Bố cục mang tính tự phát và bố cục có chủ ý
Trước khi bắt đầu vẽ, dù là không gò bó hay là có chủ tâm, hãy cố để cho đầu óc mình trống không. Thả lỏng và cố gắng “không có ý nghĩ”, giải tỏa đi áp lực của ý nghĩ “có chủ ý” trong đầu. Bạn cần để cho bút chì hoặc bút lông di chuyển một cách phóng khoáng, gần như bén nhạy như thể tự nó vốn đã có một đời sống riêng.
Mục tiêu của các bài tự luyện cách xây dựng không gian đầu tiên là:
- Nắm được sự thách thức tri giác của một trường không gian hoàn toàn trống rỗng (không có dấu vết): nó lôi cuốn và gây ra một nhu cầu bản năng và vô thức muốn kết nối nó – áp đặt một lối bố trí các dấu vết (hình vẽ) để xác lập một nền hai chiều có hình và tạo ra ảo giác về chiều thứ ba theo độ sâu.
- Nắm được vai trò quan trọng của cảm giác vận động: nghĩa là động tác vẽ có thể xâm chiếm toàn bộ và bằng cách thiết lập một nhịp điệu đặc trưng của cơ thể, người vẽ có thể điều phối các dấu vết một cách tự do và tự phát trên bề mặt giấy vẽ - hình thành nên một “không gian trực giác”.
A. Sử dụng Điểm: cấu trúc không gian tự phát
Thể nghiệm đầu tiên tuy rất ngắn gọn nhưng chớ lầm tưởng là đơn giản. Bạn hãy chuẩn bị một chiếc bút lông để vẽ màu nước cỡ trung bình hoặc cỡ lớn và một đĩa nhỏ đựng mực đen pha thật loãng. Mở tập giấy ký họa ra, lật sang trang mới, đặt nó lên trên bàn với một giá đỡ có góc nghiêng khoảng 450. Cố định tờ giấy bằng những cái kẹp. Nhúng bút lông vào mực rồi tiến hành chấm (hoặc chọc) vào mặt giấy bằng ngọn bút lông. Thử vẽ bằng bút lông không như thông lệ - đúng hơn, là coi chiếc bút lông như một thanh kiếm nhẹ và hãy “tấn công” tờ giấy như một kiếm sĩ. Thực tế, để đạt được kết quả tốt nhất, cơ thể bạn cần phải chuyển động giống như một người đấu kiếm đang “chiến đấu”: bạn phải lao lên, đâm, rồi lùi lại để tạo ra những điểm / chấm trên giấy. Nếu bạn có thể thả lỏng – cả về thể chất lẫn tinh thần, không có những ý tưởng trong tâm trí về cách sắp xếp các dấu vết – cứ để cho thân thể mình dần dần tạo nên một nhịp điệu khi bạn di chuyển tiến lên hay lùi lại cùng với bút lông, thì bài thể nghiệm không gian này sẽ có cơ may đạt hiệu quả rất lớn. Thời điểm kết thúc là khi nhịp điệu bắt đầu suy giảm; vào lúc bạn tự nhận thấy mình bị buộc phải vận động, hoạc là đưa ra các quyết định có ý thức về những nơi sẽ chấm bút tiếp theo.
Hình 2-30
Hình 2-31
Hình 2-32
Bức vẽ đầu tiên này có lẽ chỉ mất khoảng 3 hay 4 phút. Khi hoàn thành nó, bạn sẽ lại bắt đầu một bức khác: lại để cho đầu óc trống không và vận động toàn bộ cơ thể một cách nhịp nhàng cùng với bàn tay, con mắt và chiếc bút lông. Sau bức vẽ này, hãy thực hiện thêm một bức nữa. Ba bài vẽ có thể trông rất giống nhau nếu những vết bút lông mang hình dạng tương tự và kết cấu nhóm gồm các vết chấm cùng sự phân bố không gian không khác nhau lắm. Mặt khác, lại có thể có sự khác biệt lớn lao giữa chúng. Trong trường hợp sau, có bao nhiêu biến đổi từ ngẫu nhiên mà ra, bao nhiêu từ những thay đổi trong tính nhạy cảm bẩm sinh về động lực, và bao nhiêu từ những thay đổi bất ngờ trong tâm trạng, là bất khả diễn đạt. Các mức độ khác nhau trong nhận thức trực giác về không gian cũng có thể được rút ra khi bạn vẽ theo cách này.
