Tính chất, vai trò của các loại sắc
Sắc của một màu là trạng thái mà dường như nó ít khi còn ở trạng thái nguyên chất (Purity) mà nó đã bị hay được pha với một ít màu nào đó từ Trắng, Đen, Xám hay màu tương đồng còn nguyên chất.
Bất cứ một màu nào cũng vậy, chúng thường tồn tại, xuất hiện trong các trạng thái sau đây:
* Trạng thái nguyên chất (Purity): Đây là lúc mà màu còn ở trạng thái chuẩn, chưa bị pha trộn với bất kỳ màu, sắc nào. Cho nên, cường độ còn ở tình trạng tươi thắm nhất.
* Trạng thái sáng lên (Lightness): Do đã bị pha với màu Trắng trở thành nhạt hơn, kém tươi hơn. Nghĩa là cùng một lúc độ sáng của nó (Lightness) tăng mà đội tươi thắm, độ rực (Brightness) bị giảm xuống trở thành những sắc sáng (Tint).
* Trạng thái vừa tươi và sáng hơn: Đó là trường hợp một màu bị pha với màu khác vốn có độ tươi và sáng hơn nó. Thí dụ pha màu Cam với màu Vàng kem. Màu Đỏ nguyên chất pha với màu Trắng hay pha với Vàng Chanh nguyên chất hay vàng nhạt.
Ghi chú: Nếu hai màu nguyên chất pha với nhau mà một màu có cường độ, độ tươi mạnh hơn hai màu không phải là nguyên chất. Thí dụ: Màu Cam nguyên chất pha với màu Vàng Chanh sẽ cho ra màu vàng nghệ vô cùng tươi thắm. Còn nếu pha với màu Vàng Kem thì sẽ tạo ra màu vàng nghệ kém tươi nhưng có một ít độ sáng. Hai màu ở trạng thái không nguyên chất pha với nhau sẽ sáng chứ không tươi. Ví dụ màu Vàng Kem nhạt pha với màu Cam nhạt.
* Trạng thái đậm: Do màu nguyên chất bị pha trộn với màu Đen (bất kỳ dung lượng, mật độ nào) hay pha với màu nào có độ đậm hay cường độ yếu hơn. Thí dụ: màu Vàng Chanh pha với màu Đen hoặc pha với màu Nâu hay Xanh lục… Một màu bị đậm hơn do pha với đen dần được gọi là “màu đậm” (Shade).
* Trạng thái tái, xỉn: Do đã bị pha cùng một lúc với Đen và Trắng hay pha với màu Xám và trở thành tái đi. Như vậy, cường độ hay độ tươi cũng giảm, trở thành những sắc màu bị tái (Tone).
* Trạng thái đổi màu: Chúng ta có thể gặp những tình huống sau: màu Vàng pha nhiều Đỏ đổi thành Cam. Màu Cam pha nhiều Đỏ có khi bão hòa với Đỏ, biến thành Đỏ. Màu Vàng pha nhiều Lam biến thành Xanh Đọt Chuối, Xanh Lá Cây, Xanh Hồ Thủy, màu Đỏ biến thành Tím ở nhiều hình thái khi pha với Xanh Lam.
Trên đây là những trạng thái biểu hiện của một màu. Tuy nhiên khi nói về những trạng thái sắc độ của một màu thì chúng ta cần quan tâm đến những tình huống mà nó không còn là màu nguyên chất nữa.
Ghi chú: Người ta cũng nói đến thuật ngữ “màu vô sắc” (Achromatic Color hay Coloress) khi nói tới màu Trắng và Đen. Thật ra thì Trắng và Đen cũng là màu trung tính, tức là màu không thuộc nóng cũng không thuộc lạnh.
Sau đây là một số hình thái về sắc của một màu:
1. Sắc độ (Tonality):
Sắc độ của một màu là độ đậm hay nhạt của một màu nào đó (Tint hay Shade) khi ta pha màu ấy với đen hoặc trắng. Có người gọi sắc độ là “Sắc điệu”.
