Chất liệu, loại hình và lược sử về điêu khắc
* Điêu khắc là gì?
Điêu khắc là nghệ thuật tạo hình bằng khối nổi và chìm, đặc và rỗng trong không gian 3 chiều (ngang, dọc, sâu); riêng điêu khắc đương đại khai thác thêm chiều thứ tư là thời gian. Điêu khắc có thể để màu tự thân của gỗ, đá, đất nung… hoặc cũng có thể phủ màu từ đơn sắc (sơn son) đến tô vẽ hay trộn, đúc tự do đủ màu.
* Lược sử điêu khắc?
Xuất hiện ngay từ buổi bình minh lịch sử của nhân loại, khi con người còn chưa biết dựng nhà và đang săn bắt – hái lượm. Người nguyên thủy đã làm những bức tượng sơ khai bằng cách nặn đất, gọt sừng – xương – ngà voi, đẽo và mài đá… Pho tượng cổ nhất của nhân loại được tìm thấy và hiện còn lưu giữ là tượng Con voi mammut, phát hiện ở Lonetal (Đức), tạc từ ngà voi, cao 3,7cm, có niên đại khoảng 33.000 năm trCN, tức là cách ngày nay 35.000 năm. Có hai pho tượng cổ thứ nhì là tượng Người đội lốt sư tử, tạc từ ngà voi mamút, cao 28cm và tượng Vệ nữ Galgenberg, đều khai quật tại Đức, với niên đại khoảng 28.000 năm trCN, tức là cách ngày nay 30.000 năm. Tiếp sau đó là các bức tượng Vệ nữ Willendof, tạc đá, cao 11cm, khai quật tại nước Áo, 25.000 năm trCN… Chắc chắn đó là những pho tượng hoàn toàn chế tác bằng phương pháp thủ công với các kỹ thuật thô sơ nhất: gọt, đẽo, mài bằng các loại dao đá (thuở ấy, con người đang còn ở thời kỳ đồ đá, chưa thể có cong cụ bằng đồng hay sắt). Về mục đích, đáng chú ý là người nguyên thủy không có ý định làm tượng vì cái đẹp, họ định thờ cúng Nữ thần Mẹ với chức năng sinh sản hoặc định bùa chú để khuất phục sức mạnh của mãnh thú, phục vụ cho mục đích săn bắn.
* Từ thời Cổ đại đến Trung cổ
Điêu khắc rất phát triển ở các nền văn minh lớn như Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp, La Mã. Do được các nhà nước cổ đại và trung cổ hoặc tôn giáo đứng ra huy động nhân công, tổ chức sản xuất, tận dụng năng lực tối đa của mọi nghệ nhân, nghệ sĩ nên điêu khắc đã có bước phát triển nhảy vọt, dựng được những pho tượng kỳ vĩ trong lịch sử nhân loại (tượng Sphinx – Nhân sư cao 20m, dài 57m ở Ai Cập, tượng Phật ngồi cao 71m ở Trung Quốc, tượng Phật đứng cao 53m ở Ápganixtan, tượng thần Zeux cao 13m, lõi gỗ ốp ngà voi – 1 trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại…). Đặc biệt điêu khắc Hy Lạp – La Mã cổ đại đã biết ứng dụng những thành tựu sơ khởi của khoa học: giải phẫu tạo hình, tỷ lệ đầu, kết cấu tượng có điểm tựa và điểm chống, quy hoạch cùng kiến trúc…
* Thời Phục hưng (các thế kỷ 14, 15, 16) tại Châu Âu
Điêu khắc phát triển nhảy vọt vì được bảo trợ và đặt hàng đặc biệt ưu ái của các triều đại và các quý tộc. Thời kỳ này xuất hiện các thiên tài điêu khắc như Verrocchio, Donattello, nhất là Michelangelo. Khá nhiều tác phẩm điêu khắc tầm cỡ Tuyệt tác của nhân loại đã ra đời (tượng David, tượng thánh Moise… của Michelangelo).
* Thời Hiện đại
Điêu khắc phát triển toàn diện ở các nước Âu – Mỹ và một số nước tiên tiến trên thế giới: luôn có vị trí thích đáng trong các quy hoạch thành phố, công viên, quảng trường, được sự trợ giúp tối ưu của khoa học – kỹ thuật hiện đại và công nghiệp hóa trên cơ sở kế thừa tốt đẹp những tinh hoa của mọi nền điêu khắc trên thế giới. Điêu khắc cũng trở thành môn học cơ bản trong tất cả các trường Mỹ thuật, dù rất ít môn sinh.
