Bí quyết khi vẽ toàn thân người (Phần 2)

4. Quy hình trên người mẫu để dễ so sánh:

Quy hình là gì? Quy hình là tìm ra những hình kỷ hà trên cơ thể con người nhờ vào sự kết nối các “điểm mốc” trên thân người hay dựa vào đặc điểm của thế dáng hay động tác. Để quy hình ta dựa trên cơ sở:

* Quy hình dựa vào các điểm mốc trên cơ thể: Đình đầu nối với hai dầu vai, hai đầu xương vai nối với yết hầu, hai đầu vú nối với rốn, rốn nối với hai đỉnh xương hông…

* Quy hình dựa vào động tác của người mẫu: Chúng ta tưởng tượng rằng ở mỗi tư thế vận động cụ thể, cơ thể con người được quy vào một, hai hay ba hình lớn chung cho toàn thân. Các hình này liên kết hay chồng lắp lên nhau theo dạng thức nào đó (do động tác cụ thể tạo ra cũng như do góc nhìn của người vẽ).

Trong hình lớn chung ấy, ta có thể chia ra cho từng bộ phận: Thân với tay ở mỗi động tác, đầu với vai, chân với chân, thân với vai và hai tay, hay thân với chân và tay… Chính nhờ sự quan sát nắm rõ động tác cụ thể (theo góc nhìn, tầm nhìn) mà nhận ra các phân đoạn, các hình lớn chung hiển thị trên người mẫu (do quy hình) cũng như sự chồng, lấp của các hình theo chiều hướng nào đó tiêu biểu cho từng khu vực cụ thể.

Thí dụ 1: Người mẫu đứng thẳng, hai chân khép lại, hai tay chống vào giữa hông. Khi ấy nếu quy cơ thể vào “hình lớn” thì chúng ta có ba hình: hình thứ nhất là hình chữ nhật đứng tiêu biểu cho khu vực từ hai gót chân đến hai vai và hình thứ hai là hình tam giác nối tứ đỉnh đầu xuống hai đầu vai, hình thứ ba là hình tam giác nối đỉnh đầu với hai khuỷu tay (khi chống vào hông) cho đến đỉnh đầu. Còn trong chính hình tam giác lớn này chúng ta lại có hai hình tam giác nhỏ. Mỗi hình là một khoảng trống do hai cẳng tay (dưới và trên) cùng với hông tạo ra.

Thí dụ 2: Khi người mẫu đứng thẳng, hai chân khép sát lại, hai tay giơ lên, hai bàn tay, các ngón lồng vào nhau, đặt nằm trên đỉnh đầu… Lúc này toàn thân người quy vào một hình chữ nhật đứng và một hình tam giác (đáy là hai cẳng tay, đỉnh là hai bàn tay nắm lại trên đỉnh đầu).

Thí dụ 3: Người mẫu ngồi thẳng lưng trên ghế dựa hai chân hướng về trước song song… đùi trên và đầu gối cùng cẳng chân dưới tạo thành góc vuông. Lúc này toàn thân tạo thành hình chữ nhật. Hình hai cánh tay khoanh lại tạo thành hình chữ nhật nằm ngang đặt trên bụng.

Lúc này người quan sát để vẽ ngồi đối diện với người mẫu, nhìn thẳng vào phía trước người mẫu. Khi ấy anh ta quan sát, quy hình, so sánh, độ lớn của bốn hình lớn: thứ nhất là hình tam giác từ đỉnh đầu xuống hai đầu vai. Thứ hai là hình chữ nhật từ hai vai xuống hai khuỷu tay (do khoanh tay). Thứ ba là hình chữ nhật nằm ngang từ hai khuỷu tay xuống hai đầu gối. Thứ tư là hình vuông do hai đầu gối nối xuống hai gót chân. Tất cả bốn hình này đều có cùng trục tính từ đỉnh đầu xuống mặt đất (giữa hai chân).

Trên đây là phương pháp quy hình mà chúng ta cần hiểu để hỗ trợ cho sự quan sát và so sánh khi vẽ toàn thân người. Nhờ nó mà người vẽ sẽ có cách nhìn khái quát và dễ so sánh.

5. Quy khối, vẽ khối và trục trên cơ thể con người:

Chúng ta đều biết rằng trong không gian, một vật thể được kết hợp bởi một hay nhiều khối. Một khối được kết hợp bởi nhiều diện theo cấu trúc cụ thể khác nhau. Các loại diện, khối đều đặt dưới sự chi phối toàn bộ của quy luật chiếu tỏa ánh sáng và luật viễn cận, trên cơ sở nắm được đặc điểm về cấu trúc cơ thể học của mẫu. Đây là một quy luật khoa học về phân tích.

