Không gian trong hội họa (Phần cuối)
* Những tính chất không gian của các yếu tố:
Những hiệu quả không gian trỗi lên từ việc sử dụng những yếu tố của cấu trúc nghệ thuật thì cần phải được nhìn nhận và kiểm soát. Mỗi một trong những yếu tố đó có các tính chất không gian cố kết và những quan hệ hỗ tương giữa các yếu tố tạo ra cảm giác không gian lớn lao. Nhiều loại trải nghiệm không có thể đạt được bằng cách vận dụng những yếu tố - nghĩa là bằng cách thay đổi vị trí, số lượng, phương hướng, sắc độ, cấu trúc cơ bản, kích cỡ, màu sắc. Những thay đổi có tính không gian đạt được là vô tận.
- Đường nét và không gian: Do cấu trúc vật lý của nó nên đường nét gợi lên một phương thức được duy trì của sự chuyển động. Một đường nét như thế, dẫu ngang qua mặt tranh hoặc tiến sâu vào trong, giúp chỉ ra sự hiện diện của không gian. Vì thế định nghĩa thì một đường nét cần phải có chiều dài lớn hơn bê ngang (nếu không người ta không thể phân biệt nó với một cái chấm hoặc một hình dạng) nên đường nét tạo ra tính liên tục, chuyển dịch con mắt của người quan sát từ một đơn vị hoặc vùng tổng quát sang một đơn vị hoặc một vùng tổng quát khác. Đường nét có thể là một sự chuyển tiếp hợp nhất những vùng ở trước, ở giữa và ở nền.
Lyonal Feininger, Hopfgarten, 1920. Tranh sơn dầu, 25 x 32 ¼ in.
Trong họa phẩm này, họa sĩ sử dụng những phương pháp trực quan nhằm làm chủ không gian, bao gồm những sự trong suốt và gối chồng lên nhau của các mặt phẳng, cũng như những mặt phẳng thâm nhập lẫn nhau và nghiêng vào không gian.
Ngoài phương hướng, đường nét còn chứa những tính chất không gian khác. Dài hoặc ngắn, dày hoặc mỏng, thẳng, có góc cạnh, hoặc uốn cong, những đường nét có những chuyển động và những vị trí có tính không gian khác nhau, tương phản nhau. Những dấu chỉ về không gian ba chiều đã nêu ra trong phần đầu bài này được kết hợp một cách tích cực với những tính vật lý của đường nét. Chẳng hạn, một đường nét dài khổ lớn có vẻ rộng hơn (một dấu chỉ có tính không gian) và như vậy gần với người xem hơn một đường nét ngắn và mỏng. Những đường gối chồng lên nhau thiết lập những vị thế có tính không gian khác nhau, đặc biệt khi chung được đặt trong những vị trí đối nghịch (nghĩa là đường nằm ngang). Một đường chéo thì có vẻ như chuyển động từ mặt tranh vào không gian sâu, trong khi một đường thẳng đứng hoặc ngang thì thông thường có vẻ như tương đối tĩnh (không chuyển động) (Hình Định vị hình ảnh). Ngoài ra, những tính chất tạo thành của những đường nét gối lên nhau có thể được gia tăng bằng cách điều chỉnh những sắc độ của chúng. Bạn có thể làm cho các đường nét trở nên thanh thoát đến độ chúng biến mất hoặc trở nên “mất hút” để xuất hiện trở lại và trở nên đậm nét hơn ngang qua tác phẩm. Cái phần bị mất nét này có thể giúp kiểm soát phương hướng sáng tác hoặc phương hướng của sự chuyển động. Ảo ảnh tạo hình được điều chỉnh gợi lên sự thay đổi của vị trí trong không gian.
Terry Winters, Định vị hình ảnh, 1997. Sơn dầu, nhựa tổng hợp, mica và than chì trên vải lanh (243.8 x 304.8 cm)
Những đường nét cá biệt gối chồng lên nhau, hội tụ và xác định không gian của chúng ta trong khi tạo ra trong tổng thể hình ảnh một mê cung tương đối sâu
Dấu chỉ không gian của đường nét hội tụ xuất hiện trong phối cảnh tuyến tính luôn là điều được thấy rõ ở bất cứ nơi đâu có những đường nét phức tạp. Những gợi ý không gian trỗi lên từ nguyên tắc chung này có quá nhiều thay đổi đến nỗi những hiệu ứng cá biệt thường là sản phẩm của những thăm dò có tính trực quan của họa sĩ. Những loại đường nét gợn sóng, xoắn ốc, ngoằn ngoèo, và chữ chỉ thích hợp cho mọi loại không gian qua những lệch lạc không thể lường trước của chúng về phương hướng của độ nhấn. Chúng xem chừng lùi ra sau và tiến về phía trước từ mặt phẳng trong không gian này đến mặt phẳng khác. Những đường nét không bị ràng buộc xác định không gian của chúng và có thể có những tính chất tạo hình trong chúng. Những đường nét cũng làm sáng tỏ những chiều kích không gian của những hình dạng rắn.
