HÌNH THỂ, KHÔNG GIAN VÀ CÁI NHÌN
Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần cuối)
Chương 1: ĐỐI DIỆN VỚI KỸ THUẬT TẠO HÌNH: Các loại dấu vết và nội dung
F. Diện và chất màu - hành động tự do và nội dung biểu cảm
Mục đích của bài tập rất ngắn gọn này là giảm bớt sự tập trung của bạn vào lối vẽ đi nét mà nhắc bạn nhớ rằng sử dụng lối vẽ loang màu để tạo ra những hình diện cũng là một biện pháp hữu ích cho phép xác lập nội dung của một hình vẽ. Ở H. 1-40, chúng ta vừa mới thấy một bề mặt có các sắc độ đậm nhạt đều nhau được tô cẩn thận bằng bút chì nhằm tôn lên đặc tính cấu trúc - bổ sung thêm những thông tin khác ngoài đường nét - và nhờ vậy, tăng cường cái khái niệm mà người vẽ muốn “vẽ” ra [bằng trình bày tạo hình]. Bây giờ, chúng ta hãy cố gắng xử lý những thành tố có thể truyền đạt tâm trạng: diện màu và sắc độ. Làm những bài tập này trên cùng một trang giấy: dành nửa trên cho một bài [về diện màu], phần dưới cho bài kia [về sắc độ]. Như vậy ta sẽ có sự so sánh về thị giác hiệu quả nhất. Bạn sẽ nhận thấy có một chút khác biệt đấy, dù bạn vẽ từ một chủ đề cho trước hay chỉ đơn giản từ sự thôi thúc của cảm xúc bên trong. Song sự so sánh như thế có thể giúp bạn kết nối cảm xúc với một kinh nghiệm thị giác riêng biệt, ví dụ là với bầu trời. Do đó, tại bề mặt hai khu vực trên và dưới trang giấy mà bạn định vẽ ra những mảng có sự chuyển đổi sắc độ sẽ cần phải hiện ra đúng là hình ảnh của bầu trời. Lúc này, để thể hiện các cảm xúc hoặc tâm trạng, bạn hãy vẽ một hình tả trạng thái thanh bình; còn hình kia là tâm trạng âu lo. Để tránh sự can thiệp nào đó của yếu tố đường nét, bạn chỉ dùng bút lông, mực, và nước. Ấn nhẹ hoặc lau với một miếng bọt biển, loại bỏ bớt vết mực với giấy thấm - nói cách khác, sử dụng bất kỳ phương tiện nào nhằm điều khiển vết mực loang thành các hình diện và kiểm soát sắc độ từ đậm tới nhạt của nó. Một bầu trời yên ả hay một bầu trời giông tố... đó là những gì bạn phải cố thể hiện bằng được. Liệu bạn có thể nhận biết được cái nào với cái nào ở H. 1-42 và H. 1-43 không? Rõ ràng là không cần nói ra bằng lời, phải không nào.
LƯU Ý: một số bạn có thể đã nhận thấy rằng - như tôi đã đề cập khi phân biệt giữa vẽ và hội hoạ ở phần Định hướng - bài tập này chủ yếu thiên về việc tạo nên một bức tranh hơn là một hình vẽ. Và đúng như thế. Tuy nhiên, xin nhớ rằng lối phân biệt rạch ròi như vậy là quá lý thuyết: sự phân loại sẽ hữu ích trong việc xác định một lối vẽ riêng và một loại kết quả riêng: hình vẽ hay bức tranh. Trong thực hành, dù tạo ra một hình vẽ hay sáng tác một bức tranh thì bạn đều phải sử dụng các biện pháp chung là làm loang chất màu thành diện và bố trí các điểm và đường để tạo nên hình thể cơ bản của nó.
