Bài tập thực hành về điêu khắc
1. Chép đầu tượng theo tỷ lệ 1.1
* Yêu cầu:
- Hiểu được cấu trúc và vẻ đẹp của các khối đầu và mặt trong không gian 3 chiều. Những hiểu biết này sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc vẽ hình họa và chân dung người thật.
- Chép đúng với tỷ lệ 1.1. Thể hiện được giống mẫu về các tỷ lệ hình khối, đặc điểm của tượng mẫu.
* Chuẩn bị đầu tượng mẫu:
Tùy theo trình độ, ta có thể chọn Đầu tượng nữ (nếu tay nghề các em cao, vì tượng nữ khó hơn với kiểu khối cong, lượn, ít khi thẳng, mạnh, dứt khoát) hay Đầu tượng nam (nếu tay nghề các em vừa phải vì đầu nam có kiểu khối rõ ràng hơn) hoặc Đầu tượng nam phạt mảng (nếu tay nghề các em yếu hoặc thời hạn làm bài quá gấp). Nên tránh các đầu tượng phức tạp, kiểu như tóc xoăn tít hay tết 2 đuôi sam, râu dài bay trong gió hay đầu tượng trẻ con mặt tròn căng. Tốt nhất là loại mặt tượng có khối rõ ràng, đơn giản với góc cạnh dứt khoát. Xin lưu ý là các em mới bắt đầu làm quen với điêu khắc nên còn rất bỡ ngỡ, thời lượng của bài thì lại ngắn.
* Dàn vị trí các bàn xoay:
- Tượng mẫu phải có riêng 1 bàn xoay, đặt ở chính giữa lớp, trong khu vực ánh sáng tốt nhất cho tạo hình.
- Tất cả các bàn xoay còn lại phải dàn đều quanh tượng mẫu sao cho người nặn đi lại dễ dàng chung quanh và nhất là dễ di chuyển lên sát mẫu để đo, quan sát rồi trở về vị trí xoay của mình.
- Khoảng cách tối thiểu từ tượng mẫu tới bàn xoay gần nhất phải là 1,5m.
- Khoảng cách tối thiểu giữa các bàn xoay với nhau phải là 1m để hạn chế va chạm khi các sinh viên làm bài và di chuyển xung quanh vị trí đứng của mình.
- Các bàn xoay của sinh viên nên xếp theo hình rẻ quạt so với mẫu và phải so le với nhau để người phía sau còn quan sát được mẫu.
Lưu ý: Tránh xếp bàn xoay chặn ở cửa ra vào.
* Các bước thực hiện bài chép đầu tượng:
- Những quy định cơ bản:
+ Chép bằng thật (tỷ lệ 1.1) là điều kiện tiên quyết của bài chép.
+ Tất cả các sinh viên phải đứng khi làm bài Chép đầu tượng (trừ ngoại lệ chính đáng). Điều này giống như khi vẽ hình họa.
+ Phải đảm bảo nguyên tắc: ai thấp đứng gần mẫu, cao đứng xa mẫu.
+ Mỗi sinh viên phải có 1 mặt bàn nặn đã đóng cốt nặn bằng cọc gỗ vuông thì mới có thể làm bài chép đầu tượng.
+ Lớp phải có đủ số bàn xoay + 1 (cho cả sinh viên và tượng mẫu), compa, dụng cụ cắt đất cỡ to. Mỗi sinh viên phải tự chuẩn bị đủ dụng cụ cá nhân để nặn tượng.
+ Cả lớp phải dàn xếp với nhau để xoay đều mẫu tượng 3600 theo vòng tròn lần lượt 8 hướng, mỗi hướng khoảng 30 phút. Cố gắng đảm bảo mỗi sinh viên được nhìn mẫu chính diện ít nhất 1 lần 30 phút trong mỗi buổi nặn.
+ Không quên tưới nước và ủ kín tượng bằng nilông cuối mỗi buổi nặn để thuận tiện cho việc nặn tiếp vào buổi sau, tránh cho bài bị khô, nứt.
