Hoa văn cung đình Huế (Phần 2) – Thú vật

1. Long

thu vat 1

Trong các con thú đi vào nghệ thuật hoa văn trang trí Việt Nam, “tứ linh” (bốn con thú có quyền năng) chiếm hàng đầu. Ấy là long, lân, quy, phụng. Việc sử dụng tứ linh mang tính tôn giáo vì biểu thị của chúng là một bảo đảm về ảnh hưởng huyền bí tứ linh có sẵn những đức tính tiêu biểu.

Cũng như những con thú khác nhưng ở mức độ ít hơn cũng gồm những con thú thấy trong hoa văn Việt Nam, đó là: hạc, sư tử, dơi, cá. Tất cả nói lên sự ước mong có tính tôn giáo. Đặc biệt, hổ có đặc tính rõ nét nhất, vì đôi khi hình ảnh của hổ là vật thờ thực sự; người ta dâng hương cho ông hổ, xem như một cái bùa có quyền năng tiêu trừ ma quỷ, xua đuổi thần xấu, gây hại.

Theo danh từ Hán – Việt là long, tiếng Việt con rồng, là con thú được sử dụng rất nhiều trong hoa văn Việt Nam. Trong lâu dài, long xem như đang ở trong nhà riêng của mình, vì tượng trưng cho nhà Vua, nhưng long cũng thấy ở các chùa và tư thất trên các nóc mái ngói, các kèo của rường nhà, trên các đồ gỗ và gấm vóc, trên đồ sành sứ, cho đến ở các phần hoa văn trang trí nhỏ cũng thấy hình rồng.

Nói cho đúng thì người Việt Nam không thờ rồng, nhưng đâu đâu cũng thấy hình ảnh quyền năng của rồng, vua của sông nước, hình dáng của sự an nghỉ cho người chết.

Sau đây là những nét đặc biệt của rồng theo truyền thuyết Trung Quốc: “nó có sừng hươu, đầu lạc đà, mắt quỷ, cổ rắn, bụng cá sấu, vảy cá, móng đại bàng và tai bò; nhưng chính cái sừng là cơ quan của thính giác. Hình ảnh của rồng theo nghệ nhân Việt Nam thì khác ở nhiều điểm so với sự mô tả trên. Cũng có sừng, mắt sáng, vảy toàn thân, có bờm, móng nhọn, đuôi xoắn ốc.

Rồng là biểu tượng của Hoàng Đế. Trong trường hợp này, như mọi người đã biết, rồng có năm móng “ngũ trảo”. Do đó, khi trên một đồ gỗ, trên một trắp, trên một đồ sành người ta thấy rồng năm móng thì đó là vật để Hoàng Đế sử dụng. Ngoài ra ở bất cứ nơi nào rồng cũng chỉ có bốn móng.

Rồng còn là biểu tượng của người chồng, vị hôn phu, của người đàn ông. Biểu tượng của đàn bà là phụng. Những câu thơ dân gian thường lấy hình ảnh ấy. Và khi người ta thấy trên bức đố chạm, trên hàng lụa thêu rồng phối hợp với phụng, ấy là tự ám chỉ của hôn nhân. Thường về nghĩa bóng, biểu tượng này được nhấn mạnh bởi chữ “hỉ”, “song hỉ”. Hạnh phúc chung, hạnh phúc vợ chồng.

Rồng được trình bày dưới nhiều tư thế. Đôi khi nó được nhìn từ một bên, theo chiều dài, chẳng hạn trên nóc các mái ngói, trên các tam cấp, trên đồ thêu, các bức đố chạm, vẽ, mọi nơi. Đôi khi người ta trình bày rồng toàn thể, nhưng nhìn từ chính diện, ấy là “con rồng ổ”. Ở tư thế này, nó dùng làm hoa văn trang trí, mặt tiền các cửa chính. Đôi khi cũng nhìn từ chính diện, nhưng chỉ thấy đầu và hai chân trước hình cung; ấy là “mặt rông” hay “mặt nả” (mặt của nả). Kiểu này thường thấy ở các đầu xông tam giác, ở các chùa Việt Nam hoặc ở các cung điện, đồng thời với dơi ở các mặt tiền bia đá, ở trung tâm của mặt trước của một khung, làm chân tủ v.v… Đôi khi cũng nhìn từ chính diện, nhưng trên đầu có chữ Vương (vua), hoặc chữ “nhâm” (lớn) và ở đây chỉ là những vết nhăn kiểu thức hóa Rồng cũng ngậm trong miệng chữ “thọ” (sự sống lâu) kiểu thức hóa và thường thu hẹp bằng phân nửa hình chữ nhật, góc bẻ xuống, có vài đường đối xứng. Hình này gọi là “con rồng ăn chữ thọ”. Đương nhiên, đây là một dấu hiệu bảo đảm cho điềm tốt lành, đồng thời chúc sống lâu.

