Hình thể, Không gian và Cái nhìn
[Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình] (Phần 8)
Chương 1: ĐỐI DIỆN VỚI KỸ THUẬT TẠO HÌNH:
Các loại dấu vết và nội dung
1-II Những dấu vết vẽ và Nội dung tự nhiên
Những bài tập đầu tiên của chúng ta hướng tới việc rèn luyện các kỹ thuật vẽ. Còn bây giờ, chúng ta phải vật lộn với một yếu tố khó nắm bắt hơn rất nhiều: làm sao để các thành tố tạo hình có thể định hình và truyền đạt được tư duy và cảm xúc. Thông qua những bài thực hành này, chúng ta sẽ thực sự tin vào các hiện tượng cảm giác vận động. Bởi vì trong khi triển khai bài vẽ, ngay cả những thay đổi nhỏ nhất trong tư thế cũng sẽ bộc lộ - cho dù đó là sự xê dịch sức nặng cơ thể khó lòng nhận ra từ phía chân này sang chân bên kia, hoặc sự thả lỏng trạng thái căng cơ của ngón tay út - dẫn đến một thao tác vẽ đáp ứng tốt hơn ý định trong tâm trí.
Giao cho sinh viên một loạt bài tập được lên kế hoạch từ trước chưa chắc đã truyền được cảm hứng cho sinh viên để họ phản ứng theo cách riêng của họ [một cách tốt nhất]. Thông thường, một bức vẽ là kết quả của một nhu cầu riêng. Vì vậy, tất cả những gì chúng ta thực hiện ở đây, may lắm thì cũng chỉ cố gắng mài sắc lòng khát khao của người học vẽ.
H 1.26 - H1.27
H 1.28
A. Nét vẽ tự do - sự biểu cảm
Bây giờ bạn sẽ thử kiểm tra xem liệu bạn có thể vẽ ra được một loạt các đường nét có liên quan về mặt tạo hình với những cảm xúc nảy sinh nhân tạo và bình dị hay không. Cảm giác mạnh và tâm trạng/khí thế dữ dội là những trạng huống phát triển trong diễn tiến cuộc sống chứ không phải trong quá trình làm việc với sách vở. Cho nên bạn sẽ bắt đầu bằng cách cố gắng biểu đạt những cảm xúc nhẹ nhàng - những cảm xúc có thể nảy sinh nhờ nỗ lực đồng nhất chúng với những tình cảm riêng được ấn định theo từng phần trong bài tập này. Nếu bạn có thể “rơi vào tâm trạng”, cứ cho là như vậy, những ứng phó xảy ra trong lúc bạn vẽ sẽ có cơ hội tương thích với tình cảm của bạn theo cảm giác vận động. Khi loạt bài vẽ đầu tiên này hoàn thành - những bài dựng hình bằng các đường nét thể hiện nỗi buồn hay niềm hân hoan trong đó – bạn cần tiếp tục bài luyện kế tiếp để chứng tỏ những hiệu quả sáng tác trong tình huống thân thể chuyển động một cách tự nhiên. Hầu hết mọi người đều lắc lư cơ thể theo nhạc, vì vậy bạn hãy thử vẽ trong khi nghe nhạc. Sau đó, bạn sẽ ý thức được tính tự phát trong cảm giác xảy ra như thế nào trong sự vận động cơ thể và sự vận động cơ thể đó chuyển hóa thành diện mạo bức vẽ ra sao theo cảm giác vận động. Về sau, khi vận dụng những cách vẽ phức tạp hơn, bạn sẽ thấy rằng việc tiết chế/ngăn chặn xu hướng Biểu hiện biểu cảm lọt vào tác phẩm nghệ thuật là khó khăn đến chừng nào, bởi lẽ cảm xúc vẫn thường bộc lộ đáng kể khi ta ngồi xuống để viết, soạn nhạc, hoặc vẽ.