- Hình dạng và không gian: Hình dạng có thể gợi lên những mặt phẳng, những vật rắn hoặc hình khối, tất cả chúng đều chiếm một vị trí trong không gian và vì thế cần phải được đề cập trong bài này. Một mặt phẳng tuy chỉ có hai chiều về mặt vật lý, nhưng có thể tạo ra ảo ảnh về không gian ba chiều. Không gian có vẻ hai chiều khi mặt phẳng xem chừng nằm trên mặt tranh. Không gian có vẻ ba chiều khi các cạnh của nó xem chừng hội tụ ở một điểm hướng đến phía trước hoặc phía sau mặt tranh. Các vật thể rắn, các khối và các toàn thể tự động gợi lên ba chiều kích. Những hình dạng như thế nói lên không gian trong đó chúng phải hiện diện và thực sự trở thành một phần của nó. Người ta có thể làm cho các mặt phẳng những khối và các hình thể rắn có một ví trí cách xa bằng cách giảm kích cỡ của chúng so với các hình dạng khác ở những vùng tiền diện của tranh và bằng cách trung hòa sắc độ, cường độ và chi tiết của chúng (Hình B/WX). Lối xử lý này liên quan đến những chỉ dẫn về không gian đã nêu ra trong phần đầu của bài này.
Những mặt phẳng và các khối lập thể trong không gian
Quan hệ của các mặt phẳng trong biểu đồ này minh họa hiệu ứng của các khối lập thể có vẻ như choán không gian. Kích cỡ, sự gối chồng lên nhau, và sự bố trí những khối lập thể đó làm gia tăng hơn hiệu quả của tính kiên cố. Những đường in bóng nằm ngang cho thấy một vị trí tưởng tượng của mặt tranh khiến khối lập thể gần phóng chiếu vào không gian của người quan sát hoặc ra phía trước mặt tranh
Al Held, B/WX, 1968 Acrylic trên vải tranh (2.90 x 2.90m)
Tuy những tính chất vật lý của các đường nét vẫn tương thích trên toàn tac phẩm, sự sắp xếp chúng khiến cho những hình dạng bị bao quanh có vẻ như trong những vị trí không gian khác nhau. Tác phẩm này có cái gì đó tương tự như Op Art.
- Sắc độ và không gian: Hiệu quả có tính tạo hình của sắc độ có thể được dùng để kiếm soát không gian hình ảnh. Khi một nguồn sáng được cho là có ở phía trước bức tranh thì các vật ở cận cảnh có vẻ sáng hơn. Những vật ở giữa và ở nền dần dà tối đi khi chúng rời khỏi mặt phẳng tranh. Khi nguồn sáng được định vị ở phần sau bức tranh, trật tự của các sắc độ bị đảo ngược. Sự thay đổi của trật tự sắc độ luôn tuân theo trật tự từ sáng đến tối hoặc từ tối đến sáng.
Trong thế giới tự nhiên, những vật cận cảnh được trông thấy rõ nét và có tương phản lớn, trong khi những vật ở xa thì không rõ nét và có màu xám. Tuy vậy, những màu xám trung tính khi bị gối chồng lên bởi những màu đen hoặc trắng, thường có một ví trí xa xăm.
Những in bóng đôi khi là hữu ích trong việc mô tả không gian tạo hình, nhưng chúng có thể gây ra những lẫn lộn về không gian và ngay cả gây hại cho những sơ đồ bố trí nếu không được giải quyết một cách thận trọng và sáng suốt.
Việc điều chỉnh sắc độ có thể là trừu tượng nếu họa sĩ không tuân theo trật tự tự nhiên có tính khách quan của sáng và tối. Nhiều họa sĩ hoàn toàn không quan tâm đến cái trật tự tự nhiên này và thay vào đó sử dụng vị trí không gian cố kết xuất phát từ sáng và tối.
- Cấu trúc cơ bản và không gian: Vì sự trù phú mà cấu trúc cơ bản tạo ra cho bề mặt, nên người ta dễ dàng nghĩ về cái yếu tố này như là thuần túy hữu ích về mặt trang trí. Thật ra, cấu trúc cơ bản có thể có chức năng tạo thành của sự mô tả vị trí trong chiều sâu của các bề mặt. Thông thường mà nói thì cấu trúc cơ bản sắc bén, rõ ràng và sống động thì tiến về phía trước trong khi những cấu trúc cơ bản nhỏ bé, lờ mờ, không rõ nét thì lùi ra sau. Khi được điều chỉnh qua thay đổi những sắc độ, màu sắc và đường nét thì cấu trúc cơ bản góp phần đáng kể vào sự hợp nhất của toàn bộ hình ảnh.
