Nguyên tắc tổ hợp (Phần 1)

1. Giới thiệu:

Tác phẩm tạo hình khi hoàn thiện cần giải quyết ba vấn đề: đề tài, cách thức tổ hợp và chi tiết.

Sự chú trọng mỗi yếu tố trên có thể khác nhau tùy từng tác phẩm song sự liên kết chúng là quan trọng nhằm hướng tới tính thẩm mĩ và hữu dụng.

Về mặt khái niệm, nguyên lí hay nguyên tắc tổ hợp là các tiêu chí nên đạt được khi sắp xếp các yếu tố thị giác đơn lẻ cùng các nhóm, các bộ phận khác nhau thành một tập hợp hình thể hài hòa, trọn vẹn và mang tính thống nhất, mang lại chất lượng thẩm mĩ, ngữ nghĩa cho tác phẩm, trong không gian hai hay ba chiều.

Nguyên lí tổ hợp hình thể được ví như cách thức ngữ pháp để họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế tạo dáng sử dụng các từ vựng là các yếu tố: màu sắc, điểm, tuyến, diện, hình dạng, khối tạo ra một câu có nghĩa tức một hình thể, hình dạng hợp lí .

Tác phẩm nghệ thuật có thể được tạo ra từ sự ngẫu hứng bất ngờ, nhưng tạo hình luôn là một quá trình thao tác có tổ chức các yếu tố thị giác. Các họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế tạo dáng luôn mong tác phẩm đạt được tính mục đích, tính hữu dụng và thẩm mĩ, vì vậy họ luôn ý thức về việc sắp xếp, kiểm soát các yếu tố tạo hình khi tác phẩm thông qua các nguyên tắc tổ hợp, như: tính thống nhất, sự biến hóa đa dạng, sự cân bằng, tính nổi trội, nhịp điệu, tiết chế, tỉ lệ.

Cần lưu ý, cũng không thể khẳng định rằng tất cả các họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế tạo dáng đều nhất thiết phải áp dụng đầy đủ những nguyên tắc tổ hợp trên trong mỗi tác phẩm của mình. Lịch sử nghệ thuật luôn chứng tỏ điều này qua các tác phẩm của nhiều nghệ sĩ. Thậm chí nhiều họa sĩ, kiến trúc sư luôn thích làm trái với chúng, có thể thấy qua tác phẩm của họa sĩ hiện đại Mĩ Jacson Pollock ở thể loại tranh trừu tượng, với kiểu bố cục dàn trải, không điểm nhấn, mỗi góc mỗi phần của bức tranh đều được quan tâm như nhau, nhưng với các cách khác nhau (xem hình 4.1). Hay xét trong môi trường thị giác rộng lớn, cảnh quan đô thị chẳng hạn thì sự cảm nhận hình thể, ở tốc độ chuyển động khác nhau, thì lí thuyết về tổ hợp như sự cân bằng, tính cân xứng, sự hài hòa cục bộ, tỉ lệ không còn hoàn toàn phù hợp.

to hop 1

Hình 4.1: Jackson Pollock. Number 1 (1949). Chất liệu tổng hợp

Bức tranh không có chính có phụ. Thị giác người xem được dàn trải khắp mặt tranh. Tính nổi trội, nhịp điệu, bố cục kiểu phân vùng phân nhóm, trọng tâm - thứ yếu không thấy xuất hiện ở bức tranh.

a. Tính thống nhất:

Nguyên tắc quan trọng và khái quát nhất để tạo nên tác phẩm tạo hình mang ngữ nghĩa và tính nghệ thuật là: vừa thống nhất, vừa biến hóa đa dạng (unity and variety) của nội dung hình thức, của chi tiết và tổng thể.

Nguyên tắc này có thể coi là mục đích hướng tới khi thực hiện các nguyên tắc tổ hợp khác như: cân bằng, tỷ lệ, nhịp điệu ...

Thống nhất chỉ tính đơn nhất và cũng có nghĩa là tính toàn bộ.

Một tác phẩm tạo hình hoàn thiện đều được tạo thành từ các bộ phận. Tính thống nhất của tác phẩm đạt được khi mỗi bộ phận của nó dường như đều cần thiết cho bố cục chung, giữa chúng cần có mối liên hệ thông qua các quy luật để gắn kết thành một tổng thể hoàn chỉnh.