G. Nét vẽ thư pháp - tự do vẫn chính xác, biểu cảm cùng với khái niệm
Chuyển ngữ một cách chính xác từ tiếng Hy Lạp, cụm từ “thư pháp” (calligraphic) có nghĩa là viết đẹp. Bảng chữ cái, trong tiếng Hy Lạp hay Ả Rập, [từ khi ra đời] luôn đòi hỏi phải có các hình thức con chữ rõ ràng và dễ phân biệt, và được tạo thành với sự khéo léo. Về sau, phong cách viết chữ của người Ả Rập và Hy Lạp, rồi “phong cách viết bằng bút lông” của người Trung Hoa và Nhật Bản, đã trở thành một lối luyện chữ mang tính thẩm mỹ; lối viết bắt đầu trở nên một hình thức nghệ thuật. Những bậc thầy được thừa nhận, rồi trang giấy có văn bản viết lên đã được tán thưởng vì sự tao nhã về thị giác của nó cũng sánh ngang với những ý nghĩa của ngôn từ. Ngày nay, khi chúng ta gọi một nét bút là thư pháp nghĩa là chúng ta muốn nói rằng nó đã được “xuống bút” một cách chắc chắn; được “vạch ra gọn gàng” về tạo hình; di chuyển với vẻ duyên dáng uốn lượn hay góc cạnh; và bộc lộ những thay đổi về độ nặng từ dày tới mỏng trong khi dụng cụ vẽ (viết chữ) được vận dụng cả mặt tày lẫn cạnh sắc của đầu ngòi. Đặc điểm dày - mỏng của đường nét thư pháp phụ thuộc vào việc xoay bút lông hoặc bút sắt giữa ngón tay cái và ngón trỏ, hướng đi bút mà chữ cái (hoặc hình dáng) đòi hỏi, và cả cường lực dụng bút của người viết. Với áp lực nặng, chắc chắn vết mực/màu sẽ trải rộng, tạo ra các đường đầy đặn; áp lực nhẹ sẽ cho những đường nét sắc và mảnh. Nói tóm lại, đặc điểm chung của đường nét thư pháp là độ nặng của nét bút [tạo đậm nhạt, dầy mỏng] thường xuyên thay đổi. Sự thay đổi này tạo nên phẩm chất đặc sắc bởi chúng tao nhã về mặt tạo hình; nét bút di chuyển rất thoải mái và khoáng hoạt chứ không lúng túng và “nhát gừng”.Hình 1-44 và 1-45 là những ví dụ về lối vẽ theo kiểu thư pháp. Pascal Tchakmakian đã thực hiện những vết bút thư pháp bằng một chiếc bút lông dẹt có khổ rộng cỡ 3cm, xoay tròn trong lúc di xuống mặt giấy và được điều khiển thật hoàn hảo. Henry Moore cho chúng ta thấy làm thế nào mà những thay đổi về lực tì tạo ra được những chỗ nở ra rồi thu nhỏ lại của đường nét khi sử dụng bút sắt. Cũng nên lưu ý tới tốc độ đi nét thư pháp của bút sắt, rồi các bề mặt ẩm ướt hoặc khô ráo ảnh hưởng đến nó như thế nào. Những đường nét như vậy thật biểu cảm với nhịp lắc bút đầy hứng khởi; về mặt trí tuệ, chúng cũng vô cùng hấp dẫn bởi vẻ thanh lịch, biểu trưng cho sự làm chủ hoàn hảo của “thư pháp gia/người dùng bút”.Bài tập rất đơn giản này giúp bạn chủ động làm quen với những phẩm chất của thư pháp. Chọn chiếc bút sắt ngòi rộng nhất có trong bộ bút viết chữ đẹp Sheaffer, và dùng một hoặc hai trang giấy trong tập vở tự luyện của bạn để tạo ra một loạt đường nét có những đặc điểm như vừa mới mô tả. Bạn cũng có thể thử dùng bút lông để phát triển kỹ năng. Bạn nên hướng vào lối viết hành thảo (chữ tròn và dính vào nhau) vừa khoáng hoạt, thanh tao mà kiên định đường nét: đi bút thật thoải mái, miết và xoay ngọn bút từ chỗ nhọn sang mặt rộng của nó trong khi đổi hướng bút, tạo nên những nét bút khi mảnh mai lúc tròn đầy.Hãy so sánh các trang vẽ đã hoàn thành của bạn với H.1-44 và 1-45.
H. 1-44 Pascal Tchakmakian. Hình vẽ bằng bút lông. 1976. H. 1-45 Henry Moore. Bài luyện vẽ bút sắt Số X. 1970.
H. 1-47 Jean - Dominique Ingres. Bài vẽ nghiên cứu cho tranh La Grande Odalisque (Phi tần). Đường vẽ trôi chảy, liền mạch có tác dụng truyền đạt cả cảm xúc lẫn ý niệm. Nó mang một tâm trạng yên tĩnh thư thái, đồng thời, phác ra rõ ràng một hình thể vô cùng tao nhã - một dáng hình lý tưởng cho vẻ đẹp người phụ nữ. Diện chỉ được biểu thị một cách nhẹ nhàng dưới dạng các sắc thái sáng và tối, tuy nhiên, cùng với những đường nét nhấn đậm, đủ để làm tăng thêm tính chất tròn trịa và đầy đặn của những hình khối.
