Bí quyết khi vẽ toàn thân người (Phần 1)
Để vẽ được những bài hình họa toàn thân người thì chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề chung như sau:
1. Quan sát và phân tích: Vẽ là sự vận dụng kiến thức, thao tác tổng hợp: phương pháp để nhìn thấy, phân tích, để hiểu, cảm xúc và sử dụng những hiểu biết khoa học, trình độ tay nghề để diễn tả. Nhưng để thấy và hiểu rõ đối tượng thì chúng ta phải biết cách nhìn ngắm, quan sát.
Do đó, khi đứng trước một người mẫu, là đối tượng mà mình sắp nghiên cứu để vẽ, các bạn học sinh, sinh viên nên tập trung các suy nghĩ hay tự đặt một số câu hỏi trong đầu như sau:
- Người mẫu là nam hay nữ, lứa tuổi nào?
- Đặc điểm ra sao và chúng ta sẽ nghiên cứu họ ở động tác, tư thế nào?
- Chúng ta chọn chỗ đứng vẽ ở góc nhìn, tầm nhìn cụ thể nào và tại vị trí ấy khả năng nhìn thấy người mẫu ra sao, có tốt không?
Từ đó chúng ta tập trung sự quan sát, phân tích, phát hiện những đặc điểm của đối tượng.
Chúng ta đặt đối tượng quan sát trong mối quan hệ ở không gian ba chiều bên ngoài, đấy là một khoảng không gian, thời gian nhất định. Sự tương quan cần nắm bắt cho được trong phạm vi bài vẽ toàn thân là: Sự tương quan về chiều cao so với chiều ngang và bề dày của toàn thân người mẫu; Sự tương quan về mức độ tĩnh, động của các bộ phận trên người mẫu (khối đầu, khối thân trên, khối thân dưới, hai chân…); Sự tương quan đậm nhạt trong toàn bộ hệ thống ánh sáng tác động trên người mẫu.
Do đó, quan sát được hiểu đúng nghĩa của nó là một tri giác có chủ định, có chương trình thực hiện theo một mục đích nhất định nào đó. Khi ấy, đối tượng được quan sát trở thành đối tượng ở trong phạm vi bị chinh phục bởi người quan sát.
Có quan sát một cách khoa học thì sự vật, bản chất và hiện tượng toàn vẹn của nó mới được phát hiện, được phân tích, gạn lọc kỹ lưỡng. Khi ấy, “cái thấy” sẽ trở thành “trình độ thấy” sâu sắc. Đấy là sự phát hiện được cả chiều sâu bên trong của đối tượng, thấy được đối tượng với bản chất thực sự của nó.
Thông thường thì thị giác của chúng ta cũng hay bị đánh lừa, vì sự vật, đối tượng hiện ra trước mắt chúng ta không phải hoàn toàn độc lập mà là bị tác động, sự liên quan chặt chẽ với môi trường xung quanh. Hơn nữa, đôi khi chúng ta lại để ý nghĩ chủ quan của mình lấn át thực tế khách quan cho nên có khi chúng ta không phát hiện được những đặc điểm của đối tượng.
Như vậy khi nghiên cứu, chúng ta phải tôn trọng thực tế khách quan, phải trung thực với mẫu vẽ. Nếu không quan sát đúng mức, có phương pháp với sự trợ lực của kiến thức về các môn khoa học khác như: Cơ thể học, khả năng vận động vật lý cơ thể học, luật viễn cận, quang học, quy luật chiếu tỏa của ánh sáng, màu sắc… thì chúng ta sẽ thiếu nền tảng để phân tích một cách thật lô gíc.
Vì mục tiêu của quan sát là để hiểu rõ biểu tượng tượng từ bên trong, cho nên chúng ta cần phải quan sát đối tượng ấy ở nhiều phía, lúc tĩnh lúc động theo động tác cụ thể thì mới kết luận được sự đánh giá của mình.
