Đồ gốm hoa nâu thời Lý – Trần

Đây là loại đồ gốm được chế tạo công phu, cốt gốm dày dặn, dùng men nâu làm trang trí trên nền men ngà hoặc phủ toàn bộ men nâu. Loại hình gồm các loại đồ gia dụng và phục vụ tôn giáo. Nếu sắp xếp tên gọi các loại hình đồ gốm hoa nâu và men nâu theo vần chữ cái A,B,C... ta có các loại ấm, âu, ang, bát, bình, chân đèn, chân đế, chậu, chén, chum, đài, đĩa, hộp, liễn, lọ, loa, mô hình tháp, thạp, ngói, thống, tước, tượng mèo, tượng sư tử... Trong đó, xuất hiện nhiều loại có kích thước lớn như thạp, chum, thống. Hoa văn trang trí tạo bằng nét khắc chìm và tô nâu trên nền men ngà là đặc điểm nổi bật của bút pháp trang trí gốm hoa nâu. Họa tiết trang trí được sắp xếp thành những mảng to trên nền thoáng trở thành phong cách trang trí tiêu biểu. Bên cạnh đó còn có những trang trí vẽ nâu dưới men trắng như một gạch nối với dòng gốm hoa lam. Thêm vào nữa, trang trí nổi theo phong cách phù điêu cũng góp phần làm phong phú và tăng thêm tính hoành tráng cho sản phẩm gốm hoa nâu. Hoa văn trang trí trên đồ gốm hoa nâu không những phản ánh chủ đề Phật giáo, Đạo giáo mà còn phản ánh được phần nào con người và thiên nhiên trong cuộc sống bởi rất gần gũi với hiện thực. Trang trí gốm hoa nâu còn có mối liên hệ mật thiết với các dòng gốm men trắng, men ngọc cùng thời, cũng như với các loại hiện vật bằng chất liệu khác như đá, đất nung, gỗ, đồng, vàng...

do gom hoa nau 1
Thạp gốm hoa nâu thời Lý, thế kỷ 11-13. BTLSQG, cao 37cm

do gom hoa nau 2

do gom hoa nau 3
Nắp gốm hoa nâu thời Lý, thế kỷ 11-13. BTLSQG, 
đường kính: 11,7-12,8 cm

Đề tài trang trí có các nhân vật Phật giáo như hình Phật ngồi toạ thiền trên toà sen, nữ thần đầu người mình chim Kinnari, Kinnara, Bát bộ Kim Cương, tiên nữ Apsara và những “em bé của thế giới cực lạc”. Đề tài rồng xuất hiện tuy không nhiều trên nắp hộp, hay trên mô hình tháp nhưng là tiêu chí quan trọng để xác định niên đại cho hiện vật. Hình ảnh hoạt động của con người cũng gây hấp dẫn rất nhiều cho những người thưởng ngoạn cổ vật săn tìm đồ gốm hoa nâu. Những hình võ sỹ đấu giáo như là hình ảnh của góc luyện tập, những cảnh săn bắn, tay kiếm và tay khiên trên các thạp gốm hoa nâu như phản ánh không khí của đất nước Đại Việt một thời sôi sục chống giặc Nguyên Mông. Lại có cảnh luyện tập võ nghệ cùng với úp cá, cầy ruộng trên một chiếc thạp, khiến người xem nhớ đến chính sách kinh tế áp dụng dưới thời Trần “ngự binh ư nông”? Các loại động vật như voi, hổ, ngựa, hươu cho đến các loài lông vũ như vẹt, gà, công, sáo, chim đuôi dài chân cao, hay các loại cá tôm dưới nước, đều được thể hiện sống động trên gốm hoa nâu.
Các loài hoa lá, đặc biệt nhiều là hoa sen, cả dưới dạng phù điêu như các băng cánh sen, chạm khắc nổi trên vai ấm, thạp, liễn, đĩa sen, chân đế lọ, hộp, tầng đế tháp. Băng cánh sen cùng nhiều đề tài khác đã làm thành tổ hợp văn, mà chỉ thông qua đó đã có thể cho chúng ta nhận ra phong cách từng thời. Nếu băng cánh sen nổi, cánh to xen cánh nhỏ, dài mập, đều dặn, trau chuốt là thuộc phong cách Lý, còn cánh sen bản dẹt, đầu cánh tròn, trên mặt cánh lại xuất hiện cả mặt nhẫn là thuộc phong cách Trần. Hoa sen thể hiện theo cách khắc chìm và tô nâu khá phổ biến trên nhiều loại hình ấm, chum, chân đèn, thạp, liễn... Hoa sen thường được mô tả dưới dạng sen dây với bông sen nở theo chiều cắt dọc, các cặp cánh đối xứng theo nhịp bố cục thưa thoáng, một bông úp rồi một bông ngửa trên gốm hoa trắng nền nâu như loại thạp, bát, ấm... 

