Kỹ năng thực hành về điêu khắc

1. Chuẩn bị dụng cụ - vật liệu

Khác với bên Hội họa – mọi họa phẩm như bút, màu, giấy… đều có thể mua, thậm chí mua hàng ngoại nhập rất đắt nhưng chất lượng cao – bên Điêu khắc không nhất thiết phải mua hàng ngoại nhập mà có thể mua dụng cụ làm trong nước, thậm chí tự tạo mà vẫn đảm bảo chất lượng cao.

Điêu khắc cũng đa chất liệu như đá, đồng, gỗ, đất nung, sắt, inox v.v… và mỗi chất liệu đòi hỏi có kiểu dụng cụ riêng. Ở đây, chúng tôi chỉ giới thiệu dụng cụ nặn tượng.

* Dụng cụ nặn tượng cá nhân:

Có thể mua tại các cửa hàng họa phẩm ở các trường Mỹ thuật nhưng cũng có thể tự chế tạo.

- Dây dọi: là dụng cụ duy nhất giống với môn vẽ hình họa và mục đích cũng tương tự: xác định độ thẳng đứng hay nghiêng của mẫu và bài tập. có thể dùng thẳng dây dọi của môn hình họa nhưng hãy lưu ý là dây chắc chắn sẽ bị bẩn do dính nhiều đất sét.

dung cu 1
Dây dọi

- Dao nặn: dùng tre cật già, vạt mỏng chỉ còn 2 – 3mm rồi tạo hình như hình vẽ dưới đây, nhớ vạt cho các bên rìa mỏng hơn (thậm chí gần như sắc cạnh nhưng chưa đến mức dễ đứt tay – để dễ cạo đất). Kích cỡ các dao nặn đại thể dài 20cm, rộng 2 – 3 cm nhưng nên điều chỉnh to hay nhỏ cho vừa tay cầm của mỗi người nặn. Nhớ giữ nguyên cật tre cho bền và dẻo.

- Bay nặn: là dụng cụ chuyên nghiệp, cao cấp vì tinh tế hơn dao nặn, có thể mua nhưng vẫn có thể tự tạo bằng tre, gỗ, sừng trâu, đồng, thép hay inox. Tiêu chí kỹ thuật: nhẵn bóng, không gỉ, khi nặn có thể tạo và miết khối phẳng, nhẵn, mịn và đất khó dính vào bay nặn. Do mục đích sử dụng tinh tế và phong phú: đắp, gọt, cắt, xén, khoét, nhấn, tỉa… nên bay nặn cần có tạo dáng rất điệu: dẹt và cong vút (ngược chiều) ở 2 đầu, dày và gần tròn ở giữa. Sau một quá trình nặn, mỗi người lại có thể điều chỉnh kiểu dáng của bay đôi chút cho hợp ý mình. Hai đầu bay nên tạo hình khác nhau để sử dụng vào những mục đích khác nhau và nên dày khoảng 0,5 – 1mm (càng ra rìa càng mỏng hơn), ở khúc giữa nên có tiết diện gần tròn, đường kính khoảng 1 – 1,2 hay 1,5cm.

dung cu 2
Một số kiểu dao nặn tự chế bằng cật tre

dung cu 3
Một số kiểu bay nặn bằng gỗ, đồn hoặc thép, inox
(mặt cắt bên trên, mặt chính diện bên dưới)

- Nạo đất: dùng để khoét và nạo bớt đất (từng chút một) ở diện hẹp, để chỉnh các khối quá dày và thô, đồng thời có thể chuyển khối phồng sang khối phẳng, tạo khối lõm và tạo chất. Công thức chung là chế tạo nạo đất có 2 đầu ở 2 bên và tay cầm ở giữa. Nếu tự tạo thì cần có cán gỗ dài khoảng 10 – 12cm, gọt và chuốt cho tiết diện gần tròn, ở giữa hơi phình ra để vừa tay cầm, mặt cắt ở 2 đầu có đường kính khoảng 0,7 – 1cm. Kiếm 2 đoạn dây đồng hoặc thép không gỉ, mỗi đoạn dài khoảng 12 – 13cm, đập bẹp một chút và giũa cho sắc cạnh ở quãng giữa rồi uốn quặp lại, ép 2 đầu dây vào 2 bên đầu cán gỗ (đoạn đầu dây sâu khoảng 2cm), sau đó lấy dây đồng cỡ nhỏ hơn (cho mềm) cuốn vòng quanh cho chắc. Muốn cho thật chặt, ta có thể ấn sao cho dây thép ăn lõm vào cán gỗ và sau khi cuốn dây đồng thì đổ thêm ít keo 502. Kiểu cách thông dụng nhất là uốn sao cho 2 đoạn dây thép bên này cong vồng, bên kia vuông góc (so với cán).

