Ngôn ngữ trang trí của chất liệu sơn mài
Tính chất trang trí của chất liệu sơn mài Việt Nam đã được khẳng định thông qua việc dân gian xưa sử dụng chất liệu này trong chế tác tượng Phật, đồ thờ cúng, những hoành phi, câu đối, cửa võng... mang lại sự ấm cúng, trang nghiêm cho không gian tâm linh, tôn giáo. Với sơn mài, từ màu sắc, cách thức bố cục đến việc thể hiện chất liệu đều không theo quy luật của tả thực, của khối và không gian, ánh sáng, mà theo ngôn ngữ cách điệu của hình và sự vật. Cách biểu hiện tượng trưng đó hoàn toàn theo sự chủ động của người làm và theo quy luật tạo hình mặt phẳng, với sự cách điệu về hình thể, màu sắc. Đồ sơn mài cũng rất có lợi thế bởi chất sơn phủ ngay trên bề mặt đã có những yếu tố trang trí rõ rệt.
Trong nghệ thuật hội họa Việt Nam hiện đại, danh họa Nguyễn Gia Trí đã khiến cho chất liệu sơn ta được bay bổng và thoát ra từ chính tính chất trang trí đơn thuần, nâng tầm lên thành nghệ thuật với tư duy trừu tượng. Nhà nghiên cứu Thái Bá Vân nhận định: “Nguyễn Gia Trí bảo trừu tượng chính là chất của sơn mài. Sơn mài không có cái gì thực cả. Ông đã hưởng ứng nghệ thuật trừu tượng từ khi mới làm sơn ở trường Mỹ thuật Đông Dương, vào những năm 1930, rồi kết thúc cuộc đời hội họa của mình cũng ở trừu tượng”.
Rất nhiều họa sĩ tiếp cận sơn mài và dùng thủ pháp màu sắc tạo hình trên một mặt phẳng tuyệt đối. Không gian tượng trưng, ước lệ được sử dụng khá phổ biến, cùng với phương pháp cách điệu hình thể, nhấn mạnh tính cường điệu về màu đã làm cho tranh sơn mài có yếu tố tạo hình trang trí rõ rệt. Còn ở các sản phẩm, đồ vật được phủ sơn, đặc tính trang trí lại được nhấn mạnh nhiều hơn bởi đường nét, mảng miếng, họa tiết cách điệu. Cũng từ tính chất trang trí của sơn mài, người ta có thể thấy khả năng dễ ứng dụng và dễ làm một sản phẩm gia dụng hay một sản phẩm mang nhiều tính trang trí. Đặc trưng trang trí ở chất liệu sơn mài được thể hiện cụ thể ở chiều sâu chất liệu, chất cảm trên bề mặt, độ bền của chất liệu, tính dân tộc và tính truyền thống.
Chiều sâu chất liệu của sơn mài
Cách xử lý chất liệu sơn mài khác với màu sơn dầu, màu bột, màu nước. Khi pha với sơn cánh gián như một chất keo kết dính có màu nâu đậm thì màu sắc sẽ giảm độ tươi nhất định. Các sắc màu đậm, chắc, khỏe, vì vậy, không nổi bật trên bề mặt như các màu của chất liệu khác mà có cảm giác chìm sâu hơn. Do cách vẽ chồng nhiều lớp màu, rồi mài phẳng, nhẵn, làm cho các lớp hòa quyện có ảnh hưởng lẫn nhau, lớp màu tô sau không che lấp lớp màu trước, các chất liệu được tạo ở lớp dưới cũng hiện lên, do đó, màu sắc đạt được chiều sâu nhất định. Đó cũng là một đặc trưng ngôn ngữ của sơn mài.
Cách làm sơn mài truyền thống giúp giữ được mặt phẳng sâu, bóng, vì một màu được phủ nhiều lớp và mài phẳng nên chất sơn ta thấm sâu, tạo độ mọng, chắc của chất liệu. Ngược lại, trong việc làm sơn mài cách tân, người ta không sử dụng sơn truyền thống và mài cắt lớp chất liệu ít nên thiếu sự tinh tế sâu và độ mượt cho sản phẩm. Màu sơn công nghiệp không đẹp, sâu, huyền ảo như màu sắc và thể chất sơn ta. Do vậy, sản phẩm sơn công nghiệp cần được áp dụng những kỹ thuật màu sắc điêu luyện hơn để tránh độ rợ, độ trơ của màu. Thông thường, sau khi hoàn thiện, sản phẩm sơn công nghiệp lại được phun một lớp bóng nên gây cảm giác quá bóng bẩy, sặc sỡ.