Cấu trúc cơ bản là một trong những dấu hiệu có tính hình ảnh được sử đụng để tạo ra những bề mặt trang trí được đánh giá cao trong nghệ thuật đương đại. Đặc trưng có tính vật lý của cấu trúc cơ bản có liên quan đến toàn bộ mẫu thiết kế và như thế tác động một cách tích cực trên những bề mặt trang trí. Khi những bề mặt có mẫu trang trí được lặp lại và phân bố trên toàn vùng hình ảnh thì sự phẳng dẹt của mặt tranh trở nên rất quan trọng. Nhiều tác phẩm của Picasso minh họa việc sử dụng cấu trúc cơ bản bề mặt trong thời hiện đại nhằm duy trì khái niệm về mặt phẳng dẹt của tranh.
Hans Hofmann, Cổng, 1959-60. Tranh sơn dầu (1.9 x 1.23m)
Những vùng rộng màu lục và màu xanh lạnh lùi ra sau trong họa phẩm này hợp nhất sự sắp xếp màu sắc có hệ thống. Những vùng nhỏ hơn có màu đỏ và vàng ấm tạo sự cân bằng cho toàn bộ màu sắc. Những tương phản có tính không gian được làm dịu đi và tác phẩm được hài hòa bởi sự giảm cường độ của màu sắc sử dụng.
- Màu sắc và không gian: Một trong những cống hiến nổi bật nhất của các họa sĩ hiện đại là sự tái đánh giá của họ về những tiềm năng tạo hình của màu sắc. Màu sắc giờ đây được trực tiếp sát nhập vào hình dáng của hình ảnh trong tranh ở một cách thức tích cực và trực tiếp nhằm tạo ra những mặt phẳng không gian khác nhau của những vùng bề mặt. Kể từ thời Cézanne, đã có một nhận thức mới về những đặc trưng có tính không gian của màu sắc trong nghệ thuật. Vì vậy, không gian sâu được xem như khởi đầu của mặt phẳng tranh để từ đó lùi ra sau. Sau đó, John Marin và những người khác xử lý những không gian ở trên hoặc phía trong tiền diện của mặt tranh, chủ yếu qua sử dụng màu sắc (Hình Những đốm mặt trời). Họa sĩ trừu tượng Hans Hofmann thường sử dụng màu sắc để đưa các hình dạng có vẻ ở ngoài mặt tranh tiến ra phía trước. Qua những tương phản của sắc độ, cường độ và màu sắc, Hofmann làm chủ mức độ qua đó những hình dạng tiến ra trước hoặc lùi về sau.
Vì có liên quan gần nên những màu tương sắc tạo ra sự chuyển động bị giới hạn trong không gian; những màu tương phản thì nới rộng không gian và cung cấp những dấu đậm nét khác nhau, hoặc những điểm tiêu cự đáng quan tâm. Cả hai đều khai thác những chiều kích vô tận của không gian.
- Những khái niệm hiện đại về không gian: Mỗi thời kỳ quan trọng trong lịch sử nghệ thuật đều có cho nó một khái niệm về không gian. Những chọn lựa không gian đó phản ánh những điều kiện cơ bản bên trong nền văn minh tạo ra chúng. Một số thái độ cơ bản đối với không gian xem chừng được tái hiện trong những loại hình khác nhau trong suốt dòng lịch sử. Mỗi khi một tiếp cận mới về không gian được đưa vào thì trước tiên nó bị công chúng chống lại. Tuy vậy, cuối cùng nó trở thành một thứ sàng lọc chuẩn mực đối với cách nhìn của con người và dần dà điều kiện hóa học đã khiến họ mong đợi nghệ thuật phải phù hợp với một số nguyên tắc chung. Sự gia tốc của thay đổi được gợi lên bởi khoa học hiện đại giờ đây tạo ra những khái niệm mới chưa từng có trước đó. Ngày nay, các nghệ sĩ đang dò dẫm những cách thức nhằm am hiểu và diễn dịch những chân trời đang được mở rộng đó và trong khi thực hiện điều đó, họ gặp phải sự chống đối bướng bỉnh của công chúng (Hình Vũ trụ không che đậy).