Chính vì trên thực tế có khi, có người quan sát không đúng mức, không vận dụng kiến thức tổng hợp mà chỉ nhìn sơ lược, nhìn cục bộ, sa vào tiểu tiết… Như vậy, “cái thấy” ở lĩnh vực một bài họa nghiên cứu là kết quả của sự tư duy, sự động não, phân tích một cách khoa học. “Cái thấy” là hiệu quả của sự đánh giá nghiêm túc, sự vận dụng trên cơ sở hiểu rõ về các môn khoa học: Giải phẫu học, vật lý cơ thể học, luật viễn cận, quang học, màu sắc… Chúng ta hiểu đối tượng ấy trong nhiều tương quan cụ thể từ trong bản thân cơ thể của mẫu thông qua những quan sát, nhận định từ đặc điểm cấu trúc cơ thể học… cho đến dáng dấp, thần sắc, phong thái, đến các khối diện, màu sắc, sắc độ, chất liệu của bản thân đối tượng…; so với bối cảnh, môi trường lân cận như: bàn ghế, vải phủ, dụng cụ lao động, ánh sáng, không gian, thời gian.
Tóm lại, trước khi bắt đầu vẽ, trước tiên chúng ta phải hiểu đối tượng đồng thời chúng ta còn phải cần xác định mức độ của việc nghiên cứu của chúng ta nữa nghĩa là chúng ta phải xác định rõ các yêu cầu (số lượng và mức độ) nghiên cứu một bài hình họa: vẽ chỉ nhằm để học tập rèn luyện; vẽ dùng cho việc thể hiện nội dung chủ đề sáng tác nào; chất liệu thể hiện bài vẽ là gì? bằng bút chì, bằng than vẽ, bằng bút sắt, sơn dầu, sơn mài, lụa, đồ họa… từ đó chúng ta phải có phương pháp nghiên cứu, thể hiện thích hợp.
2. Tìm ở đâu để thấy các đặc điểm của đối tượng:
Mục đích chủ yếu của việc quan sát trước khi vẽ hình họa toàn thân người ta là để thấy và hiểu rõ những đặc điểm của người mẫu mà mình định vẽ. Theo kinh nghiệm thì trước khi quan sát, chúng ta nên tự đặt trước trong đầu mình một số câu hỏi để làm tiền đề cho sự quan sát và phát hiện trên người mẫu:
- Nên chia chiều cao toàn thân người mẫu (cho dù mẫu đứng hay ngồi) ra làm 2, 3 hay 4 phần bằng nhau thì chỗ nào, vị trí nào, bộ phận nào trên cơ thể là dấu mốc cho sự phân chia đó?
- Trọng lực toàn thân của tư thế người mẫu (cho dù là mẫu đứng hay ngồi) rơi ở đâu? Trọng lực, thế thăng bằng của người mẫu đứng trên hai chân hay một chân? Chân nào? Người mẫu ngồi với tư thế ấy thì trọng lực dồn trên một mông hay hai mông?
- Tư thế người mẫu như thế có mấy hướng chuyển động? Hướng chính ở bộ phận nào trên cơ thể? Hướng ấy xoay về phía nào? Mức độ xiên của hướng chuyển động ra sao?
Sau đó là những đặc điểm sẽ được nhận diện, phân tích trình tự như sau:
* Đặc điểm thể hiện trên dáng dấp, ngoại hình: Chúng ta biết rằng mỗi nhân vật cụ thể có đặc điểm về nhân dạng, dáng dấp, tương quan tỷ lệ, cấu trúc cơ thể học khác nhau… tầm vóc, độ nở của các khối trên cơ thể, phong thái cũng khác nhau. Cho nên dáng dấp, động tác bên ngoài là sự biểu hiện cụ thể cái cấu trúc bên trong cùng với phong thái riêng của mỗi người.
Thí dụ: Chúng ta nhận biết một người thân nào đó qua nhìn thấy bóng in trên nền trời, trong đêm trăng một cách rõ ràng mà không cần phải thấy rõ mặt mũi… có những người vóc dáng cao lớn, nhưng phong thái chậm chạp, lừ đừ, cũng có những người gầy yếu, mảnh khảnh nhưng phong thái nhanh nhẹn…
Tóm lại, không thể xét dáng dấp của mỗi người mà tách rời khỏi sự am hiểu về cấu trúc cụ thể của cơ thể và phong thái của người ấy được.
