Sự gắn kết giữa hội họa và thời trang

Thời trang ngày nay không bó hẹp trong phạm vi một vùng miền hay một quốc gia nào, giống như mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa… thời trang cũng mang tính toàn cầu, song thời trang cũng phụ thuộc vào rất nhiều các nhà tạo mốt lớn trên thế giới. Tương tác với thế giới, linh cảm về thế giới, lĩnh hội mạnh mẽ về thế giới, những nhà thiết kế là những người có trực giác sáng tạo nhạy cảm, họ thường nắm bắt thực tế cuộc sống và văn hóa xã hội rất nhanh, với phong cách thiết kế được nuôi dưỡng bằng cả lý trí và sự đam mê. Các nhà thiết kế thường đi theo cảm hứng cá nhân, đôi khi mang tính áp đặt nhưng có căn cứ khoa học và có tính thuyết phục cao, với khả năng tưởng tượng phóng khoáng, nhạy cảm nhưng không nặng tính chủ quan cùng với óc thẩm mỹ tốt.

thoi trang va hoi hoa 1
Tranh theo phong cách “Art Deco”
Golden Cockerel 1907 – Nikolai Andreyevich Rimsky-Korsakov

thoi trang va hoi hoa 2
Trang phục thời Trung Cổ TK XV

thoi trang va hoi hoa 3
Trang phục theo phong cách “Art Deco” những năm 20 TK XX

Chúng ta đều biết nhiệm vụ chung của mọi loại hình nghệ thuật – văn hóa: âm nhạc, hội họa, sân khấu, kiến trúc là sáng tạo ra cái đẹp. Cái đẹp là một phạm trù thẩm mỹ. Mốt thời trang là một nghệ thuật, bởi nó gắn liền với cái đẹp. Cái đẹp đối với mỗi bộ môn nghệ thuật có tính biểu đạt riêng. Trong văn học là ngôn ngữ, trong âm nhạc là âm thanh, trong hội họa là màu sắc đường nét, trong kiến trúc là hình khối. Còn phương tiện biểu đạt của nghệ thuật trang phục là vật liệu, hình dáng, màu sắc, đường nét, chi tiết trang trí. Các yếu tố đó phải kết hợp với nhau có tổ chức, để đạt được hiệu quả thẩm mỹ cao, tồn tại lâu dài. Do vậy không những hội họa kiến trúc, mà văn học hay sân khấu, điện ảnh đều có thể là cầu nối cho thiết kế thời trang để đến với cái đẹp trong sự sáng tạo. Những sáng tạo này mang tính định hướng rất cao, đôi khi trở thành trào lưu trên toàn thế giới trong nhiều năm sau đó.

Hội họa là một trong số rất nhiều ngành nghệ thuật rất gần gũi với thời trang, bản thân các nhà thiết kế thời trang cũng chính là họa sỹ, với nền tảng vững chắc từ màu sắc, đường nét, hình khối tới xúc cảm nghệ thuật.

Từ cuối thế kỷ XV trang phục đã bắt đầu có sự ảnh hưởng từ hội họa. Hội họa giai đoạn này cũng là giai đoạn mô tả sự chuyển động của ánh sáng thông qua màu sắc. Chúng ta nhận thấy trên trang phục người ta sử dụng các loại chất liệu như xa tanh, tơ lụa và các đăng ten đều lấp lánh và gợi sự chuyển động thông qua thị giác về ánh sáng, cũng phù hợp với các sinh hoạt của hoàng cung với những bước nhảy nhẹ nhàng, hay những nghi thức nhún mình khi giao tiếp nơi cung đình. Quần áo gây cảm giác mạnh với cách phối màu rất lập dị và lòe loẹt, gồm nhiều lớp dài quét đất, tay áo cũng dài rộng quá khổ, gồm nhiều lớp, thân áo được ôm sát eo (Hình 2). Trang phục được gắn bất cứ thứ gì có thể từ các chất liệu lụa, ren, đá quý, ruy băng. Cả nam lẫn nữ đều dùng các loại ruy băng để làm thành nơ gắn ở bất cứ đâu trên trang phục, cùng với các loại phụ trang khác làm cho bộ trang phục người phụ nữ giống như một cửa hiệu tạp hóa, cầu kỳ và diêm dúa. Những kiểu tóc và mũ đội đầu cũng trở thành quan trọng và được trang trí quá mức bằng các loại lông chim, hay bọc bằng ren rất cầu kỳ. Ngay cả những con ngựa của các hiệp sỹ cũng được trang trí cho phù hợp với trang phục của chủ nhân chúng.

