, bột sạn chịu lửa, giấy dó hoặc bông gòn và được gia công cẩn thận. Bước tiếp theo là tạo khuôn thao là loại khuôn bên trong bằng hợp chất đất bùn, củi, chấu bột chịu nhiệt. Các khuôn này được nung khoảng 700 – 10000 C sau đó để nguội và căn chỉnh độ dày mỏng của phần đồng theo yêu cầu định đúc. Chỉnh sửa khuôn một lần nữa, lau nhẵn, quét sơn chịu nhiệt, nung lại một lượt khoảng 5000C rồi ghép khuôn lại thành một khối. Giữa hai lớp khuôn này có con kê bằng kim loại.

Nấu chảy đồng nguyên liệu. Đồng thường được pha với thiếc, chì, kẽm là những hợp chất giúp cho đồng có thể lấp đầy vào khuôn. Đồng thời được nấu bằng nồi chuyên dụng được làm bằng đất chịu lửa. Cấu tạo nồi có hai phần, phần dưới là lò than, phần trên là chỗ đựng đồng nóng chảy. Tùy theo kinh nghiệm của những hiệp thợ khác nhau mà nhiệt độ nung là bao nhiêu. Nhưng thông thường nhất nhiệt độ này khoảng 12000C đồng lỏng đủ đúc.

Bước tiếp theo là rót đồng vào khuôn tượng. Với những tượng vừa, thì người ta đặt khuôn ngược theo độ dốc của tượng, đồng được rót từ lưng hoặc từ chân. Đối với các tượng lớn quá cỡ, thì khuôn đặt xuôi chiều. Đúc tượng lớn phải nấu đồng trong nhiều nồi, các nồi này phải tính toán thời gian chuẩn xác để có thể rót điền liên tục vào khuôn với nhiệt độ ổn định. Khi rót đồng vào, con kê sẽ chảy tan hòa vào nước đồng. Sau khuôn nguội, người ta phá bỏ khuôn để lấy sản phẩm.

Khâu cuối cùng là hoàn thiện sản phẩm bằng cách mài dũa, đục, tách. Theo kinh nghiệm của các nghệ nhân thì một pho tượng đồng phải đạt được đồng sắc, đồng khí tức màu đồng phải đều, mịn đẹp mới đạt yêu cầu kỹ thuật.

Đối với tượng Phật, nhiều khi người ta để nguyên màu, nhưng cũng có nhiều nơi họ hun tượng thành màu đồng đen, hoặc sơn thếp lên tượng đồng chỉ khác chút ít với tượng đất, gỗ là bỏ qua khâu lót và bỏ hom.

tuong phat 9

Tượng Thích Ca sơ sinh, TK 18, chùa Thầy, Thạch Thất, Hà Nội, chất liệu đồng

>>> Các biểu tượng trong nghệ thuật

>>> Quy trình thực hiện vẽ đầu tượng (Phần 1)

>>> Các bước dựng hình và đánh bóng tượng

0976984729