Thuật ngữ này tiếng Pháp gọi là “Ton và danh từ khác nữa là Tonalité để chỉ âm điệu, sắc điệu”. Thí dụ chúng ta có một cột hình các bậc thang. Ở đỉnh thang là màu trắng, đáy thang là màu đen; giữa thang là một màu nguyên sắc hay nguyên chất (Pure color) và chúng ta pha trắng dần cho những bậc thang từ màu gốc nguyên chất trở lên, pha đen dần có các bậc thang từ màu nguyên sắc trở xuống.
Như vậy, bất kỳ bậc thang nào (không tính màu nguyên sắc, màu trắng, đen) đều là một sắc độ, sắc điệu (Tonality) của màu gốc.
Mắt thường chúng ta có thể phân biệt được trên 100 sắc khác nhau của một màu. Nếu dùng loại máy đặc biệt để đo, thì một màu có thể có đến vài ngàn sắc khác nhau.
2. Chuỗi sắc độ:
Chuỗi sắc độ là dãy một loạt những sắc đậm nhạt của một màu (khi pha với đen hoặc trắng) đang sắp xếp đứng cạnh nhau theo cung bậc thật mạch lạc từ nhạt đến đậm, hay từ đậm đến nhạt. Số lượng của sắc trong chuỗi sắc độ không hạn chế, nghĩa là có thể có chuỗi dài chuỗi ngắn nhưng căn bản là các sắc ấy đứng cạnh nhau một cách thật mạch lạc. Thuật ngữ này tiếng Pháp gọi là “Ton sur ton”. Các sắc độ để tả khối, không gian, tạo sự chuyển biến của bóng sáng tối. Trong quá trình học vẽ màu sinh viên các Trường Mỹ thuật cũng thường có những bài tập vẽ tĩnh vật hay trang trí mà chỉ dùng những sắc đậm nhạt, tươi tái của một màu để diễn tả đối tượng.
Phương pháp này được gọi là sử dụng màu độc sắc. Thuật ngữ tiếng Pháp gọi là “Camaieu”. Trong khi vẽ tĩnh vật thì không bị hạn chế bởi sự sử dụng số lượng sắc độ; còn trong thực hành vẽ trang trí thì học viên bị giới hạn số lượng sắc độ khi làm bài. Tối đa là ba sắc cùng với màu gốc và chừa giấy trắng.
Như vậy, nếu gọi giấy trắng là màu hay sắc trắng cũng như màu gốc là sắc.
3. Sắc biến (Nuance):
Sắc biến là một sắc thái của màu nào đó trong quá trình màu ấy chuyển sang màu khác. Có người còn gọi là “sắc loại”. Tiếng Pháp cũng gọi là “Nuance”.
Thí dụ: Từ Vàng Chanh chuyển sang màu cam, thì có nhiều màu khác nhau do hai màu này pha trộn với nhau, tạo sự chuyển biến từ màu này qua màu kia một cách mạch lạc. Các màu có tính cách trung gian chuyển từ vàng qua cam, còn gọi là những “sắc biến”.
Do đó, gọi là sắc biến của một màu, thì trước hết phải biết màu gốc là màu gì, và nó phải chuyển sang màu nào.
Sắc biến của một màu không nhất thiết phải là màu nguyên sắc, màu nguyên chất mà nó có thể pha với Đen hoặc Trắng, nhưng đảm bảo sự liên lạc hài hòa từ màu gốc sang màu định chuyển.
Trên kinh nghiệm dùng màu để tả khối, vẽ tranh thì người ta cũng dùng các sắc biến nóng lạnh để tả khối hay không gian. Trong bóng tối thì dùng màu lạnh, ngoài sáng thì dùng màu nóng.
Các họa sĩ thuộc phái Ấn tượng và các họa sĩ hiện đại nhất là các họa sĩ thuộc phái nghệ thuật chuyển động (Movement Arts hoặc Kenetic Art) hay dùng cách này nhất để tạo ảo giác và cảm giác về độ nổi, về không gian, về sự chuyển động.
5. Sắc trưởng (Major Tonality)
Thuật ngữ này tương tự như trong âm nhạc. Âm giai trưởng (tiếng Pháp gọi là Ton, Tonalité hay Gamme majeure hay mineure) hay thứ (Ton, Tonalité hay Gamme mineure) dùng để chỉ trạng thái vui hay buồn của âm điệu, giai điệu. Trong màu sắc cũng vậy, sắc màu còn giữ nguyên độ tươi hay đa số là dạng tươi thắm thì cũng gọ là sắc điệu vui tươi.
