Mối liên quan kiến trúc – điêu khắc – hội họa (Phần 1)
Ba ngành Kiến trúc – Điêu khắc – Hội họa có mối quan hệ mật thiết từ ngàn xưa, ngay khi con người biết làm nghệ thuật và nhất là từ khi biết làm nhà để ở. Những kim tự tháp Ai Cập, những ngôi đền Hy Lạp cổ đại hay những ngôi chùa Phật ở châu Á đều là tổng hòa về mặt kỹ thuật – nghệ thuật của 3 ngành nghệ thuật mà đầy chất kỹ thuật nói trên. Cũng có khi vì lý do kinh tế hay vì quá thực dụng mà ở một số thời kỳ người ta đành chỉ làm kiến trúc đơn thuần, chỉ cốt để ở và triệt tiêu những mộng mơ cùng đức tin vào thần thánh. Thật may là những thời kiến trúc thực dụng triệt để không kéo dài mãi bởi con người tất yếu nhận ra rằng: chỗ ở của người bao giờ cũng cần phải đẹp để thỏa mãn đời sống tinh thần luôn khao khát lãng mạn và thăng hoa của chính con người. Cũng có lẽ bởi thế mà Kiến trúc – Điêu khắc – Hội họa thường là 3 khoa chủ chốt của các trường mỹ thuật kiểu Pháp, trong đó có cả trường Mỹ thuật Đông Dương (1925-1945). Thế hệ các kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam (trước 1945) đều là bạn đồng khóa với các họa sĩ, nhà điêu khắc cùng học trường Mỹ thuật Đông Dương, chỉ có khác khoa mà thôi. Đương nhiên, họ đều thấm thía mối liên quan đặc biệt của 3 ngành nói trên.
1. Mối liên quan kiến trúc – điêu khắc:
* Kiến trúc chính là Điêu khắc: Về mặt khái niệm, cứ nói đến kiến trúc là người ta nghĩ đến “xây nhà”. Tuy nhiên, trong lịch sử kiến trúc thế giới lại có những ngôi đền, chùa đặc biệt, với kết cấu phức tạp, thậm chí nhiều tầng, nhưng không hề xây mà là đục vào núi mà thành… Và như vậy, kiến trúc chính là điêu khắc!
- Đền hang Abou-Simbel (hoặc Abu Simbel) là ngôi đền thờ có từ thời Ai Cập cổ đại, do pharaoh Ramses II cho khởi công từ 1257 tr.CN ở bờ sông Nil, miền nam Ai Cập và hoàn thiện sau 34 năm. Đáng chú ý là ngôi đền này không hề xây mà hoàn toàn đục vào núi đá với mặt nền có chiều rộng là 35m, chiều cao là 30m (có tài liệu cho là rộng 38m, cao 33m). Các nhà nghiên cứu Pháp từng so sánh quy mô ngôi đền với một tòa cung điện cao 9 tầng! Trước cửa đền có 4 pho tượng đá khổng lồ tác vua Rames II ngồi dựa vào vách với chiều cao gần 20m mỗi tượng (hiện còn 3,5 pho vì pho thứ 2 đổ vỡ nửa trên do động đất từ thời cổ đại). Tất nhiên trong đền còn chia ra mấy phòng và có nhiều tượng thần khác đang đứng hoặc ngồi. Kỳ công vĩ đại này của người Ai Cập cổ đại cho thấy: kiến trúc chính là điêu khắc!
Cửa đền Abou-Simbel
- Khu chùa hang Ajanta gồm 29 chùa hang ăn sâu vào vách đá bao quanh thung lũng cùng tên ở miền Trung – Tây Ấn Độ. Cũng như ngôi đền Abu Simbel ở Ai Cập, tất cả 29 ngôi chùa này không hề xây mà đều đục vào núi đá, mỗi chùa lại còn chia ra mấy gian phòng thông sang nhau và thông vào sảnh chính khá cao. Toàn thể khu chùa này được tạc và sử dụng như một trung tâm tôn giáo lớn trong khoảng từ TK II đến TK VI sau CN, dưới thời trị vì của các vị vua sùng Phật thuộc triều đại Goupta. Trong mỗi chùa hang đều có các cột, vách tường, vòm trần được tạc và vẽ vô số chi tiết trang trí và tranh rất cầu kỳ. Như vậy tất cả 29 ngôi chùa này đều không xây mà tác theo kiểu điêu khắc vào trong lòng núi đá. Bảo đó là kiến trúc không sai nhưng phải bảo là điêu khắc kiểu kiến trúc mới đúng.
