Hình thể, Không gian và Cái nhìn
[Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình] (Phần 6)
Chương 1: ĐỐI DIỆN VỚI KỸ THUẬT TẠO HÌNH:
Các loại dấu vết và nội dung
CHÚ GIẢI VỀ NGHỆ THUẬT TRỪU TƯỢNG VÀ BIỂU HÌNH
Một khảo cứu đầy đủ những giá trị riêng của cái-gọi-là nghệ thuật trừu tượng (phi khách thể: non-objective) và nghệ thuật biểu hình (có hình tượng: figurative) sẽ được tiến hành trong Chương 9. Nhưng bởi vì chúng ta đang minh hoạ cho nội dung thảo luận bằng những tác phẩm thuộc cả hai thể loại điển hình nói trên, nên ở đây cũng cần có một số giải thích.
Sự khác nhau về bản chất giữa những hình ảnh trừu tượng (abstract) và biểu hình (representational) bộc lộ rõ ràng trong H. 1-12 và 1-13. Bức vẽ của Jackson Pollock (H. 1-12) là tác phẩm nghệ thuật trừu tượng theo đúng nghĩa đen, tức là nó không đưa ra đối tượng có thể cảm nhận được bằng thị giác; trái lại, hình ảnh trong bức Tướng quân khải hoàn (H. 1-13) cung cấp cho chúng ta một vài đối tượng có thể nhận dạng được. Ta có thể nhận ra được con ngựa, bản thân vị tướng, và thiên thần hộ mệnh bay theo. Nói một cách đơn giản, họa sỹ vẽ tranh trừu tượng tự “phát minh” cho bản thân mình những hình thể, của cả hình và nền, mà không đưa vào sử dụng những sự vật cụ thể trong thế giới tự nhiên. Nhưng trong bức vẽ biểu hình - hoặc bán-biểu hình (semi-representational), chúng ta lại nhận ra các đối tượng và khung cảnh [có thực trong thiên nhiên] được người nghệ sỹ nhận thức và biến đổi bằng cách này hay cách khác để tạo thành bức tranh. Vì lý do này, thuật ngữ nghệ thuật phi khách thể (non-objective), hay là phi hình thể (non-figurative) đồng nghĩa với nghệ thuật trừu tượng (abstract art).
Lối vẽ hoàn toàn trừu tượng có những lợi thế nhất định, bởi vì người nghệ sỹ không còn phải “vật lộn” - và đó luôn luôn là một “cuộc vật lộn” - vận dụng khả năng tạo hình để tái tạo lại một đối tượng cảm nhận thị giác, không còn những vấn đề tái hiện trong lối vẽ hành-động-tự-do trừu tượng hoặc trong cách vẽ trừu tượng chính-xác-có-chủ-ý. Vì thế bức vẽ của Pollock có thể có sức mạnh biểu cảm hơn so với bức vẽ của người họa sỹ Venice (H.1-13); còn hình ảnh hoàn toàn trừu tượng của Tanabe (H. 1-14) mang tính ý niệm thuần tuý hơn nhiều so với tác phẩm bán-biểu hình của Juan Gris (H. 1-15).
Dẫu vậy, một bức vẽ, dù là trừu tượng hay biểu hình, cũng không làm thay đổi được một thực tế rằng, vẽ là diễn đạt một chứng lý thị giác - tìm kiếm hình thức cho những gì đang diễn ra trong tư tưởng và tình cảm của chúng ta.
H. 1-16
BÀI TỰ LUYỆN - THỰC HÀNH VẼ & THU HOẠCH VỀ LÝ THUYẾT
Mục đích của những bài luyện vẽ có tính thể nghiệm sau đây sẽ giúp các bạn tư duy trong điều kiện tạo hình, sinh động. Những điều đã nói/nghe/đọc phải biến thành hành động cụ thể, và cho kết quả thị giác tương xứng; và như thế, các bạn sẽ tổng hợp được lời nói - phương tiện định hình nhận thức phổ biến nhất - với hình thức thị giác mà ta gọi là nghệ thuật.
