Tác phẩm điêu khắc gỗ của Willy Verginer và Bruno Walpoth
1. Nội dung thể hiện:
* Đề tài trong tác phẩm điêu khắc gỗ của nghệ sỹ Willy Verginer:
Xã hội phát triển, đời sống cũng được nâng lên những “tầm cao mới”. Những con đường mới được mở ra nhằm phòng tắc đường, nhiều khu rừng được hạ bỏ để xây cao ốc, nhiều con vật được giết hại để phục vụ cho các ngành công nghiệp thực phẩm, nhiều mỏ nhiên liệu được tìm thấy và khai quật phục vụ các ngành công nghiệp nặng. Thế nhưng đằng sau cuộc sống sung túc, xa hoa mà con người cướp đoạt từ tự nhiên đó là những hiểm họa không ai ngờ tới. Môi trường sống thay đổi, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước và không khí, bệnh tật ngày càng nhiều, những căn bệnh lạ xuất hiện… Đó là những gì mà tương lai thứ hai song song với tương lai huyễn hoặc về một sự phát triển không ngừng của con người. Đứng trước thực tại xã hội đang ngày càng có dấu hiệu đi xuống như vậy, nghệ sỹ Willy Verginer đã đưa ra tiếng nói của mình theo cách riêng. Ông đưa ra những lời tuyên ngôn về cuộc sốn thông qua các tác phẩm của mình.
Với nhiều series khác nhau, ông đã đưa ra cái nhìn nhận thực tại một cách khách quan. Các hình tượng trong tác phẩm của ông đều được thể hiện theo hai phong cách hiện thực và siêu thực. Nhân vật trong tác phẩm của ông đều là những nhân vật vô danh nhưng qua đó thể hiện cái khách quan trong tác phẩm. Đối với mỗi series khác nhau, ông lại đưa ra một hình tượng khác nhưng cùng chung một thông điệp về cuộc sống.
Trong Series Bostli, hình ảnh xuyên suốt tác phẩm là các thùng phuy dầu đen với các kích thước khác nhau. Và đi kèm theo những chiếc thùng dầu đó là hình ảnh của con người, động vật, chim chóc, cây cối… Điều lạ kỳ là những hình ảnh đó đều được sơn đen và những phần nào của con người, động vật, chim chóc, cây cối… tiếp xúc nhiều với nó thì đều được sơn đen như nói lên một thực tại xã hội. Đó là con người quá coi trọng vật chất biến những thứ đó như ăn sâu vào trong từng con người, từng đồ vật, động vật quanh nó. Chẳng hạn như trong tác phẩm Tra idillico e realtá được sáng tác năm 2015 bằng chất liệu gỗ, sắt và màu acrylic. Tác phẩm thể hiện hình ảnh một chút nai đang đứng trên hai thùng dầu và cúi đầu như đang uống nước. Màu sắc phần đầu của chú nai đó đang chuyển sang màu đen và đi dần lên khắp cơ thể. Toàn thân chú nai đó cũng không còn là màu sắc tự nhiên sẵn có nữa mà đang chuyển dần sang màu trắng, điều đó như nói lên một sự biến đổi ngầm bên trong chú nai mà bản thân chú không hề nhận ra. Phía bên trên là hình ảnh của một đồi cỏ với một vài cây xanh, thế nhưng đồi cỏ đó có kích thước rất nhỏ đối với một chú nai nói riêng. Việc tạo hình như vậy, Verginer đã nói lên một thực tại vô cùng khắc nghiệt, đám cỏ đó là niềm mong mỏi không chỉ đối với động vật mà chính con người. Vẫn biết cây xanh đó, đám cỏ đó không chỉ là nguồn thức ăn đối với con người và động vật mà còn là một lá phổi sinh học giúp con người duy trì sự sống. Thông qua các hình tượng đó trong Series Bostli đó, ông đã cho người xem thấy một hiện thực ngầm đang diễn ra đằng sau những cuộc khai thác dầu mỏ. Đó cũng là lời cảnh báo đến toàn thể mọi người không chỉ riêng người dân nước Italia mà rộng hơn toàn cầu.