Bên trong khu chùa hàng Ajanta
- Khu đền – chùa hang Ellora ở miền Trung – Tây Ấn Độ, ngay gần Ajanta, gồm hơn 30 hang đá và nhiều thành phần kiến trúc, điêu khắc lộ thiên, tất cả đều được tạc vào đá chứ không xây, với niên đại từ TK VI đến TK XII sau CN. Có những phòng rộng tới hơn 60m với nhiều cột, cửa, vòm, xà giả được chạm khắc trang trí cầu kỳ, tinh xảo, kèm thêm nhiều tượng thần, Phật, động – thực vật sinh động với chất lượng nghệ thuật cao. Nhiều thế hệ nghệ nhân điêu khắc đá đã làm việc tại đây theo trình tự từ ông đến cháu chắt mới xong.
- Khu đền điêu khắc đá tảng Mahabalipuram ở bờ biển vùng cực Đông – Nam Ấn Độ. Đây là 1 quần thể nhiều ngôi đền nhỏ và những tượng thú lớn (voi, bò…) được tạc (chứ không xây) vào những khối đá tự nhiên khá lớn ven bờ biển của hang Tamil Nadu từ TK VII, VIII sau CN. Kiến trúc không lớn, chỉ cao tối đa hơn 10m nhưng các chạm nổi trên đá phủ kín mặt ngoài và trong của các ngôi đền. Ấn tượng nhất là bức chạm nổi mặt ngoài của 1 trong số các ngôi đền nhỏ ở đây (vốn là vách của 1 tảng đá lớn) cao 7m, ngang 26m mô tả thiên thần thoại sông Hằng từ trên trời đổ xuống trần gian, lại chen lẫn với sử thi Mahabharata, tạc vô số hình tượng thần, người, voi, sư tử, hổ, dê, hươu, nai…
- Thành cổ Petra (nay thuộc Jordanie, ngay sát cạnh Israel) gồm nhiều lâu đài, biệt thự, nhà hát, nhà thờ… hoàn toàn tạc vào vách núi từ cuối TK IV tr.CN đến TK VIII sau CN.
Các công trình điêu khắc – kiến trúc ở đây mang phong cách Hy Lạp, La Mã, Bizantin, rất kỳ công, nhiều tầng, nhiều phòng thông nhau với màu đá tự nhiên nâu đỏ. Có lâu đài cao tới 40m với nhiều chạm nổi, đầu cột, fronton, frise… được đục đẽo kỳ công, tinh xảo. Cần lưu ý rằng: tuyệt đại đa số các kiến trúc cổ ở đây không hề xây mà là được đục đẽo vào núi đá mà thành kiến trúc. Thời hưng thịnh của Petra chính là thời mà Con đường Tơ lụa vĩ đại nhộn nhịp suốt từ Trung Quốc sang La Mã mà Petra chính là một chợ đầu mối quan trọng bậc nhất của đầu phía Tây. Tiếc rằng sau 12 thế kỷ hoang phế, thành cổ này chỉ còn là phế tích ven sa mạc Jordan, mãi đến đầu TK XXI mới được xếp hạng là 1 trong 7 kỳ quan thế giới mới và đông đúc trở lại bởi các du khách.
- Quần thể chùa hang Long Môn (Longmen) ở tình Hà Nam, vùng trung tâm Trung Quốc, cách kinh đô cổ Lạc Dương 15km. Đây là một quần thể gồm tới 2345 chùa hang được tạc chi chít vào vách núi ven sông với nhiều tầng, nhiều bậc trong khoảng dài 1km. Về niên đại, di tích Long Môn kéo dài từ cuối TK V sau CN đến TK VIII s.CN, qua các triều đại Bắc Ngụy, Tùy, Đường. Về cơ bản, đa số các chùa hang ở đây đều có các tượng Phật và nhiều vách tường chạm nổi hình các kiến trúc nhiều tầng cùng vô số Phật, tiên; tất cả đều được đục thẳng vào đá núi mà thành chứ không hề mang từ nơi khác đến. Riêng pho tượng Phật ngồi lớn nhất ngồi ở chính điện cao 17m14 cũng đã là một kỳ công.
