Cảm hứng trong sáng tác hội họa
Sáng tác tranh là một hoạt động mang đậm dấu ấn cá nhân, được duy trì bởi cảm hứng hơn là sự kiểm soát của lý trí. Các tác phẩm hội họa đôi khi thành công đến mức khiến tác giả cũng không ngờ tới cho dù chính họ đã tạo ra.
Tất nhiên, trong phạm vi kiến thức nghề nghiệp, họ lý giải được phần nào nguyên căn của sự thành công nhưng lại không dễ dàng lặp lại được những thành công đó bằng những kỹ năng tạo hình được tích lũy từ học tập và trải nghiệm sáng tác ở những lần khác. Vì vậy cuộc đời của một danh họa nổi tiếng đôi khi chỉ nhờ vào một vài tác phẩm kiệt xuất trong hàng trăm, hàng ngàn bức vẽ của mình. Có họa sĩ sáng tác suốt cả cuộc đời mà không có được một kiệt tác nào. Bài viết dưới đây muốn góp một cách lý giải về sự thật khó nắm bắt của quá trình sáng tác hội họa bằng cách đặt vấn đề cảm hứng trong sáng tác ở lĩnh vực này dưới góc nhìn theo lý thuyết phân tâm học của S.Freud.Trước hết phải khẳng định rằng, nghệ thuật hội họa có đặc thù ngôn ngữ câm lặng, sức quyến rũ của hội họa là ở hình thể và không gian, ở chất cảm, ở màu sắc. Dưới góc độ kênh thông tin thị giác, khả năng truyền đạt của ngôn ngữ hội họa không có rào cản biên giới quốc gia với khả năng diễn đạt hết sức phong phú. Tác phẩm hội họa có giá trị luôn cho con người cảm nhận một sự tổng hòa ổn thỏa của nhiều quan hệ khiến chúng ta vừa thấy, vừa cảm được rất nhiều những thông tin khác do nó gợi liên tưởng đến. Tác phẩm hội họa là một tổng hòa gây thông tin tức thì.
Cảm hứng trong sáng tác hội họa là ngọn nguồn của sự sáng tạo, nó thuộc về cảm tính, chủ quan và áp đặt, từ trực giác thì ít mà từ tư duy thì nhiều. Do đó mỗi biểu hiện cảm hứng của sáng tác hội họa bao giờ cũng chứa đựng sự cô đọng một chuỗi hình tượng của tư duy trừu tượng, một phương cách sáng tạo hình tượng theo nhãn quan tạo hình của cá nhân họa sĩ. Về vấn đề sáng tác nghệ thuật nói chung hay hội họa nói riêng, dù rất khó bóc tách các quy trình hoạt động tư duy trong sáng tác, xong cơ bản có thể thấy ba dạng hoạt động sau: một là trực quan (trực tiếp) mang màu sắc cảm tính; hai là tư duy hồi tưởng mang màu sắc lý tính; ba là thể nghiệm khám phá mang tính trực cảm. Đem tham chiếu trong mối quan hệ giữa nghệ sĩ với đối tượng phản ánh, tôi muốn đề cập đến cảm hứng sáng tác theo ba xu hướng.
Xu hướng trực quan mang màu sắc cảm tính
Quá trình sáng tác nghệ thuật chắc chắn phải được nuôi dưỡng từ cảm hứng của nghệ sĩ. Đứng trước một phong cảnh đẹp, tình cảm trào dâng, họa sĩ thật dễ dàng có cảm hứng để lao động nghệ thuật. Có thể là một sự ghi nhận chắt lọc các biểu hiện tạo hình, thị giác hóa nó; có thể là một ký họa ghi chép đích thực; và đôi khi là một sáng tác thực sự, một tác phẩm. Cường độ của những va đập thông tin tạo hình từ phía đối tượng đôi khi mạnh đến mức làm cho họa sĩ không thể không làm việc. Biểu hiện cơ bản của cảm hứng loại này nảy sinh từ những gặp gỡ mới mẻ, những chuyến đi thực tế, những phát hiện bất ngờ, những tình cảm bất chợt, ngẫu nhiên. Nó cũng có khi tạo nên cảm hứng bền vững đến độ trở thành quan niệm tạo hình, một khuynh hướng sáng tác bền vững kéo dài.
