Phương pháp xây dựng bố cục
1. Nghiên cứu lựa chọn nội dung chủ đề:
Nội dung phản ánh trong tranh được các nghệ sỹ tạo hình quan tâm nhiều nhất là cái đẹp trong cuộc sống. Nó nằm trong quan hệ giữa con người với tự nhiên, con người với vũ trụ và tôn giáo cũng như mối quan hệ giữa con người với nhau trong xã hội, trong một hoạt động để tồn tại và phát triển. Nghiên cứu, lựa chọn nội dung chủ đề trước khi vẽ một đề tài gì trước hết ta cần có những cảm xúc, những rung động nhất định về đề tài đó, tìm được trong nội dung đó những cái đẹp bản chất. Đề tài của tranh thường rất nhiều và rộng. Dù trong một lĩnh vực lớn hay nhỏ mọi khía cạnh của đề tài đều có thể khai thác được nhiều chi tiết để thể hiện nội dung chủ đề.
Chủ đề của một bức tranh tức là diễn đạt một vấn đề cụ thể nào đó, thí dụ như về đề tài chiến tranh cách mạng có rất nhiều chủ đề nội dung phản ánh thời kỳ tiền khởi nghĩa, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, thời kỳ kháng chiến chống xâm lược Mỹ trong đó nói lên những hoạt động toàn dân ta tham gia kháng chiến giành độc lập tự do và thống nhất đất nước. Các bậc họa sỹ tiền bối có nhiều bức tranh với những lựa chọn nội dung chủ đề một cách chọn lọc và sâu sắc về đề tài chiến tranh cách mạng như các bức: Du kích La Hai của họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung, Nghỉ chân bên đồi của họa sỹ Tô Ngọc Vân, Giặc đốt làng tôi hay Kết nạp Đảng ngoài mặt trận của họa sỹ Nguyễn Sáng, Gặp gỡ của họa sỹ Mai Văn Hiến, Trận tầm vu của họa sỹ Nguyễn Hiêm, Nhớ một chiều Tây Bắc của Phan Kế An hay Cái bát của họa sỹ Sỹ Ngọc… và sau này còn nhiều họa sỹ vẽ rất thành công đề tài này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Phân tích bức tranh Cái bát của họa sỹ Sỹ Ngọc ta thấy tên tranh là Cái bát nhưng chủ đề nội dung lại là tình quân dân, cái bát nước chè xanh của bà mẹ miền quê kháng chiến. Bà mẹ nông dân đứng cạnh tay cầm mũ, tay cầm quạt, quạt cho một chiến sỹ đang uống nước là một hình tượng đẹp. Chủ đề tình quân dân là một chủ đề được rất nhiều họa sỹ chọn lựa ở nhiều khía cạnh khác nhau như trong Giặc đốt làng tôi, Gặp gỡ…
Đề tài sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, nông lâm ngư nghiệp và còn rất nhiều đề tài khác trong mọi hoạt động xã hội có nhiều chủ đề rất phong phú và sinh động. Những tác phẩm tiêu biểu theo các đề tài này phải kể đến những bức tranh vẽ về công nghiệp của Nguyễn Đỗ Cung như Công nhân cơ khí hay bức tranh Tan ca mời chị em ra họp. Về đề tài nông nghiệp như các bức tranh Tát nước đồng chiêm của Trần Văn Cẩn, Tổ đổi công cấy lúa của Hoàng Tích Chù… và những bức tranh có chủ đề nội dung về các đề tài trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, về những cái đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người của các họa sỹ như: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tiến Chung, Lương Xuân Nhị, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Thụ, Huy Oánh… và nhiều họa sỹ thế hệ sau.
Những nội dung chủ đề theo các đề tài kể trên đã được các họa sỹ nghiên cứu lựa chọn để làm nên những tác phẩm hội họa xuất sắc cho nền mỹ thuật Việt Nam và là những đóng góp quý giá cho lịch sử phát triển nền văn hóa Việt Nam.