Willy Verginer, Tác phẩm Tra idillico e realtá, chất liệu gỗ và màu acrylic, sắt (2015)
Bên cạnh Series Bostli, series mang tên Human Nature lại có hình ảnh xuyên suốt tác phẩm là con người. Những con người nhuộm màu đen kèm theo các vật dụng đại diện cho ngành công nghiệp nặng sử dụng dầu khí, cao su… Tác phẩm The dark side of the bull được nghệ sỹ Willy Verginer sáng tác bằng chất liệu gỗ bồ đề thể hiện hình ảnh của một con người hai bàn chân dính hai lốp cao su ngồi trên lưng phía sau cùng của một con bò. Chúng ta lại gặp lại hình ảnh của một người đàn ông thân đen đúa ngồi trên lưng con bò. Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đây thì chắc hẳn tác phẩm đó không có gì để nói. Nhưng hình ảnh người đàn ông cả khuôn mặt cũng đen như dầu khí và nơi người đàn ông đó ngồi trên lưng con bò cũng bị nhuốm đen và phần còn lại là một màu trắng sữa, màu của gỗ. Qua hình ảnh đó, Verginer đã mang đến cho người xem một hình ảnh mang tính ẩn dụ nhưng vô cùng trực quan. Đó là con người đã và đang làm biến đổi chính bản thân và vô tình những điều đó đang ảnh hưởng đến xung quanh và thế giới tự nhiên.
Willy Vergnier, Tác phẩm The dark side of the bull, chất liệu gỗ và màu acrylic, kích thước 60 x 74 x 21 cm
Không chỉ ở các series trên đó mà các series khác như: In hoc signo, A Fior di Pelle, Disequilibri, Cecitá Voluta, Bergluft, Alpsound… cũng nói lên thực tại về môi trường và cuộc sống của con người cũng như các động, thực vật xung quanh chúng ta.
Nói chung, qua các series tác phẩm điêu khắc của Verginer, ông đã tạo lên cho mình những hình tượng từ nội tâm sâu sắc phản ánh những thực tại của xã hội, của môi trường sống quanh ta. Mỗi tác phẩm của ông như một bức tranh bốn chiều về cuộc sống qua những gì ông cảm nhận thấy. Không chỉ vậy mà tác phẩm của ông còn tạo được mối quan hệ giao tiếp giữa người xem và tác phẩm.
* Đề tài trong tác phẩm điêu khắc gỗ của nghệ sỹ Bruno Walpoth:
Mỗi con người trong chúng ta đều có góc cạnh của cuộc sống. Mỗi góc là một cách thể hiện theo các hướng nhìn khác nhau. Có góc nhìn thì thấy con người ta vui, có góc buồn, có góc thì hờn giận như chính trạng thái của mỗi con người. Và từ những quan sát thực tế của mình, Bruno Walpoth đã tái hiện lại các nhân vật của mình một cách sinh động nhất. Những khuôn mặt thể hiện đều được ông thể hiện ở góc nhìn man mác buồn, hơi hướng tự nhiên của con người. Điều đó được thể hiện chính trên khuôn mặt và tập trung vào đôi mắt của nhân vật. Tất cả các nhân vật trong tác phẩm của ông đều toát lên một nỗi buồn to nhỏ nào đó. Họ thể hiện qua ánh mắt, hướng đầu, cử chỉ tay chân và tư thế nhân vật.
Trong những năm ông nghiên cứu và làm việc tại học viện điều mà ông đặc biệt quan tâm là quan hệ giữa con người với con người, sự ảnh hưởng của môi trường xung quanh đến con người. Mỗi tác phẩm của ông là một cách ông xây dựng thách thức của riêng mình. Nhân vật trong tác phẩm của ông đều có danh tính cụ thể nhưng điều đáng nói ở đây là khoảng cách giữa ông và các người mẫu mà ông thể hiện. Đó không phải là cách làm mẫu bình thường mà là những cái nhìn, quan sát thoáng qua giống như không hề có sự sắp xếp bố cục. Tác phẩm của ông thể hiện những nhân vật vô cùng gần gũi nhưng lại có vô vàn khoảng cách, là những cảm giác sợ đối diện và sự thờ ơ.
Chẳng hạn như trong tác phẩm Julia, Bruno đã tái hiện lại chân dung của nhân vật đời thực tên là Julia. Hình ảnh chân thực và đẹp đẽ nhưng qua chân dung này, ông đã đưa đến cho người xem cảm giác thấy một sự thờ ơ, lạnh lùng ở con người đó. Điều này được thấy ở ánh mắt nhân vật được thể hiện trong tác phẩm. Hơn thế nữa, màu sắc ông sử dụng trong tác phẩm là màu cam nhạt như là một sự thể hiện sự dửng dưng, không quan tâm đến thế giới xung quanh vẫn đang tồn tại và có ít nhất một người đang ngắm nhìn, quan tâm đến nhân vật đó.