Trên nóc các mái ngói rồng được đắp hai bên đối xứng với mặt nguyệt, và hoa văn này nằm chính giữa nóc. Ấy là hình tượng “lưỡng long triều nguyệt” (hai rồng chầu mặt trăng). Biểu tượng này cũng được trình bày trên các tấm đồ chạm hoặc trên các nền của đồ gỗ, sập gụ, v.v… Một số người muốn thấy trên nóc các mái ngói một biểu tượng linh diệu và mong muốn có mưa, mặt nguyệt tượng trưng cho sấm sét mang đến những cơn giông, và hai rồng, vua của sông biển tượng trưng cho mưa.

Một biểu tượng tương tự như trên mà người Việt nam gọi: “lưỡng long tranh châu” (hai rồng dành hạt châu). Thường có sự nhầm lẫn về hai đề tài này, hoặc do quan niệm của nghệ nhân, hoặc theo sự diễn dịch trong dân gian. Trong trường hợp sau, hai rồng chỉ là biểu tượng chứ không phải tranh hạt châu, và quả cầu sẽ đóng vai trò ngọn lửa.

Trong tất cả các trường hợp ấy, khi hoàn cảnh cho phép, rồng thường được bao bọc bởi mây (vân) kéo thành những dải băng hoặc xếp lại thành những guột mây rất đẹp. Đôi khi, thay vì mây, người ta có những ngọn lửa vút. Rồng cũng thường ngự trị trên các sóng biển. Nhưng các sóng biển, các ngọn lửa và mây luôn luôn được kiểu thức hóa.

Việc trang trí mây cũng tạo ra một biểu tượng đặc biệt “long ẩn vân” (rồng ẩn trong mây): rồng gập mình trong các guột mây, hoặc đâu cũng thấy rồng. Có nhiều kiểu vẽ rồng này trên những chén sành đời Thiệu Trị.

Rồng phối hợp với cá, và người ta có cảnh: “ngư long hí thủy” (cá vì rồng đùa với nước): bên dưới, một con cá nhỏ, phân nửa mình nhô ra khỏi sóng, nhận trên miệng một tia nước, hoặc hơi nước mà rồng ẩn trong mây, phun đến cho cá. Theo người Việt Nam đó là cá gáy. Chỉ có một loại rồng. Ngoài con rồng đích thực như vừa trình bày trên, có con giao và con cù.

Con giao, theo từ điển của P.Couvreur, là một con “rồng không có sừng” và có hình của rắn, với cổ nhỏ, bốn chân và những bờm trắng dưới cổ.

Theo Etiel, ấy là một con rồng có bốn chân; theo Giles: “rồng đầy vẩy”; sau cùng, theo Génibrel “cá sấu”. Về con cù cũng không rõ ràng, cho dù có nhấn mạnh. Theo Couvreur, ấy là “con rồng có những sừng”; người khác thì cho là rồng không có sừng, theo Etile: “rồng con có sừng”; theo Giles: “rồng con”. Génibrel: “rồng, quái vật huyền thoại; người khác thì bảo nó có sừng. Paulus Của: “loại rồng không có sừng”; trong dân gian, người ta tin rằng, rồng lưu lại thông thường dưới đất, và ở đấy khi nó xuất hiện, ấy là những dòng sông.