Tôi chọn đại diện cho phong cách sáng tác này là danh họa Claude Monet, họa sĩ đứng đầu của chủ nghĩa hội họa ấn tượng. Với những biểu hiện xúc cảm thực tại nóng hổi, ông luôn có thói quen trực họa, những bức phong cảnh nổi tiếng của ông thể hiện cảm hứng sáng tác rất cao độ. Ông vẽ những đống rơm, nhà thờ không phải vì nó, mà vì cảm thức của ông với nhãn quan tinh tường và khả năng phân tích màu sắc ở từng thời điểm, thời tiết khác nhau. Trong hội họa Monet, ánh sáng và màu sắc là hai thành tố chính hiện lên trên mặt tranh. Ông vẽ mặt trời mọc trên mặt biển với cả những lớp sương mù chưa kịp tan trong không khí lạnh ẩm. Những hoa súng đang nở từ từ, những nóc nhà thờ hiện dần trong thời tiết, từ u ám sương mù đến nắng chiều. Và tôi sẽ quan tâm đến những bức vẽ về đống rơm của ông, những đống rơm với những hình thể không mấy gợi cảm hứng cho hội họa, nhưng Monet thì quan tâm đến màu sắc phát ra trong nó nhờ sự chuyển hóa của ánh sáng.
Nếu soi xét quá kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật, hay một ý tưởng sáng tạo theo kiểu ý nghĩa nào đó thì có vẻ không phù hợp với tranh của Monet. Tôi cho rằng, Monet vẽ từ mấy nguyên nhân căn bản sau: thứ nhất, ông là họa sĩ có con mắt rất tinh tường, có khả năng phân tích màu sắc và ánh sáng cực kỳ tinh tế; thứ hai, lý thuyết cơ bản trong sáng tác của ông là sự tôn vinh màu sắc và ánh sáng; thứ ba, tình cảm của ông trước thiên nhiên, những cảm hứng dâng trào mỗi lần đối diện với thiên nhiên. Từ cảm hứng mạnh mẽ, Monet đã khiến hội họa thời bấy giờ trở nên sinh động. Ông cảm nhận thiên nhiên như chúng ta cảm nhận một con người, như cách ông từng nói: “…Tôi cảm thấy hôm nay trời bị ốm”.
Về phong cách sáng tác, Monet không quan tâm nhiều đến bố cục, không coi trọng đến hình, những bức tranh về đống rơm mà ông vẽ, điều đầu tiên khiến ta bị lôi cuốn không phải là màu đơn thuần, mà là những xúc cảm về màu sắc, các rung động tình cảm của Monet khiến cho ông hoàn toàn được giải thoát khỏi những toan tính. Những nhát bút tự do hòa quyện với nhau làm cho mặt tranh sáng bừng lên những hòa sắc, lớp lang màu chồng chéo, lung linh sâu lắng. Không có nhiều yếu tố như hình, bố cục, cũng không nhằm biến đổi, cách điệu hay đơn giản hình thể, rõ ràng, cảm hứng của Monet hoàn toàn từ thiên nhiên, và ông chỉ làm cho nó sáng hơn, đẹp hơn theo nghĩa của hội họa. Theo cách đó, hội họa của Monet là sự thỏa mãn giác quan người xem bằng các cung bậc màu sắc hết sức tinh tế.
Xu hướng hồi tưởng mang màu sắc lý tính
Ở trên ta đã nói về cường độ và sự va đập của thông tin tạo hình từ phía đối tượng vẽ, tức là nói về ý thức chủ quan của người vẽ, trạng thái tình cảm, xúc động. Có thể nói về khía cạnh khác là: đối tượng được tiếp nhận chủ động dưới các góc nhìn theo nhãn quan tạo hình của họa sĩ. Trong quá trình tiếp xúc, họa sĩ phát hiện những điểm ưu việt, nét mới của đối tượng, khiến họa sĩ có cảm hứng sáng tác. Loại cảm hứng này hết sức đa dạng và có thể rất bền lâu.
Những biến cố của thời đại là những nguồn cảm hứng mạnh mẽ đối với nghệ thuật, ở đây ta sẽ bàn về cảm hứng từ đời sống công nghiệp của họa sĩ Marcel Duchamp.