Khi nói tới một bức tranh có sắc điệu vui tươi có nghĩa là hòa sắc đang có âm hưởng tươi thắm, vui tươi. Nó là những hòa sắc, mà trong toàn bộ toát ra tinh thần tươi thắm. Trong ấy có màu nguyên sắc nhiều, ít dùng màu trung tính, nếu có thì màu trung tính ấy phải đậm.
Đứng về mặt cảm giác, thì sắc tươi vui gợi cảm giác, linh hoạt, đầy sinh khí.
Ngoài thuật ngữ nói trên, người ta còn gọi là sắc trưởng, sắc điệu vui là “sắc nồng”, vì nó có những cường độ mạnh, còn độ kích thích thị giác tốt.
6. Sắc thứ (Minor Tonality):
Thuật ngữ này dùng để chỉ những hòa sắc, mà trong toàn bộ sắc điệu toát ra độ tái nhợt, u buồn. Bởi vì các màu ấy, đa số đã được pha với trắng xen với một ít màu xám. Tiếng Pháp gọi là “Ton mineur”).
Đứng về mặt cảm giác, thì sắc trưởng gợi cảm giác u buồn, ảm đạm, yếu đuối.
Người ta còn gọi trạng thái màu sắc như vậy là “sắc đạm”, vì nó mất hết sức kích thích thị giác, có nghĩa là cường độ của nó quá yếu và không còn độ tươi thắm, gây cảm giác ảm đạm trầm lắng, u buồn.
7. Sắc bị vỡ (Ton Rompu = Detonating tonality)
Thông thường một tác phẩm đẹp thì trên toàn bộ bề mặt, không gian trong tranh (từ không gian vật lý cho đến không gian ảo) được họa sĩ diễn tả bằng một hòa sắc liên kết với nhau thật tinh tế trên bề mặt tác phẩm. Đây là sự kiện lý tưởng mà ai cũng mong ước.
Tuy nhiên, giống như một ca sĩ đang cất giọng tuôn trào cảm xúc theo giai điệu nào đó… thì bỗng nhiên giọng ca bị “vỡ ra” và vần điệu, giai điệu bị biến dạng, lạc tông ở một khoảnh khắc nào đó.
Khi ấy, chúng ta cho rằng giọng hát đang trôi chảy thì bỗng nhiên “bị” vỡ theo hướng to lên… vì đột nhiên tiếng hát vỡ to lên bất ngờ không theo “tông chủ đạo” làm cho bài hát trở nên mất hay.
Trong mỹ thuật cũng giống như thế. Trên thực tế, thì trong quá trình tìm các giải pháp hòa hợp màu sắc cho một tác phẩm mà mình dự kiến… cũng có khi chúng ta để diễn ra vài chỗ bị “lạc điệu” làm cho hòa sắc “bị vênh” (bì phù lên) bất ngờ ở một chỗ nào đó trong tổng diện tích tác phẩm đột nhiên tươi hay sáng hơn, làm cho nơi ấy “bị chói lên”, mất mạch lạc… Điều này làm cho hòa sắc bị hẫng, mất thăng bằng, mất thế ổn định.
8. Sắc trầm (Ton Rabattu):
Ngược lại với tình huống gam màu bị “tụt xuống” (trầm xuống), giống như giọng hát bị “xuống giọng”, “hạ tông” bất ngờ.
Điều này làm mất sự thăng bằng, làm hỏng hòa sắc của tác phẩm, vì đột nhiên màu sắc của một hay hai chỗ trên tổng diện tích tác phẩm bị chùng xuống (giống như bị “lõm”). Tình trạng này giống như “sự xuống tông” của giọng hát một cách bất ngờ, làm cho hòa sắc mất đẹp. Nó cũng là một hình thái theo hướng trầm xuống, chùm xuống bất ngờ.
Như vậy, hai tình huống đều là nguyên nhân làm cho hòa sắc “bị sượng”, làm hỏng hòa sắc.
