Thiết kế đồ họa kiểu Pháp
Người Pháp nổi tiếng bởi phong cách của họ, và điều này đã tồn tại qua hàng thế kỷ.
Mặc dù nước Pháp được biết đến như là một tastemaker ở châu Âu và trên toàn thế giới - dẫn đầu về thời trang, nghệ thuật, và thiết kế sang trọng - thì mảng thiết kế đồ họa, đặc biệt là các thập kỷ gần đây, có lẽ ít được nhiều người biết đến. (tastemaker: những người hay sản phẩm định vị xu hướng văn hóa, nghệ thuật, thời trang,… - người dịch)
Thiết kế kiểu Pháp không theo quy ước của chuẩn thiết kế hiện đại; nó không theo trường phái tối giản và mang sự tao nhã như thiết kế của Scandivia hoặc Thụy Sỹ, hoặc không có màu sắc đậm và nét vẽ phóng đại như thiết kế Nhật Bản, nhưng chắc chắn nó có những nét đặc trưng bao gồm từ thẩm mỹ cho đến triết học và tư tưởng.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cần biết về phong cách thiết kế Pháp - đừng để tính thương mại và sự thực dụng cản trở tầm nhìn sáng tạo của bạn. Thiết kế kiểu Pháp có tính độc đáo riêng, kỹ năng nghệ thuật và sự tinh xảo, thách thức khán giả qua cái nhìn, tình cảm và trí tuệ. Đây là 10 đặc điểm của thiết kế đồ họa kiểu Pháp mà có thể giúp bạn thêm một ít “je ne sais quoi” (“điều khó tả”) vào công trình nghệ thuật của mình.
01. Phô trương kỹ năng hội họa
Những trường dạy thiết kế và nghệ thuật của Pháp luôn nhấn mạnh khả năng hội họa của sinh viên; thực tế, bạn cần phải học vẽ trước khi được cho phép vào học tại các trường danh tiếng trong nước. Thiết kế đồ họa mang ý nghĩa là hợp nhất công trình minh họa đẹp mắt bằng bút, bút chì, chì than, và các phương tiện khác. Điều này dẫn đến việc các tác phẩm có được sự sang trọng và khéo léo, tinh tế và có một không hai.
Studio thiết kế Violaine và Jérémy có một portfolio đáng kinh ngạc nắm bắt được nhiều đặc điểm từ thiết kế kiểu Pháp. Tác phẩm trên là một bức vẽ chì bởi nhà hội họa Thomas Rouzière tại bảo tàng Musée des Arts Décoratifs (Bảo tàng nghệ thuật trang trí).
Bìa album cực kỳ chi tiết này của Yeaaah! Studio là một tác phẩm nghệ thuật vẽ bằng tay với một số yếu tố được sao chép từ những hình minh họa từ thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, và những tác phẩm khác lấy cảm hứng từ phong cách đồ họa của giai đoạn chuyển tiếp của thế kỷ.
Mathias Augustyniak và Michael Amzalag là những tài năng đảm nhiệm studio nổi tiếng M/M Paris. Họ đã làm việc gần gũi với Björk kể từ cuối những năm 1990 và bản danh mục các bìa album là minh chứng cho kỹ năng và sự sáng tạo của họ. Bìa của album nhạc Vespertine (2001) là một tấm ảnh của Björk mặc một chiếc đầm con ngỗng nổi tiếng thiết kế bởi Marjan Pejoski và ảnh minh họa độc đáo bởi M/M bao phủ lên phía trên.
02. Tiếp cận bằng tranh ảnh
Tranh ảnh đã đóng một vai trò to lớn trong di sản của thiết kế kiểu Pháp, đặc biệt khi bạn hồi tưởng về những tấm áp phích nổi tiếng từ kỷ nguyên Art Nouveau (Tân Nghệ thuật) và Art Deco. Vì vậy, cho dù đó là hình ảnh minh họa như trên, ảnh chụp, hình ảnh màu hoặc hình vẽ đường thẳng đơn giản, đó vẫn là hình ảnh - chứ không phải là kiểu chữ hoặc biểu tượng - thường được đặt ở phía trước và trung tâm. Điều này gây hiệu ứng gia tăng sự phức tạp và nghệ thuật vào một thiết kế, cũng như làm cho tác phẩm trở nên cá nhân và xúc cảm hơn.