* Ba xu hướng lớn của điêu khắc trên thế giới
- Điêu khắc Âu – Mỹ: hiện phát triển nhất vì có nền tảng khoa học vững chắc, có tính kế thừa cao độ, luôn theo kịp thời đại và luôn sẵn sàng hiện đại hóa, công nghiệp hóa.
- Điêu khắc châu Á: có nguồn gốc từ cổ đại, có tính trang trí, uyển chuyển, hướng tới tài khéo, tinh vi, hiện đang chịu ảnh hưởng mạnh từ Điêu khắc Âu – Mỹ.
- Điêu khắc châu Phi đen và thổ dân châu Đại Dương: đậm đặc chất nguyên sơ, bản năng, tính biểu cảm mạnh mẽ, táo bạo; phát sinh từ những tộc người chậm phát triển nhưng xu hướng điêu khắc này không hề lạc hậu, trái lại mang đến nhiều bài học lý thú cho sáng tạo điêu khắc hiện đại.
* Lược sử điêu khắc của người Việt:
Ở Việt Nam điêu khắc xuất hiện ngay từ buổi bình minh của lịch sử, trong các nền văn hoá khảo cổ như Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn ở miền Bắc; Sa Huỳnh ở miền Trung hay Óc Eo ở Nam Bộ. Đó thường là những bức tượng cỡ rất nhỏ bằng đá, đất nung và đồng.
Thế rồi hơn 1000 năm Bắc thuộc đã làm gián đoạn tiến trình nghệ thuật Việt nói chung và điêu khắc Việt nói riêng trên địa bàn miền Bắc Việt Nam. Trong khi ấy điêu khắc vẫn tiếp tục phát triển ở miền Trung với Chămpa và ở Nam Bộ với Phù Nam rồi Chân Lạp. Phải chờ đến kỷ nguyên độc lập phong kiến kể từ các triều đại Đinh – Tiền Lê – Lý cho tới Lê – Trịnh và Nguyễn, điêu khắc của người Việt mới phát triển bền vững, lan tỏa rộng và vươn tới đỉnh cao điêu khắc cổ điển của dân tộc.
Căn cứ vào lịch sử, có thể tạm phân loại điêu khắc ở Việt Nam như sáu:
- Điêu khắc Đại Việt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với các nền điêu khắc chính: Điêu khắc thời Lý (1009-1225), Điêu khắc thời Trần – Hồ (1225-1407), Điêu khắc thời Lê sơ (1428-1527), Điêu khắc thời Mạc (1527-1592), Điêu khắc thời Lê – Trịnh và Tây Sơn (1592-1802).
- Điêu khắc Chămpa ở Trung và Nam Trung Bộ (192-TK 17).
- Điêu khắc Phù Nam và Chân Lạp ở Nam Bộ (từ TK 1 trCN đến TK17).
- Điêu khắc nhà mồ của các bộ tộc Tây Nguyên.
- Riêng Điêu khắc thời Nguyễn định hình ở Trung và Nam Trung Bộ khi triều đại này còn cát cứ ở đó (TK 17 đến hết TK 18) rồi bao trùm khắp nước khi nhà Nguyễn thống nhất quốc gia (kể từ 1802).
Cũng có thể căn cứ vào hình loại để phân chia điêu khắc Việt Nam như sau:
- Điêu khắc Nguyên thủy: xuất hiện sớm nhất trong các văn hoá khảo cổ khắp 3 miền, điển hình là Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo, kích cỡ rất nhỏ (mini) với các chất liệu đá, đất nung, đồng.
- Điêu khắc Tôn giáo gồm: Phật giáo và các tượng Phật và phù điêu trong các chùa tháp cổ; Ấn Độ giáo với các tượng thần và linh vật trong các đền tháp Chămpa – Phù Nam – Khmer; Nho giáo và Đạo giáo trong các đình – đền – quán – miếu.
- Điêu khắc Nguyên sơ của các sắc tộc bản địa trên các vùng núi cao như tượng nhà mồ Tây Nguyên hay mặt nạ gỗ của một số dân tộc khác ở miền Trung và miền Bắc.
Nếu phân vùng theo cách nhìn địa – văn hóa, ta sẽ có: Vùng ảnh hưởng Ấn Độ giáo và Phật giáo nguyên thủy ở Trung và Nam Bộ với ranh giới xa nhất về phía Bắc là đèo Ngang, tạo nên các đặc trưng điêu khắc Chămpa, Phù Nam và Khmer Nam Bộ. Vùng ảnh hưởng của tam giáo (Nho, Lão, Phật giáo đại thừa Bắc phái) đến từ Trung Quốc trước thế kỷ 16 chủ yếu ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ rồi sau đó dần dần bao trùm khắp nước.