- Quần thể chùa hang Mạc Cao ở thị trấn Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, cửa ngõ đi từ vùng Trung Nguyên của Trung Quốc đến Tân Cương, cũng tức là nơi bắt đầu con đường tơ lụa vĩ đại ngày xưa. Tất cả 492 hang động thờ Phật tại mạc Cao đều được tạc thẳng vào vách đá núi bên một thung lũng hẹp chạy dài. Về niên đại, quần thể chùa hang Mạc Cao được tạc và tô vẽ bắt đầu từ năm 366 sau CN cho mãi đến tận thế kỷ XIV mới chấm dứt. Như vậy việc đục đẽo và tô vẽ nội thất ở Mạc Cao đã trải qua các triều đại Đông Tấn, Bắc Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Chu, Tùy, Đường, Ngũ Đại Thập Quốc, Tống, Tây Hạ, Nguyên, Minh. Trong 492 Phật động hiện còn hơn 2000 tượng Phật và 45.000m2 tranh tường vẽ các tích Phật với các hòa sắc lạnh và nóng. Đặc biệt có 1 pho tượng Phật được tạc ngầm trong lòng núi từ năm 695 s.CN, cao 34,5m với 7 tầng hang bao quanh.
- Quần thể chùa hang Vân Cương ở thị trấn Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, phía Bắc Trung Quốc. 53 Phật động được tạc vào vách núi đá bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ V sau CN, trong lòng hang lớn nhất Vân Cương (hang số 5). Tất cả các vách hang ở Vân Cương đều được chạm chìm và tô vẽ thành các bức tranh tường kể lể sự tích Đức Phật.
- Tượng nữ thần Tự do ở New York (Mỹ) vốn là quà tặng của nước Pháp gửi nước Mỹ, do nhà điêu khắc Pháp F.A.Bartholdi khởi công từ 1874 đến 1884 thì hoàn thành và dựng ở Paris rồi chia ra 350 phần chở sang Mỹ. Đến năm 1886 thì xây và lắp xong trên một hòn đảo đối diện thành phố New York. Đây là pho tượng cực lớn, đã trở thành biểu tượng của nước Mỹ và trở nên nổi tiếng toàn thế giới. Nhưng điều đáng lưu ý ở bên trong tượng lại là một tòa kiến trúc hẳn hoi với nhiều tầng, nhiều phòng và có bán vé để cho du khách tham quan có thể leo 354 bậc thang lên tận bên trong đầu tượng rồi ngắm nhìn toàn cảnh New York từ trên cao qua các cửa sổ đặc biệt, mở quanh vương miện của tượng. Nhìn bên ngoài ta thấy tượng màu xanh do lớp gỉ đồng nhưng bên trong là bộ khung với các xà thép chịu lực kiên cố. Nói một cách khác, đây là điêu khắc mà đây cũng chính là kiến trúc, cả hai không thể tách rời.
* Kiến trúc kết hợp với Điêu khắc, tạo thành một chỉnh thể Kiến trúc – Điêu khắc:
Đa số các kiến trúc điển hình suốt từ các thời cổ đại, trung đại đến cận đại… thường có sự kết hợp Kiến trúc với điêu khắc một cách nhuần nhuyễn. Đó có thể là những cung điện, lăng tẩm, đền đài, thành quách, chùa chiền… mà ngày nay, khi đến tham quan, chúng ta sẽ thấy: cùng với cốt lõi kiến trúc là những giá trị lịch sử, nghệ thuật được lồng ghép bên những đức tin vào thần thánh, vua chúa cũng như sự khát khao, mơ mộng và bay bổng. Tất nhiên vẫn có những ngoại lệ khi con người, với tính thực dụng tối đa, từng xây dựng những nhà chung cư như ở thời La Mã cổ đại hay đa số nhà dân dụng ở mọi thời và mọi nơi. Nhưng dù sao kiến trúc cổ được xây với mục đích vương quyền hay thần quyền thì đều chú trọng đến vẻ đẹp và sự tinh tế dành cho đức tin; và vì thế, những kiến trúc ấy tất yếu phải kết hợp với điêu khắc và hội họa để đảm bảo khả năng chuyển tải sự hấp dẫn của đức tin.
- Ai Cập cổ đại:
+ Điêu khắc là thành phần của kết cấu kiến trúc:
Có rất nhiều đầu cột của các ngôi đền cổ Ai Cập được tạc thành tượng, điển hình là kiểu đầu cột tạc 4 mặt nữ thần Isis.