Người ta quy cơ thể con người vào các khối đơn giản theo thân (mông, ngực) đầu và tay chân. Mỗi con người với đặc điểm cân đối cơ thể học khác nhau, có độ lớn nhỏ (hình của khối) của các khối khác nhau.

Trên toàn thân người chúng ta có thể quy các khối lớn và nhỏ như sau:

* Về khối lớn:

- Khối đầu: Là khối cầu + khối tam giác của vùng cằm hay quy toàn bộ khối này vào khối chữ nhật đứng để hình dung các diện của nó khi chịu tác động của ánh sáng.

- Khối thân người: Bao gồm toàn bộ khối lưng, vai, bụng. Chúng ta tưởng tượng khối này được lắp ráp bởi ba khối: Khối thứ nhất (có dạng hình thang mà phần trên là hai vai, phần dưới là sự kết nối của hai mạn sườn); Khối thứ hai (có dạng hình cầu, đó là khối bụng. Khối này nằm ngay dưới mạn sườn và xương ức dẫn xuống bộ sinh dục gắn vào khối mông. Nó được như là “khối đệm”); Khối thứ ba (là khối mông, tính từ hai xương chậu xuống hai khối cơ mông).

Trục liên kết của ba khối này là trục xương sống. Đặc điểm quan trọng của khối thân người là khối thứ nhất và khối thứ ba có khi có sự chuyển động độc lập khi cơ thể con người xoay về mọi phía, cúi xuống ngẩng lên, nghiêng bên này hay bên kia. Chúng ta quan sát khối ở cơ thể con người căn cứ vào các yếu tố cụ thể như sau:

- Độ lớn, tầm vóc của từng khối: Do so sánh khối ngực, khối mông, khối đầu và khối của chân tay. Có người vai thật rộng như vậy bề rộng của khối ngực lớn. Có người mông nhỏ, như thế hình khối của mông nhỏ…

- Hình thể, chiều hướng của khối: Khối đầu ở tư thế thẳng hay nghiêng, cúi hay ngửa… Khối thân trên ở tư thế nằm ngang hay nghiêng (trái phải, cúi ngửa). Khối mông hay nằm ngang hay bên cao, bên thấp (do ngồi trên một hay hai mông).

- Độ căng nở, rắn chắc hay mềm nhão của khối: Các khối của con người là do thịt, mỡ thể hiện qua các cơ, gân… bao bọc theo xương tạo ra. Mỗi người tùy theo phái tính (nam, nữ), lứa tuổi (trẻ, già) thành phần xã hội (lao động, trí thức), tính chất lao động (lao động nặng, lao động nhẹ) mà cơ bắp thân thể có độ căng nở khác nhau.

Ở thanh niên là vận động thì các khối cơ thể nở nang rắn chắc. Thiếu nữ bình thường thì cơ bắp mềm mại, thon thả, không thấy xương. Phụ nữ vận động viên thì cơ bắp, khối có độ căng nở hơn. Ở cơ thể nữ có lượng mỡ nhiều hơn nam. Ở người già thì các cơ teo, chảy xệ, đôi lúc các cơ teo hẳn còn da bọc xương.

Người già thì xương nhô rất rõ, các nếp nhăn rất nhiều. Thông thường muốn hiểu được độ nở của các khối, của tay chân, thân người… chúng ta tưởng tượng phải cắt đoạn các bộ phận ấy để hiểu được độ nở của từng bộ phận mà diễn tả đúng mức.

- Độ dày của khối: Có người lớn con, vai rộng nhưng thân người bề dày mỏng; có người nhỏ con, nhưng cơ thể có độ dày thật chắc. Chúng ta xét khối dựa trên ba yếu tố trên và luôn luôn quy khối thành hình khối cụ thể để hiểu được các diện một cách rõ nét. Trên cơ sở quy khối, hiểu hình của khối, hình của diện, các điểm mấu chốt trên cơ thể, nắm được các trục của từng khối, so với trục xương sống, trục cân đối của thân người. Chúng ta mới vận dụng luật viễn cận, theo sự chuyển động của các đường trục mà tạo khối lớn, có những diện lớn đúng tương quan tỷ lệ, đúng tính chất của khối (căng nở, mềm mại, chảy xệ…).

Có hiểu được các đường trục, sự thay đổi, biến chuyển, vận động của nó (tùy theo độ lồi, lõm, cao, thấp của các khối, các bộ phận của từng cơ thể cụ thể) cũng như có hiểu khối, hiểu cấu trúc ở các diện của khối, hiểu được ranh giới giữa diện này và diện kia dưới tác động của luật viễn cận, luật chiếu tỏa của ánh sáng… thì chúng ta mới dựng hình đúng, không sai trục, móp khối (lệch diện sai bóng).