Chẳng hạn, hãy quan sát các Hình 2-30, 2-31 và 2-32, ba kết quả hoàn toàn không giống nhau. Chú ý đến sự khác nhau về hình dạng trong những vết chọc bằng bút lông: Những dấu vết hình chữ nhật ở Hình 2-32 là do đầu bút lông bị dí bẹt xuống mặt giấy bởi một lực ấn xuống cố ý nào đó, đứng yên tại chỗ trong khoảng một giây, sau đó lại di chuyển, tạo ra những cái đuôi giống như nòng nọc, thể hiện những cú nhấn bút theo phương nằm ngang và phương thẳng đứng. Trái lại, những dấu vết ở Hình 2-30 tiêu biểu cho một sự va chạm tế nhị và ngăn nắp bằng đầu bút lông. Còn những đốm màu hình tròn cùng các vệt màu không đều mà bạn thấy ở Hình 2-31 là từ một chiếc bút lông chứa đầy mực loãng – và hầu như vẩy nhẹ - văng ra trên giấy: Đây là hình vẽ mang tính tự phát và “bấp bênh” nhất về mặt động lực trong số ba bức. Qua so sánh, ta thấy H. 2-32 được vẽ với sự kiểm soát nhịp điệu của bút có quy tắc nhất, còn ở H. 2-32 sự cấp thiết và sự cấp thiết và sức nhấn của bút lông khi tiếp xúc với mặt giấy được làm cân bằng có tính toán – và vì thế, có những cách quãng tương đối đều đặn trong nhịp điệu.
Trong cả ba trường hợp, sự xắp xếp những vết bút lông, các kích cỡ riêng, cùng các sắc độ sáng tối của chúng cho ta biết đôi điều về loại động tác vẽ có liên quan, và do đó, cho phép chúng ta suy luận ra biên độ cảm xúc của người vẽ - thôi thúc hay bình thản – trong lúc “giáng bút”. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng khuynh hướng muốn có trật tự và sự đều đặn trong cách sắp xếp lẫn điều chỉnh các vết bút sẽ dẫn dắt người vẽ theo một hướng, trong khi cách tiếp cận tự do và thoải mái hơn lại đưa ta đi theo một hướng khác.
Hình 2-33
Xác định rõ mức độ hòa trộn giữa trực giác và lý trí, giữa cảm xúc và tư duy trong những bức vẽ này là một việc cực khó, nếu không nói là không thể. Dường như nhận thức trực giác về cấu trúc không gian tự nó xuất hiện. Có một lúc nào đó trong lúc đang vẽ, khi đang dựng nên trạng thái hình – nền, có thể xảy ra sự điều chỉnh thêm – bớt theo lý trí. Sự chỉnh đốn đó có thể áp đặt trật tự và đặc tính đều đặn, hoặc ngược lại, làm tăng thêm mức độ không chính xác và bất quy tắc. Nhân tố cảm giác vận động luôn đáp ứng bất cứ ý thức làm chủ nào định điều khiển tay bút. Câu hỏi cơ bản sẽ xuất hiện trong chính bạn khi bạn lưu ý đến ba thí dụ này là: sự hiện diện của không gian hay của đề tài cái nào chiếm ưu thế hơn trong nhận thức của bạn – nghĩa là, điều gì tạo nên sự tác động thị giác mạnh hơn: hình dạng và sự vận động của không gian giữa các dấu vết bút lông? Hay là sự bố trí của những hình dạng cụ thể của bản thân những dấu vết ấy? Về cơ bản, bạn phải quyết định xem bạn có đồng ý với cái định để rằng: chúng ta chỉ chấp nhận hình thức của không gian một khi – và cũng chỉ bởi lý do – những bề mặt đã được phối trí bên trong nó.
Trong phần đầu của chương này, chúng ta đã thảo luận về cách mà các loại dấu vết tạo hình khác nhau trên một bề mặt hai chiều mang lại cái vẻ ba chiều như thế nào. Hãy nghiên cứu các hình từ 2-30 đến 2-32 dưới ánh sáng của sự thảo luận đó. Lưu ý tới sắc độ của những dấu vết đã đẩy một vùng ra phía trước, hoặc làm nó lùi sâu về phía sau như thế nào; độ nặng của mỗi vết chấm ảnh hưởng tới vị trí trong không gian ra sao; làm thế nào mà sự bố trí – cụm lại hoặc tản ra – tạo nên được các gợi ý về đặc tính nhô ra hay lùi sâu, và cảm giác về sức nén hay độ mở; còn các hướng di chuyển của vết bút trên bề mặt – chéo, thẳng đứng, hoặc nằm ngang – đã góp phần giúp người quan sát nhìn sâu và thâm nhập vào các chiều không gian này như thế nào.
Chúng ta đã nói về phẩm chất động lực học (dynamics) trong bố cục không gian. Sau khi các bạn luyện tập xong bài này, thuật ngữ ấy có thể bắt đầu có ý nghĩa hơn, vì tính tự phát trong cách tiếp cận của chúng ta sẽ bảo đảm một cấu trúc khá lỏng của các vết bút lông. Thậm chí, ngay cả H. 2-30, là bài vẽ chặt chẽ nhất – được định dạng có chủ ý và tự thức nhiều nhất – vẫn đầy hấp dẫn với tư cách là một cách trình bày tạo hình không gian với các lực tác động rất đa dạng. Tiếp theo, hãy so sánh những gì đã xảy ra khi vận dụng biện pháp máy móc nghiêm ngặt nhất để ghi dấu là tạo ra sự chính xác, đều đặn, và cùng một kiểu, rồi xem xét cái ý nghĩa của từ “động” (dynamic) trong bối cảnh này. So sánh đặc tính không gian trong H. 2-32 với những đặc tính không gian trong các bài vẽ khác. Bạn nhận ra được điều gì?