H 1.29
H 1.30
Vì loạt bài vẽ ban đầu đã cho bạn làm quen với những dụng cụ vẽ khác nhau, có lẽ ở đây không nhất thiết phải quy định rõ dụng cụ nào thì dùng cho bài vẽ nào. Sử dụng bút sắt hay bút lông, khúc cành cây hay chì mềm … đều tùy theo nhu cầu bạn cảm thấy là cần thiết. Nhưng đừng quên rằng mỗi động tác di hay nhấn dụng cụ vẽ theo chiều thẳng đứng, chéo góc, hay nằm ngang đều có một tác dụng quan trọng [riêng], vì với mỗi hướng bạn cần một kiểu vận động cơ thể khác, một lối xoay chuyển cánh tay, cổ tay, bàn tay khác, và một áp lực tiếp xúc khác tác động lên bề mặt bức vẽ.
Bản chất công việc như sau: Bạn thực hiện các đường vẽ trên sáu trang giấy, mỗi trang sẽ truyền đạt một tâm trạng - cảm xúc khác biệt. Đầu tiên: vẽ ra các đường nét biểu đạt sự tĩnh lặng. Cố gắng thả lỏng và giữ cho áp lực đều như nhau từ điểm khởi đầu cho đến chỗ kết thúc trong từng đường vẽ. Tránh những thay đổi hướng có góc cạnh, để sự vận động của bút sắt hay bút lông trôi chảy nhịp nhàng, uốn lượn [mềm mại]. Trên hình 1-26 ta thấy đặc tính tự do của các nét vẽ theo lối đó; chúng đều đều và bình thản với những gợn sóng không hề vội vã trên bề mặt. Có thể gọi đấy là những đường vẽ điềm đạm; mỗi đường đều có độ dày và sắc độ như nhau. Chúng di chuyển ngang qua mặt giấy một cách rõ nét, không hề bị rối, gợi ra một vẻ bình yên trong tâm trạng, một trạng thái tĩnh lặng và vô tư lự trong trí óc.
Bây giờ, ngược hẳn lại, bạn hãy thử vẽ ra trên một trang giấy những đường nét biểu đạt sự âu lo. Ở đây không còn sự thả lỏng mà sẽ là bồn chồn, căng thẳng, là khám phá kiểu động tác và xúc giác nào chịu trách nhiệm chuyển tải tình trạng [tâm lý] đó. Ở H. 1-27 ta thấy đầu bút dạ đã giật đi giật lại đầy lo lắng trên bề mặt giấy, đôi lúc bị ấn mạnh, rồi có lúc lại nhẹ như không. Sự chuyển động trở nên góc cạnh, nét bút lướt đi khá rời rạc, các nhịp điệu không đều và không thể đoán trước được. Tất cả những yếu tố thuộc cảm giác vận động này và kết quả tạo hình của chúng cho thấy một sự tương phản với cái mà chúng ta vẫn thường gọi là tĩnh lặng.
Tiếp tục, bạn hãy thử vẽ lên một trang giấy bộc lộ cho được tâm trạng nổi bật nhất là sự buồn rầu, và nên lưu ý: sự phức tạp của cảm xúc đòi hỏi bạn sử dụng những dụng cụ vẽ khác nhau. Trong H. 1-28 người vẽ đã sử dụng cả bút lông lẫn bút sắt chuyên dụng trong thuật viết chữ đẹp nhằm tạo ra độ tương phản mạnh nhất có thể thông qua sức nặng của đường nét. Những mảng đen đặc (thật ra chúng không phải là đường nét) co lại dần và trôi ra thành những mạch sắc ngọt, thưa thớt. Hướng chuyển động là đi xuống và xoay ngang. Các đường nét - giống như cảm xúc – không thể dâng lên.