2. Tìm tư liệu để xây dựng bố cục tranh:
Khi đã nghiên cứu lựa chọn nội dung chủ đề và nhất là khi đã có cảm xúc và hứng thú để vẽ tranh về chủ đề đó, thì yếu tố thứ hai không thể thiếu (đặc biệt đối với những người đang trong giai đoạn học tập rèn luyện trong các trường lớp) là tìm tư liệu để xây dựng bố cục. Tài liệu có ở trong cuộc sống ta cần đến để quan sát, tìm hiểu và ghi chép và có những tư liệu ta đã có sẵn bằng ghi chép ký họa hoặc trên sách vở, phim ảnh… Các họa sỹ bậc thầy từ thời Phục Hưng như Leonardo da Vinci, Raphael vẽ các đề tài về Kinh thánh nhưng từ dáng người, từ khuôn mặt, bàn chân, bàn tay hay các đồ vật, khung cảnh trong nhà, ngoài trời các ông đều tìm, ghi chép ký họa để làm tài liệu xây dựng bố cục một cách chi tiết và hoàn hảo. Các họa sỹ bậc thầy Việt Nam cũng vậy, ta thấy rất nhiều ký họa đẹp và kỹ của Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Diệp Minh Châu, Sỹ Ngọc… mà nếu không có tư liệu thì không xây dựng được bố cục như vậy.
Ở bức tranh Tát nước đồng chiêm của họa sỹ Trần Văn Cẩn là một bức tranh đẹp thành công trong việc chọn chủ đề ở đề tài nông nghiệp. Tác giả đã diễn tả một đoàn người đang tát nước từ dưới mương lên ruộng. Bố cục theo dạng hình tháp, cách diễn tả các dáng người tát nước theo phối cảnh không gian xa gần tạo thành một đường lượn mềm mại gây sự uyển chuyển trong không gian bức tranh. Từ cánh cò trên khóm tre đến những dáng điệu con người và thế chân tay, bờ mương, hàng lúa đang thì con gái tạo dựng nên một không khí sôi nổi vui tươi như ngày hội trên cánh đồng. Nhịp điệu và không gian trong tranh như điệu múa, như những bài hát dân ca quen thuộc gần gúi với cuộc sống của những người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ đã bao đời vui buồn với cây lúa.
Để có được bức tranh như vậy họa sỹ Trần Văn Cẩn phải có rất nhiều tư liệu để sử dụng. Các dáng người tát nước, người đang cúi xuống múc nước thì động tác chân tay, thế đứng, hướng trục từ đầu xuống chân cần tư thế như thế nào cho đúng; dáng người đang dướn lên, tay đưa về phía trước hắt dây gầu đổ nước vào ruộng. Ở mỗi người, các nét mặt, hình dáng, đặc điểm nhân vật cũng cần phải nghiên cứu tìm tư liệu khác nhau.
Trong tranh Tát nước đồng chiêm ta thấy các nhân vật luôn được thể hiện khác nhau ít nhiều tuy cùng một động tác, một tư thế. Điều đó tránh được sự nhàm chán. Tất cả đều được tác giả tìm hiểu ghi chép có tư liệu đầy đủ để sử dụng cho việc xây dựng bố cục tranh.
Trong tranh cũng có nhiều chi tiết, nhiều hình mảng phụ như khóm tre, con cò, hàng lúa, chiếc gầu giai… phụ họa cho nội dung tranh góp phần làm cho bố cục thêm phong phú và sinh động.
Không nên lầm tưởng chỉ có các họa sỹ cổ điển, hàn lâm và các họa sỹ theo chủ nghĩa hiện thực mới đi tìm tư liệu trong quá trình xây dựng bố cục tranh. Các họa sỹ hiện đại từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX cũng say sưa đi tìm tư liệu, đi tìm cái mới để sáng tạo ra những khuynh hướng, trường phái nghệ thuật mới như: trường phái Ấn tượng của các họa sỹ Claude Monet, Pissarro, Degas, Renoir, Gauguin, Van Gogh…, trường phái Dã thú như: Vlaminck, Mattisse…; trường phái Lập thể như Braque, đặc biệt là Picasso. Từ hiện thực kinh điển họ đòi hỏi tranh vẽ phải sáng tạo không ngừng trên cơ sở biến đổi của thời đại của khoa học và của thiên nhiên cũng như con người.
