Chất liệu của nghệ sĩ
Chất liệu và kỹ thuật của giới họa sĩ đã thay đổi ghê gớm qua từng thế kỷ, từ những màu sắc phải kỳ công tự chế đến những màu sơn hiện đại bóp thẳng ra từ tuýp.
Các loại bột màu, hoặc phẩm nhuộm này, thường được làm bằng cách nghiền đá màu, thảo mộc hoặc kim loại. Có những chất liệu kỳ lạ hơn, ví dụ một loại bột màu gọi là xác ướp Ai Cập, được dùng để tạo nên màu nâu “xác ướp”.
Trứng vỡ
Thời trung đại, phần lớn tranh ra đời tại các xưởng lớn. Xưởng trưởng là người thiết kế và giám sát quá trình hoàn thiện mỗi bức tranh. Chất liệu chủ đạo khi đó là màu keo trứng, một hỗn hợp nhanh khô gồm bột màu và lòng đỏ trứng, buộc người ta phải sử dụng rất thận trọng và tuần tự theo từng giai đoạn.
1. Xưởng vẽ cắt gỗ và tạo hình thành một tấm bảng. Bảng được phủ phấn nền (gesso) – một lớp bột thạch cao nhằm tạo bề mặt mịn để vẽ lên.
2. Các vùng thếp vàng được sơn đỏ trước khi phủ một lớp vàng lá. Lớp vàng này sau đó được đánh bóng, có trường hợp được khắc thêm họa tiết.
3. Tiếp đến là lớp lót, tức lớp màu đầu tiên. Người ta sử dụng một số màu khá độc đáo. Da được tô màu xanh lá, để cân bằng với màu hồng được vẽ sau này.
4. Các lớp màu trên cùng được vẽ chậm rãi, từng tí một. Họa sĩ phải pha màu theo từng lượng nhỏ, và sử dụng những nét cọ nhỏ xíu, vì màu keo trứng khô cực nhanh.
Đức mẹ và Chúa hài đồng cùng Thánh John và các thiên thần
(The Virgin and Child with St. John and Angels, vẽ khoảng năm 1495)
của Michelangelo Buonarroti, thường được gọi tắt là Michelangelo;
Màu keo trứng trên gỗ, 105 x 77cm. Bức họa màu keo trứng này chưa bao giờ hoàn tất.
Có thể thấy lớp lót màu xanh ngả xám trên những nhân vật còn dang dở.
Dầu và toan
Thời Phục hưng, các nghệ sĩ bắt đầu thể nghiệm với sơn dầu, một hỗn hợp gồm bột màu và dầu, khô chậm hơn nhiều so với màu keo trứng. Chẳng mấy chốc, đa số họa sĩ đã chuyển sang sử dụng sơn dầu. Ban đầu, sơn dầu được vẽ trên gôc. Nhưng từ đầu thế kỷ 16, các họa sĩ chuyển sang vẽ trên toan vải. Khác với gỗ, toan vải không bị nứt, dễ ghép thành những bức họa lớn, lại nhẹ và dễ di chuyển hơn.
Sơn dầu hiện đại dạng tuýp, bảng vẽ, bay và cọ vẽ dùng để pha và phết màu.
1. Toan là một tấm vải được căng và cố định trên khung gỗ. Ngày nay, nhiều họa sĩ mua toan căng sẵn.
2. Toan được sơn lót, tức là phủ một lớp sơn đơn sắc. Màu sơn nền thường là trắng, nhưng họa sĩ cũng có thể dùng những màu khác để tạo nên tông màu nhất định cho bức họa khi hoàn thành.
3. Có những họa sĩ phác họa trước rồi mới vẽ màu. Sơn dầu khô chậm và có độ trong mờ, vì thế màu sắc có thể lên dần, từng lớp một.
4. Sơn dầu có thể vẽ mỏng hoặc dày sao cho nét cọ vẫn còn lưu lại. Sơn dầu cũng giữ hình rất tốt, ta thậm chí có thể tạo họa tiết trên đó.
Các chất liệu hiện đại
Vào thế kỷ 19, sự phát triển của công nghiệp hóa chất khiến màu tự nhiên bị lép vế trước những màu hóa học rực rỡ và đa dạng hơn. Toan căng sẵn, màu pha sẵn và các loại cọ vẽ mới trở nên phổ biến. Trước đây, hầu hết cọ vẽ được bó và khâu bằng chỉ. Còn cọ vẽ đời mới được bó bằng kim loại, nên có đầu phẳng, giúp nét vẽ phẳng và vuông vắn hơn.
Rất nhiều kỹ thuật mới đã ra đời trong vòng một trăm năm trở lại đây. Nghệ thuật chắp ghép (thủ pháp dán vải vóc, báo và nhiều chất liệu khác lên tranh) ra đời vào đầu thế kỷ 20. Đến thập niên 1950, một loại sơn hoàn toàn mới là acrylic được phát minh. Acrylic nhìn khá giống sơn dầu, nhưng khô nhanh hơn nhiều. Ngày nay, các nghệ sĩ vẫn liên tục thể nghiệm, họ sử dụng mọi chất liệu từ đèn huỳnh quang và phim cho tới giấy vụn, thậm chí là phân voi.
Đến với Nghệ Thuật - Rosie Dickins
Vũ Hiển & Phạm Quỳnh Châu dịch
>>> Màu nước - Chất liệu cho những thử nghiệm không giới hạn