+ Điêu khắc gắn với kiến trúc, điển hình nhất là 4 pho tượng vua Ramses cùng ngồi dính lưng vào vách núi, ngoài cửa đền hang Abou- Simbel, mỗi pho cao khoảng 20m. Trên vách mặt tiền của đền còn có khá nhiều chạm nổi trang trí tạc thẳng vào vách núi. Những tượng và chạm nổi này là thành phần hữu cơ, không thể tách rời của đền. Đấy là chưa kể bên trong đền có 2 hàng tượng đá, tạc các vị thần đứng xếp hàng 2 bên đường thần đạo.
Hai ngôi đền cổ là Karnak và Louxor được xây từ TK XIII trCN – hiện là phế tích và chỉ còn chủ yếu là các cột đá vĩ đại (đường kính đáy lên tới 3m) – vẫn còn lưu giữ được những chạm nổi và chạm chìm rất hấp dẫn cảnh chiến trận của pharaoh Ramses II, là những bằng chứng lịch sử về mối quan hệ hữu cơ giữa kiến trúc và điêu khắc ngay từ thời cổ đại.
- Hy Lạp cổ đại:
+ Điêu khắc chính là thành phần của kết cấu kiến trúc:
Nổi tiếng nhất là các cột tượng kiểu Caryatide của ngôi đền Erechteion, một ngôi đền nhỏ nằm trong quần thể kiến trúc cổ đại trên đồi Acropol, ngay sau lưng thủ đô Athenes. Đây là sáng tạo hết sức độc đáo của người Hy Lạp cổ dại: thay vì làm một cột cho ngôi đền cổ, họ tạc cột đá thành các thánh nữ tuyệt đẹp với trang phục vải cuốn xếp nếp thướt tha. Hiện còn 6 tượng Caryatide đầy hấp dẫn vì rất nữ tính, đang đội nóc đền đá cổ suốt từ năm 420 trCN cho đến tận ngày nay (được gần 2500 năm tuổi).
+ Điêu khắc gắn với kiến trúc:
Rất phổ biến vì hầu như công trình nào của Hy Lạp cổ đại cũng có sẵn yếu tố này. Trong số các kiến trúc cổ đại hiện còn ở nước này có bức chạm đôi sư tử nổi tiếng trên cổng thành Mycenes, thường được gọi là “Cổng Sư tử”, tạc từ khoảng TK XVI đến TK XII trCNv và vẫn còn rõ nét cho đến tận ngày nay, dù thành phố có bị hoang phế gần 3000 năm rồi.
Đền Parthenon, công trình chính trên đồi Acropol cũng có nhiều bức chạm đá trên vị trí diềm cao sát mái (frise) và nhất là ở mảng đầu hồi bít đốc (fronton). Đó là các chạm nổi cao (haut-relief) trên fronton và chạm nổi thấp (bas-relief) trên frise thường mô tả các vị thần và các anh hùng cùng những huyền thoại về họ trong thần thoại Hy Lạp. Các bức chạm là tác phẩm điêu khắc mẫu mực của bậc thầy điêu khắc vĩ đại nhất thời Hy Lạp cổ đại Phydias. Sau 25 thế kỷ hưng thịnh và suy tàn, các bức chạm dù nứt vỡ, sứt mẻ hay mòn vẹt vẫn có thể làm ta kinh ngạc về tài năng kiệt xuất của Phydias thiên tài.
