Hình thể, Không gian và Cái nhìn

[Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình] (Phần 9)

Chương 1: ĐỐI DIỆN VỚI KỸ THUẬT TẠO HÌNH: 

Các loại dấu vết và nội dung

E. Những nét vẽ chính xác có cân nhắc - ý niệm và nội dung

Toàn bộ bài tập trước chú trọng tới sự hưởng ứng của người cầm bút trong khi vẽ thông qua hành động tự do đã cố gắng thể hiện được tâm trạng hoặc cảm xúc cá nhân trên hình ảnh tạo hình. Nhưng bây giờ, chúng ta hãy thử làm ngược lại: luyện vẽ các đường nét có định dạng tuân thủ nghiêm ngặt tư duy hay ý tưởng của bạn. Khi đã xác định mục đích như vậy, bạn cần tập trung thể hiện thật rõ ràng và cụ thể: bạn cần khám phá xem bản chất cấu trúc [của đối tượng] là gì, có như vậy mới vẽ được hình của nó rõ nét, dễ hiểu và chính xác. Để thực hiện việc này, thực ra bạn không nhất thiết phải có sẵn trong đầu một chủ đề. Mặc dù đúng là có thể nói “tôi muốn khám phá hình dạng chính xác, thật khớp với ý tưởng hay khái niệm của tôi về loài chim”, và hoàn toàn có thể thực hiện được điều này với những hình vẽ cô đúc nhất (khá trừu tượng) - tuy không thật giống với đối tượng tự nhiên mà bạn hình dung song vẫn có hình thù khớp với khái niệm hình thể mà bạn đã có trong đầu: những hình thù đó có cấu trúc đáng tin cậy và thú vị về mặt hình thái học (morphologically), và bạn không hề băn khoăn đấy là cái gì ( nếu muốn bạn có thể coi đó là “hình thức vị hình thức”).

Vì vậy, nếu bạn định vẽ ra những hình có thể dễ dàng phân biệt bằng mắt và trí óc như thế, rõ ràng tiến trình cảm giác vận động của bạn tự khắc đòi hỏi một mức độ chính xác nhất định. Vì hình vẽ hiện dần lên trong tầm mắt nên các nét sẽ chặt chẽ dần để củng cố hình và bộc lộ đặc điểm cấu trúc chính xác, đảm bảo hình vẽ ra thoả mãn những bố cục về hình đúng như bạn nghĩ. Hình dạng ấy có thể là một phác họa gọn; ranh giới giữa hình và nền được xác định rành mạch. Khi hoàn thành, bản thân hình vẽ như muốn khẳng định cấu trúc nên có vẻ “máy móc” chứ không như trong các bài vẽ biểu cảm.

Trên trang giấy đầu tiên, những hình vẽ của bạn phải thể hiện được vật thể, nghĩa là cần dựa vào kinh nghiệm thị giác về vật thể tự nhiên - mà trường hợp này là con chim. Lưu ý rằng ở đây bạn không đề cập đến hình dạng tự nhiên của một con chim cụ thể mà bạn đã nhìn thấy vào một thời điểm cụ thể; bạn chỉ cần ý thức trong đầu về “đặc tính của chim” nói chung hay khái niệm về bản chất loài chim rồi thể hiện khái niệm đó ra thành hình hài khả kiến. Hãy quan sát H. 1-37 một lát. Các hình thật rành mạch với các nét vẽ chính xác. Những hình như thế cho phép nhận diện rõ ràng; hình con chim sẽ in sâu vào tâm trí bạn với một khuôn hình cụ thể. Rất ít biểu cảm, tuy có nét hài hước nào đó, nhưng cảm xúc ở đây thật mờ nhạt so với ý thức nổi bật về khái niệm của hình.