3. Xây dựng hình tượng nhân vật:
Tùy đối tượng và nội dung đề tài định diễn tả để xây dựng hình tượng nhân vật trong bố cục tranh. Thời nay đã có một số lượng khổng lồ các tác phẩm và tác giả ở thế giới và trong nước, đã có một sự thông tin nhanh và nhiều. Cho nên trong bố cục đã cho phép người ta nói một khía cạnh độc đáo, một vấn đề nhỏ và khác lạ sâu sắc. Vì vậy cần phải tính đến cái độc đáo, cái lạ trong cái định biểu hiện và tránh tất cả sự giống nhau theo kiểu sao chép cái người ta đã làm để gây ấn tượng cho người xem. Xây dựng hình tượng nhân vật là bộc lộ cảm xúc, bộc lộ trí tuệ và sức sáng tạo của mỗi người. Phải xem nhiều, học hỏi nhiều, biết cái người ta đã làm được và đã có rồi, tìm ra định hướng, tìm ra hình tượng của mình, hình tượng của nhân vật của chủ đề định sáng tác. Hình tượng không được đơn giản một chiều hoặc nhiều chi tiết như ảnh hoặc khái quát như sơ đồ, biểu đồ mà phải tìm ra được một sự kết hợp nhuần nhuyễn trong tổng thể của bố cục. Trong tranh các nhân vật nói chung cần có những đặc điểm, tính cách riêng, nó phải là hình tượng chính của bức tranh. Xem bức Thuyền trên sông Hương của Tô Ngọc Vân, hình tượng người lái đò vươn mình vượt sóng một cách nặng nhọc đối lập với hình tượng các cô gái tác nước đồng chiêm trong tranh của Trần Văn Cẩn kéo dây gầu tát nước như múa, như reo. Hình tượng nhaanv ật trong tranh của họa sỹ Nguyễn Phan Chánh là những em bé, những người nông dân nhà quê hiền lành chất phác trong Chơi ô ăn quan, Bữa cơm ngày màu hay Sau giờ trực chiến…
Mỗi đề tài, mỗi nội dung chủ đề đều cần có những hình tượng nhân vật riêng phù hợp với ý đồ của tác giả. Qua đó ta thấy hình tượng nhân vật khi đưa vào tranh luôn luôn phải được coi trọng để khi thể hiện bố cục, toàn bộ sự hoạt động của nhân vật và bối cảnh không gian hòa quyền vào một tổng thể chung cùng góp phần diễn đạt chủ đề. Có như vậy tác phẩm mới đạt được nội dung sâu sắc và gây nhiều ấn tượng thẩm mỹ cho người xem.
4. Lựa chọn hình thức bố cục:
Có nhiều hình thức bố cục và mảng hình khác nhau
Sau khi đã có chủ đề cụ thể theo một đề tài nào đó, có đầy đủ tư liệu, có hình tượng nội dung để xây dựng bố cục tranh ta cần phải xác định hình thức bố cục. Cách sắp xếp nhân vật trọng tâm đặt ở vị trí nào? Gồm mấy nhân vật tất cả? Các nhân vật phải được sắp xếp theo mảng chính, mảng phụ làm sao để tạo nên một thể thống nhất và hợp lý. Khi bố trí các hình mảng phải phối hợp sao cho tạo được một bố cục độc đáo, không dễ dãi, nhafmc hán mà phải có cái riêng của mình, cái riêng của chủ đề nội dung đã chọn. Đó là một công việc rất khó và công phu.
Tuy nhiên việc chọn lựa theo hình thức nào là tùy thuộc vào hình tượng và chủ đề nội dung, tùy thuộc vào sự tìm tòi và sáng tạo của người vẽ. Ta có thể thử nghiệm rất nhiều hình thức hoặc phối hợp với nhau để tìm lấy một hình thức tối ưu.
Ví dụ bức tranh Tát nước đồng chiêm của họa sỹ Trần Văn Cẩn. Trên cơ sở tư liệu và cảm nhận trước vẻ đẹp thiên nhiên của cánh đồng quê hương, họa sỹ muốn diễn tả một không khí sôi động, rộn ràng, mênh mông, bát ngát nên đã chọn hình thức theo phối cảnh phổ thông có xa có gần. Nhân vật chính là một nhóm người được tác giả sắp xếp bố cục theo dạng hình tháp, không cứng nhắc mà uyển chuyển một cách tài tình đã tạo nên sự hài hòa giữa các mảng màu, giữa cảnh trí và con người trong tranh.
5. Phác thảo bố cục đen trắng, phác thảo màu:
Khi đã có đầy đủ các yếu tố cần thiết để xây dựng, sáng tác một bố cục tranh theo chủ đề nội dung đã được xác định, ta cần dành nhiều thời gian, tình cảm và trí tuệ nữa để suy nghĩ, sắp xếp, bố cục hình mảng con người và sự vật sao cho đẹp, hợp lý và rõ ý, nêu bật được nội dung chủ đề một cách xuất sắc nhất. Đó là tìm phác thảo bố cục. Trong quá trình tìm phác thảo bố cục (thường vẽ trên khổ giấy nhỏ bằng ½ tờ giấy A4) luôn phải tìm phác thảo theo nhiều dạng, nhiều góc độ khác nhau. Phải vẽ nhiều phác thảo bố cục với sự sắp xếp đơn giản trước, tức là thử đặt hình mảng con người, cảnh vật bằng các mảng đậm nhạt, to nhỏ, hình vẽ đơn giản chưa có chi tiết về dáng hình và đặc điểm của các nhân vật, để tập trung cho sự suy nghĩ vào việc thay đổi vị trí tìm ra nhiều phương án bố cục khác nhau. Đó là quá trình tìm ý đồ của mình bằng hình trên giấy. Trong khi phác thảo ta sẽ tìm được nhiều ý đồ khác nhau và cũng nảy sinh được nhiều cách biểu hiện nội dung một cách độc đáo hơn. Qua đó gạn lọc những cái hay cái đẹp ở các bố cục nhỏ khác nhau để rút kinh nghiệm làm tiếp các phác thảo khác hoàn chỉnh hơn.