Hình 2-34 - Jon Pasmore. Victor Pasomore đang vẽ tranh tường, 1965
Bức ảnh chụp Victor Pasmore đang vẽ một bức tranh tường (H. 2-34) là một minh họa thích hợp để kết thúc bài tập này. Khớp nối khoảng trống của bức tường với một loạt các bề mặt giống như điểm, họa sĩ, nếu không phải là luôn luôn bận rộn, thì rõ ràng cũng đang bị cuốn vào nhịp điệu vận động tạo ra hình thù của những dấu vết trên tường. Nhờ các vết thêm vào, bức tường hai chiều, lúc đầu trống trải, đã trở thành một khu vực có tính ba chiều về mặt tri giác. Ở đây, ta thấy họa sĩ – đang di chuyển đáp ứng lại thách thức thị giác và tâm lý – tạo dựng nên một hình thức không gian (có chiều sâu) cho tình trạng trống rỗng.
B. Sử dụng Điểm và Đường: cấu trúc không gian tự phát
Việc vẽ chỉ bằng đầu bút lông trong bài tập trước đã đảm bảo cho một sự vận động có nhịp điệu “khi tiến khi lùi”. Giả dụ, để làm gián đoạn đặc điểm tiến lùi của của hành động này bằng cách yêu cầu rằng phần bên của ngọn bút lông được sử dụng để vuốt thành một đường vẽ ở nhiều nơi, hẳn là đã ngăn cản đáng kể sự điều chỉnh có nhiều tính tự phát hơn trong những khoảng trống mà bài tập “chỉ bằng những điểm” ấy cho phép.
Bây giờ, hãy chuẩn bị tiến hành một thể nghiệm phức tạp hơn về không gian - một thể nghiệm tuỳ thuộc vào cách sử dụng bút lông rắc rối hơn, với một nhịp điệu cùng với sự điều chỉnh nói chung là có pha trộn hơn. Vì thế, bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu đưa thêm nhát bút (đường vẽ) vào bài vẽ cũng như hành động vẽ. Nói cách khác, như trước đây, bạn sẽ bắt đầu xây dựng dần dần một nhịp điệu của đầu bút lông trong khi tiếp xúc với bề mặt giấy. Cũng như trong các bài vẽ ban đầu, hãy để cho bố cục phát triển một cách tự nhiên, song đôi lúc làm gián đoạn nhịp độ trong động tác chấm bút bằng cách điều khiển bút lông nhằm tạo nên những nhát quét rộng. Tôi không thể gợi ý lúc nào thì bạn nên làm điều này hoặc bạn nên đưa vào bao nhieu vết như thế. Hãy để sự việc xảy ra như nó cần phải có vậy – vào lúc mà, theo trực giác, bạn di chuyển bút tay bút để định rõ một diện màu (nhát bút) bằng lực đẩy có hướng đi mạnh mẽ do tính chất cong bay bướm của nhát bút đó đòi hỏi phải có.
Với bài tập này, bạn được tự do thoải mái: tiếp tục vận dụng bất cứ nhịp điệu nào để trình bày theo lối xác định đặc điểm không gian của “hoạ sĩ vẽ điểm hoạ”, song lại còn khía và gạt, cắt va đâm, cùng với những nhát bút lông có thể đầy mực hay tương đối ráo mực. Những đường quét thẫm đen có thể nhập vào với các đường có sắc ghi trung gian, lướt đi cùng nhau, hoặc đi qua nhau, đè lên trên hay nằm ở dưới nhau.
Có một nguy cơ trong hành động theo kiểu tự do như vậy: Bạn có thể bị kích thích tới mức rút cục sẽ “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”. Nói cách khác, hành động của bạn phải dừng lại đúng vào lúc thích hợp, vào bất kỳ lúc nào khi không gian vẫn đủ xác định, chưa trở nên rối rắm đến mức hỗn loạn. Bạn phải để ý để không bị vướng vào điều này – nghĩa là, bạn phải dựa vào sự thêm bớt, điều chỉnh có ý thức hơn về mặt thị giác trong trang giấy sẽ so với khi bạn sử dụng bút lông theo lối chấm và tạo vết điểm bằng đầu ngọn bút. Đồng thời, hãy lưu ý xem liệu bạn có thể dựa vào sự hiểu biết qua trực giác để dừng lại đúng thời điểm hay không.
Hình 2-35 là một bài vẽ thực hiện theo cách này. Với những khoảng không gian mà hình vẽ này gợi ra, bạn có cho rằng có sự tương ứng với một sự cân bằng vừa khéo trong việc sử dụng những điểm được “chọc” và các đường vuốt bằng bút lông? Hoặc là cái bố cục không gian mà nó trình bày liệu có được tôn lên – trở thành năng động và sâu xa hơn – nếu có nhiều đường nét hơn? Thử tưởng tượng rằng bài vẽ không có những đường vuốt để xác định xem liệu chúng có giúp đem lại một sử mở rộng thêm, hoặc làm tăng sức đẩy động lực trong trạng thái của không gian hay không. Bất luận thế nào, trong khi tiến hành bài tự luyện, bạn sẽ khám phá ra rằng việc phối hợp lối vẽ bằng các chấm/điểm và lối vẽ bằng đường nét sẽ thường xuyên được sử dụng để tạo nên các trạng thái không gian như đã nói ở trên.