Bruno Walpoth, Tác phẩm Julia, chất liệu gỗ (2012), kích thước: 54 x 47 x 30 cm
Hay trong tác phẩm Sehnsucht, ông thể hiện một nhân vật đang trong tư thế co người ôm lấy các bộ phận trên cơ thể mình. Tác phẩm được thể hiện theo phong cách hiện thực, các phần trên cơ thể của con người đang trong ở một trạng thái rất hoang mang. Cái ôm tự thân của nhân vật trong như một tiếng nói ẩn dụ về sự lạnh lẽo không chỉ ở tâm hồn mà còn là khoảng cách, sự thờ ơ giữa con người với con người. Cái lạnh đó được làm tăng thêm gấp bội khi ông sử dụng màu trắng cho tác phẩm. Tác phẩm của ông tuy im lặng nhưng lại tạo nên được sự giao tiếp với môi trường xung quanh, đặc biệt là đối với người xem.
Nói tóm lại, các tác phẩm điêu khắc của nghệ sỹ Bruno Walpoth là một sự tái hiện lại những thái độ, sự lãnh cảm của con người với con người. Qua đó, nói lên mối liên quan gián tiếp giữa con người với môi trường xung quanh. Thế giới phát triển nhưng con người ngày càng sống khép mình hơn. Mọi góc nhìn đều được thấy dưới con mắt buồn rầu, thờ ơ… Thông qua tác phẩm của mình, ông muốn đưa đến một thông điệp về tình người, về mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với môi trường.
2. Hình thức nghệ thuật tạo hình:
* Hình khối và đường nét:
Nghệ thuật điêu khắc có tính chất đặc trưng riêng, khác với các hình thức nghệ thuật như hội họa hay đồ họa. Nếu như trong hội họa hay đồ họa, hình khối của đối tượng mà tác phẩm biểu đạt được thể hiện bằng đậm nhạt, sự thay đổi sắc độ, ánh sáng thì với nghệ thuật điêu khắc, hình khối đó phải được thể hiện trong thực tế, được cảm nhận tối đa bởi thị giác và với những điểm nhìn khác nhau sẽ tạo cho người xem những cảm nhận khác nhau. Vì vậy, hình khối đóng một vai trò quan trọng trong việc thể hiện một tác phẩm điêu khắc và góp phần quyết định sự thành công cho tác phẩm đó. Hình khối là vật thể tồn tại trong không gian có hình thù nhất định với cấu trúc ba chiều. Hình khối của điêu khắc không còn là hình khối ảo trên giấy được giải quyết bởi đường nét, màu sắc và sắc độ mà là những hình khối thật, có thể sờ được, cảm nhận được.
Hình khối trong các sáng tác của hai nghệ sỹ Willy Verginer và Bruno Walpoth được tạo bởi sự kết hợp giữa sắc độ và ánh sáng trên các hình tượng. Với mục đích đưa người xem tiến gần với tương lai của cuộc sống và nhìn thẳng vào những gì đang diễn ra bên ngoài. Hai nghệ sỹ đã sử dụng thành công những tính chất của hình khối kết hợp với ánh sáng bằng đôi bàn tay điêu luyện, óc sáng tạo của mình để tạo nên sự đối thoại giữa người xem và tác phẩm.
Willy Verginer, Tác phẩm On the Other Hand, chất liệu gỗ và màu acrylic, kích thước cao 151 cm
Trong tác phẩm On the Other Hand, Willy Verginer đã thể hiện hai bé gái khác nhau đi ngược hướng nhưng lại bị nối với nhau ở phần ngực. Tác phẩm như thể hiện ở sự tranh giành trong cuộc sống. Bằng chất liệu gỗ mộc mạc, ông đã dựng lên tác phẩm với hai nhân vật bé gái tạo thành một thể vững chắc. Với lối thể hiện hiện thực, các khối hình trong tác phẩm được thể hiện chi tiết, cẩn thận. Trên khuôn mặt, hình khối được thể hiện rõ bởi các diện. Mỗi diện đều được đặc tả chi tiết, diện mặt và tay được thể hiện theo khối trơn nhẵn kết hợp với ánh sáng nhằm tôn lên vẻ đẹp của hai bé gái và tăng thêm tính hiện thực của tác phẩm. Mái tóc được đặc tả rất cẩn thận, các đường nét, vân tạo thành các đường mượt mà thẳng xuống để thấy được sự gọn gàng trong đó. Mặt khác, tác phẩm cho thấy các khối diện trên quần áo được tạo tác một cách đơn giản, không cầu kỳ và tạo thành từ các đường nét gặp nhau tạo thành khối hình. Sự thể hiện giản lược, quần áo và giày dép nhằm tôn lên thần thái của nhân vật. Ở đây, chúng ta nhận thấy sự đối lập giữa hai nhân vật. Điều này được thể hiện ở tư thế đứng của hai bé cũng khác nhau. Bé gái mặc váy như đang đứng lại nhưng bé gái còn lại mặc quần áo lại có tư thế người đổ về phía trước như tạo nên một sự co kéo nhẹ trong tác phẩm. Người xem phần nào hình dung về một cuộc sống tranh giành đang hiện hữu.