Tuân thủ bài tự luyện, các bạn sẽ đua tranh với chính mình trong cách xử trí một chuỗi những ý tưởng và thách thức có độ phức tạp tăng dần. Các bức vẽ, khi hoàn thành, phải có giá trị như một chứng tích tạo hình về kiến thức và thành quả của bạn.
Những bài tập của Chương 1 chỉ là những bước khởi đầu nhẹ nhàng để các bạn bắt đầu thực hành vẽ, giúp các bạn chứng kiến lý thuyết được thể hiện trong hành động ra sao.
Kết quả của bài tự luyện đạt hiệu quả đến mức độ nào sẽ tuỳ thuộc phần lớn vào việc bạn đã đọc toàn bộ chương này kỹ lưỡng ra sao - ngoài những hướng dẫn đặc biệt về vẽ. Dồn hết tâm trí vào bài đọc còn đóng một vai trò quan trọng: nó giúp bạn củng cố và kích thích thị giác nhờ [được nghiên cứu kỹ] những tác phẩm lớn [trong các ví dụ đã được dẫn chứng trong bài đọc]. Do đó, bạn sẽ tự thu xếp được thời gian biểu cho công tác chuẩn bị - cả về kiến thức lẫn thị giác - trước khi bắt tay vào việc thực hành. Điều đó sẽ mang lại kết quả.
Chỉ sau một thời gian ngắn, bạn sẽ nhận thấy rõ ràng là khả năng hoàn thành các bài tập được giao, xét về mặt tạo hình, sẽ không giống các bạn cùng học khác. Sự điều khiển và cường độ trong những ý nghĩ và cảm xúc của bạn chưa chắc đã tương tự với họ; và chắc chắn tình trạng căng thẳng trong cảm giác vận động mà bạn trải qua bằng xúc giác đối với bút mực hay bút lông, đối với chất pha màu và phần nền, sẽ là của riêng bạn. Một số người vẽ rất thư thái, gần như bị thôi miên; một số người thì căng thẳng, tập trung cao độ; một số khác thì bối rối, lo lắng và cố giữ im lặng, rồi ngọ ngoạy thân thể. Đối với người họa sỹ đang vẽ trong xưởng một cách tự nhiên, những phản ứng như thế gắn bó một cách vô thức với tâm trạng, ý nghĩ và hoạt động trí tuệ của [anh/chị ta], những thứ khơi dậy nhu cầu cần phải vẽ trước hết. Nhưng đối với người sinh viên vướng vào tình trạng hơi thiếu tự nhiên trong việc đơn thuần thử trình bày những hình hài khả dĩ về cấu trúc đường nét và dấu vết, điều đó rất có thể trở thành những trở ngại trong cảm giác vận động - những thứ mà người sinh viên nhận thấy rõ hơn cả. Trong khi vẽ các đường nét, bạn sẽ nhận thấy đặc tính của bề mặt giấy vẽ có ảnh hưởng ra sao đối với khả năng đi bút: bút sắt hoặc bút lông, cành cây vót nhọn một đầu hay bút chì. Bạn phản ứng với sự cản trở này thế nào hiển nhiên sẽ đóng một vai trò trong sự xác định phẩm chất của nét vẽ. Nếu ngầm đối chiếu trong chốc lát những cảm giác mà bạn có thể sẽ trải qua, giữa việc ấn ngọn chì than mềm lên trên một bề mặt thô với việc di ngòi bút cứng, nhọn trên một bề mặt mềm - mịn, bạn hầu như có thể cảm thấy loại nét vẽ nào sẽ tốt mà chưa cần phải vẽ nó ra. Nhưng khi bạn bắt đầu thể nghiệm cùng với nội dung, bạn có thể trải nghiệm được tình trạng bị lôi cuốn của tư duy và cảm xúc của chính mình; và rồi hiển nhiên sẽ xuất hiện các trạng thái đấu tranh tâm lý căng thẳng để tìm ra những dấu vết tạo hình thích đáng, đấy là điều không thể tránh khỏi.