Sự khác biệt cơ bản giữa H. 2-35 và các bài vẽ ban đầu là những vệt cong của diện màu do bút lông quệt ngang qua mặt giấy một cách trôi chảy: vì cảm giác mạnh mẽ trong sự vận động định hướng khi những đường chéo uốn cong thâm nhập vào khu vực có đốm và điểm, không gian dường như co cụm và lướt nhanh với tốc độ cao. Tuy nhiên, trong dòng không gian này, các đốm và điểm vẫn tự hình thành những mô hình ba chiều với các khoảng cách của nhịp đập. Vì vậy, khi điểm và đường (tức chấm bút và vuốt bút) đi cùng với nhau trong cùng một bức vẽ, hai loại động lực trong không gian có thể xuất hiện: dòng chảy thuộc đường nét và khoảng cách của nhịp đập. Luôn tồn tại vô số khả năng trình bày không gian tạo hình nếu như người vẽ biết cách vận dụng.
Đừng quên tầm quan trọng của động tác cơ thể trong việc thúc đẩy nhịp vẽ bằng trực giác thông qua sự thách thức tri giác nhằm khớp nối không gian. Hoạt động “không ý tưởng” (ideationless) này là một phương tiện quan trọng để thực hiện những năng lực sáng tạo vô thức, nhưng hãy nhớ rằng đó không phải là cách duy nhất có nghĩa. Trong bài vẽ tiếp thep, chúng ta sẽ cố gắng chế ngự hành động tự phát thành hành động có chủ ý, và xem sự liên kết này có bảo đảm tạo ra bố cục không gian ấn tượng hơn hay không.
Hình 2-35
C. Sử dụng Điểm và Đường: cấu trúc không gian có chủ ý dựa trên một đề tài
Bây giờ bạn sẽ thực hành cùng với một ý tưởng đặc biệt trong trí óc. Thay vì để cho hình ảnh mang hình hài của riêng nó như là một cấu trúc không gian có tính lý thuyết trừu tượng thuần túy, bạn sẽ bám vào một khái niệm đặc biệt về không gian – một khái niệm đưa ra cho bạn một chủ đề. Việc này không có nghĩa là bạn phải suy ra vấn đề và ngăn ngừa toàn bộ tính tự phát; trái lại, bạn nên tìm kiếm một sự cân bằng giữa sự định dạng không gian bằng trực giác, với sự định dạng đi ra từ tư duy và sự lựa chọn có lý trí.
Sử dụng kiến thức mà bạn đã có được từ hai bài tập vừa qua, ghép lại với nhau trong một đề tài về Không gian Vườn. Loại không gian nào là không gian vườn? Nó mang hình dạng gì; nó là không gian linh hoạt hay chậm rãi, nặng nề hay sáng sủa? Nó có rộng mở và phóng khoáng, hay nén lại và bị giam hãm? Điểm và đường cần được kết hợp như thế nào để hình thành nên nó theo cách hay nhất?
Đây là toàn bộ những câu hỏi có thể được trả lời theo nhiều cách khác nhau, và chúng chỉ có ý nghĩa giúp cho các ý tưởng của riêng bạn trở nên chín chắn. Nếu bạn suy nghĩ về chúng khi đánh giá bức Những khu vườn ở Hammersmith – Số 2 của Victor Pasmore (H. 2-36) bạn có thể nhận thấy họa sĩ đã đáp ứng chúng như thế nào. Bạn hãy tự mình phân tích bố cục không gian, và nghiên cứu cả kỹ thuật điểm họa lẫn phẩm chất tạo hình trong những đường nét của Pasmore. Bạn thích bức vẽ này? Hay ý niệm riêng của bạn về không gian vườn hoàn toàn khác?
Nếu bạn chuyển sự chú ý sang H. 2-37, bạn sẽ nhận thấy người vẽ bài này đã không “thấy” hoặc cảm thấy đề tài theo cách tương tự. Đây không phải là một sự kết hợp không gian đóng và mở, mà là một bụi cây thực trong không gian – một môi trường không gian trong tình trạng lộn xộn.
Bây giờ, lấy ra một trang giấy mới, rồi bắt đầu tạo bố cục một không gian vườn theo ý tưởng của chính bạn. Hãy nhớ là phải cố gắng kết hợp chặt chẽ toàn bộ những kỹ thuật tạo hình mà chúng ta đã trao đổi, tìm ra được sự cân bằng giữa tính tự phát và có chủ ý nhằm phục vụ cho ý tưởng về một không gian của bạn mà ở đây nói một cách rành mạch là một không gian “vườn”.
Hình 2-36. Victor Pasmore. Những khu vườn ở Hammersmith - Số 2, 1948. Tranh sơn dầu
Hình 2-37
D. Cấu trúc không gian theo sâu có chú ý – Nghệ thuật cắt dán sử dụng giấy in báo
Hình thức nghệ thuật cắt dán, do bản chất tự nhiên của nó, cần có cách thức tạo dựng các bộ phận một các tuần tự, cân nhắn và có chủ ý – từ các tấm vật liệu khác nhau, các mảnh miếng được cắt ra, sắp xếp rồi dán lại thành hình ảnh ghép. Vậy nên nó khác hẳn với các lối vẽ thông dụng. Hình và nền hình thành hoàn toàn nhờ lối bố trí các miếng ghép đã được lựa chọn cẩn thận sao cho từng bộ phận – các dấu vết và không gian khác nhau của chúng – xuất hiện đồng thời dưới dạng trình bày tạo hình tổng thể.