Cũng có người không dùng dây thép mà cắt 2 đoạn sắt rồi cuốn vào 2 đầu cán gỗ (đỡ phải đập bẹp dây thép). Thậm chí có người cắt cho một bên có răng cưa để khi cạo đất thì tạo ra hiệu quả các nét chải đều (tả tóc chẳng hạn).

- Vồ đập đất: dùng để đập cho đất nén đều và các lượt đất liên kết chặt hơn khi ta đắp lên tượng; vồ còn đập để sơ tạo các khối chính ban đầu. Nên tìm loại gỗ tốt và nặng thì khi đập mới hiệu quả. Vồ nên dài khoảng 30 – 40cm, tiết diện hình chữ nhật, đầu để đập đất to hơn một chút, cỡ khoảng 4 x 6cm; đầu kia là chỗ tay cầm nên gọt tròn 4 góc, cỡ nhỏ hơn cho vừa tay, mặt cắt khoảng 3 x 4 cm.

Lưu ý: Tùy ý và tùy chỗ mà ta có thể dùng dụng cụ hay dùng tay để nặn hoặc phối hợp cả hai, miễn đạt mục đích.

dung cu 4

* Dụng cụ nặn tượng chung trong lớp:

- Bàn xoay: mỗi học viên cần có 1 bàn xoay khi nặn tượng. Bàn xoay có vai trò tương tự như giá vẽ hình họa nhưng khác ở chỗ là điêu khắc cần có không gian 3 chiều (phải nặn đủ tất cả các phía bao quanh tượng, kể cả trên đỉnh). Như vậy, để đỡ cho người nặn phải chạy vòng quanh, ta chỉ việc trang bị cho họ 1 bàn xoay. Có 3 kiểu bàn xoay chính:

+ Bàn xoay 1 chân: mặt bàn nên bằng gỗ (dễ bám đất) nhưng chân thì phải bằng sắt và đế thì bằng gang nặng để đủ đỡ và chống lật. Chân sắt thường là 2 đoạn ống lồng vào nhau, có ren trong và ngoài với tay vặn để điều chỉnh nâng lên, hạ xuống dễ dàng. Ưu điểm lớn nhất của bàn xoay 1 chân là người nặn không bị vấp chân vào chân bàn, để người nặn ngồi hay đứng đều được. Loại bàn này phổ biến ở Tây nhưng hiếm ở ta.

+ Bàn xoay 4 chân: tất cả mặt và chân bàn đều bằng gỗ, cao từ 1m đến 1m20 là thích hợp với chiều cao của người Việt. Các chân bàn đều hơi choãi một chút và có gióng ngang để tạo thế vững chắc. Mặt bàn xoay thường vuông, cỡ 50 x 50cm, có trụ ống tròn hoặc vòng bi dưới đáy để dễ xoay. Ưu điểm của bàn xoay 4 chân là vững chãi nhưng người nặn dễ bị vấp chân.

dung cu 5
Bàn xoay 4 chân – phối cảnh và mặt cắt

+ Bàn xoay 3 chân: cũng cao từ 1m đến 1m20, hoàn toàn bằng gỗ, mặt vuông 50 x 50cm, vẫn có trục ống tròn hay vòng bi bên dưới mặt nhưng chỉ có 3 chân (cũng hơi choãi và có gióng ngang cho vững chãi). Ưu điểm là chiếm không gian gọn hơn loại 4 chân và người nặn đỡ bị vấp chân hơn.

dung cu 6
Bàn xoay 1 chân

dung cu 7
Bàn xoay 3 chân

- Mặt bàn nặn: thường đặt bên trên bàn xoay để nặn và khi kết thúc thì dễ dàng dỡ ra chỗ khác để vi chỉnh. Mặt bàn nặn bằng gỗ, có thể dùng cho bài Chép đầu tượng, cũng có thể đỡ khỏi bàn xoay để làm bài Chuyển đầu tượng sang phù điêu. Căn cứ vào các bài điêu khắc trong chương trình của ta thì mặt bàn nặn nên có kích thước là 40 x 40cm, dày 3 – 5cm. Vì mục đích để bám đất, tốt nhất là mặt bàn nặn không nền bào nhẵn, hơn nữa nên ghép bằng các thanh gỗ ngang để khi làm phù điêu (phải để dốc đứng) thì đất khỏi bị trôi.