H. 1-17
DỤNG CỤ VẼ VÀ HỌA PHẨM
Hầu hết trong mỗi chương bạn sẽ phải cần đến:
- một bút dạ Paper Mate, có độ dày trung bình;
- một bút bi Pilot dùng để kẻ nét mảnh;
- một bút máy Sheafer để viết phông chữ thư pháp;
- bất cứ kiểu bút lông nào có thể vẽ thuốc nước, cỡ số 4;
- hai cành cây nhỏ, thẳng, loại gỗ cứng, cắt ra từ bất kỳ bụi cây hay cành cây nào
- một cái được vót thành đầu nhọn, cái kia thành một đầu có hình nêm;
- chất pha màu: sử dụng mực vẽ nâu đỏ hoặc mực vẽ Pelikan đen, pha loãng bằng nước khi cần;
- tập giấy vẽ: bất cứ cuốn vở vẽ ký hoạ đa năng nào cũng được, kích thước khoảng 30 x 25cm.
Không có sự ép buộc cứng nhắc nào đối với dụng cụ vẽ được dùng cho từng bài tập. Tùy theo bản chất của từng bài vẽ, sẽ có những chỉ dẫn riêng về bút vẽ, bút sắt hay bút lông. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi: khi vẽ một mình, các cá nhân thử nghiệm một cách thoải mái với tất cả mọi nguyên vật liệu đã được đề xuất có thể sẽ đạt được một số kết quả hết sức lạ thường. Sẽ hay hơn nếu bạn có được sự thoải mái như vậy, và hãy tự khám phá xem trong những hoàn cảnh cụ thể thì dụng cụ tạo dấu vết nào sẽ hoạt động hiệu quả nhất.
Mặc dầu tôi không giới thiệu bút chì (cứng hoặc mềm), màu sáp (chì màu, hay sáp màu conté), hoặc là chì than, điều này không có nghĩa là bạn không nên thử bất cứ thứ gì cùng tất cả các phương tiện nếu đôi khi bạn muốn. Ý kiến chuyên môn và cá nhân của tôi chỉ muốn nhắm tới thể loại vẽ mà bạn được yêu cầu thực hiện; những phương tiện khác - như đã đề cập - đòi hỏi có sự cố gắng hơn nhiều. Song nếu bạn cảm thấy thoải mái với một chiếc bút chì bình thường - tốt nhất là đen và mềm - vậy thì, tất nhiên rồi, hãy thử sức với chiếc bút chì đó bất kỳ lúc nào bạn thích.
H. 1-18
BÀI TỰ LUYỆN
1-I. Những dấu vết cơ bản
Phần thực hành này giúp các bạn nắm được bản chất tự nhiên của các loại đường, điểm, và diện khác nhau thông qua việc sử dụng chất màu như trong sơ đồ ở H. 1-5 đã mô tả. Trước khi bạn quen được với dụng cụ vẽ này hay dụng cụ vẽ kia và biết rõ hiệu quả của chúng với một chất màu riêng biệt, bạn có thể phải thực hành mỗi bài tập vài lần cho tới lúc bạn thấy hài lòng. Trước tiên, tôi đề nghị bạn hãy dùng một trang giấy cho mỗi bài tập.
A: Đường - liền và đứt đoạn
Bắt đầu vẽ từ trên xuống; thường là dễ dàng hơn, mặc dù chắc chắn bạn có thể xuất phát từ trái sang phải; nhưng nếu bạn muốn, cứ theo bất kỳ cách nào trong các cách vẽ này. Lấp đầy khoảng trống bằng một loạt đường vẽ liền và đứt đoạn tương đối thẳng. Bạn pha trộn chúng lẫn với nhau ra sao hoặc trình bày chúng thế nào - xiên nhiều hay ít so với phương nằm ngang - không thành vấn đề. Bạn có thể phát triển theo phương thẳng đứng, bắt đầu từ trái sang phải nếu muốn. Bất cứ cách nào bạn cảm thấy thoải mái hơn về cảm giác vận động cũng đều tốt. Tuy vậy, bạn nên thử cả lô dụng cụ vẽ: từ chiếc bút lông cho tới các loại bút sắt khác nhau.