3. Chủ sắc (Dominant Tonality):
Thuật ngữ này dùng để chỉ những sắc độ (đậm hay nhạt) chiếm diện tích trội nhất trong toàn bộ diện tích bức tranh. Nếu trong một bức tranh mà đa số diện tích của các màu có độ đậm chiếm số lượng nhiều hơn hay áp đảo thì gọi bức tranh ấy có chủ sắc đậm (Dominant Shade); còn trường hợp đa số diện tích có sắc độ sáng thì gọi là chủ sắc sáng (Dominant Tint). Ở thuật ngữ tiếng Anh thì chia rõ ràng là “Tint” để nói về sắc sáng và “Shade” để nói về sắc tối hay sắc độ đậm. Trong khi đó, tiếng Pháp gọi chung là “Ton dominant”.
Dãy màu ngoài cùng là nguyên sắc
Càng vào bên trong thì bị pha trắng
Mỗi màu trở nên sáng hơn và cường độ, độ tươi thắm bị giảm đi
Dãy màu ngoài cùng là nguyên sắc
Càng vào bên trong thì bị pha đen
Mỗi màu trở nên đậm hơn và cường độ, độ tươi thắm bị giảm đi
Để dễ quan sát, nhận biết bức tranh có chủ sắc đậm hay nhạt thì chúng ta dùng máy ảnh chụp bức tranh ấy và cho rửa ra bằng hình đen trắng. Khi ấy toàn bộ các màu trong tranh đều được chuyển thành nhiều sắc đậm, nhạt khác nhau phối hợp lại theo hệ thống phân bố các độ sáng tối như thế nào đó theo chủ ý của họa sĩ.
Chính vì muốn nghiên cứu và xác lập cho được hệ thống sáng tối cho bức tranh, tác phẩm (tức là hệ thống chủ sắc).
Cho nên trong quá trình học, nghiên cứu, thể hiện cách bố cục về sự phân bộ sắc độ, màu sắc cho các bộ phận của tranh chúng ta phải quan tâm đến điều này.
Muốn thực hiện cụ thể điều này… thì ngay sau khi có phác thảo đã được giảng viên chọn để thể hiện thành tranh thật, thì ngay trong các bước tiến hành tiếp tục chỉnh sửa, sinh viên phải tìm thêm các giải pháp phối hợp màu sắc… để phác thảo ấy đạt được các yêu cầu tốt hòa sắc: sự thăng bằng, sự trật tự, cách liên kết tốt giữa các nhóm chính phụ, trọng tâm.
Kế đó là bước thể hiện, phóng lớn phác thảo ấy thành dạng bố cục đen trắng.
Chính trong quá trình thực hiện phóng lớn phác thảo theo dạng đen trắng là thời gian mà học viên tiếp tục thời gian nghiên cứu, phối hợp, phân bố hệ thống các độ sáng, tối, trung bình của màu sắc… theo một trật tự của ý tưởng, nội dung, thăng bằng thị giác trên cơ sở xác định các nhóm chính, phụ và mức độ nhấn buông khi diễn tả dưới sự góp ý của giảng viên.
Đây chính là quá trình nghiên cứu thật kỹ lưỡng về chủ sắc, sắc điệu chủ đạo (dominant tonalty, domant tints or dominant shades).
Thí dụ: Toàn thể bức tranh có bốn loại sắc độ chính là: Sáng trắng, trắng ngà, xám đậm, đậm nhất, thì khi quan sát để xem loại sắc độ nào trong bốn độ ấy trội nhất về diện tích so với toàn bộ diện tích bức tranh thì ta gọi chúng thuộc dạng sắc độ hay sắc điệu chủ đạo tương ứng.
Chủ sắc khi được sử dụng để tạo thành một sắc điệu chung của toàn bộ bức tranh, nó gần giống với chủ sắc và màu chủ đạo.
Ghi chú:
* Theo kinh điển mỹ thuật cũng như các sách nói về hòa hợp màu sắc thì để tìm được những tỷ lệ, sự tương quan tốt nhất về sắc độ và màu sắc thì các nhà nghiên cứu có ứng dụng những thành tựu của “Tỷ lệ vàng” (Golden Mean) trong việc tìm ra sự tương quan lý tưởng về màu, sắc với hy vọng tìm ra “sắc giai vàng” mà tiếng Pháp gọi là “Gamme d’or” và họ đã tìm ra yêu cầu này dưới dạng nghiên cứu sự tương quan về sắc độ đơn thuần là đen trắng, đậm nhạt mà thôi, còn về màu thì chưa có kết luận nào cả.