Các nghệ nhân Việt Nam ít nhất cũng có dùng một trong những đặc tính của hai con thú ấy; cù và giao đều không có sừng. Chúng cũng không có bờm lông cũng như không có râu cá như P. Couvreur đã nói. Nó cũng không có vảy. Vậy nó có chân không? Điểm này còn nghi ngờ vì con giao và con cù thường ẩn, và không bao giờ xuất hiện nguyên hình, nhưng luôn luôn biến đổi thế nào để người ta chỉ thấy đầu và cổ của nó. Trong mọi trường hợp đều là những con rồng hạ đẳng. Một ông quan, khi đề cập đến một đồ gỗ ở trong gia đình, có từ đời xưa để lại cho biết nó có những nét của con giao, không phải là con rồng thường, vì trước kia trong dân gian, người ta không thể trình bày được con rồng.

Tuy nhiên cần nhận ra rằng, đối với các kiểu vẽ hoa văn nghệ thuật, cũng có một số trùng lặp giữa các con rồng chính danh và con giao. Khi nhìn thấy một bức chạm, một số người kể cả thợ chạm cũng nói ấy là hoa văn hóa rồng, hoặc người khác cho rằng hoa văn hóa giao. Nhưng người ta khó phân biệt được các tính chất riêng biệt của hai đối tượng ấy. Khi con rồng được trình bày toàn thân thì ai cũng cho rằng không phải con giao, nhưng khi người ta đi vào những biến đổi thì sự nhầm lẫn còn ở lưng chừng giữa rồng hay giao. Thế cho nên cần nghiêng về một ý là con rồng: khi nói về con long hoặc giao. Tuy nhiên đôi khi định chữ giao bằng long giao.

Về con cù, thiết nghĩ có một đặc điểm, nếu không phải do hình dáng được gán cho, thì ít ra cũng do cách sử dụng, vị trí mà người ta đặt nó: những gối dựa, những ngai xây bằng hồ mà người ta đặt nó lên ở ngoài trười, dành cho các thần nữ, được chạm ở phần đầu rồng là những đầu cù. Phần sườn mái nhà tiếp theo các hàng bên trong gọi là “xà cù”; có thể tên này là từ con cù, đuôi của mẫu này đôi khi tận cùng bằng những đầu rồng.

Những biến đổi của rồng rất đa dạng. Đối với toàn thể con rồng, dù là rồng chính danh, hoặc long giao đều là những hoa văn hóa lá hóa, dây hóa; mây, trúc và cũng như các cây hoặc thực vật khác: tùng, mẫu đơn, cúc, lan…

Về rồng nhìn chính diện khi nó đang biến hoa, các kiểu vẽ hoa văn trang trí mang tên “mặt nả” (mặt nả là mặt rồng). Kiểu vẽ khai sinh ra mặt rồng được gọi theo nhiều danh từ tùy theo nghệ nhân. Khi thì lá lật, khi thì mẫu đơn, khi thì bông Tây, lá, dây lá.

Ngoài ra cũng có Phật thủ và bông sen hóa đầu rồng nhìn từ chính diện.

Long giao phối hợp với tràng hoa, phát ra từ miệng rồng, cho kiểu vẽ “giao hoa” (long giao và hoa).