Rene Magritte, Vũ trụ không che đậy, 1932. Tranh sơn dầu (75 x 91 cm)
Nếu quan sát kỹ, người ta có thể thấy rằng tác phẩm này đã chủ ý sử dụng không gian một cách không tương thích. Là họa sĩ Siêu Thực, Magritte thường tạo ra những hiệu ứng tối nghĩa và không ngờ để lay động cảm quan của chúng ta
- Tìm kiếm một chiều không gian mới: Được điều kiện hóa với cách nhìn của thời đại, các nghệ sĩ của thời Phục Hưng có mục tiêu là làm chủ tự nhiên bằng khoa học và hình ảnh. Họ tìm cơ hội thực hiện điều này bằng cách thu nhỏ tự nhiên, từng phần một, vào một hệ hình học tĩnh. Bằng cách giới hạn sự chú ý của họ vào một thời điểm nhìn, các họa sĩ có thể triển khai phối cảnh và trình bày một số méo mó có tính ảo ảnh của những hình dạng đích thực như được trông thấy bởi mắt người.
Được trang bị bởi khoa học kỹ thuật và công nghệ, các họa sĩ hiện đại nới rộng sự nghiên cứu về tự nhiên do các nghệ sĩ thời Phục hưng khởi xướng. Họ thăm dò cấu trúc bên trong và ngoài cửa tự nhiên bằng kính hiển vi, camera, video và kính viễn vọng. Ô tô, máy bay và phi thuyền cho họ cơ hội được thấy nhiều hơn về thế giới, hơn hẳn những gì mà những người trước họ được biết. Sự thay đổi một cách triệt để môi trường của người nghệ sĩ mang lại một nhận thức mới về không gian. Càng lúc nó càng cho thấy một cách hiển nhiên rằng không gian luôn được mô tả từ một bảng từ mới cho đồ họa vẫn được tiếp tục nhằm mô tả những phát hiện về hình ảnh. Vì một nét nổi trội của thế giới hiện đại là sự chuyển động nên sự trình bày của nghệ thuật hiện đại phải là sự chuyển động, ít nữa, là theo cách ảo ảnh. Sự chuyển động trở thành một phần của không gian và cái không gian này chỉ có thể được nắm bắt nếu một khoảng không gian nào đó được cấp phần cho nó. Do đó, một chiều kích mới được thêm vào khái niệm không gian – chiều thứ tư, một chiều kết hợp không gian, thời gian, chuyển động và là một thách đố có tính nghệ thuật quan trọng. Thách đố này là làm sao để tìm ra một phương pháp thực tiễn nhằm trình bày một sự vật đang chuyển động, từ mọi góc nhìn trên một mặt tranh. Trong khi tìm kiếm những giải pháp cho vấn đề này, các họa sĩ đã quay về những kinh nghiệm của chính họ cũng như sang những tác phẩm của các họa sĩ khác.
Paul Cézanne, Tĩnh vật với giỏ trái cây, khoảng 1888-90. Tranh sơn dầu (65.1 x 81 cm)
Cézanne quan tâm đến tính hiện thực tạo hình của các vật thể cũng như sự sắp xếp của chúng vào trong một bản vẽ hợp nhất. Tuy cái bình nước và hũ đường được nhìn từ một vị trí trực diện, thì cái hũ tròn ở sau chúng lại được vẽ như thể được nhìn từ môt vị trí cao hơn. Quai của cái giỏ được trình bày như thể tập trung vào mặt trước, nhưng có vẻ nghiêng về tầm nhìn phía phải khi nó lùi ra sau. Những cạnh phải và trái của cái bàn không có sự sắp xếp đổi hình và như thế được nhìn từ những điểm khác nhau. Cézanne đã kết hợp nhiều điểm quan sát đó vào một họa phẩm nhằm trình bày mỗi vật thể bằng những cảm nhận sâu sắc hơn về thực tại ba chiều
* Những hình ảnh tạo hình:
Paul Cézanne, họa sĩ hậu Ấn tượng thế kỷ 19, là người sớm tiên phong trong nỗ lực trình bày chiều kích mới. Mục tiêu của ông là hoàn các sự vật về lại với tính chất thực sự hơn của chúng. Cái tính chất này không phải là những vẻ bề ngoài có ở hình ảnh của thế giới Phục Hưng, nhưng là một thế giới của những hình dáng trong không gian được nghĩ ra theo lối hình ảnh tạo hình (Hình Tĩnh vật với giỏ trái cây). Trong khi vẽ tĩnh vật, Cézanne chọn quan điểm đặc trưng nhất về tất cả các vật mà ông vẽ ra; lúc đó ông thay đổi tầm nhìn, tách những mặt phẳng của đồ vật cá thể ra, và kết hợp tất cả những cách nhìn đó vào trong cùng một họa phẩm, tạo ra một cách nhìn đúc kết về những vật thể. Cézanne thường chuyển cái nhìn của ông về một vật thể đơn lẻ từ phía phải sang trái và từ đỉnh xuống đáy, tạo ra cái ảo ảnh về cảnh quang quanh nó. Để trông thấy nhiều hình ảnh về một sự vật đó, chúng ta hẳn phải di chuyển quanh nó hoặc xoay nó ở phía trước chúng ta. Điều đó hẳn có liên quan đến sự chuyển động, không gian và thời gian.