Sự liên kết có tính thống nhất các yếu tố tạo hình (yếu tố thị giác - visual element; yếu tố tương quan - relation element) cùng các bộ phận khác nhau trong một tác phẩm được thực hiện qua việc trao cho chúng một số yếu tố chung nào đó như: màu sắc, sắc độ, hình dạng, cấu trúc, chi tiết... Các yếu tố chung có thể lặp lại một cách nhịp nhàng, uyển chuyển hoặc được nhắc lại nhưng có thay đổi thông qua các phép chuyển dạng, biến dạng, đối xứng, xoay tỏa, tịnh tiến, gia giảm sắc màu và độ đậm nhạt v.v…

Một tác phẩm khi thiếu tính thống nhất sẽ trở nên hỗn loạn, tạo nên việc khó nhận dạng và khó chuyển ngữ tới người xem. Tuy nhiên tính thống nhất có nhiều dạng và cấp độ. Việc vận dụng chúng như thế nào để đạt được mục đích của tác phẩm là vấn đề không dễ dàng. Có thể kể ra 3 dạng sau: thống nhất toàn diện (extreme unity), thống nhất thị giác (visual unity) và thống nhất về ý niệm (conception unity).

* Thống nhất toàn diện:

Ở dạng thức này, các hình dạng, chi tiết, màu sắc... của các bộ phận trong tác phẩm lặp lại gần như y nguyên. Các tác phẩm thường mang vẻ tĩnh lặng, tính chiều hướng, tầng bậc không rõ ràng, tổng thể hình dáng tác phẩm dàn trải không điểm nhấn. Hình 4.2 là tác phẩm: 200 Campell’s soup Canes của Andy Warhol - họa sĩ Mĩ theo dòng Pop Art, ở đây tính thống nhất toàn diện chiếm ưu thế. Tổ hợp xem ra nhạt nhẽo và thiếu hấp dẫn. Tuy nhiên họa sĩ đưa ra sự tẻ nhạt này là có chủ ý. Ông có vẻ bài bác hài hước về sự chất đống của hàng hóa cùng sự tiếp thị thái quá của các sản phẩm tiêu dùng thế kỉ XX. Những hình ảnh tẻ nhạt đó lại gây ra sự ngạc nhiên cho người xem bởi sự quen thuộc đã được đặt trong khuôn tranh và một ngữ cảnh mới.

to hop 2

Hình 4.2: Ví dụ về cách thức “thống nhất toàn diện

Andy Warhol. 200 Campell’s soup canes (1962). Sơn dầu. Lặp lại y nguyên một mẫu hình một cách đơn điệu. Tác phẩm làm người xem ngỡ ngàng về sự tẻ nhạt này.

* Thống nhất về mặt thị giác:

Phần lớn các tác phẩm tạo hình đều hướng tới tiêu chí này. Việc hướng tới tính thống nhất về mặt thị giác giữa các tác phẩm khác nhau của tác phẩm thực chất là tạo ra sự đa dạng trong một tổng thể.

Cá họa sĩ, kiến trúc sư, các nhà thiết kế thường tạo tính thống nhất thoogn qua sự lặp lại, tính tương tự, phép biến đổi dần của các yếu tố tạo hình như: màu sắc, hình dạng, chiều hướng, hình thái cấu trúc... nhằm hướng tới sự ổn định thị giác, vẻ hài hòa và chặt chẽ trong bố cục  nhưng không làm tác phẩm khô cứng và đơn điệu.

Ở bức tranh trừu tượng: “Composition blues Quadrat” của Carl Buchheister (hình 4.3). Các hình vuông trắng, ghi, xanh trên nền ghi nhạt được bố cục một cách cân đối. Đặc tính thống nhất thể hiện qua gam màu lạnh, độ tương phản về màu sắc, sắc độ không nhiều, sắc độ trung tính là chủ đạo. Các hình vuông được chia sẻ các cạnh với nhau khi hợp nhóm, tính cân xứng động tạo cho tác phẩm vẻ êm đềm, chắc chắn nhưng không thiếu vẻ sinh động thú vị.

Trong rất nhiều trường hợp, tính thống nhất lại được hình thành trên sự tương phản về màu sắc, sự đối chọi chiều hướng của hình thể, của các nét, các diện. Tác phẩm “Dance around the golden Calf” (hình 4.4) của họa sĩ Biểu hiện Emil Nolde được hình thành bởi những nét bút với vẻ bạo liệt hiếm thấy. Các mảng màu như va đập vào nhau, sự đối kháng màu sắc, chiều hướng các hình, các nét của nhân vật lan tràn trên mặt tranh. Rõ ràng tính mục đích và sự nhất quán của các tác phẩm đã đạt được thông qua sự chủ đạo của gam màu nóng. Các nét màu tạo dáng hình người nghiêng ngả, kĩ thuật dùng màu đối chọi của phong cách Biểu hiện đã mô tả được chất hoang dại cuồng nhiệt của các nhân vật trong tranh.

to hop 3

Hình 4.3: Carl Buchheister. Composition blues Quadrat. Sơn dầu (65,5 x 52,5cm)

Tính thống nhất của tác phẩm đạt được nhờ gam màu lạnh làm chủ đạo, các hình vuông được đấu ghép qua các cạnh - độ nặng nhẹ được cân bằng giữa các phần.

to hop 4

Hình 4.4: Emil Nolde. Dance around the golden Calf (1910). Sơn dầu Các nét màu dữ dội nghiêng ngả, màu sắc đối chọi - nóng nực. Tuy mang lại cảm giác về tính hoang dại cuồng nhiệt nhưng tác phẩm đã đạt được tính thống nhất về cảm nhận thị giác, về chủ đề.