* Đặc điểm thể hiện trên độ lớn, độ nhỏ, độ lồi của khối trên cơ thể: Mỗi con người có cấu trúc cụ thể, có tương quan tỷ lệ các khối ở: thân, đầu, chân, tay… khác nhau. Mỗi khối có độ lớn, nhỏ, dài, ngắn, cao thấp, hình thể cũng không giống nhau.
Mỗi cơ thể con người ngoài các đặc điểm cấu trúc riêng lại có hình khối, độ căng, độ nở, độ rắn chắc, mềm nhão, chảy xệ hay thon thả của cơ bắp và cơ bắp trên mỗi cơ thể con người lại có mức độ sự rắn chắc hay mềm mại khác nhau, tùy theo phái tính, lứa tuổi, tính chất lao động nghề nghiệp, thành phần xã hội. Hơn nữa, mỗi người còn biểu lộ sinh khí, thần sắc khác nhau trên khuôn mặt của họ.
Do đó, đặc điểm thứ hai của đối tượng là ở sự tương quan độ nhô, lồi, lõm của các khối, tạo thành những cảm nhận về độ lồi lõm của khối do ánh sáng tác động vào.
Thí dụ nếu người mẫu nào khi làm mẫu mà bị ánh sáng mạnh chiếu vào ở góc độ chếch tác động trên các bộ phận: mắt chỉ còn các lõm tối, mũi, miệng kèm theo các bóng đổ cực mạnh.
Khi ấy, không cần nhìn rõ con mắt, con ngươi, lông mi, lông mày, lỗ mũi của người mẫu… chúng ta vẫn nhận biết người ấy một cách chính xác được. Do đó, chúng ta mới hiểu rằng tại sao trước khi đi sâu vào diễn tả các mẫu vẽ, chúng ta phải quy nó vào các mảng, khối lớn để có thể dễ nhìn, so sánh… từ đó có thể nắm bắt được những đặc điểm chung.
Cũng giống như thế, đối với các nhà điêu khắc thì trước khi nặn một tượng chân dung, người ta phải quy chân dung này vào hình khối với các mảng khối thật đơn giản khối để dựa vào đó mà tạo khối, tạo hình tượng ở dạng khối lớn… và trước hết là cho dù pho tượng chân dung được thể hiện bằng hình khối thật đơn giản nhưng phải giống người mẫu.
Từ cách tư duy ấy, nếu chúng ta diễn tả đúng được các tương quan tỷ lệ, độ nhô, lồi lõm (được quy vào dạng khối) của các khối ở đối tượng. Chính vì vậy, cho dù là mới vẽ tổng quát ở dạng khối lớn, thì những đặc điểm cơ bản, chung nhất của mẫu cũng phải giống. Đây là điều kiện tiên quyết.
Cho nên bất kỳ ai nếu có khả năng quan sát, phân tích, đánh giá, thể hiện mảng khối, hình của cơ thể tốt, mà không nếu giống được đặc điểm của đối tượng ở dạng khối thì cũng không đạt yêu cầu.
Mọi khuynh hướng thuộc lòng, hiểu cấu trúc cơ thể học, khối, mảng, diện một cách chung chung mà không gắn với đặc điểm cụ thể của người mẫu, của từng đối tượng đều là những quan niệm chưa đúng mức. Đây là phương pháp nhận thức và thực hành sai.
Chúng ta phải nhận thức và hiểu: Chúng ta vẽ cái gì? Cấu trúc, dáng dấp, tương quan cụ thể của nó ra sao? Chứ mẫu vẽ không phải là cái cớ để chúng ta áp đặt cái hiểu được thuộc lòng, được rập khuôn một cách chủ quan. Đây là sự khoa học về tính trung thực khi nghiên cứu và vẽ.
* Đặc điểm thể hiện trên chân dung: Đặc điểm từng người được bộc lộ rõ ở chân dung. Cho nên dung mạo, khuôn mặt cũng là đối tượng nghiên cứu trong bài hình họa toàn thân và trên đó lại có đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Ở đây chúng ta nghiên cứu đặc điểm con người ở chân dung.