H. Điểm, đường, và diện - hỗn hợp tạo hình những nội dung khác nhau
Bài luyện cuối cùng của chương này xem như một tổng kết tạo hình, giúp bạn rút ra kết luận trong việc vận dụng các họa cụ và cách vẽ thích hợp nhằm tạo ra được những vết bút và khuôn hình như ý. Thí dụ, các cành cây nhỏ có đầu nhọn hoặc hình lưỡi đục có thể vạch ra được các nét siêu mảnh hoặc cực rộng. Chúng cũng có khả năng tạo nên những dấu vết và kết cấu bề mặt ghi xám rất thú vị một khi chất mực đã ngấm vào gỗ. Và chúng có thể được đẩy đi loanh quanh trên khắp giấy thuận tiện hơn bút sắt. Những miếng bọt biển, những mẩu giẻ cắt ra từ các loại vải khác nhau, và kể cả ngón tay (hoặc móng tay), tất cả đều tạo ra những dấu vết có phẩm chất độc đáo riêng. Có thể sử dụng mực “nguyên chất”, hoặc pha loãng. Giấy vẽ có thể khô, ẩm, hay ướt đẫm. Do đó, bài tập này yêu cầu thể nghiệm với những dụng cụ cùng các chất mực trên các bề mặt khô hoặc ướt.Trước tiên, bạn hãy chuẩn bị toàn bộ các loại họa cụ. Tiếp theo, bạn cần vẽ thật dứt khoát, thật tập trung tinh thần, sử dụng cả những động tác phóng túng và đọng tác chính xác có chủ ý, vẽ ra các loại điểm, đường, và diện màu, càng đa dạng càng tốt. Trên H.1-46 là một ví dụ điển hình cho sự thành công về tạo hình. Hãy nghiên cứu bức vẽ này, xác minh xem những dấu ấn khác nhau đã được thực hiện như thế nào. Bạn sẽ thấy rằng một số như được “in ra” - có nghĩa là, một dụng cụ như con lăn hay miếng bọt biển đã được nhúng mực rồi ấn lên giấy chỉ một lần - trong khi những dấu vết khác là do nhỏ giọt mực lên trên các diện tích ẩm và khô mà ra.
H. 1-49 Henri Matisse. Khoả thân ngồi. 1929. Vẽ bằng ngòi khô, in bằng mực đen.Nét bút đầy tự tin, mạch lạc, trôi chảy và đều nhau. Không có các diện màu. Tất cả tạo nên một bức vẽ cực kỳ thuần khiết: sự lo âu, căng thẳng, hay sự say mê nồng nàn không chiếm ưu thế. Hình ảnh trở nên bình thản và tĩnh lặng, không đòi hỏi cảm xúc. Đường nét vạch nên một hình dáng chung của cơ thể, giản dị nhưng trong sáng. Không có những sắc thái sáng tối của diện. Nét bút không có chỗ nào nở ra. Hình khối mất hẳn. Do đó, hình vẽ phẳng hơn so với của Ingres hay Gaudier-Brzeska. Hãy đối chiếu nó với cách xử lý tạo hình trong bức vẽ của Delacroix (H. 1-50). Vào lúc này, có lẽ bạn đã có thể tự mình nhận ra những khác nhau về bản chất giữa hai tác phẩm; sự giản dị trong cách dựng hình của Matisse trái ngược với những hình thể giàu kịch tính và cấu trúc lỏng lẻo của Delacroix.
H. 1-48 Henri Gaudier - Brzeska. Khoả thân. Tương phản hoàn toàn với bức vẽ của Ingres. Đường nét di chuyển mạnh mẽ với những đợt bút ngắn, nhanh; nhìn chung là gấp khúc và góc cạnh nhiều hơn. Các diện không xử lý theo lối loang màu mà dùng các nét ngắt di chuyển liên tục và đột ngột để tạo ra các bước chuyển bất ngờ từ đen sang trắng. Do vậy, tâm trạng có vẻ không yên tĩnh và thư thái chút nào: Thay vào đó, nó trở nên năng nổ và bị kích thích. Cả hai loại đường viền của diện đều không có những uốn lượn trôi chảy, mà góc cạnh và nhát gừng. Dòng tuôn chảy lý tưởng và sự rõ ràng của Ingres không hiện diện ở đây. Nói chung, có thể coi đây là một bức vẽ có hình bị bóp méo nhưng biểu cảm.
H. 1-50 Eugène Delacroix. Các nghiên cứu về Sardanapalus.
H. 1-52 Henry Moore. Vẽ nghiên cứu trong sổ ký hoạ, hình bán thân của một cô gái. 1956. Bút sắt và mực. Được sự cho phép của họa sỹ.Ở đây, sinh lực đột khích của những nét vẽ ngắn, gần như chập chờn, là do đường bút đổi hướng liên tục và đan chéo vào nhau trong một tình trạng vận động cực kỳ kích động và sôi nổi. Cường độ biểu cảm trong sức mạnh tạo hình như vậy có sức thôi thúc rất lớn; sự thuần khiết của hình thể giảm đi. Tuy nhiên, họa sỹ không định vạch ra những đường nét rõ ràng, xác định giống như lối vẽ của Matisse. Ai cũng nhận ra một cảm xúc thôi thúc và cấp thiết bao trùm toàn bộ hình vẽ.