Hãy thu thập càng nhiều càng tốt, trong khả năng của bạn, các loại mẫu giấy báo in khác nhau với chiều kiểu chữ in đa dạng trong những tờ báo và tạp chí, và chọn ra các mẫu dựa trên cơ sở cách trình bày chữ in, tỷ lệ, và độ lớn, nhất là những mẩu quảng cáo có sử dụng các hiệu ứng về kiểu chữ in gây ấn tượng mạnh, bắt mắt. Ngoài ra, sẵn sàng khai thác những sự tương phản mạnh về sắc thái được tạo ra bởi các hình thức chữ cái nặng và nhẹ: Những chữ cái nặng có vẻ có độ đen nổi trội, ngược lại với những chữ tinh tế và mỏng manh hơn, nhìn chung có vẻ ghi sáng hơn. Tiến hành tuyển chọn các mẩu nguyên liệu với kích cỡ bất kỳ bằng hai cách cả xé lẫn cắt chúng ra khỏi các trang báo. (Lưu ý: những đường gờ gồ ghề do xé giấy có khả năng thu hút sự chú ý, và do đó, sẽ khiến cho miếng giấy xe ‘nổi lên’ phía trước, trong khi những miếng giấy có đường cắt xén gọn gàn dường như bị chìm đi, bị ‘lùi xuống’ phía sau, nhập vào phần nền).
Hình 2-38
Bây giờ, bạn bắt đầu sắp xếp các mảnh giấy đã được lựa chọn lên trên một vật lót bằng giấy cứng hoặc bìa nhẹ có kích thước khoảng 30cm x 23cm. Ban đầu chớ có để ý quá, chớ trù tính gì trước, mà hãy nhặt lấy bất kỳ mẩu giấy nào rơi vào tay bạn đầu tiên, rồi đặt nó lên bất kỳ chỗ nào đó trên mặt tấm lót – đúng nơi tay bạn ngẫu nhiên đặt xuống. Tuy nhiên, đừng dùng hồ dán nó xuống ngay lập tức. Chưa cố định bất cứ mẩu giấy nào, bộ phận nào, lên mặt tấm bìa, mà nên xếp đi xếp lại, đến khi nào bạn cảm thấy hài lòng thì lúc đó mới dán chặt chúng xuống bằng hồ dán.
Cần nhớ rằng mục tiêu của bạn là phải tạo ra những khu vực không gian – cụ thể là không gian theo chiều sâu – và do đó, bạn nên tập trung xem không gian đang hình thành thế nào trong quá trình dựng hình cắt dán hơn là phân tán tư duy vào các tính chất của hình hoặc vật thể (-sự mất tập trung thường do sự hấp dẫn về hình thức của các con chữ gây ra). Mục tiêu của bạn là phải tạo ra hai vùng ‘bắt mắt’ rõ rệt – một nằm sâu hút vào, phần kia thuộc không gian cận cảnh (khoảng không gian phía trước). Thử kiểm tra khả năng cảm nhận chiều sâu của bạn bằng cách quan sát H. 2-38, trong đó có nhiều khu vực có chiều sâu khác nhau. Xác định xem hình này có tương đối phẳng hay không hay là có đặc tính ba chiều rõ rệt. Nếu hình này có vẻ tương đối phẳng, hãy nghĩ xem liệu có thể cải thiện tình hình ra sao, rồi áp dụng các điều đã rút ra ở đây vào bài tập riêng của mình. Ngoài ra, nên nhớ ở những chỗ có các mảnh báo với chữ in càng nhỏ và mực in càng nhạt, lại dán thưa, thì càng có vẻ lùi xa hơn – xét theo chiều sâu không gian. Ngược lại, những chỗ có các mảnh báo với những chữ in càng đậm và càng đen, lại được dán sít nhau, thì càng tiến về phía trước nhiều hơn. Lợi thế của nghệ thuật cắt dán – như một phương pháp tạo hình – là nó cho phép ta thể nghiệm được nhiều. Bạn có thể thử nghiệm với đủ các loại giấy in báo, tha hồ sắp xếp chúng với vô số vị trí thay đổi để có thể tìm tòi hiệu quả xác lập không gian của chúng. Chỉ khi nào bạn thấy đã có một vị trí các mảnh giấy báo cho cảm giác không gian sâu nhất (có những cụm ‘nổi’ lên phía trước mạnh nhất và những cụm khác ‘chìm’ sâu tối đa), lúc đó bạn hãy dùng hồ dán các mẩu báo đó xuống mặt bìa.