Đến thời Đế Chế cuối TK XVIII đầu TK XIX, chính vua Napoleon cũng đã thuê họa sỹ sáng tác và tham gia phê duyệt mẫu trang phục quân đội. Họa sỹ quý tộc L. David và người phụ trách nghi lễ B. Idabe đã sáng tác dựa vào mẫu trang phục quý tộc Tây Ban Nha TK XVI và XVII để làm rất nhiều phác thảo. Thời đó đã có áo đuôi tôm sau này trở thành áo lễ của người châu Âu. Nhân dân Pháp rất tự hào vì họ cho đây là bộ trang phục mẫu mực biểu hiện lòng yêu nước đích thực của người Pháp.

Từ đầu TK XX đến nay, hội họa đã thực sự có những ảnh hưởng lớn tới trào lưu thời trang trên toàn thế giới, đặc biệt là khu vực châu Âu.

Việc kết hợp nghệ thuật và thời trang chính là điểm nổi bật của thời trang những năm 20 thế kỷ XX. Các thợ may làm việc với các nghệ sĩ và ngược lại. Chủ nghĩa Siêu thực, Chủ nghĩa Vị lai và Nghệ thuật Trang trí đã bao trùm mọi mặt của đời sống xã hội. Những nghệ sĩ tiên phong đặc biệt là những nhà Siêu thực Chủ nghĩa và các nhà Tương lai Chủ nghĩa đã mang nghệ thuật đến với thời trang. Từ sự kết hợp này, những phụ kiện và chất liệu vải mang phong cách “Art deco” (Nghệ thuật Trang trí) đã ra đời và tái hiện kỹ thuật mang tính trang trí giống như nghệ thuật sơn mài phương Đông (Hình 3). Art Deco được biết đến là một phong cách thiết kế thanh lịch chi phối trong nghệ thuật trang trí, thời trang, đồ trang sức, dệt may, đồ nội thất, trang trí nội thất, và kiến trúc. Nó bắt đầu như phong cách hiện đại về Art Nouveau nhưng đơn giản và gần gũi hơn. Trên các bản vẽ thiết kế trang phục, các đường kẻ và chấm đầy màu sắc có vẻ như đang nhảy múa, pha trộn và chập chờn tạo nên sự tươi mới, sinh động, mềm mại và gợi cảm cho những kiểu đầm xuông theo phong cách “bé trai” những năm 20 thế kỷ XX.

Elsa Schiaparelli là nhà thiết kế làm việc chung với các nghệ sĩ nhiều nhất. Bị ảnh hưởng bởi phong trào nghệ thuật Đa đa, cô cũng là nhà thiết kế thời trang rực rỡ của thời kỳ Art Deco, với các kiểu áo váy nổi tiếng. Thời trang của cô trong sự sáng tạo tuyệt vời đã thay đổi của người dân bằng các thiết kế đầy màu sắc. Tác phẩm cô sáng tạo, đẹp mắt và tiếp cận hoàn toàn với thời trang hiện đại và truyền cảm hứng cho vô số những thiết kế thời trang khác như: Galliano, McQueen, Gaultier và Yves Saint Laurent.

Tất cả các trang phục Elsa cũng rất gần gũi với những nhà Siêu thực Chủ nghĩa đồng thời cô cũng coi nghệ thuật là nguồn cảm hứng và là một yếu tố quyết định cho các sáng tạo của mình. Cô cho in hoặc thêu những bức tranh, những hình vẽ của Salvador Dali của Jean Cocteau lên áo hoặc váy của mình. Người ta cũng có thể nhận thấy kiểu vai vuông và dáng áo bó đặc trưng của thập niên 30 và trong suốt thời kỳ chiến tranh (Hình 5).

thoi trang va hoi hoa 4
Hình 4: Trang phục của Yves Saint Laurent 1967

thoi trang va hoi hoa 5
Hình 5: Trang phục của Elsa Schiaparelli 1936

thoi trang va hoi hoa 6
Hình 6: Campbell’s Soup Cán, 1962 Synthetic và Piet Mondrian

thoi trang va hoi hoa 7
Hình 7: Trang phục của Anonyme 1966 và Yves Saint Laurent 1965

Thành công của Schiaparelli gây ra sự ghen tị mạnh mẽ từ cảm hứng cho vô số những thiết kế thời trang. Cô là nhà thiết kế sáng tạo thật sự, là một nghệ sĩ, một doanh nhân và một phong cách mới, người có dấu ấn lớn, đã không bao giờ đi ra khỏi lịch sử phát triển của thời trang.

