Kỹ thuật vẽ sơn dầu cổ điển (Phần 1)

Triết lý hội họa từ thế kỷ 17 [Vicente Carducho (1576 – 1638)]:

Ba giai đoạn phát triển của họa sĩ: 

- Chép tranh 

- Sáng tạo

- Hoàn hảo

1) Kỹ thuật Flemish (Flamand):

ky thuat ve son dau co dien 1

- Thường vẽ lên gỗ, phủ gesso trắng, đánh giấy ráp đến nhẵn bóng như đá hoa;

- Can hình họa lên dùng carton đục lỗ hoặc giấy can phủ bột than ở mặt trái, sau đó hãm bằng tempera hoặc màu nước;

- Phủ varnish (hoặc một lớp tempera trứng loãng và trong) lên toàn bộ (imprimatura). Màu của imprimatura (thường có sắc ấm: màu da, vàng đất, nâu, hoặc đôi khi xám) quyết định hòa sắc chủ đạo của bức tranh, dễ tạo hài hòa. Để khô;

- Vẽ lót đơn sắc (monochrome), thường bằng tempera trứng. Bắt đầu bằng láng các bóng tối bằng màu trong. Sau đó đến các vùng rộng giữa sáng và tối, dùng màu bán trong và bán đục. Những chỗ sáng nhất vẽ sau cùng, bao giờ cũng bằng màu đục, và dày. Càng sáng thì càng dày;

- Bức lót khi hoàn thành trông tựa như phù điêu sepia. Để khô;

- Phủ một lớp láng hòa trắng loãng lên trên. Để khô;

- Đi lại các khối cho rõ. Để khô;

- Láng màu cục bộ, sau đó lên màu bằng sơn dầu với các độ trong và đục khác nhau.

ky thuat ve son dau co dien 2

Có thể thấy rõ lớp vẽ lót trên 2 bức giữa trong 4 bức liên hoàn trích từ bộ tranh bàn thờ ở Ghent do anh em Van Eyck vẽ.

Vẽ lót đơn sắc trong tiếng Ý được gọi là verdaccio (phát âm: ver-đạt-trô), bắt nguồn từ kỹ thuật vẽ fresco (tranh bích họa). Verdaccio thường được vẽ với màu đen mars pha với vàng ochre, được một hòa sắc phơn phớt màu lục xám hoặc ngả vàng. (Verde tiếng Ý là màu lục). Có thể thấy verdaccio trong nhiều fresco ở Ý, ví dụ phần nền trong các bích họa tại Sistine chapel do Michelangelo vẽ.

ky thuat ve son dau co dien 3

Vẽ lót trong tiếng Pháp còn được gọi là grisaille (phát âm: gri-zay), chỉ loại tranh vẽ hòan toàn bằng đơn sắc, có bóng màu xám (gris) hoặc nâu.

ky thuat ve son dau co dien 4

Kỹ thuật Jan Vermeer:

Jan Vermeer sinh năm 1632 tại Delft – một thành phố nhỏ nay thuộc Hà Lan, mà dân số vào năm 1600 là khoảng 17,500 người. Mẹ ông không biết chữ, còn bố ông là một người buôn tranh. Khi Vermeer lên 3 tuổi thì Rembrandt đã là một họa sĩ 29 tuổi danh tiếng tại Amsterdam. Khi Vermeer lên 6 tuổi, Frans Hals đã bắt đầu vẽ bằng kỹ thuật trực tiếp. Khi ông 12 tuổi (1644) và còn chưa học vẽ (3 năm sau, và kéo dài 6 năm), Diego Velasquez đã là họa sĩ của triều đình Tây Ban Nha. Bức họa đầu tiên của Vermeer chúng ta biết ngày nay được vẽ năm 1655 khi ông 23 tuổi. Dường như bố cục, đề tài của ông không khác mấy so với các họa sĩ tiền bối hay đương thời xứ Flander như Ter Borch (1617 – 1681), Gabriel Metsu (1629 – 1667), Pieter de Hooch (1629 – 1684), hay Frans van Mieris (1635 – 1681) – song ông đã loại tính cách “dân tộc” của ông – tính cách Hà Lan - ra khỏi tranh, mà chỉ tập trung vào hòa sắc và ánh sáng. Ngay từ khi 32 bắt đầu sự nghiệp của mình, ông đã chứng tỏ là người có khả năng đánh giá lại các ước lệ trong hội họa qua kinh nghiệm của riêng ông. Ta cảm thấy tình yêu đặc biệt của ông đổi với những người và vật ông vẽ. Thế giới trong tranh Vermeer hiện ra hòan hảo hơn thế giới thực. Ông vẽ rất ít, mỗi năm không quá 2 bức tranh. Ông mất năm 43 tuổi (1675). Trong toàn bộ sự nghiệp 20 năm sáng tạo của mình, ông chỉ vẽ 35 bức tranh. Sinh thời, ông chỉ được xem là một họa sĩ tỉnh lẻ, có mức thành công trung bình.