Tom Haverfield, Đèn Bão, khoảng 1960. Bút sắt và mực (22.9 x 30.5 cm)
Trong tác phẩm này vật thể được đưa vào lối vẽ trực giao chia chúng thành những cảnh chủ yếu có thể được vẽ thành hai chiều
Các họa sĩ Lập Thể đã sử dụng nhiều kỹ thuật xử lý hình ảnh của Cézanne. Họ thường trình bày một sự vật từ nhiều cách nhìn. Các vật thể được hoàn về với lối vẽ trực giao, phân chia thành những cảnh chủ yếu có thể được vẽ thành hai chiều nhưng không như kỹ thuật vẽ của người Ai Cập đã đề cập trước đây. Với bản vẽ thiết kế làm nền tảng, những hình, những hình chiếu đứng (hoặc những mặt nhìn nghiêng) được lấy từ mặt trước và mặt sau, và những mặt cắt thì được lấy từ hông phải và trái (Hình Đèn Bão). Sự gối chồng lên nhau của những cảnh đó trong một họa phẩm cho thấy nhiều khía cạnh của vật thể hơn là điều ta trông thấy một cách thông thường. Cái kỹ thuật này có vẻ là sự vặn méo tầm nhìn có tính tĩnh đã được điều kiện hóa của người xem tranh, nhưng trong những mức độ lựa chọn có tính nghệ thuật, mọi thứ được trình bày hẳn thông thường là điều được mong đợi trông thấy (Hình Đèn Bão II).
Tom Haverfield, Đèn Bão II, khoảng 1960. Bút chì trên giấy (35.6 x 45.7 cm)
Sự đặt kề nhau của các cảnh trực giao minh họa những cảnh có đặc tính chủ yếu và khác nhau của vật thể trong cùng một bức vẽ. Một bức vẽ được thực hiện bằng cách lắp ghép như thế cho thấy nhiều điều hơn là những gì ta thường thấy ở một vật thể
Trong những tác phẩm của các họa sĩ Lập Thể, chúng ta thấy rằng một hình ảnh có thể có sự sống trong nó và rằng sự hình thành không gian không phải là một vấn đề của mô tả hay diễn giải. Các họa sĩ Lập Thể làm việc từng bước một để minh họa rằng một vật thể càng được tô vẽ xa rời với hình ảnh trông thấy thì chúng càng giống một cách có hệ thống với tính chất ba chiều của vật thể được thăm dò. Cuối cùng, họ triển khai khái niệm về “hình ảnh được vẽ một cách tổng hợp”. Thay vì phân tích một đề tài, họ bắt đầu triển khai những hình dạng hình học rộng lớn, đơn giản, tách rời khỏi vật mẫu. Lúc đó, chủ đề được gợi lên bởi những hình dạng được tổng hợp hoặc áp đặt vào trong cái hệ thống không gian đó.
* Trình bày qua hình ảnh về những chuyển động trong thời gian:
Từ một quá khứ xa xăm, các họa sĩ đã phải vật lộn với vấn đề trình bày sự chuyển động trên mặt tranh tĩnh. Trong các họa phẩm của những người tiền sử và sơ khai, những nỗ lực đó không hề có tổ chức nhưng đã có những toan tính đơn độc nhằm trình bày những hình dạng có giới hạn của sự chuyển động được quan sát.
Ở buổi đầu, trong nỗ lực nhằm đưa sự chuyển động và những hình người có tính tĩnh, các nhà điêu khắc Hy Lạp đã sắp xếp những đường nét quần áo của các hình nhân của họ nhằm nhấn mạnh đến sự trôi chảy không ngừng của nhiều chuyển động. Bằng cách dõi theo những nét nhấn tuyến tính đó, con mắt của người quan sát chuyển động dịu dàng bên trên bề mặt của pho tượng.
Vô danh, David và Goliath, khoảng 1250. Bản chép tay khổ 39 x 30 cm
Yếu tố về thời gian trôi qua đã được trình bày ở đây, nhưng theo lối phụ thuộc có tính quy ước.
Roger Brown, Giotto và những người bạn của ông, 1981. Tranh sơn dầu (1.83 x 2.45m)
Họa sĩ đương đại Roger Brown đã sử dụng kỹ thuật miêu tả phân khúc có trong quá khứ. Mỗi đoạn của tác phẩm là một phần của câu chuyện đang được kể ra.
