Hình họa – Khoa học của nghệ thuật thị giác
Trong các môn học khởi đầu của nghệ thuật thị giác thì Hình họa là môn học mang nhiều dấu ấn trí tuệ nhất, lý tính nhất. Một trong các lý do để các họa sỹ hàn lâm trong các học viện mỹ thuật châu Âu thế kỷ 17-18 được tấn phong Viện sỹ vì họ là những người nghiên cứu hình họa – một tri thức về nhân thể. Môn Hình họa hay cũng được gọi là Nghiên cứu hình họa xuất hiện trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20. Nếu căn cứ vào văn bản thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương của toàn quyền Melin năm 1924, tuy có một lịch sử lâu dài như vậy, nhưng nghiên cứu hình họa ở Việt Nam được giảng dạy như một tập hợp kỹ năng thông qua một số đối tượng cụ thể theo lối dạy nghề, kinh nghiệm và ở mức độ tiền khoa học.
I. Nghiên cứu hình họa là một thuật ngữ khoa học:
Hình họa là một thuật ngữ mỹ thuật được dịch từ Dessin trong tiếng Pháp. Đây là cách dịch chuẩn mực, sát nghĩa, dễ hiểu. Người Trung Quốc dịch nó là tố miêu nguyên do Quốc họa Trung Hoa có một phép vẽ tương tự như thế gọi là bạch miêu. Bạch miêu là lối vẽ chỉ dùng nét để miêu tả đối tượng. Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng Trung Quốc nên dịch Dessin là Sumio (tiếng Hán tố miêu đọc là Sumiao). Chúng ta phải cảm ơn thế hệ các họa sỹ thời Mỹ thuật Đông Dương đã chuyển ngữ chính xác thuật ngữ phương Tây sang tiếng Việt.
Hình 1: Tranh vẽ lớp học hình họa của Michelange Houasse, vẽ năm 1725,
kích thước 61 x 72.5 cm, chất liệu sơn dầu
Hình 2: Bản vẽ của Leonardo da Vinci nghiên cứu về thai nhi
Hình 3: Tượng tổ Truyền Đăng, chùa Tây Phương, Hà Nội
Hình 4: Nghiên cứu tượng châu Phi đã ảnh hưởng đến sáng tác của Picasso giai đoạn Lập thể
Hình 5: Chân dung nhạc sỹ Văn Cao của Trần Hậu Yên Thế trong triển lãm Phòng Cấp cứu
tháng 11 năm 2009 vẽ trên chất liệu bóng bì
Hình 6: Trích đoạn tranh Hàn Hy Tái dạ yến đồ
Hình họa nghiên cứu (Y. Studio di digegno /P. estudes de dessin / A. drawing stud), trong nhiều văn cảnh người ta chỉ nói tắt là nghiên cứu. Có thể hình dung các họa sỹ bậc thầy như Leonardo da Vinci đồng thời là một nhà bác học, nhà phát minh sáng chế. Những bức vẽ thai nhi, giải phẫu cơ thể của ông là những ghi chú thị giác trong hoạt động nghiên cứu (Hình 2). Một bức nghiên cứu (Y. Studio /P. études/A. study) chính là một bức vẽ hình một đối tượng nào đó trong quá trình tìm hiểu, mổ xẻ, phân tích, khảo cứu – cái đó là nghiên cứu. Phương Tây có một quan niệm phổ biến coi nghệ thuật cũng là một hình thức của tri thức. Tri thức đạt được thông qua hoạt động nghiên cứu.
Chúng ta có may mắn ngay từ buổi đầu đã dịch đúng thuật ngữ này. Ở Trung Quốc dịch study thành học tập nên ngay cả cuốn Tố miêu nghiên cứu của Cừu Băng Ba và Mã Dã, NXB Mỹ thuật Liêu Ninh, thì các tác giả cũng không coi các bức vẽ hình họa thời Phục Hưng như là sản phẩm của một hoạt động nghiên cứu. Nghiên cứu hình họa là cách gọi chính xác nhất cho một hoạt động nghệ thuật có tính chất khoa học. Mặc dù “nghiên cứu hình họa” chưa được hợp pháp hóa trong các văn bản quy chuẩn có tính quốc gia nhưng nó luôn xuất hiện trong những buổi lên lớp của các thầy giáo trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trong một số cuốn luận văn về môn học hình họa, từ “nghiên cứu hình họa” được lặp đi lặp lại với một tần suất khá cao.
