Phong cách tạo hình trong tranh minh họa trẻ thơ

Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại khởi sắc cùng với sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương - nơi đã sinh ra nhiều nghệ sỹ tài năng. Họ đã trở thành những người đầu tiên xây lên những viên gạch đầu tiên cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Một trong những đại diện của thế hệ ấy là giáo sư, họa sỹ Ngô Mạnh Quỳnh. Nhắc đến Mạnh Quỳnh, người ta không chỉ nhớ đến các tác phẩm sơn mài, tranh thủy mặc hay đồng tiền giấy đầu tiên của Việt Nam mà còn nhớ đến ông là một trong những người tiên phong trong tranh minh họa Việt Nam.

tranh minh hoa tre tho 1

tranh minh hoa tre tho 2
Những tập sách do Mạnh Quỳnh vẽ minh họa,
năm 1942 và 1943

Tranh minh họa là một thể loại của đồ họa. Minh họa là làm sáng rõ thêm, sinh động thêm nội dung của tác phẩm văn học hoặc đoạn văn bản trình bày, bằng hình vẽ hoặc những hình thức dễ thấy, dễ hiểu, dễ cảm. Trong “Con mắt nhìn cái đẹp” của Nguyễn Quân cho biết: “Khi xuất hiện nghề in, báo chí và công nghiệp in sách thì nghề minh họa mới phát triển. Minh họa phục vụ các sáng tác văn học, các bài viết văn hóa, khoa học, xã hội… Khi chưa có ảnh thì toàn bộ phần nhìn của báo chí do minh họa đảm đương.”

Họa sỹ Ngô Mạnh Quỳnh (1917 – 1991) ở Hà Nội, đã sớm bộc lộ tài năng nghệ thuật ở mảng minh họa khi còn đang là học sinh trường Gia Long (1936 – 1939). Lúc ấy, ông đã vẽ những tác phẩm minh họa đầu tay cho truyện tranh châm biếm đăng trên Nhật báo Đông Pháp mỗi tuần. Sau này, khi tốt nghiệp Mỹ thuật Đông Dương năm 1942, ông đã thành danh trong giới minh họa với vai trò minh họa cho tờ báo thiếu nhi “Cậu Ấm” và cuốn sách dịch “Ngụ ngôn La Fontaine.”

Tuy tốt nghiệp xuất sắc với tác phẩm sơn mài “Lên chùa”, nhưng nghiệp vẽ của ông lại gắn liền với tranh minh họa. Mạnh Quỳnh nổi tiếng với biệt tài minh họa thơ bằng tranh vẽ từ nét vờn của bút lông mực nho trên lụa tơ tằm mang phong cách riêng mang bản sắc quê hương Việt. Với ông, việc thỏa sức không gian sáng tạo, không câu nệ quy tắc thấu thị, không bó buộc giải phẫu tạo hình trong tranh minh họa đã làm ông hứng thú. Với tranh minh họa, Mạnh Quỳnh đã cho thấy một phong cách, cá tính riêng biệt. Ông nhập tâm vào những nhân vật, vào những hình vẽ, đường nét với tâm thức đưa linh hồn, đưa nét đẹp dân dã quen thuộc quê hương Việt Nam vào nhân vật trong câu chuyện thiếu nhi bằng lối vẽ vui tươi, hóm hỉnh, gần gũi.

tranh minh hoa tre tho 3

tranh minh hoa tre tho 4
Họa sỹ Mạnh Quỳnh thực hiện phim “Tí hon”,
Nhà Hạ Long sản xuất năm 1952-1953

Chỉ với những đường nét, cách vờn tả không giới hạn, Mạnh Quỳnh đã tái hiện sinh động phong cảnh và cuộc sống sinh hoạt mang đậm chất làng quê xưa. Ngay cả trong cuốn thơ Ngụ ngôn La Fontaine là một cuốn sách dịch từ tiếng Pháp, mang đậm văn hóa người Pháp, thì ta vẫn thấy toàn bộ minh họa đều được ông Việt hóa. Từ những khung cảnh mái nhà rơm cây cau đến những cô bé, cậu bé để chỏm đào, hình ảnh người phụ nữ mặc áo tứ thân cầm nón lá, hay dáng dấp hách dịch của những Lý toét, Xã xệ trong xã hội phong kiến Việt Nam cũ đều hiện nên một cách dí dỏm, hài hước trong tranh.

tranh minh hoa tre tho 5
Tranh bìa cuốn “Lam Sơn khởi nghĩa”,
họa sỹ Mạnh Quỳnh vẽ minh họa

tranh minh hoa tre tho 6
Tranh bìa cuốn “Cuối đời nhà Trần”,
họa sỹ Mạnh Quỳnh vẽ minh họa

Sắc thái biểu cảm của mỗi nhân vật đều được ông mô tả rất sinh động bằng các nét vờn bút nhanh, dứt khoát, đường nét thanh đậm lắng đọng, dường như chỉ cần xem qua minh họa tranh là đã hiểu được chủ đề chính trong nội dung văn bản.

Là người yêu trẻ thơ, ông làm tất cả công việc từ viết bài, vẽ minh họa, đưa nhà in và phát hành tờ  “Thiếu niên họa báo”, Trong đó là biết bao tình cảm mà ông muốn gửi gắm đến lớp trẻ sau này  qua các hình tượng nhân vật thể hiện tinh thần nhân văn. Nhân vật Kaoco bước ra trong tranh như một dũng sỹ của trẻ thơ, vượt qua khó khăn bằng tinh thần nhân ái và lòng quả cảm. Hay các nhân vật chú Vá, chú Vếu, chú Khỏe mang đậm chát dân dã Việt Nam, thật thà ngốc nghếch gặp đủ mọi chuyện rắc rối hàng ngày tạo nên tình huống hài hước, vui vẻ. Những nhân vật trong tranh của Mạnh Quỳnh đều là những con người quen thuộc, gần gũi trong cuộc sống, ở họ đại diện cho các tầng lớp thấp trong xã hội Việt Nam.Góp phần truyền bá nghệ thuật, văn hóa Việt Nam ra nước ngoài bằng minh họa sách dịch.

Có thể nói, Mạnh Quỳnh đã góp phần vào việc phát huy truyền thống của dân tộc. Ông đã thêm vào tranh minh họa Việt Nam một nét văn hóa của người Việt, truyền cảm hứng và tinh thần yêu đất nước tới thế hệ trẻ lớp sau này.

- Lê Hoa -

>>> Tranh minh họa trên báo

>>> Vai trò của minh họa, tạp chí với nghệ thuật đồ họa

>>> Học vẽ - Minh họa sách

>>> Minh họa truyện (Phần 1)

>>> Minh họa truyện (Phần 2)

>>> Minh họa truyện (Phần 3)

0976984729