Giacomo Balla, Tính năng động của con chó bị buộc bằng dây, 1912. Tranh sơn dầu (89.9 x 109.9 cm)
Để gợi lên sự chuyển động trong không gian và thời gian, Balla sáng tạo ra kỹ thuật lặp lại những đường viền. Cái phương kế này chẳng mấy chốc được noi theo để vẽ những truyện tranh hài đăng thường kỳ trên báo và từ đó trở thành một quy ước.
Các họa sĩ thời Trung Cổ và đầu Phục Hưng minh họa những câu chuyện trong Thánh Kinh bằng cách lặp lại một chuỗi những hình ảnh tĩnh. Sự trình bày về những giai đoạn khác nhau của câu chuyện (dẫu trong một chuỗi dài vài hình ảnh hoặc một chuỗi hình ảnh bên trong một tác phẩm) tạo ra một hình ảnh khái quát về sự chuyển động của đề tài, về một quãng thời gian và về một không gian. Những tranh ảnh đó là cái có trước truyện tranh hài (đăng từng kỳ trên báo) và những kỹ thuật điện ảnh mà những hình ảnh đơn lẻ được chiếu nhanh, tạo ra ảo ảnh về sự chuyển động. Những phương tiện trình bày khác thì gối lên nhau một chuỗi những cảnh của một hình nhân tĩnh hoặc những phần ở trong một sự sắp xếp hình ảnh để gợi lên sự chuyển động. Kỹ thuật này chủ yếu liệt kê chuỗi tư thế của một thân người đang chuyển động, nêu ra những thay đổi trông thấy. Các họa sĩ của thế kỷ 20 đã thăm dò những khả năng nhằm hỗn hợp những tư thế thay đổi đó bằng cách mở rộng con đường của sự chuyển động. Những nhân vật không được nhìn thấy trong những tư thế cố định, nhưng được xem như là những con đường chuyển động trừu tượng của họa động. Chủ thể trong họa phẩm Khỏa thân đang bước xuống cầu thang của Marcel Duchamp không phải là cơ thể con người nhưng là mức độ và loại sinh năng mà cơ thể con người toát ra khi nó ngang qua không gian. Họa phẩm này có một ý nghĩa quan trọng trong hình ảnh hóa sự chuyển động, vì chức năng của những lực tạo hình được hợp thành một thể thống nhất với tác phẩm.
Marcel Duchamp, Khỏa thân đang bước xuống cầu thang, số 2. 1912. Tranh sơn dầu (147.3 x 89.9 cm)
Đề tài trong tác phẩm của Duchamp tự nó không phải là một thân người, nhưng là loại năng lượng và mức độ năng lượng của một thân người toát ra khi nó ngang qua không gian.
Những họa sĩ thuộc trường phái Vị Lai là những người đã cống hiến nhiều trong mô tả sự chuyển động của chúng, nhưng cũng trình bày những nền tảng của chúng. Những đường nét đó được phối hợp trong những mẫu năng lượng thuộc cảm giác vận động. Tuy loại hình biểu hiện này không hoàn toàn mới mẻ, nhưng nó cung cấp một sự táo bạo mới – sự tồn tại đồng thời của nhân vật, vật thể và bối cảnh DA. Là một phần của văn hóa trong thời kỳ này, điện ảnh hầu như đã ảnh hưởng đến những họa sĩ đó. Các họa sĩ đương đại tiếp tục trải nghiệm với khái niệm về sự chuyển động, về chủ thể và những bối cảnh.
Gino Severini, Tượng hình động của buổi khiêu vũ Tabarin, 1912. Tranh sơn dầu (161.6 x 156.2 cm)
Các tác phẩm của những họa sĩ thuộc trường phái Vị Lai đều hướng đến sự chuyển động. Chúng không chỉ bao gồm những hình dạng của các nhân vật và vật thể với những con đường chuyển động của chúng mà còn luôn những nền tảng của chúng. Những nét đó được kết hợp trong một mẫu năng lượng thuộc cảm giác vận động.
Renato Bertelli, Mặt nhìn nghiêng không ngưng của Mussolini, 1933.
Đất nung dát đồng (29.8 cm cao và 22.9 cm đường kính)
Chịu ảnh hưởng của các nghệ sĩ thuộc trường phái Vị Lai, Bertelli thăm dò những khái niệm về sự chuyển động liên tục đồng thời trong mô tả chân dung.
Dan Collins, Của hơn hai tâm trí, 1994. Tạo hình ba chiều hình laser kỹ thuật số trên sáp CNC
Tuy được gợi hứng bởi những khái niệm vượt thời gian về sự chuyển động của cơ thể, kỹ thuật mới đã mang lại nhiều phương tiện mới cho thăm dò và biểu hiện.