Trước hết có chân dung mỗi người có thể là: hô, hóm, mặt vuông, mặt tròn, mặt dài, cằm bạnh, cằm chẻ, mắt lồi, mắt hí, mũi to, mũi quặp, miệng nhỏ, miệng rộng, trán thấp, trán cao, trán vồ…
Chúng ta có thể chia chân dung ra làm hai bộ phận:
* Khung chân dung: là dáng dấp tổng thể của toàn bộ cái đầu và mặt còn gọi là khuôn chân dung.
* Khuôn ngũ quan: là hình lớn giới hạn mắt, mũi, miệng trong vùng lớn. Vùng này nằm lọt trong khuôn mặt (khuôn chân dung).
Trước hết, chúng ta so sánh tỷ lệ lớn nhỏ giữa khung chân dung và khung ngũ quan so sánh độ nhô, độ lồi của các bộ phận trên mặt đối tượng với đường trục của mặt để hiểu được đặc điểm của từng con người cụ thể qua hai khu vực này, rồi mới đi vào chi tiết cụ thể sau. Do vậy, chúng ta không thể hiểu nhầm ý nghĩa bao quát của thuật ngữ này. Cho nên, thuật ngữ về chân trong hình họa đã chia ra các loại chân dung như sau:
- Chân dung của phần mặt (riêng phần đầu).
- Chân dung bán thân (cả đầu và một phần thân, trên phần thân này có áo và các phụ kiện kèm theo… kiểu áo, loại áo, phụ kiện giúp nêu rõ về con người, công việc, thành phần xã hội, giai cấp…).
- Chân dung toàn thân (toàn thân với cả trang phục; qua đó nêu rõ đặc điểm của cơ thể, thành phần xã hội, giai cấp: vua, quan…).
- Chân dung nhóm người (chân dung gia tộc, gia đình…).
Trên thực tế, ở những bài học đầu tiên về hình họa toàn thân, người ta không yêu cầu vẽ chân dung cực giống, chi li mà chủ yếu là vẽ giống ở cấu trúc, tương quan tỷ lệ, hình khối lớn mà thôi. Chỉ sau khi vẽ được khoảng 4 đến 5 bài thì mới đi sâu vào diễn tả phần này.
* Đặc điểm thể hiện trên thần sắc: Thần sắc là mức độ biểu hiện của sinh khí, tính tình của mỗi người bộc lộ ra ở chân dung mỗi người. Thí dụ trong thực tế đời sống có người có gương mặt thoáng coi bộ bặm trợn nhưng thần sắc dã dượi, động tác chậm chạp, mệt mỏi. Lại có người gương mặt đen đúa, xương xẩu nhưng thần sắc vui tươi, linh hoạt… Có người mới trông nét mặt là thấy sự uy nghi, chững chạc; cũng có người mới trông dung mạo thì biết ngay là người nghiêm khắc khó tính; lại có người mới trông khuôn mặt là thấy ngay sự vui tươi, cởi mở….
Thần sắc gắn liền với phong thái, sự linh hoạt của nét mặt thường kéo theo sự nhanh nhạy của điệu bộ, của tác phong. Sự dã dượi, u sầu thường kéo theo động tác chậm chạp, uể oải. Rất ít có trường hợp mâu thuẫn giữa tâm thái và điệu bộ.
Chúng ta quan sát chân dung, thần sắc trên cơ sở vận dụng sự hiểu biết về cấu trúc cơ thể học, chức năng của cơ bắp nhưng điều chủ yếu là vận dụng sự hiểu biết ấy kèm với sự dày dạn kinh nghiệm sống để phân tích từng con người cụ thể để phát hiện dược bản chất bên trong của họ. Và cuối cùng con người cụ thể ấy luôn luôn là điểm quan trọng cho sự tập trung nghiên cứu, phản ánh của chúng ta.
Riêng những kiến thức về sự nghịch lý có thật trong vóc dáng, dung mạo có thể ứng dụng cho vẽ minh họa phim hay sách (to xác nhưng uể oải…).