Với không gian thực, cần lưu ý những gì chúng ta thấy trước mắt đa phần không phải là mặt tranh phẳng với hai chiều ngang dọc mà còn mở rộng cả chiều sâu - chiều không gian thứ ba.

Một cách thường dùng và hiệu quả mang lại sự thống nhất cho tác phẩm trong không gian ba chiều là sử dụng những hình thể có hình thái tương tự nhau. Với chất liệu, màu sắc, hình khối, các bản diện cong và phẳng đồng điệu. Thủ pháp này dễ đạt được sự liên kết về mặt thị giác giữa các bộ phận, đặc biệt trong những không gian lớn như kiến trúc.

Hình 4.5 là công trình: German Pavillon (Barcelona pavillon) tại triển lãm quốc tế năm 1929 của kiến trúc sư Mies van Der Rohe, một tác phẩm kinh điển về cái đẹp, được  tạo dựng từ các diện đơn - phẳng, cấu trúc kiểu vách tường, không gian hòa nhập giữa trong và ngoài. Tính thống nhất thể hiện qua sự đồng điệu giữa hình thức mặt bằng và ghép tạo không gian, thông qua hợp nhóm các bản diện. Chất liệu đá tự nhiên với gam màu trắng ngà cùng kính khổ lớn tạo nên vẻ tao nhã cho tác phẩm.

to hop 5

to hop 6

Hình 4.5: Mies van der Rohe. Barcelona pavillon. 1929

Công trình được tạo tác từ các diện phẳng, mỏng kéo dài, gam màu trắng ngà, chất liệu của tường và sàn cùng kính khổ lớn đã tạo sự thống nhất giữa trong và ngoài, giữa hình thức của diện tường và sàn.

a) Toàn cảnh công trình.

b) Góc nhìn ra bể cảnh.

c) Nhìn từ trong ra.

d) Một góc nội thất.

e) Phác thảo mặt bằng với các nét tường chạy dài.

* Thống nhất về khái niệm: Xuất phát từ nghệ thuật Khái niệm (Conceptual Art) ra đời đầu những năm 60 của thế kỉ XX. Một số nghệ sĩ đeo đuổi hướng tác phẩm tới tính thống nhất của khái niệm (Conceptual Art).

Các nghệ sĩ theo Khái niệm cho rằng, hành động đã tạo ra tác phẩm nghệ thuật và ngay cả việc hoàn thiện nó cũng không quan trọng bằng các ý tưởng - các khái niệm ẩn, đứng sau tác phẩm nếu nó có được.

Đặc điểm chung về mặt hình thức các tác phẩm dạng này là các bộ phận thoạt nhìn có vẻ rời rạc và có thể không thấy sự hài hòa về mặt thị giác giữa chúng, nhưng chính sự ngắt nghỉ đứt đoạn này lại buộc người xem phải tìm hiểu hàm nghĩa và ẩn ý của các hình ảnh như rời rạc trong tác phẩm.

Hình 4.6 là tác phẩm nghệ thuật sắp đặt có tên “Một và ba cái ghế” của Joseph Kosuth. Tác giả sử dụng vật thể thực là một cái ghế, một bức ảnh chụp cái ghế cùng trang từ điển định nghĩa về cái ghế, bố cục có vẻ rời rạc, chất liệu thực, tấm ảnh chụp cùng các kí tự xét về mặt thuần thị giác không có vẻ gì là gắn kết với nhau. Nhưng rõ ràng “cái ghế” chính là sự thống nhất về thông tin của ba phần rời rác này, nó tác động tới phần nào thị cảm của người xem về tính cố kết của tác phẩm.

to hop 7

Hình 4.6: Joseph Kosuth. Một và ba cái ghế. 1965. Một ghế gỗ thực, một ảnh chụp ghế và trang từ điển định nghĩa về cái ghế.

2. Tính đa dạng:

Một tác phẩm tạo hình thiếu tính thống nhất sẽ trở nên hỗn độn, thiếu trật tự, thiếu trật tự, khó chuyển được nghĩa tới người xem.