Arman, Xe đạp nham thạch, 1991. Xe đạp cọ sơn acrylic trên vải tranh (121.9 x 152.4 x 31.8 cm)
Sự chuyển động mềm mại, tốc độ và môi trường được trình bày theo những chất liệu hiện đại trong một sự sắp xếp ba chiều cạn và mới mẻ.
Lúc này, sự thăm dò không gian trong chiều kích thứ tư không gian – thời gian đang trong bước chập chững. Khi nghiên cứu tỏ rõ thêm về những bí ẩn của thế giới tự nhiên, các nghệ sĩ tiếp tục hấp thu và diễn giải chúng phù hợp với những kinh nghiệm cá nhân của họ. Có thể nói rằng những khái niệm có tính cách mạng hơn sẽ trỗi lên với thời gian, tạo ra những thay đổi lớn lao trong các phong cách nghệ thuật. Có một điều quan trọng mà chúng ta cần phải ghi nhớ đó là những hình dáng vặn vẹo và lạ mắt của sự thể hiện nghệ thuật không xuất hiện từ chân không. Chúng thường tưởng trưng cho những nỗ lực nhằm nắm bắt và diễn dịch thế giới của chúng ta ở những biên giới sau cùng của sự am hiểu.
Eadweard Muybridge, Sự chuyển động của con ngựa được quan sát một cách khoa học.
Bản in khắc theo những ảnh chụp, khoảng 1875
Những bức ảnh được ghi từ các camera có thể ghi tốc độ nhanh đầu tiên này đã ảnh hưởng đến Manet, Degas và những sinh viên nghệ thuật nghiên cứu về sự chuyển động sau đó.
- Điện ảnh: Nghiên cứu khoa học cận đại về những hình ảnh chuyển động của một vật bắt đầu vào khoảng 1924 và song song với nó là sự khám phá và phát triển nhiếp ảnh. Trong số những người tiên phong liên kết nhiếp ảnh với nghiên cứu sự chuyển động có Coleman Sellers và nhà nhiếp ảnh Eadweard Mybridge. Họ đã sử dụng Zoetrope, một bánh xe có cấu trúc hình trụ để cuộn vào những ảnh chụp riêng lẻ và chiếu ra những hoạt hình. Là người tiên phong, Muybridge nổi tiếng với những bức ảnh chụp của ông về sự chuyển động của người và thú. Ông khiến cả thế giới phải thán phục vì những cuốn sách và những bài diễn thuyết của ông về điện ảnh.
Qua công nghiệp điện ảnh giải trí, những nhà làm phim nghệ thuật được xem như có khuynh hướng thoát ly khỏi loại phim do Hollywood sản xuất. Nhiều loại phim hiện thực, nghiêm túc, sát với đời thật hơn, được sản xuất từ Âu châu. Một số phim, như phim Siêu thực “Con chó Andalusian” do họa sĩ Salvador Dali và Luis Bunel hình thành vào năm 1929 là một thành tựu mang đậm tính cảm xúc và tài năng cá nhân.
Năm 1923, Eastman Kodak phát triển loại chim celluloid 16mm và trong thập niên 1960 loại phim 8mm, song song với loại camera xách tay, máy chiếu phim và những công cụ thông dụng khác giúp cho họa sĩ nhà thiết kế, các giáo sư, sinh viên, chuyên gia có thể xem và tạo ra phim ảnh. Hơn thế nữa, những cải thiện trong thu và phát hình giúp bành trướng việc sử dụng phim, từ là sản phẩm của công nghiệp giải trí sang bất cứ cá nhân nào muốn sáng tác.
Ở trong tay bất kỳ một cá nhân sáng tạo nào, camera ghi hình có thể đưa đến những phát triển đáng kinh ngạc. Trường hợp này có thể được thấy qua cuộc đời của Steven Spielberg, mà khi trẻ vốn ôm mộng được là một sinh viên trong ngành điện ảnh. Spielberg sau đó đã trở thành nhà sản xuất, đạo diễn hàng đầu thế giới. Cùng với George Lucas, Steven Spielberg lôi cuốn công chúng bằng sự tưởng tượng và những hiệu ứng đặc biệt của những phim như Chiến tranh các vì sao, Công viên Kỷ Jura. Ngoài hai người vừa kể, Andy Warhol đã sử dụng phim ảnh để trình bày về những sinh hoạt đời thường như nằm ngủ theo một cách thức mới.
- Truyền hình: Truyền hình (TV) quả thật là những hệ điện tử đầu tiên giúp nới rộng các cảm quan nghe (audio) và nhìn (video). Nó ngay tức khắc truyền đi những hình ảnh tĩnh hoặc động cùng lúc với âm thanh qua những truyền điện tử hoặc qua những sóng điện từ (sóng radio). Một trong những thành tố quan trọng nhất của việc truyền hình ảnh là máy quét phá vỡ những hình ảnh thành một chuỗi những yếu tố riêng lẻ để sau đó tái hợp lại ở những vị trí chính xác của chúng và kinescope nhằm điều chỉnh những xung lực điện tử của tín hiệu truyền hình thành những tia electron tác động đến màn ảnh truyền hình, tạo ra ánh sáng và hình ảnh liên tục.