H. 1-53 Auguste Rodin. Đào tơ. 1908. Màu nước. Bộ sưu tập của Rhodia Dufet Bourdelle, Paris. Chụp ảnh: Photo BullozBây giờ là một ví dụ khác hẳn. Đường vẽ thành hình nhờ diện. Nét rõ nhất trong hình vẽ này xuất hiện tại vị trí diện màu loang dừng lại. Lưu ý xem những sắc độ sáng tối phảng phất tinh tế bổ sung một cách nhẹ nhàng cho các hình khối của dáng người ra sao. Sự thiếu vắng những nét bút nổi bật trên nền màu nước trong suốt của các diện màu như vậy cho phép cụ thể hóa hình ảnh không chút gượng ép, thực sự quyến rũ, nên thơ và ám ảnh. Cách xử lý này truyền đạt một tâm trạng đầy nhục cảm về hình ảnh. Những đặc điểm chất thể trong những diện màu nhẹ nhàng tương phản với các nền sáng, tuy nhiên, lại định dạng hình dáng người rất rõ nét, chí ít cũng đủ để chúng ta nắm bắt rõ ràng khái niệm của Rodin về người đàn bà như một hình mẫu lý tưởng. Bức vẽ này rất đạt, cả về hình thức lẫn sự biểu cảm.
Theo kinh nghiệm, bạn sẽ có khả năng phân biệt được đường nét nào được vẽ bằng cành cây, đường nét nào do bút sắt hay bút lông tạo ra. Đừng quên rằng tất cả mọi kiểu dấu vết đều có thể vận dụng vào những bức vẽ trang trọng hơn, chính thức hơn. Cũng nên ghi nhớ kỹ trong đầu các loại họa cụ đặc biệt phù hợp với bạn - những thứ tạo ra cho bạn cảm giác làm chủ hoàn toàn [tình huống] trong lúc vẽ ra các nét bút và bộc lộ được những cảm xúc, sâu lắng hay bay bổng, một cách thoải mái nhất trong tác phẩm của mình.Tóm lại, hãy cố gắng làm sao để các loại dấu vết vẽ mà bạn từng được luyện tập - theo những bài tập tôi đã giao cho - hoà hợp được với nhau trên trang giấy. Trong khi tiến hành, hãy tổ chức bố cục sao cho cá tính tạo hình của mỗi dấu vết sẽ được bổ sung bởi cá tính tạo hình của dấu vết bên cạnh nó. Nói cách khác, nên bố trí các dấu vết có tương phản để tăng cường những khác biệt độc đáo của mỗi loại. Khi bạn cảm thấy bài vẽ nói chung đã hoàn tất, nên để ý xem những phẩm chất tạo hình của nó đã đủ để tạo nên sự phong phú về mặt thị giác hay chưa, và đồng thời cũng cần xác định xem nó đã thoả mãn về mặt cảm xúc là chính hay thiên về trí tuệ (tất nhiên, không phải đơn thuần chỉ đáp ứng duy nhất một mặt). Tuỳ thuộc vào những động tác vẽ đã sử dụng, một số thao tác có thể diễn đạt một khí chất nào đó trong khi những nước đi khác lại làm sáng rõ một ý tưởng liên quan tới mức độ cân bằng về không gian hoặc sự cân xứng của một hình dạng nào đó. Dù sao, hãy cố gắng đánh giá tác phẩm của bạn ở nhiều khía cạnh/nội hàm khác nhau, và trên phương diện thị giác, sức mạnh tạo hình của nó là đạt hay chưa đạt.
CHÚNG TA KHÉP LẠI CHƯƠNG NÀY với một vài minh họa tiêu biểu cho một số khía cạnh tạo hình trong hành động vẽ mà chúng ta đã thảo luận, cũng là hiện thân của nội dung có liên quan - khái niệm hoặc biểu cảm. Để việc so sánh trở nên dễ dàng hơn, toàn bộ các tác phẩm nghệ thuật được dẫn ra ở đây đều là những bức vẽ cơ thể người, kèm theo những lời nhận xét của tôi bên cạnh các chú thích. Hy vọng rằng sau khi nghiên cứu kỹ những tác phẩm này, bạn sẽ phần nào trở nên am tường hơn về phong cách vẽ cũng như các ý nghĩa bao hàm trong đó.
- Tác giả: GRAHAM COLLIER Biên dịch: Vương Tử Lâm Hiệu đính: Phạm Long -
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 9)
>>> Chi tiết tạo hình trang phục trong vẽ truyện tranh
>>> Các yếu tố tạo hình trong hội họa