Hình khối kết hợp với ánh sáng sẽ mang lại cho người xem cảm nhận về hình dạng của tác phẩm đồng thời là những hiệu quả về thị giác nhằm nhấn mạnh một ý tưởng nào đó của tác phẩm hay để truyền đạt nội dung. Ngoài ra, chất liệu cũng là yếu tố không kém phần quan trọng bởi lẽ nó góp phần tạo nên hình khối cũng như chuyển tải nội dung và cả cảm xúc của người nghệ sỹ.
Willy Vergnier, Tác phẩm Untitled 14
Tác phẩm Untitled 14 được nghệ sỹ Willy Verginer khắc họa thành công một bé trai bằng chất liệu gỗ đang bị ảnh hưởng của dầu khí. Bởi con người lúc này coi dầu khí như một thứ sinh mạng, nó là đồng tiền chi phối mọi hoạt động. Nhìn vào tác phẩm, có thể thấy được hình khối trên trang phục của cậu bé được giản lược bớt và thể hiện bằng những mảng lớn, đường nét to, thô để tập trung vào khắc họa tinh thần. Tinh thần của tác phẩm ở khuôn mặt, Verginer đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật mang đậm tính hiện thực từ mái tóc cho đến các chi tiết trên khuôn mặt. Hai cánh tay của cậu bé được thể hiện bằng khối tròn, trơn nhẵn. Bên cạnh đó, tác phẩm toát lên được vẻ đẹp của một cậu bé hồn nhiên, ngây thơ đang nhắm mắt tập trung truyền niềm tin cho vật cầm trên tay mình gây cho người xem nhiều suy nghĩ.
Tác phẩm Julia được Bruno Walpoth sáng tác bằng chất liệu gỗ với tài năng của mình, ông đã tạo nên một hình tượng nghệ thuật sống động. Tác phẩm được tạo tác với kích thước đúng như kích thước bằng người thực. Nhân vật nữ được tạo bởi các hình khối và đường nét khác nhau của nghệ thuật điêu khắc. Đây là bức tượng gỗ bán thân với phần thân là một phần của chiếc áo được tạo hình thành những mảnh gỗ ghép lại với nhau. Những phần từ cổ xuống dưới được tạo hình khá đơn giản và mộc mạc nhưng với sự kết hợp của ánh sáng chúng ta có thể thấy được các khối hình nổi lên tạo sự chắc khỏe cho tác phẩm. Phần đầu, chúng ta thấy Bruno tập trung chú trọng tạo hình hơn bởi các phần kia giản lược nhằm tôn lên vể đẹp và tinh thần của tác phẩm. Ông tập trung vào việc tạo hình khuôn mặt và đôi mắt nhằm nói lên tâm trạng của nhân vật qua đó nói lên tâm trạng của người nghệ sỹ.
Bruno Walpoth, Tác phẩm From other side, chất liệu gỗ, kích thước 71 x 39 x 27 cm
Một tác phẩm khác của nghệ sỹ Bruno Walpoth đã nói lên hiệu quả của hình khối trong sáng tác nghệ thuật điêu khắc. Đó là tác phẩm From other side. Tác phẩm thể hiện chân dung bán thân của một cô gái có mái tóc ngắn với thân hình mảnh dẻ trong chiếc áo ba lỗ màu vàng nâu. Với bàn tay điêu luyện của mình, từ một chất liệu gỗ mộc, cứng, ông đã tạo ra nhân vật nữ uyển chuyển, nhẹ nhàng và duyên dáng. Nhưng với con mắt man mác buồn đang nhìn xa xăm. Tác phẩm như gợi cho người xem những cảm nhận về sự vô cảm của một con người trước những tác động bên ngoài. Qua tác phẩm, ông nói lên phần nào về cuộc sống con người hiện nay, có rất ít sự kết nối với nhau trong xã hội.
Hình khối, đường nét kết hợp với ánh sáng trong tác phẩm điêu khắc là một phần không thể thiếu. Chính các yếu tố đó đã góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công trong tác phẩm của hai nghệ sỹ Willy Verginer và Bruno Walpoth.