Đồ gốm hoa nâu thời Trần thường thấy mô tả hoa lá sen theo xu hướng hiện thực: sen dây, sen cành và cả khóm hoa lá sen như trên thạp, chậu, chum, liễn.

do gom hoa nau 4
Tượng mèo gốm hoa nâu thời Lý, thế kỷ 11-13. BTLSQG, cao 7,5 cm.

do gom hoa nau 5
Ấm gốm hoa nâu thời Lý, thế kỷ 11-13. BTLSQG, cao 22 cm.

do gom hoa nau 6
Ấm gốm hoa nâu thời Lý, thế kỷ 11-13. Bruseels, cao 22,2 cm.

do gom hoa nau 7
Lọ gốm hoa nâu thời Lý, thế kỷ 11-13. BT Hà Nội, cao 18 cm.

Hoa cúc, tuy không phổ biến như hoa sen nhưng cũng thấy thể hiện theo kiểu chạm khắc nổi, khắc và tô nâu và rồi cả vẽ nâu dưới men trắng ngà.
Hoa mai 5, 6 cánh, khắc và tô nâu trên thạp. Hoa chanh 4 cánh (hay gọi hoa thị) xuất hiện dưới dạng trổ thủng, nhưng phổ biến là khắc và tô nâu trên thạp, liễn, chậu... Cành dây lá trên thạp, bình, liễn thời Trần. Những cành lá xen kẽ với dây chấm lửng trên chậu cảnh. Hoa thị (hay quen gọi là chân chim) trên ấm và đĩa.
Các loại hoa văn khác như “Sừng tê ngọc báu”, hình cây tháp nhiều tầng in nổi trong hình lá đề là loại đề tài ít gặp trên đồ gốm.
Mây hình khánh in nổi hoặc khắc chìm tô nâu. Sóng nước thể hiện theo lớp vòng cung trên chân thạp, theo hình vân núi hay giống hình cánh sen dẹo. Các loại văn hình học còn gặp là hồi văn, mạng mai rùa và đặc biệt là vòng tròn nhỏ, vạch đứng song song - những hồi âm Đông Sơn, 
Đồ gốm hoa nâu được thể hiện theo các hình thức chính là:
- Hoa văn men trắng nền men nâu, gọi là hoa trắng nền nâu.
- Hoa nâu thể hiện phần hoa văn trang trí trên nền men trắng ngà (hoa nâu nền trắng).
- Nền men nâu, hoa văn khắc chìm để mộc.
- Men nâu vẽ hoa văn trang trí như loại men xanh cobalt dưới men nền trắng ngà. Đồ gốm men nâu phủ toàn bộ bên ngoài sản phẩm.
Dựa trên các nguồn cơ sở dữ liệu về minh văn, đề tài trang trí mang đặc trưng thời đại, các đồ gốm phát hiện qua khai quật, khảo sát và phát hiện ngẫu nhiên từ lòng đất có kèm theo những đồ gốm khác cùng phong cách nghệ thuật trang trí mà chúng ta có thể đưa ra khung niên đại cho đồ gốm hoa nâu:
- Thời Lý thế kỷ 11-13
- Thời Trần, thế kỷ 13-14
- Thời Trần - Lê sơ, thế kỷ 14-15.