Nhờ có độ phẳng nhẵn sau khi mài, mặt sơn sẽ bóng dần lên cho tới khi đạt một bề mặt láng bóng. Dưới một mặt phẳng nhẵn, bóng, người ta nhìn thấy nhiều lớp của màu sắc phía dưới, các màu sắc lại có ba cho tới bốn lớp chồng lên nhau, nên hiệu quả cuối cùng cho ra một lớp màu phẳng nhưng lại được tổng hợp từ nhiều chất màu. Người ta cũng có thể quan sát được chiều sâu của lớp màu ở dưới là chất liệu gì. Nhờ thế mà màu sắc sơn mài có sự biểu cảm về chiều sâu, sức nặng hơn so với màu sắc khác. Đó là một nét riêng biệt rõ rệt nhất của màu sơn mài. Khi cầm trên tay một sản phẩm sơn mài, người ta có thể dễ dàng cảm nhận được độ bóng, sâu của chất liệu, điều đó làm cho sản phẩm còn luôn có cảm giác mới, không cũ theo thời gian.
Trong nghệ thuật sơn mài, cũng có thể tả nhiều chất gợi lên chiều sâu. Khi dùng nhiều chất, sơn cánh gián có độ sâu, trầm sẵn có, lại phủ lên một màu làm cho màu ấy tối đi, bề mặt gợi cảm giác sâu lắng xuống. Cũng có thể dùng bạc rây nhỏ, hoặc bạc dán, nhuộm màu phủ sơn cánh gián lên thì sẽ tạo độ sâu nhưng lại rất trong của màu. Như vậy, trên bề mặt sơn mài có thể gợi tả về chiều sâu bằng các kỹ thuật riêng. Độ sâu lắng của màu kết hợp với sự biểu diễn chất trên bề mặt phong phú sẽ làm cho mặt phẳng sơn mài rất có giá trị, gợi thể tích, sức nặng của chất liệu. Đây cũng là ngôn ngữ chất liệu đặc trưng nhất ở sơn mài.
Tát nước đồng chiêm. Họa sĩ Trần Văn Cẩn
Chất cảm trên bề mặt sản phẩm
Các chất liệu nói chung có khả năng biểu diễn chất cảm. Chất cảm là tổ chức nhìn thấy của bề mặt vật thể, nó có thể tạo sự nhận biết về chất của một vật liệu nào đó. Bảng màu sơn mài tuy không chuyển nhiều sắc độ nhưng lại có sự chuyển động về bề mặt, tạo sự phong phú về chất cảm. Cùng là một lớp chất liệu nhưng mang nhiều trạng thái khác nhau, khi là màu nguyên, khi được hòa trộn với các chất liệu khác như bạc, vỏ trai, vỏ trứng để tạo thành một hình thái màu mới. Cách đó gọi là vẽ gián tiếp.
Có thể nói rằng, màu sơn mài tạo nên một mặt phẳng nhẵn, bóng bẩy, lung linh các tầng lớp chất liệu, đẹp huyền ảo. Chất trong veo của bạc lá dán mỏng phủ sơn, vàng ruộm của vàng quỳ thếp, chất đanh xốp của vỏ trứng, chất màu nền đen sâu thẳm, sắc đỏ thắm nổi bật, tất cả tạo thành một bản nhạc du dương của màu sắc. Bề mặt phẳng nhẵn, độ bóng cao làm cho màu càng thêm sâu hơn. Do vậy, chất sơn tạo nên sức hấp dẫn bề mặt hơn nhiều so với các chất liệu khác như bột màu, thuốc nước.
Sơn mài có lợi thế ở sức hấp dẫn bề mặt và đó là nguyên nhân cơ bản để các sản phẩm mỹ nghệ sơn mài có thể đứng được bên cạnh những sản phẩm khác đang cạnh tranh về mẫu mã, hình thức, công nghệ sản xuất, giá thành kinh tế. Sản phẩm sơn mài có thể chất lạ hơn rất nhiều so với những sản phẩm khác nói chung như gỗ, đá, thủy tinh, kim loại…
Độ bền của chất liệu
Khi được đưa vào sử dụng, một sản phẩm sơn mài đã trải qua một loạt những quá trình sản xuất khắt khe, chính xác. Hơn nữa, trong điều kiện khí hậu nóng ẩm gió mùa ở nước ta, nhiều loại vật liệu không có độ bền cao với thời gian, như sắt thép dễ bị ôxy hóa bởi độ ẩm cao, đồ gỗ dễ bị cong vênh, sản phẩm mây tre dễ bị mối, mọt, ẩm mốc. Một sản phẩm ứng dụng được làm từ sơn mài truyền thống, làm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ tránh nhiều hạn chế như các chất liệu nói trên. Điều này đã minh chứng từ xa xưa qua những đồ vật thờ cúng, hoành phi câu đối, hay bình phong mà cha ông ta đã để lại. Các sản phẩm đó có thể trường tồn mãi với thời gian vì cốt sản phẩm đã là cốt gỗ, sau đó bao phủ rất nhiều lớp sơn bên ngoài, được làm phẳng, nhẵn rồi mới sơn ba, bốn lớp màu trang trí, tạo độ bền cao.