Điêu khắc cung đình trong các lâu đài, thành quách hay các công trình do vua chúa cho xây dựng dù mỹ lệh, tinh tế và hướng tới trau chuốt, hoàn chỉnh nhưng lại bị tàn phá rất nhiều bởi chiến tranh. Ngược lại, điêu khắc dân gian dù thô sơ, dân dã nhưng lan tỏa khắp các làng xã và được dân làng bảo vệ, duy tu khá tốt trong các cụm đình, chùa, đền, miếu… cũng như các sản phẩm điêu khắc trong các kiến trúc nhà cửa, đồ thờ, công cụ và vật dụng. Trước khi xuất hiện sáng tạo của các nghệ sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương (từ 1925), có thể nói Điêu khắc Việt Nam đậm chất dân gian.
* Ngôn ngữ và chất liệu điêu khắc:
- Ngôn ngữ của điêu khắc: khối (đặc và rỗng, nổi và chìm) và mảng.
- Các chất liệu của điêu khắc:
+ Chất liệu cổ điển: đất nung – gốm – sứ, gỗ, ngà – xương, đá, đồng.
+ Chất liệu hiện đại: sắt, thép, gang, nhôm, inox, thủy tinh, nylon, sáp, sa mốt, xi măng, bê tông…
+ Chất liệu đương đại: ánh sáng, âm thanh, chuyển động…
+ Chất liệu trung gian: (có tính tạm thời, trước khi chuyển sang chất liệu chính thức): thạch cao, composit…
* Một số loại hình điêu khắc:
- Phù điêu (Chạm nổi, đắp nổi): cao, thấp, chìm, thùng, lộng, bong – kênh.
- Tượng tròn: chân dung, bán thân, toàn thân, nhóm, tượng vườn, tượng trang trí.
- Tượng đài: Là tượng tưởng niệm nhân vật lịch sử hoặc một sự kiện lịch sử. Hình thức tượng đài thường rất đồ sộ, chiếm không gian rộng lớn, có nội dung chính trị, lịch sử hay huyền thoại. Tầm cỡ và quy mô quốc gia hay thậm chí quốc tế; tối thiểu là cấp tỉnh, huyện hay vùng. Không có tượng đài tư nhân.
- Dây thép uốn, căng, treo: Là loại tạo hình có giới hạn không gian đặc biệt nhưng bên trong hoàn toàn rỗng. Khi treo thì tạo ra thành phần điêu khắc chuyển động theo ý đồ sáng tạo.
- Điêu khắc thiên nhiên: Là điêu khắc hoặc tạo dáng trực tiếp từ các vật thể sống, tồn tại trong thiên nhiên như cây, đá, băng, cát, sỏi…
- Điêu khắc địa hình: Là loại hình điêu khắc khổng lồ, người sáng tạo có thể dùng các phương tiện và cách thức hiện đại tạo hình vào núi, đồi, bờ biển, đảo, mặt đất…
* Sự khác nhau giữa tượng đài và tượng trang trí:
- Hình thức tượng đài và tượng trang trí: Tượng đài và tượng trang trí có chung một điểm là hình khối có thể tả thực, có thể cách điệu, mô phỏng hoặc tượng trưng, tùy theo nội dung và tùy sự sáng tác của từng tác giả, miễn sao nói lên được ý đồ sáng tác của tác giả ấy, mục đích và ý nghĩa của tác phẩm đồng thời phù hợp với môi trường cảnh quan chung, song tượng đài khác hẳn với tượng trang trí ở nội dung và vị trí đặt.
- Nội dung tượng đài và tượng trang trí:
+ Tượng đài: là tượng nhân vật hoặc biểu tượng được xây dựng nên để ca ngợi các chiến thắng thắng giặc ngoại xâm của đất nước, ca ngợi các danh nhân, các anh hùng dân tộc, v.v…
+ Tượng trang trí: là tượng đơn thuần chỉ để tô đẹp cho cảnh quan nội ngoại thất với các nội dung sinh hoạt đời thường trong cuộc sống của con người và động thực vật, thí dụ: một thiếu nữ chải tóc, đọc sách, một bé gái nhảy dây, một con hươu nằm hoặc một tảng đá có hình dáng đẹp v.v…
- Vị trí đặt tượng đài và tượng trang trí:
Tượng đài thường đặt ở những nơi trung tâm công cộng đông người qua lại, hoặc trung tâm vườn hoa, trung tâm thành phố hay ở những nơi có di tích lịch sử, ở những vị trí có tầm nhìn rõ nhất.