Tuy nhiên, vẽ nên những đường nét thể hiện niềm hân hoan lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Bằng cách thay đổi áp lực lên ngọn bút lông (hoặc bút sắt) và góc xiên, ta có thể vẽ được các nét lúc đầu thon mảnh rồi bốc lên, nở ra và thu lại đầy vẻ ngây ngất, mãn nguyện trong quá trình đi lên. Bạn sẽ thấy ở H. 1-29 những đường vẽ giàu sinh lực di chuyển theo trục dọc - những cảm xúc sôi lên và dâng tràn qua những vũng mực căng nở đột ngột ngõ hầu bắt kịp những đỉnh điểm khoái hoạt. Với những đường nét này, bạn cần thường xuyên nắm bắt những chuyển biến đòi hỏi có sự kiểm soát/điều khiển dụng cụ vẽ theo xúc giác và độ đặc hay loãng của màu pha. Mức độ nhấn bút và sự chuyển động từ cánh tay tới cổ tay phải thay đổi liên tục; bút lông hay bút sắt sẽ xoay và vặn trong khi di chuyển trên mặt giấy. Bạn cũng có thể khám phá được rằng những xung nhịp cảm xúc thông thường, trung tính rồi sẽ làm thay đổi sự chuyển vận [của dụng cụ vẽ/nét bút] khi bạn bắt đầu có phản ứng [nhạy] với yếu tố kích thích xúc cảm trong từng đường nét hiện ra trước mắt mình. So sánh bằng mắt những đường vẽ này với những đường ở H. 1-28 sẽ thấy rất rõ rằng: một bên bảo “tôi đang cảm thấy chán nản”, còn bên kia thì nói “hôm nay sao tôi sung sướng thế”.
Sau cùng, bạn vẽ trên hai tờ giấy cuối, và cũng như trước, chúng có sự tương phản rõ rệt với nhau. Thái độ lạc quan và tính bi quan là những cảm xúc khó ‘xử lý’ hơn, bởi vì những trạng thái tình cảm này kém thuần chất và kém bộc trực hơn so với những cảm xúc mà trong những tờ giấy trước bạn đã cố gắng biểu đạt. Tư duy bị lôi cuốn vào trực tiếp hơn; mỗi trải nghiệm trở thành một kiểu đan kết quan điểm/dáng điệu phức tạp bao gồm tư duy và cảm xúc, chuẩn bị cho một tâm trạng khẩn thiết và lan tỏa khắp nơi. Hình 1-30 cho thấy một phản ứng trực tiếp đối với [bài vẽ thể nghiệm nhiều] thách thức này: người vẽ đã tìm ra cách vẽ những đường nét tương thích với thái độ lạc quan cần biểu đạt. Một khúc cây to có đầu vót hình lưỡi đục sắc đã được sử dụng. Nó được nhúng vào mực rồi bắt đầu hành trình của mình, xuất phát từ cạnh đáy của tờ giấy dài và mảnh; khúc cây được xoay giữa những ngón tay để bề ngang đầu vót của nó áp hết cỡ vào giấy khi quành lại và thắt thành đường vòng. Luân phiên xoay đầu ‘bút’ hình lưỡi đục từ cạnh sắc sang cạnh tầy, vạch ra một đường ngoằn ngoèo với những khúc cua rộng phóng túng trước khi đột ngột hạ xuống như thể sẽ bắt đầu một hành trình mới.
Tính bi quan lại được biểu đạt theo một cách khác ở H. 1-31. Tại đây, bút lông, bút sắt và giấy thấm đã được sử dụng để tạo ra những nét vẽ dường như lúc nào cũng rất mất tự tin – không hề có sự dứt khoát. Khi tẩm thêm nước vào nét, nó tản ra, mất động lực, và trong chốc lát mất đi cảm giác định hướng. Nét vẽ quanh co, xiên vẹo và liên tục quặt lại, đè lên chính nó cho thấy tính chất bất thường - một sự do dự dễ biến thành thất vọng trong xúc cảm mà ta gọi là tính bi quan. Đây chính là trường hợp áp dụng có hiệu quả những bài học rút ra từ loạt bài luyện vẽ đầu tiên. Người vẽ đã thể nghiệm các loại mực vẽ lẫn các loại dụng cụ. Tạo ra một đốm sũng nước trên lộ trình mà nét vẽ sẽ đi qua, rồi sau đó đưa bút sắt đi qua đám ẩm ướt đó. Lại lấy bút lông đã thấm mực vạch một nét vẽ đi qua một khu vực đã được làm ẩm bằng miếng bọt biển. Rồi dùng bọt biển xoa vào nét vẽ, cốt để làm khuếch tán chất mực. Lại lấy một bút lông khô, khéo léo vạch ra thật nhẹ nhàng một nét vẽ gợi tả. Thế là hình vẽ đã được hoàn tất sau một loạt các cung bậc phối âm bằng đường nét.