* Quan sát mẫu và dự tính trước:
- Mỗi sinh viên phải tự quan sát và rút ra những kết luận về mẫu như: tổng chiều cao so với chiều ngang? thẳng đứng, cúi hay nghiêng? có bệ hay không? tóc nhiều hay ít? tỷ lệ giữa mặt với cổ (cả cao lẫn ngang)?, vị trí của tai so với lông mày và chân mũi?...
- Căn tâm cọc gỗ ra 2 phía trước và ngang rồi đánh dấu lại để dễ nhớ vị trí cốt tượng kể cả khi đã đắp đất che kín cốt, tránh việc đắp đất lệch cốt (có khi phải đắp lại, rất mất công).
- Phải dự tính sao cho đỉnh cọc gỗ làm cốt phải thấp hơn đỉnh đầu tượng ít nhất 2 cm và tốt nhất có vị trí ở đúng đỉnh đầu. Nếu không thì sẽ rất dễ bị lòi cốt dẫn tới bài không đạt yêu cầu và phải đắp đất lại.
* Đắp đất quanh cốt:
- Không dùng các tảng đất quá to mà lấy từng cục đất cỡ khoảng 1 nắm tay ốp đều vào tất cả các phía quanh cốt tượng.
- Đắp đất cứng và chắc hơn ở dưới và bên trong, đất ướt và dẻo hơn ở trên và bên ngoài.
- Ốp lần lượt từ dưới lên trên sao cho đều.
- Phải đảm bảo sao cho vị trí của cốt ở đúng tâm thượng.
- Cứ mỗi lượt lại lấy vồ đập để nén đất cho chặt và đều để đất bám chắc vào mặt bàn và cốt, đồng thời các lớp đất liên kết với nhau, không có lỗ hổng bên trong, không tách thành các lớp riêng biệt. Đất phải dày đều và ôm đều quanh cốt tượng.
- Chú ý đảm bảo độ dày ngang của đất đắp tương đương độ dày ngang của tượng mẫu.
- Cuối cùng trên đỉnh phải phủ kín đất và cao hơn đỉnh cốt gỗ.
CÁC BƯỚC THỰC HIỆN BÀI CHÉP ĐẦU TƯỢNG
1. Đắp đất quanh cốt từ dưới lên
2. Đắp dần lên cao
3. Đập thành khối cơ bản
4. Dùng compa đo đầu tượng mẫu
5. Căn chiều cao từ tượng mẫu sang bài tập đang nặn.
Chú ý các đoạn: từ trán đến cằm, đến lông mày, chân mũi, môi trên...
6. Căn chiều ngang từ tượng mẫu sang bài tập đang nặn.
Chú ý các đoạn: 2 bên thái dương, 2 gò má, 2 quai hàm, 2 cánh mũi, 2 mắt, cổ…
7. Căn chiều trước – sau từ mẫu sáng bài tập để chép đúng khoảng cách từ trán đến sọ,
đỉnh mũi đến gáy, mồm – gáy, cằm – quai hàm, mũi – tai...
8. Đặc biệt, nếu muốn bài hoàn chỉnh, không được quên căn kích thước
của cổ và bệ, cả 2 chiều ngang và chiều trước – sau.
9. Nặn đến mức độ tương đối thì kiểm tra bằng cách: Đặt mẫu và bài tập cùng chiều, ngang hàng,
sẽ dễ dàng phát hiện những sai sót… Tiếp tục làm như vậy theo các hướng nhìn nghiêng, 3/4, sau gáy…
10. Lấy đầu bay tre phác nét trục dọc mũi và trục ngang lông mày (ụ mày).
Sau đó cẩn thận dùng 2 ngón tay cái ấn lõm, tạo 2 hố mắt cho cân.
11. Đồng thời dùng ngón tay cái ép hất nghiêng lên trên để tạo gò xương trán - ụ mày.