Tính dân tộc và tính truyền thống
Nhà nghiên cứu Hoài Phương viết: “Tính dân tộc trong nghệ thuật là một thuộc tính sẵn có, nằm trong hiện thực khách quan, được bắt nguồn trong cuộc sống và được chi phối, hình thành, phát triển theo những quy luật đặc thù của dân tộc. Thuộc tính này được hình thành do những đặc điểm sinh hoạt xã hội, địa lý, nhất là những vấn đề thuộc về tâm lý, tình cảm của một dân tộc”.
Sơn mài truyền thống Việt Nam vừa là biểu tượng văn hóa và cũng là biểu tượng hàng hóa. Hai chức năng này song hành phát triển để hình thành hai khuynh hướng: mỹ thuật và mỹ nghệ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hải Yến, trong bài viết Hành trình về sơn mài, đã nhận xét: “Đối với người Việt Nam, hai từ sơn mài, dù là ở dạng mỹ nghệ hay những tác phẩm hội họa, không hề xa lạ mà luôn thấm đẫm tinh thần xưa cũ, trí tuệ, từ bàn tay nghệ nhân đến xúc cảm trong tâm hồn nghệ sĩ. Lần giở từng trang sử mới thấy sự hiện hữu của sơn mài thật kỳ vĩ, phong phú, trải dài hàng ngàn năm, thật khó có chất liệu nào sánh kịp”.
Ở Việt Nam, sơn mài được biết đến như một chất liệu đặc trưng dân tộc, hài hòa giữa hai yếu tố truyền thống - hiện đại, giữ được những tinh hoa của truyền thống như mặt phẳng nhẵn, bóng, chiều sâu và nhiều lớp chất liệu. Yếu tố hiện đại được thể hiện ở chỗ, mặt sơn có thể phù hợp với tạo hình, tạo dáng hiện đại theo phong cách mềm mại hay khỏe khoắn, họa tiết trang trí cụ thể hoặc trừu tượng, mảng miếng.
Trong truyền thống, Trung Quốc, Nhật Bản cũng có chất liệu sơn, nhưng vẫn là một chất liệu trang trí thuần túy với các sản phẩm đồ dùng, đồ mỹ nghệ. Chỉ riêng Việt Nam có song song hai dòng sơn mài ứng dụng và nghệ thuật hội họa sơn mài, kể từ khi có trường Mỹ thuật Đông Dương, năm 1925. Những năm 70 TK XX, khi hội họa sơn mài Việt Nam bắt đầu gây được tiếng vang trên thế giới, Trung Quốc đã cử hai họa sĩ sang Việt Nam học làm tranh sơn mài với họa sĩ Hoàng Tích Chù. Người Trung Quốc sớm nhận thấy sự độc đáo của nghệ thuật màu sắc và chất liệu của tranh sơn mài Việt Nam, với kỹ thuật thể hiện chất liệu riêng, không giống bất kỳ thể loại nghệ thuật nào khác.
Những đặc trưng cơ bản, sự đa dạng, phong phú trong các hình thái biểu hiện, ngôn ngữ chất liệu riêng biệt đã tạo nên một dòng chảy nghệ thuật trang trí sơn mài truyền thống và hiện đại có khả năng cập nhật nhiều xu hướng sáng tạo mới. Tuy nhiên, hiện nay, sáng tác hội họa sơn mài cũng như sản xuất sản phẩm mỹ nghệ sơn mài đều gặp phải những khó khăn, thách thức bởi tính chất vận động và thay đổi liên tục của cuộc sống, đòi hỏi người thiết kế, sáng tạo cần phát huy, đổi mới liên tục.
Gấc. Họa sĩ Nguyễn Đức Việt
Hoàng hôn trên biển. Họa sĩ Trịnh Thanh Tùng
Nét xuân. Họa sĩ Nguyễn Thục Uyên
Trưa hè
- Nguyễn Thanh Giang -
>>> Chất liệu tạo nên bức tranh sơn mài nổi tiếng
>>> Tranh sơn mài Việt Nam (Phần 1)
>>> Tranh sơn mài Việt Nam (Phần 2)
>>> Tranh sơn mài Việt Nam (Phần 3)