Chú ý quan sát với niềm hy vọng tràn đầy trong khi thực hiện những bài luyện vẽ này, bạn sẽ thấy sự trình bày tạo hình càng phong phú và càng đa dạng thì tác phẩm sẽ có nội dung càng hấp dẫn hơn về mặt tâm lý. Vì thế, bạn cần tiếp tục thể nghiệm và thử tạo ra những chuyển động mới với những dụng cụ khác nhau. Để có những khám phá riêng, không ai có thể làm thay cho bạn được. Chẳng hạn, khi bạn hiểu rõ hơn về các chất màu, khi bạn thay màu mực bằng màu sơn, và khi bạn trưng dụng những dụng cụ vẽ mới, thì sự tò mò muốn thử nghiệm và xem điều gì diễn ra trên trang giấy trở nên tối cần thiết. Khảo sát tỷ mỷ kỹ thuật vẽ này - trong tất cả các ví dụ đã nêu - nhằm khám phá cách biểu đạt cảm xúc tốt nhất chắc chắn là việc cần thiết. Và cho dù điều đó có vẻ hiển nhiên, tôi vẫn thấy cần lưu ý các bạn một sự thật rằng hướng di chuyển của các đường nét có liên quan mật thiết với năng lực biểu đạt của chúng: chuyển động thẳng đứng diễn đạt một sức sống nào đó của cảm xúc; chuyển động chéo – lên xuống lưỡng lự giữa phương thẳng đứng và phương nằm ngang – thì kém tích cực hơn; chuyển động nằm ngang tự nó gợi ra trạng thái tĩnh và đơn điệu, một nhịp điệu đều đều trong xúc cảm; và chuyển động hướng xuống dưới ngụ ý một tinh thần nặng nề và buồn bã: có điều gì đó nghiêm trọng trong cảm xúc.
Thậm chí còn hiển nhiên hơn song vẫn đáng lưu ý, đó là tầm quan trọng của tính chất cấu trúc trong đường vẽ: cấu trúc khung xương cong hoặc cấu trúc góc cạnh. Cấu trúc khung xương cong mang lại cảm giác thanh bình, còn cấu trúc góc cạnh thích hợp cho việc thể hiện tính khí âu lo, căng thẳng, bồn chồn.
B. Nét vẽ tự do - nhận thức về nội dung biểu cảm tăng lên trong cảm giác vận động
Những nét vẽ theo lối vận động tự do mặc nhiên đem lại một nhận thức trong tâm trí người xem về loại hình của động tác vẽ đã tạo ra chúng. Xem lại những trang giấy bạn đã vẽ, sẽ không khó hồi tưởng trong ký ức bạn những phản ứng của cơ thể khi bị cảm xúc kích thích trong mỗi bài luyện tập. Chính sự hiển hiện rõ ràng nhân tố cảm giác vận động này góp phần làm nên sức hấp dẫn của Hội họa Biểu hiện. Trong những trang tiếp theo của vở bài tập tự luyện, bạn sẽ khai thác yếu tố động tác trong lúc vẽ; bạn sẽ ý thức được mối liên kết của ngôn ngữ cử chỉ với tác nhân kích thích và ghi nó lại bằng bút sắt, bút chì, hay bút lông – giống như máy ghi địa chấn vậy.