Nếu một tác phẩm thiếu tính biến hóa hay đa dạng sẽ dẫn tới sự tẻ nhạt, đơn điệu, làm mất tính chiều hướng, tính tầng bậc của tổng thể. Như vậy có thể nói tính đa dạng hay biến hóa (variety) và tính thống nhất (unity) là cặp đôi song hành mà người tạo tác cần đạt tới nhằm mang lại hiệu quả thẩm mĩ, tính logic về ngữ nghĩa và cấu trúc cho tác phẩm.

Hầu hết các nghệ sĩ đều thích thú với việc tạo biến hóa trong cái thống nhất vì nó làm tăng thêm ý nghĩa và sự hấp dẫn cho tác phẩm. Nhưng tính đa dạng hay biến hóa cũng cần hướng tới tính thống nhất.

Sự biến hóa thay đổi để tạo sự đa dạng trong cái thống nhất xem ra chỉ là vấn đề thuộc thao tác, kĩ thuật và hiển nhiên phải có ở các tác phẩm tạo hình. Tuy vậy, trong nhiều tác phẩm chúng được thể hiện rất tinh vi, tế nhị.

3. Cân bằng:

Có một khái niệm mà nếu thiếu nó thì không một sinh vật nào có thể tồn tại được, đó là khái niệm về cân bằng. Khi ta đi, chạy, hoạt động thể thao..., việc phân bố, điều chỉnh các động tác phù hợp với trọng lượng nhằm đạt được cân bằng, kiểm soát được các hoạt động. Cũng như vậy các họa sĩ, kiến trúc sư lựa chọn tính cân bằng để kiểm soát sự bố trí các yếu tố tạo hình, như: điểm, tuyến, diện, hình khối, màu sắc trong tổ hợp của mình.

Sau đây là những khái niệm chỉ ra các dạng thức khác nhau của tính cân bằng trong tạo hình.

* Cân bằng thực và cân bằng hình ảnh:

Hình 4.7 là ảnh chụp một tác phẩm điêu khắc trừu tượng của Mark Di Suvero với chất liệu chủ đạo là gỗ ở dạng thanh liên kết theo kiểu ngàm, cài lồng và dây căng. Tác phẩm này có cấu trúc dạng chồng xếp, xoay tỏa. Các tuyến, các dạng hình luôn thay đổi về chiều hướng trong không gian 3 chiều, tác phẩm ở trạng thái động, mang đậm tính biểu hiện và phóng túng. Tuy vậy tính logic về cơ cấu, sự mạch lạc về cấu trúc, sự ổn định về hình thể đã tạo ra tính cân bằng cho toàn cục. Tác phẩm đứng vững chắc trên mặt sàn đỡ nó, nhờ sự liên kết hợp lí của mỗi bộ phận khi tạo hình. Tác phẩm có sức nặng và trọng lượng thực, có nghĩa nó có sự cân bằng thực trong không gian.

Ở các ấn phẩm 2 chiều, các bức tranh hay các bản vẽ, tính cân bằng thực không hiện diện, nó không phải là yếu tố đặc trưng. Trong một số bức tranh hay bức ảnh sự “tả thực” hình thể ở trên mặt phẳng hai chiều làm ta tưởng tượng về tính “thực” của nó như ngoài không gian 3 chiều và tính cân bằng của hình thể được diễn đạt trên mặt phẳng 2 chiều là sự cân bằng về mặt thị giác tức cân bằng hình ảnh. Đây là khái niệm cho sự cân bằng vẻ bên ngoài hay nói khác hơn là sự phân bố cân bằng của trọng lượng thị giác (visual weight) của các yếu tố, các bộ phận khác nhau trong tác phẩm.

Sự cân bằng hình ảnh này tùy thuộc vào vị trí, chiều hướng, màu sắc, hình dạng của các yếu tố. Nó cũng phụ thuộc vào những kinh nghiệm, vào trực giác và sự am hiểu về một số nguyên tắc vật lí của người xem. Cần lưu ý, đa phần việc tạo ra tác phẩm ở dạng cân bằng thực lại được xuất phát từ các phác thảo hoặc các bản vẽ dạng cân bằng hình ảnh, chẳng hạn như nghệ thuật tạo hình kiến trúc.

to hop 8

Hình 4.7: Mark Di Suvero 1959/60 gỗ, sắt, dây cáp (213 x 264 x 231cm)

Mặc dù có cấu trúc tương đối phức tạp, các thanh xiên chéo thay đổi gấp gáp về chiều hướng. Các bộ phận có kích thước hình dạng khác nhau - tác phẩm ở trạng thái rất động nhưng cảm giác về sự cân bằng vẫn thấy rõ. Cấu kết chắc chắn và ổn định về cả mặt thị giác và vật lí.

* Trục cân bằng: Cân bằng là trạng thái rất quan trọng để đạt được tính thống nhất cho tác phẩm. Vì vậy trong việc tổ hợp nhiều yếu tố và thành phần khác nhau thì tạo sự cân bằng là đáng lưu tâm đầu tiên.