12. Sau khi làm tốt trước mặt và 2 bên, nên chú ý cả phía sau đầu: nạo, miết,
chỉnh sửa cho khối sọ và gáy chính xác hơn.
13. Để đảm bảo hoàn thành bài, cần cân nhắc kỹ tất cả các tỷ lệ, mảng,
khối sao cho cân đối và càng giống mẫu càng tốt.
* Tạo khối cơ bản:
- Quan sát và tạo khối đầu hình quả trứng nghiêng theo trục từ cằm lên đỉnh sọ và khối cổ hình trụ.
- Ưu tiên hướng chính diện để tạo dáng và khối cơ bản cho mặt trước, nhớ quan sát cả chính diện lẫn chiều nghiêng.
- Dùng compa đo các tỷ lệ chính: chiều cao của đầu, từ trán đến cằm, 2 bên thái dương, 2 bên quai hàm, từ đỉnh mũi đến sau sọ, từ trán và đến gáy, từ cằm đến gáy… rồi áp sang khối đất mà mỗi sinh viên mới đắp.
- Điều chỉnh các kích thước cơ bản của bài chép sao cho đúng với mẫu (đắp thêm, gọt hay nạo bớt…) để đảm bảo tỷ lệ 1.1.
* Ưu tiên các mảng và tỷ lệ chính trên mặt:
- Diễn tả mặt bao giờ cũng quan trọng trong tranh hay tượng chân dung. Bài có hoàn thiện hay không, chính là ở tiêu chí này.
- Đo, đắp và chỉnh các tỷ lệ chính trên mặt như:
a) Từ đỉnh đầu đến lông mày,
b) Từ lông mày đến chân mũi,
c) Từ chân mũi đến cằm. Cũng làm như vậy với chiều ngang mỗi con mắt, ngang chân mũi, ngang mồm, khoảng cách giữa 2 con mắt… Thường xuyên sử dụng compa để đo.
- Xác định vị trí 2 lỗ tai và lấy đó làm chuẩn để so sánh với gò má, chân mũi, mồm, sau gáy.
- Cắm que để đánh dấu vào các vị trí: đầu – cuối mắt và lông mày, gò má, nhân trung, 2 cánh mũi, 2 mép, 2 lỗ tai… để đo và chỉnh cho chính xác.
- Đặc biệt lưu ý khối mắt: người mới nặn bao giờ cũng có xu hướng sai lệch là cố tỉa, khoét các mí mắt, đầu, đuôi mắt mà quên rằng khối mắt mới là quan trọng nhất. Không đảm bảo khối thì việc tỉa mọi chi tiết chỉ là lạc đề!
- Không chỉ nhìn chính diện mà phải luôn xoay 2 bên, chếch 3, 4 và cả sau gáy để kiểm tra và chỉnh cho đúng với tượng mẫu.
* Chính khối tổng thể cho cân, đúng và hoàn thiện bài:
- Đa số sinh viên mới tập nặn đầu tượng thường sa vào chi tiết trên mặt mà quên mất giữ tổng thể cân bằng. Nói một cách khác, có thể đủ tất cả các chi tiết nhưng đầu méo, mặt vẹo, cổ lệch…Vì vậy sinh viên cần quan sát tượng từ dưới lên và từ trên xuống để đảm bảo độ cân của các khối.
- Luôn phải bảo đảm trục mặt thẳng đứng, cân đều 2 bên; luôn kiểm tra bằng dây dọi vì trong quá trình đập và nặn, đất ướt dễ bị méo hay lệch.
- Chú ý kiểm tra các cặp có vị trí bắt buộc phải cân bằng ở 2 bên như 2 tai, 2 gò má, 2 quai hàm, 2 thái dương, 2 mắt… và phải luôn quan sát nhiều chiều.
- Thường xuyên quay bài song song với tượng mẫu ở tất cả các phía để dễ kiểm tra.
- Xịt nước đều (tốt nhấ là bằng bình tưới cây với hạt nước nhỏ), ủ nilông chờ đến khi chấm bài thi mở ra.