thu vat 2
Long

thu vat 3
Lưỡng long triều nguyệt

thu vat 4
Cột bằng đồng đỏ

thu vat 5
Mũi thuyền rồng cổ của nhà vua

thu vat 6

thu vat 7
Nắp trắp chạm

thu vat 8

Bậc thềm

thu vat 9

Cán thanh kiếm
thu vat 10

Mõ nhà sư

thu vat 11

Mõ nhà sư

thu vat 12
Quai mõ

thu vat 13

Cành lá hóa đầu rồng nhìn từ chính diện
thu vat 14

Cành lá hóa đầu rồng nhìn từ chính diện

thu vat 15

Cành lá hóa long

thu vat 16
Long giao

thu vat 17
Bình phong

thu vat 18
Long giao hóa cành lá

thu vat 19
Cành lá hóa long giao

thu vat 20
Cành lá long giao

thu vat 21

Cành lá long giao

thu vat 22

thu vat 23

thu vat 24
Cành lá long giao

thu vat 25
Cành lá hóa long giao

thu vat 26
Đế thau

thu vat 27
Đế trống

thu vat 28
Thân trúc hóa long

thu vat 29

Thân trúc kiểu long
thu vat 30

Cành trúc hóa long

2. Lân

Theo danh từ Hán – Việt là kỳ lân, tiếng Việt gọi là con lân. Nhưng theo từ điển Hán, chữ kép kỳ lân chỉ hai con vật. Do đó, chúng ta có kỳ và lân, con đầu là con đực, con sau là con cái. Cho nên khi người hỏi bạn rằng cách chỉ một con vật trên bức bình phong, hoặc chạm trên đầu một cột, không nên nói ấy là con kỳ lân, mà phải nói ấy là con kỳ hoặc con lân, con đực hoặc con cái.

Từ điển Génibrel cho nghĩa: “kỳ lân” và thêm chim thần thoại (kỳ lân, quái thần hình sư đầu đàn bà). Vậy phải nói con đực là con kỳ, con cái là lân mới chính xác.

Từ điển của Paulus Của nói phải phân biệt hai con vật, kỳ là con đực, lân là con cái. Nhưng phải để ý rằng hai từ được sử dụng như từ kép không thể tách rời. Từ điển này giải thích theo các sách Trung Quốc, con vật giống như sư tử, có một sừng ở giữa trán và là một trong “tứ linh”. Về phương diện phong tục nó có đức tính nhân hậu, khoan dung; nó không đạp lên cỏ non, không làm hại một sinh vật nào, cho nên chỉ có các nhà vua đức hạnh mới đáng được trông thấy nó. Chính đức tính nhân hậu ấy nên có hàm ý lân giác, “sừng của lân cái”, có nghĩa là: “khí giới vô hại”.

Các từ điển Hán của Giles, Eitel, Couvreur cho chúng ta thông tin sau: Con vật linh thiêng là huyền thoại này có hình con hoẵng, đuôi bò, một sừng, vảy cá… Các sừng này bao bọc thịt, để chứng tỏ sự đức độ của con vật, mặc dù sừng có khả năng gây chiến và chống cự, tuy nhiên lại mong ước hòa bình. Luôn luôn có sự bất đồng về cái sừng này, vì theo Eitel và Couvreur, con kỳ là con đực, không sừng, hoặc một con vật giống lân nhưng không có sừng.

Mặc dù với những chi tiết ấy, sự đức độ có tính huyền thoại: con vật này không bao giờ đạp lên mình sinh vật và nó cũng không bao giờ ăn cỏ non xanh, cái sừng của nó là biểu tượng của tình thương và hòa bình. “Các vết chân của lân” biểu thị cho dòng dõi vua chúa, và ý nghĩ sừng của lân chỉ về các con của vua. Trên các kiệu hôn lễ có ghi bốn chữ: “kỳ lân tại thử” (lân ở đây), và câu văn: “Ước rằng móng chân của lân mang lại sự may mắn cho bạn” là một điều chúc đối với nhiều trẻ con.

P. Corentin Pétillon có thêm: “Sự xuất hiện của kỳ lân trùng với thời đại trị vì của một ông vua đức độ, luôn luôn là một điềm lành. Người ta nhận ra các nét ấy như sau: mình hươu, đuôi bò, đầu sói, với một sừng nhọn có thịt, móng chân ngựa. Đặc tính nhơn thú ám chỉ lân, vì dáng đi của lân được điều khiển theo bản năng tự nhiên. Nó thận trọng để không đạp lên những con côn trùng nhỏ hoặc làm dập những cọng cỏ đang còn sống. Đào hố giăng bẫy để bắt lân là luống công vô ích: lân tránh được tất cả do có tính minh mẫn tuyệt vời. Song le, các sách cổ đều ghi rằng cuộc săn bắn kỳ lân làm cho Khổng Tử phải rơi lệ khi trông thấy.

Như đã trình bày, người ta thường gọi lân hay kỳ lân; nhưng đôi khi cũng gọi “long mã”. “Con long mã”, con vật được trình bày trên các bức bình phong có một vài đặc tính của con rồng phối hợp với những đặc tính của con ngựa. Cho dù từ khởi thủy và theo truyền thuyết Trung Quốc, có sự phân biệt giữa long mã và lân; sự phân biệt này không có đối với nghệ nhân ở Huế.