Jan Vermeer bị quên lãng gần một thế kỷ, cho đến khi được nhà phê bình Pháp Étienne Joseph Théophile Thoré hay Thoré Bürger (1807 – 1869) tái phát hiện. Trong một bài viết đăng trên Gazette des Beaux Arts năm 1866, kết quả của 20 năm nghiên cứu, Théophile Thoré gán 66 bức tranh cho Vermeer. Ngày nay Vermeer được coi là một trong các họa sĩ vĩ đại nhất của thời hòang kim Hà Lan (t.k. 17).

ky thuat ve son dau co dien 5

ky thuat ve son dau co dien 6

Chi tiết kỹ thuật của Vermeer:

(i) Impasto:

ky thuat ve son dau co dien 7

Vẽ impasto là đắp (hay trát) một lớp màu đục dày. Impasto thường được dùng để nhấn các chỗ quan trọng, nổi lên, vì lớp màu dày dễ gây chú ý so với nền mỏng xung quanh, đặc biệt là các chỗ được chiếu sáng mạnh. Trong bức tranh “Cô gái đọc thư bên cửa sổ” Vermeer đã vẽ impasto rất dày phần trán của cô gái, làm nổi cảm giác da thịt phản chiếu ánh sáng. Cổ áo trắng cũng được vẽ impasto bằng những vệt bút vòng cung. Phần sáng của áo vàng cũng được vẽ đắp bằng trắng chì trộn với vàng chì - thiếc - thứ vàng rực rỡ nhất dùng trong thế kỷ 17. Cái giỏi của Vermeer ở đây là lối vẽ đắp và cách dùng màu của ông đã làm cô gái trở thành trung tâm của sự chú ý mặc dù hình cô ta khá nhỏ so với toàn bộ khung cảnh.

(ii) Dùng lapis lazuli (ultramarine) đắt tiền:

ky thuat ve son dau co dien 8

Như đã thấy ở trên, bảng màu của Vermeer, cũng như của nhiều họa sĩ thời ông, rất hạn chế, chỉ gồm 10 – 12 màu. Song khác với đa số chỉ dùng màu lam azurite rẻ tiền, Vermeer đã dùng ultramarine thứ thiệt làm từ đá lapis lazuli, cho màu xanh nước biển rất sâu và trong. Đó là màu tối nhất sau màu đen trên bảng màu của Vermeer. Khi hòa với trắng chì, ultramarine của lapis lazuli cho hòa sắc rất rực rỡ ngay cả khi pha nhạt nhất. Ngày nay ultramarine thứ thiệt từ lapis lazuli không được sản xuất nữa, mà được thay bởi ultramarine tổng hợp. Trong bức tranh “Người đàn bà với bình nước” Vermeer đã sử dụng rất nhiều ultramarine (để vẽ cửa kính, áo, bóng trên tường, bóng của các vật có màu trắng dưới ánh sáng ban ngày mạnh, bóng trên khăn trải bàn v.v.) Ngay từ buổi đầu sự nghiệp, Vermeer đã phát hiện ra rằng ultramarine thứ thiệt, khi hòa với trắng chì, than xương, và nâu đất sống (raw umber), cho một độ phản quang rất đặc biệt dưới ánh sáng ban ngày mà không thứ màu lam nào khác có thể thay thế được. Phát hiện của Vermeer trong cách pha màu lam vào bóng tối đã được các họa sĩ trường phái ấn tượng áp dụng rộng rãi nhiều năm về sau nhằm tạo ra hiệu quả ánh sáng ban ngày tràn trề.

(iii) Láng:

ky thuat ve son dau co dien 9

Trong bức tranh “Người đàn bà rót sữa” Vermeer dùng ultramarine trộn với trắng chì để vẽ lớp lót tay áo. Sau khi lớp lót khô, ông láng bằng màu vàng trong (yellow lake). Kết quả cho màu lục rất đẹp, không thể nào đạt được bằng pha màu trên palette.

(iv) Dùng cán bút để vẽ:

Trong bức “Cô gái đội mũ đỏ” Vermeer đã dùng cán bút lông vạch mấy nhát, làm lộ nền tối phía dưới, tạo ra bóng và các chỗ mỏng, trong, trên cổ áo trắng của cô gái.