* Không gian:
Không gian, theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt được định nghĩa như sau: “1. Hình thức tồn tại cơ bản của vật chất (cùng với thời gian), trong đó các vật thể có độ dài và độ lớn khác nhau, cái nọ ở cách cái kia. 2. Khoảng không bao trùm mọi vật xung quanh con người”.
Không gian có thể hiểu là khoảng không xung quanh các khối điêu khắc và định hình các cạnh của tác phẩm điêu khắc. Không gian còn được tạo nên và bao bọc bởi hình khối của tác phẩm, trở thành những khoảng rỗng trong tác phẩm. Do đó, không gian tồn tại song song và gắn liền với nghệ thuật điêu khắc và là một phần tạo nên tác phẩm. Có nhiều cách giải thích khác nhau về không gian, tuy nhiên ta có thể hiểu không gian là toàn bộ những gì xung quanh một vật chất nào đó.
Đối với điêu khắc có ba yếu tố quyết định nên thành công của một tác phẩm, đó là không gian, hình khối và chất liệu. Khác với hội họa, điêu khắc bao gồm những tác phâm với hình khối ba chiều, đòi hỏi phải có phương pháp giải quyết mối quan hệ giữa tác phẩm và không gian xung quanh. Không gian có thể hiểu là khoảng không xung quanh các khối điêu khắc và định hình các cạnh của tác phẩm điêu khắc. Không gian còn được tạo nên và bao bọc bởi hình khối của tác phẩm, trở thành những khoảng rỗng trong tác phẩm. Do đó, không gian tồn tại song song và gắn liền với nghệ thuật điêu khắc và là một phần tạo nên tác phẩm. Không gian là một yếu tố cơ bản quyết định tính thẩm mỹ của một tác phẩm điêu khắc.
Willy Verginer, Tác phẩm Fiori di papagallo, chất liệu: gỗ và chất liệu hỗn hợp
Chẳng hạn như trong tác phẩm Fiori di papagallo của nghệ sỹ Willy Verginer sáng tác bằng chất liệu gỗ. Tác phẩm thể hiện nhóm tượng chân dung toàn thân của hai người con trai. Với bố cục hình chữ nhật đứng, hai nhân vật được đặt trên một chiếc bục thấp tạo cho người xem một cảm giác gần gũi. Với những nét khắc nhẵn, trơn kết hợp với ánh sáng và đường nét của mái tóc đã tạo cho tác phẩm không gian ba chiều mà người xem có thể cảm nhận. Sự kết hợp của các khối hình và ánh sáng chiếu vào màu tím trong tác phẩm đã cho chúng ta thấy phần không gian của các chi tiết trên khuôn mặt và phần cổ, chiều sâu của đôi mắt. Bên cạnh đó, hai cánh tay của người phía sau dang rộng như tạo thêm phần không gian rộng mở phía hai bên. Không những vậy, phần vai của người phía trước gần sát với ngực của người phía sau tạo cho người xem cảm giác về chiều sâu của tác phẩm. Con vẹt đậu trên cánh tay người với hướng nhìn trái chiều với hai người con trai tạo phần không gian phía sau cho tác phẩm. Bên cạnh đó, không gian còn được thể hiện chính ở mắt và hướng nhìn của hai nhân vật. Mỗi nhân vật nhìn về một hướng chếch nhau nhưng trong con mắt mỗi người là một ánh nhìn xa xăm vô tận tạo cảm nhận về khoảng không gian phía trước. Như vậy, với sự kết hợp tài tình giữa chất liệu gỗ, màu sắc cùng kỹ thuật điêu luyện của mình Verginer đã đem đến cho người xem một tác phẩm vô cùng độc đáo. Tấm khăn quấn giữa hai người kết hợp với ánh sáng và màu xám của quần áo đã tạo cho người xem cảm giác phần không gian bên trong. Qua đó, tác phẩm của ông đã cho người xem thấy được không gian lý tưởng và các chi tiết, màu sắc trong tác phẩm như một bức tác phẩm hội họa ba chiều.
Đối với tác phẩm chân dung, không gian tự thân đóng vai trò quan trọng và là yếu tố quyết định sự thành công của tác phẩm. Không gian tự thân trong tác phẩm Flower of every month của nghệ sỹ Willy Verginer được thể hiện chính ở các hình khối và màu sắc trong tác phẩm. Không những thế, không gian còn được thể hiện ở tư thế đứng thả mình vào không trung của cô gái. Tác phẩm đã khắc họa thành công một cô gái nude với tấm khăn quấn quanh ngực đang đứng nhắm mắt thả mình ra phía sau. Các hình khối đường nét trong tác phẩm cùng sự trợ giúp của ánh sáng đã tạo nên một cô gái hiện thực với gương mặt thánh thiện bằng chất liệu gỗ trong không gian ba chiều. Cánh tay cô gái đứa ra phía sau tạo cảm giác thả rơi đã đem lại cho người xem cảm giác chiều sâu của tác phẩm. Kết hợp với màu sắc của tấm vải càng làm tôn lên phần không gian của tác phẩm khiến người xem cảm nhận như một người con gái thực ngoài đời đang múa điệu múa nào đó.