Việc gọi tên môn học Nghiên cứu hình họa thay cho Hình họa có giá trị là:
- Nhấn mạnh đến tính chất của môn học.
- Coi vẽ hình trước hết là một hoạt động nghiên cứu thực tại thông qua nghệ thuật.
- Đòi hỏi cho nó một hệ thống lý thuyết tương ứng, một tỷ lệ lý thuyết trong thời gian giảng dạy.
- Cần thiết xây dựng hệ thống khái niệm thuật ngữ.
- Các khái niệm của môn học Nghiên cứu Hình họa.
Để thực sự trở thành một môn học có tính hàn lâm, việc chuẩn hóa các khái niệm là công việc phải làm trước tiên:
- Hình họa (Y. Digegno /P. Dessin / A. Drawing) là những bức vẽ đơn sắc một hay nhiều đối tượng thực.
- Hình họa hàn lâm (Y. Digegno accademico /P. Dessin Académique/A. Academy drawing) là những bức vẽ hình họa trong các viện hàn lâm nghệ thuật châu Âu tập trung nghiên cứu sâu vào độ đậm nhạt, khối và giải phẫu. Các trường mỹ thuật của Liên Xô cũ tiếp thu truyền thống này và phát triển thành một thể loại độc lập.
- Hình họa nhân thể (Y. Disegno corpo umano/ P. Dessin du corps humain/ A. figure drawing): Là những bức hình họa vẽ cơ thể người, thường là khỏa thân.
Nghiên cứu khỏa thân (Y. Studio di nudo/ P. Étude de nu/ A. nude figure study) khác nghiên cứu hình họa nhân thể chủ yếu ở vấn đề phương pháp và công cụ. Trong nghiên cứu khỏa thân, người ta không giới hạn chất liệu và màu sắc, nhưng nghiên cứu hình họa nhân thể chủ yếu là đơn sắc, với chất liệu khô như chì, than, ướt như bút lông, bút sắt. Ở Việt Nam hiện nay chưa có sự phân tách dứt khoát giữa hình họa nhân thể và hội họa nhân thể (Y. Pittura figure study) khác nghiên cứu hình họa nhân thể chủ yếu ở vấn đề phương pháp và công cụ. Trong nghiên cứu khỏa thân, người ta không giới hạn giới hạn chất liệu và màu sắc, nhưng nghiên cứu hình họa nhân thể chủ yếu là đơn sắc, với chất liệu khô như chì, than, ướt như bút lông, bút sắt. Ở Việt Nam hiện nay chưa có sự phân tách dứt khoát giữa hình họa nhân thể và hội họa nhân thể. Duy nhất ở Việt Nam, người ta vẫn coi bất cứ bức vẽ sơn dầu có mẫu thật ở các trường là bức hình họa nghiên cứu.
- Hình họa trực tả (A.Direct drawing P. Dessin en direct Y. Disegno diretto): là những bức vẽ hình họa có mẫu cụ thể, vẽ trực tiếp trước đối tượng.
Đây là thế mạnh trong nghiên cứu hình họa của phương Tây. Đại đa số các bức nghiên cứu hình họa từ thời Phục Hưng đến nay ở châu Âu đều thực hiện theo lối vẽ này. Khi nghiên cứu cơ thể, để phân biệt vẽ các tượng thạch cao hình người, môn học hình họa còn có thêm thuật ngữ: “Y. Disegno vivo modello” (A. live model drawing P.Dessin modèles vivants), đã có người dịch nó là: “vẽ mẫu sống”, tuy vậy cách chuyển ngữ này hơi sượng. Vì ngày nay, không ai bày một xác chết lên để vẽ, vậy nên chăng là “vẽ mẫu thật”, vì thật cũng có nghĩa là sống động.
- Hình họa ám tả (Y. Disegno della memoria/ P. Dessin de mémoire/ A. Memory drawing): là những bức vẽ hình họa theo trí nhớ, vẽ bởi sự ám ảnh về một đối tượng nào đó.
Một số khái niệm về hình:
- Hình – Hình thể (Y Corpo/ P. Corps/ A. Body): Hình thể liên quan đến thể tích, trọng lượng vật chất của hình.