Một số loại hình gốm hoa nâu tiêu biểu:
- Ấm gốm hoa nâu thời Lý có những kiểu dáng đặc biệt với dáng hình quả đào, trang trí nổi đầu Kinnari, 2 tay nâng vòi ấm, men nâu phủ trên đầu Kinnari, cánh và đuôi, men nền trắng ngà. Ấm rượu khác có miệng đấu, cổ eo cao chia nhiều ngấn, thân hình chiếc bát sâu lòng, thành ngoài chia nhiều cánh sen, viền tô nâu, vòi cong, quai hình khuyên. Một chiếc ấm loại này còn khá nguyên đã tìm thấy được trong khu khảo cổ học Ba Đình năm 2003. Các nhà khảo cổ học đã gọi là bình rượu hoa nâu, thời Lý. Lại có chiếc ấm hình quả dưa, nắp chạm khắc nổi cánh sen phủ men nâu, vai chạm nổi băng cánh sen, vòi hình đầu rồng, quai hình chim vẹt ngủ. Xung quanh thân chia 6 ô, trong khắc cành hoa lá tô nâu. Giáp chân đế có 2 băng vòng tròn nhỏ. Chiếc ấm này cao 22cm, trước đây tìm thấy ở Đại La, nay do Bảo tàng Hoàng gia, Nghệ thuật và Lịch sử Brussels lưu giữ và trưng bày.

Ấm gốm hoa nâu thời Trần có dạng thể hiện trong hình tượng voi với người quản tượng, men nâu tô trên các đường trang trí vòng tròn nhỏ, men nền trắng ngà. Thời Trần còn có kiểu ấm miệng đấu, cổ eo, thân hình cầu, vòi cong, quai hình khuyên, trang trí văn hoa thị mầu trắng tren nền men nâu hoặc văn hoa thị mầu nâu đen trên nền men nâu vàng.

do gom hoa nau 8
Bát gốm hoa nâu thời Lý, thế kỷ 11-13. BTLSQG,
đường kính miệng 15,7 cm.

do gom hoa nau 9

do gom hoa nau 9
Hai mảnh chậu gốm hoa nâu thời Trần, thế kỷ 13-14. BTLSQG.