Adin Eli de Gunzbourg đã thiết kế và minh họa cho quyển sách nấu ăn này. Mỗi bài viết trên 2 mặt trang sách có một tranh minh họa tĩnh vật gồm các thành phần cần thiết cho công thức mà bài viết ấy miêu tả, thêm vào những chi tiết đầy hương vị và màu sắc từ đầu đến cuối.
Graphéine đã xem xét các đặc điểm của phong cách Baroque để tạo ra diện mạo mới cho một nhà nguyện theo phong cách Baroque được cải tiến ở vùng Haute-Normandie. Hình ảnh địa điểm và các màn biểu diễn đều được in ra, trong khi màu đen và vàng, mặt trời và mặt trăng tượng trưng cho sự sang trọng lung linh của phong cách hoài cổ.
Một bản vẽ đơn giản nhưng hiệu quả miêu tả một bàn tay mở rộng đặc trưng cho logo của cửa hàng Democratie mang ý tưởng chủ đạo nói về người dân Paris. Thiết kế bởi Say What studio, hình ảnh này được sử dụng cho tất cả các sản phẩm liên quan đến nhận diện thương hiệu.
03. Kể một câu chuyện bằng hình ảnh
Thiết kế kiểu Pháp thường kể một câu chuyện hoặc tường thuật bằng hình ảnh thay vì truyền đạt một thông điệp được mã hóa. Chắc chắn, những sự sắp xếp trực quan luôn là một phần quan trọng của thiết kế đồ họa kiểu Pháp, điều mà tất nhiên hợp với việc nhấn mạnh vào hình ảnh và minh họa và mong muốn tiếp cận bằng hình ảnh. Một câu chuyện bằng hình ảnh Một câu chuyện bằng hình ảnh sẽ thu hút khán giả và buộc họ phải xem hình ảnh lâu hơn để diễn giải thông điệp.
Maïté Franchi đã minh họa chiến dịch này cho Eurostar để khuyến khích phát triển thành phố Lyon, Pháp. Xe lửa nằm ở vị trí dễ nhìn thấy nhất - trung tâm của bức ảnh, xung quanh là phong cảnh, địa địa danh kiến trúc, và tất nhiên là ẩm thực và rượu vang. Vive la France (Nước Pháp muôn năm!)
Bằng cách sử dụng bút mực dạng gel, Fiodor Sumkin đã minh họa quyển tạp chí doanh nghiệp này cho Nike để kể một câu chuyện bằng hình ảnh về quá trình sử dụng / tái sử dụng của công ty. Nó kết hợp kiểu chữ, hình ảnh và hoa văn chi tiết.
04. Tránh những lời sáo rỗng
Khi đề cập đến quảng cáo sản phẩm, các nhà thiết kế người Pháp, giám đốc nghệ thuật và nhà viết quảng cáo luôn thúc đẩy bản thân trong việc tìm ra những cách mới để trình bày ý tưởng và tiếp cận khán giả. Đồng nghĩa với việc tẩy chay những hình ảnh sáo rỗng và các ý tưởng được ‘xào lại’. Thay vào đó, họ sẽ tìm ra các khái niệm hình ảnh mới và sáng tạo để gây ảnh hưởng và thách thức người xem về mặt trí tuệ.
Volkswagen được biết đến bởi những chiến dịch quảng cảo mang tính biểu tượng và đáng nhớ, và trong nhiều trường hợp những chiến dịch quảng cáo này không hề có hình ảnh của một chiếc xe nào cả, như điều mà hầu hết những thương hiệu xe khác vẫn thường làm. Thay vào đó, Volkswagen dựa vào danh tiếng của họ, lời quảng cáo sắc bén, và ý tưởng được xem xét kỹ lưỡng để tạo nên ảnh hưởng.
Nhà thiết kế và nghệ sĩ hình ảnh Maud Vantours ưu tiên sử dụng giấy - là một trong những vật liệu cô yêu thích nhất khi dựng nên các tác phẩm. Cô gấp, cắt và đan giấy để tạo nên những họa tiết lấy cảm hứng từ không gian và kết cấu. Ở đây, cô dùng giấy loại rẻ để trình bày những cái túi xách tay sang trọng.
05. Dùng hình ảnh phá cách
Dùng những hình ảnh không theo quy ước chắc chắn là một cách tránh những lời sáo rỗng và người Pháp rất giỏi trong việc phá cách, đây là lý do vì sao họ thường đi đầu trong xu thế và thời trang. Hợp nhất một bức ảnh hay tranh bằng cách trừu tượng nó hoặc trình bày nó theo một cách khác có thể thách thức nhận thức của khán giả và thu hút sự chú ý của họ.