Landscape at Blainville (1902) được Duchamp
vẽ theo phong cách của Claude Monet
Sống và sáng tác trong thời đại công nghiệp phát triển, hàng hóa được sản xuất hàng loạt nhờ máy móc khiến Duchamp không chịu nổi những tiêu chí nghệ thuật cũ kỹ. Trong cuốn hồi ký của mình, Duchamp viết: “Một hôm nhìn qua cửa kính một cửa hiệu, tôi thấy một cái máy nghiền sôcôla đang chạy. Tôi ngắm không biết chán cảnh đó. Những bộ phận của máy vận động nhịp nhàng, tôi nghĩ về nhịp sống của con người và có ngờ đâu đó là điểm xuất phát để tôi đi tìm đường nghệ thuật”. Đúng là Duchamp đã bị thôi miên từ nền công nghiệp. Tranh của ông thời điểm đó mang cảm hứng của nhịp điệu công nghiệp khá rõ ràng. Về lý luận, Duchamp phản đối những quan điểm cho rằng nghệ thuật phải là cái gì sang trọng, quý phái, còn những cái tầm thường không phải là nghệ thuật. Nghệ thuật của ông gắn liền với đời sống xã hội công nghiệp đầy rẫy những đồ vật được sản xuất hàng loạt. Bằng chứng đầu tiên về giải pháp sáng tác của Duchamp là bức tranh độc đáo Người khỏa thân bước xuống cầu thang. Họa sĩ vẽ con người như các bộ phận của một cái máy, với tất cả mọi chuyển động cơ giới của nó trong tư thế của một người đang bước xuống cầu thang. Nếu không nhìn về phương pháp lập thể đầy rối rắm, mà nhìn vào cái nguyên nhân để Duchamp vẽ bức tranh này, ta có thể thấy nó có những ẩn ý sâu xa, dường như nó chứng minh rằng máy móc đã chinh phục con người, chi phối mọi hoạt động, cử động của con người. Đề tài và phương pháp sáng tác mà Duchamp thể hiện trong bức tranh này nằm trong tư duy phân tích động tác một cách tinh vi dưới khía cạnh thẩm mỹ. Một tư thế đầu người hơi cúi xuống, chuyển động của những cánh tay như mô phỏng hoạt hình, các hình quạt nơi vị trí cổ tay, cái chân vươn xuống bậc thang thấp, một chân khác đang bị gấp nơi đầu gối. Đó hoàn toàn là một chuỗi cử động của động tác xuống cầu thang, nhưng nó đã được Duchamp mã hóa bằng biểu hiện chuỗi hình học kết nối các động tác lại. Không còn bàn cãi gì nữa, nó đích thực là một cái máy – người được Duchamp sáng tạo ra nhờ cảm hứng từ chuyển động của máy công nghiệp. Sau này cũng chính nhờ cảm hứng từ cái máy nghiền sôcôla mà Duchamp đã vẽ bức Chiếc máy nghiền sôcôla nổi tiếng.
Trở lại với tác phẩm Người khỏa thân bước xuống cầu thang để bàn về giá trị nghệ thuật được tạo ra từ cảm hứng máy móc. Tôi nghĩ rằng phải xem trước về ý nghĩa tạo hình của tác phẩm. Từ thao tác lặp lại của một chu kỳ hoạt động, Duchamp đã làm được hơn cả một ý nghĩa hiện thực thông thường về động tác. Nếu với tạo hình thiên về tính hiện thực, tả kể thì khả năng diễn đạt một hoạt động diễn ra theo chuỗi thời gian là phi thực tế với hội họa xét về nghĩa thông thường. Duchamp không phải vất vả tìm những động thái, những kỹ thuật để cố cho con người đang chuyển động mà đơn giản hơn ông bày sẵn tất cả một chuỗi hoạt động đó. Việc cuối cùng của người thưởng thức chỉ còn là nối chúng lại với nhau. Trong quá trình khám phá tác phẩm, người xem dường như cũng được sáng tạo, được phát hiện.
Cảm hứng của Duchamp đem đến cho ta một nghịch lý dễ chịu không cần phải lý giải, chỉ cần ngắm nhìn.
Xu hướng thể nghiệm khám phá mang tính trực cảm
Khi sáng tác hội họa, cảm hứng xuất hiện theo nhiều dạng khác nhau. Các quan hệ tạo hình thường xuất hiện như một sự ngẫu nhiên hơn là áp đặt. Có thể chính bức họa đang hình thành lại là nguồn cảm hứng lớn cho họa sĩ. Với trạng thái này, họa sĩ đối diện với chính tác phẩm, say mê với chất liệu, với kỹ thuật, hoặc là bởi tinh thần bức họa, họa sĩ được hưởng nguồn cảm hứng do chính mình tạo ra.