Thế kỷ 14-15, ấm gốm hoa nâu có dáng quả dưa, vòi hình đầu rồng, trên thân khắc băng hoa dây với đường chấm lửng, giữa 2 đường chỉ nâu. Cũng có loại ấm giống hoa nâu thời Trần nhưng vẽ nâu rỉ sắt vạch dọc thân hay mạng ô hình vuông.
- Bình gốm hoa nâu thời Lý có miệng loe, cổ eo ngắn, thân hình cầu dẹt. Thân bổ ô hình bầu dục, trong khắc bông hoa, tô nâu. Cổ và chân đế có băng vòng tròn nhỏ tô nâu. Kiểu bình khác có dáng tỳ bà (mặt cắt dọc bình có hình cây đàn tỳ bà), thân chia múi hình cánh hoa, bên trong khắc cành hoa lá. Gờ miệng có băng tròn nhỏ tô nâu.
- Bình gốm hoa nâu cuối Trần đầu Lê sơ, tạo dáng hình trụ, gờ miệng dầy, đáy bằng, trên vai đắp nổi 2 quai rồng và 2 núm ngang. Thành ngoài khắc và tô nâu 3 băng hoa lá và sóng nước trên nền men trắng ngà.
- Chậu gốm hoa nâu, có một số mảnh lớn tìm thấy ở di tích thành Thăng Long đáng chú ý như mảnh chậu có gờ viền dày, thành ngoài chạm khắc các lớp cánh sen nổi, cánh to xen cánh nhỏ, men nâu tô viền cánh to, xen kẽ men trắng ngà. Mảnh chậu khác, thành ngoài khắc và tô nâu hoa chanh, văn mây hình khánh và hoa dây. 
Tại di tích gốm thời Trần ở xã Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội) đã gặp loại chậu gốm hoa nâu có viền miệng, thành cong, đế rộng. Xung quanh thành ngoài bổ ô, khắc và tô nâu bông hoa sen nở, tương tự như các loại chậu tìm thấy ở di tích Tam Đường (Thái Bình).
Cũng tại xã Đa Tốn, năm 1978 đã có một phát hiện ngẫu nhiên trong khi đào đất ở làng Lê Xá, người ta đã tìm thấy 2 chiếc chậu gốm hoa nâu chôn cùng với 3 chiếc đĩa gốm hoa lam, Hai chiếc chậu này đều đang lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội. Một chiếc chậu có trang trí nổi băng hoa mai và khắc chìm tô nâu băng dây lá hình sin trên nền men trắng ngà. chiếc khác phủ men nâu toàn bộ phía thành ngoài, ngoài băng hoa mai nổi, phía dưới thân còn khắc chìm để mộc bông hoa trong ô xen kẽ những hình nửa bông hoa.
Phát hiện này gợi mở về những sản phẩm gốm hoa nâu sản xuất ở Bát Tràng, bên cạnh xã Đa Tốn, vào cuối Trần đầu Lê sơ, thế kỷ 14-15.
Cùng loại với chậu trên, ở thành Thăng Long trước đây còn tìm thấy mảnh chậu thành ngoài phủ men nâu, khắc hoa văn để mộc, hoa 4 cánh, hoa sen, sóng nước.
Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đang trưng bày sưu tập gốm hoa nâu thời Lý - Trần, trong đó, ngoài loại ấm miệng cao cổ eo, thân hình chiếc bát sâu lòng còn có nhiều loại khác như thạp, bát, nắp hộp chạm khắc hoa sen dây theo kiểu hoa trắng nền nâu, nhiều chân đế, đĩa sen, đế liền có băng “những em bé của thế giới cực lạc”, thể hiện theo phong cách phù điêu. Nhiều chân đế, đài sen, nắp hộp có hoa văn chạm khắc chi tiết, tỉ mỉ các đề tài rồng, cánh sen, hoa sen, vòng tròn nhỏ, vạch dứng song song...
- Đĩa sen cũng là loại tìm thấy nhiều mảnh trong các di tích ở Thăng Long. Loại đĩa sen gốm hoa nâu này cũng được tạo dáng và trang trí tương tự gốm men ngà và gốm men lục, lòng phẳng không men khắc chìm cành hoa lá sen, thành ngoài chạm khắc 2,3 lớp cánh sen nổi, cánh to xen cánh nhỏ phủ men trắng xám, xung quanh chân đế khắc băng vũ nữ hoặc “những em bé của thế giới cực lạc” tô men nâu. Trên gờ miệng hay quanh chân đế loại dĩa sen này còn có băng vòng tròn nhỏ cách đều, tô men nâu.
- Tượng gốm hoa nâu:
Trong số các loại tượng gốm hoa nâu tìm thấy ở khu vực thành Thăng Long trước đây đáng chú ý có tước hình chim vẹt thời Lý, dài 15,4cm. Tước tạo hình chim vẹt đứng, đầu quay lại, trên đầu và cánh có những mảng tô men nâu trên nền men ngà. Tượng mèo nhỏ cũng thuộc thời Lý, cao 7,5cm, mô tả khá hiện thực một con mèo ngồi, 2 chân trước chống, 2 chân sau qùy, trên thân mèo có những mảng men nâu xen lẫn mảng men trắng ngà.
Ấm gốm hoa nâu hình voi với một người quản tượng trên lưng, thuộc thời Trần, cao 12,7cm, ấm có các mảng khắc chìm tô men vàng nâu trên nền men trắng ngà. Nhiều đồ gốm men nâu thời Lý - Trần cũng phát hiện như lọ nhỏ, cao 10,5 cm, có miệng vê tròn, tạo dáng búp sen, vai đắp nổi 3 núm ngang, thành ngoài men nâu đen, trong lòng men trắng ngà. Những đầu tượng người gốm men nâu, chỉ cao 4-5cm, thể hiện rõ kiểu tóc vấn. Tượng người quản tượng cưỡi voi, gốm men nâu, cao 10cm, thể hiện tư thế voi đứng 2 chân trước chống, 2 chân sau quỳ, vòi voi uốn cong trên đỉnh trán. Đây cũng là loại ấm rượu nhỏ, chiều cao cả nắp là 14cm. Nắp chạm khắc nổi băng cánh sen, miệng loe, cổ eo, vai có diềm nổi, vòi ngắn, quai hình khuyên... kiểu dáng này cũng gần giống loại ấm hoa nâu nêu trên.