Khi tìm phác thảo đen trắng, phải luôn có ý thức tìm và sắp xếp các mảng chính phụ hài hòa hợp lý, nên tập trung vào mảng chính để diễn tả sau đó dùng tư liệu và vận dụng nhận thức bằng trí tưởng tượng của bản thân để thêm bớt những mảng hình cần thiết để tạo cho một bố cục chặt chẽ hấp dẫn cả về hình thức và nội dung.
Trước khi phác thảo màu, cần thiết phải có một bức tranh vẽ hình và đậm nhạt kỹ, khuôn khổ có thể lớn bằng tranh sẽ thể hiện hoặc nhỏ hơn nhưng tỷ lệ thuận với một phác thảo nhỏ đã được chọn. Vẽ hình trên giấy khổ lớn là bước đầu thể hiện tranh chủ yếu về bố cục và hình, giai đoạn này ta vẫn có thể điều chỉnh nếu thấy cần thiết. Từ phác thảo nhỏ vẽ lớn ra mới bộc lộ những chỗ chưa hợp lý cần phải bổ sung thêm bớt hoặc cần có thêm tư liệu để tranh hoàn thiện hơn.
Khi đã tạm hài lòng với bản vẽ hình và đậm nhạt trên tranh khổ lớn, định hình được tất cả về bố cục, hình tượng nhân vật, không gian, thời gian của tranh, ta có thể bắt đầu tìm một vài phác thảo mẫu theo ý định của mình phù hợp với nội dung của tranh. Giai đoạn này rất cần có những yếu tố sáng tạo để có sự thăng hoa trong quá trình đi tìm sắc màu. Nếu không có sự say mê và rung động trước một sự kiện nội dung, trước một bố cục đang hình thành thì sẽ không thành công trong việc thể hiện bức tranh cả về bố cục, hình vẽ mà màu sắc vì màu sắc là tình cảm, là linh hồn của bức tranh và của tác giả.
6. Thể hiện tranh (phóng hình, vẽ màu):
a. Phóng hình: Thường có 3 phương pháp phóng tranh: Phóng tranh theo cách kẻ ô vuông; Phóng tranh theo cách kẻ ô chữ nhật và phóng tranh theo cách kẻ đường chéo.
Ngày nay máy phôtôcopy đã có thể phóng tranh ảnh một cách cực kỳ nhanh chóng và chính xác. Nhưng những người học vẽ và họa sỹ phóng tranh của mình từ phác thảo nhỏ thành tranh khổ lớn là một quá trình tiếp tục sáng tác và hoàn thiện. Cho nên tùy theo mỗi người có thể thực hiện theo phương pháp nào cũng được.
Phóng tranh theo đúng hình mẫu không còn là khó khăn nhưng trong quá trình phóng tranh còn điều chỉnh làm đẹp hơn mới là điều cần luôn luôn coi trọng.
b. Thể hiện tranh:
Đây là giai đoạn hào hứng và thú vị nhất của người vẽ tranh. Một khi ta đã có đầy đủ điều kiện để thể hiện một bức tranh từng ấp ủ với bao nhiêu công việc đã được chuẩn bị một cách chu đáo. Từ phác thảo đen trắng, đậm nhạt đến phác thảo màu, giấy được căng trên bảng vẽ và đã cạn lại các hình mảng đến từng chi tiết của bức tranh, giá vẽ, bút màu vẽ đã sẵn sàng, ta thả mình vào công việc sáng tạo, bằng những nét bút, mảng màu đầu tiên theo dòng cảm xúc của mình.