Đồng thời trong mỗi một ngôi đền thời Hy Lạp cổ đại thường có đặt tượng thờ của vị thần chủ ở vị trí trang trọng nhất để dân chúng đến chiêm bái và thờ cúng. Pho tượng là linh hồn của cả ngôi đền, là thành phần hữu cơ của kiến trúc đền. Với trường hợp đền Parthenon thì đó là tượng nữ thần Athena bách chiến bách thắng, nghe nói từng được dát vàng và tô màu rất lộng lẫy…
- Ba Tư (Iran) cổ đại:
+ Điêu khắc là thành phần kết cấu của kiến trúc:
Mặc dù đã bị quân đội của Alexandre đại đế tàn phá từ năm 330 trCN nhưng những gì còn lại cho đến tận ngày nay ở phế đô Persepolis (miền Nam Iran) vẫn gây nhiều ấn tượng đáng kinh ngạc. Đó là những nền móng cung điện được quy hoạch thành hàng lối đều đặn và thẳng tắp, những hàng cột đá thanh thoát cao vút – vốn từng đỡ vòm mái bằng đồng kỳ vĩ. Đáng chú ý là các đỉnh cột và chân cột thường được chạm khắc tinh tế thành những khối hoa văn trang trí hay các động vật thần thoại như ngựa, bò, sư tử (nổi nhô hẳn ra khỏi chân cột hay cạnh cổng để tạo thành bệ chân cột hay chân cổng)…
+ Điêu khắc gắn với kiến trúc:
Cũng chính ở Persepolis, rải khắp các chân tường cung điện và các thành bậc thềm là những diềm đá chạm nổi nối nhau liên tiếp, thậm chsi có chỗ chồng lên thành 3 tầng diềm. Nhân vật chính trong các chạm nổi là các lính bộ binh cầm khiên, giáo đang xếp hàng một và bước đều về phía trước. Bên cạnh đó còn có các thương nhân, thợ thủ công, người chăn gia súc dắt theo lạc đà, cừu, bò… Cũng có mấy cảnh tạc đức vua ngự trên ngai hay đứng dưới lọng che; thậm chí có cả cảnh sư tử săn bò hay cây cối, hoa lá. Tất cả đều được chạm nổi khá dầy dặn, chỉn chu, tỉa nếp trang phục, cành lá, cánh hoa, đặc biệt là nét râu, nếp tóc xoăn hết sức rõ nét… Đây chính là những trang trí kiến trúc mẫu mực, làm cho kiến trúc sinh động hẳn lên và mang những giá trị lịch sử không phai mờ.
- Đế chế Angkor (Campuchia) thời trung đại:
+ Điêu khắc là thành phần kết cấu của kiến trúc:
Đền Bayon ở trung tâm Angkor Thom là khu kiến trúc đền - núi được xây lắp bằng cách ghép đá. Khu đền này có tới 54 tháp đá, mỗi tháp lại tác 4 mặt Phật khổng lồ. Nói cách khác, ta có 216 mặt Phật tạc đá để tạo thành 54 ngôi tháp. Những cổng thành bằng đá rất lớn trong hệ thống thành bao Angkor Thom cũng có các tháp tạc mặt tượng trên đỉnh cổng. Mỗi cổng có 4 mặt Phập rất lớn trên đỉnh, quay về 4 phía.
+ Điêu khắc gắn với kiến trúc:
Tất cả các đền đài hay thành quách ở kinh đô cổ Angkor đều là những ví dụ điển hình của mối liên quan khăng khít giữa điêu khắc và kiến trúc. Ôm ấp tất cả các bề mặt kiến trúc là vô số thần, Phật, tiên nữ Apsara, mây, lửa, sóng nước, hoa lá… được chạm nổi chi chít đến độ tham lam gần như phủ kín mít các mặt đá. Các nghệ nhân Khơ me tài hoa ngày xưa đã bắt đá cứng giòn vô tri phải trở nên mềm mại, phải biết uốn lượn lắt léo, phải nở thành hoa, kết thành trái, phải căng tròn đầy gợi cảm như ngực thiếu nữ mà cũng phải tỉa tót tinh vi như vô số hạt trang sức li ti mà rất nét, xâu thành chuỗi trên cổ, ôm quanh bầu vú, ôm vòng bụng, ôm quanh cổ tay, cổ chân các nhân vật… Choáng hơn nữa là tất cả những nhân vật, cỏ cây, hoa lá, muông thú ấy lại được tập hợp hoàn hảo để kể lại nhiều trường đoạn điển hình trong 2 trường ca bất hủ của thần thoại Ấn Độ là Mahabharata và Ramayana. Điển hình nhất trong số đó là những trường đoạn chạm nổi dài hàng kilômét, chạy suốt vách tường đá hành lang trong đền Angkor, thể hiện sự tích “Khuấy biển sữa” trong trường ca Ramayana hay các trường đoạn tả lịch sử chiến trận của quân đội Khơ me với quân Chămpa, Thái… và các cảnh chợ búa, chọi gà bên bờ sông đầy cá sấu… trong sinh hoạt thường nhật của người Khơ me xưa. Chính là nhờ hệ thống chạm khắc đầy nghệ thuật ấy mà cho dù văn mình Angkor đã lụi tàn 7 – 8 thế kỷ rồi nhưng kiến trúc Angkor vẫn đầy sinh động, hấp dẫn trong con mắt hàng triệu du khách thời hiện đại.