Bruno Walpoth, Tác phẩm Cammi nando Solo
Trong tác phẩm Cammi nando Solo của nghệ sỹ Bruno Walpoth thể hiện chân dung bán thân của một người đàn ông. Ông đã thể hiện thành công không gian tự thân của tác phẩm thông qua các hình khối nổi của mũi mắt môi. Kết hợp với ánh sáng, các hình khối, đường nét đó đã tạo nên không gian và tổng thể của một khuôn mặt đàn ông điển hình. Bên cạnh đó, hiệu quả của chất liệu gỗ mà ông sử dụng cũng góp phần không nhỏ thành công trong tác phẩm của ông. Các đường vân gỗ nằm ngang theo hình cánh ngực đã tạo cho tác phẩm một phần không gian của thân ngực và vai. Mặt khác, màu sắc của phần tóc cùng những nhát khắc tạo sáng tối, khối diện phần đầu cũng góp phần tạo nên thành công của một tác phẩm điêu khắc trong không gian ba chiều.
Bruno Walpoth, Tác phẩm Recordi d’infazian
Tác phẩm Recordi d’infazian được nghệ sỹ Bruno Walpoth sáng tác năm 2012 bằng chất liệu gỗ. Tác phẩm thể hiện hình ảnh bán thân của một cô gái với mái tóc tết sam màu đỏ cam. Cô gái hiện lên với khuôn mặt xinh xắn, trang phục là chiếc áo ba lỗ màu xanh non. Cô gái được nghệ sỹ thể hiện bằng phong cách hiện thực từ khuôn mặt cho đến mái tóc. Không gian tự thân trong tác phẩm được thể hiện ở các hình khối trên tổng thể của tượng và các nét, khối chi tiết trên tượng. Bên cạnh đó, phần tóc của cô gái được tạo hình nổi cao lên về phía lưng tạo chiều sâu cho tác phẩm. Không chỉ vậy, chiều sâu của tác phẩm còn được thể hiện ở cánh tay của cô gái ngoặt ra phía sau nâng bím tóc và màu sắc trên mái tóc và trang phục mà tác giả sử dụng, điều này cũng tạo cho tác phẩm đưa đến cái nhìn trước sau cho người xem. Bruno đã tạo hình thành công cô gái trong không gian ba chiều bằng chất liệu gỗ và những nhát khắc thô mộc của mình.
Đối với những tác phẩm tượng trong nhà hay tượng trưng bày triển lãm thì không gian bên ngoài tác phẩm thường ít có yếu tố tác động. Bên cạnh không gian tự thân tác phẩm, không gian trong tác phẩm điêu khắc còn thể hiện được cái khung cảnh của cuộc sống. Như một hệ quy chiếu thu nhỏ của cuộc sống.
Willy Verginer, Tác phẩm Untitled 11
Điều này được thể hiện khá rõ trong tác phẩm của nghệ sỹ Willy Verginer. Tác phẩm Untitled 11 của ông thể hiện hình ảnh một chú bò với đôi mắt đỏ tươi, phần phía dưới là màu đen của dầu khí. Bốn chân của chú đều bị đặt trong những vòng lốp cao su lớn đặt trên một chiếc bục hình chữ nhật màu trắng nằm ngang. Không gian ba chiều được thể hiện trên hình khối của chú bò và những chiếc lốp xe tạo cho người xem cảm giác về một vật thể thực. Không những vậy, màu sắc mà nghệ sỹ sử dụng cho tác phẩm điêu khắc của mình vừa tạo chiều sâu cho tác phẩm vừa đem lại cảm giác về một sự thực cuộc sống. Phía dưới của chú bò cho đến các thùng dầu đều được sơn đen như tạo thêm một không gian thứ tư cho tác phẩm đó là không gian cuộc sống. Hình ảnh đó như tạo cho người xem cảm giác chú bò đang phải đeo vào chân mình những chiếc lốp xe và lội qua những phần nhơ bẩn, độc hại của cuộc sống.