hoc ve va tao hinh p9-37

H. 1-37 Betty Peebles. Hình vẽ. 1973.

hoc ve va tao hinh p9-38

H. 1-38 Betty Peebles. Hình vẽ II. 1973.

Bây giờ, bạn hãy vẽ ra giấy những hình về loài chim của riêng bạn. Không được sao chép nguyên xi các hình trong H.1-37 (của Betty Peebles), mà bạn cần dựng thành hình khối các khái niệm của chính mình bằng những nét bút chắc chắn, vẽ ra những hình thật rõ ràng, chính xác. Bạn cứ vẽ kín cả trang, cứ để mặc những thay đổi xuất hiện khi các ý niệm của bạn bắt đầu tự động thêm vào nhiều chi tiết hơn. Trong khi vẽ, hiển nhiên quá trình điều khiển có ý thức của bạn sẽ được luyện tập: cánh tay và bàn tay di chuyển thật thận trọng, giữ nguyên nét bút và độ tì, sao cho hình vẽ hiện lên một cách và rõ nét. Sử dụng bút lông để vẽ theo kiểu này sẽ gặp khó khăn, vì nó là loại bút hợp với những động tác vẽ phóng khoáng và biểu cảm. Trái lại, đầu ngòi cứng của bút sắt, bút chì, hay cành cây lại có thể tạo nên những nét vẽ từ tốn, chính xác một cách hiệu quả nhất.

Với những bài ký họa trên trang giấy thứ hai, bạn cần phải xử lý hình dạng thuần túy theo lý thuyết, và nhất thiết không được tham khảo những vật thể tự nhiên. Trước hết, bạn chia mảnh giấy thành mười hai hoặc mười sáu hình chữ nhật có kích thước vừa phải, rồi bắt đầu vẽ từ góc phía trên bên trái tờ giấy. Với một nét bút chắc, đều tay, đầu tiên bạn vạch ra một hình dạng không gò bó, có góc cạnh hay uốn lượn, hoặc cả hai. Ngay khi nét bút bắt đầu di chuyển, bạn hãy để mắt đến nó thật chăm chú như đại bàng săn mồi; trong khi hình vẽ hiện dần ra, bạn sẽ phải [liên tục] đưa ra những quyết định tức thời xem cần phát triển nó như thế nào và làm gì để cho hình vẽ phù hợp với những đánh giá xuất hiện liên tục trong đầu bạn về độ tin cậy hình thái học của nó - có nghĩa là, nó bắt bạn phải lưu ý tới khuôn hình. Hãy dừng tay khi nào bạn thấy hài lòng với cái khuôn hình đã khớp với ý tưởng trong đầu về một hình dạng cần phải có. Đạt tới mức độ này, đó là lúc hình dạng (shape) đã trở thành hình thể (form). Vẽ lại hình thể này vào từng ô chữ nhật còn lại; đừng sao chép nó, mà hãy chỉnh đốn và sàng lọc dần mỗi khi chuyển sang ô tiếp theo cho tới ô cuối cùng. Hai điểm quan trọng nhất của bài tập này là: (1) về mặt cảm giác vận động, đây là những hình được vẽ theo một cung cách chính xác và có chủ tâm; và (2) hình thể xuất hiện trong mỗi ô chữ nhật là hệ quả của chuỗi quyết định trong đầu về tính đúng đắn hoặc mức độ tương thích về đặc điểm [hình hài] cụ thể của nó.
Hình 1-38 là một thí dụ rất tốt về loại thể nghiệm như thế để tìm kiếm nội hàm hình thức chủ nghĩa, nguyên là loạt hình vẽ có tên là Những ý tưởng cho Điêu khắc. Qua những phác họa này, Betty Peebles đã khảo sát tỷ mỷ và nhất quán những hình thể với đặc điểm cơ bản là đường uốn lượn có tổ chức. Tuy nhiên, những cấu trúc góc cạnh và đậm chất hình học hơn có thể thu hút mối quan tâm của bạn. Hãy dành ít phút xem xét đặc tính hình học cùng các ý tưởng cấu trúc chính xác được hoạ sỹ Villard d’ Honnecourt ở thế kỷ 13 áp đặt lên cơ thể người. Hãy quan sát sự tương phản giữa tính hữu cơ [có tổ chức] và đặc điểm hình học (Xem H.1-39). Nên nhớ rằng bạn hoàn toàn có thể thử sức với một phong cách nổi bật riêng của mình để tạo ra được sự tương phản như thế. 

