Những yếu tố tác động đến giao tiếp qua hình ảnh trong poster
Tóm tắt: Giao tiếp qua hình ảnh là yếu tố quan trọng trong một tác phẩm nghệ thuật nói chung và thiết kế nói riêng. Đó chính là phương tiện để người thiết kế truyền đi thông điệp của mình tới người xem. Tuy vậy, cho đến nay tại Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra những yếu tố tác động đến tính giao tiếp trong thiết kế hình ảnh nói chung và thiết kế poster nói riêng. Mặc dầu, một số nhà nghiên cứu về ngôn ngữ đã đề cập đến vấn đề giao tiếp phi ngôn ngữ, nhưng những nghiên cứu này chỉ dừng lại ở các hành động và biểu hiện của cơ thể con người như cử chỉ, ánh mắt... chứ chưa đề cập đến tính giao tiếp trong thiết kế hình ảnh. Bài viết dựa trên nghiên cứu đặc điểm hệ thống xử lý thông tin về hình ảnh của con người từ đó chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến giao tiếp trong thiết kế hình ảnh nói chung và thiết kế poster nói riêng.
Sơ đồ quá trình tiếp nhận hình ảnh của con người
Thông điệp của một tác phẩm nghệ thuật nói chung hay thiết kế nói riêng được người xem hiểu đủ, hiểu đúng là một vấn đề vô cùng quan trọng. Nếu người thiết kế không biết điều tiết các yếu tố ảnh hưởng đến tính giao tiếp thông qua hình ảnh sẽ khiến cho người xem gặp nhiều khó khăn khi tiếp nhận thông tin, thậm chí có thể hiểu sai thông điệp của tác phẩm. Khi người xem hiểu không đúng, không đủ thông điệp thì người thiết kế chưa đạt được mục đích của mình. Rõ ràng tính giao tiếp trong hình ảnh là vấn đề sống còn của một tác phẩm thuộc nghệ thuật thị giác. Như vậy, để tăng cường khả năng giao tiếp trong thiết kế poster, người thiết kế cần nghiên cứu các vấn đề như: Cách con người hiểu một hình ảnh như thế nào? Những yếu tố nào tác động đến việc con người tiếp nhận và nhận thức một hình ảnh? Từ đó tìm ra cách thức để giải quyết vấn đề.
Poster “Hãy ngăn chặn sự nóng lên của trái đất”. Nguồn: Internet
Bài viết sẽ tập trung vào việc xem xét hệ thống xử lý thông tin hình ảnh của con người từ đó chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến tính giao tiếp qua hình ảnh nói chung và trong thiết kế poster nói riêng. Phân tích nhận thức thông qua hình ảnh của con người. Con người nhận thức được hình ảnh nhờ sự hoạt động của bộ máy xử lý thông tin. Bộ máy này có ba cấu trúc chính: bộ nhớ giác quan, bộ nhớ làm việc, bộ nhớ dài hạn. Các đầu vào cho hệ thống này là những dữ liệu thô mà cảm giác ghi lại trong bộ nhớ giác quan. Tiếp đến là một phần nhỏ của dữ liệu sẽ được chuyển vào bộ nhớ làm việc, tương đương với nhận thức nâng cao và cuối cùng thông tin được mã hoá và lưu vào bộ nhớ dài hạn như một kiến thức mới. Không giống như cách máy tính truyền dữ liệu, con người nhận thức đối tượng một cách hăng hái và tích cực. Nhận thức được thúc đẩy từ yếu tố kích thích bên ngoài được gọi là xử lý từ dưới lên trên. Nhận thức của chúng ta cũng được thúc đẩy bởi ký ức, kỷ niệm, đó được gọi là xử lý từ trên xuống dưới. Như vậy nhận thức hình ảnh là một kết quả của sự tương tác phức tạp giữa các quá trình từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới. “Quá trình xử lý từ dưới lên trên xảy ra nhanh ở tầm nhìn bởi nhu cầu của não người là liên tục tìm kiếm hình ảnh có nghĩa trong môi trường trực quan”.Vì vậy nên quá trình xử lý từ dưới lên trên chịu sự tác động lớn từ đặc điểm tiếp nhận hình ảnh của mắt. Mắt người có hai bộ phận quan trọng đó là võng mạc và hố mắt. Chúng ta có thể nhìn thấy được các tín hiệu hình ảnh hay không là phụ thuộc vào hai bộ phận này. Hình ảnh thu được sẽ được chuyển lên bộ nhớ giác quan thông qua thần kinh thị giác. Nếu võng mạc cho con người có khả năng bao quát tổng thể (hay còn gọi là trường nhìn) thì hố mắt giúp chúng ta nhìn được những chi tiết cụ thể (hay còn gọi là điểm nhìn). Mắt sẽ liên tục di chuyển để tìm kiếm thông tin, hình ảnh. Mắt người có xu hướng bỏ qua những thông tin hình ảnh kém hấp dẫn và dành nhiều sự tập trung chú ý cho những hình ảnh hấp dẫn hơn. “Sự tập trung chú ý của mắt đến một tín hiệu hình ảnh được gọi là lực thị giác”. Mỗi tín hiệu hình ảnh đều có sự “hấp dẫn” nhất định để thu hút sự chú ý của mắt đó là trường lực. “Trường lực càng lớn thì lực thị giác càng mạnh”. Vì vậy các yếu tố ảnh hưởng đến trường lực cũng sẽ ảnh hưởng đến lực thị giác, từ đó cũng tác động lớn đến quá trình xử lý từ dưới lên trên. Hình ảnh sử dụng trong thiết kế có trường lực lớn sẽ giúp cho người xem tiếp nhận thông tin nhanh chóng và đẩy nhanh quá trình nhận thức của người xem. Quá trình nhận thức hình ảnh còn phụ thuộc rất nhiều bởi quá trình xử lý từ trên xuống dưới. Ngoài chức năng lưu trữ thông tin, bộ nhớ dài hạn còn có cơ chế hỗ trợ để bộ nhớ làm việc giải quyết vấn đề trong nhận thức hình ảnh. Những kiến thức dài hạn sẽ giúp cho bộ nhớ làmviệc lý giải, so sánh những kiến thức cũ với kiến thức mới để tìm ra ý nghĩa của hình ảnh. Trong trường hợp không tìm thấy kiến thức phù hợp thì bộ nhớ làm việc sẽ suy luận để giải quyết vấn đề. Ở poster về chủ đề ô nhiễm môi trường nước như hình bên trên tác giả muốn truyền tới người xem thông điệp về vấn đề nước bị ô nhiễm hiện nay. Người thiết kế sử dụng hình ảnh con cá vàng và cái mặt nạ đen tương phản nổi bật trên nền lạnh tạo ra một trường lực mạnh thu hút sự chú ý nơi người xem. Những thông tin về hình ảnh như: hình dạng, màu sắc, đường nét, bố cục...được chuyển vào bộ nhớ làm việc đó là quá trình xử lý từ dưới lên trên. Đồng thời với đó là bộ nhớ dài hạn cũng hỗ trợ rất tích cực như: cung cấp khái niệm về con cá, công dụng của cái mặt nạ... giúp cho bộ nhớ giải quyết vấn đề - đó là quá trình xử lý từ trên xuống dưới. Hai quá trình này diễn ra liên tục, song song và nhanh chóng. Nhiệm vụ của bộ nhớ là so sánh, kết nối và lý luận từ đó đưa ra nhận thức về ý nghĩa của hình ảnh.Tuy là một bộ phận quan trọng trong bộ máy xử lý thông tin về hình ảnh của con người, nhưng bộ nhớ làm việc cũng có những hạn chế nhất định. “Thông tin trong bộ nhớ làm việc nhanh chóng bị phân rã. Ngoài ra, bộ nhớ làm việc cũng dễ bị quá tải. Khả năng xử lý thông tin của bộ nhớ làm việc còn phụ thuộc bởi yếu tố cá nhân và trình độ chuyên môn”.