* Đặc điểm thể hiện trên bàn tay, bàn chân: Ngoài chân dung ra, bàn tay, bàn chân cũng có khả năng nói được tinh thần đặc điểm của đối tượng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cá biệt: Bàn tay, bàn chân lại trái ngược với tính chất lao đọng, con người của đối tượng. Đây là một vấn đề cần được lưu ý đúng mức trong khi nghiên cứu đối tượng. Vấn đề này đặc biệt được các nhà tướng học quan tâm khi đoán vận mệnh con người. Các bạn nên quan niệm một cách đúng mức rằng: bàn tay, bàn chân là những đối tượng rất khó vẽ, có thể còn khó hơn chân dung nữa. Nếu không nghiên cứu đúng mức thì làm sao chúng ta diễn tả được những bàn tay với một số động tác mà lại nói lên tinh thần cảm xúc của con người. Chúng ta hãy liên tưởng đến khả năng diễn cảm bằng động tác của bàn tay do các diễn viên trình diễn trên sân khấu. Chính thực tế cuộc sống làm cho ký ức về hình tượng con người của họa sỹ ngày càng phong phú thêm. Qua nghiên cứu, quan sát, diễn tả các hình tượng cụ thể ở từng con người cụ thể sẽ làm cho chúng ta thấy được kho tàng bất tận của cuộc sống. Đây là nói về phần những đặc điểm của mẫu người.
Tỷ lệ phần đầu người (dựa vào khối sọ)
Cấu trúc xương cổ và khả năng chuyển động của khối đầu ở nhiều tư thế
Thông qua xương cổ, sự chuyển động của dầu và thân có sự khác nhau về chiều hướng. Tùy theo mỗi góc nhìn, tầm nhìn thì bất kỳ sự chuyển động các phần mặt, xương gò má, mũi, miệng bị chi phối bởi luật phối cảnh.
Khái quát hình khối phần đầu người và cấu trúc vị trí xương sọ và phát triển theo độ tuổi
Xương sọ và sự quy khối đơn giản
Xương sọ người và sự phân tích theo đường trục
Trước khi vẽ phải quy đầu thành khối đơn giản
3. Các cơ sở để phân tích đối tượng: Mỗi người mẫu có những đặc điểm riêng như đã nói ở trên, họ là đối tượng để chúng ta quan sát, phân tích và vẽ lại theo từng vị trí nhìn khác nhau. Tuy nhiên, muốn phân tích một cách thật chặt chẽ, cặn kẽ, thật khoa học một đối tượng, trước hết chúng ta cần dựa vào trên sự cảm nhận một cách đầy đủ 3 yếu tố cơ bản sau:
Sự cân đối, mức độ tương quan giữa các bộ phận lớn trên cơ thể: Cân đối là thuật ngữ nói về sự tương quan tỷ lệ một cách hợp lý giữa các bộ phận ở cơ thể con người. Con người có cơ thể bị mất cân đối, cũng có người cơ thể có sự cân đối hoàn hảo, tuyệt đẹp. Đứng về góc độ thẩm mỹ thì toàn thân, từng bộ phận của thân thể mà bị mất cân đối là không đẹp. Tuy nhiên, mỗi người mẫu với những đặc điểm riêng. Họ có sự cân đối cá biệt, không giống như những tỷ lệ cân đối lý tưởng kiểu Hy Lạp xưa mà chúng ta đã nghiên cứu. Thí dụ: Sự cân đối giữa chiều cao và trọng lượng toàn thân; Sự cân đối giữa chiều cao của đầu, lưng so với chiều dài của chân; Sự cân đối giữa bề dày cảu thân người so với bề rọng của bụng, hông và vai; Sự cân đối giữa vị trí của vòng eo so với chiều cao của lưng, của thân (vừa, cao hay xệ….).
Sự cân đối giữa độ lớn và vị trí của bầu ngực so với thân người nữ. Vị trí của đầu vú so với chiều dài của cẳng tay trên.
Riêng nam giới thì chúng ta phải quan sát và nối các điểm để tìm ra tỷ lệ tương quan của các hình: hình thang do sự nối kết vị trí của đầu xương vai với 2 vú (hình thang đáy lớn ở trên), hình tam giác do nối kết vị trí hai đầu vú với yết hầu.
