Sự giao thoa đến hoàn mỹ của âm nhạc và hội họa

Người xưa tin rằng, mỗi nền văn hóa đều là một món quà quý giá mà thiên thượng truyền xuống cho nhân loại, mỗi nền văn minh đều khởi đầu nhờ sự dẫn dắt của chư Thần. Tại Tây phương, khi nghệ thuật vươn đến sự hoàn mỹ và hài hòa cao độ trong thời kỳ Phục Hưng, thì trung tâm của nó nằm tại Rome, thành phố của các Giáo hoàng, các nhà thờ, cung điện, và các bức họa. 

Cùng với những giá trị về mặt nghệ thuật, các bức tranh còn là một nguồn thông tin vô cùng phong phú về con người, sự kiện, phong tục, hay tôn giáo. Người sành tranh có thể biết được rất nhiều điều thú vị mà thậm chí không hề tồn tại trong các ghi chép cổ xưa. Đơn cử như sự giao thoa của hội họa và âm nhạc trong một bức tranh chẳng hạn. Âm nhạc trong tranh không phải là thứ mà ai cũng có thể nghe được. Nó hiện lên qua những nhạc cụ trên sân khấu, biểu cảm của khán giả, động tác của người nghệ sĩ… Thậm chí, nếu người họa sĩ rất am hiểu âm nhạc, thì bức tranh còn hàm chứa nhiều chi tiết tinh tế, như cử động của bàn tay, các phím đàn, tư thế biểu diễn, v.v.

am nhac 1
Bức “Angel Musicians” tại Bảo tàng Hoàng gia Bỉ
(Họa sĩ: 
Hans Memling, Ảnh: Cuerdaspulsadas.es)

Những điều đó lại càng được các nghệ sĩ thời kỳ Phục Hưng chú trọng. Thời đó, cái đẹp trong mắt người họa sĩ là cái đẹp tuyệt mỹ, với kích thước và tỷ lệ lý tưởng, nhằm diễn đạt lại một cách trung thực và thậm chí là làm hoàn hảo tự nhiên. Chính vì thế, các tác phẩm trong thời kỳ này không chỉ mang đến cho người xem sự ngạc nhiên thán phục, mà còn chứa đựng rất nhiều thông tin vô cùng quý giá, nhất là với những tác phẩm của một họa sĩ am hiểu âm nhạc như Filippino Lippi (1459 – 1504).

am nhac 2
Bức “The Assumption of the virgin” tại nhà nguyện Carafa,
Santa Maria sopra Minerva, Ý (Họa sĩ: Filippino Lippi)

Bức “The Assumption of the virgin” tại nhà nguyện Carafa, Santa Maria sopra Minerva, Ý, là một ví dụ. Trong những nhạc cụ được các thiên thần diễn tấu, họa sĩ Filippino Lippi có mô tả chiếc kèn Trombone. Trong nhạc giao hưởng, Trombone thường giữ bè Tenor hay bè Bass. Đây là chiếc kèn gây khá nhiều tranh cãi tại giới học thuật về thời điểm xuất hiện trong lịch sử. “The Assumption of the virgin” được coi là bức tranh sớm nhất miêu tả về loại kèn này.

am nhac 3
Nhà nguyện Brancacci, Santa Maria del Carmine
ở thành phố Florence, Ý

Tất nhiên, giới học giả cũng không khỏi thắc mắc vì đôi khi Filippino Lippi mô tả những nhạc cụ rất đỗi kỳ lạ, và thậm chí là không thể chơi được. Ví dụ như nhạc cụ trong tay của các thiên thần tại nhà nguyện Brancacci, Santa Maria del Carmine ở thành phố Florence, Ý. Nhưng cũng có người nói rằng, trong cái tín ngưỡng tâm linh truyền thống, một số nhạc cụ do các thiên thần diễn tấu là không hề có ở nơi người thường.

am nhac 4
Bức “Portrait of a Musician” tại Phòng trưng bày Quốc gia
Ireland (Họa sĩ: Filippino Lippi)

Nói về sự am hiểu âm nhạc sâu sắc của Filippino Lippi, thì phải kể đến hai tác phẩm đáng chú ý của ông: “Portrait of a Musician” tại Phòng trưng bày Quốc gia Ireland, và “Tondo Corsini” tại Ente Cassa di Risparmio di Firenze. Trong đó, “Portrait of a Musician” là bức tranh miêu tả một nhạc sĩ đang chỉnh âm cho chiếc Lira da braccio. Loại đàn này thường được dùng khi diễn xướng các bài thơ cổ. Phía sau lưng người nghệ sĩ là một giá nhạc cụ gồm có sáo Recorder và đàn Luýt. “Portrait of a Musician” đã miêu tả rất trực tiếp đề tài người nhạc sĩ và âm nhạc Phục Hưng thời bấy giờ. Tuy nhiên, nếu nói về ẩn ý và bí ẩn âm nhạc, thì có lẽ “Portrait of a Musician” không thể sánh bằng “Tondo Corsini”. Chỉ gần đây, học giả Timothy J. Mcgee mới phát hiện và công bố một chi tiết gây nhạc nhiên lớn trong bức họa này…

am nhac 5
Bức “Tondo Corsini” tại Ente Cassa di Risparmio di Firenze
(Họa sĩ: Filippino Lippi)