Willy Verginer, Tác phẩm Schatten im wasser
Trong tác phẩm Schatten im wasser được tác giả Verginer sáng tác năm 2016 bằng chất liệu gỗ. Tác phẩm đã thể hiện một cậu bé cùng những vật dụng như chai, lọ, cốc dùng một lần… đang nổi lên trên bề mặt nước. Hình ảnh cậu bé cùng những vật liệu được điêu khắc tài tình trong không gian ba chiều. Thế nhưng điều đó chưa đủ để diễn tả không gian cho tác phẩm này. Tác phẩm là một sự thành công lớn qua việc sử dụng màu sắc một cách linh hoạt và có sự tính toán. Tác phẩm như thể hiện không gian của một dòng sông với những hình ảnh cậu bé đang mím chặt môi lại và sải cánh tay trên mặt nước trong tư thế giữ thăng bằng của một người dang ở dưới nước. Ngoài ra, hình ảnh đó còn cho người xem thấy một không gian rộng mở và chiều sâu của tác phẩm mà ông thể hiện. Tác phẩm như là một sự phản ánh lại cuộc sống, rác thải của cuộc sống đang dần nhấn chìm cuộc sống của chúng ta.
* Chất cảm:
Nghệ thuật là một hình thức để thể hiện cảm xúc, suy nghĩ. Người nghệ sỹ thông qua tác phẩm nghệ thuật của mình truyền đạt tới người xem một thông điệp nào đó, có thể là niềm vui hay nỗi buồn. Cảm xúc có thể nói là yếu tố quyết định sự thành công của một tác phâm nghệ thuật. Vì vậy, khi nói đến nghệ thuật điêu khắc, ta không thể không nói đến chất cảm. Theo Từ điển Thuật ngữ Mỹ thuật phổ thông, “chất cảm” được định nghĩa như sau: “Cảm xúc được tạo nên thông qua các phương tiện tạo hình (hay ngôn ngữ nghệ thuật) hoặc cấu tạo vật chất của một bức tranh, tượng… Chất cảm của phương tiện tạo hình đã tác động trực tiếp lên mắt (cơ quan của thị giác)… Người ta nhận biết một vật thể không chỉ ở kích thước, tỷ lệ, màu sắc mà còn ở cảm nhận cấu tạo vật chất của nó nữa. Từ cấu tạo vật chất ấy mà nghệ thuật cần truyền đạt được đến người xem cái cảm xúc về chất hay còn gọi là chất cảm”.
Chất cảm trong nghệ thuật điêu khắc được tạo nên từ hình khối và đặc biệt là từ cách xử lý và kết hợp chất liệu. Mỗi chất liệu sẽ mang lại cho người xem những cảm nhận khác nhau qua thị giác và xúc giác. Ví dụ như chất liệu kim loại với màu bạc trắng khi nhìn vào sẽ mang lại cảm giác lạnh lẽo. Trong khi đó, chất liệu gỗ với màu nâu sẽ mang lại cho người xem cảm giác ấm áp hơn. Màu sắc của chất liệu hoặc màu được tạo nên bởi việc phủ sơn lên chất liệu sẽ góp phần tạo nên hiệu quả thị giác và tác động đến cảm xúc của người thưởng ngoạn.
Chất liệu gỗ được hai nghệ sỹ sử dụng trong các tác phẩm của mình nhằm đem đến cho người xem cảm giác gần gũi và thân thuộc. Không những vậy, gỗ là sản phẩm của tự nhiên, nó giống như một minh chứng quan trọng trong chứng kiến những việc làm của con người đối với tự nhiên. Những tác phẩm sử dụng gỗ làm chất liệu sáng tác và màu sắc tự thân của chất liệu gỗ đem lại cho người xem một cảm giác khác biệt với việc sử dụng chất liệu gỗ nhưng sơn màu. Chẳng hạn trong tác phẩm Untitled 10 được nghệ sỹ Willy Verginer sử dụng kết hợp nhiều chất liệu khác nhau như các thùng dầu đen được làm từ sắt, hình người được làm bằng chất liệu gỗ sơn màu acrylic. Chất liệu khác nhau tạo cho người xem những hiệu ứng khác nhau. Với chất liệu sắt tạo cảm giác lạnh lẽo, hơn thế nữa lại được sơn màu đen càng làm tăng gấp bội cảm giác lạnh lẽo, vô cảm. Còn chất liệu gỗ bản thân nó đã tạo cho người xem một cảm giác ấm cúng và tin tưởng, trong tác phẩm nghệ sỹ Verginer lại sử dụng màu vàng óng cho nó cang làm tôn lên sự ấm cúng và gần gũi, tạo cảm giác dễ gần.