Trước hết, kẻ bằng tay không một loạt đường liền, di chuyển từ trên xuống dưới tờ giấy, lấp đầy khoảng một nửa trang giấy. Khi đang di chuyển, đừng nhấc bút sắt hay bút lông ra khỏi bề mặt - giữ cho đường vẽ đi liền mạch. Vận dụng một áp lực đều nhau xuyên suốt với một số đường vẽ, nhưng lại bắt đầu một số nét khác bằng cú chạm mạnh rồi nhẹ dần cho đến kết thúc. Ngoài ra, hãy thay đổi tốc độ với các đường nét khi bạn đưa dụng cụ vẽ xuống mặt giấy, lúc thì nhanh, lúc lại chậm. Hãy nghiên cứu sự đa dạng của những đường vẽ được tạo thành bởi ba nhân tố sau: kiểu bút, áp lực của nhát bút, tốc độ di bút.
Bây giờ, chúng ta thực hành với các đường đứt đoạn. Lại dùng bút lông và bút sắt, lấp đầy phần còn lại của trang giấy bằng một loạt các đường nét đứt đoạn . Bắt đầu bằng sự lắc nhẹ ngòi bút sang hai bên trong khi bạn hạ bút xuống mặt giấy, nhưng đồng thời không lúc nào để cho ngòi nhọn của nó dừng lại trên bề mặt lâu hơn một hoặc hai giây. Điều đầu tiên ta nhận thấy ngay là: các đường vẽ đó bị đứt đoạn như thể chuyển động định hướng rõ rệt của một đường vẽ không còn nữa; con mắt nhìn có vẻ quanh co, tầm nhìn không có mục tiêu xác định. Nhưng cũng nên lưu ý tới lợi ích mà sinh lực nhịp nhàng của các đường kiểu như vậy mang lại. Trong lúc thực hiện những đường liền và đứt đoạn như thế, để ý xem mỗi loại dụng cụ tạo ra những dấu vết có đặc điểm riêng như thế nào.
Đối chiếu sức đẩy và tốc độ dứt khoát của đường vẽ liền mạch với tính chất lưỡng lự trong một đường đứt đoạn. Không thể phủ nhận rằng: những đường nét ngắn, vặn, đứt đoạn có sức biểu cảm mạnh mẽ trong sự khơi gợi những cảm xúc về tình trạng bấp bênh, khắc khoải âu lo, bồn chồn. Bạn sẽ thường xuyên gặp lối vẽ “nhẹ tựa lông chim” này, vì nó rất thuận tiện trong việc thể hiện những ấn tượng ào ạt và rèn luyện lối phản ứng nhanh. Những lối vẽ như vậy rất sống động, vì các đường nét ngược chiều nhau tạo nên sinh lực và trạng thái căng thẳng về mặt tạo hình cho hình ảnh. (Ở đây, sẽ rất hữu ích nếu bạn sử dụng ba cỡ ngòi bút sắt khác nhau cùng với loại bút máy viết thư pháp nhãn hiệu Sheaffer để vẽ những đường nét có độ dày mỏng khác nhau. Thử thể nghiệm với những phương tiện này, nhưng xoay giấy và vẽ theo chiều ngang của mặt giấy).
H. 1-16 cho thấy một vài ý tưởng có thể được thể hiện trên
trang đầu tiên của cuốn vở bài tập của bạn sẽ như thế nào.