Sự cân đối giữa các bộ phận trên mặt: mắt, mũi, miệng… (to, nhỏ, dài, ngắn rộng hẹp so với bề rộng, bề cao của mặt). Chiều dài của từng bàn chân, bàn tay so với đầu (từ cằm đến đỉnh). Trong quá trình rèn luyện, vẽ hình họa thì chúng ta gặp rất nhiều loại, dạng người mẫu có mức độ trên cơ thể khác nhau.
Cho nên khi nghiên cứu một mẫu người, trước hết chúng ta phải quan sát, phân tích đặc điểm về cấu trúc cơ thể học cụ thể của họ để qua đó nắm được đặc điểm về sự cân đối của mỗi người. Mỗi con người đều có một tầm vóc, dáng dấp, sự cân đối riêng do cấu trúc bên trong tạo ra. Có người lưng dài, chân ngắn, có người tay ngắn, vai rộng mà lùn tịt, có người cao lõng thõng, khẳng khiu, có người có ngực rất rọng, mông nhỏ… Có người tay chân ngắn ngủn nhưng khỏe mạnh.
Mỗi sự cân đối đặc biệt đều có khả năng vận động phù hợp với khả năng chuyển động về vật lý cơ thể học khác nhau. Thí dụ: người chân dài thì bước đi rộng, người chân ngắn thì bước đi ngắn và họ có khả năng tạo sự thăng bằng riêng cho từng động tác cụ thể.
Do đó, chúng ta nghiên cứu đối tượng ở nhiều tư thế, trước hết phải quan sát, phân tích và hiểu sự cân đối ở nhiều góc; ở tư thế tĩnh, để vị trí đó làm tiền đề cho sự phân tích mẫu ở động tác tư thế động.
* Sự cân đối ở tư thế tĩnh: Một người có vóc dáng cân đối thì khi đứng im, ngồi bất động hay tư thế đang ở dạng “dừng lại”. Thí dụ một người đang im đứng tựa nghiêng người vào tường, khi ấy sự chuyển đọng của cơ thể (vốn cân đối) đang bất động thì sự tương quan giữa các bộ phận không bị biến dạng (trừ trường hợp nhìn từ trên cao xuống). Ở tư thế này thì thân người đứng vững không bị ngã, đổ. Người gọi tư thế này ở dạng thăng bằng tĩnh. Còn những người bất cân đối (lưng ngắn, tay dài…) thì khi đứng im hay vận động cũng lộ ra sự bất cân đối.
Muốn vẽ đúng về một con người với thế dáng, động tác cụ thể theo góc nhìn, tầm nhìn, khoảng cách cụ thể. Chúng ta cần phải quan sát họ ở nhiều góc nhìn, tầm nhìn khác nhau để hiểu rõ được đặc điểm của họ một cách chính xác. Có như vậy mới “hiểu”, “cảm thấy” (trường hợp góc nhìn không cho phép nhìn thấy đối tượng thể hiện ưu điểm của thế dáng. Đó là trường hợp mà góc nhìn, điểm nhìn bị khuất, bị hút ngắn do nhìn trực diện.
Khi quan sát chúng ta hãy tưởng tượng thân thể con người là một khối thủy tinh trong suốt để có thể cảm nhận được các phần khuất và phần bên trong.
* Sự cân đối trong tư thế chuyển động: Mỗi thế dáng, động tác của cơ thể của đối tượng hiển thị trước mắt chúng ta đều xuất phát từ tư thế tĩnh (toàn thân đứng thẳng bất động, khi ấy toàn thân ở dạng thăng bằng tĩnh) hay động (nhiều tư thế, đứng, xoay, ngồi, cúi, ngửa, khom, nằm, chạy tới, khi ấy toàn thân ở dạng thăng bằng động… cho đến các hướng chuyển động (thân trên xoay ngang, xoay nghiêng, hơi khom hay ngửa người, chân ngồi thẳng hay duỗi, tay khoanh lại hay bung ra, giơ lên, chống cằm, chống hông, cầm cây, vác cây… toàn thân cũng ở dạng thăng bằng động).