Lân được dùng như một kiểu trang trí trên các bức bình phong của chùa. Ở đây người ta thấy nó với một kiểu cổ điển. Có khi người ta gọi long mã, khi thì gọi là kỳ lân. Luôn luôn lân mang trên lưng các cổ đồ. Đôi khi lân mang trên lưng hình bát quái. Cổ đồ gồm: cuốn thơ, hoặc một hay hai thẻ bài, hoặc hai cuốn thơ có thêm một cây bút, hoặc do quên đi và lẫn lộn với bát bửu, ở đây cây bút, thanh kiếm, cái quạt đứng cạnh bó sách. Người ta hiểu tại sao toàn thể các đồ vật ấy lại có thể dẫn đến sự diễn dịch là “cổ đồ”, các đồ vật xưa. Nhưng mục đích chính dường như có cái gì liên quan đến chữ viết khoa học: sách, thẻ bài, cuốn thơ, cây bút. Và chúng ta có thể giải thích sự tương quan giữa các cổ đồ với bát quái của Phục Hi bằng cách suy ra rằng các đường huyền thoại ấy là cơ bản của mọi khoa học về: sự bói toán, khoa học về sự biến hóa của sinh vật chứa trong Kinh Dịch, quyển sách về những biến dịch và các dấu hiệu ấy là những chữ đầu tiên biết được. Các cổ đồ ấy thường được trang trí với dây bằng và nằm trên một tấm thảm đặt trên lưng lân. Chúng ta cũng thấy các cổ đồ trên lưng quy và lưng hạc và ở miệng của phụng. Rồng không mang cổ đồ. Tuy nhiên trên các tấm đố của các đồ gỗ đôi khi cũng gặp những biến đổi không rõ, ở đây con vật giống long hóa lân, và ở đây nó cũng mang cổ đồ trên lưng. Nhưng đây là sự lầm lẫn của nghệ nhân.

Chúng ta cũng có thấy lân như một hoa văn trang trí nhưng thứ yếu so với long và phụng. Lúc bấy giờ lân nằm ở đầu mút của các nóc bên.

Một con vật dường như thực tế không phải là lân, có thể là sư tử, hay một loại khác, nhưng cũng được gọi là lân, thường thấy ở các đầu cột của các chùa. Bộ lông, đầu, đuôi, nhất là móng thay vì các chân guốc làm nó giống sư tử hơn lân. Ở đây cùng liệt vào lân theo tín ngưỡng.

Cũng vậy, người ta đặt tên cho lân ở những vật bằng đồng, đồng đỏ, đồ vật trang trí, đỉnh trầm nhưng nó giống sư tử hơn. Và trên lưng con vật có một con vật khác nhỏ hơn làm lỗ thoát khói của nắp đỉnh trầm. Người ta có thể gọi lân hay sư tử. Do đó, có sự không rõ ràng về loài vật trong nghệ thuật trang trí như đã trình bày ở trên.

Trong những biến đổi, lân thường phối hợp với hoa mẫu đơn “mẫu đơn hóa lân”. Nhưng cũng có trái lê, và ở một số chùa có các cây hoặc trái trong trang trí cổ điển hóa lân.

thu vat 31
Lân

thu vat 32
Lân

thu vat 33
Bình phong chùa

thu vat 34
Lân, hoa văn trang trí

thu vat 35
Lân

thu vat 36
Cúc hóa lân

thu vat 37
Lân, hoa văn đầu cột

thu vat 38
Lân đầu cột

thu vat 39

Lân đỉnh trầm

3. Phụng

Phụng là gì, và được nhận định với tất cả các đặc tính của nó, như người ta đã miêu tả phụng gần như hoàn toàn, ở những bức bình phong của các chùa dành cho nữ thần: “mỏ kê, theo P. Corentin Pétillon, cổ rắn, trán én, lưng rùa và đuôi cá”. Chim phụng đứng trên các làn sóng nhấp nhô của biển cả là một trong tứ linh, với bốn con thú quyền lực huyền thoại và có mối quan hệ với sóng biển. Đây có thể là một ảo tưởng thần thoại, muốn nói rằng: sau khi cất cánh từ phương Đông, phụng đã bay qua các ngọn núi Côn Lôn, uống nước ở suối Đế Trụ, tắm cánh trong biển Nhược Thủy, nói như vậy vì nước biển ấy không làm trở ngại để một cái lông cũng không nhô lên trên mặt nóc. Sau cùng nó nghỉ ở núi Đơn Huyệt.