- Cốt nặng tượng: như trên đã nói, nếu để làm phù điêu thì ta cứ sử dụng mặt bàn nặn bình thường. Nhưng nếu để làm bài Chép đầu tượng thì ta phải làm cốt tượng. Nhờ có cốt mà đất không bị sụt hay ngả nghiêng. Cốt nên làm bằng cọc gỗ vuông (tiết diện 4 x 4cm), không bào nhẵn để đất dễ bám. Cốt để chép đầu tượng nên cao khoảng 30 – 35cm, đóng thẳng đứng lên mặt bàn nặn. Dưới chân cốt nên đóng thêm 4 ke gỗ ở 4 phía cho vững, chống nghiêng và lật. Không nên đóng đinh qua gỗ dày (dễ nứt và vỡ) mà nên khoan và dùng đinh vít.

- Compa: dùng để đo chuyển kích thước 1.1 từ mẫu sang bài chép. Compa của điêu khắc thường làm bằng sắt, cong vồng 2 càng, nhọn đầu, dài khoảng 40cm. Khác với que đo trong hình họa (đo gián tiếp), compa điêu khắc đo trực tiếp vào mẫu và nhờ cong vồng 2 càng nên nó sẽ dễ đo hầu như tất cả các kích thước của mẫu.

- Dụng cụ cát đất cỡ to: dùng để xắn những tảng đất to và tương đối đều. Chế tạo rất dễ: chỉ cần có 1 thanh sắt dài khoảng 60cm, mặt cắt có đường kính từ 3mm đến 7mm, uống cong đều thành hình bán nguyệt rồi buộc dây thép nối thẳng 2 đầu mút, ta sẽ có cái cắt đất rất ngọt, chia đống đất lớn cho cả lớp rất nhanh, dễ và gọn.

Chú ý: để khỏi tuột 2 mối buộc, ta nên cẩn thận hàn vào hoặc rỏ thêm keo 502, đồng thời đập bẻ quặt 2 đầu sắt. Có thể làm cốt bằng sắt uốn theo mẫu, rồi đóng đinh giữ trên mặt gỗ.

- Nilông và ủ tượng: vì bài điêu khắc không thể 1 buổi mà xong, ta cần có nilông để ủ nhằm giữ cho tượng ấm đều, ngày hôm sau vẫn dễ nặn tiếp cho đến tận khi chấm bài. Cụ thể với bài Chép đầu tượng thì ta chỉ cần chuẩn bị mỗi người 1 túi nilông bịt kín, để sau mỗi buổi thực hành ta lại úp chụp lên đầu tượng, chặn kín dưới chân là xong. Còn với bài Chuyển đầu tượng sang phù điêu thì ta phải chuẩn bị mỗi người 1 túi nilông to hơn để bọc kín hết cả trước sau của mặt bàn nặn. Chú ý: để đảm bảo giữ ẩm cho chắc ăn, nên bọc nilông 2 – 3 lớp.

Thông thường đất sét mua về khó nặn được ngay nên phải có thời gian và kỹ năng chuẩn bị thì mới dùng được. Đất sét nặn tốt nhất thường là loại đất có độ dầu cao, dẻo, lâu khô, ít co ngót. Đất nặn phải mịn nhỏ, không lẫn tạp chất (nếu cần thì có thể phải lọc).

- Trước hết phải có bể ủ đất để cho đất sét vào nhào trộn với nước sao cho vừa độ quánh và phải ủ vài ngày mới dùng được. Nếu không có bể ủ thì dùng nilông bọc tạm cho kín cũng được, đổ nước nhào với đất bên trong rồi buộc kín vài ngày.

- Nếu đất mua về ở dạng khô cứng thì phải dùng búa, vồ, dao chẻ củi đập và băm đất nhỏ ra rồi đổ nước cho ngấm hết, sau đó ủ kín vài ngày mới dùng được. Đất chỉ nặn tốt khi nắm vào không dính tay.

- Mỗi khi chấm bài xong, các sinh viên phải gỡ đất ra , cắt hoặc đập nhỏ bỏ vào bể, đổ nước để ủ cho kỳ sau lớp dưới tiếp tục sử dụng cho dễ dàng, đỡ tốn thời gian chuẩn bị.

- Trước khi vào bài, mỗi sinh viên nên thử các kỹ năng cơ bản với các dụng cụ như đắp đất, vồ đập đất, khoét đất bằng cái nạo, miết và chỉnh khối bằng dao hay bay….

>>> Chất liệu và loại hình về điêu khắc

>>> Tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc và tạo hình tượng Phật

>>> Ngôn ngữ của điêu khắc

0976984729