B. Đường - góc cạnh và uốn cong
Trong phần tập vẽ [các đường nét góc cạnh và uốn cong] này, các bạn sẽ có “một mũi tên bắn trúng hai đích”: Thứ nhất, trải nghiệm các động tác và bút pháp vẽ khác nhau đáp ứng yêu cầu của những đường có góc cạnh và uốn cong, qua đó, tự cảm nhận và học cách làm chủ trong quá trình lấp đầy dần khoảng trống. Thứ hai, để thấy được hiệu quả thị giác của cái-có-thể-gọi-là sự đối ứng tạo hình của đường góc cạnh và đường cong - là cách mà chuyển động của đường này tự tạo nên sự tương phản với đường kia. Chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn khi đề cập đến vấn đề nội dung. Còn bây giờ, chúng ta chỉ quan tâm tới cảm giác vận động của các đường góc cạnh và đường cong; cách thức khắc phục sức cản bề mặt của mỗi loại dụng cụ vẽ trong lúc thể hiện đường góc cạnh và đường cong; vai trò quan trọng của cả hai động tác di và ấn bút sắt và bút lông ... quanh những chỗ cong và đi vào góc cạnh; vai trò quan trọng của cả cảm nhận lẫn quan sát kết quả tạo hình. Một lần nữa, bạn nên thử vài dụng cụ khác nhau nhằm tạo ra những biến thể tạo hình; và bạn nên vận dụng cả các đường liền nét lẫn đường đứt đoạn trong khi thể nghiệm. Gợi ý: bạn lại vẽ từ trên xuống dưới trang giấy - theo chiều dọc hay xiên - những đường uốn cong và những đường có góc cạnh luân phiên nhau, lần lượt thay đổi tất cả các dụng cụ có thể có rồi chuyển từ lối vẽ đứt đoạn sang liền mạch để tạo ra những khác biệt mới. Khi hoàn thành, trang giấy vẽ có lẽ nom giống như H. 1-17 - một mớ hỗn độn các đường cong và đường gãy góc.
C. Đường - tốc độ
Mục tiêu của phần này là chúng ta phải vẽ lên một trang giấy các đường - cả liền mạch lẫn đứt đoạn - sao cho trông có vẻ như có sự đan xen giữa chuyển động nhanh và chậm, như ở H. 1-16. Cả động tác và bút pháp đều quan trọng, và sự lựa chọn dụng cụ vẽ cũng thế. Bút lông cho phép tăng hoặc giảm tốc độ dễ dàng hơn bút sắt khi đương đầu với sức cản của bề mặt. Nhưng một cành cây con, loại gỗ cứng, được vót nhọn có thể lướt êm ru trên một bề mặt mịn màng. Còn một tờ giấy bề mặt xù xì sẽ tự động gây nên những đường có tốc độ ngắt quãng. Tuy nhiên, hãy thử nghiệm nhiều dụng cụ để tự tìm ra loại bút thích hợp với mình. Bạn sẽ khám phá ra một điều rằng: đường đứt đoạn sẽ tự nó hình thành ngay khi một nhát bút mau lẹ được thực hiện, vì ngòi bút nhọn có khuynh hướng nảy lên khi bút di chuyển trên mặt tờ giấy. Nghiên cứu H. 1-18, bạn sẽ thấy có những đốm màu hoặc điểm màu gợi lên tình trạng dừng lại hoặc bắt đầu của một đường. Và khi một đường trở nên dày hơn, tạo thành một vũng màu đọng, lúc này vận tốc của nó tạm dừng. Ngược lại, khi một đường trở nên mảnh hơn và sắc nét hơn, lúc đó nó đang tăng hết tốc lực; và cũng như thế, sẽ đạt được hiệu quả tương tự với các đường đứt đoạn khi cự ly giữa những khúc giãn cách dài ra. Hình 1-18 có được bằng cách chủ động tạo ra một vài vũng màu rộng hơn, rồi từ chúng tiếp tục kéo ra các đường nét với tốc độ cao, khiến chúng trở nên mảnh hơn bởi vì bút vẽ đã cất lên chút ít khỏi mặt giấy. Bạn có thể kìm lại và không tăng tốc nữa, trong trường hợp đó, các đường nét sẽ trở nên dày hơn khi bạn dần về đến điểm dừng bút. Ngoài ra, bạn cần để ý xem tốc độ đi bút suy giảm ra sao ở những đường cong, tăng tốc trên đường thẳng và rồi dịu đi tại những chỗ phồng như thế nào.
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 1)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 2)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 3)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 4)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 5)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 7)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 8)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 9)