Hình thể, Không gian và Cái nhìn
[Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình] (Phần 7)
Chương 1: ĐỐI DIỆN VỚI KỸ THUẬT TẠO HÌNH:
Các loại dấu vết và nội dung
D. Đường - độ nặng thay đổi và bất biến
Chắc hẳn bạn đã để ý và nhận thấy rằng: rất khó duy trì một áp lực tiếp xúc không đổi khi vẽ những đường này – có nghĩa là: một sự thay đổi nào đó là một yếu tố tự nhiên trong cảm giác vận động: Khi áp lực nhẹ, đường vẽ sẽ mảnh; còn khi áp lực nặng lên, đường vẽ sẽ phồng ra. Đặc điểm dày hay mảnh của một đường vẽ, theo ngôn ngữ tạo hình, xác định độ nặng của nó. Bây giờ, bạn sắp sửa khai thác có chủ ý tình trạng nặng nhẹ đó [của đường nét]. Bạn sẽ phát hiện ra rằng: bút lông, cành cây con với một đầu được gọt thành hình lưỡi đục, và đầu ngòi rộng bản của loại ngòi viết thư pháp chuyên dụng nhãn hiệu Sheaffer cho phép người dùng đạt tới độ linh hoạt cao nhất. Thao tác vẽ của bạn trở nên khoan thai và nhịp nhàng – nghĩa là bạn ấn ngòi xuống hay nhấc bút lên khỏi bề mặt tờ giấy giống như một kiểu gõ nhịp phách nào đó, và chỉ khi ấy, sự thay đổi tạo hình giữa dày và mảnh mới rõ nét. Ngoài ra, việc áp dụng kiểu vẽ có nhịp phách như thế buộc người vẽ phải điều khiển cây bút chắc tay hơn, khúc chiết hơn khi đưa lên hay hạ xuống.
Với cành cây nhỏ có đầu vót hình lưỡi đục hay bút sắt, tập xoay ngòi - từ cạnh sắc sang cạnh tù - khi di chuyển dụng cụ ngang qua mặt giấy, ngoài ra, phối hợp gia giảm áp lực. Cũng theo cách tương tự với bút lông, mặc dù ở đây đầu bút lông có thể bè ra khi ấn xuống mặt giấy để đột ngột phú cho đường vẽ một độ nặng lớn. Bạn nên thử với cả những đường đứt đoạn lẫn đường liền giống như ở H. 1-19. Sau này, bạn sẽ liên kết yếu tố độ nặng của đường vẽ với yếu tố vị trí của nó trong không gian; còn tại đây, vì bạn chỉ đề cập tới những thuộc tính tạo hình [sinh động] hoặc đồ họa, tôi xin gợi ý rằng bạn hãy quan sát xem: những sự biến đổi như thế ảnh hưởng trực tiếp đến vận tốc của các đường vẽ ra sao, đồng thời gây ra tương tác thị giác như thế nào giữa những chủ đề đường nét chính và phụ, [trưởng và thứ] trên trang giấy. Hơn nữa, cũng lưu ý xem những thay đổi độ nặng như thế đã biến tính thành “âm thanh” ra sao – khi chúng gợi nên những thay đổi về đặc tính của âm ... nhẹ, khoan thai, rung, cực mạnh ... Nhưng dù sao chăng nữa, hãy thể nghiệm như ý bạn muốn. Thêm một ý kiến: bạn hãy thử dùng một ngón tay nhúng vào mực, rồi xoay nó để kéo móng tay từ từ; sau đó, bạn sẽ thực sự cảm nhận được độ nhạy cảm xúc giác đối với chất màu và bề mặt.