Bruno Walpoth, Tác phẩm Cammi nando Solo
Trong tác phẩm của nghệ sỹ Bruno, Cammi nando Solo được thể hiện bằng chất liệu gỗ sơn màu. Một phần trong thành công của tác phẩm chính là chất liệu. Ở đây, ta thấy được một sự đối lập nhẹ giữa chất liệu và hình tượng. Một chất liệu tạo liên tưởng về một sự gần gũi, cứng cáp nhưng hình tượng trong tác phẩm lại cho người xem cảm giác về một sự xa lạ, vô cảm. Thế nhưng, nó lại tạo nên thành công bởi việc sử dụng màu sắc của tác giả, ông sử dụng màu tự thân của chất liệu trong việc mô tả chất da thịt của nhân vật. Còn màu nâu đỏ được nghệ sỹ sử dụng cho phần tóc tạo nên không gian ba chiều, những mảng sáng mảng tối, mảng gần mảng xa. Nhờ sự ấm áp của chất liệu mà tác phẩm chân dung bán thân của người đàn ông đó trở nên có hồn hơn. Chính nó đã đem lại cho người xem cảm giác về một con người bằng da bằng thịt đang đứng sống động trước mặt.
Chất cảm trong từng chất liệu lại khác nhau, trong một tác phẩm sự kết hợp giữa các loại chất liệu khác nhau tạo nên các hiệu ứng khác nhau. Trong tác phẩm Tra idillio e realtá của nghệ sỹ Willy Verginẻ đã sử dụng kết hợp giữa hai chất liêu là sắt gỗ và màu acrylic. Tác phẩm thể hiện hình ảnh một chú nai cõng trên lưng một góc nhỏ thảm cỏ xanh cùng cây cối,d ưới chân chú là những thùng dầu đen. Phần đầu như thể chú đng uống dầu trong thùng đó dẫn đến phần đầu đang chuyển dần sang màu đen. Trở lại với câu chuyện về chất liệu, các thùng dầu được làm bằng sắt và sơn màu đen đã tạo nên cho người xem những cảm nhận về một sự vô cảm, lạnh lẽo. Hơn thế nữa, hình ảnh phần đầu chú nai là màu đen như một phần cơ thể đó không còn là nó nữa. Nó như nói lên một sự biến đổi nhanh chóng trong cuộc sống. Chất liệu gỗ được dùng để tạo nên chú nai nhưng với những mảng màu khác nhau lại mang đến những cảm giác khác nhau. Tuy rằng gỗ có màu tự thân là vàng hay trắng ngà tạo cảm giác ấm cúng nhưng khi được sơn màu đen, xám nó lại là cảm giác lạnh lẽo, rùng rợn (đầu chú nai). Trong cùng một tác phẩm và cùng một chất liệu lại có sự đối lập với nhau. Ở đây, chúng ta thấy sự đối lập giữa hai phần của chú nai. Phần đầu với màu đen, phần thân màu trắng và phần lưng màu xanh. Giữa hai phần đầu và lưng lại cho người xem cảm giác đối lập về hai gam màu mang hai cảm nhận của hai thế giới. Tác phẩm như một bức tranh phong cảnh với phần dưới là cái diệt vong còn phần trên là hy vọng là sự sống nhỏ nhoi. Tác phẩm hội họa trong không gian ba chiều tạo nên sự đối thoại giữa người xem và tác phẩm. Không những vậy, nó như một lời cảnh tỉnh đến lối sống của con người và gửi thông điệp đến toàn thế giới.
Như vậy, qua những yếu tố màu sắc, không gian, chất liệu đã tạo nên chiều sâu những cảm nhận, những hướng đi mới cho tác phẩm của hai nghệ sỹ. Thông qua các tác phẩm về môi trường về cuộc sống, Willy đã tạo cho người thưởng thức nghệ thuật không ít suy nghĩ về việc mình đã làm, đã đối xử với thiên nhiên. Còn tác phẩm của Bruno thì đem lại cho người xem nhiều ấn tượng sâu sắc về mối quan hệ giữa con người với con người qua các hình tượng và đường nét, cách sử dụng màu trong tác phẩm. Hai nghệ sỹ đã đem tới cảm giác về mối quan hệ nhân quả về hệ lụy của cuộc sống công nghiệp hóa cho người thưởng thức.
- Lương Minh Côn -
>>> Chép đầu tượng trong điêu khắc
>>> Tượng điêu khắc các họa sỹ nổi tiếng tại Trung tâm Mỹ thuật Đương đại
>>> Chép phù điêu (đắp nổi) trong điêu khắc