Đôi cánh vươn ra, với lông đuôi cứng, cứng như sắt, dài và xòe ra như hình ngọn đuốc, với cẳng gân guốc uốn cong, một tổng thể đầy linh hoạt và ân đức, đầy tự hào và quý phái. Chim phụng ngậm một dải lụa dài, khi thì hai cuộn, có khi một trắp vuông hoặc một quyển sách, đây là những cổ đồ huyền bí của Phục Hi, có người gọi như vậy, người khác gọi là thơ, và hình ảnh tượng trưng cho ý nghĩa “phụng hàm thơ” (chim phụng ngậm ở mỏ những quyển sách). Không hiểu các sách ấy có nói lên những cổ đồ của Phục Hi hay không.

Theo truyền thuyết Trung Quốc, chim phụng mang những đức tính lớn. “Tiếng hót đủ năm âm sắc, lông đủ năm màu, thân hình là một tổng thể sáu hình, đầu tượng trưng cho trời, đôi mắt mặt trời, lưng mặt trăng, cánh gió, chân đất, và đuôi là các hành tinh”. Người ta cũng gán cho phụng bảy ân đức và năm vẻ đẹp, không kể chín đức tính, làm nó trở thành vua không trung.

Cây mà phụng ưa thích hơn hết là cây ngô đồng.

Phụng chỉ xuất hiện ở thời thái bình, và ẩn mình khi có dấu hiệu của thời loạn lạc. Do đó, phụng là biểu tượng và một đảm bảo của sự thái bình.

Tất cả lòng tin ấy dường như xa lạ đối với người Việt Nam. Họ chỉ tin ở một điều, đó là phụng nói lên sự kết hợp giữa người đàn ông và người đàn bà trong hôn nhân, và về giới tính phụng là biểu tượng của nữ. Người ta cho rằng đây là chàng trai và cô gái trẻ, cả hai đều có một vẻ đẹp lạ thường, cả hai đều có những đức tính của tâm hồn và con tim, một bên là người chồng “bất diệt”, tiên, và một bên là phụng, theo ca dao dân gian: “Tiên sa, phụng lộn”. Hoặc long hợp với phụng để tượng trưng cho người chồng, và người ta sẽ có bức tranh biểu thị một bên là long, bên kia là phụng bao quanh chữ hỉ, viết hai lần “song hỉ”, một biểu tượng mới về hạnh phúc của đôi vợ chồng, hạnh phúc đồng nhau, một hạnh phúc được chia sẻ.

Hình phụng dùng để trang trí những đồ vật dành riêng cho phụ nữ, cho một mỹ nhân. Vậy nên hoa văn của các nóc mái ngói chùa dành cho thần nữ được đắp phụng chứ không phải long, và nếu chùa có bình phong lại càng phải trang trí bằng chim phụng. Hình ảnh này cũng dùng để trang trí mặt tiền hoặc khung bia dành cho các công chúa, và gương chạm, hộp đựng con dấu tặng cho một bà, hoặc dùng cho đàn bà cũng mang những trang trí hình phụng, xem như trang trí chính. Điều này không cấm nghệ nhân sử dụng loại hoa văn trên để trang trí bàn ghế làm bằng gỗ, hoặc trên các tòa nhà phụ. Một cách tổng quát, có thể nói rằng, mọi vật mang hình phụng, hoặc dùng hình phụng để trang trí chính đều dành riêng cho đồ dùng của phái nữ.

Phụng có hai tên tùy theo trống mái. Chim trống theo danh từ Hán Việt là phụng, theo tiếng Việt là con phụng, con mái gọi là hoàng, và sự kết hợp tên phụng hoàng nói lên một cách tổng quát, chim phụng. Nhưng ý tưởng phụng hoàng dùng khi nói về hình của chim phụng trong trang trí, người ta chỉ dùng một chữ phụng.