Avant Post thiết kế áp phích và sổ thông tin cho Nhà hát Salins ở Martigues mùa 2015/16, với ảnh chụp bởi Samuel Guigues. Mỗi tấm áp phích và sổ thông tin được dựa trên bốn mùa - xuân, hạ, thu, đông - có in một bức ảnh bao gồm những đồ vật biểu trưng cho mỗi mùa tạo nên.
Cần vài lần quan sát để xem bức ảnh này là gì, nhưng một khi bạn nhận ra được, đây là một bức ảnh vô cùng đầy chất xám và nghệ thuật. Studio My Name is Wendy, đã làm cho những trang sách xuất hiện như một cây cọ lớn cho một loạt áp phích quảng cáo Les Livres de Mallarmé (Những quyển sách Mallarmé)
Tác phẩm điêu khắc, Set design (thiết kế sắp đặt cảnh trí) và ảnh chụp - tất nhiên cộng với thiết kế đồ họa - dùng để tạo nên bìa của Alexandra Bruel cho tạp chí Fricote. Xuất bản với tựa đề “Epicurien Urbain”, một quả trứng được trình bày với lòng đỏ được tạo hình như một kim tự tháp cổ đại.
06. Dùng kiểu chữ nghệ thuật
Tất nhiên, ý tưởng không tuân theo quy ước cũng mở rộng ra đến biến tấu cho kiểu chữ, được xem như là một cách để thử nghiệm, khám phá hoặc nâng cao câu chuyện bằng hình ảnh qua chữ cái và từ. Điều này mang lại hiệu ứng tăng sự độc đáo, nghệ thuật, tính tinh xảo cho tác phẩm khi những thí nghiệm và khám phá kiểu chữ này có thể là những việc chỉ diễn ra một lần duy nhất.
Tấm áp phích này được thiết kế bởi Catherine Zask. Người xem có cảm giác như chữ và ảnh hòa quyện thành một. Vẻ ngoài trông thật hoang dại và bất thường, và cũng hợp lý vì nó đang quảng cáo cho một buổi trình diễn mang tên Concert Sauvage.
Đây là bìa cho Redux bởi Paul & Martin đã tạo nên một cách đáng kinh ngạc hoàn toàn bằng tay. Một chất liệu như gel đã định hình nên tựa đề của tạp chí, thêm vào độ sâu và chiều không gian và làm biến dạng nền sọc phía sau.
07. Sử dụng hình ảnh bị biến dạng
Các thử nghiệm cũng được áp dụng cho hình ảnh để làm biến đổi hình dạng và không gian. Việc này bổ sung thêm một lớp diễn dịch cảm xúc, trí tuệ và hình ảnh với những thiết kế khá đơn giản, đòi hỏi khán giả phải tương tác với hình ảnh để hiểu ý nghĩa hoặc thông điệp của nó.
Đối với Festival de la Photo Ratée (nghĩa là “bức ảnh hỏng”) Laura Normand đã trừu tượng một bức ảnh đầu của một phụ nữ, chủ yếu là cắt lát thành dải ngang và định vị lại những dải đó để tạo ra hình ảnh lệch lạc của đầu và mặt.
Formes Vives đã tự gọi mình là “một studio thiết kế đồ hoạ chính trị, hoàn hảo đến không tưởng, và tận tâm” làm việc cùng với một nhóm nhà thiết kế. Ảnh bìa này cho báo Le Travail A (‘The Work’) là một ảnh chụp gồm các công nhân ở một quốc gia thuộc thế giới thứ ba (gọi nhóm các quốc gia không liên minh và không liên quan đến cả hai phe trong cuộc chiến tranh Lạnh), ảnh chụp như bị làm nhòe hoặc phủ sơn một cách vô tư.
Thiết kế bởi Twice Studio, một mặt của sổ thông tin cho La Gaîté Lyrique là một kiểu chữ cứng nhắc, trong khi mặt kia là ảnh chụp cận cảnh của những cây cọ, màu bị nhòe, hoặc những dạng khác của tác phẩm sơn màu.