- Chấm bài xong không phá bỏ tượng vì còn dùng làm mẫu cho bài xong (lại phải ủ lại).
2. Chuyển đầu tượng sang phù điêu (35 x 35cm)
* Yêu cầu:
- Hiểu được cách chuyển từ khối và không gian 3 chiều thật sang khối và không gian ước lệ, với độ nông – sâu, nổi – chìm có giới hạn khống chế. Phù điêu là dùng khối diễn tả trên mặt phẳng cho người xem vẫn thấy khối nổi như ở tượng tròn.
- Cảm nhận được 2 dạng thức cơ bản nhất của tạo hình điêu khắc: tượng tròn (khối nổi đầy đủ trong không gian 3 chiều) và phù điêu (khối nổi ước lệ trên mặt phẳng).
- Cảm nhận được giá trị của ánh sáng khi tác động đến độ lồi lõm, cao thấp của các khối, tạo ra hiệu quả đậm nhạt gần như bài hình họa.
- Có kỹ năng làm phù điêu để sau này phục vụ các công trình kiến trúc có thành phần điêu khắc ốp trên vách tường.
* Chuẩn bị đầu tượng mẫu:
- Lấy ngay đầu tượng đã nặn của bài trước. Mỗi người phải tự chuyển theo bài đã nặn của chính mình.
* Dàn vị trí các giá nặn:
- Làm phù điêu tức là đắp nổi bằng đất sét trên một bề mặt phẳng - ở đây là tấm gỗ ghép ngang.
- Mặt bàn nặn của mỗi sinh viên không để trên bàn xoay mà phải đặt trên giá 3 chân, giống như khi vẽ hình họa.
- Vì bài phù điêu không sử dụng không gian 3 chiều đầy đủ mà chỉ dùng không gian có bề nổi ước lệ trên 1 mặt phẳng nên ta không bày tượng mẫu trên bàn xoay mà nên bày cố định, sát tường, mỗi người 1 mẫu ở bên cạnh giá nặn của mình, mẫu phải có hướng ánh sáng cố định chiếu vào. Nên ngồi khi làm bài.
- Tốt nhất là bày mẫu nghiêng (profil) cho dễ làm.
- Bài của mỗi sinh viên có hướng ánh sáng duy nhất, giống như hướng ánh sáng chiếu vào mẫu ở góc độ ấy. Tốt nhất là ánh sáng chiếu ngang bài, vuông góc với mắt ta, hơi chếch từ trên xuống, cụ thể là chiếu theo chiều từ trước trán đến sau gáy của mẫu. Phía đối diện nên có phản quang (ánh sáng hắt lại từ tường là đủ). Nhờ có hướng sáng như vậy mà ta điều chỉnh được các mức độ nông sâu trong bài phù điêu.
* Các bước thực hiện:
- Những quy định cơ bản:
+ Phải làm bài theo tỷ lệ 1/1 so với mẫu.
+ Tuyệt đối không làm bài nhìn từ sau gáy hay 3/4 phía sau.
+ Vì mỗi sinh viên chỉ có 1 hướng nhìn cố định nên bài không sử dụng bàn xoay mà là giá vẽ 3 chân. Mỗi người dùng 1 bàn nặn không có cọc cốt nặn, dựng như bảng vẽ hình họa trên giá vẽ.
- Quan sát mẫu và dự tính trước:
+ Mỗi người đều chỉ có góc nhìn cố định của riêng mình so với mẫu. Do đó phải quan sát kỹ để nhận ra những đặc điểm của mẫu ở góc nhìn của mình.
+ Lưu ý các mảng chính có độ lồi lõm khác nhau. Riêng chỗ cần làm lõm nhất chính là nền quanh đầu tượng (mà sẽ chỉ làm ước lệ vì độ sâu bị hạn chế).
- Chuẩn bị bàn nặn:
+ Kích thước của bàn nặn là 40 x 40cm, của bài phù điêu là 35 x 35cm. Bàn nặn được thép từ những thanh gỗ không bào nhẵn để dễ bám đất.