Nam June Paik, Hamlet Robot, 1996. 2 radios, 24 TV, transformer, 2 đầu phát đĩa hình laser,
đĩa laser vương miện, quyền trượng, kiếm và đầu lâu (144 x 88 x 32 in).
Tựa như máy quay phim, máy quay video xách tay có bộ phận ghi hình gắn liền giúp cho các nghệ sĩ một phương tiện thực tiễn nhằm tạo ra những chương trình nói lên những ý tưởng của con người và sự chuyển động. Ngày nay, các viện bảo tàng nghệ thuật và các gallery thường có trang bị màn ảnh hoặc truyền hình để trình bày những hình ảnh nghệ thuật đủ loại, với đủ kích cỡ phù hợp với người xem.
Nam June Paik của Nam Triều Tiên là nghệ sĩ đầu tiên sử dụng video và màn hình TV như là một loại hình nghệ thuật. Các tác phẩm của ông bao gồm những bức tường vĩ đại được tạo dựng từ truyền hình: Bức tường thông tin năm 1992 với 429 màn ảnh truyền hình, Megatron năm 1995, gồm 215 màn ảnh truyền hình, tám kênh video màu, hai kênh âm thanh cùng những đèn rọi sử dụng tia lasser. Ngoài ra ông cũng trưng bày một tác phẩm gồm một chuỗi truyền hình và một thác nước tại Guggenheim năm 2000. Tất cả những tác phẩm đó đã được trình bày một cách xuất sắc.
- Vi tính và nghệ thuật: Tuy các hãng điện toán vẫn không ngừng tung ra thị trường những sản phẩm mới, nhưng có thể nói rằng ngay cả những máy vi tính rẻ tiền nhất cũng có thể tạo ra được những tác phẩm nghệ thuật nổi trội. Vi tính đã mở ra một thời đại của truyền thông đa phương tiện và đang làm thay đổi thế giới một cách chưa từng có trước đó. Vi tính giúp cho người sử dụng tiếp cận với những nguồn nghiên cứu và giải trí cũng như là công cụ trong phát triển sáng tạo nghệ thuật kể cả những thăm dò về sự chuyển động. Truyền thông đa phương tiện kết hợp nhiều nhóm phương tiện khác nhau vào một hợp lực nhất. Nó kết hợp những phương tiện như văn bản, những đồ họa tĩnh va động (hoạt hình), những âm thanh của lời nói và nhạc cụ vào trong một nhóm đơn lẻ. Thứ hai, những điều vừa kể có thể được kết nối với phương tiện truyền thông: truyền hình (bao gồm cáp và video), điện thoại (modem và Internet) và phim ảnh (phim và video).
Cuối cùng vì vi tính đã đủ mạnh để có thể xử lý hầu hết mọi loại dữ liệu có thể được lưu trữ trong một CD-Rom, nên những người lập trình có thể thêm vào các nhóm chương trình trong số nhiều chương trình đã được soạn sẵn cho các họa sĩ, nhà thiết kế. Cái phần mềm này rất hữu dụng với những phương tiện và công cụ cần có cho sự phát triển thần kỳ. Nhiều nghệ sĩ tài năng đã tạo ra phần mềm cho riêng họ nhằm có thể kiểm soát những vùng cá biệt cho tác phẩm của họ. Ngày nay, các nghệ sĩ đã nắm bắt được lợi thế do tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại. Sự đa dạng của truyền thông đa phương tiện tạo ra những hình ảnh trong giai đoạn hoàn tất tác phẩm bằng phương tiện đó, cuộc sống con người có liên quan đến thời gian, không gian và hành động trở thành một nguồn cảm hứng cho sự nghiên cứu và sáng tạo nhiều loại hình nghệ thuật hấp dẫn.
Sheriann Ki-Sun Burnham, Du Mục, 1996. Bản in (56.5 x 56.5 cm)
Trong khi khuyến khích sự tiến hóa của những hướng cách tân trong đồ họa, kỹ thuật mới nhất giúp họa sĩ nghiên cứu về cấu trúc cơ bản, mẫu thiết kế, sự chồng lên nhau một cách trong suốt và sự hợp thành một thể thống nhất phức tạp của hình ảnh bên trong các tầng lớp.
>>> Không gian trong hội họa (Phần 1)
>>> Hình dạng trong hội họa (Phần 1)