Hình 2-39. Piet Mondrian. Bố cục bằng các vạch, 1917. Tranh sơn dầu
Sau cùng, dành cho một chút thời gian để nghiên cứu bức Bố cục bằng các vạch của Mondrian (H. 2-39). Hãy so sánh nó với bức cắt dán bằng giấy báo in rồi phân tích xem hình nào thách thức nhận thức của chúng ta về chiều sâu mạnh mẽ hơn. Mục đích ứng dụng lối tạo hình bằng cắt dán là sẽ “làm theo kiểu Mondrian” – để bạn có được nhận thức tốt hơn về không gian ở tất cả các chiều (cao, rộng, sâu), nhất là chiều sâu. Liệu bạn có cho rằng bức bố cục được vẽ theo cách chính quy có “hiệu quả không gian” nhiều hơn so với bức minh họa thuộc nghệ thuật cắt dán không?
Hình 2-40. Victor Pasmore. Hình ảnh, 1968-1969. Tranh đắp nổi
E. Cấu trúc không gian có chú ý từ hai sang ba chiều – Không gian hình học có hình thức tự do
Bài tập cuối cùng giúp bạn làm quen với cảm giác về không gian, nảy sinh từ cái gọi là “những khác biệt về ưu thế của điểm”. Trong bài tập này bạn sẽ khai thác mối quan hệ tri giác giữa điểm và đường mà không vẽ ra các đối tượng cụ thể theo đúng nghĩa của từ này. Bạn sẽ sử dụng điểm chỉ như những chốt định vị không gian, sau đó xem cách chúng dẫn dắt cái nhìn một cách hiệu quả đến mức xâu chuỗi chúng lại thành một nét tưởng tượng như thế nào.
Thí dụ, trong bức Hình ảnh của Victor Pasmore (H2.40), rõ ràng bằng cách nào đó một loạt điểm hoặc chấm tác động đến cái nhìn: khiến cho người quan sát kết nối chúng lại với nhau bằng mắt – dù cho chúng bị tách riêng ra trong không gian đi chăng nữa. Chúng càng sát nhau, ta càng dễ dàng “nhận biết” chúng như sự biểu thị đáng tin của một chuyển động có hướng; chúng càng tách rời nhau, ta càng khó nhận biết sự vận động này. Còn nói chung, khi một vài điểm bị phân tán, vượt ra khỏi một nhóm đông đúc, cái nhìn sẽ tìm cách xâu chuỗi chúng vào với nhau. Điểm (hay vết / chấm) quan trọng nhất là điểm nổi bật hẳn lên, thu hút sự chú ý và có vai trò như một tâm điểm – lôi cuốn sự vận động có hướng về phía nó, hoặc đang phát tán sự chuyển động rời xa khỏi chính nó. Trong bức Hình ảnh, dễ dàng nhận ra điểm quan trọng nhất: nó đóng vai trò một tâm điểm và dường như chịu trách nhiệm đối với sự vận động của các điểm khác.
Rõ ràng, các điểm “nằm” ở vị trí gần người quan sát hơn sẽ là những điểm lớn hơn và thẫm hơn những điểm khác, và có khuynh hướng nổi bật, thu hút mắt nhìn. Chúng dễ dàng lôi cuốn sự chú ý của chúng ta và chiếm những vị trí gần nhất trong không gian, trong khi đó thì những điểm khác đua tranh nhau mạnh mẽ để có được các vị trí ngay tiếp sau. Do đó, những điểm bị phân tán trên nền sẽ tác động tới nhận thức về không gian theo hai cách:
* Tùy thuộc vào sự kết tụ thành nhóm thưa hay mau, chúng sẽ gợi ra sự vận động theo tuyến (đường nối các điểm với nhau) hai chiều mạnh hoặc yếu / trong khoảng trống (mặt phẳng).
* Tùy thuộc vào kích cỡ và sắc thái (nhạt, thẫm) của chúng, chúng sẽ chiếm vị trí gần hoặc xa trong không gian, và vì vậy gợi ra sự vận động theo tuyến ba chiều - xuyên qua không gian.
Hình 2-41. Vincent Van Gogh. Khu vườn ở Provence, 1888. Chì, bút sậy, mực.
Hình 2-42
Hình 2-43. Sangello và Michelangelo. Palazzo Farnese, mặt tiền. Rome 1530-1548
Hãy để ý tới lối vẽ của Vincent Van Gogh: bằng cách sử dụng những vệt bút ngắn vẽ bằng bút lông, đóng vai trò gần như các điểm, ông đã khai thác được hai đặc điểm nói trên trong bức tranh Khu vườn ở Provence (Hình 2.-41).
Để bắt đầu tiến hành bài tập vẽ - hoặc bản sơ đồ - đầu tiên bạn hãy tưởng tượng là mình đang đánh dấu những vị trí trên một chiếc bản đồ tự chế. Trên một hình chữ nhật có kích thước 18cm x 13cm, có khoảng 6 thị trấn lớn, 8 hay 9 làn cỡ vừa và khoảng chừng 15 thôn nhỏ. Sử dụng những điểm lớn trung bình và nhỏ để đánh dấu từng nhóm cư dân riêng. Bạn có thể bố trí chúng theo bất kỳ đồ hình tưởng tượng nào. Khi các điểm được xây xác lập sau hãy nối chúng bằng những con đường; xâu chúng lại với nhau tùy theo con mắt của bạn thấy phù hợp. Cái nhìn của bạn sẽ có khuynh hướng di chuyển giữa những thị trấn lớn trước tiên; dùng bút sắt, và thước kẻ để kết nối (các thị trấn lớn) bằng những đường kẻ rõ rệt. Tiếp tục làm như thế với cách làm cỡ vừa, tạo ra các mối liên kết bằng những đường mảnh và nhạt hơn. Cuối cùng, sử dụng các nét bút mảnh nhất để xâu chuỗi các thôn nhỏ lại với nhau.