Khi vẽ màu, dù sao cũng phải trung thành với tinh thần của các mảng sáng tối, đậm nhạt, sắc màu của phác thảo song cũng không cần thiết phải pha thật đúng và chính xác với màu của phác thảo. Vì khi pha màu để làm theo bài phác thảo sự chuẩn xác là rất khó và khi đã vẽ lên những mảng màu lớn, màu cũng sẽ khác đi so với mảng màu nhỏ của phác thảo. Do vậy, khi vẽ màu phải so sánh tương quan đậm nhạt của phác thảo cũng như tương quan về các diện, các hình, các sắc độ tương phản, tương hỗ, các sắc nhị của màu sắc để tác phẩm dễ đạt được theo ý muốn.
Điều cần chú ý khi vẽ màu trong tranh là phải so sánh màu trong tối và ngoài sáng của nhân vật và bối cảnh diễn tả trong tranh, những màu sắc tách biệt, đối chọi nhau nhằm để làm rõ, làm tôn hình tượng chủ đề định nhấn mạnh nhưng tất cả vẫn phải hài hòa trong không gian chung. Thông thường ta dùng màu nóng để vẽ phần ánh sáng, màu lạnh để vẽ bóng tối. Nhưng nghệ thuật xử lý màu sắc làm sao cho vừa, cho đẹp đó là cả quá trình học tập và rèn luyện vì có rất nhiều cách thể hiện màu sắc khác nhau, có khi bất chấp cả quy luật tự nhiên nhưng vẫn đẹp.
Quá trình vẽ màu cần phác thảo toàn bộ bức tranh trước, vẽ nhanh và vẽ kín hết mặt tranh chứ không nên vẽ kỹ và xong từng chỗ một. Sau đó điều chỉnh từng bước, từng chỗ. Trong quá trình vẽ luôn luôn so sánh, quan sát theo phác thảo cần xác định bức tranh mình vẽ nằm trong gam màu chủ đạo nào? So với màu trong phác thảo có khác nhau ở điểm nào?...
Khi vẽ màu luôn quán xuyến vào toàn bộ bức tranh. Tránh sa đà vào diễn tả cảm xúc mang tính chi tiết cục bộ không có trọng tâm khiến tranh không có một tổng thể đẹp, không thể hiện được ý đồ nội dung, không có sự hài hòa, hấp dẫn của bố cục và màu sắc.
Nói về phương pháp thể hiện tranh, dù vẽ bằng chất liệu gì cũng phải nói đến bút pháp. Từ bút pháp đôi khi được coi như là cội nguồn của mọi thứ trong hội họa. Khi ta xem những bức tranh của các họa sỹ bậc thầy ta thường quan tâm nhiều đến bút pháp riêng của mỗi người. Ta nhận ra bút pháp vô cùng phong phú, biến đổi qua mỗi thời đại, mỗi dân tộc và mỗi họa sỹ đều có những bút pháp riêng độc đáo của mình. Người thì mạnh mẽ, khỏe khoắn, thoải mái, người thì mềm mại, uyển chuyển, nhẹ nhàng…
Chơi ô ăn quan. Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh
Nghỉ chân bên đồi. Tranh sơn mài của Tô Ngọc Vân
Trong một bố cục hình tháp, Tô Ngọc Vân đặt ba dáng người ngồi thoải mái trong tư thế nghỉ ngơi. Phía xa một con ngựa đang gặm cỏ bên những cây cọ. Như vậy, mảng chính hình tháp, mảng phụ là một hình chữ nhật tạo cảm giác bình yên.
Nữ dân quân miền biển. Tranh sơn dầu của Trần Văn Cẩn
Hình tượng người nữ dân quân chiếm vị trí lớn nhất trong tranh theo chiều thẳng đứng. Dải núi phía xa tạo nên đường chân trời trên biển, những đám mây trắng, những con thuyền và sóng nước tạo thành một đường lượn làm cho bức tranh thêm sinh động.
Công nhân cơ khí. Tranh sơn dầu của Nguyễn Đỗ Cung
Kết nạp Đảng ngoài mặt trận. Tranh sơn dầu của Nguyễn Sáng
Ngày chủ nhật. Tranh khắc gỗ màu của Nguyễn Tiến Chung
Những ký họa, nghiên cứu phác thảo tranh của một số họa sỹ
Leonardo da Vinci
Michelangelo
Tiziano Vecelli
Picasso
Paul Cezanne
Mattisse
Tô Ngọc Vân
Nguyễn Đức Nùng
Nguyễn Công Độ
Triệu Khắc Lễ
>>> Sơ đồ bố cục
>>> Hình thức xây dựng bố cục trong hội họa
>>> Phương pháp bố cục trong trang trí hình tròn (Phần 1)