- Đền Borobudur (Indonesia) là kiến trúc Phật giáo, xây dựng vào TK IX sau CN, trên đảo Java. Đền xây bằng đá xếp dần lên đỉnh, cao 35m, trông như một quả đồi với đáy vuông, mỗi cạnh dài 123m. Kiến trúc đền tượng hình cấu trúc triết học Mandala của đạo Phật gồm đáy vuông, 72 tháp nhỏ quây thành 3 tầng vòng tròn, bao lấy tháp lớn nhất ở giữa đỉnh, tổng thể kiến trúc 9 tầng, có 4 đường dẫn xếp thành các bậc đá từ chân đồi lên đỉnh ở giữa 4 cạnh. Nhiều tượng Phật tạc đá ngồi từ bi xen giữa các tháp đá nhỏ hoặc trong lòng các tháp này. Tất cả các tháp đều được chạm trổ trang trí rất duyên dáng và đáng chú ý nhất là mặt vách đứng của các tầng đền được chạm nổi thấp (bas-relief) dầy đặc, mô tả sự tích Jakata (tiền kiếp của Đức Phật). Diện tích chạm nổi lên tới 8235m2 với vô số hoạt cảnh rất sinh động, gồm người, voi, ngựa, chó, nhà cửa, thuyền bè, cây cối, chim chóc… Quả thật là kiến trúc và điêu khắc ở Borobudur quấn quít lấy nhau hết sức hữu cơ, khó lòng tách bạch.
- Kiến trúc và điêu khắc châu Âu từ thời Trung cổ đến Cận đại
Đây là giai đoạn mà kiến trúc tôn giáo và cung đình rất phát triển trên toàn châu Âu. Đồ sộ, vươn cao, oai phong lẫm liệt và diêm dúa… là những ấn tượng nổi bật mà ta có thể thấy ở những kiến trúc ấy. Suốt cả thời kỳ dài từ TK V đến TK XIX, kiến trúc và điêu khắc châu Âu đã trải qua nhiều giai đoạn nghệ thuật như Roman, Gothic, Baroc, Bizantin, Phục Hưng… cũng như các trường phái Cổ điển, Lãng mạn, Tân Cổ điển, Hiện thực… Dù thay đổi và biến chuyển đến bao nhiêu chăng nữa thì kiến trúc và điêu khắc châu Âu suốt thời kỳ dài này vẫn luôn gắn bó mật thiết. Vô số các công trình kiến trúc tiêu biểu của châu Âu trong thời kỳ này hiện còn là minh chứng cho nhận định trên, xin tuyển chọn một số điển hình.
+ Nhà thờ Saint Lazare (Autun), Pháp, tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Roman, được xây từ 1120 đến khoảng TK XIII thì xong. Nhà thờ cao đẹp, hoàn toàn bằng đá như nhiều nhà thờ thời trung cổ khác ở châu Âu. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là ở đây có nhiều chạm nổi trên đá rất đặc sắc và tiêu biểu của điêu khoắc Roman như bức chạm Ngày phán xử cuối cùng trên vòm cửa chính hay chạm đá trang trí trên các đỉnh cột. Tác giả của những chạm khắc ấy là nhà điêu khắc Gislebertus. Ngày nay chúng ta thấy điêu khắc Roman không đạt tới đỉnh cao tầm cỡ thế giới như thời Hy Lạp cổ đại hay Phục Hưng, vả lại nghệ thuật thời trung cổ không đề cao vẻ đẹp cơ thể con người; nhưng những chạm nổi trên đá của Gislebertus ở nhà thờ Saint Lazare chí ít cũng có bố cục chuẩn mực, kết cấu chắc chắn và nhịp điệu đẹp. Sau này nghệ thuật Phục Hưng đã kế thừa và phát triển được những thành tựu đó của nghệ thuật Roman.
+ Quảng trường Signoria và lâu đài Vecchio ở Firenzé (Florence), Italia, tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Phục Hưng, được xây dựng từ TK XIII đến TK XVI.
