Kỹ thuật vẽ sơn dầu cổ điển (Phần 2)

2. Kỹ thuật Venetian:

ky thuat ve son dau co dien p2-1

Giorgione và Titian là hai đại diện xuất sắc của trường phái Venetian. Kỹ thuật Venetian tương tự như kỹ thuật Flemish ở chỗ dùng màu trong láng các chỗ tối, song có một số điểm khác cơ bản:

- Thay gỗ bằng canvas;

- Thêm dầu hoặc sáp ong vào gesso để cho dẻo hơn, thêm trắng chì và dầu lanh để làm lượt lót. Canvas được phủ (size) trước khi lót (prime), và không nhẵn bóng như trước (canvas khá rộng);

- Đường viền sắc nét và mờ được dùng kết hợp, tạo nên cảm giác thực, và không gian mờ ảo;

- Đầu tiên vẽ bố cục bằng mầu nâu trong bằng tempera lên nền sáng, để thật khô;

- Vẽ lót bằng màu đục hoặc trong và không rõ đường viền để sau dễ sửa. [Michelangelo sau khi xem tranh của Titian đã nói ông rất thích màu sắc của Titian, song cho rằng trường phái Venice đã sai lầm khi không chịu học dựng hình họa cho giỏi đã. Theo Giorgio Vasari, Titian học từ Giorgione cách vẽ thẳng bằng sơn dầu, bỏ qua hình họa bằng phấn hoặc que bạc (silver point)]. Dùng ngón tay để xoá làm mềm các chỗ chuyển. Để khô dưới ánh sáng mặt trời để làm dầu hoàn toàn mất màu;

- Sau đó láng như kỹ thuật Flamand, và dần dần cho màu đục vào và vẽ ướt đến khi màu sệt lại thì để khô;

- Titian phát hiện ra kỹ thuật “day” (scumble): pha dầu vào màu đục làm màu trở nên nửa đục, rồi dùng bút lông cứng láng lên màu tối hơn (ngược với “láng”: màu trong và tối lên nền sáng). Cách này thể hiện da thịt khiến da như có phấn, và viễn cận không khí rất hiệu quả. Láng làm nền lạnh màu phát sáng ấm, còn day làm nền ấm trở nên lạnh hơn;

- Kỹ thuật vẽ “béo” trên “gầy”. Các lớp đều để thật khô rồi mới vẽ các lớp tiếp theo;

Về cuối đời mình, do nhận được nhiều đặt hàng, Titian đã bỏ cách vẽ nói trên, và thay bằng cách sau:

Vẽ lót bằng màu đục đen, trắng và đỏ, dày cả chỗ tối lẫn chỗ sáng. Bức lót trông chi tiết như bức tranh đã hoàn thành nhưng đơn sắc và khá tươi. Bức lót được để thật khô;

- Láng màu.

Tuy nhiên những bức tranh giai đoạn sau này của Titian không bằng các tác phẩm ông vẽ khi còn trẻ (thua về độ trong và sự tươi sáng).

3. Kỹ thuật vẽ trực tiếp:

Vẽ bằng đầy đủ các màu, ướt lên ướt, từ đầu đến cuối, không cần lót, láng, day. Tất cả mọi màu (đục hay trong) được dùng như nhau và vẽ dày. Đôi khi kỹ thuật này được gọi là “a la prima” hay “premier coup”. Bức tranh phải tạo cảm giác như được vẽ chỉ sau một buổi, không ngừng. Trước kia các bậc thầy chỉ dùng kỹ thuật này để vẽ phác thảo. Những họa sĩ đầu tiên dùng kỹ thuật này vào tác phẩm hoàn chỉnh là Franz Hals (1580 – 1666) và Diego Velasquez (1599 - 1660). Kỹ thuật này rất thông dụng trong hội họa sơn dầu hiện đại.

ky thuat ve son dau co dien p2-2

4. Đổi mới nhờ Rembrandt:

Rembrandt đã kết hợp tài tình cả 3 kỹ thuật nói trên. Mỗi một bức tranh của ông là một thể nghiệm, để tạo ra hiệu quả mà ông muốn. Ông dùng chiaroscuro rất tuyệt. Rembrandt vẽ lót đơn sắc trên nền đắp dày (impasto) với nhiều trắng. Sau khi lớp impasto đó khô hẳn, ông phủ màu lên, phần lớn là màu trong, song khi cần cũng dùng cả màu đục. Những điểm sáng nhất cũng được vẽ láng, còn các chỗ tối thì lại khá phong phú về sắc độ tối. Toàn bộ tranh có hoà sắc vàng, nên nếu dầu tạo màng có vàng đi một chút thì hoà sắc của tranh cũng không vì thế mà bị ảnh hưởng lắm.

ky thuat ve son dau co dien p2-3

“Béo” tức là nhiều dầu tạo màng (dầu lanh) còn “gầy” là ít dầu lanh. Nếu vẽ ngược, tức lớp dưới “béo” (dày, hoặc lâu khô) mà lớp trên lại “gầy” (mỏng, hoặc nhanh khô) thì sẽ xảy ra hiện tượng lớp trên khô trước trong khi lớp dưới vẫn tiếp tục khô. Kết quả là lớp dưới kéo lớp trên tạo ra các vệt nứt.