H 1.19
H 1.20
E. Đường - sắc độ trong mối quan hệ với sắc thái sáng và tối của chất màu
Để làm sáng lên một loại mực vẽ đen hoặc nâu đỏ đậm đặc thì tương đối dễ, chỉ cần pha loãng chúng với nước. Việc này có thể được thực hiện bằng cách nhúng đầu bút lông chứa mực đậm đặc vào một vũng nước nhỏ đọng trên một miếng giấy vụn lớn, sau đó để có được sắc độ sáng (hoặc tối) thích hợp thì bạn quệt thử bút ra ngoài [chỗ giấy trống] với nhiều nước hơn (hoặc là pha thêm một chút mực nguyên chất vào). Ở đây, việc duy nhất bạn phải làm là phủ các đường vẽ lên trang giấy, thay đổi theo sắc độ từ đen (hay nâu) sẫm cho tới độ sáng nhất của sắc thái mà ta có thể pha được. Có nhiều cách thay đổi sắc độ của đường: có thể vẽ thẳng từ lọ đựng mực xuống trang giấy; pha loãng khi cần thiết từ một cái đĩa nhỏ đựng nước hoặc từ các sắc thái đã pha được trên miếng giấy vụn. Tuy nhiên, tôi thấy phương pháp sau đây cho kết quả tốt nhất: bắt đầu trực tiếp ở bất kỳ vị trí nào trên trang giấy với bút lông, bút sắt, hoặc đoạn cành cây nhỏ đã nhúng mực, kéo đường vẽ dài ra vài cm, sau đó, rưới vào điểm kết thúc chuyển động [hay là điểm dừng cuối cùng của đường] một giọt nước nhỏ ra từ một đầu bút lông sạch. Đường vẽ lập tức sẽ khuếch tán rồi loang ra, và sắc độ của chất màu sẽ sáng lên. Nhưng bạn không dừng lại ở đó: hãy tiếp tục di chuyển bằng cách kéo chỗ màu loang ra xa điểm dừng cuối đường đó, rồi lấy thêm mực vào bút sắt hoặc bút lông, lại kéo dài nó thêm một lần nữa thành một đường vẽ chắc chắn, dứt khoát. Bạn có thể lặp lại tiến trình này với một đường vẽ nguyên thủy trên toàn bộ trang giấy. Hay là, chấm một ít giọt nước bằng bút lông nhúng nước ngẫu nhiên trên khắp bề mặt, sau đó kéo một đường ngang qua một cách mau lẹ, rồi quan sát xem điều gì xảy ra. Bạn hãy tự phát minh ra cho mình những phương pháp can thiệp vào sắc độ của chất màu trong khi đường vẽ di chuyển; và hãy thay đổi với tất cả các dụng cụ vẽ có thể sử dụng. Nếu nghiên cứu kỹ H. 1-20, có thể bạn sẽ nhận ra các sắc độ sáng và tối khác nhau đã được thực hiện ra sao.
H 1.21
F. Điểm - những đặc điểm cụ thể
Điểm là dấu vết hình thành trước tiên ngay khi dụng cụ vẽ chạm vào bề mặt rồi nhấc lên mà không kéo dài [vết] thành đường; Nó khởi xướng diễn biến của một hành động vẽ, đều đặn hay không đều, giống như một xung [kích hoạt]. Chúng cũng khớp nối và tạo nên cấu trúc của hình dạng khoảng trống theo một trạng thái hình - nền. Khi nó bày tỏ động tác vẽ, điểm có thể xuất hiện như là kết quả của một hành động tự do hoặc một tình thế chính xác có chủ ý. Cả hai đều cần thiết cho việc lập ra bảng phân loại các dấu vết mang đặc trưng của điểm ở trong phần bài tập này. Hình 1-21 minh họa bảy khả năng tạo hình để tạo ra điểm: điểm nhỏ, điểm tròn, điểm vuông, điểm tam giác, điểm do ấn nhẹ bằng bút lông ráo mực, điểm hình thành tự do trong trạng thái ướt, và điểm có lõi trung tâm nở ra.
Điểm nhỏ được tạo ra bằng đầu bút dạ hoặc bằng bút bi; toàn bộ 6 loại điểm còn lại nhờ vỗ nhẹ bút lông mà có hoặc dùng bút lông vẽ nên. Những dấu vết hình thành tự do trong trạng thái ướt và các vết có lõi trung tâm nở ra được tạo ra bằng cách phết mực đặc lên một diện tích giấy được làm ẩm từ trước; thủ thuật ở đây là cần bảo đảm một bề mặt vừa đủ khô để vết mực đặc loang nhẹ chứ không ào ra.