Sự cân bằng luôn bị chi phối bởi lực hấp dẫn giữa những cặp hoặc những nhóm đơn vị thông qua những hệ trục của tổ hợp. Hệ trục này được “lập” ra bởi người sáng tác cũng như người thưởng thức nhằm lấy nó làm cơ sở để tạo sự cân đối cho tác phẩm. Hình 4.8 là tác phẩm hội họa mà các nét màu, diện màu không đồng đều về kích cỡ, chiều hướng, màu sắc nhưng người xem vẫn “tưởng tượng” ra tính cân bằng thông qua các hệ trục.

Trục có thể là trục thực hoặc trục ảo, được định vị rõ ràng chính xác, hoặc lập một cách tương đối về vị trí. Hệ trục này có thể phân làm 3 dạng sau:

  1. Hệ trục thực: Thông qua đường đối xứng của hình thể, nó được định vị chính xác trên tổng thể khuôn tranh, khuôn hình (xem hình 4.9a).
  2. Hệ trục ảo khung: Hệ trục ảo khung hình thành trên cơ sở khung tranh hay khung bố cục của tổng thể (xem hình 4.9b). Lấy các khung làm đường giới hạn khống chế cho bố cục, trục đối xứng phụ thuộc nhiều vào khung này.
  3. Hệ trục ảo – hình: Hệ trục này nói chung không quan tâm tới khung khuôn hình, khung bố cục. Chúng thường được “tưởng tượng” ra cho một bố cục đã có sự cố kết tương đối chặt chẽ. Hình 4.9c là ví dụ một trục cân bằng ảo được định ra cho một mặt đứng kiến trúc. Trục này được tạo lập cho riêng nó, không phụ thuộc vào xung quanh, không bị giới hạn bởi khung hình nào.

to hop 9

Hình 4.8: Helion. Equilibrium. 1933-34

Một bức tranh trừu tượng hình học có các nét, các diện không đồng đều về kích cỡ, chiều hướng, màu sắc nhưng người xem vẫn có cảm giác về sự cân bằng thông qua xác lập các hệ trục ảo.

to hop 10

Hình 4.9a: Hệ trục thực

Trục cân bằng được xác định rõ ràng qua hệ cấu trúc cân đối kiểu đối xứng. Hình ảnh chiếc lá với trục đối xứng là gân lá

Hình 4.9b: Hệ trục ảo - khung

Với một dạng bố cục kiểu bất đối xứng trong một khung tranh, trục cân bằng phải phù hợp với các hình, thành phần và với khung đã khống chế các thành phần.

Hình 4.9c: Hệ trục ảo hình. Kengo Kuma. Shizuoka International Garden and Horticuture Exhibition, Pacific flora, 2004

Hệ trục ảo được xác lập một cách tương đối về vị trí trên mặt đứng. Sự cân bằng về diện và khối được thiết lập trên cơ sở trục tưởng tượng này.

Sau đây ta sẽ nghiên cứu các dạng cân bằng:

- Cân bằng đối xứng: Cân bằng đối xứng (Symmetrical Balance) ám chỉ đến sự tương tự nhau về hình ảnh hay sự sắp xếp tương ứng nhau của các yếu tố tuyến, diện, hình dạng, khối... về vị trí và chiều hướng qua hệ trục nào đó. Sự sắp xếp này thường tạo ra những hình thể thuần khiết và có tính cân đối tuyệt đối (hình4.10a).

Tính đều đặn của cân bằng đối xứng tạo ra cảm giác tĩnh lại và trật tự nhờ sự lặp lại các yếu tố theo quy luật nào đó. Cần lưu ý, với một tác phẩm có kích thước lớn, tính đối xứng đôi khi mang lại cảm giác thách thức, áp chế với người xem khi đứng trước nó. Thậm chí với cấu trúc đơn giản có thể gây ra sự nhàm chán lạnh lùng. Để bớt đi cảm giác này cần chú ý những đường nét phụ, các chi tiết trang trí với các tiết tấu khác nhau nhằm gây sự thích thú về thị giác cho người thưởng thức. Hình 4.10b là ví dụ công trình có mặt đứng đối xứng hoàn toàn. Để tăng vẻ hấp dẫn, các diện trung tâm được tạo dáng từ những đường cong, chất liệu bề mặt được tạo bởi các khe rãnh rất nhỏ. Công trình có dáng vẻ nghiêm trang nhưng không khô cứng.