Bức “Tondo Corsini” miêu tả lại cảnh tượng đức mẹ Maria bồng con trai là Chúa Jesus, và vây quanh bà là các thiên thần đang ca hát. Trên tay một thiên thần có cầm cuộn nhạc, một nửa hướng về phía người xem, và một nửa bị che khuất. Cuộn nhạc này được họa sĩ Filippino Lippi miêu tả rất tỉ mỉ, với các nốt nhạc rõ ràng. Thậm chí, một phần nhỏ trong nửa cuộn nhạc bị che khuất còn hé lộ 5 nốt nhạc, mà nếu người xem không để ý thì khó có thể nhận ra.

am nhac 6
Cuộn nhạc trên tay thiên thần trong bức “Tondo Corsini”

Trong nhiều năm, các học giả đã không để ý đến các nốt nhạc trên cuộn nhạc, và nghĩ rằng chúng chỉ được vẽ tượng trưng mà thôi… cho đến khi học giả Timothy J. Mcgee công bố rằng, đây chính là một bản nhạc hoàn toàn có thể chơi được, và phần mở đầu của nó trích lại một số nốt từ bản nhạc cổ “Fortuna desperata” của Ý.

am nhac 7
Phần đoạn nhạc nhìn thấy được trong bức “Tondo Corsini”

Nói riêng về âm nhạc trong “Tondo Corsini”, người ta phải kể đến 3 điểm nhấn quan trọng:

1. Các thiên thần đang hát, nhưng trên bản nhạc không hề có lời.
2. Bản nhạc trích lại một số nốt nhạc mở đầu của “Fortuna desperata”.
3. Tại sao Filippino Lippi phải nhọc công vẽ lại thật chi tiết các nốt nhạc trên cuốn nhạc, vốn nằm ngược hẳn với phía người xem?

Lật lại những tài liệu âm nhạc cổ vào thời Phục Hưng của Ý, người ta có thể nhận ra một điều rất rõ ràng: các đoạn nhạc được ghi lại không hề có lời, hoặc có rất ít lời. Các học giả cho rằng, các nghệ sĩ Ý thời đó thường thể hiện khả năng sáng tạo của mình khi tự thêm vào hay cắt bớt lời nhạc ngay trong lúc biểu diễn. Chính vì thế trong “Tondo Corsini”, bản nhạc mà vị thiên thần cầm trên tay không hề có lời. Hoặc giả, ngôn ngữ của thiên thần không thể được ghi chép lại bằng lời của nhân loại?

Trích lại một tác phẩm khác cũng là một việc thường gặp đối với các nhạc sĩ thời Trung Cổ và Phục Hưng. Rất nhiều nhạc sĩ thời bấy giờ đã mượn lại phần mở đầu, hay thậm chí cả một đoạn lớn trong tác phẩm khác. Tất nhiên, việc làm này không hề giống như hành động “đạo nhạc” của thời nay, mà là vì, các nghệ sĩ thời xưa quả thật đã đạt đến một đỉnh cao chưa từng có trong sáng tác. Khi phát biểu cảm nghĩ, hay trong một tác phẩm bình luận, các nhà văn thường trích dẫn lại lời của tác gia nổi tiếng khác nhằm nhấn mạnh quan điểm của mình, và âm nhạc thời Phục Hưng cũng là như vậy.

am nhac 8

Phần đầu của bản nhạc cổ “Fortuna desperata”

Còn tại sao họa sĩ Filippino Lippi lại nhọc công vẽ lại thật chi tiết các nốt nhạc, khi chúng nằm ngược hẳn với người xem và rất khó nhận ra? Đến giờ đó vẫn còn là một bí ẩn. Timothy J. Mcgee đã tìm kiếm bản nhạc này trong tất cả các tài liệu thời Phục Hưng, nhưng không thể phát hiện ra ghi chép về nó. Có lẽ, Filippino Lippi đã tự sáng tác bản nhạc này và triển hiện nó trong tác phẩm hội họa của mình.

Còn những người yêu nghệ thuật từng ghé thăm triển lãm tranh của Botticelli và Filippino tại Florence, Ý, thì thật may mắn, vì âm nhạc mà họ nghe được tại đây chính là một nửa bản nhạc bí ẩn trong bức họa ngợi ca chư Thần – “Tondo Corsini”.

- Quang Minh -

>>> Để thưởng ngoạn tác phẩm hội họa

>>> Cảm hứng trong sáng tác hội họa

0976984729