ky thuat ve son dau co dien p2-4

Một số gợi ý tổng quát về màu da thịt:

(người Âu)

1) Da bình thường:

Lớp đầu: trắng chì (hoặc titanium), vàng đất (yellow ochre), nâu đỏ (burnt Sienna)

Lớp giữa: như trên nhưng tăng màu lên so với trắng

Lớp cuối: nâu đỏ, đỏ yên chi (carmine lake), nâu tối (umber)

2) Da mịn:

Lớp đầu: trắng chì, đỏ vermillion (đỏ son, độc vì có chứa thủy ngân sulfide mercury HgS), và vàng đất

Lớp giữa: nhiều vàng đất và vermillion hơn trắng

Lớp cuối: nhiều vermillion hơn

3) Da người nông thôn:

Lớp đầu: nâu tối (umber), trắng, một ít nâu đỏ, và lục đất

Lớp sau: Đỏ yên chi, nâu đỏ (sắc trong bóng tối)

Một số công thức pha dầu vẽ:

Dầu vẽ lót:

Dầu lanh đun: vecni Dammar: dầu thông tinh khiết = 1:1:5

Dầu vẽ lớp giữa: 1:1:4

Dầu vẽ lớp trên cùng: 1:1:3

Dầu láng:

Cơ bản:

 Vec-ni Dammar - 30 ml

Dầu lanh đặc – 30 ml

Dầu thông – 60 ml

Dầu oải hương (Lavender oil) - 1 giọt/10 ml (nhỏ vào trước khi dùng)

Hiệu quả kính màu:

Balsam Medium:

Dầu lanh đặc – 60 ml

Vec-ni Dammar – 60 ml

Balsam - 30 ml Dầu oải hương - 1 giọt/10ml (nhỏ vào trước khi dùng)

Trong mờ:

Velatura Medium:

4 phần Italian maroger

2 phần sáp ong

1 phần dầu thông tinh khiết

2 phần dầu lanh đun

1 phần dầu oải hương.

ky thuat ve son dau co dien p2-5

Những điểm sáng tán xạ (như của Vermeer):

Venetian Glazing Medium:

9 phần vec-ni Dammar

9 phần dầu thông

4 phần dầu lanh đun

2 phần dầu oải hương

6 công thức đã mai một của các đại danh họa:
(theo Jaques Maroger, 1884 – 1962)

Jacques Maroger là họa sĩ và từng làm giám đốc kỹ thuật phòng thí nghiệm của bảo tàng Louvre từ 1930 tới 1939 và là chủ tịch hội Các Nhà Phục Chế của Pháp. Ông nổi tiếng vì những phát hiện trong kỹ thuật vẽ sơn dầu. Năm 1937 ông được nước Pháp tặng Bắc đẩu Bội tinh. Năm 1939 ông di cư sang Mỹ. Ông trở thành giáo sư tại Maryland Institute College of Art tại Baltimore vào năm 1942. Năm 1948 ông xuất bản cuốn sách “Những công thức bí mật và kỹ thuật của các bậc thầy cổ điển” (The secret formulas and techniques of the old masters). Trong cuốn sách đó Maroger đưa ra 6 công thức mà ông cho là các bậc thầy có tên dưới đây đã sử dụng:

1) Atonello da Messina (1430- 1479): 1 (phần) vàng chì oxyde hoặc trắng trì nấu với 3 – 4 (phần) dầu lanh

2) Leonardo da Vinci: 1 trắng chì đun với 3 – 4 dầu lanh và 3 - 4 nước

3) Venetian (Giorgione, Titian): 1 – 2 trắng chì đun với 20 dầu thông hay dầu hạt óc chó (walnut oil).

4) Peter Paul Rubens: 1 – 2 trắng chì nấu với 20 dầu lanh + một thìa dầu đen+ 1 thìa keo mastic. Thêm dầu thông và sáp ong.

5) Hà Lan: giống (4) nhưng không thêm sáp ong.

6) Velasquez: 1 rỉ đồng (verdigris) đun với 20 dầu lanh sống hoặc dầu hạt óc chó (walnut oil).

Chú ý: Những công thức này RẤT ĐỘC vì hầu hết đều chứa trắng chì bị đun nóng!

Vì thế đừng cố hoàn thiện một lúc nhiều kỹ thuật. Bạn sẽ không có đủ thời giờ.

Hãy chọn phương pháp tốt nhất phù hợp với mình, và thành thạo nó.

- Nguyễn Đình Đăng -

>>> Kỹ thuật vẽ sơn dầu cổ điển (Phần 1)

>>> Tầm quan trọng của kỹ thuật vẽ sơn dầu

>>> Lịch sử kỹ thuật vẽ sơn dầu (Phần 1)

>>> Lịch sử kỹ thuật vẽ sơn dầu (Phần 2)

>>> Vật liệu vẽ sơn dầu (Phần 1)

>>> Vật liệu vẽ sơn dầu (Phần 2)

>>> Vật liệu vẽ sơn dầu (Phần 3)

>>> Vật liệu vẽ sơn dầu (Phần cuối)

0976984729