- Hình – Hình dáng, hình hài, hình vóc (Y. Andatura/P. Allure/ A. Shape): Hình dáng, hình hài, hình vóc liên quan đến dáng vẻ nhận biết bên ngoài của hình.
- Hình – Hình ảnh, hình bóng (Y. Immagine/ P. Image/ A. Picture):
Hình ảnh, hình bóng ngoài ý nghĩa thị giác thuần túy, từ này liên quan đến phần hình ảnh được ghi nhận trong não bộ. Hình ảnh, hình bóng mang tính chủ quan, phụ thuộc vào cảm nhận của người quan sát, không thuần túy tính vật chất như hình thể và hình dáng. Cho nên trong văn chương, người ta vẫn viết: hình ảnh (của ai người này) im đậm trong trái tim (người kia).
- Hình – Hình thái (Y. Morgologia/ P. Morphologie/ A. Morphology):
Hình thái ý nghĩa ban đầu của từ này là những trạng thái của hình. Ví dụ cũng là nước khi sôi trăm độ với nước dạng băng đá có những hình dạng khác biệt. Sự biến đổi trạng thái của hình là một hiện tượng vật lý phổ biến trong tự nhiên. Chiếc lá trên cành màu xanh khi khô rụng xuống đất đổi thành nâu vàng, mép lá quăn lại. Hình thái là trạng thái của hình. Hình trong vận đọng hay đứng yên có những biểu hiện khác nhau. Hình người đứng với người nằm có những góc nhìn rất giống nhau, nhưng trạng thái khác nhau. Khác biệt giữa nghiên cứu tượng với người mẫu không phải ở hình thể, hình khối, hình dáng mà chính là trạng thái của hình. Xây dựng hình trong phim hoạt hình đòi hỏi cao độ sự tinh tế của hình thái bởi các trạng thái hình trong phim hoạt hình đòi hỏi cao độ sự tinh tế của hình thái bởi các trạng thái hình trong phim hoạt hình liên tục thay đổi và thay đổi với tần suất cao. Thực tế cho thấy những bài ký họa chân dung trong thời gian đi thực tế của sinh viên bao giờ cũng sinh động, có chiều sâu nội tâm hơn những bài vẽ nghiên cứu chân dung trên lớp. Trạng thái tâm trạng (hỷ - nộ - ai - ố - lạc – dục) biểu lộ trên chân dung trong các tượng thờ cổ truyền rất phong phú, các trường Mỹ thuật ở Việt Nam cần tận dụng di sản tiếu tượng này. Nếu chưa có đủ điều kiện làm được các phiên bản theo những chất liệu truyền thống thì cũng rất nên có những phiên bản thạch cao các đầu tượng Hộ pháp (chùa Tây Phương), tượng Adiđà (chùa Dâu), Thích Ca, Tuyết Sơn, Bà Tu Mật (chùa Tây Phương)…
- Hình – Hình tướng (Y. Fisionomia/ P. Physionomie/ A. Physiognomy): Hình tướng là một khái niệm phức tạp của phương Đông. Hình tướng là những dấu hiệu bên ngoài thể hiện những đặc tính bản chất của đối tượng. Một bức chân dung đạt tới độ truyền thần phải là bức vẽ lột ả được hình tướng của nhân vật. Với nghệ thuật biếm họa, nắm bắt hình tướng của nhân vật là bí quyết của nghệ thuật này. Hình tướng (Rupabhêda) trong sáu chuẩn Sadanga của Ấn Độ có khác với hình tướng trong tiếng Hán. Nghĩa tiếng Hán có phần hẹp hơn, chủ yếu dùng cho động vật như người, ngựa, chó do thuật xem tướng rất thịnh hành ở Trung Hoa từ thời viễn cổ. Hình tướng trong nghệ thuật Phật giáo liên quan đến hành vi quán tưởng. Có thể khẳng định rằng Phật giáo đã rất thành công khi sử dụng nghệ thuật tạo hình để quảng bá hoằng dương Phật pháp. Khi các tín đồ đạo Phật tập trung quán tưởng vào các tượng Phật sẽ tự nhiên khởi sinh những ý niệm về triết lý từ bi hỷ xả của tôn giáo này. Phật giáo trong suốt trường kỳ lịch sử của mình đã tạo ra một khối lượng cực kỳ đồ sộ các dạng thức hình tướng. Hệ thống tượng các vị tổ Truyền Đăng ở chùa Tây Phương hay sớm hơn là hệ thống tượng La Hán ở chùa Bút Tháp là những mẫu mực trong việc xác lập phong phú các hình tướng nhân vật (Hình 3: Tượng tổ Truyền Đăng, chùa Tây Phương, Hà Nội).