- Cân bằng gần đối xứng: Tổng thể tác phẩm có cảm giác về sự đối xứng nhưng các chi tiết có sự biến đổi. Giải pháp đối xứng qua trục vẫn như kiểu cân bằng đối xứng, các yếu tố vẫn được bố trí theo cách cũ nhưng việc lặp lại các yếu tố này thay vì y nguyên về hình, về chiều hướng, lại có sự biến dạng, chuyển dạng. Cân bằng gần đối xứng tạo ra những tác phẩm gần như vẫn tĩnh lại nhưng vẻ đơn điệu nghiêm khắc đã được làm dịu đi. Sự khác biệt của các chi tiết đã bổ sung thêm tính đa dạng (xem ví dụ hình 4.11).

to hop 11

Hình 4.10: Cân bằng đối xứng

a. Các hình cơ bản được sắp xếp đối xứng qua một trục.

b. Staley Tigerman. The Anti-Cruelty Society Addtion Chicago. Ilinois (1978). Công trình có mặt đứng đối xứng hoàn toàn, để tăng vẻ hấp dẫn các diện trung tâm được tạo dáng bởi nhiều đường cong. Bề mặt tường có nhiều khe rãnh nhỏ.

to hop 12

Hình 4.11: Cân bằng gần đối xứng

Dễ xác định trục cân xứng. Các yếu tố lặp lại qua trục không giống hệt nhau mà có sự thay đổi nhỏ.

- Cân bằng phi đối xứng: Khi hai bên phải trái có sự khác biệt nhau lớn mà vẫn có cảm giác về tính cân bằng toàn cục, người ta gọi là cân bằng phi đối xứng (asymmetrical balance) (xem hình 4.8; hình 4.12). Có thể đạt được sự cân bằng về mặt thị giác giữa một vùng nhỏ nhưng có màu sẫm đậm, với một khu lớn hơn nhưng có sắc độ nhạt.

Ở tác phẩm dạng cân bằng phi đối xứng, các yếu tố thành phần được sắp xếp không có quy luật, không cân đối, không có một nguyên tắc nào cho việc đạt được sự cân bằng loại này, bởi không hề có tâm và trục đối xứng rõ ràng.

Sự cân bằng đạt được nhờ trực giác bằng kinh nghiệm thông qua sự cân đối các lực đối kháng, cân đối về mặt trọng lượng thị giác, của mỗi hình thể,... Bố cục loại này thường tạo ra trạng thái động cho tác phẩm. Tuy vậy cũng khó kiểm soát để đạt được vẻ hài hòa chung. Nhưng khi cân bằng được những hình ảnh trái ngược nhau thì tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn, khiến người xem phải suy nghĩ các yếu tố đối nghịch và mối liên hệ qua lại giữa chúng.

- Cân bằng tán xạ: Cân bằng tán xạ hay cân bằng tỏa (radial balance) là biểu hiện một dạng cấu trúc hướng tâm theo kiểu chồng xếp, xoay tỏa, một dạng phổ biến của nhiều hình thể trong tự nhiên, ví như cấu trúc tạo hình các cánh hoa. Trong nghệ thuật sắp xếp dạng cân bằng tán xạ, các yếu tố có thể là đối xứng hoàn toàn qua tâm hoặc gần đối xứng qua tâm (xem hình 4.13a).

to hop 13

Hình 4.12: Cân bằng phi đối xứng
Cân bằng phi đối xứng không dễ xác định trục cân bằng. Các yếu tố sắp xếp không có quy luật.

to hop 14

to hop 15

Hình 4.13a: Cân bằng tán xạ

Một tập hợp hình vẽ các lá cây tập trung kiểu trung tâm tạo ra sự cân bằng. Các lá cây to nhỏ, chiều hướng khác nhau nhưng đều hướng về tâm nên vẫn tạo ra vẻ cân bằng.

Hình 4.13b-c: Frank Ghery, Walt Disney Concert Hall, Los Angeles, California, USA. 2003

Cân bằng tỏa được tạo ra từ các bản diện cong xếp theo tầng lớp. Các diện, các khối có hình dạng tự do nhưng cấu trúc sắp xếp gần như bám theo một tâm. Đây là một dạng cân bằng động.

Trong cân bằng tán xạ, ở mỗi phần của bố cục đều hướng về tâm, vì vậy tính cân bằng của toàn thể bố cục nói chung dễ dàng được xác định thông qua tâm.

Do tính chất mở rộng - xoay tỏa thông qua tâm nên các hình ảnh có nhiều khả năng biến đổi. Hình dạng cũng như kích cỡ, bố cục dạng này thường dễ đạt được tính nhất quán và đa dạng về hình thức. Hình 4.13b,c là mặt bằng và phối cảnh một công trình của kiến trúc sư Frank Gehy mà cấu trúc tổ hợp có dạng cân bằng tỏa.

Cân bằng tỏa là một trong những thủ pháp quan trọng của phép tạo hình thể trong nghệ thuật như đồ gốm, đồ kim hoàn, đồ mây tre, đồ gia dụng thủy tinh cũng như tổ chức không gian kiến trúc.