Ghi chú: Thuật ngữ “sự thăng bằng” hay còn gọi là “sự cân bằng: … không bị lệch đổ… hoàn toàn không đồng nghĩa với sự cân đối.
Tùy theo thế dáng và mức độ chuyển động của cơ thể người mẫu mà mỗi chúng ta thấy được tùy thuộc vào hai yếu tố chính: Một là tùy vào thế dáng, động tác của người mẫu; Hai là tùy thuộc vào vị trí, góc nhìn, tầm nhìn của người quan sát để vẽ.
- Về phía đối tượng: Chúng ta quan sát thấy có các yếu tố cơ bản để hình thành sự chuyển động và mức độ của nó ngay trên thế dáng, thân thể của người mẫu: Hình thái của tư thế, động tác … mức độ tĩnh hay động của toàn thân (đứng trên hai chân hay một chân, ngồi trên hai mông hay một mông…); Bộ phận chuyển động: Trên thân thể của người mẫu thì sự chuyển động được thể hiện rõ ở bộ phận nào (khối nào: phần đầu, phần vai, phần hông, phần mông…); chuyển động lên xuống: nghiêng qua nghiêng lại hay cúi xuống ngửa lên…); Trục thăng bằng trong tư thế của người mẫu: điểm rơi của trục ở vị trí nào trên mặt đất)… trục thăng bằng luôn tùy thuộc vào thế dáng, động tác…; Mức độ thăng bằng: (tĩnh hay động, vững chắc hay lệch đổ… có bộ phận nào phải dựa, tì hay chống để không bị ngã, đổ không); Hướng chuyển động của cả thân thể hay từng bộ phận: hướng về phía nào, trái, phải, cúi, ngẩng, thẳng hay xoay…; Mức độ chuyển động: (nghiêng ngả, ngẩng, cúi ít hay nhiều…) hay các động tác nằm, ngồi, đứng, khom, kéo, đẩy, nâng, vác… Mỗi hình thái, tư thế chuyển động cho chúng ta thấy mức độ thăng bằng hiển thị trên thế dáng của người mẫu; Các bộ phận chuyển động và mức độ vặn xoay của từng bộ phận trên cơ thể người mẫu: bộ phận nào tĩnh, bộ phận nào động? Động ở mức độ nào, xoay hướng nào?, thí dụ một người yên trên hai mông nhưng lưng thì xoay nhìn ngang. Thông thường thì mỗi động tác, thế dáng sẽ kéo theo sự thăng bằng, mức độ chuyển động các phần xương, cơ bên trong… mà khi chuyển động thì chiều hướng, hình dạng các khối cơ bắp sẽ thay đổi; Mức độ tiếp nhận ánh sáng của các khối, diện của các bộ phận cơ thể dưới sự tác động của ánh sáng thiên nhiên hay nhân tạo. Khi vẽ hình họa nên dùng ánh sáng nhân tạo thì tốt hơn, bởi vì lúc nào ánh sáng nhân tạo cũng ổn định. Tuy nhiên mức độ tác động của ánh sáng còn tùy thuộc vào các yếu tố: vị trí đặt nguồn sáng, tùy vào quang độ (cường độ của ánh sáng), góc chiếu của nguồn sáng, số lượng nguồn sáng chiếu vào (có mấy nguồn ánh sáng chính hay phụ tác động vào người mẫu, chuyển động của các hình khối trên cơ thể đối với hướng chiếu của ánh sáng bởi vì mỗi khối có các diện khác nhau và mỗi loại diện có cách bắt sáng khác nhau.
Mỗi tư thế thẳng, nghiêng, cúi, ngửa sẽ tạo nên sự xoay chuyển của các xương, cơ bắp bên trong… các hình khối của các cơ bắp chuyển động… từ đó dẫn đến các diện bên ngoài của các bộ phận cơ thể cũng thay đổi. Do đó mỗi bộ phận trên cơ thể có mức độ tiếp nhận ánh sáng khác nhau.