- Hình – Hình tượng (Y. Fugura/ P. Figuration/ A. Figuration):
Được dùng trong nghệ thuật hàm ý một cá tính đặc trưng, khái quát cụ thể, để một hình ảnh đạt tới giá trị một hình tượng. Hình tượng là một khái niệm rộng, phổ biến.
- Hình – Tượng hình (Y. Image/ P. Image/ A. Image):
Khác với thuật ngữ hình tượng, tượng hình là khái niệm đặc trưng của nghệ thuật thị giác. Chúng ta vẫn nói chữ Ai Cập và chữ Hán là chữ tượng hình vì ý nghĩa được truyền đạt thông qua cách tổ chức các tín hiệu hình ảnh.
Tượng hình phù hiệu (A. Pictorial symbol) được sử dụng rất rộng rãi trong các bảng hiệu giao thông, bản đồ, sơ đồ. Tượng hình phù hiệu liên quan trực tiếp đến khả năng tư duy tượng hình của con người.
Tư duy tượng hình (A. Imaginal thinking) là một trong những phương thức tư duy căn bản nhất của con người. Thật thú vị khi chữ tượng hình trong tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ý giống hệt nhau. Và thú vị hơn nữa là sự tưởng tượng của con người – sự hình dung trong ý niệm, lại liên quan chặt chẽ đến tượng hình. Chữ tưởng tượng Imagine xuất phát từ Image. Cũng như thế, trong tiếng Hán, chữ tượng trong tưởng tượng chính là chữ tượng trong tượng hình.
Với sự phát triển của Internet và đồ họa vi tính, con người đang chứng kiến sự bùng nổ của thế giới tượng hình. Với những người làm việc trong lĩnh vực thị giác, khả năng tư duy tượng hình đặc biệt phát triển. Cũng có thể nói rằng, giáo dục mỹ thuật là giáo dục khả năng tư duy tượng hình.
II. Các đối tượng chính trong nghiên cứu hình họa:
Nghiên cứu hình họa là kết quả nhận biết đối tượng thông qua hoạt động quan sát. Rất xác đáng khi họa sỹ Degas nói “Hình họa không phải là hình thể, mà là những quan sát về hình thể”.
Vì hình họa khảo sát những đối tượng rất cơ bản của thị giác, thông qua việc nghiên cứu hình họa, người học được học cách “nghiên cứu”. Hình trong mối quan hệ giữa tính vật chất của hình thể với những cảm nhận tâm lý.
* Hình và Ánh sáng:
Leonardo da Vinci phát hiện ánh sáng không chỉ là điều kiện để cho chúng ta nhận ra đối tượng mà còn góp phần tạo ra vẻ đẹp và tính cách cho đối tượng. Hình trong hội họa Phục Hưng tràn ngập ánh sáng với rất nhiều cung bậc khác nhau. Những bức hình họa nghiên cứu ánh sáng của các họa sỹ Hà Lan đã biến ảnh sáng cũng trở thành một nhân vật trong tranh như nhận xét của Heghen về hội họa. Nếu như ánh sáng trong hình họa từ thời kỳ Phục Hưng đến cổ điển ở châu Âu thiên về ánh sáng thiên nhiên đã đóng vai trò chủ đạo. Việc tạo ra các độ sáng khác nhau sẽ lưu ý chúng ta đến nguồn sáng. Trong chương trình hiện nay, phần nghiên cứu dựa vào ánh sáng tự nhiên đang bị lạm dụng. Chúng ta đang thiếu những bài học vẽ bằng ánh sáng đèn, ánh sáng nến. Ngay cả với ánh sáng đèn cũng có sự khác biệt giữa ánh sáng ấm và ánh sáng lạnh.