do gom hoa nau 10
Chân đèn gốm hoa nâu thời Trần, 
thế kỷ 13-14. BT Hà Nội, cao 43,5 cm.

Đồ gốm hoa nâu thời Lý - Trần thể hiện một bước tiến đặc biệt trong lịch sử gốm sứ cổ Việt Nam. Đồ gốm Lý đã đạt một đỉnh cao trong tạo dáng và trang trí. Lối tạo dáng trau chuốt, tỷ mỷ đã tạo ra mỗi đồ gốm như một tác phẩm nghệ thuật. Xương gốm đã được lọc luyện pha chế với kỹ thuật cao khiến cho cốt gốm sau khi nung rất đều, không bị sệ, nứt. Lớp men phủ đã tôn vẻ đẹp trang trọng cho đồ gốm bởi độ trong bóng và sâu. Nếu hoa văn trang trí gốm giai đoạn Bắc thuộc chỉ chủ yếu là văn hình học thì giờ đây, trên đồ gốm Lý - Trần đã thấy phong phú rất nhiều: cây cỏ, hoa lá, chim muông, rồng phượng, con người, mây trời sóng nước đã xuất hiện trên đồ gốm. Đặc biệt, đề tài hoa lá sen - biểu trưng của đạo Phật đã được người thợ gốm khai thác triệt để, từ tạo dáng đến trang trí. Đoá sen nở được thể hiện qua từng giai đoạn, cho đến đài sen, gương sen, cánh sen... lúc thì trang trí nổi, khi thì khắc hoặc in chìm... Bởi vậy, có thể nói hoa lá sen luôn luôn là mẫu hình cho người thợ gốm Lý - Trần tìm tòi và sáng tạo. Kỹ thuật lò nung cũng thể hiện tiến bộ ngày càng cao. Trong lòng bát đĩa của gốm thế kỷ 9-10, ta còn thấy to và thô phác, với hình chữ thập hay bông hoa, thì đến gốm Lý - Trần, dấu kê chỉ còn là những chấm nhỏ, như một bông hoa, đã tôn thêm vẻ đẹp cho đồ gốm.
Gốm thời Lý - Trần, không chỉ đạt được tính thẩm mỹ cao mà còn khẳng định một tinh thần phục hưng các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Chẳng hạn, các mô típ Đông Sơn quen thuộc như chữ S, chấm dải, vạch đứng song song, hình chim với bố cục ngược chiều kim đồng hồ... lại thấy tái hiện trên đồ gốm Lý - Trần sau cả ngàn năm Bắc thuộc.

- Nguyễn Đình Chiến -

>>> Mô típ mây trong nghệ thuật Lý - Trần (Phần 1)

>>> Mô típ mây trong nghệ thuật Lý - Trần (Phần 2)

0976984729