08. Lấy cảm hứng từ những tác phẩm nghệ thuật
Nước Pháp có một tiêu chuẩn vĩ đại về nghệ thuật, nên có thể hiểu được việc các nhà thiết kế lấy cảm hứng từ những nghệ sĩ nổi tiếng, những kiệt tác vĩ đại, và những phong cách nghệ thuật nổi trội. Không nghi ngờ gì khi điều này bổ sung tài nguyên văn hóa vào một tác phẩm, sắp xếp các mảng thiết kế đồ họa với di sản nghệ thuật Pháp cũng như khuyến khích người xem đặt tác phẩm vào khuôn khổ nghệ thuật rộng hơn.
Henri Matisse là một tham khảo rõ ràng cho tác phẩm này bởi Avant Post. Phong cách bằng phẳng, mô-típ giống cây lá, và màu sắc tươi sáng gợi nhớ đến những tác phẩm nổi tiếng của Matisse.
Trong khi tác phẩm của Violaine & Jérémy có thể rất phá cách và không thể tìm thấy trong tác phẩm nào trước đây, đây vẫn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo với một sự tập trung vào màu sắc và sử dụng màu nước, cũng như các sắc tố và loại mực khác, để tạo ra một loạt các âm giai nửa cung (âm nhạc).
09. Kích thích phản ứng cảm xúc
Thiết kế đồ họa của Pháp tạo ra mối liên kết với khán giả bằng cách kích thích phản ứng cảm xúc. Điều này có thể thông qua hình ảnh, văn bản hoặc ý tưởng tổng thể và bằng cách truyền tải thông điệp kích thích tư duy hoặc sử dụng hình ảnh gợi lên tâm trạng hoặc cảm xúc nào đó. Mục đích là làm cho người xem suy nghĩ về thông điệp sâu sắc hơn hoặc bối cảnh rộng hơn của tác phẩm.
Động vật luôn là một cách chắc chắn để gây cho khán giả những cảm xúc mãnh liệt, nhưng thậm chí nó còn tạo được hiệu ứng mãnh liệt cho Quỹ Phúc lợi Động vật Quốc tế phi lợi nhuận. Một ý tưởng thông minh của Young & Rubicam khi một con đười ươi được in 3D và một câu khẩu hiệu “Không dễ để tạo nên tất cả mọi thứ”.
Ai lại không sợ một con sói to lớn và xấu xa? Sói gần như luôn đóng vai phản diện trong các câu chuyện cổ tích và văn hoá dân gian, và đây Yeaaah! Studio đã đã sử dụng hình ảnh con sói vẽ tay trước và trung tâm trên tấm áp phích cho Damage Festival âm nhạc thay thế ở Paris.
Năm 2001, M / M Paris đã tạo ra một kiểu chữ đặc biệt mang tên ‘The Alphamen’ cho ấn phẩm đầu tiên của tạp chí VMan. Ảnh chụp bởi Inez van Lamsweerde và Vinoodh Matadin, bảng chữ cái biến dạng, thao túng khuôn mặt và thân hình để tạo ra một hình ảnh kiểu chữ đầy mạnh mẽ.
10. Tạo ra một cuộc đối thoại
Không chỉ riêng ở Pháp, bất cứ đâu cũng vậy - mục tiêu của thiết kế đồ hoạ đó chính là chiếm được cảm tình và tâm trí của người xem. Pháp là nước có nền văn hóa nổi tiếng vì niềm đam mê và trí tuệ, việc tạo ra một cuộc đối thoại trong thiết kế sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu đó. Tất cả những hình ảnh, lời nhắn, quá trình lặp lại trong thiết kế có thể được sử dụng để khuấy động cảm xúc, tạo điểm nhấn vào những vấn đề trọng tâm, và đưa ra những câu hỏi về thực trạng hiện tại.
Trong loạt áp phích của mình, “Thành phố của những người Khiếm thị”, Laura Normand đã đặt ra câu hỏi làm thế nào để truyền tải cảm giác của một người khiếm thị - một người luôn cảm nhận thành phố thông qua mớ tiếng ồn hỗn độn và sự chuyển động không ngừng nghỉ. Cuối cùng ta có tác phẩm là một bức tranh màu xám, được chia tách thành nhiều điểm ảnh nhỏ, tượng trưng cho sự suy giảm về mặt thị giác, kèm theo đó là những chữ nổi Braille (bảng chữ dành cho người khiếm thị) màu đỏ sáng chói phủ trên bề mặt tác phẩm.
>>> Vẽ tay với thiết kế đồ họa
>>> Thiết kế đồ họa: Hình tròn