* Về mặt hiệu quả của thị ảo giác (những ảo giác do con mắt nhận thấy) thì sau khi chúng ta nhìn lâu vào hai hình vuông một trắng, một đen có kích thước bằng nhau mà trên hình vuông đen có hình vuông trắng nhỏ và trên hình vuông trắng có hình vuông đen nhỏ, cả hai hình vuông nhỏ này cũng có kích thước giống nhau, thì chúng ta biết thấy rằng diện tích của hình vuông trắng trên nền đen có vẻ lớn hơn hình vuông đen trên nền trắng trong khi trên thực tế thì chúng bằng nhau.
Còn khi nói về màu có thật cho riêng một vật thể nào đó thì được người ta gọi là “màu sắc riêng của bản thân vật thể” (Propers Color).
Người ta phân biệt: màu sắc riêng của vật thể (tiếng Anh Proper Colors, tiếng Pháp gọi là Couleur locale; không dịch là màu địa phương). Trong một nhóm đối tượng thì mỗi cái có màu sắc riêng với màu của ánh sáng (Light Colors) là màu của ánh sáng nhân tạo hay thiên nhiên đang tác động vào các vật thể được vẽ. Kế đến là màu cảu môi trường (Invironmental Colors) là những sắc màu khác nhau của vật thể ở xung quanh có tác động lẫn nhau.
Màu sắc chung (Common Colors) tức là màu sắc do sự cộng hưởng của tất cả màu sắc, ánh sáng của các vật thể.
Vẽ màu chính là tìm ra gam màu thể hiện được sự cộng hưởng của tất cả các loại màu sắc.
Bởi vì, trên thực tế, do sự cộng hưởng của tất cả màu sắc, ánh sáng của các vật thể. Ít khi chúng ta nhận thấy được chính xác màu sắc thật sự của từng đối tượng, vì nó bị ảnh hưởng của hơi nước của ánh sáng trong môi trường mà vật thể đó an vị (hơi nước làm cho màu ấy bị mờ đi, biến chất đi), của các màu xung quanh chiếu qua, ửng lại, của ánh sáng (ánh sáng đôi lúc nó mang sẵn một sắc màu nào đó thật khó thấy, tùy theo thời gian.
Đó là nói về ánh sáng thiên nhiên, còn ánh sáng nhân tạo thì màu của ánh sáng cũng rất dễ thấy.
Do đó, màu sắc mà chúng ta thấy là sự tổng hòa của các yếu tố: màu sắc riêng của đối tượng, màu sắc của ánh sáng, của hơi nước, của không khí và sự phản chiếu, của sự ửng rọi của màu sắc của các vật thể xung quanh tác động vào vật ấy.
Màu sắc riêng hay còn gọi là bản sắc thường được nói đến khi phân tích màu sắc trong tranh, còn trên lý thuyết cơ bản về màu sắc ít khi được đề cập đến. Sự rèn luyện màu sắc thể hiện khả năng, trình độ nghiên cứu. Sở dĩ nó được đặt ra trong bài giảng nhằm mục đích khêu gợi cho học viên nghiên cứu, phân tích để nhằm nói lên một cách khoa học về khả năng nhận thức về màu sắc của thị giác, và nó còn nói lên tính chất cộng hưởng của màu sắc với môi trường.
Chính vì nắm được khả năng cộng hưởng của màu sắc với màu sắc, màu sắc với ánh sáng mà họa phái Ấn tượng và Phái họa điểu miêu (pointillisme) hay còn gọi là họa phái Phân điểm (Divisionism) đã dùng sự cộng hưởng về màu, để tạo cho người xem thấy được màu thứ ba do sự đặt gần màu này với màu kia.
Thí dụ: Những chấm, nét màu đỏ xen với các chấm, nét màu lam làm cho chúng ta cảm thấy màu tím… Cứ như thế mà linh động phối hợp màu để tạo ra ảo giác về màu khác…
>>> Khái niệm về lịch sử màu sắc (Phần 1)
>>> Sự tương quan giữa các màu sắc