Những yếu tố tác động đến tính giao tiếp qua hình ảnh trong poster
Có thể thấy, nhận thức hình ảnh của con người là quá trình xử lý bên trong não bộ về thông tin hình ảnh được tiếp nhận. Quá trình này mang tính chất giao tiếp giữa hình ảnh và người xem. Do đó, trong thiết kế hình ảnh nói chung, hình ảnh poster nói riêng, người thiết kế cần tạo tình huống giao tiếp để định hướng nhận thức người xem nhằm đạt mục tiêu truyền thông nhanh nhất, hiệu quả nhất. Từ phân tích hệ thống xử lý thông tin của con người có thể xác định được các yếu tố tạo hình tác động đến tính giao tiếp qua hình ảnh và nhận thức của con người về hình ảnh được tiếp nhận như sau
Lực thị giác:
Mắt người có xu hướng bỏ qua những thông tin hình ảnh kém hấp dẫn và dành nhiều sự tập trung chú ý cho những hình ảnh hấp dẫn hơn. Để người xem tiếp nhận hình ảnh một cách nhanh chóng, hăng hái và tích cực thì tác phẩm tạo hình phải có trường lực lớn. Trường lực càng lớn thì sự hăng hái tích cực càng cao. Các yếu tố tác động đến trường lực phải kể đến như: kích thước, sự tương phản về đậm nhạt giữa phông nền và hình, màu sắc, vị trí đặt tín hiệu hình ảnh trong một khuôn khổ nhất định. Các nhóm hình lớn, sự tương phản đậm nhạt giữa phông nền với hình mạnh, màu nóng, vị trí trung tâm có lực thị giác mạnh hơn. Những hình nhỏ, sự tương phản đậm nhạt giữa phông nền và hình yếu, màu lạnh và đặt lệch tâm có lực thị giác yếu hơn. Tuy vậy, sự tác động của các yếu tố tạo hình này là không giống nhau. Sự tương phản đậm nhạt giữa phông và hình hay màu sắc sẽ có sự tác động lớn hơn, thậm chí ở nhiều trường hợp yếu tố này thắng yếu tố kích thước và vị trí đặt tín hiệu hình ảnh.
Poster “UHT fresh milk VINAMILK 100%
Nguồn: https://www.vinamilk.com.vn
Số lượng thông tin trên một thiết kế poster:
Hệ thống xử lý thông tin của con người sẽ làm việc hiệu quả hơn khi tiếp nhận hình ảnh có số lượng thông tin ít và hình ảnh đơn giản. Khi tiếp nhận một hình ảnh, mắt người di chuyển trên một diện rộng để trích xuất thông tin quan trọng. Nhưng những hình ảnh thực tế lại quá chi tiết và nhiều thông tin cùng một lúc sẽ khiến cho người xem khó tổng hợp nó thành một ý nghĩa mạch lạc. Bộ nhớ làm việc của chúng ta có năng lực hạn chế và dễ bị quá tải. Vì vậy với một tín hiệu hình ảnh mà có rất nhiều thông tin khác nhau sẽ dễ tạo ra sự quá tải, hoặc như một rào cản khiến chúng ta khó tiếp cận đúng với nội dung quan trọng nhất. Chắt lọc thông tin trong một thiết kế đồ họa là một yếu tố cần thiết để giảm tải việc xử lý thông tin của người xem.
Định hướng thị giác:
Định hướng thị giác phục vụ hai mục đích chính để chỉ đạo sự chú ý của người xem: định hướng mắt người xem nhìn theo một con đường mà người thiết kế mong muốn và hướng mắt người xem đến các yếu tố quan trọng cụ thể trong một tác phẩm. Chính điều này đã góp phần đẩy nhanh quá trình nhận thức của người xem. Nếu một tác phẩm có một tín hiệu hình ảnh duy nhất thì người thiết kế có thể định hướng thị giác một cách trực tiếp lên nội dung tác phẩm, khi đó cách thức định hướng chính là việc làm tăng trường lực cho hình ảnh như đã nêu ở yếu tố đầu tiên. Nếu tác phẩm thiết kế có nhiều