Sử dụng H. 1-21 như bản hướng dẫn để bạn tự làm cho mình một bảng phân loại các điểm, thêm vào bất cứ loại nào mà bạn tìm được nhờ những phát kiến cá nhân. Khi bản sơ đồ riêng của bạn hoàn thành, hãy giữ nó để tham khảo sau này. Rồi sẽ có lúc bạn có thể muốn vẽ như các họa sỹ của phái điểm họa (pointillism). Trường phái điểm họa nảy sinh từ trào lưu Ấn tượng trong những năm cuối thế kỷ mười chín. Đó là phương pháp vẽ tranh mà hình và nền được phát triển dần dần theo lối “khảm tranh” với các chấm màu do đầu bút lông tạo ra, rồi được điều tiết một cách thận trọng theo quan điểm chuyển sắc - cốt để đưa ra những thay đổi dần dần theo sắc độ màu - từ nhạt cho tới đậm. Các điểm màu có thể được bôi một cách rất máy móc tạo ra một bức tranh “chặt khít”, hoặc lỏng lẻo hơn để đạt tới một kết quả nói chung là phóng khoáng hơn. Bây giờ, trong những cách vẽ chúng ta sẽ thử, lối vẽ điểm họa buông lỏng cần hơn là lối vẽ [điểm họa] chặt chẽ.
H 1.22
G. Điểm - chỉ vẽ riêng với điểm
Tập hợp bút lông, những cành cây nhỏ, bút sắt, mực, và một cốc nước. Cần thêm một mảnh giấy thừa khổ rộng đặt ở chỗ thuận tiện để thấm hết mực thừa hoặc nước thừa từ ngọn bút lông. Sử dụng đủ số trang giấy cần thiết khi công việc đang tiến triển. Nên nhớ rằng, giờ đây bạn sẽ phải vẽ chỉ bằng các chấm hoặc điểm. Hãy hình dung ra một lùm cây non, cao, mảnh chỉ mới ra lá và đang được một cơn gió hiu hiu thổi từ trái sang phải. Chỉ sử dụng các loại điểm, thử tạo thành hình ảnh. Bằng bất cứ giá nào, cố gắng tránh lạm dụng phương pháp. Cứ để các sự vật gợi mở và thả lỏng, chỉ thiên về ám chỉ hơn là trình bày chặt chẽ, bởi vì đó là khía cạnh khó nắm bắt và dễ khơi gợi cảm xúc của cách vẽ điểm họa này - một lối vẽ mang lại vẻ quyến rũ riêng của nó. Hình 1-22 là một thí dụ về hành động vẽ tự do bằng các điểm theo lối vẽ như vậy. Trong một thoáng, những cái cây vẫn ở đó; thoắt cái, chúng lại biến mất. Tuy nhiên, nếu bạn quan sát qua cặp mắt lim dim, bạn có thể nhận thấy chuyển động lắc lư của chúng dễ dàng hơn. Dù sao, hãy đón xem bạn có thể làm được gì với hình ảnh nảy sinh trong đầu về một nhóm cây non đang nhảy múa, mềm mại vào một buổi chiều xuân.
H. Diện và chất màu - những đặc tính tự nhiên
Phần cuối trong loạt bài tập vẽ này là một bài khó hơn những bài trước. Trong phần này, bạn sẽ cố gắng củng cố tất cả những đặc điểm của hình dạng và chất màu, những cái đã được minh họa ở H. 1-5. Cách tốt nhất để chuẩn bị cho bài tập này là phải nghiên cứu H. 1-23 trong mối quan hệ với H. 1-5. Nói đúng ra, H. 1-23 là một bức tranh hơn là một bức vẽ (nhớ lại những khác biệt đã được định rõ như thế nào ở mục Định hướng?). Bài vẽ này của học viên được thực hiện theo chủ đề Cây cối, Trăng, và Hạt cây kế - nội dung chủ yếu là [người học vẽ] tự thích ứng với việc sắp xếp kế cạnh nhau các hình màu dạng khung xương và các mảng màu lan tỏa; sử dụng những bề mặt mờ đục, bề mặt được tạo chất, và bề mặt trong suốt; tự tìm ra phương cách thích hợp để triển khai thật ấn tượng các sắc độ sáng tối khác nhau của chất màu.