- Về phía người quan sát để vẽ: Ở vai trò là người quan sát thì tùy theo mỗi hướng nhìn, tầm nhìn, góc nhìn cho phép chúng ta thấy rõ hay thấy không rõ đối tượng. Tùy theo vị trí, góc nhìn chúng ta chỉ có thể thấy một số bộ phận ở phía đối diện với chúng ta và chắc chắn là không thể thấy ở phía bị khuất…
Ngoài góc nhìn thì tầm nhìn cũng quan trọng. Mỗi tầm nhìn cao hay thấp (quá cao, quá thấp)… sẽ có những phần thấy được và những phần không thể thấy. Và nó sẽ kéo theo sự tác động của luật viễn cận (do nhìn trên tầm mắt, dưới tầm mắt) sẽ kéo theo sự hiển thị cái đẹp của hình khối của cơ thể… kèm theo đó là mức độ khó hay dễ vẽ.
Như vậy, tùy theo tầm nhìn, góc nhìn mà người vẽ thấy được mức độ chuyển động của người mẫu không giống nhau. Mỗi góc nhìn, tầm nhìn cho chúng ta thấy mức độ chuyển động trên người mẫu khác nhau. Khoảng cách từ vị trí, điểm đứng của người vẽ sẽ cho khả năng thấy rõ hay mờ. Nói chung, chúng ta biết rằng: ba yếu tố (góc nhìn, tầm nhìn, khoảng cách) cho người nhìn khả năng thấy và sự thay đổi dạng thức hiển thị của hình ảnh về đối tượng.
* Sự cân bằng tĩnh và sự cân bằng động:
Bất kỳ tư thế nào mà người mẫu không bị nghiêng, ngã thì thế dáng đó có được sự thăng bằng dưới sự tác động của luật hấp dẫn của trái đất (sức hút của trái đất). Nếu sự thăng bằng được xác lập trên tư thế tĩnh (đứng dang hai chân, ngồi trên hai mông…) thì gọi là sự cân bằng tĩnh. Còn các tư thế nghiêng bên này, ngã bên mà không ngã, đỗ thì gọi là sự thăng bằng động.
Chúng ta tìm hiểu sự cân bằng động dựa trên cơ sở am hiểu rõ cấu trúc cơ thể học và ngoại hình của mẫu ở dạng thăng bằng tĩnh trước đó. Chúng ta cần phải hiểu sự cân bằng động qua phân tích về sự chuyển động nữa: Hiểu về động tác cụ thể để từ đó phân tích các hướng chuyển động chính, phụ. Hướng chuyển động chung, các hướng, trục thăng bằng, các trục chuyển động từng phần: thân (cột xương sống), cổ đầu và tay chân, xương hông, xương vai, đầu ngực (vú)… Mỗi động tác cụ thể đều có hướng chuyển động chính, phụ tạo thành sự thăng bằng cho cơ thể, cho động tác, bảo đảm sự vững chắc, ổn định của từng động tác.
Như thế, mỗi thế chuyển động đều có trục thăng bằng riêng. Trục thăng bằng toàn thân, trọng lực rơi ở đâu còn tùy thuộc vào tư thế cụ thể: ngồi, đứng, khom, kéo, đẩy, xách, chạy, nhảy.
Các bạn phải dùng dây dọi để xác định điểm rơi của trục thăng bằng ấy. Khả năng chuyển động của từng bộ phận trên cơ thể, tư thế đều phụ thuộc vào khả năng vận động của xương, cơ; của khả năng vật lý cơ thể học riêng của từng người mẫu.
Chính vì việc hiểu được các hướng chuyển động, mức độ chuyển động, sự thay đổi về hướng chuyển động trên từng bộ phận của cơ thể với mức độ khác nhau, đã giúp cho người vẽ có cách quan sát, nhận định đối tượng để quy chúng vào các hình chung mang tính khái quát nhất (do người vẽ quy kết), trên cơ sở nắm bắt, hiểu được toàn bộ động tác ở toàn thân.
Khi ấy các hướng chuyển động ấy làm cơ sở cho sự khái quát, quy hình đơn giản để chúng ta phác nét, dựng hình toàn bộ trước. Các hình ấy bao hàm các hình lớn chung của các bộ phận của cơ thể và hình của các khoảng trống.
>>> Hình họa - Khoa học của nghệ thuật thị giác
>>> Kỹ thuật vẽ một bài hình họa