Có một cách thử nghiệm điều này cũng hay, đó là bạn hãy thử xem phản ứng trực tiếp của các nét vẽ tạo hình đối với âm nhạc ra sao. Các hình 1-32 và 1-33 cho thấy hai đường nét được vẽ ra trong khi người vẽ hưởng ứng với âm nhạc. Trên H. 1-32 ta thấy độ nặng không thay đổi và trôi đi đều đặn theo phương ngang của nét vẽ theo một hướng - ứng với lúc người vẽ hưởng ứng một vài nhịp trong nhạc phẩm La Mer (Biển) của Debussy, một tác phẩm có lực độ âm nhạc khá là uyển chuyển và hiền hoà. Trái lại, hình dáng đa hướng của đường nét ở H. 1-33 là kết quả phản ứng của người vẽ khi nghe một trong số những đoạn nhạc náo động hơn từ tác phẩm Russian Easter Overture (Khúc dạo đầu “Lễ hội Phục sinh Nga”) của Rimsky - Korsakov. Ở đây, những lực độ âm nhạc không hề êm đềm. Âm thanh bừng lên mạnh mẽ ở những đỉnh điểm nổi bật theo phương thẳng đứng rồi chợt lắng dịu trong sự tĩnh lặng kéo dài theo phương ngang. Kết quả là một đường vẽ có các góc tạo nên bởi những thay đổi đột ngột hơn về hướng so với những đoạn cong của nó, lúc lên cao, khi xuống thấp; chỗ này thì nặng nề, chậm, và vang vọng, còn chỗ kia lại thanh mảnh, nhanh, vút cao. Điều thú vị là bạn sẽ thấy lực độ âm thanh đã được chuyển thành ngôn ngữ tạo hình tương ứng một cách trung thực ra sao. Cứ thế, rồi bạn sẽ có kinh nghiệm thị giác hữu ích [khi luyện vẽ và xem lại các đường nét ghi lại phản ứng với âm thanh].
H 1.31
H1.32
H 1.33
Chọn nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, tuỳ theo ý thích, và hãy chìm đắm vào nhịp điệu cùng tâm trạng trong khi bàn tay bạn – như chiếc máy ghi âm của cơ thể - mô tả lại bằng tạo hình trên trang giấy loại đường nét phản ánh sự hưởng ứng bằng cơ thể của bạn. Các hình 1-32 và 1-33 đại diện cho những hưởng ứng vụn vặt với âm thanh - chỉ một hoặc hai nhịp là cùng. Trái lại, ở H. 1-34 bạn sẽ thấy một kết quả của sự cuốn hút trong vòng 5 phút với bản nhạc Hebrides Overture (Khúc dạo đầu của Hebrides) của Felix Mendelssohn. Bạn hãy thử xem mình có thể duy trì hành động vẽ kiểu đó được bao lâu trước khi phản ứng tự phát trong vận động không còn nữa, hoặc là trước khi các nét vẽ đã kín đặc trang giấy.
C. Nét vẽ tự do – cuộc tấn công trừu tượng với nội dung biểu cảm
Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang thế tấn công – tôi muốn nói điều này theo đúng nghĩa đen đấy. Hai thái cực thuộc kinh nghiệm cảm xúc mà đa số chúng ta đều biết trong cuộc sống của mình là những trạng thái trung tính, thờ ơ, không can thiệp và những trạng thái liên đới trực tiếp hoặc có cảm giác mạnh. Những bài vẽ trước đã khảo sát tỷ mỉ hành động hay sự đụng chạm cụ thể đã tạo ra các đường nét gắn liền với những cảm giác ở đâu đó giữa những thái cực này. Nhưng bạn vẫn chưa thử khuấy động một cuộc tổng tấn công - một hành động tương ứng với cảm giác mạnh và chốc lát, và tờ giấy trở thành chiến trường đón nhận những trận tấn công của những phấn chấn đó. Tất nhiên, những tình huống vẽ như thế - những tình huống mà chúng ta dự kiến sẽ là những bài luyện tập - rõ ràng có tính nhân tạo. Cũng như tôi đã đề cập trước đây, bạn sẽ chỉ phấn chấn thật sự trong những cảm xúc đắm chìm trong nghệ thuật mỗi khi bạn vẽ một cách tự do và tự nhiên, cho bản thân, phản ứng trực tiếp với chính cuộc đời.