tín hiệu hình ảnh xuất hiện (từ 2 tín hiệu trở lên) thì người thiết kế cần định hướng cho người xem thông qua việc sắp đặt các tín hiệu hình ảnh dựa trên các cách như: vị trí đặt tín hiệu hình ảnh, sử dụng đặc tính hấp dẫn thứ cấp, hướng chuyển động vật lý và sử dụng hình định hướng. Mắt người có xu hướng chuyển động theo thói quen (ví dụ thói quen đọc sách),quá trình quét bề mặt thường bắt đầu từ góc trên của bên trái, rồi từ trái qua phải, từ trên xuống dưới. Ít khi có trường hợp chuyển động theo đường chéo. Vì vậy, khi sử dụng vị trí đặt tín hiệu người thiết kế có thể thiết kế hình ảnh theo trục từ trên xuống dưới đối với khổ dọc hoặc từ trái qua phải đối với khổ ngang. Não người luôn có một cơ chế đặc biệt dành cho việc phát hiện và nhận dạng khuôn mặt của con người hoặc con vật. Trên khuôn mặt, sự ưu ái lớn nhất dành cho đôi mắt. Khi mắt người nhìn vào khuôn mặt của đồng loại hoặc của con vật thì mắt sẽ có xu hướng nhìn theo hướng nhìn của đồng loại hoặc con vật đó - gọi là đặc tính hấp dẫn thứ cấp. Khi người thiết kế lợi dụng đặc tínhnày thì bắt buộc phải sử dụng tín hiệu hình ảnh là khuôn mặt người hoặc con vật. Các tín hiệu hình ảnh tiếp theo được tổ chức, sắp xếp theo đúng hướng nhìn của các nhân vật trong tác phẩm
Trần Văn Quân, Áp phích
“Ma túy, không được thử dù chỉ một lần, 1997
Mắt người cũng có xu hướng nhìn theo hướng chuyển động của vật lý như nhìn theo dòng nước chảy, nhìn theo hướng xe chạy...vì vậy người thiết kế cũng có thể ứng dụng vào trong việc sắp xếp các tín hiệu hình ảnh trên một tác phẩm đồ họa. Thông thường các nội dung chính được đặt ở phía trước của hướng chuyển động vật lý của vật. Ngoài ra người thiết kế còn có thể sử dụng hình định hướng để định hướng thị giác cho người xem. Bản thân hình định hướng có xu thế về hướng rất rõ ràng. Trong trường hợp khó xác đinh được phương hướng, con người thường có xu hướng di chuyển mắt theo những hình có định hướng cụ thể. Vì vậy, khi thiết kế đồ họa, người thiết kế có thể đặt nội dung quan trọng phía trước của hình định hướng như trường hợp tranh áp phích “Ma túy, không được thử dù, chỉ một lần”.
Cảm xúc của người xem:
Sự tương tác của cảm xúc và nhận thức góp phần tích cực vào cách con người suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Cảm xúc ảnh hưởng tới quá trình xử lý thông tin của hệ thần kinh chẳng hạn như sự quan tâm tới một tín hiệu hình ảnh, nhận thức được ý nghĩa của một tác phẩm và lưu trữ thành trí nhớ dài hạn. Hình ảnh dễ gây xúc động như một liều thuốc kích thích cho hệ thống xử lý thông tin của con người hoạt độnghăng hái và tích cực hơn. Nghiên cứu cho thấy rằng: phần lớn con người có nhu cầu muốn được kích thích và hưng phấn, muốn đi tìm sự thú vị. Chính vì vậy, một hình ảnh gây kích thích sẽ khiến người xem xử lý thông tin đó nhanh chóng, trong trường hợp nhàm chán thì người xem sẽ bỏ qua nó để tìm một hình ảnh khác thú vị hơn. Để tạo cảm xúc cho người xem, người thiết kế có rất nhiều cách thức để áp dụng như: sử dụng biểu cảm của nhân vật và màu sắc, sử dụng các câu chuyện, phương pháp ẩn dụ, tính mới, tính hài hước hoặc đôi khi là sử dụng các hiệu ứng.