(v) Dùng camera obscura:

ky thuat ve son dau co dien 10

Camera obscura (tiếng Latin: camera = căn phòng, buồng; obscura = tối) là một cái hộp (hay phòng) kín, mà một mặt (tường) có đục một lỗ nhỏ, còn mặt (tường) đối diện có màu trắng. Ánh sáng chui qua lỗ vào hộp (phòng), chiếu lên mặt (tường) đối diện một bức ảnh màu lộn ngược (đối xứng gương và quay xuống) của hình thực bên ngoài, theo các định luật quang học. Nhiều camera obscura có lắp thấu kính ở lỗ để có thể chỉnh tiêu cự cho ảnh được rõ nét mà vẫn giữ đủ độ sáng cần thiết, kèm theo một hệ thống gương giúp người vẽ có thể vẽ theo hình phản chiếu trên màn ảnh. Nguyên tắc của camera obscura đã được người Trung Quốc biết đến từ thế kỷ 5 TCN. Aristotle (384 – 322 TCN) là người đầu tiên nói tới nguyên tắc quang học của camera obscura. Nhà khoa học người Ả-rập Alhazen (965 – 1039) là người chế tạo ra chiếc camera obscura đầu tiên.

Bức “Người thêu đăng ten” là một ví dụ điển hình cho thấy Vermeer đã dùng camera obscura trong khi vẽ. Những tĩnh vật được vẽ từ ảnh lệch tiêu cự (unfocused), bị nhòe đi như thường thấy trong ảnh phản chiếu của camera obscura đến nỗi các sợi chỉ thêu màu đỏ hiện ra như một đám bọt đỏ (xem hình trích đoạn bên trên). Vermeer đã tạo nên sự tương phản giữa hình người phụ nữ, được vẽ rất rõ, đang chăm chú làm việc giữa những đồ vật mờ ảo chìm trong màu sắc quang học. Mặc dù Vermeer có sử dụng camera obscura như một dụng cụ trợ giúp, bức tranh này là một minh chứng hùng hồn cho thấy không một thiết bị, hay máy móc nào có thể thay thế sự sáng tạo của họa sĩ.

(vi) Dùng lục đất để vẽ bóng tối trên da thịt (trường phái Utrech):

Lục đất (green earth = terre verte) từng được các danh họa Ý thế kỷ 14 – đầu thế kỷ 15 ưa dùng để vẽ lót trước khi phủ màu da thịt, nhằm trung hòa nền trắng quá sáng phủ trên bảng gỗ mà thời đó thường được dùng để vẽ tempera. Kỹ thuật này dần dần mất đi khi sơn dầu thay thế tempera. Tuy nhiên các họa sĩ ở Utrech (Hà Lan) sau này vẫn dùng lục đất để vẽ các chỗ tối trên da thịt, có lẽ vì một số đã học được kỹ thuật này ở Ý. Một số nhà nghiên cứu coi việc Vermeer dùng lục đất để vẽ bóng tối trên da thịt là bằng chứng rằng ông đã học vẽ ở Utrech chứ không phải ở Delft – thành phố quê hương ông. Có điều lạ là ông chỉ dùng lục đất để vẽ bóng tối da thịt trong những bức tranh cuối đời ông chứ không phải trước đó (Xem “Người chơi guitar” bên dưới).

ky thuat ve son dau co dien 9

(vii) Tiền bối của pointillism, lập thể, trừu tượng, dripping:

ky thuat ve son dau co dien 10

Vermeer dùng kỹ thuật chấm để vẽ tĩnh vật với bánh mì và giỏ trong bức “Người đàn bà rót sữa”. Kỹ thuật đó sau này được các họa sĩ ấn tượng và tân ấn tượng Pháp phát triển thành pointillism - kỹ thuật vẽ bằng các chấm màu để khi nhìn từ xa thì chúng hòa vào nhau theo quy luật hòa sắc quang học, tức là: (ánh sáng đơn sắc) đỏ + lục = vàng, lục + chàm = lam, chàm + đỏ = tím, và tất cả các ánh sáng đơn sắc trộn với nhau thì cho màu trắng.

ky thuat ve son dau co dien 11

Nét bút của Vermeer dần dần biến đổi từ tả rất thực đến ước lệ như khi vẽ các nếp tay áo trắng của người đàn bà viết thư. Mặt canvas lộ ra trong bóng tối của áo, trong khi các chỗ sáng được vẽ bởi các nhát bút chính xác như nhát dao cắt. Toàn bộ chi tiết, khi tách riêng, trông giống như một bức tranh nửa lập thể giải tích, nửa trừu tượng. Trong bức “Người đàn bà bên đàn virginal” Vermeer chỉ dùng vài vẩy bút với 36 màu xám và trắng để tả mạch đá hoa, tựa như kỹ thuật dripping của Jackson Pollock sau này.

- Nguyễn Đình Đăng -

>>> Tầm quan trọng của kỹ thuật vẽ sơn dầu

>>> Lịch sử kỹ thuật vẽ sơn dầu (Phần 1)

>>> Lịch sử kỹ thuật vẽ sơn dầu (Phần 2)

>>> Vật liệu vẽ sơn dầu (Phần 1)

>>> Vật liệu vẽ sơn dầu (Phần 2)

>>> Vật liệu vẽ sơn dầu (Phần 3)

>>> Vật liệu vẽ sơn dầu (Phần cuối)

0976984729