Ngược lại với tượng đài, tượng trang trí có thể đặt bất kỳ chỗ nào mà tác giả hoặc chủ nhân cho là đẹp, miễn là đáp ứng được mục đích làm đẹp cho cảnh quan đó, vì vậy tượng trang trí có thể để ở trong nhà, ngoài trời, ở góc sân, góc vườn hay ở một trung tâm vườn hoa hoặc trung tâm đô thị nào đó… tùy yêu cầu mục đích sử dụng.
* Một số nguyên tắc cơ bản trong bố cục tượng tròn và phù điêu
- Sự liên quan chặt chẽ giữa các khối và phù điêu: Tượng tròn có hình khối 3 chiều, vì vậy khi bố cục cần lưu ý đến vẻ đẹp các chiều hướng của tượng; sự liên quan giữa các khối chính – phụ, sự đồng điệu, tương phản hoặc đối lập để khối không bị nhàm chán.
- Giản lược các chi tiết: Bố cục tượng tròn cần hạn chế tối đa các chi tiết quá nhỏ thoát ra ngoài không gian để tránh bị gãy, rụng. Khi phải xử lý nhiều chi tiết hãy tìm cách đưa nó vào các mảng bố cục lớn hơn.
Nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới Mikelăng thời kỳ Phục hưng thế kỷ XVI cho rằng: Điêu khắc cần bố cục sao cho có cảm giác nếu ta lăn nó từ trên đỉnh núi xuống mà không bị gẫy, thì có nghĩa ta đã hoàn thành mục đích bố cục của một tác phẩm điêu khắc.
- Bố cục phù điêu:
Phù điêu cần tạo được mảng khối chiếm tối đa diện tích của một khuôn hình bố cục.
Phù điêu khác tượng tròn là thể hiện khối hình tròn một mặt phẳng. Bởi vậy khi sáng tác phù điêu chỉ cần chú ý bố cục mặt chính diện và độ nổi chìm của hình khối, nhưng yêu cầu bố cục phù điêu và cần tạo được mảng khối chiếm tối đa diện tích không gian của một khuôn hình bố cục. Nếu bố cục phù điêu để khoảng trống quá lớn so với hình chính sẽ làm loãng bố cục, ngược lại thiếu khoảng trống dễ gây cảm xúc tức mắt. Khoảng trống hoặc hình khối đều nhau quá sẽ cho cảm giác nhàm chán… Bởi thế khi bố cục phù điêu cần nghiên cứu phần bố cục hình khối và khoảng trống sao cho hợp lý.
Phù điêu cũng giống tranh hội hoạ ở chỗ có các dạng bố cục vuông, tròn, chữ nhật… song phù điêu khác tranh ở chỗ nó không lấy màu và sắc độ để bù trừ vào các khoảng trống mà bắt buộc cần tạo hình các mảng với sự liên quan mật thiết với nhau trong những nguyên tắc bố cục chung sao cho tạo hình được cả các khoảng trống đẹp, hợp lý. Thí dụ bố cục nhân vật cùng một chủ đề nhưng tạo hình trong hình vuông, tròn và chữ nhật lại khác nhau.
- Sự biến chuyển các độ chìm – nổi, lớn – nhỏ của khối
Phù điêu khác tượng tròn là thể hiện khối hình trên mặt phẳng. Sáng tác phù điêu cần chú ý đến độ chuyển động chìm và nổi của khối hình. Tùy vào từng nội dung thể hiện mà chọn các khối lớn, nhỏ hoặc chi tiết để mô tả phần trung tâm của nội dung sao cho nổi bật ý đồ sáng tạo.
Bố cục hình tròn
Bố cục hình chữ nhật theo chiều ngang
Bố cục chữ nhật theo chiều dọc
Bố cục hình vuông
Bố cục hình chữ nhật theo chiều dài
- Bố cục có nội dung: Khi bố cục nhiều nhân vật trên 1 khuôn hình (chủ yếu là hình chữ nhật ngang hoặc đứng) thì cần chú ý đến các mảng chính, phụ, có phần trọng tâm, phần mở đầu và có phần kết thúc. Nếu như phần mở đầu thông thường hướng về phía trước (tương lai) thì phần kết lại có hướng quay ngược lại để khép lại 1 bố cục câu chuyện chặt chẽ.
* Các kỹ thuật điêu khắc:
Nặn, tạc, nung, đúc, uốn, ghép, gò hàn, treo, chiếu sáng…
>>> Sự phát triển về tranh gốm, kiến trúc và điêu khắc thời Hy Lạp cổ đại
>>> Kích cỡ và quy mô trong điêu khắc đương đại
>>> Điêu khắc môi trường (Phần 1)