Kể từ hội họa ấn tượng, các họa sĩ có vẻ không mấy quan tâm đến tính hiện thực của hình theo truyền thống. Nhưng chúng ta dễ dàng thống nhất rằng cũng từ khi có chủ nghĩa này, hội họa chuyển mình mạnh mẽ, thoát ly khỏi những quy tắc ngặt nghèo và có phần duy lý. Cũng chính từ đó mà hội họa trở nên đặc biệt phong phú, đa dạng về phong cách. Tinh thần của bức họa ẩn sâu ở bên trong các yếu tố tạo hình và nó tiến gần hơn về phía tình cảm của người xem tranh. Thông tin thị giác nhanh nhạy của con người hiện đại bắt gặp thông tin tạo hình ồ ạt, trỗi dậy trên mặt tranh. Kết quả là người xem tranh thấy được cái cảm giác, cái dấu ấn của tác phẩm trước khi nhận ra thông tin hình ảnh về đối tượng vẽ. Rõ ràng cảm hứng khiến cho họa sĩ không thể chỉ chú ý đến cái nghĩa tả thực, vốn đã có nghệ thuật nhiếp ảnh. Họ phải cảm nhận, linh cảm cái điều mà hiện thực toát ra.
Autumn Rhymth- Vũ điệu mùa thu (Number 30)
với màu đen, trắng, nâu hỗn độn được vẽ năm 1950,
là tác phẩm ra đời trong thời kỳ đỉnh cao của Pollock
về kỹ thuật drift paiting
Xét trong dạng cảm hứng theo phong cách sáng tác thể nghiệm khám phá này có thể lấy đại diện lớn là hội họa trừu tượng. Một thời gian dài với các tác phẩm lớn được xây dựng bằng rất nhiều công đoạn, các tính toán cân nhắc kỹ lưỡng bỗng chốc đối lập với các bức tranh trừu tượng của Jackson Pollock. Những tác phẩm hội họa của ông khiến người xem tranh có phần lúng túng. Bạn không thể gán hình cho nó bởi Pollock đã muốn giải thoát khỏi hình tượng nhân vật. Bạn muốn tìm về ý đồ của tác giả, nhưng tiếc rằng Pollock chủ tâm vẽ vô thức, tức là không có sự can thiệp của lý trí. Thay vì dùng bút, mặt tranh được trải ra trên mặt đất, Ông bắt đầu phết sơn, vẩy màu tung tóe, lúc thì đổ sơn và cầm que cứng đi vòng quanh bức vẽ kéo lê các vệt sơn. Các cử động của bàn tay ngẫu nhiên hòa nhập vào tác phẩm.
Bức Nhịp điệu mùa thu của ông là một tác phẩm trong hứng khởi với mặt tranh. Những vết màu đen và trắng được hình thành bằng kỹ thuật phết và vẩy màu, đem lại một không gian nhiều lớp có vẻ vội vã, vô định. Tuy nhiên, sự đan chồng những lớp màu khiến bức tranh của ông có một không gian sâu thẳm, mở đa chiều, không do dự. Pollock kiến tạo tác phẩm bằng việc loại bỏ hình tượng hoàn toàn ở bức tranh này. Ông tìm sự biểu đạt của tác phẩm để nuôi cảm hứng trong mình, Pollock tạo ra tác phẩm và lại hưởng tinh thần từ chính cái mà ông tạo ra.
Bây giờ hãy tưởng tượng, chúng ta phải ngồi hai năm trời để chấm hàng triệu triệu chấm màu trên một mặt tranh rộng hơn 6 mét vuông. Bạn lấy đâu ra sự bề bỉ đó, lấy đâu ra cảm hứng mà làm việc. Vậy mà G.Seurat, họa sĩ hậu ấn tượng Pháp, đã làm đúng như vậy. Bức tranh Chiều chủ nhật trên đảo Cái bình lớn được Seurat vẽ năm 1884 khi ông mới 25 tuổi. Chắc chắn ông đã có được nguồn cảm hứng rất mạnh từ sự khám phá ra lý thuyết sử dụng màu hoàn toàn mới lạ trong thời điểm đó. Để thấy rõ hơn cảm hứng sáng tác của ông, hãy điểm lại quá trình sáng tác bức tranh này.