Một tên khác cũng chỉ phụng, nhưng phụng mái, đó là loan. Ý nghĩ phụng loan tương đương với ý nghĩa “phụng hoàng” (phụng trống và phụng mái). Tiếng hót của hai chim này, theo truyền thuyết Trung Quốc được người Việt Nam chấp nhận, đó là sự hòa hợp và đáp ứng hoàn hảo cho nên ý nghĩa ấy chỉ sự hòa hợp của vợ chồng, đó là hình hai chim phụng, một sự chúc tụng, đồng thời là một bảo đảm cho sự hòa hợp trong gia đình ấy là điều chính xác, một biểu tượng đặc trưng cho hòa bình như đã trình bày ở trên.

Hình ảnh của phụng trong lâu đài, dường như cũng là sự ca ngợi đối với Hoàng Đế. Người ta nói một cách đầy tin tưởng rằng triều đại của Vua là thời đại thái bình thịnh trị, như triều đại của cac vua khi có chim phụng xuất hiện.

Chữ loan chỉ dùng khi có sự trình bày về chim phụng. Như đã nêu trên, hình ảnh của phụng được dùng trong kiến trúc như những hoa văn để trang trí các nóc mái ngói ở chùa và để cung hiến cho một thần nữ. Nó cũng dùng trong trang trí các chùa hay cung điện khác, nhưng những chỗ cho long và đi xuống tận đầu mút của các nóc tam giác (chói). Phụng được dùng để trang trí các bình phong các chùa dành cho thần nữ. Ít khi người ta đặt phụng trong những góc để thay thế cho dơi. Ở các lăng tẩm vua chúa, nó dùng để trang trí mặt tiền các bia thế chỗ của long, hoặc ở khung bia. Sau cùng, phụng được chạm vẽ, thêu ở trung tâm các mặt bàn, ghế, nắp các trắp, trên các bức tranh bằng gấm, các mặt tiền của sập gụ và cũng dùng để trang trí lồng đèn, thau rửa mặt v.v…

Phụng cũng chịu một vài biến đổi, thông thường nhất là sự biến đổi của cành đào hóa phụng, nhưng người ta cũng tìm thấy ở bông đào, bông cúc hoặc quả na, lan, sự phối hợp với phụng. Nó ít uyển chuyển hơn long và lân, mặc dù hình dáng mảnh dẻ và sự oai vệ dễ thích hợp hơn.

Ở miền Bắc, thường thấy bốn chim phụng xòe đuôi vào nhau, để trang trí các cột mặt tiền các chùa. Tác dụng của nghệ thuật cao, cũng có một tác dụng tương tự, nhưng ít oai vệ và nhẹ nhàng hơn, với bốn lá dài cong lên theo hình lá cúc.

Một chim gần giống chim phụng là con hạc. Không nên lẫn lộn, hình dáng của chúng cũng như biểu tượng của chúng đều khác nhau. Con hạc thường được trình bày với hai cánh xếp lại và ở tư thế đứng, thường đứng trên lưng quy. Nó ngậm một cành hoa. Đây là vật để thờ cúng; người ta đặt hai con hạc bằng gỗ sơn mài, sơn thon thếp vàng trên bàn thờ thần hoặc bàn thờ ông bà. Nhưng đôi khi cũng dùng hạc như một hoa văn trang trí.

Con hạc, thường là hạc trắng, vì dường như theo tín ngưỡng Trung Quốc, có những con hạc đen, vàng và xanh, hạc trắng, do màu sắc của nó nói lên tóc bạc của cụ già, là biểu tượng của sự trường thọ, vì nó sống rất lâu theo tín ngưỡng Trung Quốc. Đến tuổi 160, tuổi đáng kính, nó đổi tên và được gọi là huyền. Người ta chúc tụng cụ già “tóc hạc da mồi”, “tóc trắng như lông hạc, da như vảy đồi mồi”, nghĩa là rất thọ.

Hơn nữa, hạc là chim để cưỡi của thần thánh.

Hạc là “chim của thần thánh”, tiên điểu. Ở Trung Quốc, người ta đốt giấy in hình hạc trong tang lễ, và chính các con hạc đã tiễn linh hồn người chết lên trời.