* Hình và Tỷ lệ:
“Nếu như sự chuẩn xác là tiêu chuẩn tối thượng của hình họa, vậy thì sự khác biệt của các họa sỹ nằm ở đâu… May thay, các đại danh họa rất ít chú ý đến sự chuẩn xác” – thật ngạc nhiên khi câu nói đó lại từ Engres. Một trong những cố tình làm cho hình thể không chuẩn xác với nguyên mẫu là việc thay đổi tỷ lệ giải phẫu. Michelangelo là người tự tay mổ tử thi để tìm hiểu giải phẫu và những vấn đề liên quan đến tỷ lệ cơ thể, nhưng các tác phẩm của ông lại cho thấy ông đã cố tình thay đổi tỷ lệ thật của các nhân vật. Tỷ lệ có liên quan đến biểu hiện tâm lý của một hình thể. Không nói riêng con người, chẳng hạn những chiếc bình cao thon, mảnh mai cho chúng ta cảm nhận thanh thoát. Ngược lại những chiếc bình tròn thấp, đậm, bè phía dưới cho chúng ta cảm giác nặng chắc, cục mịch. Tượng nhà mồ Tây Nguyên có tỷ lệ khác với điêu khắc đình làng Bắc Bộ và cũng rất khác với tượng Hy Lạp. Tỷ lệ phản ánh những mô hình thẩm mỹ, phong cách nghệ thuật các giai đoạn lịch sử.
* Hình và Thấu thị:
Thấu thị phản ảnh điểm nhìn đối tượng. Hình một vật trong không gian phụ thuộc vào điểm nhìn nên cùng là chiếc bàn nhưng điểm nhìn từ trên cao xuống với điểm nhìn ngang là rất khác nhau. Hình tượng nhân vật khi muốn thể hiện sự kính trọng, ngưỡng mộ, người ta hay vẽ nhân vật từ góc nhìn hơi chếch lên. Ngược lại, E. Schille thường khắc họa nhân vật từ trên cao xuống. Các họa sỹ đương đại Trung Quốc gần đây cũng hay vận dụng cách nhìn này. Để có thể thay đổi được điểm nhìn, phòng học hình họa lý tưởng là phòng học có gác lửng, học viên có thể đứng từ đây nhìn xuống người mẫu.
* Hình và Động thái:
Một vật thể trong chuyển động có hình ảnh không giống với chính nó lúc đứng yên ngay cả khi không hề bị biến dạng trong quá trình chuyển động đó. Những bức ảnh chụp các vận động viên điền kinh về đích thường cho ta cảm nhận rất rõ về tốc độ. Khi họa sỹ Tô Ngọc Vân yêu cầu học sinh vẽ được một người rơi từ gác ba xuống chính là yêu cầu học sinh khả năng nắm bắt hình ảnh một vật trong chuyển động. E. Delacroix cảm nhận được động thái của hình tốt hơn họa sỹ Engres cũng như các họa sỹ phái Lãng mạn vẽ hình động tốt hơn các họa sỹ phái Tân Cổ điển. Bức Nữ thần tự do trên chiến lũy vẽ đám người đang hăm hở bước lên phía trước cho thấy tài năng biểu đạt hình trong chuyển động của họa sỹ chủ soái phái Lãng mạn này. Hình ảnh của Engres cũng như các họa sỹ phái Tân Cổ điển, chỉ thực sự xuất sắc khi diễn tả các nhân vật ở tư thế tĩnh tại. Trong bộ ba thiên tài thời Phục hưng, Michelangelo là bậc thầy trong việc khắc họa nhân vật trong vô số tư thế vận động khác nhau. Kiến thức về động thái không chỉ tốt cho những họa sỹ vẽ tranh hoạt hình mà cho cả những người làm video art, web art, game art. Ký họa là cách rèn luyện tốt nhất cho việc nắm bắt động thái. Thời Mỹ thuật Đông Dương thời gian vẽ mẫu tĩnh ít hơn hiện nay rất nhiều, nhưng thay vào đó, sinh viên được khuyến khích và tạo điều kiện vẽ ký họa nhiều hơn. Thực tế cho thấy khả năng vẽ hình nhanh hỗ trợ nhiều cho việc sáng tác, ngay cả trong điều kiện có sự hỗ trợ các phương tiện hiện đại như máy ảnh, máy quay phim.