Tượng David tại quảng trường Signoria
Quảng trường là nơi tụ họp của dân chúng, nhất là vào các dịp lễ hội trong khi lâu đài Vecchio ngay bên cạnh với ngọn tháp cao 94m nay là tòa Thị trưởng thành phố. Điểm đặc sắc nhất của quảng trường là nhóm tượng Đài phun nước Neptune (1560, cao 5,6m) và dãy tượng nổi tiếng từ thời Phục Hưng, gồm: Công tước Medici cưỡi ngựa (1587, cao 4,5m), lực sĩ Hercule
(1525), David (1501, cao 4,34m)… Riêng tượng David tạc từ đá cẩm thạch của Michelangelo là kiệt tác tầm cỡ thế giới và cũng là biểu tượng sức mạnh của thành phố. Ngay bên cạnh lâu đài Vecchio lại còn có Hiên trưng bày tượng rất sang trọng với mái bằng, không có tường mà chỉ gồm các cột và cửa vòm cao, rộng, mở ra quảng trường, bên trong bày cố định một chục pho tượng của các nghệ sĩ danh tiếng với đầy đủ bệ đá. Quần thể quảng trường, lâu đài, hiên bày tượng, đài phun nước… ở Firenzé đã trở thành trung tâm lịch sử - văn hóa đầy tự hào của người Italia.
Đài phun nước Neptune
+ Nhà thờ và quảng trường Saint-Pierre (thánh Pie) ở Vatican, Italia, được xây dựng vào thời Phục Hưng, từ giữa TK XV đến tận TK XVII. Nhà thờ có mái vòm tròn, cao 132,5m, đường kính 42m, là một kỳ công kiến trúc thời Phục hưng. Quảng trường hình tròn trước mặt nhà thờ được bao quanh bởi hai bên hành lang vòng cung với 248 cột đá khổng lồ, mỗi cột cao tới 20m. Đặc biệt trên đỉnh các hành lang này có đặt 140 pho tượng thánh tạc đá cẩm thạch với vô số tư thế rất sinh động. Tác giả của nhà thờ và quảng trường này cùng nhiều tranh, tượng và chạm khắc trang trí kèm theo là những kiến trúc sư, nhà điêu khắc và họa sĩ danh tiếng lẫy lừng thế giới như Bramante, Michelangelo, Raphaelo, Brunelleschi, Bernini… Trong vô số các điêu khắc bày trong nội thất của nhà thờ thì nổi tiếng nhất là pho tượng tạc đá có tên là Pieta của Michelangelo, tạc Đức mẹ đang ôm xác Đức Chúa (vừa mới hạ từ thánh giá xuống) với niềm đau xót tột đỉnh. Đây là một đỉnh cao ở tầm cỡ thế giới của sự kết hợp kiến trúc – điêu khắc. Nếu nhà thờ tiêu biểu cho nghệ thuật Phục Hưng thì quảng trường tiêu biểu cho nghệ thuật Barôc.
Quảng trường Saint-Pierre
+ Nhà thờ Đức Bà Paris ở ngay trung tâm thủ đô nước Pháp, giữa đảo Cité trên sông Seine, là điển hình của kiến trúc và điêu khắc Gothic. Được khởi công từ 1163, nhà thờ Đức Bà Paris được xây dựng và chỉnh sửa rất lâu, đến tận 1345 mới hoàn thiện. Đây là một trong những điển hình của kiến trúc Gô tích ở Pháp và châu Âu. Ngoài những đặc sắc về kiến trúc, nhà thờ này còn đáng chú ý bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn với điêu khắc: 28 tượng thánh xếp trong 28 hốc tường, dàn hàng suốt mặt tiền, ngay trên 3 cửa vòm chính; phần trên cửa vòm chính giữa là các chạm nổi cao, mô tả sự tích Ngày phán xử cuối cùng của đạo Thiên chúa, với hàng trăm nhân vật hết sức sinh động đang chăm chú hướng vào Đức Chúa ngồi oai nghiêm chính giữa… Bên trong nhà thờ còn có một nhóm tượng đá đặc sắc, với đề tài Pietà, tạc Đức Mẹ đang than khóc Đức Chúa, bên cạnh 2 thiên thần có cánh. Dù chưa đạt đỉnh cao như pho tượng cùng đề tài nổi tiếng của Michelangelo nhưng nhóm tượng này vẫn xứng tầm mẫu mực cổ điển của điêu khắc. Ngoài ra còn có vô số những tượng đá, chạm nổi trang trí kiến trúc, nhiều đầu cống thoát nước tạc hình quỷ tai nhọn chịu tội thò ra ở các tầng trên…