Seurat đã vẽ trực tiếp đến hơn 200 bức ký họa, phác họa và cả phác thảo kỹ bằng sơn dầu. Lý thuyết cơ bản của ông là phải sử dụng các thành tố cơ bản của hội họa như sắc điệu, màu và đường nét để thể hiện cảm xúc. Với kỹ thuật mà ông gọi là phân điểm (divisionism), những chấm màu không phải là sự pha trộn mà đơn giản hơn là đặt chúng cạnh nhau theo một sự phân tích tỉ mỉ mà ông hoàn toàn chủ động. Sự xuất hiện các sắc thái trong tranh của Seurat là do chính sự pha trộn của thị giác người xem. Ông chỉ làm cái việc đơn giản là chấm các số hạt màu tương ứng với tỷ lệ cần có với sự mẫn cán của một hành động chinh phục chất liệu tạo hình.
Bức tranh Bathers at Asnières của Seurat (1884)
Tôi hình dung thế này, ta có thể nhìn thấy một lớp màu vàng của nắng được thể hiện bằng những chấm màu cạnh nhau, chưa có gì thú vị. Sau đó vì muốn nó ấm lên hay tối đi, Seurat bắt đầu đặt những chấm màu khác bên cạnh và cứ mỗi lần như thế, hiện thực bắt đầu xuất hiện như ta quét đi lớp bụi trên một món đồ cổ lâu ngày bị bụi phủ. Ông chỉ cần tiếp tục tuân theo sự mách bảo của cảm hứng về kỹ thuật và kinh nghiệm: có thể tưởng tượng ra khuôn mặt của người phụ nữ bên phải tranh với làn da trắng hồng được ông gia công thế nào. Nếu là tôi, có lẽ tôi có hai nguồn cảm hứng, một là sự thú vị mà hiệu quả của những chấm màu mang đến và hai là một khuôn mặt thanh tú dần dần hiện lên đòi hỏi thêm vào má vào mắt những hạt màu của nó. Seurat là một con người có cảm hứng sáng tác bền bỉ đến độ thành lý trí.
Tóm lại, trong sáng tác hội họa, nếu bóc tách những vấn đề liên quan một cách rành rọt nhất là điều không thể. Vậy nên quan điểm của tôi là tìm một cách để lý giải về sự hình thành tác phẩm hội họa. Cho dù tôi đã cố gắng phân chia quá trình sáng tác theo những biểu hiện của cảm hứng làm những nội dung riêng biệt để tiếp cận tác phẩm hội họa, nhưng thực sự chỉ cần một tác phẩm lớn cũng có thể chứng minh hết thảy mọi vấn đề đã nói trên.
Việc chúng ta dễ dàng nắm bắt nhanh chóng tinh thần của bức họa trước khi kịp hiểu ra nó là cái gì bởi vì thông tin thị giác là nhanh nhạy và đem lại nhiều ý nghĩa nhất cho quá trình tiếp thu thế giới; cũng giống như nghe một điệu nhạc thấy vui hoặc buồn; thời tiết u ám thì cảm thấy trống trải… Nhưng để có được cái tinh thần trong bức họa ấy, họa sĩ đã phải lao động nghệ thuật như thế nào, với cách thức nào và với trạng thái tinh thần ra sao thì chúng ta lại hoàn toàn mơ hồ. Có chăng chỉ là sự ám chỉ, gán ghép hay đối chiếu một cách máy móc; hoặc là từ kinh nghiệm, từ vốn sống của chính mình, hoặc là tham chiếu từ hoàn cảnh sống của họa sĩ. Vì nghệ thuật khó kết luận, nên tôi cũng chỉ nêu những ý kiến chủ quan của mình và mong muốn đóng góp một quan điểm cho người yêu hội họa.
Nghệ thuật hội họa là một loại hình nghệ thuật khó tính, khó hiểu và bất ngờ nhất. Cho dù đã chắc chắn hôm nay anh nhận thức đúng về nó, nhưng ngày mai, anh có thể lại cần phải xem lại mình. Hội họa không có công thức bất biến, cho dù nó được tạo ra phần nào cũng nhờ những quy tắc tạo hình. Giá trị nghệ thuật của các bức họa tồn tại cố hữu, còn những khám phá của chúng ta thì luôn luôn cần phải mới hơn.
Theo PHẠM VĂN TUYẾN / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
>>> Sự gắn kết giữa hội họa và thời trang
>>> Quá trình chuyển hóa tạo hình trong hội họa