Poster về phản đối chiến tranh. Nguồn: kienthuc.net.vn
Sử dụng cảm xúc của con người để truyền tải cảm xúc tới con người là điều không còn mới. Tuy nhiên, khi kết hợp cảm xúc đó với màu sắc thì ít ai chú ý. Đôi khi sự kết hợp đó đẩy cao cảm xúc cho người xem và giúp cho thông điệp của tác giả được người xem đón nhận hiệu quả hơn. Thông thường những màu nhạt cho cảm giác tích cực, ngược lại những màu đậm cho cảm giác tiêu cực hơn. Những câu chuyện cũng gián tiếp tạo cảm xúc cho người nghe hoặc người xem nhờ khả năng tưởng tượng và kinh nghiệm quá khứ. Như khi xem một bộ phim, người xem có thể khóc với những cảnh khổ đau, tình cảm nhưng cũng có thể bật cười khi đó là một pha hài hước. Tất cả cảm xúc đó sẽ lôi kéo khiến khán giả theo dõi nó từ đầu đến cuối câu chuyện và hiểu được nội dung câu chuyện cũng như thông điệp mà đạo diễn muốn truyền tải. Trong thiết kế hình ảnh tĩnh, sử dụng một câu chuyện thường được dùng trong các truyện tranh, tiểu thuyết đồ họa. Tuy nhiên, do đặc tính của câu chuyện thường gắn với yếu tố thời gian nên phù hợp với hình ảnh động hơn hình ảnh tĩnh. Hệ thống nhận thức của của con người thường dựa vào các hình ảnh ẩn dụ sau đó mới suy nghĩ và tưởng tượng. Đó là cách con người hiểu được những điều mà họ không có kiến thức cụ thể. Ẩn dụ được sinh ra nhờ sự so sánh hoặc kết hợp của hai đối tượng với nhau hoặc đặt hai hình ảnh cạnh nhau để tạo nên sự so sánh đối chiếu. Khi một phép ẩn dụ được cho là thành công tức là nó sẽ tổng hợp được các khái niệm và tạo ra những kết nối vô hình giữa các tín hiệu hình ảnh, từ đó gợi lên một ý nghĩa sâu sắc ẩn bên trong tác phẩm. Nhưng để hiểu được ẩn dụ thì đòi hỏi người xem phải có kiến thức phù hợp với hình ảnh được sử dụng. Người xem phải có khả năng giải thích một ẩn dụ tượng trưng chứ không phải giải thích nghĩa đen của hình ảnh. Như vậy, nếu người thiết kế sử dụng thủ pháp ẩn dụ cần đặc biệt quan tâm tới trình độ, văn hoá, lứa tuổi của người xem.
Con người luôn có xu hướng muốn được khám phá vì tò mò, chính vì vậy khi người thiết kế biết khai thác, kiến tạo tính mới của hình ảnh trong tác phẩm cũng tạo cho người xem thích thú và tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng. Những hình ảnh mới là những hình ảnh lần đầu người xem tiếp nhận, lúc này sự mâu thuẫn xuất hiện khi những hình ảnh thực tại khác với những kiến thức được lưu trong trí nhớ dài hạn. Sự mâu thuẫn nảy sinh khiến con người phải lý giải và suy luận về nó. Khi đã tìm ra lời giải người xem có cảm giác của người chiến thắng và cảm giác đó cũng góp phần tích cực để thông tin được mã hoá thành trí nhớ dài hạn như một kiến thức mới
Poster về phòng chống bệnh mất trí nhớ ở người già
Nguồn: Travis Vermilye Medical and Biological Illustration
Nếu tính mới tạo cho người xem cảm giác tò mò thì tính hài hước tạo cho người xem cảm giác vui chơi, hưởng thụ. Phần lớn con người có xu hướng muốn được hưởng thụ. Vì vậy sử dụng phương pháp này khiến người xem thích thú và từ đó thúc đẩy quá trình xử lý thông tin diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Tính mới và tính hài hước đều dựa trên việc nhà thiết kế sử dụng các tín hiệu hình ảnh đặt cạnh nhau một cách bất thường hoặc tạo ra sự phi lý. Chính sự bất thường và phi lý đó khiến người xem suy luận và giải thích vấn đề từ đó đưa ra kết quả và tiếp nhận nó một cách hăng hái, tích cực. Tuy nhiên, khi sử dụng tính hài hước thì người thiết kế cần quan tâm tới văn hoá, bối cảnh hoặc tuỳ từng đối tượng hình ảnh. Những hình ảnh tâm linh, những nét riêng văn hoá của mỗi quốc gia, những vấn đề nghiêm túc thì không nên sử dụng tính hài hước
Poster trong chiến dịch giúp đỡ trẻ em nghèo tại Châu Phi
Nguồn: kenh14.vn
Nhìn chung, những yếu tố tác động đến giao tiếp qua hình ảnh là những vấn đề đáng lưu ý đối với các nhà thiết kế đồ họa trong sáng tạo hình ảnh hay thiết kế mỗi poster cụ thể. Khi các nghệ sỹ nói chung và các nhà thiết kế nói riêng hiểu rõ sự tác động của nó trong việc tạo ra hình ảnh sẽ góp phần rất lớn vào thành công của tác phẩm nghệ thuật thị giác hay một thiết kế áp phích truyền thông.
- Hà Thị Hồng Ngân -
>>> Các thành phần của một hình ảnh (Phần 1)
>>> Các thành phần của một hình ảnh (Phần 2)