Bởi vì cái nhìn có xu hướng tập trung ngay tức khắc vào những những điểm nổi trội nhất “nằm” gần nhất, sau đó mới tới các điểm ít nổi bật hơn; các đường thẳng cũng có ưu thế hơn là các đường gấp khúc ngắn. Dù vậy, đôi lúc, những chỗ rẽ có thể bất ngờ khiến mắt ta chú ý trong lúc dõi theo khúc đường quanh co đi qua những ‘quãng đường kết nối’ dài hơn. Hình 2-42 là một thí dụ về một tấm bản đồ tưởng tượng kiểu này.
Như vậy, về cơ bản bạn đang có một sơ đồ gồm các điểm và đường trên mặt phẳng hai chiều và trong mắt bạn thì các điểm có khuynh hướng chiếm ưu thế hơn. Hy vọng, trong khi làm bài tập, bạn đã hiểu rằng cái nhìn luôn sẵn sằng để được dẫn dắt từ một điểm nổi trội này sang một điểm nổi trội khác, đặc biệt khi những thay đổi mới mẻ và cuốn hút về hướng được gợi ra. Nhận thức thị giác của chúng ta nói chung hay có cái nhìn lướt nhanh qua những điểm nổi trội ở xa nhất theo kiểu như vậy – khi ta tự mình tìm đường đi xuyên qua không gian. Điều quan trọng không kém là cái nhìn của bạn cũng được dẫn dắt trên các bề mặt qua những điểm có sự nhấn mạnh và những điểm có sự đổi hướng. Điều này thực sự xảy ra đối với tri giác của chúng ta, cả khi quan sát thế giới, quan sát bề mặt một tấm toan, hay quan sát bức tường của một tòa nha. Cái nhìn của bạn có “nhảy” theo đỉnh của những trán tường trên nóc các cửa sổ ở mặt trước tòa nhà Palazzo Farnese (H.2-43) không? Có băng qua các khoảng cách giữa chúng rồi tạo nên những “đường” nằm ngang cân xứng trên toàn bộ mặt đứng tòa nhà hay không? Và liệu cái nhìn của bạn có di chuyển cả theo trục thẳng đứng, dịch lên trên theo những chiếc cột giống như trụ bổ tường, những cái tạo thành khuôn cho các cửa sổ, lấp đầy các khoảng trống ở giữa, cho tới khi rốt cuộc dừng lại bởi đường gờ của mái đua nhô ra? Và như thế, trong tri giác bạn, bề mặt bức tường trở thành một mạng kẻ ô dọc và ngang, do cách bố trí của những khối hình trang trí bằng đá và các đỉnh nhọn gây kích thích bởi thị giác của chúng đem lại.
Bây giờ, chúng ta tiếp tục phát triển thêm, cố gắng tạo ra một tấm bản đồ mới (từ bản đồ cũ, đã được tưởng tượng ra ít nhiều có tính hai chiều) với các điểm và đường có những thuộc tính tạo nên một cấu trúc không gian ba chiều. Lấy giấy can, can lại tấm bản đồ cũ, nhưng chỉ bao gồm các điểm là những thị trấn, những ngôi làng và các thôn nhỏ. Không được can lại những con đường kết nối. Sau đó, chuyển tấm bản đồ bạn vừa can sang một tờ giấy mới, và đảm bảo rằng các vết điểm đều có kích thước giống hệt như kích thước của các điểm trong tấm bản đồ gốc.
Cũng như trước, bạn sử dụng ba loại đường kẻ với độ nặng khác nhau – nặng, trung bình, và nhẹ - để vẽ những đường nối. Tuy nhiên, bây giờ, bạn đừng có những ý nghĩ gì xoay quanh “bản đồ” nữa. Chỉ cần làm theo các chỉ dẫn dưới đây và quan sát xem điều gì bắt đầu xảy ra trên trang giấy: Trước tiên, bạn dùng thước kẻ nối toàn bộ các điểm cỡ lớn với nhau bằng đường kẻ nặng, có thể chạy lên, chạy xuống, hay nằm ngang, bất kể vị trí của chúng có “giống như bản đồ” hay không. Sau đó, tiếp tục sử dụng thước kẻ và các nét có độ nặng trung bình, tạo ra những đường kết nối tương tự giữa các điểm cỡ trung. Cuối cùng, liên kết tất cả những điểm cỡ bé nhất bằng nét bút nhẹ, mảnh. Khi tiến hành ba kiểu đường kết nối này, xê dịch trên khắp phần nền: Đừng lo lắng khi chúng phải cắt ngang qua những đường nét đã kẻ trước rồi. Cử động thoải mái, chỉ cần tập trung làm sao kết nối thành nhóm riêng bao gồm các điểm mà mắt bạn cảm thấy cuốn hút.