Nhà thờ Đức Bà Paris
- Việt Nam thời trung đại:
Có rất nhiều dẫn chứng, thậm chí là đặc sắc về mối quan hệ khăng khít giữa kiến trúc và điêu khắc trên đất nước ta qua các thời kỳ lịch sử. Đó có thể là các tháp Chăm, chùa Khơ Me, đình làng Việt, chùa Việt…
+ Chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh):được xây xong năm 1647, thời Lê – Trịnh, bằng tiền của triều đình, do hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và công chúa Lê Thị Ngọc Duyên cung tiến khi các bà về tu tại đây. Chùa có tổng thể kiểu nội công ngoại quốc với nhiều đơn nguyên như các tòa: tam quan, gác chuông, tiền đường, theieu hương, thượng điện, Tích thiện âm, trung đường, hậu đường, hành lang, nhà tổ… Điêu khắc của chùa là điển hình của điêu khắc Phật giáo Việt Nam với rất nhiều pho tượng Phật tạc bằng gỗ mít hay đan lồng – đắp đất trộn trấu rồi sơn son – thếp vàng. Nổi tiếng nhất là pho tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, cao 3m 70, được coi là đỉnh cao của điêu khắc cổ Việt Nam. Chùa còn có bộ tranh chạm nổi trên lan can đá bao quanh tòa thượng điện và 2 bên cầu đá từ tòa này bắc sang tò a Tích thiện am. Đặc sắc nhất trong bộ chạm nổi đó là trích đoạn chạm đôi cò bay trên đồng lúa mang điển hình bản sắc Việt. Cũng phải kể đến các chạm nổi sơn sơn thếp vàng mô tả tích Phật kín các mặt tháp gỗ Cửu phẩm liên hoa trong lòng tỏa Tích thiện am. Ngoài ra còn vô số chạm khắc trang trí kiến trúc tuyệt mỹ trên các kết cấu kiến trúc và trên các tháp đá, bia đá, giếng đá cảu chùa. Chùa Bút Tháp xứng đáng là điển hình xuất sắc nhất của mối quan hệ kiến trúc – điêu khắc trong di sản nghệ thuật cổ nước ta.
Chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh)
+ Đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) dựng từ thời Mạc, có thể là năm 1583, là ngôi đình làng Việt cổ thứ nhì hiện còn hầu hết các kết cấu nguyên gốc như vì kèo gỗ, mái lợp ngói vẩy cá, 48 cột cái và cột quân, đầu đao, tầu đao, đầu dư, ván lá đề, trụ đấu, ván nong, đầu bẩy, hậu cung, không tường, không vách gỗ… chỉ thiếu sàn gỗ (vẫn còn vết lỗ mộng dầm sàn). Đó là hệ vì kèo gỗ rất cổ của người Việt còn tồn tại đến nay, sau hơn 4 thế kỷ. Điêu khắc trên vì kèo đình Tây Đằng là thành phần quan trọng của di sản nghệ thuật điêu khắc dân gian Việt Nam. Các chạm gỗ đầy ngẫu hứng và hết sức phong phú, sinh động, hiện diện trên các ván nong, đàu dư, đầu bẩy, ván lá đề… với vô số rồng, cá chép, voi, người, hoa lá… Đáng chú ý hơn, ta còn có thể thấy ở đây những bóng dáng hình ảnh thuở xưa của người Việt như Mẹ gánh con, Xiếc chồng người, Quạt hầu cho quan, Cô tiên (với váy, mũ, áo kiểu cổ)… Chạm gỗ dân gian Việt cổ chưa bao giờ tinh vi, cũng chẳng hề hoàn chỉnh; bù lại, đó là những phiến đoạn chân thực mà sống động, có vẻ vụng về mà đầy cảm xúc, nhịp điệu tươi vui, kể chuyện thật thà với tạo hình tối giản mà đầy biến hóa.
Đình cổ Tây Đằng không có vách xung quanh
Đình Chu Quyến, Hà Nội
Tiên cưỡi rồng, Đình Phủ Lãng, Bắc Ninh
Đánh cờ, đình Ngọc Canh, Vĩnh Phúc
>>> Chất liệu và loại hình về điêu khắc
>>> Bề mặt lõm trong điêu khắc và kiến trúc
>>> Những yếu tố căn bản trong kiến trúc (Phần 1)