Quy là một biểu tượng khác của thọ. Nhưng trong một số bản in từ các bản khắc dân gian ở Trung Quốc, nó là thần thọ nhân cách hóa và tương ứng với chữ thọ, “sự sống lâu”.

thu vat 40
Phụng

thu vat 41
Phụng

thu vat 42
Song Phụng

thu vat 43
Phụng, gương đựng

thu vat 44
Phụng

thu vat 45
Phụng, hoa văn trang trí

thu vat 46
Cành mẫu đơn hóa phụng
thu vat 47

Hoa lan hóa phụng

thu vat 48

Hạc trên lưng rùa

thu vat 49

Đèn

4. Quy

Con rùa, theo danh từ Hán Việt là quy, con thú thứ tư có quyền năng trong “tứ linh”. Quy là biểu tượng của sự sống lâu (thọ), vì nó sống hơn ngàn năm. Dưới đời Đường, quan tổng trấn các tỉnh miền Trung bên Trung Quốc đem dâng vua Hiến Tôn (806-821) một con rùa có lông, nghĩa là mai rùa đầy rong rêu.

Ấy là một bức tranh về sự sống lâu tốt lành.

Mai rùa tròn phía trên, phẳng phía dưới, là hình ảnh của trời và đất. Ở mọi thời, mai rùa đưa vào than hồng đã được sử dụng như là một phương tiện bói toán: những tiếng kêu lách tách và những tia lửa lóe sáng tạo ra do sức nóng, nói lên các biến cố trong tương lai. Các vua Hoàng Đế và Ngô đã thấy xuất hiện trên biển một con rùa mà vảy của nó mang những chữ huyền bí, và được dùng để thiết lập các đường trong Kinh Dịch, tất cả đều giống như những gì vua Phục Hi đã trông thấy trên lưng một con lân.

Bên Trung Quốc, người ta tin rằng quy luôn luôn là con cái, nó giao phối với rắn. Do đó, nó được dùng như một biểu tượng của sự bất trinh. Vẽ một con rùa trên cửa nhà nào đó, có nghĩa muốn nói tánh hạnh không tốt. Và vẽ một hình ấy hoặc chỉ viết chữ quy lên tường, đầu hẻm, góc nhà có nghĩa yêu cầu khách qua đường không nên dừng lại để thỏa mãn nhu cầu lặt vặt.

Do hình thể vạm vỡ, quy cho một ý nghĩa về bền vững. Vậy nên ở Trung Quốc người ta sùng kính quy như vật bảo vệ các đê điều.

Người Việt Nam dường như không công nhận các biểu tượng ấy. Tuy nhiên việc sử dụng quy làm chân đế đội bia đá phù hợp với việc tin tưởng liên quan đến sự bền vững: người ta đặt dưới bia đá một con quy để truyền cho sự sống lâu và bền vững.

Người ta cũng thấy hình quy trên các nóc bên của các mái ngói như một hoa văn trang trí, nhưng rất hiếm. Ở đây nó mang trên lưng các “cổ đồ”, được thể hiện bằng một “cuốn thơ” có dây băng, ám chỉ con quy siêu phàm được vua Hoàng Đế và vua Ngô trông thấy. Từ miệng quy thoát ra nước cuồn cuộn (thủy ba).

Bông sen hóa quy: lá sen có bờ cong thường chiếm phần giữa của một tác phẩm, tạo nên bởi bông sen gần giống hình mai rùa. Nhưng người ta cũng có thể thấy, theo sự tưởng tượng của vài nghệ nhân, một số thảo mộc khác hoặc trái cây hóa quy.

thu vat 50

Quy

thu vat 51

Quy, giá bia

thu vat 52

Quy, hoa văn trang trí

thu vat 53

Lá sen hóa quy

>>> Hoa văn cung đình Huế (Phần 1) - Kiểu dạng hình học

>>> Hoa văn cung đình Huế (Phần 1) - Chữ Hán

>>> Hoa văn cung đình Huế (Phần 1) Đồ vật

>>> Hoa văn cung đình Huế (Phần 1) - Hoa lá Cành trái

0976984729