Trong bất cứ trường hợp nào, hãy cố gắng khích động bản thân để vẽ ra một trang giấy gồm những đường nét [bằng hành động] tự do, gợi ra sức mạnh và sự khẩn thiết trong một niềm say mê thôi thúc. Hãy tưởng tượng bài luyện vẽ này là một cuộc “tấn công”, vì đây là cách duy nhất để khơi dậy một cách nhân tạo những đường nét và các dấu vết như thế. Bạn có thể sử dụng bút lông, tất cả các loại bút sắt, các cành cây nhỏ, rồi có thể đưa vết bút theo chiều ngang từ bất kỳ hướng xuất phát nào. Khi vẽ, bạn hãy làm nổi bật sự tương phản giữa nét vẽ với lực đẩy định hướng của nét, giữa các [đoạn cong có] góc nhọn với các [đoạn cong có] góc tù, giữa những chấm lấp láy bất ổn định và các nét đứt với những nét vẽ liền mạch. Áp lực mà bạn sử dụng sẽ gắn liền với mức độ kích thích cảm giác của bạn; tốc độ đi nét với nhịp điệu trong cảm giác; và các khoảng trống giữa các dấu vết sẽ chỉ ra mức độ dồn dập [hay thưa thớt] trong nhịp điệu của cuộc tấn công. Bạn nên dừng, nhưng không phải vào lúc thấy mãn nhãn rồi mà chỉ khi nào, trong cảm xúc, nhận ra hành động đã hoàn thành.
H 1.34
H 1.35
H 1.36
Nếu bạn làm bài tập này nghiêm túc, rất có thể bạn sẽ phát hiện ra rằng mọi loại đường nét mà mình đã vẽ ra trước đây đều hiện diện trong bài này. Sức mạnh biểu cảm của một hình ảnh trừu tượng (non-objective, phi vật thể) như vậy chắc chắn xảy ra. Có điều kỳ lạ là khi đối diện với nó ở H. 1-35, bạn sẽ nhận thấy rằng ngay cả học viên mới nhập học khi điều khiển một cách vô thức bút sắt và bút lông cũng tạo ra được một loạt các đường nét, từ nhanh, mảnh, và sắc cho tới chậm, nặng, và tày. Kết quả là có sự bùng phát của năng lực tạo hình sinh động và hứng khởi.
D. Nét vẽ tự do – cuộc tấn công có hình tượng khách quan với nội dung biểu cảm
Lúc này, để thay đổi, chúng ta hãy tách ra khỏi lý thuyết và làm việc với cuộc đời – với vật thể tự nhiên - để sự trải nghiệm trực tiếp bằng mắt sẽ cung cấp tác nhân kích thích cho cảm giác và “cuộc tấn công”. Hãy chọn một cái cây, mà theo con mắt của bạn, có hình thể sống động, rồi bạn ngồi xuống đằng trước nó. Quan sát cái cây một lúc để có “cảm nhận” thị giác về cấu trúc của nó, sau đó bạn hãy lao vào cuộc tấn công với mực, bút sắt, và bút lông. Bạn hãy cố gắng thực hiện một cách hoàn toàn tự phát, không vẽ phác trước và đừng thận trọng quá, sao cho trong khoảng 3 phút là bạn đã có một hình vẽ, phóng khoáng và càng quả quyết như H. 1-36 càng tốt. Như bạn có thể thấy, cái cây tạo nên sự kích thích có phần khách quan, mà thực sự hành động [vẽ] đã tạo ra đường nét “có tính chất cây”. Dù sao, về mặt tạo hình, hình vẽ nhanh có vận dụng nhiều loại đường và dấu vết khác nhau như thế này vẫn sống động hơn một hình ảnh biểu hình, mô phỏng, câu nệ các quy tắc thông thường và quá thận trọng về mặt kỹ thuật mang tính hàn lâm.
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 1)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 2)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 3)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 4)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 5)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 6)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 7)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 9)