Bây giờ, hãy thử vẽ với tờ giấy thứ ba. Một lần nữa, bạn sẽ thực hiện khoảng từ 12 đến 16 hình phác họa. Tuy nhiên, lần này hãy vẽ có chủ tâm, đồng thời phối hợp những đường thẳng có góc và các nét cong với cung tròn. Cần vẽ thật chính xác để tạo ra được hình thể có những đường nét thay đổi, chồng chéo lên nhau trong mỗi ô chữ nhật. Động tác vẽ phải dứt khoát, vững chãi và được kiểm soát tốt [khi lướt] trên mặt giấy; bạn phải sáng suốt quyết định [đi nét tiếp theo thế nào cho chính xác]. Liên tục đánh giá sức cuốn hút thị giác nổi dần lên từ hình vẽ do các nét bút vạch ra, các khuôn hình nằm trong và nằm ngoài với các khoảng trống mà chúng tạo ra.

hoc ve va tao hinh p9-39

H. 1-39 Villard d’Honnecourt. Các hình vẽ nghiên cứu. Thế kỷ 13

hoc ve va tao hinh p9-40

H. 1-40 Betty Peebles. Hình vẽ III. 1973.

hoc ve va tao hinh p9-41

H. 1-41 Paul Klee. Mái vòm Lớn. 1927. Bút sắt và mực. Bảo tàng Kunstmuseum, Bern.

Hình 1-40 là một minh họa khác về “sự tiến triển” của ý tưởng thị giác đối với các hình ảnh trừu tượng - hai, hoặc ba chiều. Mặc dầu vậy, như bạn có thể thấy, người họa sỹ đã tiến xa hơn trong những hình vẽ này khi tạo ra được những diện có hình thù cụ thể (hình diện) và các sắc độ đậm nhạt của chất màu. Betty Peebles đã chọn ra 5 trong số các ký họa của mình rồi nhấn mạnh vào những phần nhất định, cả ở hình lẫn nền, bằng cách tô màu với các sắc độ thay đổi, và tôi nghĩ rằng bạn cũng đồng ý rằng làm như vậy khiến cho cấu trúc của hình thể thêm vững chắc - sự gạn lọc bằng tạo hình đi xa hơn nữa về tính khái niệm. Hãy lưu ý rằng ngoài nét vẽ, mức độ tương phản đậm nhạt của những diện sáng và tối cũng góp phần làm cho toàn bộ hình ảnh trở nên khúc chiết.

Bây giờ, bạn hãy thử vẽ xem có thể đạt được hiệu quả như vậy không. Chọn 3 hoặc 4 bức ký hoạ của bạn. Trong các bức ký họa đó, bạn sẽ quyết định khu vực [diện tích] nào nên được tạo ra những hình diện cụ thể bằng cách thêm độ sáng hay tối vào với một bút chì mềm. Vết bút chì càng đậm, diện tích càng hiện rõ hơn về mặt thị giác thông qua sự tương tác lẫn nhau giữa tất cả các bộ phận [trong bức ký họa]. (Ở đây chúng ta không đi sâu vào những khía cạnh hình khối hoặc không gian của những bề mặt và cách xử lý sắc độ. Hiệu quả của lối vẽ này sẽ được mô tả chi tiết hơn trong Chương 2).

Ở bài vẽ cuối cùng trong chuỗi thể nghiệm này, tôi sẽ để cho bạn gần như tự xoay sở. Để lấy cảm hứng, hãy quan sát kỹ lưỡng bức tranh Mái vòm Lớn của Paul Klee (H. 1-41), và xem xét sự tương phản về cấu trúc giữa điểm và đường khi đồ hình kiến trúc nổi lên rõ rệt qua những nét vẽ thanh mảnh. Sau đó, gập sách lại. Dùng bút chì hoặc bút bi, xây dựng một ý tưởng của riêng bạn: phát triển một khái niệm thông qua sự trợ giúp của các điểm và nét vẽ chính xác có chủ tâm; cái tên Bến cảng với mái vòm và tháp có lẽ cũng là một gợi ý tốt.

>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 8)

>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 7)

>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 6)

>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 5)

>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 4)

>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 3)

>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 2)

>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 1)

0976984729