Những năm 60 TK XX, Yves Saint Laurent, nhà thiết kế thời trang trẻ tuổi nổi tiếng nhất cũng đi theo phong cách thời thượng này. Bằng cách kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và thời trang trong hai bộ váy “Le look Mondrian” năm 1965 lấy cảm hứng từ tác phẩm của Piet Mondrian (Hình 7 bên phải), và “Le look Pop Art” năm 1967 (Hình 7). Bộ đầm hết sức hiện đại và vô cùng đơn giản, như một sự bứt phát mới trong ngành thiết kế thời trang lúc đó. Ngay khi mới xuất hiện đã trở nên nổi tiếng, với phong cách thiết kế kiểu đồ họa hiện đại.

Chiếc váy bằng giấy của hiệu Anonyme mang tên “Souper dress” là bộ váy lấy cảm hứng từ bức tranh “32 Soup cans” nổi tiếng toàn cầu năm 1962 của nghệ thuật Pop Art (Hình 7 bên trái), biểu tượng của xã hội theo chủ nghĩa hưởng thụ. Nhà thiết kế đã vô cùng tinh tế khi biến những hình ảnh trong bức tranh thành những kẻ đường ngang trên thân váy, những hàng chữ là những điểm nhấn tạo hiệu quả thẩm mỹ cao, không còn đều đặn buồn tẻ mà có nhịp điệu vô cùng sinh động.

Ngay từ khi đó, các tác phẩm thời trang Yves Saint Laurent đã được lấy cảm hứng từ những tác phẩm nghệ thuật như nghệ thuật OP ART với các họa tiết hoa bướm (Hình 4), tạo nên một xu hướng mới, phong cách thanh lịch lại trở về trong ngành thời trang cao cấp.  Những viên đá với vô vàn màu sắc, được kết thành dải vòng quanh cổ áo ra tới vai, thu hút thị giác, tạo điểm nhấn mạnh mẽ. Bộ đầm này cũng giống như nghệ thuật OP ART gây ảo giác về sự lung linh sắc màu và họa tiết hoa lá mang tính trang trí cao mà không cần phải tạo dáng cho trang phục nhiều.

Nghệ thuật hội họa trở thành một yếu tố của thời trang, Saint Laurent đã chứng minh mình là con người của thời đại. Những thành công đó đã khẳng định vị trí huyền thoại của Yves Saint Laurent, ngang tầm với Christian Dior, Coco Chanel… và góp phần đưa Paris trở thành kinh đô thời trang thế giới.

Đầu thập niên 70, trong một lần tình cờ, Cavalli đã mày mò và sáng tạo ra cách vẽ màu trên thân thể. Những cô gái nghỉ mát ở Capri và St. Tropez hâm mộ kiểu “thời trang” này. Kể từ đó đến nay, “body painting” đã trở thành một trường phái thời trang được yêu thích ở nhiều nơi trên thế giới. Sự kiện này đã khiến tạp chí Vogue Italy bắt đầu để mắt đến Cavalli. Những năm đầu thế kỷ XXI, Kiểu hình xăm này đã trở thành mốt thời thượng từ Paris, London, Milan, New York… tới Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là ở Thái Lan và thậm chí ngay cả ở Việt Nam cũng hưởng ứng theo trào lưu này.

Thời đại nào thì nghệ thuật ấy, mỗi chủ thể sáng tạo (họa sỹ thiết kế), dẫu ở các quốc gia khác nhau, các hoàn cảnh khác nhau, các nền văn hóa khác nhau và phong cách khác nhau cũng đều mang giá trị xã hội chung, đóng góp cho nền văn minh nhân loại. Ngày nay chugns ta thấy có vô vàn các mẫu thiết kế lấy cảm hứng sáng tạo từ các bức tranh của các họa sỹ trên thế giới, đó là quy luật khách quan về cái đẹp, loại hình nghệ thuật khác. Hội họa là một trong rất nhiều ngành nghệ thuật luôn là nguồn cảm xúc mãnh liệt cho các nhà thiết kế thời trang trong quá khứ, hiện tại và tương lai…

- Nguyễn Thị Kim Hương -

>>> Dáng mẫu thời trang

>>> Nhà thiết kế thời trang

0976984729