+ Vì bài sẽ phải để dốc đứng, khả năng đất sẽ bị trôi xuống nên ta phải chú ý xếp sao cho các thanh gỗ chạy ngang chứ không theo chiều dọc.
+ Phía dưới cùng nên đóng 1 thanh gỗ chặn (dài 40cm) để chống trôi, dày khoảng 2cm là vừa.
+ Đúng ra, với bài phù điêu cho sinh viên điêu khắc chuyên nghiệp (kéo dài hàng tháng trời), cần phải đóng nhiều đinh, quấn nhiều dây thép đan chéo để giữ đất khỏi trôi, nhưng với điều kiện ở dây thì dùng bảng ghép các thanh gỗ ngang là đủ.
- Đắp đất vào bàn nặn:
+ Trước hết phải đập nhuyễn đất, kiểm tra kỹ để loại bỏ tạp chất. Đất phải đồng màu.
+ Cắt từng miếng rộng, đập vào bàn nặn từng lớp một, dùng vồ đập đất nện chặt đất xuống.
+ Tạo độ dày đều khoảng 4-5cm (nếu mỏng hơn sẽ chóng bị khô đất), xén xuông vắn 3 cạnh trên và 2 bên (dưới đã có thanh gỗ đỡ ngang).
+ Cần vẩy nước vào bàn nặn trước khi đắp đất, để đất bám vào cột dễ hơn.
- Phác hình trên đất:
+ Trước hết xác định bố cục cho cân: đỉnh đầu sát rìa trên, trước mặt để rộng hơn sau gáy.
+ Tiến hành gần giống như hình họa: lấy mũi dao nặn để phác các đường hướng lớn và các tỷ lệ cơ bản. Nét nào sai thì xoá đi phác lại.
+ Tránh đi vào chi tiết ngay từ đầu.
+ Phân ra các mảng lớn, chú ý các mảng nền sẽ cần khoét bớt đất.
+ Dự tính các lớp sẽ phải khoét: khoảng 4 lớp, mỗi lớp khoảng 5mm hoặc hơn.
- Khoét và đắp bài:
+ Khoét dần từng lớp một, từ nông đến sâu (giống như hình họa phải đan nét dần từ nhạt đến đậm), không được nóng vội, không khoét thủng.
+ Trước hết nạo bỏ các mảng nền (bằng cái nạo đất), tạm thời chỉ nông 1 lớp.
+ Phác lại hình các mảng lõm chính trên mặt như hốc mắt, quanh mũi, quanh tai, dưới cằm (tùy theo hướng nhìn của bản thân) rồi nạo bớt (chỉ nông 1 lớp). Ngay sau đó nạo các mảng nền sâu đến lớp thứ 2, nhưng không sâu đều mà khoét chéo: càng ở rìa ngoài càng nông, càng sát viền mặt càng sâu.
+ Chỉnh lại hình, nhất là chu vi đầu. Xác định lại những chỗ nổi nhất như gò má, gồ trán, tai, tóc mai, cánh mũi… rồi đắp lên một chút, nhớ đảm bảo các mảng và gờ mảng.
+ Nạo bớt các mảng lõm phụ (chỉ làm rất nông), sau đó nạo sâu nền thêm 1 lớp nữa (vẫn khoét chéo) và chỉnh các mảng lõm chính trên mặt cho hợp lý.
- Hoàn thiện bài:
+ Hoàn thiện các chi tiết trên cơ sở so sánh kỹ lưỡng các tỷ lệ, các mảng và các độ nông sâu. Tránh đi vào các chi tiết quá tỉ mỉ mà quên khối chính.
+ Triệt để sử dụng ánh sáng để so sánh và chỉnh lý toàn bộ bài.
+ Phun nước và ủ bài, chờ đến lúc chấm thì dỡ ra.
>>> Chất liệu, loại hình về điêu khắc
>>> Kỹ năng thực hành về điêu khắc
>>> Mối liên quan kiến trúc - điêu khắc - hội họa