- Cân bằng không xác định: Cân bằng không xác định (ambiguous balance) là trạng thái cân bằng khi đề cập tới lại thấy sự thiếu vắng hay có sự không rõ ràng về mối liên hệ giữa các yếu tố. Nó mang tính mập mờ, tính bất định về sự cân bằng. Xem ví dụ hình 4.14. Ở hình này, ta sẽ thắc mắc liệu chấm tròn đen có ở vị trí cân bằng, ở trọng tâm hay hơi lệch một chút? Trạng thái cân bằng không rõ ràng.

Hình 4.13c: Mặt bằng. Các vách, các bản diện cong và hướng tâm rộng. Không gian động và mở, kiểu cài lồng.

Hình 4.14: Cân bằng xác định

Dấu tròn đen liệu có ở vị trí cân bằng trung tâm hay không? Tính mập mờ xuất hiện.

- Cân bằng đều: Cân bằng đều (neutral balance) được mô tả bởi sự cân bằng mang tính tự do, dàn trải, không rõ ràng. Nó có vẻ tĩnh lại, không quá quan tâm đến tính tương phản và điểm nhấn. Nó đều đều ở mọi nơi. Hình 4.15 cho thấy các tín hiệu thị giác bố trí trong hình vuông dàn trải đều, không có hình đơn vị nào có hình dáng, kích cỡ quá khác biệt, sự cân bằng trải đều trong khung vuông.

- Cân bằng ngang, cân bằng thẳng đứng:

+ Cân bằng ngang (horizontal balance) được tạo ra do sự sắp xếp các yếu tố bên trái cân bằng với bên phải. Xem ví dụ 4.16a.

+ Cân bằng thẳng đứng(vertical balance) là các yếu tố tạo hình ở bên trên và bên dưới cân bằng với nhau. Xem ví dụ 4.16b.

Xuất phát từ sự cảm nhận về tính chiều hướng và trọng lượng thị giác, sự cân bằng ngang và cân bằng thẳng đứng có một số điểm cần lưu ý, xem các ví dụ sau:

Hình 4.17 vẽ cách chia một hình chữ nhật làm hai phần. Hình 4.17a nét ngang chia đôi hình chữ nhật thành hai phần bằng nhau. Hình 4.17b nét ngang chia phần trên nhỏ hơn một chút. Ta có cảm giác hình b ổn định và chắc chắn hơn hình a mặc dù trên nhỏ dưới to. Như vậy có nhận xét: với hình dạng đồng chất đồng sắc độ, màu sắc, phần trên nhỏ hơn có thể cân bằng được với phần dưới lớn hơn. Đây là cảm giác xuất phát từ sức nặng trọng trường. Hình 4.18 chia một hình chữ nhật thành 6 phần. Hình 4.18a nét ngang và nét dọc chia hình chữ nhật thành 6 phần bằng nhau. Hình 4.18b nét dọc chia phần bên trái nhỏ hơn một chút. Nhận xét, hình a có cảm giác bất ổn, tan vỡ. Hình b mặc dù chia lệch lại có cảm giác ổn định chắc chắn hơn. Như vậy với hình dạng đồng chất, đồng sắc độ và màu sắc, phần bên trái nhỏ hơn có thể cân bằng được với phần bên phải lớn hơn. Đây là cảm giác tạo ra do mắt người định hướng từ trái sang phải nhanh và mạnh hơn từ phải sang trái.

to hop 16

Hình 4.15: Cân bằng đều

Các tín hiệu thị giác rải đều trên khung tranh, không có hình dạng, kích cỡ quá đặc biệt. Trạng thái cân bằng đều ở mọi khu vực.

to hop 17

Hình 4.16: Cân bằng ngang và đứng

a. Hình vuông đậm bên trái cân bằng được với các hình bên phải.

b. Tổ hợp có vẻ chắc chắn. Hai hình vuông ở trên cân bằng với hai hình vuông và tam giác ở dưới.

to hop 18

Hình 4.17: Cân bằng trên dưới

a. Hình chữ nhật được chia đôi thành hai phần bằng nhau nhưng cảm nhận thị giác không có vẻ chắc chắn.

b. Hình chữ nhật được chia làm hai phần trên nhỏ hơn cho cảm giác chắc chắn hơn hình a.

to hop 19

Hình 4.18: Cân bằng phải trái

a. Nét dọc và hai nét ngang chia hình chữ nhật thành 6 phần bằng nhau. Hình có vẻ bất ổn định, tan vỡ.

b. Nét dọc chia lệch, bên trái nhỏ hơn mang lại vẻ cân bằng cho tổ hợp.