* Hình và Không gian bối cảnh:
Cảm nhận của chúng ta về một hình nào đó phụ thuộc nhiều vào không gian xung quanh hình thể đó. Điện ảnh châu Âu đã học được rất nhiều từ Hội họa cổ điển trong việc khai thác mối quan hệ giữa không gian bao quanh nhân vật. Nghệ thuật Siêu thực đã tạo nên những giả định phi lý của hình thể một vật với không gian bao quanh. Lâu nay, trong các bài hình họa nghiên cứu ở các trường mỹ thuật nói chung, phần nghiên cứu không gian bối cảnh chưa được quan tâm đúng mức. Minh chứng là phần nền thường để buông, người mẫu chiếm trọn tờ giấy. Bất luận vẽ ai, bất luận vẽ với trạng thái cảm xúc nào cũng chỉ có hai khổ chữ nhật nằm ngang và chữ nhật đứng. Hệ thống bục bệ, vải mẫu tạo nên những hiệu quả không gian mới lạ hơn.
* Hình và Màu sắc:
Nghiên cứu thực nghiệm đã cho thấy cùng trên nền trắng hai hình vuông cùng kích thước thì hình vuông màu đỏ nhìn trông có vẻ lớn hơn hình vuông màu xanh lơ. Nghiên cứu thực nghiệm còn cho thấy hình ngôi sao phù hợp với màu đỏ, hình vuông phù hợp với màu vàng, hình tròn phù hợp với màu đen… Những màu tươi ưa thích những bề mặt hình học kỷ hà. Hình họa nghiên cứu trước Cezanne chỉ là đơn sắc, nhưng kể đến họa sỹ bậc thầy Hậu Ấn tượng này, đối tượng nghiên cứu hình họa đồng thời còn là hình trong mối quan hệ với màu sắc. Ở Việt Nam, họa sỹ Trân Lưu Hậu vẫn thường xuyên tiến hành những nghiên cứu trên phương diện này. Song theo quan điểm người viết, nghiên cứu hình họa mầu không hoàn toàn giống các bức hội họa nhân thể (figure painting) trên chất liệu sơn dầu đang phổ biến trong các trường mỹ thuật hiện nay. Hình họa mầu là việc sử dụng một cách tối giản màu để diễn hình. Nếu là nhiều mầu, mầu thường nguyên sắc, nếu là một màu chủ yếu dùng đen và trắng để điều chỉnh sắc độ.
* Hình và Chất liệu:
Chất liệu thực ra chỉ được cảm nhận đầy đủ nhất bằng xúc giác. Nhưng trong não bộ luôn duy trì khả năng liên tưởng giữa thị giác với xúc giác và ngược lại. Những hình góc cạnh gấp khúc phù hợp với những chất liệu cứng, thô ráp, còn những hình căng đầy phù hợp với những chất liệu mềm, mịn.
Trong thực tế sáng tạo nghệ thuật người nghệ sỹ có khi lại đánh tráo những thói quen cảm nhận thông thường. Quốc họa Trung Hoa thực sự đi trước hội họa phương Tây ở phương diện này. Để miêu tả phục trang nhân vật, quần áo vốn là vải vóc lúc biến thành sợi tơ (cao cổ du ti miêu), lúc là sắt thép (thiết tuyến miêu), lúc là mây nước (hành vân lưu thủy miêu), lúc thô nhám như củi (chiến bút thủy vân miêu)… Họa sỹ V. De Kooning đã biến da thịt mịn màng của cơ thể phụ nữ thành một bãi sắt vụn gai góc và đấy là vẻ đẹp ý niệm của tác phẩm.
Trong nghiên cứu hình họa ở phương diện chất liệu, một hướng nghiên cứu khác là khảo sát hình trong quan hệ với chất liệu thưc. Duchamp có bức vẽ chân dung một khuôn mặt nhìn nghiêng. Đặc biệt là ở phần má của nhân vật này, ông lại đặt vào đó một hòn đá. Tác phẩm có một chiều sâu ý niệm do sự đối lập giữa khéo léo và đơn giản, tinh xảo và thô mộc, tiến hóa và nguyên thủy…
- ThS. Họa sỹ Trần Hậu Yên Thế -
>>> Hình họa cơ bản
>>> Kỹ thuật vẽ một bài hình họa