Bút lông và cành cây nhỏ được dùng để bắt đầu thiết lập các diện màu chính có vai trò xác định hình thức cốt lõi của bài vẽ, còn những dụng cụ để tạo ra các biến thể phẩm chất bề mặt, cấu tạo bề mặt, và độ sáng là hai miếng bọt biển, một ướt và một tương đối khô. Miếng bọt biển ướt dùng để làm khuếch tán những diện màu tối, trong khi miếng khô hơn điều khiển sự lan toả. Bằng cách ấn nhẹ miếng bọt biển khô, những phần mép của các bề mặt có thể bị kiệt màu và trở nên “mềm mại như lông”; lần lượt vuốt và ấn nhẹ chất màu trên khắp bề mặt bằng phần rìa của miếng bọt biển ẩm hơn, tạo thành cái nền có cấu tạo bề mặt như nền trời.
H 1.23
Tuy nhiên, những mô tả bằng lời ở đây vẫn bị hạn chế. Hãy tự nghiên cứu hình ảnh một cách kỹ lưỡng, rồi phán xét xem hiệu quả này hay ấn tượng kia đã được tạo ra như thế nào. Tiếp theo, thể nghiệm trên một vài mảnh giấy với bút lông và bọt biển; quan sát xem màu mực di chuyển ra sao khi quệt nước vào, làm cách nào để điều khiển sự loang ra của nó và nhờ vậy giữ lại được những chỗ trắng, và làm sao để tạo kết cấu các phần rìa cùng các bề mặt, làm sao thay đổi các sắc độ từ sáng chuyển sang tối, vân vân. Bắt đầu với đề tài Cây, Trăng, và Hạt cây Kế của riêng bạn với nhiều tin tưởng - hoặc chí ít thì cũng với một tinh thần thẩm tra thực sự, háo hức muốn tìm hiểu xem điều gì xảy ra trong khi bạn giải quyết các diện màu sáng tối.
BIỆN PHÁP TỐT NHẤT ĐỂ CỦNG CỐ BÀI TẬP VẼ (với các thành phần đường, điểm, và bề mặt) là tổng kết và rút ra những kết luận trực tiếp nhờ quan sát bằng mắt – một công cụ đánh giá không gì thay thế nổi. Để đạt được mục đích này, hãy khảo sát các hình H. 1-24 và H. 1-25 - những hình vẽ khá thích hợp, đại diện cho mẫu bài vẽ của thầy và trò. (Ở Nhật Bản, đặc biệt là trong thế kỷ mười lăm, đã có truyền thống thảo luận về các bài tập vẽ ngay từ giai đoạn học vẽ ban đầu của học viên).
H 1.24
Trong bức Tổ khúc Thiền 4 (H. 1-24) của Robert Kiley, tính tạo hình và sự trôi chảy trong các dấu vết quét bằng bút đã được khai thác triệt để, khiến cho bức vẽ giống như một bản giao hưởng: những bề mặt hơi mờ và mờ đục, hoặc đậm hoặc nhạt; các đường và các mép có phẩm chất và tốc độ thay đổi, rồi những điểm đánh dấu không gian hoặc là ngăn chặn và khởi đầu chuyển động - tất cả đều được thể hiện trên giấy với sự tự tin trong động tác và tiết chế trong phương pháp, có lẽ đúng như cái nhìn về kiếm thuật của một võ sỹ Samurai. Hãy nghiên cứu bức vẽ này một cách kiên nhẫn, bình tĩnh; đây là một tuyệt phẩm về sự nhạy cảm trong cảm giác vận động, một trải nghiệm tạo hình mà tính mực thước của nó đã vượt trội, hơn hẳn chủ đề.
Hình 1-25 là một bài luyện vẽ khá độc đáo, được thực hiện theo kiểu tranh cuộn. Đáng tiếc là không thể sao lại được đúng như thế ở đây. Tuy vậy, vẫn có thể thấy được sự tiến triển trong quá trình tạo vết đường vẽ: những sự thay đổi trong xúc giác và động tác; thực nghiệm với chất màu mỏng và dày; cùng với việc khai thác triệt để chính bản thân chiếc bút đã tạo nên được một bản tổng mục các thể loại đường, mép, điểm, và bề mặt.
Chất lượng của động tác vẽ và tầm [khoáng đạt trong] hiểu biết - đó là những gì mà các bài tập đầu tiên này hy vọng sẽ mang lại [cho người học / luyện vẽ]; và các bạn cần phải thuần thục chúng nếu như muốn vẽ giỏi, nhẹ nhàng và thoải mái.
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 1)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 2)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 3)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 4)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 5)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 6)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 8)
>>> Bước đầu học vẽ và trình bày tạo hình (Phần 9)