Hình 2-44 cho thấy kết quả là một cấu trúc ngẫu nhiên mang đặc tính không gian hình học Đây là một bài tập hữu ích không phải vì nó tạo ra một hình vẽ đặc biệt thích thú – mặc dù điều này có thể tình cờ xảy ra – mà bởi vì nó chứng minh rằng: tri giác – hai chiều và ba chiều – đã bị kích thích bởi các điểm một cách dễ dàng và tự nhiên đến thế nào, và làm sao vận dụng tốt kiến thức này trong việc vẽ và thiết kế. Chúng ta đã tạo ra một sơ đồ bao gồm các điểm nổi trội, có sức hấp dẫn mạnh về mặt tri giác và có khả năng gợi ý ra sự vận động cả hai lẫn ba chiều, và kết thúc bằng một hệ thống không gian dạng lưới phức tạp hơn so với cái chúng ta dự kiến lúc bắt đầu. Bạn có thể phát triển tiếp một số biến thể của bài tập này. Chẳng hạn, bạn không vạch các nét bằng thước kẻ, cũng chẳng sử dụng duy nhất những đường thẳng: phối hợp cả đường thẳng và đường cong, cả thước kẻ và tay không, có lẽ sẽ tạo ra một mô hình không gian thậm chí còn phức tạp và hấp dẫn hơn về mặt tri giác.
F. Sự thay đổi về đề tài không gian
Vì bài vẽ này sử dụng đường nét có ba độ nặng thay đổi – nặng, trung bình, và nhẹ, do đó, bạn đừng bố trí các điểm (cũng có kích thước khác nhau như thế) từ trước, mà chỉ tạo ra chúng tại những chỗ là ‘điểm’ kết thúc của các đường hay các góc (nơi các đường gặp nhau). Phẩm chất tạo hình của đường nét tự chúng đóng một vai trò quan trọng. Hãy quan sát H. 2-45 trong ít phút. Bạn sẽ thấy rằng – trừ một đường – hầu hết tất cả các đường có độ nặng và sắc độ giảm dần trong quá trình di chuyển, dẫn đến sự thâm nhập không gian theo nhiều hướng. Đường nét nào càng nhạt hơn và sáng hơn thì dường như càng xa hơn và có vẻ như đang di chuyển nhanh hơn. Ngoài ra, còn nhận thấy rằng cùng với độ nặng có thể thay đổi của đường nét, thì chiều dài, góc độ sắp xếp và các mối quan hệ của chúng với các mép của tờ giấy, tất cả đều góp phần vào trạng thái không gian được tạo ra.
Trước tiên, bạn hãy đặt một đường nặng, đen vào một vị trí hơi chéo mặt giấy. Độ lớn và sắc thái của đường này cần phải giữ không đổi suốt theo chiều dài của nó. Chọn một đầu của đường này để xuất phát. Quyết định về góc và hướng rồi đặt xuống mặt giấy một đường thứ hai, làm giảm dần độ nặng và độ đậm trong quá trình vạch ra. Quyết định xem bạn muốn nó di chuyển xa đến đâu trong không gian. Lúc này, bắt đầu đường thứ ba, hiện ra từ chỗ kết thúc của đường thứ hai; bạn phải quyết định về góc, hướng, và chiều dài của đường, và cần phải giảm dần độ nặng và độ đậm của nó (giống như đã làm với hai đường thẳng trước). Hãy đảm bảo mắt bạn đánh giá được hiệu quả của không gian đang hình thành khi các đường tiếp cận tới những mép ngoài của tờ giấy và cả khi chúng dừng lại khá đột ngột.
Thế là với ba loại đường nét đầu tiên này, bạn đã tạo ra được một tình trạng không gian sơ bộ. Bây giờ, vấn đề đặt ra là sẽ gài các đường riêng rẽ vào đâu, độc lập hay từng cụm gồm ba hay hai đường tạo góc, để ‘cắt sâu’ hơn mãi vào trong không gian. Độ nặng và sắc thái tương ứng của những đường này cần thay đổi như thế nào để đáp ứng được ý định của bạn muốn chúng xuất hiện ở cự ly gần hơn phía trước hay lùi lại phía sau. Không nên có đường nét nào cạnh tranh với đường chéo chắc khỏe đầu tiên về độ nặng và sắc thái.
Cảm giác về không gian ba chiều mà bạn đang cố gắng phát triển được quyết định bởi mỗi đường, hoặc nhóm đường, có chứ năng như đơn vị tạo hình và bởi lối chống chéo và xuyên vào nhau trên khắp phần nền của các đơn vị này sao cho nó hiệu quả. Bạn hãy tự phân tích H. 2-45 trước khi bắt đầu tiến hành xây dựng cấu trúc không gian của riêng bạn, những đừng bắt chước nó. Phải cảm thấy phấn khích và hiếu kỳ khi bạn sắp sửa tự mình tạo dựng nên các không gian theo ý muốn.
>>> Nhịp điệu của thiết kế bố cục (Phần 1)
>>> Bố cục và màu sắc của ảnh màu
>>> Phương pháp xây dựng bố cục