Trường hợp lúc dựng hình thì đúng, giống mẫu nhưng khi lên bóng thì bị sai, bị hư hình, lệch khối là do chúng ta nhấn bóng không đúng chỗ (đúng diện, đúng vị trí, biên giới từ diện này sang diện kia), không đúng độ đậm nhạt (chỗ nhạt thành đậm, chỗ tối thành sáng). Bởi vì trong quá trình khi tô bóng chồng lên thì hình vẽ sẽ bị nhờ hay mờ đi. Do đó ngày trong quá trình tô bóng là chúng ta cần phải liên tục dùng nét vẽ để chỉnh lại hình từ vị trí và độ đậm cảu nét cho thích hợp.

6. Ánh sáng tác động trên các khối của cơ thể:

Thông thường dưới tác động của ánh sáng mặt trực tiếp từ trên xuống thì mặt nằm (vì mặt nằm thẳng góc với tia sáng 900, mặt xiên, mặt cong, hứng ánh sáng nhiều hơn mặt đứng (trừ ánh sáng chiếu xiên, gián hay phản chiếu).

Chúng ta ai cũng biết rằng, dưới quy luật chiếu tỏa của ánh sáng thì diện nào tiếp xúc với tia sáng ở môt góc độ lớn (tia sáng thẳng góc 900 thì diện này tiếp nhận ánh sáng tốt hơn, còn tia sáng chiếu xiên vào diện nào thì sự tác động của ánh sáng sẽ yếu đi (do ánh sáng trượt đi). Như vậy, các diện xiên không bắt sáng tốt.

Nói chung, chúng ta nên quy khối toàn bộ các bộ phận trên cơ thể để so sánh tương quan về tầm vóc, độ nở, độ dày, độ căng của khối, của các diện dưới tác động của ánh sáng so với hướng chiếu, quang lượng, khoảng cách cụ thể.

Trường hợp vẽ toàn thân dưới sự tác động của ánh sáng thiên nhiên thì người vẽ phải quan sát sự di chuyển và tác động của ánh sáng trên thân người mẫu theo giờ và chọn giờ mà ánh sáng tác động tốt vào mẫu (nếu buổi sáng thì từ 8 giờ đến 10 giờ; còn chiều thì từ 2 giờ đến 4 giờ) để chọn lấy thời điểm mà ánh sáng đẹp nhất theo góc nhìn của người vẽ hướng về người mẫu, nghĩa là phải chọn và nắm bắt khoảnh khắc điển hình để tạo hệ thống ánh sáng tốt nhất. Sau đó tô bóng lên, đi vào diễn tả các độ bóng từ toàn bộ đến chi tiết một cách khoa học trên cơ sở sự phân tích, triển khai các mối tương quan một cách đầy đủ, đúng mức.

Tuy nhiên, để ánh sáng ổn định, dễ quan sát, tô bóng thì chúng ta nên vẽ với sự tác động của ánh sáng nhân tạo (ánh sáng đèn). Đây là yêu cầu mang tính chất sư phạm trong những bước đầu vẽ hình họa toàn thân người. Bởi lẽ, ánh sáng loại này luôn ổn định. Điều quan trọng là cách đặt ánh sáng, quang độ của đèn, có hai hướng chính phụ rõ ràng. Dĩ nhiên, không phải ai hiểu biết được phương pháp phân tích có hệ thống này là có thể vẽ được, vẽ đẹp, vẽ đúng ngay. Bởi vì chỉ là phương pháp nhận thức, còn tay nghề, kỹ năng, kỹ xảo phải là kết quả của một quá trình rèn luyện có thời gian.

Mọi phương pháp nhận thức, mọi khả năng, kỹ năng diễn tả đều phải được người học luyện tập thường xuyên để những điều này trở thành thuần thục dần dần và biến thành những phản xạ nhạy bén. Khi ấy, giữa cái nhìn, sự quan sát, khả năng thấy (mức độ thấu cái hiểu) ý muốn của người vẽ và thao tác của bàn tay thành một chu trình hợp nhất tuyệt vời.

toan than 7

Cách vẽ phác phần đầu người trên cơ sở đơn giản thành khối

toan than 8

Khối sọ được đơn giản hóa

toan than 9

Hình vẽ phác đầu theo các góc nhìn, tầm nhìn

Hãy áp dụng kiến thức về luật viễn cận để quan sát người mẫu và vẽ lại trên giấy

toan than 10

Cấu trúc mắt, mũi, miệng, tai

toan than 11

Cấu trúc mắt, mũi, miệng, tai, cơ mặt

toan than 12

Khái quát cách biểu hiện tình cảm trên khuôn mặt

toan than 13

Một số trạng thái biểu hiện cảm xúc trên mặt

>>> Bí quyết khi vẽ toàn thân người (Phần 1)

>>> Hình họa cơ bản

>>> Hình họa sơn dầu - Sưu tầm

 

0976984729