- Bất cân bằng: Trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, chúng ta luôn phải đối ứng với những hình ảnh, những hoạt động và cả những suy nghĩ bất bình thường, bất cân bằng. Nhưng chắc chắn con người có xu hướng tạo ra sự cân bằng bất cứ giá nào.

Với nghệ thuật tạo hình, các yếu tố như điểm, tuyến, diện, hình dạng, hình khối, màu sắc... có thể được sắp xếp một cách ngẫu hứng theo tầm quan trọng, theo ấn tượng mà nó để lại và nhà tạo hình thường hướng tới tính cân bằng, tính ổn định thị giác của toàn cục.

Về mặt nào đó, cân bằng tạo ra sự tiện lợi dế chịu cho cuộc sống nhưng trong nghệ thuật không phải tất cả các nghệ sĩ đều hướng tới tính tiện lợi này. Tiêu chí phải mang lại vẻ mĩ cảm dễ chịu ưa nhìn không phải ai cũng noi theo, nhiều nghệ sĩ lại muốn gây hiệu quả về sự kì dị, sự hoang mang lo lắng hoặc tính không hoàn thiện cho người xem bằng cách tạo ra những tác phẩm phi cân bằng (imbalance).

Hình 4. 19 là Trung tâm chiếu phim UFA ở Dresden - Germany do công ty Coop Himmelb(l)au thiết kế. Công trình mang phong cách giải tỏa kết cấu. Với các khối, các bản diện, các đường nét chéo nghiêng ngả. Tác phẩm mang trạng thái phi cân bằng ở tổng thể bên ngoài cũng như không gian nội thất bên trong.

to hop 20

Hình 4.19: UFA cinema centre, Dresden Germany, 1988, Coop Himelb(l)au

a. Các diện kính chéo tạo nên một khối nghiêng . Tương phản giữa kính và bê tông tạo ra sự phi cân bằng.

b. Các khối và các bản diện đặt chéo nghiêng ngả, vẻ biểu hiện là đặc trưng của không gian nội thất.

* Bài thực hành 4.1: Cân bằng một hình dạng

Nghiên cứu về sự cân bằng thông qua sắp đặt một hình dạng.

Mục đích của bài tập là nghiên cứu trạng thái cân bằng một hình dạng nào đó trong một khung hình cố định trước khi hợp nhóm một tổ hợp phức tạp hơn.

Trước tiên chọn một hình dạng có dạng hình học đơn giản: cắt các miếng bìa theo hình đó. Sắp xếp và chọn ra 6 phương án tiêu biểu.

Cuối cùng vẽ lại ở dạng đen trắng. Cần suy xét chiều hướng vị trí của hình dạng với mức độ cân bằng, phi cân bằng ở mỗi khuôn hình. Xem ví dụ 4.20.

Hình 4.20: So sánh trạng thái cân bằng của một hình dạng trong khuôn hình cố định

a – f. Hình vuông đen với vị trí, chiều hướng khác nhau cho cảm giác về tính cân bằng khác nhau trong khuôn hình chữ nhật.

g – n. Hình đa giác có vị trí và chiều hướng khác nhau khi sắp xếp trong khuôn hình chữ nhật. Nhìn chung bất ổn nhưng mức độ của khác nhau.

* Bài thực hành: Cân bằng - phi cân bằng

Tìm hiểu về trạng thái cân bằng - phi cân bằng thông qua hợp nhóm hình dạng.

- Mục đích của bài tập là nghiên cứu một số hợp hình theo dạng cân bằng và phi cân bằng.

- Chọn ít nhất hai hình dạng khác nhau, dùng bìa cứng cắt theo các hình đã chọn. Bố cục các hình này theo kiểu cân bằng và phi cân bằng (mỗi dạng 3 kiểu), vẽ lại bố cục đó trên giấy dạng đen - trắng (hình 4.21), gọi tên kiểu dạng cân bằng mỗi hình.

- Làm lại các bố cục với các hình trên nhưng có sắc độ đậm nhạt hay màu sắc khác nhau. Nghiên cứu xem sự thay đổi về cân bằng thị giác khi thay đổi sắc độ, màu sắc các hình (xem ví dụ hình 4.22).

to hop 21

Hình 4.21: Cân bằng và phi cân bằng các hình dạng có sắc độ, màu sắc giống nhau

a. Cân bằng phi đối xứng.

b. Cân bằng tán xạ.

c. Cân bằng trên dưới.

d-f. Bất cân bằng.

to hop 23

Hình 4.22: Cân bằng và phi cân bằng các hình dạng có sắc độ, màu sắc khác nhau

a - c. Cân bằng.

d – f. Bất cân bằng

>>> Nguyên tắc thiết kế đồ họa (Phần 1)

>>> Nguyên tắc và nhịp điệu trong thiết kế thời trang

>>> Hình ảnh và nguyên tắc Gestalt

0976984729